Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ hai 14 tháng 8 năm 2023

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Thượng đỉnh Mỹ-Hàn-Nhật, một đột phá ngoạn mục

    Lê Tây Sơn/SGN
    14/8/2023

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/GettyImages-1485606962.jpg


    Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Yoon Suk-yeol tại Tòa Bạch Ốc (ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images) 

    Các lãnh đạo Mỹ, Nhật, Hàn đang chuẩn bị gặp nhau và thống nhất cuộc tập trận thường niên. Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Tổng thống Joe Biden tại Trại David cũng sẽ gắn kết hơn nữa với các đồng minh châu Á trước mối đe dọa từ hiện hữu từ Trung Quốc (TQ).

    Ba quốc gia đã thực hiện xong những bước vận động ngoại giao và xây dựng niềm tin. Giờ đây, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục làm cho mối quan hệ ba bên bền vững hơn, đặc biệt là về hợp tác quân sự với các cuộc tập trận chung hàng năm. Đây là bước nhảy vọt ấn tượng so với cách nay hai năm, khi Tokyo và Seoul hầu như không nói chuyện với nhau!

    Những thay đổi sẽ được thể hiện vào ngày thứ Sáu, 18 Tháng Tám khi Tổng thống Biden chuẩn bị tiếp đón Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Trại David. Đối phó TQ và Bắc Hàn là mục tiêu chính của cuộc gặp ba bên, mà điểm nhấn là hai điều xảy ra “lần đầu tiên”.

    “Lần đầu tiên” thứ nhất là Biden chào đón hai lãnh đạo đồng minh tại nơi nghỉ dưỡng của tổng thống ở vùng nông thôn Maryland, và “lần đầu tiên” thứ hai các lãnh đạo của ba quốc gia tham gia một hội nghị thượng đỉnh riêng rẻ, thay vì “ăn theo” một sự kiện khác.

    Dự kiến, ba nhà lãnh đạo sẽ ra tuyên bố chung về việc tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung hàng năm với nhiều lực lượng khác nhau. Họ cũng có kế hoạch biến hội nghị thượng đỉnh thành một sự kiện độc lập và diễn ra hàng năm. Cụ thể, các cố vấn an ninh quốc gia của ba quốc gia sẽ gặp nhau hai lần một năm và một đường dây nóng dành cho ba nhà lãnh đạo đang được thiết lập. Ba quốc gia cũng lên kế hoạch hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn và cố gắng bảo vệ chuỗi cung ứng khỏi bị ảnh hưởng bởi TQ.

    Rahm Emanuel, đại sứ Mỹ tại Nhật Bản nhận định: “Khi Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sát cánh bên nhau, cục diện chiến lược sẽ thay đổi một cách cơ bản”. TQ, Bắc Hàn và Nga đang củng cố mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn của riêng họ, gồm cả cuộc tuần tra hải quân chung Trung-Nga gần đây gần Alaska. Bắc Hàn đang thúc đẩy chương trình hạt nhân của mình với các vụ phóng thử thường xuyên.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/GettyImages-1529218945.jpg

    Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Fumio Kishida (ảnh: Beata Zawrzel/NurPhoto via Getty Images) 

    Mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Seoul và Tokyo, có đóng góp của Tổng thống Yoon, đã mở ra cơ hội cho hai đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ hợp tác chặt chẽ với nhau hơn. Yoon và Kishida cùng xu hướng bảo thủ đã có chuyến thăm qua lại và hàng chục cuộc gặp tay ba liên quan đến các quan chức hàng đầu đã diễn ra. Đây là bước tiến vượt bậc khi mối quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và Nhật Bản bị trượt dốc đột ngột cách nay vài năm.

    Tongfi Kim, giáo sư địa chính trị châu Á tại Trường Quản trị Brussels, xem “Việc xác định các lợi ích chung vào lúc này để giữ mối quan hệ ba bên bền chặt sẽ là mục tiêu quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh Trại David. Về cơ bản, giữ cho các bên không thể chia tay trong tương lai phải là ưu tiên”. Các cuộc tập trận quân sự hàng năm sẽ bao gồm huấn luyện theo dõi và tiêu diệt hoả tiễn đạn đạo bằng việc kết hợp các hệ thống radar, vệ tinh và vũ khí được ba đồng minh sử dụng trong thời gian thực. Theo truyền thống, quân đội Hoa Kỳ đã hợp tác chặt chẽ nhưng riêng biệt với quân đội của Nhật Bản và Hàn Quốc, dù cả hai đều là đồng minh của Mỹ.

    Tháng Bảy qua, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân đã có những cuộc gặp với những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản; mở đầu là cuộc gặp ba bên ở Hawaii, sau đó là cuộc gặp riêng rẽ ở Seoul và Tokyo. Theo các quan chức biết về vấn đề này, Mỹ đã thúc đẩy hai nước hợp tác với nhau và các bên đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc cho các cuộc tập trận chung.

    Nhiều người Hàn Quốc cảnh giác vai trò của quân đội Nhật Bản trong khu vực vì họ bị ám ảnh bởi sự xâm lược của Nhật Bản vào đầu thế kỷ 20. Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ 1910 đến 1945, và đã có bất đồng trong vài năm gần đây liên quan đến những tồn tại lịch sử. Theo các chuyên gia an ninh, quan hệ đối tác quốc phòng trực tiếp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản hiện chưa phát triển lắm. Hệ thống phòng thủ tên lửa của hai bên không được liên kết chặt chẽ và không có hiệp ước chia sẻ nguồn cung cấp như đạn dược, nước và nhiên liệu nếu một trong hai bên bị tấn công.

    Theo Emanuel, đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, “Điều quan trọng là Nhật Bản và Hàn Quốc phải làm việc trực tiếp với nhau. Ba bên ngồi cùng bàn đã là rất thành công và sẽ được thể chế hóa nhưng Nhật-Hàn không chỉ nói chuyện qua trung gian chúng tôi mà cần nói chuyện trực tiếp với nhau”.

    Trại David, cách Washington, DC 60 dặm là nơi nghỉ dưỡng nông thôn của các tổng thống Hoa Kỳ. Biden đã đến đó hơn hai chục lần, nhưng vẫn chưa đón tiếp nhà lãnh đạo nước ngoài nào ở đó, giống như cựu Tổng thống Barack Obama từng làm. Đầu tháng này, tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times), cái loa tuyên truyền của Đảng Cộng sản TQ, đã chỉ trích hội nghị thượng đỉnh Trại David và cảnh báo “Việc Hoa Kỳ có ý đồ tạo ra một liên minh kiểu Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong khu vực sẽ gây nguy hiểm cho cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc”.

    Tháng Bảy qua, Wang Yi (Vương Nghị), một quan chức hàng đầu của TQ đã cảnh báo Nhật Bản và Hàn Quốc “không nên xích lại gần phương Tây. Vì cho dù bạn có nhuộm tóc vàng thế nào hay làm mũi nhọn ra sao, bạn sẽ không bao giờ biến thành người châu Âu hay người Mỹ được”. Về phần mình, Bắc Hàn tố cáo sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Washington, Tokyo và Seoul là “một phần trong các âm mưu thâm độc mới”.

    Phó Tổng thống Đài Loan quá cảnh ở Mỹ trên đường tới Paraguay, Trung Quốc đe dọa đáp trả

    Phó Tổng thống Đài Loan quá cảnh ở Mỹ trên đường tới Paraguay, Trung Quốc đe dọa đáp trả

    Phó Tổng thống Đài Loan kiêm Chủ tịch Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền Lại Thanh Đức ra hiệu trong bài phát biểu tại trụ sở DPP ở Đài Bắc, hôm 12/4/2023. (Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty Images) 

    Giới chức Đài Loan cho biết chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể sắp tiến hành các cuộc diễn tập quân sự gần Đài Loan vào tuần tới, lấy việc Phó Tổng thống Lại Thanh Đức có chuyến thăm Mỹ như một cái cớ để đe dọa cử tri trước cuộc bầu cử vào năm sau và khiến họ ‘lo sợ chiến tranh’’.

    Theo đó, ông Lại Thanh Đức đã quá cảnh tại Mỹ trên đường đến và đi từ Paraguay để tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Santiago Pena và dự kiến ​​sẽ dừng chân lần thứ hai (hôm 18/8) tại thành phố San Francisco của Mỹ trên đường trở về Đài Bắc.

    Ông là người hiện đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua cho chức tổng thống Đài Loan vào tháng Giêng.

    Theo phần mềm giám sát chuyến bay Flightradar24, chiếc máy bay China Airlines của ông Lại từ Đài Bắc đã hạ cánh xuống sân bay John F. Kennedy của New York vào lúc 8:15 tối (theo giờ địa phương).

    Hãng tin Reuters cho hay, theo các nhà chức trách được thông báo về chuyến đi, cả Đài Loan và Hoa Kỳ đều không cung cấp thông tin chi tiết cụ thể về hành trình tới Hoa Kỳ của ông.

    Bắc Kinh có thể thực hiện các hoạt động diễn tập tương tự như đã từng làm vào hồi tháng Tư để ‘đe dọa các cử tri Đài Loan cũng như các nước khác trong khu vực về mặt quân sự’, hãng tin Reuters dẫn lời quan chức Đài Loan ẩn danh cho hay.

    Các cuộc diễn tập vào tháng 4/2023 bao gồm thực hành phong tỏa, trong một phản ứng giận giữ khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ trong chuyến dừng chân của bà Thái tại tiểu abng Los Angeles.

    “Họ rất có thể sử dụng việc này như một cái cớ và thông báo ‘diễn tập’ quanh eo biển Đài Loan”, một trong những nguồn tin, một quan chức cấp cao quen thuộc với các kế hoạch quốc phòng của Đài Loan, cho hay.

    “Họ muốn gia tăng nỗi lo sợ chiến tranh và khiến các cử tri Đài Loan bỏ phiếu ủng hộ sự lựa chọn của họ”, quan chức này cho biết.

    Trung Quốc đe dọa đáp trả

    Đài Bắc và Washington coi việc các quan chức Đài Loan dừng chân tại Hoa Kỳ thông lệ và không có lý do nào để Trung Quốc thực hiện các hành động “khiêu khích”. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã tức giận trước điều mà họ coi là bằng chứng mới về sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan.

    Chính quyền Trung Quốc tuyên bố hòn đảo này là của riêng mình, mặc dù Đài Loan là một quốc gia độc lập trên thực tế, có quân đội, chính phủ được bầu cử dân chủ và hiến pháp riêng.

    Hãng tin Al Jazeera đưa tin, hôm 13/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức quá cảnh ở Mỹ 2 lần trong một tuần.

    Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay nước này cam kết thực hiện “các biện pháp kiên quyết và mạnh mẽ” trước việc ông Lại quá cảnh Mỹ.

    Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Đài Loan là “giá trị cốt lõi của Trung Quốc”. Cơ quan này nhấn mạnh rằg, trên thực tế, lý do khiến căng thẳng gia tăng ở Eo biển Đài Loan là do Đài Loan đang cố gắng “dựa vào Mỹ để đòi độc lập”.

    “Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến và sẽ thực hiện các biện pháp kiên quyết và mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay.

    ‘Chuyến công du riêng tư và không chính thức’

    Phát biểu trước báo giới trước khi rời Đài Loan, ông Lại Thanh Đức chỉ đề cập thoáng qua Hoa Kỳ trong chuyến đi của mình, chỉ nói rằng ông sẽ đến New York trước.

    Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, chặng dừng chân tại Mỹ của ông Lại sẽ là chặng dừng chân thứ 11 của một phó tổng thống Đài Loan và sẽ là “riêng tư và không chính thức”.

    Mặc dù Washington không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc, nhưng là nguồn cung cấp vũ khí quốc tế quan trọng nhất của nước này, và tình trạng của hòn đảo này là nguồn cơn khiến Washington với Bắc Kinh thường xảy ra xích mích.

    Paraguay là một trong số ít các quốc gia còn lại trên thế giới vẫn duy trì quan hệ chính thức với Đài Loan.

    Ông Lại Thanh Đức đã đến thăm Hoa Kỳ với tư cách là Phó Tổng thống Đài Loan vào tháng 1/2022, trong chuyến công du tới Honduras, đồng minh lúc bấy giờ của hòn đảo. Tuy nhiên, hiện Honduras đã xoay trục sang Trung Quốc vào đầu năm 2023.

    Ông Lại tuyên bố rằng ông sẽ tận dụng chuyến công du tới Paraguay không chỉ để tăng cường quan hệ với quốc gia đó, mà còn nhằm tổ chức các cuộc tiếp xúc “tự tin” với các quốc gia khác và gặp gỡ các phái đoàn từ các đối tác cùng chí hướng. Tuy nhiên, ông không nêu rõ đối tượng cụ thể.

    Phó Tổng thống Đài Loan tuyên bố rằng điều này sẽ “khiến cộng đồng quốc tế hiểu rằng Đài Loan là một quốc gia tôn trọng dân chủ, tự do và nhân quyền, đồng thời tích cực tham gia vào các vấn đề quốc tế”.

    Ông Lại đã đến Honduras vào năm ngoái để dự lễ nhậm chức tổng thống của nước này và đã có một cuộc hội đàm ngắn nhưng mang tính biểu tượng ở đó với Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris. Hoa Kỳ chưa tiết lộ ai sẽ đến Paraguay vào tuần tới.

    Trước khi rời đi, ông Lại đã viết bằng tiếng Anh trên mạng xã hội X, trước đây gọi là Twitter, rằng ông “rất vui mừng được gặp gỡ những người bạn Hoa Kỳ đang quá cảnh” và rằng ông sẽ đến Paraguay, một trong 13 quốc gia duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.

    Bà Laura Rosenberger, chủ tịch của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT), một tổ chức phi lợi nhuận do chính phủ Hoa Kỳ điều hành duy trì các mối quan hệ không chính thức với Đài Loan, đã trả lời trên nền tảng X rằng AIT rất mong được tiếp đón ông “trong thời gian ông quá cảnh trên đường đến Paraguay”.

    Huyền Anh tổng hợp

    Mỹ, Nhật cùng phát triển tên lửa đánh chặn vũ khí siêu thanh

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/vukhisiuthanh.jpg

    Trong tuần này, Nhật Bản và Mỹ sẽ tuyên bố cùng phát triển một tên lửa đánh chặn nhằm chống lại các đầu đạn siêu thanh của Trung Quốc, Nga và Triều Tiên, tờ báo Yomiuri của Nhật Bản đưa tin hôm Chủ nhật (13/8).

    Tờ báo cho hay, thỏa thuận về các tên lửa đánh chặn nhằm vào các vũ khí được thiết kế để tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hiện có, có khả năng đạt được trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Mỹ vào ngày 18/8 tới.

    Không giống như các đầu đạn đạn đạo thông thường, bay theo quỹ đạo có thể dự đoán được khi chúng rơi từ không trung đến mục tiêu, các đầu đạn siêu thanh có thể thay đổi hướng đi, khiến chúng khó nhắm mục tiêu hơn.

    Theo Yomiuri, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh 3 bên với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại khu nghỉ dưỡng của Tổng thống Mỹ ở Camp David, Maryland.

    Hồi tháng 1, Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí xem xét phát triển tên lửa đánh chặn tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cùng những người đồng cấp Nhật Bản là Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi và Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada.

    Nếu thông tin này xác thực, đây sẽ là lần hợp tác thứ hai của Mỹ – Nhật trong công nghệ phòng thủ tên lửa.

    Trước đó, Washington và Tokyo đã phát triển một loại tên lửa tầm xa hơn được thiết kế để tấn công các đầu đạn trong không gian mà Nhật Bản đang triển khai trên các tàu chiến ở vùng biển giữa Nhật Bản và Bán đảo Triều Tiên để đề phòng các cuộc tấn công bằng tên lửa của Triều Tiên.

    Nhật Minh (Theo Reuters)

    Financial Times: Để trốn quân dịch, một người Ukraine có thể phải hối lộ tới 10.000 USD

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/trongquandich.jpg

    Một người bị đội bắt lính Ukraine chộp ngay ngoài phố để tống vào xe van. Những trường hợp này có thể đưa ra tuyến đầu thậm chí chỉ sau vài tuần huấn luyện sơ sài. (Ảnh cắt từ video của RFE/RL (Đài tự do Châu Âu) hồi tháng 3) 

    Hiện nay đàn ông 18–60 tuổi không được phép rời Ukraine do thiết quân luật từ tháng 2/2022. Theo Financial Times báo cáo 12/8, họ có thể hối lộ để trốn bắt lính, với chi phí dao động từ 2.000 tới 10.000 đô la. Hoặc có thể làm giả hồ sơ y tế với chi phí khoảng 6.000 đô la để trốn bị bắt lính với lý do sức khỏe kém. Đương nhiên, còn phương án liều vượt biên, với các chi phí khác nhau, thậm chí có thể mất mạng. Bài báo được đưa ra ngay sau khi Ukraine tuyên bố sa thải tất cả người đứng đầu các cơ sở quân dịch địa phương vì hủ hóa.

    Báo chí phương Tây —Reuters, Financial Times, The Guardian, New York Times, v.v.— đồng loạt có các bài báo cáo khác nhau sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sa thải tất cả người đứng đầu các cơ sở quân dịch địa phương. Đã có 112 thủ tục tố tụng được tiến hành. Những lãnh đạo nào dù không tìm thấy chứng cứ tội phạm, cũng vẫn bị cách chức, và nếu muốn giữ được quân hàm thì phải chuyển sang hoạt động ở tiền tuyến, theo ông Zelensky. Theo Pravda Ukraine, có khả năng Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cũng sẽ mất chức.

    Như đã đưa tin, Trí thức VN đã nói về nội dung của tuyên bố của ông Zelensky, và đã dẫn nguồn BBC và Reuters minh họa một số chi tiết. Bài này là căn cứ theo Financial Times chuyên về vấn đề tham nhũng và hối lộ trong vụ việc này.

    Video của The Guardian (Anh): Một phụ nữ tìm cách cản trở lực lượng quân đội Ukraine, người đang tìm cách lôi chồng của cô đi lính: 

    Phỏng vấn và điều tra của France24 (Pháp) hồi tháng 4/2023: Nhiều thanh niên Ukraine trốn trong nhà để khỏi bị chộp bởi đội ngũ bắt lính hoạt động ngoài phố, trong đó có báo cáo chi phí trung bình 7.000 euro (khoảng 7.670 USD) hối lộ cho quan chức quân dịch để khỏi bị bắt lính: 

    Quan ngại của RFE/RL (Mỹ) hồi tháng 3 về nạn dùng bạo lực cưỡng bức nhập ngũ ở Ukraine, trong đó có nhiều cảnh quay chộp và đánh đập người ngay ngoài đường phố. Trong video này cho biết những lính mới này hầu như không được đào tạo gì trước khi được đưa ra tiền tuyến:

    Điều tra sơ bộ về hủ hóa trong bộ máy quân dịch của Ukraine vừa qua tại 11 khu vực khác nhau trên toàn quốc. Kết quả cho thấy các địa phương tuy có khác nhau về chi phí để có thể trốn quân dịch, nhưng nói chung các nơi đều có phương án thuận tiện nhất là chi phí tương đương khoảng 6.000 đô la Mỹ để có được giấy tờ giả về sức khỏe, đảm bảo thuộc diện không đủ sức khỏe ra chiến trường.

    Người đứng đầu cơ quan tuyển quân của Odessa, Yevhen Borysov, người vừa bị bắt và tạm giam chờ xét xử vì nhận hối lộ để cho phép trốn quân dịch với, được cho là đã nhận tổng cộng hơn 5 triệu đô la Mỹ.

    Với mỗi người mà ông cho trốn quân dịch, thì phần chia sẻ mà ông nhận được dao động từ 2.000 đô la tới 10.000 đô la — tùy theo các ‘lựa chọn’ trốn lính khác nhau. Ước tính ông đã ‘giúp’ hàng trăm, hoặc có thể cả nghìn người trốn quân dịch.

    Công tố viên cho biết những đồng tiền phi pháp của ông đã được dùng để mua một villa ở Tây Ban Nha hồi tháng 12/2022 trị giá 4,2 triệu euro (4,6 triệu đô la Mỹ), và để chi trả cho các chuyến đi nghỉ ngoại quốc bất hợp pháp của mình (hiện nay quan chức Ukraine không được rời khỏi đất nước trừ phi do nhu cầu công tác, do tình trạng thiết quân luật của quốc gia này).

    Ông Borysov hiện nay phủ nhận cáo buộc này, và nói ông không biết làm thế nào mà mẹ của mình có thể mua được dinh thự xa hoa như vậy.

    Khi hối lộ quan chức hay làm chứng từ y tế giả quá khả năng chi trả, thì trốn qua biên giới cũng là một giải pháp, Financial Times bình luận.

    Người phát ngôn lực lượng biên phòng Ukraine Andiry Demchenko cho biết tổng cộng có 13.600 người đàn ông đã bị bắt khi cố gắng vượt biên sang các nước láng giềng bên ngoài các trạm kiểm soát chính thức, và 6.100 người khác đã bị bắt khi sử dụng giấy tờ giả tại các cửa khẩu biên giới thông thường. Ông nói, số lượng hàng ngày đã giảm trong những tháng gần đây, chỉ còn khoảng một phần ba so với khi bắt đầu cuộc chiến tranh vào tháng 2/2022.

    Đây là bức tranh khác xa với các miêu tả của phe ủng hộ chính quyền Kiev, nơi hình ảnh ông Zelensky được miêu tả như ‘chiến thần’ và nhân dân Ukraine dũng cảm quên mình cho sự nghiệp trở thành cái khiên bảo vệ một cách vô tư cho châu Âu và cho nền dân chủ của toàn thế giới.

    Con số bị bắt qua biên giới đại diện cho số tân binh tiềm năng của Ukraine. Tuy được coi là ít, nhưng nó vẫn tương đương với khoảng 5 lữ đoàn. Ngoài ra, vẫn không thể biết có bao nhiêu người đã trốn thoát mà không bị phát hiện.

    Một người đàn ông 40 tuổi có biệt danh là George Ivensiya trên mạng xã hội vì sợ bị trừng phạt đã tìm cách vượt biên trái phép vào Romania vào cuối tháng 7. Anh ấy đã viết trên kênh Telegram của mình rằng việc vượt biển là “khó khăn” và “không dành cho những người không phù hợp”, và không đi sâu vào bất kỳ chi tiết cụ thể nào. Anh lập luận rằng anh không sẵn sàng đấu tranh cho chính quyền Kiev hiện tại, mô tả họ là bộ máy tham nhũng và không hoạt động vì lợi ích của người dân Ukraine.

    Hiện đang ở Cộng hòa Séc với vợ, George đang bán con đường trốn chạy của mình cho những ai cũng muốn trốn quân dịch khác với giá 1.000 đô la. Anh nói rằng anh nhận được khoảng chục tin nhắn mỗi ngày. Chủ yếu từ những người đàn ông, nhưng cũng có những phụ nữ viết thay mặt cho người thân và bạn bè của nam giới, nói rằng họ cũng muốn trốn đi.

    Video những người nhập ngũ ‘bất đắc dĩ’ bị cán bộ tuyển quân tống vào xe van, những người đi hộp đêm bị chộp và nhận giấy nhập ngũ tại chỗ, hoặc các video về những người vượt biên bằng cách náu mình trong tàu hỏa hay xe tải là nội dung thường xuyên xuất hiện trên tin tức Ukraine. Nhiều thị trấn có các nhóm Telegram của riêng họ dành riêng cho nơi ở của các sĩ quan tuyển dụng đang tuần tra. Một loạt vụ bê bối tham nhũng gần đây cho thấy một số người đang trả hàng ngàn đô la để có được giấy miễn trừ nhập ngũ.

    Nam thanh niên từ 18–25 tuổi chưa từng phục vụ trong quân đội và những người lao động thiết yếu không thể bị động viên, nhưng họ vẫn có nghĩa vụ phải đăng ký với văn phòng tuyển dụng địa phương và thông báo cho họ về bất kỳ thay đổi nào về tình trạng của họ.

    Nhật Tân

    Mỹ: Điều tra về công tác cảnh báo khi số người chết vì cháy rừng ở Hawaii lên tới 80

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/chayrung.jpg

    Số người chết vì cháy rừng ở Maui của bang Hawaii đã tăng lên 80 người khi các đội tìm kiếm rà soát những tàn tích âm ỉ tại thị trấn Lahaina. Trong khi đó, các quan chức đang xác định xem ngọn lửa đã lan nhanh như thế nào qua khu vực nghỉ dưỡng mà không có chút cảnh báo.

    Tổng chưởng lý của bang Hawaii cho biết hôm thứ Sáu rằng bà đang mở một cuộc điều tra về cách các nhà chức trách ứng phó với các vụ cháy rừng kinh hoàng khiến ít nhất 80 người thiệt mạng và 1.418 người phải sơ tán khẩn cấp, theo số liệu mới nhất.

    Văn phòng Tổng chưởng lý Anne Lopez cho biết trong một tuyên bố: “Tổng chưởng lý sẽ tiến hành đánh giá toàn diện các chính sách thường trực và ra quyết định quan trọng dẫn đến, trong và sau các vụ cháy rừng ở đảo Maui và Hawaii trong tuần này”.

    Hỏa hoạn đã trở thành thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử Hawaii, vượt qua thảm họa sóng thần giết chết 61 người trên Đảo Lớn của Hawaii vào năm 1960, một năm sau khi Hawaii gia nhập Hoa Kỳ.

    Được thúc đẩy bởi điều kiện khô hạn, nhiệt độ nóng và gió mạnh từ một cơn bão đi qua, ít nhất ba đám cháy rừng đã bùng phát ở Maui trong tuần này, chạy qua những bụi cây khô cằn bao phủ hòn đảo.

    Các quan chức của Hạt Maui cho biết trong một tuyên bố trực tuyến rằng các nhân viên cứu hỏa tiếp tục chiến đấu với ngọn lửa vẫn chưa được khống chế hoàn toàn. Cư dân Lahaina lần đầu tiên được phép trở về nhà để đánh giá thiệt hại.

    Các quan chức đã cảnh báo rằng các đội tìm kiếm với chó nghiệp vụ vẫn có thể tìm thấy nhiều người chết hơn trong vụ hỏa hoạn vốn đã thiêu rụi 1.000 tòa nhà và khiến hàng nghìn người mất nhà cửa và có thể sẽ cần nhiều năm và tốn hàng tỷ đô la để xây dựng lại.

    Ba ngày sau thảm họa, vẫn chưa rõ liệu một số cư dân có nhận được bất kỳ cảnh báo nào trước khi ngọn lửa nhấn chìm ngôi nhà của họ hay không.

    Hòn đảo có còi báo động khẩn cấp nhằm cảnh báo thiên tai và các mối đe dọa khác, nhưng chúng dường như không vang lên trong đám cháy.

    “Tôi đã ủy quyền cho một cuộc đánh giá toàn diện vào sáng nay để đảm bảo rằng chúng tôi biết chính xác điều gì đã xảy ra và khi nào,” Thống đốc Hawaii Josh Green nói với CNN, đề cập đến còi báo động.

    Các quan chức đã không cung cấp một bức tranh chi tiết về chính xác những thông báo nào đã được gửi đi và liệu chúng được thực hiện qua tin nhắn văn bản, email hay cuộc gọi điện thoại.

    Trưởng phòng cứu hỏa Hạt Maui, Bradford Ventura, cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm rằng tốc độ của đám cháy khiến những người phản ứng ở tuyến đầu “gần như không thể” liên lạc với các quan chức quản lý tình trạng khẩn cấp, những người thường đưa ra các lệnh sơ tán theo thời gian thực.

    Ông nói: “Về cơ bản, họ đã tự sơ tán mà không cần thông báo gì nhiều,” ông nói, ám chỉ những cư dân của khu phố nơi đám cháy ban đầu xảy ra.

    Vụ cháy Maui là vụ cháy rừng mới nhất xảy ra vào mùa hè này trên toàn cầu.

    Hỏa hoạn đã buộc hàng chục nghìn người ở Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các khu vực khác của châu Âu phải sơ tán, trong khi ở phía tây Canada, khói từ một loạt đám cháy nghiêm trọng bao trùm một vùng rộng lớn ở Trung Tây và Bờ Đông Hoa Kỳ.

    Thảm họa ở Hawaii bắt đầu xảy ra ngay sau nửa đêm ngày thứ Ba khi một đám cháy được báo cáo xảy ra ở thị trấn Kula, cách Lahaina khoảng 56km. Khoảng năm giờ sau vào buổi sáng hôm đó, điện bị cắt ở Lahaina, theo người dân.

    Tuy nhiên, đến chiều hôm đó, tình hình đã trở nên nghiêm trọng. Vào khoảng 3:30 chiều giờ địa phương (01:30 GMT Thứ Tư), ngọn lửa Lahaina bất ngờ bùng lên. Một số cư dân bắt đầu sơ tán trong khi mọi người, bao gồm cả khách của khách sạn, ở phía tây của thị trấn được hướng dẫn trú ẩn tại chỗ.

    Trong những giờ sau đó, Hạt đã đăng một loạt lệnh sơ tán trên Facebook khi ngọn lửa lan rộng khắp thị trấn.

    Một số nhân chứng cho biết họ không được thông báo trước, mô tả nỗi kinh hoàng của họ khi ngọn lửa thiêu rụi Lahaina chỉ trong vài phút. Một số người buộc phải nhảy xuống biển Thái Bình Dương để tự cứu mình.

    Andrew Rumbach, chuyên gia về khí hậu và cộng đồng tại Viện Đô thị ở Washington, cho biết việc sơ tán Lahaina rất phức tạp do vị trí ven biển của nó cạnh những ngọn đồi, nghĩa là chỉ có hai lối thoát.

    Ngân Hà

    Matxcova bị tập kích, Nga đóng cửa sân bay

    12/8/2023

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/08/anh-man-hinh-2023-08-12-luc-063830.png

    Sân bay quốc tế Vnukovo ở phía tây nam Thủ đô Matxcova đã phải đóng cửa (ảnh: WEBSITE VNUKOVO). 

    Bộ Quốc phòng Nga ngày 11/8 thông báo, các hệ thống tác chiến điện tử đã ngăn chặn UAV của Ukraina khi thực hiện một cuộc tấn công vào một cơ sở ở Thủ đô Matxcova.

    Bộ Quốc phòng Nga cho biết, UAV của Ukraina đã bị hệ thống tác chiến điện tử khống chế và rơi xuống khu vực rừng phía tây Matxcova.

    Hãng tin Tass dẫn thông báo của các cơ quan ứng phó khẩn cấp cho biết, sân bay quốc tế Vnukovo ở phía tây nam Thủ đô Matxcova đã phải đóng cửa trong vòng 1 giờ. Hệ thống phòng không được kích hoạt vào lúc 4h sáng ngày 11/8.

    Cùng ngày, Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko thông báo, nhiều tiếng nổ vang lên ở thủ đô của Ukraina vào rạng sáng ngày 11/8. 

    Thị trưởng Klitschko cho biết, các hệ thống phòng không của Ukraina đã được kích hoạt, và mảnh vỡ của một tên lửa Nga đã rơi xuống bệnh viện, nhưng không gây thương vong hay thiệt hại về cơ sở hạ tầng.

    Thời gian gần đây, Thủ đô Matxcova liên tục trở thành mục tiêu tập kích UAV của Ukraina.

    Lạm phát ở Ấn Độ do giá lương thực tăng

    Không nơi nào cho thấy rõ tác động của lạm phát ở Ấn Độ như các nhà hàng thức ăn nhanh. Tuần trước, chuỗi cửa hàng Subway của Mỹ đã thông báo ngừng cho thêm một lát phô mai miễn phí vào bánh mì vì chi phí tăng, trong khi nhiều cửa hàng McDonald’s cũng loại bỏ cà chua trong bánh mì kẹp thịt. Giá lương thực tăng vì gió mùa thất thường làm mất mùa ở một số vùng của đất nước.

    Hậu quả là lạm phát tăng. Dữ liệu được công bố vào thứ Hai có thể cho thấy lạm phát năm đã tăng lên 6,4% trong tháng 7 từ mức 4,8% của tháng 6, vượt quá ngưỡng trên 6% của ngân hàng trung ương. Tuần trước, ngân hàng đã giữ nguyên lãi suất lần thứ ba liên tiếp kể từ tháng 4. Nhưng lạm phát lương thực kéo dài có thể buộc họ phải hành động. Chính phủ đã đi trước khi hạn chế xuất khẩu gạo để làm chậm đà tăng giá trong nước. Với một cuộc tổng tuyển cử được lên kế hoạch cho năm tới, chính phủ biết cử tri Ấn Độ sẽ không chấp nhận lạm phát.

    Mười năm sau vụ thảm sát đảng Anh em Hồi giáo ở Ai Cập

    Khi Muhammad Morsi, tổng thống được bầu cử dân chủ đầu tiên của Ai Cập và là thành viên của đảng Anh em Hồi giáo, bị lật đổ trong một cuộc đảo chính, những người ủng hộ ông đã biểu tình ở Quảng trường Rabaa, Cairo. Vào ngày 14 tháng 8 năm 2013, lực lượng an ninh Ai Cập đã nổ súng giết chết ít nhất 900 thành viên của Anh em Hồi giáo đang biểu tình tại đây. Sau mười năm, đảng này hầu như không thể hồi phục.

    Nhiều người sống sót sau vụ thảm sát bị tống vào tù, trong khi những người khác phải trốn lưu vong. Năm 2020, thủ lĩnh lúc bấy giờ Mahmoud Ezzat bị bắt, dẫn đến một cuộc tranh chấp quyền kế vị vô cùng lộn xộn.

    Nhưng vào tháng 3 năm nay Anh em Hồi giáo đã bầu Salah Abudlhaq, 78 tuổi, làm thủ lĩnh mới. Sự xuất hiện của ông Abulhaq có thể mở ra một chương mới cho đảng. Bản thân ông cũng không bị mang tiếng bởi các tranh cãi nội bộ gần đây. Nhưng ông có rất nhiều việc phải làm, nhất là khi chính phủ vẫn chưa hết kìm kẹp đảng này. Ngày kỷ niệm thảm sát vào thứ Hai sẽ trôi qua tương đối lặng lẽ, vì bất kỳ cuộc biểu tình nào cũng sẽ bị đàn áp quyết liệt — một lần nữa.

    Zimbabwe sắp chuẩn bị bầu cử

    Thứ Hai sẽ không phải một Ngày Anh hùng bình thường ở Zimbabwe. Ngày này được lập để tưởng nhớ hàng ngàn người đã thiệt mạng trong “cuộc chiến tranh giải phóng” của những năm 1960 và 1970, vốn kết thúc sự cai trị của người da trắng Rhodesia và mở ra chính quyền Zimbabwe của Robert Mugabe. Với cuộc tổng tuyển cử vào ngày 23 tháng 8 tới, Zanu-PF, đảng đã cắm quyền từ khi độc lập, hứa hẹn sẽ tận dụng dịp lễ này để tổ chức các sự kiện chính trị lớn.

    Đảng sẽ quảng bá rằng một mình họ giải phóng đất nước và nhấn mạnh chỉ có Emmerson Mnangagwa, người kế nhiệm Mugabe, mới có thể giữ cho cách mạng tồn tại. Có lẽ là hầu hết người dân Zimbabwe đã quá mệt mỏi với trò lừa bịp này. Nhiều thập niên tham nhũng, chính sách sai lầm và hành xử côn đồ khiến cho GDP bình quân đầu người thực tế ngày nay thậm chí còn thấp hơn năm 1980. Nhưng với một lịch sử gian lận bầu cử, Zanu-PF sẽ khó mà chịu thua.

    Alabama vẽ lại bản đồ bầu cử

    Hồi tháng 6, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra lệnh cho Alabama vẽ lại bản đồ bầu cử bang. Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2021 khi cơ quan lập pháp của tiểu bang vẽ ra bản đồ bầu cử chỉ có một quận chiếm đa số người da đen trong số bảy quận, mặc dù người Alabama da đen chiếm tới 27% dân số trong độ tuổi bỏ phiếu. Tòa án Tối cao đã đồng ý với quyết định của tòa cấp dưới: bản đồ này vi phạm Đạo luật Quyền Bầu cử.

    Vào thứ Hai, tòa án quận đã bác bỏ bản đồ đầu tiên sẽ xem bản sửa lại của cơ quan lập pháp. Tòa án Tối cao đã hướng dẫn các nhà lập pháp phải có một quận thứ hai có đa số người da đen “hoặc một giải pháp gần tương tự.” Phe Cộng hòa, những người chiếm đa số trong nghị viện bang, đang thử nghiệm công thức đó. Bản đồ được đề xuất của họ duy trì một quận có đa số người da đen và tăng tỷ lệ cử tri da đen trong một quận khác lên gần 40%. Nó sẽ tiếp tục đảm bảo Alabama có đủ sáu ghế Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ (cử tri da đen có xu hướng thích đảng viên Dân chủ hơn). Dù đảng Cộng hòa ca ngợi giải pháp “thỏa hiệp” này, tòa án quận có thể sẽ không đồng ý.


    Không có nhận xét nào