Hồng Dân/VNTB
17/8/2023
Thiếu thuốc, nhiều máy móc thiết bị y tế phải “trùm mền” vì không có vật tư để vận hành, sửa chữa, thay thế… là “nút thắt” vẫn chưa được tháo gỡ.
Từ năm 2021, khi dịch Covid diễn ra, tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh, máy móc, hóa chất, sinh phẩm y tế đã xuất hiện ở các cơ sở chữa bệnh công lập từ trung ương đến địa phương. Lãnh đạo các bệnh viện đã liên tục kiến nghị, đề đạt để giải quyết tình trạng này nhưng chưa được các cấp có thẩm quyền khắc phục. Tình thế đến nay ngày càng trở nên trầm trọng.
Bác sĩ Trần Tứ Quý – giám đốc bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng – cho biết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị quá tải hoặc hư hỏng đang gây ra rất nhiều khó khăn cho các y bác sĩ, ảnh hưởng lớn tới người bệnh.
“Trước đây bệnh ít thì các máy làm việc đủ công suất nhưng vài năm nay lượng bệnh nhân mỗi ngày rất đông, các thiết bị chụp quét phải làm việc liên tục dẫn đến hư hỏng và xuống cấp nhanh. Từ đầu năm tới nay một số nguồn cung cấp sinh phẩm phục vụ chạy máy bị gián đoạn do biến động bất lợi trên toàn cầu. Mặt khác các máy bị hư hỏng giá sửa chữa lên tới hàng tỉ đồng, mỗi lần hỏng phải tổ chức quy trình đấu thầu, mua sắm và kéo dài nhiều tháng” – bác sĩ Quý giải thích.
Vậy là không có lựa chọn, bệnh nhân muốn làm các xét nghiệm chuyên sâu phải đi các tỉnh khác, trong khi Đà Nẵng từ lâu là trung tâm điều trị các bệnh về ung bướu của miền Trung, Tây Nguyên.
“Trong tình cảnh khó khăn hiện nay chúng tôi phải linh động xử lý bằng nhiều kỹ thuật hỗ trợ khác nhau, hạn chế để bệnh nhân phải đi ra tỉnh khác làm các xét nghiệm chuyên sâu” – bác sĩ Quý nhìn nhận về giải pháp tình thế hiện tại.
Hồi quý 1 năm nay, sau hơn 2 tháng bị hư hỏng và không thể sửa chữa do nhiều vướng mắc, đến hạ tuần tháng 3, máy CT – Scanner tại Khoa Cấp cứu của bệnh viện Chợ Rẫy đã hoạt động bình thường trở lại. Các bác sĩ không cần đưa bệnh nhân bị tai nạn nặng đến khu vực khác để chụp CT, mà chụp ngay cạnh khoa để tận dụng thời gian vàng, chẩn đoán và hội chẩn kịp thời cho bệnh nhân.
Người đứng đầu bệnh viện Chợ Rẫy giải thích vướng mắc được gỡ khi chính phú cho phép thanh toán bảo hiểm y tế khi sử dụng máy đặt, máy mượn và thiết bị y tế được tặng nhưng chưa kịp nhập vào tài sản quốc gia. Việc này giúp nhiều bệnh nhân bảo hiểm y tế được xét nghiệm chẩn đoán bệnh.
Ngoài ra với việc phía cơ quan quản lý nhà nước cho gia hạn giấy phép lưu hành, việc đặt stent cho bệnh nhân mắc bệnh lý mạch vành đến nay đã diễn ra bình thường. Trước đó, có đến 2 tuần bệnh viện Chợ Rẫy không thể đặt stent cho bệnh nhân mắc bệnh lý mạch vành, chỉ ưu tiên cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp cứu vì phải chờ đợi thủ tục gia hạn giấy phép.
Phía bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục đề xuất cần có quy định rõ về các gói bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị vì hệ thống máy móc cao cấp gần như độc quyền về mặt sửa chữa, tức chỉ có kỹ sư hãng đó mới sửa được. Đồng thời, cần quy định rõ máy móc mua sắm qua bao nhiêu trung gian. Quy định càng rõ ràng thì công tác mua sắm càng thuận lợi, tránh được nguy cơ sai phạm trong mua sắm.
Sự thận trọng đến mức chậm chạm trong các thủ tục từ phía Bộ Y tế, công tâm mà nói cũng một phần do nguyên nhân đến từ chuyện ‘phết, phẩy, hoa hồng’.
Hơn chục năm trước ở một bệnh viện thuộc tỉnh Đồng Nai được trang bị, đưa vào sử dụng máy xét nghiệm 2000i do Nhật sản xuất. Hai tháng trước khi đưa máy vào sử dụng, Công ty TNHH thiết bị y tế Nguyễn Tùng (đơn vị cung cấp máy) trúng thầu cung cấp hóa chất xét nghiệm dùng cho máy này. Tuy nhiên, bệnh viện chỉ sử dụng máy ba tháng rồi ngưng, với lý do đưa ra là bệnh viện không có hóa chất.
Với lý do “không có hóa chất” nên không xài máy “nhà nước”, và bệnh viện này chọn ‘ngoéo tay’ làm ăn với một công ty tư nhân qua hình thức “mượn máy xét nghiệm do Trung Quốc sản xuất” để kinh doanh.
Hồ sơ vụ việc này cho biết cả 6 máy mượn này đều không có hồ sơ chứng minh chất lượng, xuất xứ hàng hóa; không có hợp đồng đặt, mượn máy, trong đó có hai máy đã qua sử dụng.
Theo quy định, các cơ sở y tế công lập muốn liên kết, lắp đặt trang thiết bị y tế thì trang thiết bị đó phải mới 100%, thuộc thế hệ tiên tiến, có khả năng nâng cấp, có chứng chỉ chất lượng, xuất xứ hàng hóa… Tuy nhiên, các máy móc mà bệnh viện kể trên đã lắp đặt không tuân thủ quy định này.
Vụ việc trên có cái kết nhẹ nhàng: giám đốc bệnh viện kiểm điểm, rút kinh nghiệm với những cá nhân, tập thể có liên quan.
Không có nhận xét nào