28/8/2023
Các nhà hoạt động nhân quyền kháng cáo phán quyết của các vụ án mang động cơ chính trị
Bùi Tuấn Lâm tại phiên Kiểm định Phổ quát của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Geneva, tháng Hai năm 2014. © 2014 Private
Trần Văn Bang cầm biểu ngữ “Tự do cho tù nhân lương tâm Việt Nam” nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc tế Nhân quyền, ngày 10 tháng Mười hai năm 2018. © 2018 Tran Van Bang
(Bangkok) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng nhà cầm quyền Việt Nam cần hủy bỏ các phán quyết gần đây của các vụ án mang động cơ chính trị xử ông Trần Văn Bang và Bùi Tuấn Lâm và ngay lập tức phóng thích họ. Các tòa án cấp cao hơn dự kiến sẽ mở phiên phúc thẩm của Trần Văn Bang vào ngày 29 tháng Tám và của Bùi Văn Lâm vào ngày 30 tháng Tám năm 2023.
Công an bắt giữ ông Trần Văn Bang vào tháng Ba năm 2022 và Bùi Tuấn Lâm vào tháng Chín, rồi cáo buộc họ tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 của bộ luật hình sự. Hồi tháng Năm, hai tòa án đã kết luận họ có tội và xử Trần Văn Bang 8 năm và Bùi Tuấn Lâm 5 năm 6 tháng tù giam.
“Trần Văn Bang và Bùi Tuấn Lâm công khai phê phán cách thức Đảng Cộng sản Việt Nam cai trị đất nước,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Hành vi bất đồng chính kiến một cách ôn hòa không phải là tội và các vụ án chống lại hai người cần bị hủy bỏ.”
Ông Trần Văn Bang, 62 tuổi, là cựu quân nhân và kỹ sư, đồng thời là một nhà hoạt động nhân quyền. Ông Bùi Tuấn Lâm, còn được gọi là Peter Lâm Bùi hay Thánh Rắc Hành, 39 tuổi, là chủ một quán bún vỉa hè, người trở nên nổi tiếng vào năm 2021 khi bắt chước đầu bếp nổi tiếng Thánh Rắc Muối, với hình ảnh rắc muối lên miếng bít tết dát vàng giá 2000 đô la và bón tận miệng cho bộ trưởng công an Việt Nam, Tô Lâm.
Trong thập niên vừa qua, Trần Văn Bang và Bùi Tuấn Lâm đã vận động cho các quyền dân sự và chính trị ở Việt Nam. Cả hai người đã tham gia các cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc cũng như các cuộc biểu tình về các vấn đề môi trường và nhân quyền. Cả hai đều công khai lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị, và tham gia các hoạt động hỗ trợ tài chính và tinh thần cho các nhà hoạt động bạn bè cũng như gia đình họ.
Trong nhiều năm, công an đã nhiều lần sách nhiễu và đe dọa cả hai nhà hoạt động này, và quản chế họ tại gia trong dịp có các sự kiện chính trị quan trọng. Họ cũng từng bị côn đồ ủng hộ nhà nước tấn công và gây thương tích.
Người nhà của Bùi Tuấn Lâm không được vào dự phiên xử ông hồi tháng Năm. Khi vợ ông, bà Lê Thanh Lâm, xuất hiện gần tòa án vào buổi sáng ngày diễn ra phiên xử, bà bị công an khống chế, và lôi đi dọc phố rồi câu lưu bà trong nhiều tiếng đồng hồ. Bên trong tòa, một luật sư bào chữa cho Bùi Tuấn Lâm, ông Ngô Anh Tuấn, bị đuổi ra khỏi phòng xử trước khi ông trình bày xong phần biện hộ của mình.
Sức khỏe của ông Trần Văn Bang, vốn đã suy yếu từ nhiều tháng trước khi ông bị bắt, đã xấu đi trong mấy tháng gần đây do không đủ điều kiện thăm khám và điều trị y tế tại cơ sở tạm giam của công an.
Chính quyền Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất là 159 người vì đã thực hành các quyền tự do và quyền con người cơ bản của mình sau khi bị xét xử trong các phiên tòa không đạt tiêu chuẩn quốc tế về xét xử công bằng. Hai mươi ba người khác đang bị tạm giam chờ xét xử với các cáo buộc mang động cơ chính trị.
“Sự vi phạm trắng trợn các nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền của chính quyền Việt Nam còn trở nên nghiêm trọng hơn vì Việt Nam hiện đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc,” ông Robertson nói. “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần gây sức ép để Việt Nam phóng thích tất cả các nhà bất đồng chính kiến và những người khác đang bị giam giữ vì đã thực hành các quyền dân sự và chính trị của mình.”
* " Tổ chức theo dõi nhân quyền (tiếng Anh: Human Rights Watch) (HRW) là một tổ chức phi chính phủ nghiên cứu về và cổ vũ cho nhân quyền, có trụ sở tại Thành phố New York, Hoa Kỳ và văn phòng ở Amsterdam, Beirut, Berlin, Brussels, Chicago, Genève, Johannesburg, Luân Đôn, Los Angeles, Moskva, Paris, San Francisco, Tokyo, Toronto, và Washington D.C.. Tổ chức này được thành lập năm 1978."
Không có nhận xét nào