Header Ads

  • Breaking News

    PHÂN TÍCH: Dữ liệu mới báo hiệu nền kinh tế Hoa Kỳ đang đối mặt với ‘sự đình trệ’

    Andrew Moran 

    Hoa Mai biên dịch

    29/8/2023


    PHÂN TÍCH: Dữ liệu mới báo hiệu nền kinh tế Hoa Kỳ đang đối mặt với ‘sự đình trệ’


    Biển báo ‘cần bán’ treo trước một ngôi nhà mới trong khu phát triển nhà ở khi một công nhân bảo trì đang quét đường ở Fairfax, Virginia, hôm 22/08/2023. Theo dữ liệu ngành được công bố hôm 22/08/2023, khi lãi suất vay thế chấp tăng cao và nguồn cung nhà ở hạn chế cản trở người mua, doanh số bán nhà ở Hoa Kỳ đã giảm trong tháng 07/2023. (Ảnh: Andrew Caballero-Reynolds/AFP qua Getty Images) 

    Mùa hè này, thị trường tài chính Hoa Kỳ phần lớn đã gạt bỏ được những lo ngại về suy thoái kinh tế, với một kho dữ liệu mô tả nền kinh tế quốc gia theo hướng tích cực. Tuy nhiên, những số liệu mới lại cho thấy Hoa Kỳ có thể đang phải đối diện với một trạng thái “đình trệ.” 

    Chỉ số nhà Quản lý Mua hàng Tổng hợp (PMI) nhanh của S&P Global, thước đo hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã giảm xuống 50.4 trong tháng Tám, giảm từ mức 52 trong tháng Bảy và ở dưới mức ước tính đồng thuận là 52. 

    Chỉ số PMI Sản xuất Toàn cầu của S&P đã rơi sâu vào phạm vi thu hẹp, đạt mức 47 trong tháng này, giảm từ mức 49 trong tháng Bảy. PMI Dịch vụ cũng giảm từ 52.3 xuống 51. 

    Theo dữ liệu của S&P Global, tổng số đơn đặt hàng mới đã giảm, tốc độ tạo việc làm chậm lại, lạm phát chi phí đầu vào lại tăng nhanh, và triển vọng kinh doanh [không] cải thiện. 

    “Hoạt động kinh doanh gần như bị đình trệ trong tháng Tám làm dấy lên nghi ngờ về sức mạnh tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ trong quý 3,” ông Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, cho biết trong một báo cáo. “Cuộc khảo sát cho thấy tốc độ tăng trưởng nhờ lĩnh vực dịch vụ trong quý 2 đã giảm dần, kèm theo đó là sản lượng nhà máy tiếp tục giảm.” 

    Đơn đặt hàng đối với các mặt hàng sản xuất chính của Hoa Kỳ đã làm tăng thêm những lo ngại rằng nền kinh tế có thể gặp khó khăn với một môi trường đình trệ vào giữa quý 3. 

    Theo Cục điều tra dân số, đơn đặt hàng lâu bền đã giảm 5.2% trong tháng Bảy, sụt giảm từ một mức điều chỉnh là giảm 4.4% trong tháng Sáu và tệ hơn so với dự báo thị trường là âm 4%. Con số cuối cùng đã thể hiện mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 04/2020. 

    Đơn đặt hàng thiết bị vận tải giảm 14.3%, trong khi đơn đặt hàng hàng hóa vốn phi quốc phòng, trừ phi cơ, tăng 0.1%. 

    Ông Scott Anderson, nhà kinh tế trưởng tại Bank of the West Economics cho biết: “Một điều đáng lo ngại hơn là, các đơn đặt hàng tư liệu sản xuất cốt lõi – được sử dụng để ước tính chi tiêu đầu tư kinh doanh trong báo cáo GDP – đã giảm 1.1% trong tháng Bảy, cho thấy chi tiêu đầu tư kinh doanh trong báo cáo GDP quý 3 giảm mạnh.” 

    Ông Anderson nói thêm trong một ghi chú khác rằng toàn bộ những điều này “cho thấy hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ đang yếu đi và gần như đình trệ vào giữa quý 3.” 

    Hiệu ứng thắt chặt

    Liệu nền kinh tế đang bắt đầu cảm nhận được tác động của lãi suất cao hơn không? 

    Do chính sách tiền tệ hoạt động có độ trễ, các quan chức Fed và một loạt các nhà kinh tế cảnh báo rằng có thể cần có thời gian để Hoa Kỳ hấp thụ được một môi trường lãi suất quỹ liên bang 5%. 

    Ông Carsten Brzeski, người đứng đầu bộ phận vĩ mô toàn cầu tại ING, viết trong một ghi chú: “Nền kinh tế Hoa Kỳ có thể sẽ trải qua một cuộc suy thoái vào mùa đông.” 

    Bất chấp dữ liệu đáng thất vọng, ước tính mô hình GDPNow của Ngân hàng Fed Atlanta cho giai đoạn từ tháng Bảy đến tháng Chín đã được điều chỉnh tăng từ 5.8% lên 5.9%. 

    Tuần tới, dữ liệu kinh tế quan trọng do ngân hàng trung ương này theo dõi sẽ được công bố, gồm có chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) và báo cáo việc làm tháng Tám. 

    Mô hình Dự báo Lạm phát Nowcasting của Ngân hàng Fed Cleveland đề nghị PCE hàng năm là 3.6% và PCE cốt lõi là 4%, loại bỏ các chu kỳ năng lượng và lương thực dễ biến động. Trong khi đó, những dự báo ban đầu cho thấy thị trường lao động Hoa Kỳ đã tạo ra 180,000 việc làm mới. 

    Trong khi lạm phát giá đã dao động trong phạm vi 3% đến 4%, Nowcast của Fed Cleveland dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng trong tháng này: ở mức 3.8% theo năm và mức 0.8% theo tháng. 

    Lợi suất công khố phiếu cũng đã tăng vọt trong tháng này, cho thấy các nhà đầu tư kỳ vọng lạm phát sẽ hồi phục. Lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 2 năm ở mức trên 5%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn đang dao động quanh mức cao nhất trong 16 năm ở khoảng 4.25%. 

    “Việc tăng lãi suất thị trường là trực tiếp trái ngược với kỳ vọng của thị trường rằng Hệ thống Dự trữ Liên bang sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt,” ông John Lynch, giám đốc đầu tư của Comerica Wealth Management, cho biết trong một ghi chú. “Lợi suất thực tăng gây rủi ro cho hoạt động kinh tế và thị trường, kèm theo rủi ro về chi tiêu, đầu tư và định giá cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư.” 

    Nhưng Hệ thống Dự trữ Liên bang có thể cần phải lo lắng không chỉ về giá cả kinh doanh và giá tiêu dùng mới. Những thực tế mới đang bắt đầu thâm nhập vào nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

    Tòa nhà Hệ thống Dự trữ Liên bang ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 19/09/2017. (Samira Bouaou/The Epoch Times)

    Tòa nhà Hệ thống Dự trữ Liên bang ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 19/09/2017. (Samira Bouaou/The Epoch Times) 

    Nghiên cứu gần đây của Fed San Francisco cho thấy số tiền tiết kiệm dôi dư trong thời kỳ đại dịch của các gia đình có thể cạn kiệt trước khi năm kết thúc. 

    Lần đầu tiên tổng nợ thẻ tín dụng đã vượt quá 1 ngàn tỷ USD. 

    Thị trường nhà ở đang phải chịu đựng ba thách thức: lãi suất vay thế chấp cao ngất ngưởng, doanh số bán nhà hiện tại sụt giảm, và hoạt động xây dựng nhà ở mới dưới mức xu hướng. 

    Ngoài ra, còn có những dấu hiệu cho thấy thị trường lao động có nhu cầu tuyển dụng cao đang bắt đầu hạ nhiệt. 

    “Trong tháng Bảy, số lượng đơn đặt hàng mới kém đi, lãi suất cao, nhận thức của người tiêu dùng giảm sút về triển vọng điều kiện kinh doanh, và số giờ làm việc trong ngành sản xuất giảm đã khiến chỉ số hàng đầu giảm 0.4%.” Bà Justyna Zabinska-La Monica, giám đốc cao cấp về các chỉ số chu kỳ kinh doanh tại The Conference Board, cho biết trong một báo cáo về chỉ số kinh tế hàng đầu được theo dõi rộng rãi. “Chỉ số hàng đầu tiếp tục cho thấy hoạt động kinh tế có khả năng giảm tốc và rơi vào trạng thái thu hẹp nhẹ trong những tháng tới.” 

    Hội nghị Jackson Hole

    Chủ tịch Fed Jerome Powell đã có bài diễn văn rất được mong đợi tại hội nghị chuyên đề Jackson Hole thường niên của ngân hàng trung ương hôm 25/08. Kể từ khi trở thành người đứng đầu tổ chức này, ông Powell đã sử dụng sự kiện này như một cách để thúc đẩy các nghị trình chính sách. 

    Các nhà phân tích thị trường không mong đợi ông Powell sẽ lặp lại thông điệp bi quan như năm ngoái. Thay vào đó, người ta kỳ vọng rằng ông sẽ hứa sẽ kết thúc cuộc chiến chống lạm phát trong khi thận trọng về việc không thắt chặt quá mức. 

    Các nhà kinh tế của Deutsche Bank viết trong một ghi chú: “Với sự biến động của lạm phát dai dẳng hơn kể từ đó, và với một số dấu hiệu ban đầu cho thấy áp lực giá đang vừa phải, hội nghị năm nay là cơ hội thích hợp để thiết lập lại quan điểm lạm phát của Chủ tịch Fed.” 

    Nhà phân tích thị trường Gene Inger cho biết đây sẽ là “một hành động cân bằng” trước cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào tháng tới. 

    Theo CME FedWatch Tool, thị trường tương lai đang định giá 80% khả năng Fed sẽ tiếp tục tạm dừng tăng lãi suất. 

    “Nếu Fed có một thái độ là ‘chúng ta có thể thực hiện một đợt tăng lãi suất nữa mà không gặp trở ngại nào,’ thì tôi sẽ chỉ nói không tốt về Fed, và tôi không nghĩ họ có thể không gặp trở ngại nào,” ông Inger viết. “Cá nhân tôi nghĩ rằng lãi suất sẽ được ‘giữ nguyên’ tại cuộc họp FOMC tiếp theo; nhưng không có gì là bất thường khi Fed cố gắng chế ngự bất kỳ kỳ vọng nào về việc ‘cắt giảm lãi suất.’”

    Ủy ban ấn định lãi suất sẽ tổ chức cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày tiếp theo vào ngày 19 và 20/09.

    https://www.epochtimesviet.com


    Không có nhận xét nào