Header Ads

  • Breaking News

    Nguồn tin nội bộ: Đằng sau sự biến mất của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc là vụ rò rỉ bí mật quân sự

    Shawn Lin 

    Hồng Ân biên dịch

    01/8/2023

    Nguồn tin nội bộ: Đằng sau sự biến mất của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc là vụ rò rỉ bí mật quân sự


    Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tổ chức một cuộc họp báo với Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập (không xuất hiện trong hình) tại trụ sở của liên đoàn này ở Cairo, hôm 15/01/2023. (Ảnh: AFP qua Getty Images) 

    Việc biến mất không thể lý giải và vụ sa thải đầy kịch tính của cựu bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đang dậy sóng khắp mặt báo quốc tế. 

    Hầu hết các tin đồn trên mạng Internet đều chăm chăm nghĩ rằng mối quan hệ nhập nhằng của ông Tần với một ký giả truyền hình nổi tiếng là nguyên nhân chính khiến sự nghiệp của ông đổ vỡ. 

    Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với một quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiết lộ với The Epoch Times rằng ông Tần bị loại khỏi chính trường không phải vì ngoại tình, mà là vì ông ta đã vi phạm một điều cấm kỵ lớn của ĐCSTQ, điều đã thu hút sự nghi ngờ của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. 

    Hơn nữa, nguồn tin ẩn danh này đã liên kết các dữ kiện giữa việc thanh trừng ông Tần với một vụ bê bối gần đây liên quan đến Lực lượng Hỏa tiễn tối mật của Trung Quốc. Tiết lộ nhạy cảm này có liên quan đến việc bán các bí mật quân sự, khả năng xuất hiện điệp viên hai mang trong tổ chức, và những lo ngại về một cuộc nổi dậy trong hàng ngũ của giới tinh hoa quân đội Trung Quốc. 

    Sự biến mất bí ẩn của ông Tần Cương

    Lần xuất hiện trước công chúng cuối cùng của ông Tần là vào ngày 25/06, khi ông gặp gỡ các quan chức từ Sri Lanka, Nga, và Việt Nam. Sau cuộc họp đó, ông đã không còn xuất hiện trước công chúng, một sự biến mất đầy bí ẩn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lấy “lý do sức khỏe” để biện minh cho những cuộc họp chính thức mà ông không tham dự. 

    Trong suốt một tháng vắng mặt, nhiều tin đồn đã lan truyền trên mạng xã hội trong và ngoài nước rằng ông Tần đã có mối quan hệ với nữ phát thanh viên truyền hình nổi tiếng Phó Hiểu Điền (Fu Xiaotian), người làm việc cho đài truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng (Phoenix TV) có trụ sở tại Hồng Kông, và rằng hai người này đã có với nhau một đứa con chung mang quốc tịch Mỹ. 

    Điều kỳ lạ là Trung Quốc — nơi kiểm duyệt nghiêm ngặt phát ngôn trên mạng — lại cho phép những tin đồn nhảm trên mạng lan truyền tự do, khiến người dân Trung Quốc tò mò muốn nghe ngóng tin tức. 

    Hôm 25/07, chỉ sau bảy tháng đảm nhiệm chức vụ này, ông Tần đã bị cách chức. Người tiền nhiệm của ông, nhà ngoại giao kỳ cựu Vương Nghị đã trở thành người thay thế. 

    Chi tiết về lực lượng hỏa tiễn tối mật của ĐCSTQ được tiết lộ

    Được xem là quân chủng bí mật nhất của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), Lực lượng Hỏa tiễn của Trung Quốc là lực lượng chiến lược và chiến thuật chịu trách nhiệm về hỏa tiễn đạn đạo thông thường và hạt nhân trên đất liền của PLA. 

    Tuy nhiên, vào ngày 24/10 năm ngoái (2022), Viện Nghiên cứu về Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASI), một tổ chức tư vấn của Không lực Hoa Kỳ, đã công bố một báo cáo dài 242 trang (pdf) tiết lộ rất chi tiết về cơ cấu tổ chức của Lực lượng Hỏa tiễn. 

    Tài liệu nêu trên gồm nhiều loại thông tin, từ hệ thống chỉ huy cao cấp trong lực lượng hỏa tiễn đến các căn cứ sản phẩm hậu cần của lực lượng này. 

    Thông tin cụ thể được nêu chi tiết trong báo cáo bao gồm vị trí căn cứ, chức năng chính của đơn vị, tên Hoa ngữ và Anh ngữ của các quan chức quân sự phụ trách và mã số của từng đơn vị. Báo cáo cũng bao gồm một sơ đồ cây thể hiện ảnh, tên, và mối liên hệ của những nhân sự chủ chốt phụ trách từng bộ phận của Lực lượng Hỏa tiễn. 

    Ngoài ra, báo cáo còn có một bản đồ cho thấy việc khai triển Lực lượng Hỏa tiễn ở nhiều vùng khác nhau của Trung Quốc. Báo cáo thậm chí còn bắt đầu với một phần đặc biệt về cách diễn giải mã số nhận dạng được mã hóa của các đơn vị thuộc Lực lượng Hỏa tiễn. 

    Lực lượng Hỏa tiễn trực thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), bắn hỏa tiễn thật vào vùng biển gần Đài Loan, từ một địa điểm không được tiết lộ ở Trung Quốc, vào ngày 04/08/2022. (Ảnh: Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ/Tư liệu báo chí qua Reuters)

    Lực lượng Hỏa tiễn trực thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), bắn hỏa tiễn thật vào vùng biển gần Đài Loan, từ một địa điểm không được tiết lộ ở Trung Quốc, vào ngày 04/08/2022. (Ảnh: Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ/Tư liệu báo chí qua Reuters) 

    Ông Diêu Thành (Yao Cheng) là một cựu trung tá Trung Quốc sống lưu vong ở Hoa Kỳ nhưng vẫn giữ liên lạc với một số người trong quân đội Trung Quốc. Nói chuyện với chương trình Diễn đàn Tinh anh (Pinnacle View) của đài truyền hình NTD, ông cho hay báo cáo này chi tiết và tường tận đến mức đáng kinh ngạc. 

    Trung tá Diêu cho biết Lực lượng Hỏa tiễn là một trong những đơn vị bí mật nhất của ĐCSTQ, vì vậy khả năng những thông tin chi tiết đó được lấy từ các bức ảnh vệ tinh là khó có thể xảy ra. Hơn nữa, thông tin rất cụ thể có trong báo cáo không được cung cấp cho nhân viên cấp thấp hơn vì các quy định bảo mật nội bộ. 

    Thanh trừng Lực lượng Hỏa tiễn

    Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập đã cách chức một số lãnh đạo quân đội trên danh nghĩa chống tham nhũng, nhưng cuộc thanh trừng quân đội của ông hiếm khi động đến Lực lượng Hỏa tiễn. 

    Tuy nhiên, trong vài tháng qua, các hãng truyền thông Trung Quốc trong và ngoài nước đã đưa tin rằng nhiều vị tướng lĩnh của Lực lượng Hỏa tiễn đã bị thanh trừng. ĐCSTQ đang tìm cách bịt lỗ rò rỉ thông tin cung cấp cho báo cáo của Viện Nghiên cứu về Hàng không vũ trụ Trung Quốc. 

    Mới đây nhất, hôm 27/07, hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc The Paper đưa tin, cựu Phó Tư lệnh Lực lượng Hỏa tiễn Ngô Quốc Hoa (Wu Guohua) đã qua đời vào ngày 04/07 vì bạo bệnh. Vị trung tướng này hưởng thọ 66 tuổi. Tang lễ của ông được ấn định tổ chức vào ngày 30/07. 

    Được đưa ra gần một tháng sau khi ông Ngô qua đời, thông báo từ phía chính quyền làm dấy lên suy đoán rằng ông đã tự sát chứ không phải tử vong vì xuất huyết não đột ngột như những gì thông báo cho biết. Kỳ lạ hơn nữa là chẳng bao lâu sau khi xuất hiện trên The Paper, thông báo này đã nhanh chóng bị xóa. 

    Hãng truyền thông Đài Loan NewTalk đã đưa tin về vụ việc được cho là tự sát này vào ngày 10/07, trích dẫn các nguồn tin nội bộ. 

    Trung tá Diêu Thành cũng đặt câu hỏi về nguyên nhân dẫn đến sự qua đời của ông Ngô. Trong một bài đăng hôm 09/07, ông Diêu giải thích rằng với cấp bậc quân sự cao là lãnh đạo của Lực lượng Hỏa tiễn, thì lẽ ra ông Ngô phải được hưởng dịch vụ chăm sóc y tế hàng đầu. Trung tá Diêu cho biết, các vấn đề sức khỏe chẳng hạn như những căn bệnh được cho là đã cướp đi mạng sống của ông Ngô chắc chắn không phải là chưa từng được phát hiện và đột ngột xảy ra như vậy. 

    Ông nói, ĐCSTQ rất có thể đã che giấu lý do thực sự dẫn đến sự qua đời của ông Ngô, vì sợ điều đó sẽ làm lung lay sĩ khí của quân đội. 

    Trung tá Diêu nói rằng trong quá trình ông Tập thực hiện chiến dịch chống tham nhũng, bảy sĩ quan hải quân Trung Quốc đã tự sát. Tất cả những người này đều được cho là “qua đời vì bệnh tật.” 

    Người trong cuộc: Việc ông Tần Cương bị cách chức có liên quan đến cuộc cải tổ Lực lượng Hỏa tiễn

    Việc ông Tần bị sa thải và cuộc thanh trừng Lực lượng Hỏa tiễn diễn ra gần như đồng thời. 

    Hôm 26/07, một nguồn tin thân cận với cấp lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ nói với The Epoch Times rằng việc ông Tần bị sa thải thực sự bị khơi ra từ các sự kiện gây ảnh hưởng nghiêm trọng liên quan đến Lực lượng Hỏa tiễn. 

    Nguồn tin này cho biết con trai của một sĩ quan cao cấp trong Lực lượng Hỏa tiễn hiện đang học tập và kinh doanh tại Hoa Kỳ. Nguồn tin cho biết chính thanh niên này đã bán bản đồ phân bố hỏa tiễn của Lực lượng Hỏa tiễn cho Hoa Kỳ. 

    Các đặc vụ của ĐCSTQ tại Hoa Kỳ đã được thông báo về vụ rò rỉ thông tin này, và báo cáo vụ việc cho ông Tần. Tuy nhiên, theo nguồn tin nội bộ, ông Tần đã không lập tức báo cáo lại sự tình cho ông Tập. 

    “Vấn đề nằm ở chính chỗ này,” nguồn tin cho biết. 

    Khi điều tra vụ rò rỉ, các điều tra viên của ĐCSTQ đã phát hiện ra rằng cô Phó Hiểu Điền cũng có liên can. 

    Được biết, người nhà của sĩ quan này đã nhờ nữ MC thời sự Phó Hiểu Điền nói chuyện với ông Tần, với hy vọng ông Tần sẽ giúp che giấu vụ rò rỉ thông tin. Cô Phó biết rõ về gia đình này nhưng ông Tần lại không nằm trong các mối quan hệ xã hội của họ. 

    Điều này dẫn đến sự chậm trễ trong việc báo cáo vụ rò rỉ thông tin tình báo, nguồn tin cho biết. 

    Theo nguồn tin nội bộ, ông Tần thậm chí có thể đã can thiệp để nói lời tốt cho con trai của vị sĩ quan kia, mặc dù điều đó không hiệu quả. 

    Nguồn tin cho biết, việc ông Tần chậm trễ trong việc báo cáo vụ rò rỉ đã khiến ông Tập đề cao cảnh giác, và ông ấy đã bắt đầu nghi ngờ lòng trung thành của ông Tần. 

    Bị đồn là điệp viên hai mang

    Nguồn ẩn danh này — nhắc lại một số tin tức của giới truyền thông — suy đoán rằng nữ phát thanh viên kia thực chất là một điệp viên hai mang. 

    “Nhìn bề ngoài, cô gái này chỉ là một nhân viên của Đài truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng, nhưng thực chất, cô ta đang làm việc dưới sự quản lý của Cục 2 trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Tôi không biết bằng cách nào mà cô ta lại cũng phục vụ cho Hoa Kỳ và trở thành một điệp viên hai mang,” nguồn tin cho biết. 

    “Cô ta tiếp cận ông Tần Cương là có mục đích,” ông nói. 

    Cục 2 của Bộ Tổng Tham mưu, còn được gọi là Cục Tình báo của Bộ Tổng Tham mưu, là cơ quan tình báo đặc biệt của quân đội Trung Quốc. 

    Đối với các điều tra viên, cô Phó là chiếc chìa khóa mấu chốt để phá toàn bộ vụ án này. Theo nguồn tin nội bộ, cô Phó thú nhận rằng cô đã nhờ ông Tần tìm cách che đậy vụ rò rỉ thông tin đó. 

    Khi được hỏi tại sao cô Phó lại gây hại cho người cha của con mình, nguồn tin suy đoán rằng cô Phó không có ý định làm hại ông Tần. Tuy nhiên, cô đã làm rối tung mọi việc, cuối cùng làm liên lụy đến tình nhân của mình. Nguồn tin cho biết: “Cô ấy đáng lẽ phải làm việc âm thầm thôi, nhưng cô lại tiết lộ quá nhiều cho công chúng.” 

    Tin đồn về việc ông Tần ngoại tình với nữ ký giả duyên dáng này đã lan truyền trên WeChat trong nhiều tuần sau khi ông Tần mất tích. Nguồn tin lưu ý rằng điều này là rất bất thường. 

    “Những vụ bê bối như vậy sẽ không thể lan truyền tự do mà không có sự kiểm duyệt trên WeChat. Trên thực tế, cảnh sát mạng của ĐCSTQ, vốn hoạt động dưới sự chỉ thị của một số lãnh đạo hàng đầu ĐCSTQ, đang đứng đằng sau thêm dầu vào lửa, giúp lan truyền vụ bê bối này ra khắp nơi, để công chúng ngày càng dễ tiếp nhận ý tưởng rằng ông Tần Cương sẽ bị cách chức,” ông nói. 

    Bị các ‘thái tử Đảng’ đố kỵ đâm sau lưng

    Người trong cuộc còn suy đoán thêm rằng ông Tần — người được đích thân ông Tập thăng chức — là nạn nhân của các “Thái tử Đảng” (còn được gọi là Hồng Nhị Đại, giai tầng con ông cháu cha kế vị) đầy đố kỵ của ĐCSTQ, những người đã nhân cơ hội này để loại bỏ ông. 

    “Ông Tập Cận Bình từ lâu đã là một người hoang tưởng, luôn cảm thấy lo sợ rằng những người khác có thể đang muốn chống lại mình. Do đó, bất kỳ ai gây ra mối đe dọa dù là nhỏ nhất đối với ông Tập Cận Bình đều sẽ bị triệt tiêu. Một khi ông Tập Cận Bình nghĩ ông Tần có tham vọng, mạng sống ông Tần xem như chấm hết. Bây giờ ông Tập Cận Bình không chỉ nghĩ ông Tần Cương đang âm mưu che đậy tội ác, mà thậm chí ông ta còn nghi ngờ ông Tần Cương đang âm mưu chiếm đoạt ngai vàng,” nguồn tin này cho biết. 

    Tóm lại, cô Phó là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của ông Tần. Nguồn tin cho biết lời thú nhận của cô Phó, kết hợp với việc đâm sau lưng về mặt chính trị, đã kích động ông Tập đưa ra quyết định truất phế ông Tần. 

    Ông nói rằng đối với ông Tần, câu chuyện này khó có thể có một kết cục tốt đẹp. Ông nói: “Riêng về việc loại bỏ những người bất đồng chính kiến, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc là vô cùng độc ác.” 

    Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), cựu giáo sư luật tại Đại học Bắc Kinh, hiện đang sống lưu vong ở Úc, đã nói chuyện với The Epoch Times hôm 17/07 về tình hình của ông Tần. Theo ông Viên, các quan chức cao cấp — đặc biệt là những quan chức trong lĩnh vực quân sự và chính trị — không được phép trao đổi thông tin giữa các ngành với nhau. Ông Viên nói rằng đối với ĐCSTQ thì đây là một điều cấm kỵ lớn. Ông Tần đã vi phạm quy tắc này khi cố gắng can thiệp giùm cho người con trai của vị sĩ quan quân đội kia. 

    Thăng cấp ba lần rồi lại rơi xuống đáy

    Từ tháng 10/2022 đến tháng 03/2023 — trong vòng chưa đầy nửa năm — ông Tần, năm nay 57 tuổi, đã được thăng chức ba lần liên tiếp. 

    Hồi tháng Mười, tại Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, ông Tần đã được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ. 

    Tháng Mười Hai năm ngoái, ông nhậm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Và vào tháng Ba năm nay, ông được bổ nhiệm vào Quốc vụ viện.

    Tuy nhiên, ngôi sao chiếu mệnh của ông Tần lên nhanh thế nào thì khi xuống cũng lại nhanh như thế. Sau vụ rò rỉ thông tin về Lực lượng Hỏa tiễn, ông trở thành bộ trưởng ngoại giao có nhiệm kỳ ngắn nhất Trung Quốc.

    https://www.epochtimesviet.com


    Không có nhận xét nào