16/8/2023
Nhà hát lớn Hà Nội do người Pháp xây dựng đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu
Đâu đó trên mạng xã hội, trên phây búc, thậm chí cả trên báo chí chính thống mậu dịch quốc doanh, có những người dạng nhà này nhà nọ, tên tuổi, chức tước, danh tiếng cũng không đến nỗi nào, đã đăng đàn diễn thuyết, giáo hóa, chỉ đường. Giá họ cứ sòng phẳng như anh Quang lùn (Trần Nhật Quang) ăn nói bỗ bã thô tục, ruột ngựa, nghĩ gì nói thế đã đi một nhẽ. Đằng này, họ ra vẻ hiểu biết, nhiều lý luận (gớm, xứ ta lắm nhà lý luận) làm nhiệm vụ cởi trói trí tuệ cho thiên hạ. Tôi chỉ đề cập hai trường hợp.
Một “nhà” viết tút khá công phu phân tích cuộc chiến tranh ở Ukraine. Tuy ra vẻ khách quan, chả đứng về phía nào, nhưng qua sự bộc lộ, người ta thấy ngay “nhà” bênh ai, chê ai, ngả về đâu. “Nhà” nói rằng Ukraine dễ gì thắng được Nga cường quốc có Putin lõi đời, còn “tay” Zelensky dù có năng nổ mấy đi chăng nữa nhưng tài cán chả đi đến đâu, múa tay trong bị, làm sao đấu lại một người như Putin. Dù có được NATO, phương Tây hậu thuẫn, Ukraine dễ gì thắng, kéo dài chiến tranh chỉ khổ dân, v.v…
May mà “nhà” không miệt thị người dân Ukraine đang chiến đấu hy sinh giành lại từng tấc đất, không chế giễu gọi Zelensky là anh hề như đám Cương, Mẫu và báo chí Nghệ An hay dùng. Có nhẽ đó là sự khác biệt, hơn tầm duy nhất của “nhà” so với đám tướng tá mù quáng u mê kia.
Nghe “nhà” phân tích, ban đầu thấy có vẻ có lý, bởi xưa nay những kẻ có trình độ, kiến thức nhất định đều lý sự có lý cả, đâu như Quang lùn phổi bò. Nhưng họ thiếu thứ quan trọng nhất của con người: Sự tử tế.
Họ, trong đó có “nhà” kia, cố tình không thấy (dù đã thấy) người Ukraine đang tiến hành cuộc chiến tranh vĩ đại, vinh quang, chính nghĩa chống lại bọn xâm lược tàn bạo. Dù gỉ gì gì đi chăng nữa, trước sau Ukraine cũng sẽ thắng, theo quy luật bất di bất dịch “chính nghĩa thắng bạo tàn”.
Họ cố tình lờ đi sự thật rằng ông Zelensky dù còn yếu mặt này mặt khác, kém thứ nọ thứ kia, nhưng đó là vị thủ lĩnh của đội quân yêu nước, luôn đứng ở vị trí hàng đầu trong cuộc chiến sinh tử. Một con người đáng kính trọng, nể phục. Một nhà lãnh đạo không dễ gì có được trong giới lãnh đạo xôi thịt, u mê trên thế giới cũng như ở xứ này.
Hỏa mù mà đám lý luận có trình độ tung ra, nhiều khi còn tai hại hơn thuốc độc.
Trường hợp thứ 2 liên quan tới tút (status) của một “nhà” khác. Nói cho công bằng, đây là người hiểu biết khá rộng, nhiều kiến thức, tư liệu phong phú, đa dạng. Nhiều tút của anh này giống như một kiểu Gu gồ (Google) cho người đọc thêm hiểu biết, còn sự chính xác tới đâu thì tùy nguồn. Nhưng tới cái tút vừa rồi lại có vấn đề, copy lại tài liệu đăng trên trang của một hội đoàn quốc doanh.
“Nhà” đưa ra nhiều dẫn chứng về sự cai trị của Pháp đối với các nước thuộc địa, nhân vụ đảo chính ở Niger. Cũng không rõ “nhà” ủng hộ hay lên án phe đảo chính – lực lượng quân sự vừa lật đổ và bắt giam vị tổng thống dân cử. “Nhà” chỉ lý luận và phân tích rằng bọn Pháp từ xưa tới nay chả tốt đẹp gì, ở bất cứ xứ thuộc địa nào. Thực chất của chúng là thực dân, cai trị, bóc lột, khai thác tài nguyên bản địa. Nếu chống lại chúng (Pháp) thì chúng sẽ tìm cách tiêu diệt, lật đổ, không cách này thì cách khác. Vụ Niger cũng vậy, tổng thống dân cử theo Pháp nên Pháp tìm cách bảo vệ. Đám nhà binh đảo chính có lý do của nó, trước hết để lật đổ một chính quyền tay sai, v.v..
Nhưng nếu chỉ bình luận quốc tế vậy cũng được đi, đằng này “nhà” đã “một lời là một vận vào khó nghe”. “Nhà” kể lể rằng tất cả những nước được Pháp trao trả độc lập, độc lập tự do đâu chửa thấy, chỉ thấy khốn đốn, bị đè nén, khổ sở. Muốn giết thì giết, muốn lật thì lật, triền miên trong nghèo khổ đói rách. Thực dân có tốt với ai bao giờ. Nó đi cướp bóc, xâm lược, nó chỉ để lại đói nghèo tang tóc. Đọc xong, tôi cứ nghĩ, chắc “nhà” tinh lấy tư liệu từ nguồn chính thống, mà nguồn này độ chính xác thế nào thì thiên hạ rõ cả rồi. Cuối cùng, “nhà” kết luận: chỉ có đứng lên kháng chiến, như Việt Nam và Algeria thì mới có độc lập tự chủ hạnh phúc thật sự. Cứ trông cái gương của Niger, của những nước được trao trả độc lập liệu mà chọn đường đi…
Đến thời “mở cửa”, đầu óc trí tuệ đã được mở mang như bây giờ, vậy mà vẫn còn thứ tư duy thập niên 50 thế kỷ trước. “Nhà” cố tình lờ đi chuyện rất nhiều nước thuộc địa trên thế giới được trao trả độc lập đã phát triển, giàu có như thế nào, mà không phải tốn núi xương sông máu. Nói đâu xa, những Thái Lan, Malaysia, Indonesia gần xứ ta thôi, họ vừa tránh được chiến tranh, kể cả nồi da xáo thịt, vừa có thể tự hào không phải đánh nhau với đế quốc to nào. Giờ xứ này cứ xách dép chạy theo họ – những nước “giành” tự do độc lập bằng phương pháp hòa bình, cũng đủ mệt.
“Nhà” cũng quên rằng người Pháp trong gần trăm năm ở An Nam đâu phải chỉ bóc lột tàn tệ, chiếm đoạt tài nguyên, mà họ đã khai hóa, mở mang cuộc sống và đầu óc con người. Những công trình giao thông vĩ đại, đường sá cầu cống, những công trình văn hóa, trình độ dân trí, nền văn hóa nghệ thuật, và nhất là nền giáo dục tiên tiến, đội ngũ trí thức tuyệt vời… do họ tạo dựng và để lại, ngay cả bây giờ vẫn không sánh được. Chả hạn, chỉ xin hỏi “nhà”, từ khi người cộng sản đánh đuổi được người Pháp, trên dải đất này đã có công trình kiến trúc nào qua mặt được nhà hát lớn Hà Nội, nhà bưu điện Sài Gòn, hoặc dinh toàn quyền (phủ chủ tịch nước bây giờ) chưa; đã có đường sắt xuyên Việt nào thay thế được đường sắt do Pháp làm chưa? Đã 2/3 thế kỷ rồi.
Nghĩ, nghĩ thế nào là quyền riêng của mỗi người. Lý sự cũng vậy. Tôi chỉ kể thêm cho các “nhà” thông thái lý luận chuyện này. Hôm nay 16.8, PGS Phạm Thành Hưng (Mạc Yên), một đàn anh của lứa tôi, học trước 2 khóa, có bài về người bạn cùng khóa, TS Đào Anh San, vừa ra đi. Cả anh Hưng, anh San, anh Nguyễn Thế Tường, anh Phùng Huy Thịnh… đều là lính 6971, từ mặt trận Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế trở về, đều thương binh. Anh Hưng kể, anh San có lần nói với anh và đồng đội: “Tao thấy chúng mình bị lừa rồi. Một thời đại đánh lừa chúng ta. Đánh nhau, đổ máu để làm gì. Ai cần ta giải phóng”.
Lời gan ruột của người lính từng bỏ một phần thân thể, xương máu nơi chiến trường đáng để ta suy ngẫm.
https://baotiengdan.com/2023/08/17/ly-su-cun-phan-2/
Không có nhận xét nào