Andrew Thornebrooke
Xuân Hoa biên dịch
09/8/2023
Máy bay trực thăng của Hải quân Hoa Kỳ chuẩn bị hạ cánh xuống sàn đáp của hàng không mẫu hạm USS Nimitz (CVN 68) khi đang ở ngoài khơi bờ biển Baja California, Mexico, ngày 18/01/2020. (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)
Sự chuyển đổi của Trung Quốc “từ chế độ độc tài độc đảng sang chế độ độc tài một người” đã làm tăng khả năng Trung Nam Hải sẽ đưa ra tính toán sai lầm. Bắc Kinh hiện là thế lực bất ổn nhất ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và việc kiềm chế hành vi ngông cuồng của họ không phải là nhiệm vụ đơn giản.
Ông Mike Studeman – chuẩn đô đốc đã nghỉ hưu của Hải quân Mỹ, người từng đứng đầu cơ quan tình báo Hải quân – cho rằng để ngăn chặn một cuộc chiến tranh giữa các cường quốc, Hoa Kỳ sẽ không thể chỉ dựa vào năng lực quân sự mà còn phải tận dụng mọi phương diện của sức mạnh quốc gia.
Theo ông Studeman, Hoa Kỳ phải tác động đến quá trình ra quyết định của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đồng thời tránh làm tê liệt hoàn toàn quyền lực của họ – điều sẽ khiến họ trở nên liều lĩnh như một quốc gia lưu manh.
“Quan điểm chiến lược là chúng ta không muốn Trung Quốc trở thành một quốc gia bị bao vây và phải hành động theo những cách khó chịu gây ra nhiều hậu quả”, ông Studeman phát biểu như vậy trong buổi nói chuyện ngày 08/08 tại Viện Hudson – một tổ chức tư vấn khuynh hướng bảo thủ.
Để đạt được mục tiêu đó, ông Studeman tin rằng Hoa Kỳ cần phối hợp tốt hơn nữa các chiến lược quân sự, kinh tế, ngoại giao và không gian mạng của mình, từ đó có thể định hình quá trình ra quyết định của Bắc Kinh, đồng thời để đảm bảo rằng Trung Nam Hải không thực hiện những sai lầm thảm khốc và khơi mào chiến tranh.
“Hành vi của Trung Quốc hiện nay là yếu tố gây bất ổn nhất ở Tây Thái Bình Dương, và vì vậy mọi người đều lo ngại. Và mọi người… sẵn sàng hành động để đảm bảo Trung Quốc sẽ không tính toán sai lầm”.
“Chúng ta cần xem xét tất cả các công cụ có thể có tác dụng trong việc ngăn chặn một cuộc chiến hoặc một cuộc khủng hoảng mà trên thực tế sẽ tàn phá toàn cầu”.
‘Không có người chiến thắng’ trong chiến tranh Trung – Mỹ
Theo ông Studeman, ĐCSTQ đã trở nên liều lĩnh và bất hợp tác hơn dưới thời Tổng bí thư Tập Cận Bình, người lên nắm quyền vào năm 2013.
Ông Studeman nói, trong khoảng thời gian này, sự chuyển đổi của Bắc Kinh “từ chế độ độc tài độc đảng sang chế độ độc tài một người” đã làm tăng khả năng Trung Nam Hải sẽ đưa ra tính toán sai lầm; bởi vì giới lãnh đạo Bắc Kinh không còn có thể đưa ra các quan điểm khác nhau, mà thay vào đó chỉ là ý thích bất chợt chủ quan của riêng ông Tập.
Điều này khiến ĐCSTQ có nhiều khả năng sẽ phát động một cuộc chiến tranh hơn, bởi vì một mình ông Tập dường như không hiểu hết mức độ nghiêm trọng của thảm họa sẽ xảy ra sau đó — cả trên toàn cầu và đối với ĐCSTQ tại quê nhà.
“Nếu [ông Tập] cố gắng sáp nhập Đài Loan, [điều đó] sẽ dẫn đến sự sụp đổ của vị trí Chủ tịch và Tổng bí thư, và tôi nghĩ rằng ông ấy đã đánh giá thấp điều này”, ông Studeman nói.
“Không có người chiến thắng thực sự trong những chuyện như vậy”.
Ông Ezra Cohen, một thành viên của Viện Hudson, có cùng quan điểm với ông Studeman. Ông Cohen cũng tin rằng Washington không thể chỉ dừng lại ở việc tạo ra những “đường tắt” để Trung Quốc “xuống thang” mà còn phải tích cực đẩy Bắc Kinh tới những đường tắt đó bằng cách sử dụng mọi phương diện của sức mạnh quốc gia Hoa Kỳ
Ông Cohen nói: “Chúng ta có thể tạo ra một môi trường mà giữ mọi thứ ở mức tiền xung đột, và đó thực sự mới là mục tiêu”.
“Để thành công trong giai đoạn tiền xung đột này, không chỉ là quân đội Hoa Kỳ sẽ làm gì. Đó là về những gì mà toàn bộ sức mạnh của chính phủ liên bang Hoa Kỳ sẽ làm”.
Theo ông Cohen, Hoa Kỳ có thể chống lại chiến dịch chiến tranh bất thường đầy tinh vi của ĐCSTQ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bằng cách phối hợp các Bộ Quốc phòng, Tư pháp, Thương mại và Tài chính.
Ông nói, chỉ riêng răn đe quân sự sẽ không thể ngăn xung đột nổ ra.
Trung – Mỹ leo thang căng thẳng
Ý kiến của ông Studeman và ông Cohen được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ – Trung đang leo thang căng thẳng.
Vào tuần trước, các tàu chiến của Trung Quốc và Nga đã tiến hành hoạt động Hải quân chung lớn nhất từ trước đến nay. Để đảm bảo rằng 11 tàu của Trung Quốc và Nga ở vùng biển quốc tế gần bờ biển Alaska không đi vào lãnh hải Hoa Kỳ, 4 tàu khu trục Mỹ đã được điều động.
Một cuộc tập trận tương tự, nhỏ hơn, đã diễn ra vào tháng 09/2022, với sự tham gia của 3 tàu Hải quân Trung Quốc và 4 tàu Hải quân Nga. Hoa Kỳ đã đáp trả với 1 tàu Cảnh sát biển.
Vào thời điểm đó, Chuẩn Đô đốc Nathan Moore – Tư lệnh Đội Cảnh sát biển số 17, cho biết trong một tuyên bố rằng đội hình chung Trung – Nga “hoạt động theo các quy tắc và chuẩn mực quốc tế”, và lực lượng Hải quân Mỹ sẽ “đảm bảo không có sự gián đoạn nào đối với các lợi ích của Hoa Kỳ trong môi trường hàng hải xung quanh Alaska”.
Ngoài ra, ĐCSTQ cũng đang thử thách giới hạn của tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên trường quốc tế. Bắc Kinh sử dụng mồi nhử kinh tế để xuất khẩu chủ nghĩa phi tự do của họ ra phạm vi toàn cầu, theo cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien.
“[ĐCSTQ] không ngừng cố gắng thay đổi cách sống của chúng ta”, ông O’Brien phát biểu trong buổi nói chuyện ngày 02/08 tại Viện Hudson. “Họ đang cố gắng thay đổi quyền tự do [mà chúng ta có], thay đổi cách chúng ta sống và thay đổi cách thế giới được tổ chức. Và điều đó thật nguy hiểm”.
Ông O’Brien nói rằng ĐCSTQ đang hoạt động “trên mọi khu vực của thế giới”, tìm cách nhổ tận gốc ảnh hưởng của các quốc gia dân chủ và thiết lập các biện pháp ngoại giao và kinh tế để ép buộc các nước nhỏ hơn.
“Họ nói về ‘đôi bên cùng có lợi’, nhưng trên thực tế, đó là ‘kẻ thắng người thua’. Trung Quốc thắng và các quốc gia khác thua”.
“Trong mắt ông Tập Cận Bình, cách duy nhất Trung Quốc có thể giành chiến thắng là tất cả các nước khác thua cuộc”, ông O’Brien nói.
Theo The Epoch Times
Không có nhận xét nào