Lê Tây Sơn/SGN
08/8/2023
Fumio Kishida trong một chuyến công du Hoa Kỳ (ảnh: Andrew Burton/Getty Images)
Sau khi bị Trung Quốc (TQ) tấn công mạng quốc phòng cách đây ba năm, Tokyo đã tăng cường khả năng chống trả các cuộc tấn công mạng. Tuy nhiên, vẫn còn những lỗ hổng mà nếu không lấp đầy sẽ bị kẻ thù lợi dụng và làm chậm quá trình chia sẻ các thông tin nhạy cảm từ Ngũ Giác Đài.
Có nhiều lổ hổng an ninh cần lấp đầy
Vào mùa thu năm 2020, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) có một phát hiện đáng sợ: Gián điệp mạng từ Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã xâm nhập vào các hệ thống máy tính phòng thủ nhạy cảm nhất của Nhật Bản, đồng minh chiến lược quan trọng nhất của Hoa Kỳ ở Đông Á.
Một cựu quan chức quân đội Mỹ, người biết về sự kiện này, nhớ lại: “Thật tồi tệ, điều chưa được nghe thấy trước đây!”. Từ đó, Tokyo đã thực hiện các bước đi cần thiết để tăng cường an toàn mạng điện toán quốc phòng. Vụ xâm nhập năm 2020 đáng lo ngại đến mức Tướng Paul Nakasone, người đứng đầu NSA và Bộ Tư lệnh Mạng Hoa Kỳ (US Cyber Command) lúc đó đã cùng Matthew Pottinger, Phó Cố vấn an ninh quốc gia của Toà Bạch Ốc bay đến Tokyo để thông báo cho bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản, và họ sắp xếp cuộc gặp trực tiếp với thủ tướng Nhật.
Phía Nhật Bản được thông báo vụ xâm nhập mạng là một trong những vụ tấn công gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử hiện đại của Nhật. Người Nhật sửng sốt. Lúc đó, Tổng thống Joe Biden và các quan chức chính quyền đang chuẩn bị quá trình chuyển đổi từ chính phủ Donald Trump. Các quan chức an ninh quốc gia cấp cao đã thông báo tóm tắt vụ việc cho cố vấn an ninh quốc gia sắp tới Jake Sullivan.
Đến đầu năm 2021, khi chính quyền Biden đã ổn định và các quan chức an ninh Mỹ nhận ra vụ tấn công mạng phòng thủ của Tokyo là rất nghiêm trọng, họ tìm cách gây áp lực với Nhật. Sau đó, với cam kết hỗ trợ của Mỹ, chính phủ Nhật công bố kế hoạch tăng cường an ninh mạng, tăng ngân sách an ninh mạng lên gấp 10 lần trong năm năm và tăng lực lượng an ninh mạng quốc phòng lên gấp bốn lần, với 4,000 người – The Washington Post cho biết.
Thời gian này, Bắc Kinh phô trương sức mạnh ở phía Tây Thái Bình Dương bằng cách bắn tên lửa đạn đạo vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và dằn mặt Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi khi bà đến thăm Đài Loan.
TQ, vốn tự hào có đoàn quân tin tặc nhà nước lớn nhất thế giới ngày càng mở rộng năng lực chiến tranh mạng. Kể từ giữa năm 2021, chính phủ Hoa Kỳ và các công ty an ninh mạng phương Tây ghi nhận rằng TQ đã đẩy mạnh hoạt động tin tặc nhắm vào các cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, giao thông vận tải, hệ thống điều khiển quan trọng của Mỹ ở Bắc Mỹ, đảo Guam và một số nơi khác ở Châu Á-Thái Bình Dương. Gần đây, khi chính quyền Biden cố gắng làm tan băng mối quan hệ với Bắc Kinh, các tin tặc TQ vẫn xâm nhập vào email của Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Đại sứ Mỹ tại TQ và các nhà ngoại giao cấp cao khác.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin trong chuyến kinh lý Nhật đầu Tháng Sáu 2023 (ảnh: Franck Robichon / Pool/Anadolu Agency via Getty Images)
Trong thực tế đối đầu mới, Nhật Bản không còn kiên trì với học thuyết phòng thủ “lá chắn” mà bắt đầu phát triển khả năng phản công để có thể tấn công mọi mục tiêu ở TQ đại lục. Việc Nhật Bản mua tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ là để đáp ứng sự thay đổi tư duy này.
Đương kim Thủ tướng Fumio Kishida rất quan tâm đến việc tiếp tục kế hoạch do cố Thủ tướng Shinzo Abe phát động nhằm củng cố khả năng phòng thủ của Nhật Bản. Một chiến lược không gian mạng mới được bật đèn xanh, cả về tăng chi tiêu lẫn tăng nhân sự, đồng thời điều chỉnh các tiêu chuẩn an ninh mạng ngang bằng các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và quốc tế.
Nhật Bản thành lập Bộ Tư lệnh Mạng, giám sát hệ thống mạng 24/7 và liên tục phân tích rủi ro trong các hệ thống máy tính của quân đội để phát hiện sớm vấn đề. Nhật tăng cường đào tạo về an ninh mạng và phân bổ $7 tỷ trong năm năm để bảo đảm an ninh mạng. Noriyuki Shikata, thư ký báo chí nội các của Thủ tướng Kishida, nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn: “Chính phủ Nhật có tham vọng tăng cường khả năng ứng phó an ninh mạng ngang bằng hoặc vượt qua khả năng của các nước phương Tây hàng đầu”. Mục tiêu đó cùng với “phòng thủ mạng tích cực” (tấn công lấy cắp dữ liệu để phòng thủ) đã được ghi trong chiến lược an ninh quốc gia mới của Nhật Bản.
Người Nhật từng thờ ơ với việc xây dựng bức tường an ninh cho hệ thống mạng
Trong nhiều năm trước khi Trung Quốc táo bạo tấn công mạng phòng thủ của mình, Nhật Bản được coi là một con tàu có nhiều lỗ thủng tình báo. Trong Chiến tranh Lạnh, các đặc vụ Liên Xô đã dùng các chiến thuật lỗi thời, lợi dụng thú vui thích ăn, uống, tiền và đánh bạc của một số người Nhật để mua chuộc nhà báo, chính trị gia và cả điệp viên Nhật.
Richard Samuels, nhà khoa học chính trị tại MIT, tác giả cuốn sách viết về lịch sử của cộng đồng tình báo Nhật Bản xuất bản năm 2022, nhận xét: “Liên Xô xem Nhật Bản là thiên đường gián điệp”. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các quan chức Nhật Bản mới bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc thắt chặt thông tin tình báo.
Một năm trước thảm kịch 11/9 tại Mỹ, một báo cáo do nhóm chuyên gia cố vấn do Ngũ Giác Đài tài trợ (có cả hai chuyên gia chính sách đối ngoại Richard Armitage và Joseph Nye) lưu ý: “Bất chấp tầm quan trọng của liên minh Mỹ-Nhật, việc chia sẻ thông tin tình báo của Mỹ với Tokyo ít hơn nhiều so với các thành viên NATO. Trong khi Nhật Bản phải đối mặt với nhiều mối đe dọa đa dạng hơn và trách nhiệm quốc tế phức tạp hơn, việc phải có thông tin tình báo để hiểu rõ hơn nhu cầu an ninh quốc gia của mình là một đòi hỏi bắt buộc”.
Lực lượng Phòng vệ Nhật trong một cuộc tập trận vào Tháng Năm 2023 (ảnh: Tomohiro Ohsumi/Getty Images)
Hơn bất kỳ nhà lãnh đạo chính trị hiện đại nào của Nhật Bản, (cố) Thủ tướng Abe là người mở đường cho cải cách an ninh ở Tokyo. Trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai vào nửa đầu thập niên 2010, ông đã tạo ra những thay đổi quan trọng. Quốc hội Nhật đã thông qua luật bí mật nhà nước quy định các hình phạt nghiêm khắc đối với việc xử lý sai tài liệu và để lộ thông tin.
Abe thành lập một Hội đồng An ninh Quốc gia, mô phỏng một phần phiên bản của Hoa Kỳ để cố vấn cho thủ tướng. Các nhà hoạt động chống chiến tranh và tự do dân sự phản đối cải cách, cho rằng chúng vi phạm quyền riêng tư và bày tỏ lo ngại về lạm dụng an ninh quốc gia. Nhưng đến năm 2013, khi luật được thông qua, bối cảnh địa chính trị cũng thay đổi. Công chúng nhận ra rằng, trong hàng chục năm kiên trì với chủ thuyết phòng thủ, Nhật chỉ tạo cơ hội cho Bắc Kinh lấn lướt.
TQ từng đáp trả mạnh mẽ việc Nhật quốc hữu hóa quần đảo Senkaku bằng cách đưa vô số tàu cảnh sát biển và dân quân biển tràn ngập ngoài khơi quần đảo này. Ở Biển Đông, TQ biến các đảo san hô xa xôi thành các tiền đồn quân sự chỉ sau một đêm. Chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội trên quy mô lớn, trong khi Bắc Hàn tiếp tục các vụ thử hạt nhân đầy khiêu khích. Abe bị ám sát vào Tháng Bảy 2022 nhưng di sản của ông không mất mà còn được phát triển thêm. Trong thập niên qua, thái độ của người Nhật đối với TQ đã cứng rắn hơn: Ngày nay, phần lớn người Nhật có quan điểm không thiện cảm với chính phủ TQ, trong khi sự ủng hộ dành cho liên minh của Hoa Kỳ đang ở mức cao nhất mọi thời đại.
Không có nhận xét nào