Lâm Yến thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Epoch Times Hoa Ngữ
12/8/2023
Ngày 05/08/2016, một nhân viên bảo vệ an ninh đứng gác bên ngoài một khu nhà không mở cửa cho công chúng tại Bắc Đới Hà, thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Hằng năm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc họp đặc biệt tại thành phố này. (Ảnh: Simon Song/South China Morning Post qua Getty Images)
Các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tiến hành hội nghị bí mật diễn ra hằng năm tại Bắc Đới Hà. Theo dự đoán của ngoại giới, nội dung thảo luận tại hội nghị này sẽ xoay quanh vấn đề thống nhất Đài Loan, suy thoái kinh tế Trung Quốc, và mối bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ.
Ông Katsuji Nakazawa, cựu trưởng văn phòng Trung Quốc của tờ Nikkei Asia, cho biết trong một bài viết rằng một người trong nội bộ ĐCSTQ từng quan sát tỉ mỉ tình hình chính trị của đảng này trong 40 năm tiết lộ: “Đây là lần đầu tiên tất cả các nguyên lão [cựu lãnh đạo cao cấp của ĐCSTQ] có quyền thế trong đảng đều biến mất tại hội nghị bí mật Bắc Đới Hà.”
Theo thông lệ, khi các hãng thông tấn của nhà nước Trung Quốc đưa tin ông Thái Kỳ (Cai Qi), một trong những Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, xuất hiện tại khu nghỉ mát ven biển hôm 03/08, có nghĩa là hội nghị bí mật Bắc Đới Hà đã khai mạc. Thành phố Bắc Đới Hà là một khu nghỉ mát ven biển thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.
Ông Thái Kỳ được xếp vị trí thứ 5 trong 7 Ủy viên Thường vụ, là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Tổng Bí thư của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong thời gian nghỉ dưỡng tại Bắc Đới Hà, ông Thái có cuộc hội kiến với các quan chức cao cấp trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cao cấp của ĐCSTQ không xuất hiện trên tin tức của giới truyền thông một thời gian, đó là dấu hiệu cho thấy hội nghị Bắc Đới Hà đang diễn ra.
Theo ông Katsuji Nakazawa, có thông tin cho rằng hình thức của hội nghị Bắc Đới Hà đã có sự thay đổi trong những năm gần đây. Hội nghị năm nay có thể không nhất thiết phải có sự tham dự của tất cả Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị và các cựu lãnh đạo đảng, kể cả ông Tập Cận Bình.
Đối với ông Tập Cận Bình, người đã giữ chức vụ Chủ tịch nước và Tổng Bí thư ĐCSTQ trong gần 11 năm, đây sẽ là cuộc họp ở Bắc Đới Hà đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông mà không có một nguyên lão có sức ảnh hưởng lớn nhất nào tham dự.
Ông Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng trước đó, cũng là người có quyền lực lớn nhất cho đến nay, đã qua đời hồi tháng 11/2022.
Ông Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình, 80 tuổi, đã được hộ tống ra khỏi phiên bế mạc Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 một cách kịch tính hồi tháng 10/2022. Kể từ đó, ông Hồ rất ít xuất hiện công khai, và có khả năng sẽ không tham dự hội nghị Bắc Đới Hà năm nay.
Toàn bộ cựu lãnh đạo Đảng vắng mặt, một mình ông Tập ra quyết định – ĐCSTQ đã rơi vào tình thế nguy hiểm?
Hội nghị Bắc Đới Hà lần này dự kiến sẽ kéo dài đến giữa tháng Tám, và toàn bộ cựu lãnh đạo Đảng đều không tham dự. Kết quả của cuộc họp sẽ như thế nào?
Theo phân tích của ông Katsuji Nakazawa, hiện nay trong ĐCSTQ đã hình thành nên một chế độ chuyên quyền của ông Tập Cận Bình, thay thế cho thể chế lãnh đạo chung trước đây. Trong tình hình này, cách duy nhất để sửa chữa các chính sách lớn có vấn đề là ông Tập phải đích thân thừa nhận và yêu cầu cải chính. Tuy nhiên, hành động này đồng nghĩa với việc người lãnh đạo cao nhất thừa nhận sai lầm của mình, đây là một sự lựa chọn “không có sức hấp dẫn.”
Chính sách “zero COVID” là một ví dụ. Chính sách này áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt về việc di chuyển của người dân để kiểm soát virus COVID. Dưới sự chỉ thị của ông Tập Cận Bình, chính sách zero COVID đã kéo dài gần ba năm, gây tổn thất nghiêm trọng không cần thiết cho nền kinh tế Trung Quốc. Theo kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới, rõ ràng chính sách này không có ý nghĩa gì.
“Khi mọi việc diễn ra thuận lợi, việc quản lý từ trên xuống dưới là có lợi thế,” ông Katsuji Nakazawa nhấn mạnh, “nhưng một khi có vấn đề xảy ra, mọi phản ứng sửa chữa đều không thể tránh khỏi sự chậm trễ, bởi vì nhiệm vụ chính trị hàng đầu của ĐCSTQ là bảo vệ thể diện và duy trì vị thế lãnh đạo chính trị của đảng này.”
Ông Nakazawa cho biết, trong tình hình hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa thể thực hiện một cuộc cải chính lớn, mà chỉ có thể thực hiện các biện pháp cơ bản để không làm mất thể diện của ông Tập Cận Bình.
“Dùng ngôn ngữ y học để ví von, thì điều đó tương đương với việc cho dù bệnh tình nghiêm trọng như thế nào, cũng đều không thể tiến hành phẫu thuật,” ông Nakazawa nói.
Ông Nakazawa còn cho biết, dự kiến hội nghị Bắc Đới Hà sẽ có nhiều chủ đề cần thảo luận. Ví dụ, ông Tập Cận Bình xem việc thống nhất Đài Loan là mục tiêu cuối cùng của ông.
Ngoài ra, kể từ khi thực hiện chính sách “cải cách mở cửa” từ những năm 1970 tới nay, nền kinh tế Trung Quốc chưa bao giờ gặp phải tình trạng bất ổn như hiện nay.
Trong lĩnh vực ngoại giao, ông Tập Cận Bình cũng cần định đoạt chính sách đối ngoại với Hoa Kỳ. Quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể nói là đã rơi vào tình trạng tồi tệ nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa mối bang giao.
Thay đổi trong chính trị tại Đài Loan: Tất cả ứng cử viên Tổng thống đều là người bản địa
Chiến lược về Đài Loan của ông Tập Cận Bình cũng không đạt được kết quả như mong muốn. Hôm 07/08, ông Aso Taro, cựu Thủ tướng Nhật Bản 82 tuổi đồng thời là Phó Chủ tịch đương nhiệm của Đảng Dân chủ Tự do, đã có chuyến thăm Đài Loan trong ba ngày. Đây là chuyến thăm Đài Loan đầu tiên của nhân vật số hai thuộc Đảng Dân chủ Tự do, kể từ khi Nhật Bản và Đài Loan cắt đứt mối bang giao hồi năm 1972.
Điều làm Bắc Kinh càng khó chịu hơn là ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), Phó Tổng thống Đài Loan, đã lên kế hoạch quá cảnh Hoa Kỳ trong tháng này.
Trong chuyến thăm Paraguay sắp tới, ông Lại Thanh Đức sẽ đến thăm New York. Trên đường trở về từ quốc gia Nam Mỹ này, ông sẽ dừng lại ở San Francisco. Paraguay và Đài Loan vốn duy trì mối bang giao, và ông Lại Thanh Đức sẽ tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Santiago Pena Palacios của Paraguay.
Ông Lại Thanh Đức là ứng cử viên Tổng thống Đảng Tiến bộ Dân chủ của Đài Loan vào năm 2024 và cũng là ứng cử viên đang dẫn đầu.
Một nhân vật khác là ông Hầu Hữu Nghi (Hou Youyi), ứng cử viên tổng thống Quốc Dân Đảng, thị trưởng thành phố Tân Bắc, cũng khiến lãnh đạo ĐCSTQ bối rối. Ví dụ, hồi tháng 7/2023, ông Hầu Hữu Nghi đã chọn Nhật Bản là điểm đến cho chuyến thăm ngoại quốc đầu tiên của mình sau khi chính thức trở thành ứng cử viên tổng thống của Quốc Dân Đảng.
Chuyến thăm chính trị của ông Hầu Hữu Nghi diễn ra vào thời điểm Nhật Bản lên tiếng mạnh mẽ hơn về sự uy hiếp của ĐCSTQ. Điều này khiến Bắc Kinh khó có thể cảm thấy thoải mái. Hơn nữa, theo tình hình chính trị Đài Loan gần đây, Quốc Dân Đảng cũng đang điều chỉnh hướng đi, lập trường thân Cộng của họ sẽ không có lợi trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan diễn ra vào tháng 01/2024 đã cho thấy sự thay đổi chính trị tại Đài Loan.
Cho dù ông Lại Thanh Đức, hay ông Hầu Hữu Nghi, hoặc ông Kha Văn Triết – lãnh đạo Đảng Dân Chúng, một trong ba đảng lớn của Đài Loan, đều là người bản địa Đài Loan. Kể từ khi Đài Loan bắt đầu tổ chức bầu cử tổng thống vào năm 1996, đây là lần đầu tiên không có ứng cử viên đến từ bên ngoài.
https://www.epochtimesviet.com
Không có nhận xét nào