Uan Tieu viết từ Sài Gòn
Tháng 8/ 2021
Tác giả Phạm Thế Mỹ, ông là một nhân sĩ của đất Bình Định, cái điều trớ trêu ở chỗ chính ông là người của Bắc-quân đang thực thi nhiệm vụ “nằm vùng” trong Nam. Vậy mà lại không mô tả về các chiến sĩ đồng đội của mình, trong khi ông có đầy đủ cái quyền tự do phản chiến hay ca ngợi bất kỳ ai.
Tôi không biết vì lý do gì mà ông lại viết về “cọp biển”, kẻ thù không đội trời chung và đã gây biết bao kinh hoàng cho phe của ông. Rồi cũng chính bài này mà ông đã phải trả giá rất đắt khi bị các đồng chí của mình nghi kỵ, phong tỏa và cô lập.
Đối với một văn nhân mà không ai dám viếng, không người đến hàn huyên, tất cả đều chỉ trích “đứa con tinh thần” của mình, cuộc sống lại lâm vào túng quẩn thì thật là khủng khiếp vô cùng.
Phải chăng vì chút xao lòng hay ông đã nhận thấy điều gì đó mà mở đầu bằng một khúc:
“Tôi lại gặp anh
Người trai nơi chiến tuyến
Súng trên vai bước về qua đường phố
Tôi lại gặp anh
Giờ đây nơi quán nhỏ
Tuổi 30 mà ngỡ như trẻ thơ”
Cái người trai nơi chiến tuyến ấy đã 30 tuổi rồi mà sao lại ngỡ như trẻ thơ? Tại sao hắn lại không hung hăng tàn bạo nhỉ? Đâu đó lại vang lên điều kỳ lạ, ngớ ngẩn trong lời ca của ông.
Rồi ông lại bồi thêm:
“Nhớ gì từ ngày anh xa mái trường
Nhớ gì từ ngày anh vui lên đường”
Anh vui lên đường tức là chả ai ép anh cả hay sao? Mà vì cái gì anh ta lại vui hay anh ta chưa hiểu cái việc làm của anh ta là sai trái, là phi nghĩa? Điều này có thể lý giải vì anh ta quá trẻ thơ, vì anh ta chỉ đơn thuần là một người bạn của ông mà chưa được giác ngộ.
“Anh sống đời trai giữa núi đồi
Tôi viết bài ca xây đời mới
Bờ tre quê hương
Tay súng anh gìn giữ
Tôi hát vang giữa đời để người vui”
Dường như đến đây thì ông phạm sai lầm, cái lỗi lầm chết người. Bờ tre quê hương của ai mà tay lính kia gìn giữ? Đã sai rành rành ra đó mà ông còn lại đi hát vang giữa đời, sung sướng lắm hay sao mà hát vang? Thật là đáng ngờ!
“Thôi mình chia tay
Cầu mong anh chiến thắng
Ánh trăng khuya sắp tàn trên hè phố
Thôi mình chia tay
Rồi mai đây có về
Quà cho tôi anh nhớ chép bài thơ”
Lại càng hoài nghi hơn khi ông cầu mong anh chiến thắng, một cuộc chiến mà theo đúng lẽ ông phải cầu mong cho nó mau lụi tàn và bại trận. Hay ông đã để cái tình riêng lấn áp lý trí trong hoàn cảnh này? Rồi ông lại đi dặn: “nhớ chép bài thơ”. Lính mà cũng biết làm thơ nữa hay sao? Nhân văn quá thì đánh đấm kiểu gì? Thật là không thể nào hiểu nổi!
“Nắng đẹp của bình minh đang hé chờ
Nỗi buồn vui biệt ly sẽ xóa mờ
Súng thù từ rừng sâu vẫn còn đó
Đừng lưu luyến gì đây
Thôi bọn mình chia tay
Thôi bọn mình chia tay”
Đoạn kết lại càng vô lý hơn khi ông gọi là “súng thù”. Ai là kẻ thù ở đây? Đã có sự lầm lẩn gì đó chăng?
Thật sự đau đầu cho những ai đang muốn tìm hiểu câu từ của ông. Phải chăng đó là lối nói “con gà cục tác lá chanh” một kiểu nói trái khoáy của nhóm văn nhân giỏi chữ? Mà sao nghe toàn bài chỉ thấy hình ảnh một tay lính chiến hiền hòa vui vẻ, thân thiện mà hiên ngang, chỉ chiến khi gặp nguy hiểm và biết hy sinh cho cái gì đó mà ông gọi là quê hương.
Tôi vẫn chưa hiểu tại sao khi được phép cho hát lại thì những ca khúc thuộc thể loại này lại tràn ngập mọi nơi? Trong khi ngày xưa, các nhạc sĩ cũng là người Việt mà họ chỉ có 20 năm để sáng tác, vậy mà ca khúc của họ được nhiều tầng lớp ủng hộ kể cả bọn trẻ bây giờ. Về sau này chúng ta văn minh hơn, nhất quán hơn nhưng đã thống nhất gần 50 năm mà chả có ca khúc nào đáng để đem ra so sánh? Câu hỏi này phải để dành cho các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà sử học, nhà lý luận, các giáo sư mà tôi thấy họ thao thao bất tuyệt trên truyền hình.
Sài-gòn, ngày 26/08/2021.
Đọc thêm:
Trăng Tàn Trên Hè Phố
Tác giả : Phạm Thế Mỹ
Tôi lại gặp anh
Người trai nơi chiến tuyến
Súng trên vai bước lê qua đường phố
Tôi lại gặp anh
Giờ đây nơi quán nhỏ
Tuổi 30 mà ngỡ như trẻ thơ
Nhớ gì từ ngày anh xa mái trường
Nhớ gì từ ngày anh vui lên đường
Lối gầy về nhà anh hoa phượng thắm
Màu xanh áo người thương
Nắng chiều đẹp quê hương
Hay nhạc buồn đêm sương
Tôi lại gặp anh
Trời đêm nay sáng quá
Ánh trăng như hé tươi sau ngàn lá
Tôi lại gặp anh
Đường khuya vui bước nhỏ
Kể nhau nghe chuyện cũ bao ngày qua
Lối gầy về nhà anh hoa vẫn nở
Kỷ niệm từ ngày xưa chưa xóa mờ
Ánh đèn vàng ngoài ô vẫn còn đó
Bạn anh vẫn còn đây
Sống cuộc đời hôm nay
Với bọn mình đêm nay
Anh sống đời trai giữa núi đồi
Tôi viết bài ca xây đời mới
Bờ tre quê hương
Cây súng anh gìn giữ
Tôi hát vang giữa đời để người vui
Thôi mình chia tay
Cầu mong anh chiến thắng
Ánh trăng khuya sắp tàn trên hè phố
Thôi mình chia tay
Rồi mai đây có về
Quà cho tôi anh nhớ chép bài thơ
Nắng đẹp của bình minh đang hé chờ
Nỗi buồn vui biệt ly chưa xóa mờ
Súng thù từ rừng sâu vẫn còn đó
Đừng lưu luyến gì đây
Thôi bọn mình chia tay
Thôi bọn mình chia tay.
Tiểu sử
Trích.... Phạm Thế Mỹ sinh ra tại Đập Đá, An Nhơn, Bình Định, là người con thứ 11 của một gia đình trung lưu. Trên ông có hai người anh là nhà văn Phạm Văn Ký và nhà thơ Phạm Hổ. Từ năm 1947 đến năm 1949, ông học và hoạt động văn nghệ trong trường Thiếu sinh quân ở Liên khu 5. Lúc nhỏ, ông có năng khiếu vượt trội về sáo. Tuy nhiên, đam mê của ông không được cha ủng hộ vì cho rằng chơi sáo dễ mắc bệnh lao, vì vậy cha ông khuyên ông chơi guitar.
Đầu thập niên 1950, ông làm công tác tuyên huấn và làm phóng viên cho báo Quân đội Nhân dân. Sáng tác đầu tay của ông ra đời trong thời gian này là bài "Nắng lên xóm nghèo".
Sau hiệp định Genève, Phạm Thế Mỹ được bố trí ở lại miền Nam Việt Nam. Năm 1959, ông học trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Từ năm 1959 đến năm 1970, ông dạy Việt văn và âm nhạc tại các trường trung học tư thục Bồ Đề, Tây Hồ, Sao Mai, Bán Công, Nguyễn Công Trứ, Tân Thanh,... tại Đà Nẵng. Khoảng năm 1965–1966, ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam vì đấu tranh trong phong trào Phật giáo (thời gian này ông sáng tác bài nhạc bất hủ "Bông hồng cài áo", lấy ý từ đoạn văn của thiền sư Thích Nhất Hạnh). Ra tù, ông sáng tác các bài hát như "Hoa vẫn nở trên đường quê hương," "Người về thành phố," "Những người không chết"... được phổ biến trong phong trào học sinh – sinh viên Sài Gòn. Từ năm 1970 đến 1975, ông là trưởng phòng Văn – Mỹ – Nghệ của Viện Đại học Vạn Hạnh.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%A1m_Th%E1%BA%BF_M%E1%BB%B9
Không có nhận xét nào