Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Đình Cống - Lòng yêu nước thời kỳ Cộng sản Kỳ 3. Hết

    Đọc kỳ 1 và 2: Tại đây

    3. Bản chất của Đảng CSVN

    Thực chất thì Đảng CSVN là một tổ chức ngoại nhập, như một cành tầm gửi bám vào cây chủ, là nhân dân, hút nhựa của cây chủ để sống và phát triển, tạo ra cành lá xum xuê, đến nỗi từ ngoài nhìn vào, cây chủ bị tầm gửi che khuất. Đảng sống bám vào dân. Trong thời hoạt động bí mật, đảng viên được dân che chở, nuôi dưỡng. Trong lúc nắm quyền, những chi tiêu của Đảng chủ yếu lấy từ ngân sách do dân đóng thuế (để trả lương cho cán bộ Đảng và tổ chức mọi hoạt động).

    Sau khi nắm được quyền thì cành tầm gửi đã hoàn toàn lấn át cây chủ. Trong các nghị quyết Đảng quan tâm đến phát triển kinh tế, với tuyên truyền làm cho dân giàu nước mạnh, nhưng thực chất là để cho cây có nhiều nhựa cung cấp cho tầm gửi. Đảng để cho giáo dục và đạo đức xuống cấp, lại tìm cach hủy hoại trí thức tinh hoa, là nhằm làm ngu dân để dễ bề thống trị. Những ai đã đọc và ngẫm nghĩ kỹ sách “Giai cấp mới, Chế độ phát xít” và “Thất bại lớn” mới thấy rõ bản chất của cộng sản là tàn bạo và dối trá.

    Trong lúc có những người yêu nước nhưng có quan điểm khác với chóp bu của Đảng, để rồi bị qui kết là “phản động” thì còn nhiều người tuyên bố là vẫn trung thành với CNML, vẫn một lòng đi theo Đảng, xây dựng CNXH với khẩu hiệu “Còn Đảng còn mình” và cũng tự cho rằng họ mới là người thực sự yêu nước chân chính.

    Trong số này, ngoại trừ một số vì sợ, hoặc bị bắt buộc mà phải nói theo, hoặc có quyền lợi liên quan đến chính quyền, thì còn một số vẫn thật tâm tin vào sự tuyên truyền về sự chính nghĩa và sáng suốt của Đảng, về sự tuyệt vời của CNML. Những người sau này thuộc loại cuồng tín, ngu trung, một lòng tin vững chắc vào Đảng, vào Mác Lê mà không chịu dùng thực tế để đối chiếu, để suy nghĩ.

    Để đồng nhất nhà nước và Đảng, người ta còn nêu tiêu chuẩn rằng “Yêu nước phải gắn liền với yêu CNXH”. Hình như có một lãnh tụ nào đó cũng nói một câu có ý tương tự. Đó là ngụy biện. Không phải lãnh tụ nói câu gì cũng là chân lý. Dựa vào ý đó người ta suy ra rằng: “Không yêu CNXH đồng nghĩa với không yêu nước”.

    Khi nhận xét về Đảng CSVN, nhiều người cho rằng Đảng thời Hồ Chí Minh là tốt, còn Đảng thời Nguyễn Phú Trọng là xấu, và cho rằng đó là hai đảng tuy cùng tên nhưng khác nhau về bản chất. Nhận xét đó chỉ đúng một phần bề ngoài vì rằng người ta thường nhìn vào đảng viên để đánh giá chất lượng đảng. Rõ ràng là phần đông đảng viên thời Hồ Chí Minh tốt hơn thời Nguyễn Phú Trọng, còn bản chất của Đảng thì vẫn thế. Chính cương, điều lệ tuy có sửa chút ít, nhưng cơ bản vẫn giữ nguyên.

    Cái gì tạo ra phẩm chất (tốt hay xấu) của đảng viên?

    Phải công nhận ĐCS có tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật tương đối nghiêm. Cái đó tạo ra sức mạnh của Đảng. Còn phẩm chất đảng viên chủ yếu được tạo ra từ trước khi gia nhập. Những người như Hồ Chí Minh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hoàng văn Thụ, Võ Nguyên Giáp, Phạm văn Đồng đã có phẩm chất tốt từ trước, chứ không phải nhờ vào Đảng mà họ mới có.

    Phân tích thật kỹ mới thấy rằng, đạo đức là vốn sẵn có của những người ấy. Đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản đã không nâng cao được đạo đức của con người mà lại làm cho nó giảm xuống. Một thí dụ rõ ràng là về đạo đức thì Hồ Chí Minh thấy địa chủ Nguyễn Thị Năm không có tội mà còn là ân nhân của một số tổ chức cách mạng, nên trong cải cách ruộng đất ông không muốn đấu tố mà vẫn tôn trọng bà. Thế nhưng, vì áp lực của đấu tranh giai cấp mà Hồ Chí Minh đã tham dự việc người ta làm nhục và xử tử bà, rồi lại còn viết báo lên án bà (bài “Địa chủ ác ghê”). Việc làm này bị nhiều người cho là đã làm vô đạo đức.

    Vì đường lối cán bộ sai lầm mà càng ngày Đảng càng kết nạp nhiều phần tử cơ hội, những kẻ có lắm mưu mô, tham lam, độc ác. Tuy ngoài bọn chúng cũng có được một số ít người chính trực vào Đảng, nhưng các đảng viên tốt này thường là thiểu số và bị bọn cơ hội lấn át. Đường lối cán bộ của Đảng phạm sai lầm như thế nào thì tôi đã vạch ra trong một bài trước đây (Phản biện đường lối cán bộ cộng sản) rằng đường lối đó có những điểm phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học. Theo đường lối đó, chủ yếu kết nạp dược bọn cơ hội nhiều hơn người chính trực.

    Cán bộ cộng sản và những người ủng hộ họ có thói tự kiêu, cho rằng họ luôn luôn đúng, họ không thể nào sai, không chịu tìm xem những người phản biện nói gì, viết gì, mà vội vàng sổ toẹt ngay từ đầu, khi chỉ vừa thấy tên người góp ý.

    Nếu theo đúng bản chất cộng sản trong Tuyên ngôn do Mác và Engels công bố năm 1848 thì người cộng sản không có quyền nói về lòng yêu nước. Tuyên ngôn viết rõ ràng là, cộng sản chủ trương vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo (tam vô) mà đề cao “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”. Đã vô tổ quốc thì làm gì có lòng yêu nước mà nói.

    Một vấn nạn của Cộng sản Việt Nam là cộng sản Trung Quốc

    Sau khi Trung Quốc lộ rõ dã tâm bá quyền, muốn độc chiếm Biển Đông, buộc Việt Nam lệ thuộc, thì trong nước và trên thế giới rộ lên dư luận cho rằng nước Việt Nam, vì chưa đủ sức mạnh trở thành cường quốc để tạo thành một cực trong thế giới đa cực, nên phải chọn lựa một trong hai con đường:

    1. Thoát khỏi TQ, hòa nhập với thế giới dân chủ thì sẽ giữ được độc lập, chủ quyền. Nhưng muốn thế, phải từ bỏ con đường cộng sản, từ bỏ việc xây dựng chế độ XHCN.

    2. Lệ thuộc vào TQ, giữ chế độ XHCN thì sẽ mất độc lập, mất chủ quyền.

    Tương tự, có 2 lựa chọn cho Đảng CSVN.

    1. Một số cán bộ chủ chốt thấy rõ sự bế tắc của CNML mà chủ động thực hiện diễn biến hòa bình, trong khi vẫn giữ lại cơ bản tổ chức của đảng thì vận động đổi tên đảng (ví dụ lấy lại tên Đảng Lao động), tuyên bố từ bỏ CNML, mở rộng tự do dân chủ và hòa hợp dân tộc.

    2. Vẫn kiên trì CNML, giữ chặt sự độc quyền, toàn trị, thì sẽ càng ngày càng lệ thuộc vào TQ, bị mất chủ quyền.

    Gần đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng, bằng bất cứ giá nào cũng phải giữ ổn định Đảng và chế độ. Ông Trọng không nói rõ giữ ổn định kiểu gì, về tổ chức hay về quan điểm, ổn định lâu dài hay tạm thời. Tôi thấy rằng, để giữ được ổn định lâu dài về tổ chức thì cần theo phương án 1, còn theo phương án 2 với biện pháp đàn áp các tiếng nói dân chủ và bất đồng quan điểm thì chỉ có thể giữ được ổn định tạm thời mà thôi.

    Lời kết

    Ôi, nhờ lòng yêu nước mà các chiến sĩ như Nguyễn Biểu, Nguyễn Thái Học, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi và hàng ngàn hàng vạn người khác hiên ngang, tự hào nhận cái chết vẻ vang. Nhờ dựa vào lòng yêu nước của những người khác mà một số chiếm và giữ được quyền cao chức trọng, vinh thân phì gia.

    Cũng vì lòng yêu nước mà những con người đã từng một thời oanh liệt trong khi làm cách mạng đã bị dày vò và chết trong tủi nhục như Hoàng Minh Chính, Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh và hàng ngàn người khác. Lại cũng dựa vào lòng yêu nước mà hàng triệu con người cùng dân tộc chia ra hai phe, thù hận và chém giết nhau một cách tàn khốc.

    Về việc này Nguyễn Gia Kiểng đã viết quyển sách “Tổ quốc ăn năn”, Nguyễn Thanh Giang viết “Đêm dày lấp lánh”, Trần Đĩnh viết “Đèn cù”, Nguyễn Mạnh Tường viết “Người bị ruồng bỏ”, Trần Đức Thảo kể “Lời trăn trối”, Nguyễn Trọng Vĩnh cùng 60 đảng viên kỳ cựu viết thư ngỏ…, còn tôi chỉ biết kêu Trời, kêu xong lại khóc thầm, vận dụng câu trong Chinh phụ ngâm: Du du bỉ thương hề thùy tạo nhân (Xanh kia thăm thẳm từng trên. Vì ai gây dựng cho nên nỗi này).

    Comments


    Phạm Đình Trọng

    Hoan hô Cụ Nguyễn Đình Cống với trí tuệ và khí phách kẻ sĩ đã lột cái mặt nạ yêu nước mà gần thế kỉ qua đảng cộng sản đã núp bóng. Núp bóng lòng yêu nước đảng cộng sản đã khai thác được triệt để sức dân và máu dân để giành và giữ được quyền lực, duy trì một thể chế độc tài trung cổ, dìm dân tộc văn hiến vào nô lệ lầm than, tàn phá đất nước gấm vóc, đẩy xã hội vào tối tăm bạo lực.

    Lương Trung

    "Cười ba tiếng, khóc ba tiếng"! Cười bi ai, khóc bi thiết!

    Manh Tiên Nguyen

    xứng đáng :kẻ sỹ ,hậu thế sẽ lưu danh ông ,tôi khâm phuc lòng dũng cảm của ông

    https://baotiengdan.com/2023/08/03


    Không có nhận xét nào