Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ tư 09 tháng 8 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    Tổng thống Mỹ Joe Biden nói sẽ ‘sớm’ thăm Việt Nam

    BBC News

    09/8/2023

    REUTERS

    Nguồn hình ảnh, Reuters

    Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 8/8 cho biết ông sẽ “sớm” đến Việt Nam vì Hà Nội muốn nâng cao mối quan hệ với Washington và trở thành một đối tác quan trọng, theo Reuters.

    Ông Biden đưa ra bình luận trên khi phát biểu tại một buổi gây quỹ chính trị ở New Mexico.

    Khi được hỏi về thông báo của ông Biden, một phát ngôn viên của Nhà Trắng cho biết "không có gì để chia sẻ thêm vào thời điểm này."

    Tại một cuộc gặp hồi tháng 4, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ mong muốn thắt chặt quan hệ khi Washington tìm cách củng cố quan hệ với các đối tác ở châu Á để chống lại một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.

    Ông Blinken đã bày tỏ hy vọng rằng điều này có thể xảy ra "trong vài tuần và vài tháng tới."

    Washington đã và đang nỗ lực nâng quan hệ với Hà Nội lên đối tác "chiến lược" từ mối quan hệ mà trong thập niên qua được gọi là "toàn diện", mặc dù Việt Nam đã thận trọng trước nguy cơ đối đầu với Trung Quốc, nước láng giềng lớn là đầu vào chính cho các sản phẩm thương mại xuất khẩu quan trọng, hoặc Nga, một đối tác truyền thống khác.

    Biden nói tại một buổi gây quỹ ở Maine vào ngày 28/7 rằng ông đã nhận được một cuộc gọi từ "người đứng đầu Việt Nam", người "rất muốn gặp tôi khi tôi tới G20", đề cập đến kế hoạch tới Ấn Độ dự hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức tại New Delhi vào hai ngày 9-10/9.

    “Ông ấy muốn nâng tầm để Mỹ thành đối tác lớn, cùng với Nga và Trung Quốc,” ông Biden nói khi đó, trong phát biểu mà các nhà phân tích cho là ám chỉ vị Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, người mà Tổng thống Mỹ đã có cuộc điện đàm hồi tháng Ba.

    Các quan chức chưa cho biết mối quan hệ gần gũi hơn này có thể đòi hỏi những gì, nhưng các chuyên gia cho rằng điều đó có thể bao gồm việc tăng cường hợp tác quân sự và cung cấp vũ khí của Mỹ.

    Washington và các công ty quốc phòng của Mỹ đã công khai nói rằng họ muốn tăng cường cung cấp quân sự cho Việt Nam - cho đến nay phần lớn chỉ giới hạn ở các tàu bảo vệ bờ biển và máy bay huấn luyện - khi nước này tìm cách đa dạng hóa nguồn vũ khí khỏi Nga, nước vẫn là nhà cung cấp chính của Việt Nam.

    Tuy nhiên, các thỏa thuận quân sự với Mỹ sẽ phải đối mặt với những trở ngại tiềm tàng, bao gồm cả khả năng các nhà lập pháp Mỹ chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.

    Hồ thủy điện ở Mù Cang Chải đã không giúp giảm lũ

    Đông Đô/VNTB

    09/8/2023

    VNTB – Hồ thủy điện ở Mù Cang Chải đã không giúp giảm lũ

    Lãnh đạo công ty Xuân Thiện Yên Bái từng mạnh miệng tuyên bố dự án hoàn thành sẽ hạn chế các trận lũ quét vì có hồ chứa nước Khao Mang Thượng.

    Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói rằng các dự án thủy điện đã góp phần cắt giảm đỉnh lũ và lượng nước lũ về hạ du trên các sông, mặc dù các hồ chứa này theo thiết kế không có nhiệm vụ chống lũ.

    Công trình thủy điện Hồ Bốn (cổ đông chính là Tổng công ty Điện lực Miền Bắc) được xây dựng trên địa bàn xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Nhà máy có công suất 18MW, đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng vận hành thương mại từ ngày 22-3-2012.

    Vừa qua, khu vực Nhà máy thủy điện Hồ Bốn có lũ quét lớn và sạt lở đất gây sự cố đường dây 110kV và tài sản trụ sở làm việc Nhà máy thủy điện Hồ Bốn.

    Khu vực quốc lộ 32 tại địa phận thuộc hai xã Khao Mang, Hồ Bốn của huyện Mù Cang Chải bị mất thông tin, giao thông tê liệt. Toàn huyện Mù Cang Chải mất điện, xe cộ không thể qua lại, kể cả đi bộ, sạt lở ta luy dương nghiêm trọng.

    Hệ thống lưới điện trung, hạ áp tại một số khu vực ở Yên Bái cũng bị sự cố do các đợt mưa kéo dài. Huyện Mù Cang Chải bị mất điện 80 trạm biến áp. Hiện tuyến đường giao thông Mù Cang Chải đi Lai Châu đang bị sạt lở không di chuyển được, các đơn vị của Công ty Điện lực Yên Bái đang triển khai các nhóm công tác khắc phục sự cố để tiếp cận hiện trường.

    Liệu có phải do thiên tai khiến Nhà máy thủy điện Hồ Bốn bị thiệt hại?

    Lật lại hồ sơ sẽ thấy sau khi Thủy điện Hồ Bốn vận hành thương mại không lâu, quá trình thi công Dự án Thủy điện Khao Mang do Công ty TNHH Xuân Thiện Yên Bái (thuộc tập đoàn Xuân Thành) làm chủ đầu tư, phía thượng nguồn đã khiến đất đá, chất thải rắn từ việc san gạt mặt bằng của đơn vị này thi nhau đổ xuống suối Nậm Kim.

    Ngày 22-7-2012, lũ lớn về đã kéo trôi toàn bộ lượng đất đá thải trên, vùi lấp hoàn toàn cửa nhận nước, lượng bùn đất lòng hồ và cống xả cát cao vượt thiết kế 10 m, gây mất an toàn nghiêm trọng cho hệ thống hồ chứa nước và đập bê tông đầu mối của Nhà máy thủy điện Hồ Bốn, khiến nhà máy phải dừng phát điện từ 23-7-2012 đến 4-9-2012.

    Tháng 1-2017, sau hơn 3 năm thi công, nhà máy thủy điện Khao Mang Hạ với công suất 30 MW tại Mù Cang Chải đã hòa vào lưới điện quốc gia. Công trình được xây dựng trên địa bàn xã Khao Mang, Lao Chải, Hồ Bốn của huyện Mù Cang Chải. Sau khi tích nước, diện tích mặt hồ rộng 7,75ha và dung tích toàn bộ hồ chứa khoảng 0,5 triệu m3, trong đó dung tích chết là 0,36 triệu m3 và dung tích hữu ích là 0,14 triệu m3.

    Trước đó, theo công bố, để xây dựng cụm nhà máy thủy điện tổng công suất 55MW ở dự án Khao Mang Thượng đã đưa vào khai tháng vào hạ tuần tháng 9-2015, Công ty TNHH Xuân Thiện Yên Bái đã đầu tư kinh phí xây dựng  hồ chứa thủy điện Khao Mang Thượng có dung tích gần 14 triệu m3 nước và diện tích lưu vực khoảng 275km2 nhằm ngăn chặn hiện tượng lũ quét. Thời điểm đó, lãnh đạo công ty Xuân Thiện Yên Bái, mạnh miệng tuyên bố dự án hoàn thành sẽ hạn chế các trận lũ quét vì có hồ chứa nước Khao Mang Thượng.

    Quan sát qua hình ảnh về các trận lũ quét ở Mù Cang Chải vừa xảy ra, theo một nhận xét của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), thì, “trận lũ quét vừa qua tại Mù Cang Chải đã mang tất cả vật liệu phong hóa đưa vào dòng chảy, dồn xuống tức thời và gây ra những thiệt hại lớn. Nhưng cũng phải nhìn nhận, thiệt hại này do dân ở hoàn toàn không có quy hoạch. Dân ở gần mặt nước, thấp trong phạm vi ảnh hưởng của dòng chảy nên khi dòng chảy qua bị pha lẫn với vật liệu bồi đắp, vật liệu xói mòn đổ từ trên cao xuống sẽ xoáy tất cả những gì nó đi qua”.

    Trong văn bản mới đây của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) gửi 3 công ty thủy điện: Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) về việc chủ động vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, có nội dung lưu ý các công ty thủy điện phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia khai thác hiệu quả nguồn nước, hạn chế xả thừa trong mùa mưa bão và đảm bảo tích nước hồ chứa vào cuối mùa lũ.

    Như vậy xem ra EVN đã gián tiếp nhìn nhận ‘góp lũ’ ở đây còn có các hồ thủy điện, chứ không phải thủy điện giúp giảm lũ như các báo cáo tác động môi trường khi trình dự án thủy điện.

    Lào Cai: Vỡ đập chứa nước thải của nhà máy sản xuất kim loại đồng

    An Vui /SGN
    08/8/2023

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/8.8.23_Anh-1.jpg

    Vỡ đập chứa nước thải của nhà máy thuộc Vinacomin, dòng nước bùn xám xịt tràn ra thôn Phời 3, xã Tả Phời, TP.Lào Cai – Ảnh: Thanh Niên 

    Đập chứa nước thải từ nhà máy khai thác và sản xuất kim loại đồng – công ty Đồng Tả Phời, viết tắt Vinacomin, bị vỡ sáng 8 Tháng Tám 2023, đã xả ra dòng lũ xám xịt, cuốn trôi nhiều tài sản của 46 gia đình thuộc địa phận xã Tả Phời, TP.Lào Cai (tỉnh Lào Cai).

    Lao Động tường thuật lời ông Trần Văn Hưng, đổ thừa do mưa cục bộ gây áp lực, làm vỡ cống xả tràn của hồ thải thuộc Vinacomin (?)

    Tờ báo này cũng mô tả: “Mưa lớn kéo dài ở TP Lào Cai khiến lượng nước lớn trên thượng nguồn dồn về hồ thải, gây ra sự cố vỡ cống xả tràn. Vụ việc diễn ra quá nhanh khiến nhiều người dân chỉ biết bất lực nhìn dòng nước đổ tràn chảy xiết cuốn phăng nhiều tài sản, vật dụng trong gia đình”.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/8.8.23_Anh-1a-640x398.jpg

    Một người dân ngâm mình trong dòng nước thải ô nhiễm cố cứu gia súc – Ảnh: VietnamPlus 

    VTC News mô tả chi tiết hơn: Mưa lớn kéo dài khiến một đoạn bờ đập hồ chứa nước thải của công ty đồng Tả Phời bị vỡ, dòng nước thải ô nhiễm tràn vào nhiều nhà dân ở thôn Phời 3, TP.Lào Cai và làm ngập một số diện tích hoa màu, cuốn đi nhiều gia súc, rất may không có người bị thương hay thiệt mạng.

    Nhà cầm quyền xã Tả Phời đã đến làm việc với lãnh đạo Vinacomin, yêu cầu công ty khắc phục sự cố vỡ đập, thống kê đền bù mọi thiệt hại cho người dân. Đặc biệt, xã đề nghị công ty phải có phương án gia cố bảo đảm an toàn tuyệt đối, để đập chứa nước thải không bị vỡ thêm lần nào nữa.

    Trước đó, mưa lũ tại Lào Cai đã làm một người chết và một người mất tích.

    Nông Nghiệp Việt Nam dẫn lời ông La Văn Phóng, người dân ở thôn Phời 3, tường thuật: Nước thải ngập vào nhà khoảng 60 – 70cm, màu xám xịt,  tỏa mùi hóa chất rất nặng, rất khó thở.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/8.8.23_Anh-2-640x482.jpg

    Nước từ hồ chứa nước thải xám xịt, cuốn trôi tài sản của người dân – Ảnh: VTC News 

    Tại nhà ông Nông Văn Dỉn cùng thôn, phần mái trước cửa bị sập, hàng tạp hóa, tủ lạnh bị cuốn trôi. Các gia đình khác ngoài tài sản, hoa màu hư hại còn có gia súc gia cầm bị nước thải cuốn đi.

    Lo ngại nhất đối với người dân lúc này là nước thải từ việc sản xuất kim loại đồng của Vinacomin có chứa nhiều hóa chất độc hại, có thể ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt và đất canh tác về lâu dài.

    Theo ông Quảng Văn Việt, Phó chánh Văn phòng thường trực, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, bước đầu cho thấy có hơn 30 gia đình bị ảnh hưởng nặng nề phải tạm thời lánh đi nơi khác, mức độ thiệt hại đang được các cơ quan chức năng đánh giá và tổng hợp báo cáo.

    Thống kê sơ bộ cho đến nay, mưa lũ trên toàn tỉnh Lào Cai gây thiệt hại 262ha lúa, hư hại nhiều diện tích hoa màu, nhà cửa và tài sản, công trình công cộng. Ước thiệt hại ban đầu trên 11 tỷ đồng ($463,100).

    Thanh Niên cũng thống kê tương tự: Sự cố tràn cống xả thải hồ chứa bùn đuôi quặng của nhà máy tuyển quặng đồng thuộc công ty cổ phần Tả Phời khiến hơn 30 hộ dân tại xã Tả Phời, TP.Lào Cai (tỉnh Lào Cai) phải di dời. Toàn bộ nhà dân, ruộng đồng, hoa màu, con suối… đang ngập ngụa trong bùn thải, nguy cơ ô nhiễm kim loại trên diện rộng.

    Được biết, Vinacomin là doanh nghiệp cổ phần, với phần lớn vốn thuộc nhà nước, trực thuộc Tập đoàn công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam, nơi “Ngoài việc tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh, vấn đề phát triển Đảng, tổ chức Đảng luôn được đặt lên hàng đầu”, có giám đốc là ông Nguyễn Tam Tính kiêm bí thư đảng ủy, theo tạp chí điện tử Luật Sư Việt Nam.

    Có lẽ vì lo củng cố và phát triển nhân sự đảng, ông giám đốc Vinacomin không có thời gian kiểm tra đập chứa nước thải của công ty, dẫn đến sự cố vỡ đập, làm tràn nước thải xuống nhà dân thôn Phời 3!

    Việt Nam: Sạt lở khắp nơi, đừng đổ lỗi cho thiên tai

    An Vui /SGN
    08/8/2023

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/8.8.23_Anh-4a.jpg

    Homestay, khu nghỉ dưỡng vây kín khiến nước không còn đường thoát đã đổ vào con đường bê tông vùi lấp nhiều xe hơi ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) hôm 4 Tháng Tám vừa qua – – Ảnh: VTC News 

    Dẫn ý kiến của nhiều chuyên viên, VTC News ngày 8 Tháng Tám 2023 cho rằng: Hiện tượng sạt lở khắp nơi, từ Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội (Sóc Sơn), Tây Nguyên (trong đó có Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông) là do con người, đừng đổ lỗi cho thiên tai.

    Con người đã sai lầm ở đâu? Các chuyên viên đúc kết: Việc phá rừng tự nhiên, chuyển đổi đất rừng xây dựng công trình, bạt núi làm đường là nguyên nhân dẫn đến sạt lở, chứ không phải do thiên tai.

    Nhìn lại vụ sạt lở kinh hoàng ở đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) vào đầu giờ chiều 30 Tháng Bảy, vùi lấp ba cán bộ công an giao thông và một người dân, ông Nguyễn Hà Lộc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đổ thừa do mưa lớn, kéo dài đã tác động khiến nền đất yếu.

    Không đồng ý với nhận định trên, GS.TS. Vũ Trọng Hồng, Cựu thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, đánh giá đây là một nhận định sai lầm. Ông Hồng khẳng định: Đừng đổ lỗi cho trời mưa lớn vì Lâm Đồng vốn dĩ nhiều mưa trong mùa này từ xưa đến nay. Mưa lớn chỉ đang kích hoạt “quả bom nổ chậm”.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/8.8.23_Anh-4-640x410.jpg

    Hiện trường vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng khiến ba cán bộ công an và một người dân thiệt mạng – Ảnh: VietnamPlus 

    Sạt lở ở Lâm Đồng hay những tỉnh Tây Nguyên khác như Đăk Lăk, Đăk Nông… có hai nguyên nhân chính.

    Thứ nhất, việc chuyển đổi đất rừng sang trồng cây lâu năm, phá rừng làm đất ở, xây nhà cửa, công trình… Thứ hai là việc bạt núi làm đường, thiết kế độ dốc không hợp lý.

    Tại những điểm sạt lở đã chỉ ra vùng đất đó phần lớn đều không còn rừng nguyên sinh, thay vào đó là đồi núi trơ trọi hoặc lưa thưa vài cây lấy gỗ, cây ăn quả, những loại cây có vòng đời ngắn, dưới gốc chưa kịp hình thành thảm thực vật thì đã bị chặt hạ.

    Rừng cây ăn quả, rừng cao su, rừng cà phê chỉ có hiệu quả về mặt kinh tế và che bóng mát, chứ không có tác dụng ngăn lũ lụt, sạt lở đất, đá. Chỉ rừng tự nhiên mới có thảm thực vật dày từ 50cm – 100cm, như thế mới đủ thấm nước, giữ nước.

    Ông Hồng cho hay, việc phá rừng ở Tây Nguyên để trồng cây lấy gỗ và cây ăn quả đã gây hậu quả khôn lường, được ông cảnh báo từ khi đang đương nhiệm chức vụ thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, kiêm phó ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.

    VTC News trích nguyên văn câu nói của ông Hồng: “Phá rừng tự nhiên, đất không thấm nước dẫn đến lũ lụt. Nhiều vùng đất yếu dễ bị nước lũ làm nhão ra khiến sạt lở, sụt lún. Vậy nên đừng đổ lỗi cho thiên tai, đừng đổ lỗi cho thiên nhiên biến động, nói cho cùng con người đã tạo ra sự biến động!”.

    Trước những ý kiến cho rằng mất rừng tự nhiên thì trồng rừng khác thay thế, ông Hồng cho rằng đó là sự thiếu hiểu biết, vì để có thảm thực vật dầy 1m, tạo thành lớp mùn giữ được nước thì phải mất… 50 năm.

    Rừng trồng chưa kịp lớn thì nước mưa rơi xuống sẽ trôi tuột đi, tạo thành lũ, gây sạt lở đất, đá là điều đương nhiên.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/8.8.23_Anh-5-640x427.jpg

    Mù Cang Chải (Yên Bái) sạt lở đất đá, ảnh hưởng đến các tuyến đường giao thông – Ảnh: VTC News 

    Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cũng thừa nhận trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 5 Tháng Tám: Một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở, trượt lở sườn đồi-núi là do tác động của con người.

    Con người đã thay đổi bề mặt cấu trúc địa chất như chuyển đất rừng thành đất trồng cây; san gạt đất để làm nhà, làm đường, xây dựng các hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện… tất yếu dẫn đến sạt lở, trượt lở sườn đồi -núi.

    Đồng ý với nhận định này, PGS.TS Trần Tân Văn, cựu Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh, con người làm đường, làm nhà, xây hồ thuỷ lợi, thuỷ điện… khiến cho các sườn đồi-núi bị “mất chân”.

    Ông Văn phân tích, độ ổn định sườn dốc thường do ba nhóm yếu tố quyết định. Thứ nhất là hình thái sườn dốc, đó là độ dốc, chiều cao, các chiều dài, rộng… Thứ hai là tính chất cơ lý của đất đá tạo nên sườn dốc. Thứ ba tác động đến độ ổn định sườn dốc là nước, cả nước mặt lẫn nước ngầm.

    Các nhà địa chất, địa kỹ thuật thường nói “nước là kẻ thù của sườn dốc”. Nước làm cho đất đá tạo nên sườn dốc bị bão hòa, giảm sức bền, tăng trọng lượng của khối trượt tiềm năng, từ đó dễ gây trượt.

    PGS.TS Trần Tân Văn cho biết, việc trượt lở, sụt lún các sườn đồi-núi khi mùa mưa đến là chuyện thường xuyên và hầu như năm nào cũng phải đối mặt, tuy nhiên, hệ quả từ sự phá hoại của con người đã thể hiện rõ, khiến cho việc sạt lở càng thêm trầm trọng.

    Ông Văn nhắc lại thảm họa Rào Trăng 3 (Thừa Thiên – Huế) hồi Tháng Mười 2020 làm chết 13 bộ đội và nhiều công nhân và nhấn mạnh: “Khi con người tác động vào tự nhiên càng nhiều thì chính chúng ta phải gánh những hậu quả càng lớn, do tự nhiên phản ứng lại. Hoạt động nhân sinh ngày càng nhiều và có thể nói ở mức độ chưa kiểm soát tốt, thậm chí là mất kiểm soát!”.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/8.8.23_Anh-3-640x355.jpg

    Xe hơi bị đất đá đổ xuống vùi lấp ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) là do mật độ xây dựng dầy đặc khiến nước mưa không có đường thoát – Ảnh cắt từ video của Tuổi Trẻ 

    Đáng chú ý, theo ông Văn, hiện tượng sạt trượt, xói lở không chỉ xuất hiện ở khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung – Tây Nguyên mà hiện nay đã xuất hiện tại đồng bằng, như tại thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) ngày 4 Tháng Tám vừa qua đã đổ bùn đất vùi lấp 10 chiếc xe hơi đang đậu trên đường bê tông.

    Ông Văn so sánh: Lúc xưa nền địa chất của huyện Sóc Sơn tốt, địa hình cổ, đồi núi thoai thoải, thảm thực vật dầy, nhưng nay con người cho phép xây dựng nhà cửa, khu nghỉ dưỡng với cường độ cao và mật độ dầy đặc, tường bê tông che chắn mọi hướng, nước chỉ còn một đường thoát duy nhất.

    Trời mưa lớn, bị bít kín đường thoát thì nước dồn vào con đường độc đạo đó, kéo theo cả các loại đất đá chất đống trong quá trình xây dựng, vùi lấp các xe hơi đậu trên đường là chuyện… tự nhiên!

    Ông Văn cảnh báo nếu việc phá thảm thực vật, xây dựng các công trình dân sinh tiếp tục diễn ra ở huyện Sóc Sơn, khu vực này sẽ tiếp tục sạt lở, lũ quét, ngập lụt…

    Những lời cảnh báo của các chuyên viên am hiểu địa chất kể trên liệu có được nhà cầm quyền lắng nghe và sửa sai?

    E rằng rất khó.

    Khi nhà cầm quyền địa phương vẫn tiếp tục tham lam cấp phép xây dựng (hoặc làm ngơ với việc xây dựng trái phép), chuyển đổi đất rừng thành đất nông nghiệp và đất ở; rồi khi sạt lở xảy ra thì họ chỉ tiếp tục nhai đi nhai lại điệp khúc “do trời mưa lớn, kéo dài” thì thảm họa sạt lở sẽ còn tiếp diễn tại nhiều vùng cao nguyên, đồi-núi và đồng bằng Việt Nam.

    Thứ Tư, 9 tháng 8, 2023 

    Không thể đổi mới bằng tư duy cũ 

    Tô Văn Trường

    Hồi tôi còn nhỏ, cả nhà chỉ có một chiếc xe đạp cà tàng để bố tôi đi làm hàng ngày. Chiếc xe đã tróc sơn nhưng được cả nhà nâng niu như báu vật. Mỗi lần, chiếc săm cũ xì hơi thì bố tôi lại loay hoay tháo bánh, tháo săm đem ra ông thợ đầu phố. Những miếng vá ngày càng chằng chịt nhưng cũng không thể mua săm mới. Bởi vì cả miền Bắc lúc ấy chỉ có một nhà máy duy nhất (quốc doanh) làm xe đạp và một nhà máy duy nhất (cũng quốc doanh) làm săm lốp. Cũng như cái xe, săm lốp là mặt hàng phân phối, không phải ai cũng được mua; và ngoài cơ quan hành chính, nơi bố tôi công tác, bình bầu rồi phân phối cho, đố mua ở đâu được!

    Chiếc xe cũ như vậy nhưng lại có biển đăng kí màu trắng chữ đen treo ở khung xe, như biển xe Lexus bây giờ. Bố tôi còn có hẳn một giấy chứng nhận đăng kí xe và cả một tấm bằng… lái xe đạp.

    Thế rồi, đùng một cái, cơ quan công an bỏ việc cấp giấy chứng nhận đăng kí xe, cấp bằng lái xe. Cả nhà tôi hoang mang: Bỏ đăng kí xe, lỡ mất xe thì trình báo thế nào, tìm kiếm thế nào? Lo lắm, nhưng rồi cũng chẳng có chuyện gì xảy ra. Nghe nói nhiều người trong tỉnh mất xe vẫn được công an giúp tìm lại được.

    Hết chuyện xe lại đến chuyện gạo, thịt. Lúc ấy, tôi đã ở tuổi choai choai nên được phân phối 13 kg gạo và 2 lạng thịt mỗi tháng như người lớn. Người lao động nặng và vận động viên thì được 17 kg gạo, 3 lạng thịt. Bây giờ mấy ai ăn hết 13 kg gạo một tháng? Nhưng hồi ấy thiếu thịt nên 13 kg không đủ, cơm cứ phải độn thêm khoai, sắn vào. Gạo mậu dịch bán toàn một loại có lẽ đã để kho lâu năm. Thịt thì chỉ có thịt lợn, mà cũng loanh quanh một, hai loại nửa nạc nửa mỡ thôi. Ấy vậy mà mua đâu có dễ; lắm hôm chen chúc xếp hàng từ sớm trước cửa hàng mậu dịch vẫn phải về tay không vì đến lượt đã hết gạo, hết thịt.

    Thế rồi, đùng một cái, Nhà nước bỏ chế độ phân phối. Lần này, cả nhà tôi hoảng thật sự: Không phân phối hàng mậu dịch nữa thì lấy cái gì mà ăn? Ra chợ, thóc cao gạo kém, lương ba cọc ba đồng, mua được mấy hạt? Nhưng rồi những lo lắng ấy dần dần tan biến. Bỏ sổ gạo hoá ra lại được mua gạo ngon, mua lúc nào tuỳ thích. Bỏ số thực phẩm hoá ra lại được mua đủ các loại thịt cá tươi ngon, mua bao nhiêu cũng được. Rồi thu nhập của mỗi gia đình tăng dần vì người buôn bán thì được buôn bán tự do, người lao động ở những doanh nghiệp làm ăn có lãi và công chức, viên chức cũng được lương cao hơn,…

    Bây giờ, từ Nhà nước đến người dân đều không chỉ trông chờ vào các đơn vị sản xuất, dịch vụ quốc doanh như trước nữa. Đến trường học cũng có trường tư, bệnh viện cũng có bệnh viện tư, chiều “khách hàng” nếu chưa được như Thượng Đế thì cũng như… khách thật, chứ không phải khách không mời mà đến. Rồi sách giáo khoa cũng do các tổ chức, cá nhân khác nhau biên soạn, xuất bản, phát hành. Xã hội phát triển đã biến chuyện cấp đăng kí xe đạp, bằng lái xe đạp, phân phối từng chiếc áo may ô đến gạo, thịt,… thành chuyện cổ tích hoặc chuyện của những người thích đùa.

    Ấy vậy, đùng một cái (sao nước mình hay “đùng một cái” thế nhỉ), lại nghe nói có chủ trương của “trên” (hình như chữ “trên” này phải viết hoa mới đúng) yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng ra biên soạn một bộ sách giáo khoa hoặc nhập mấy bộ sách do các đơn vị xã hội làm thành một bộ sách “mậu dịch quốc doanh” cho yên tâm là “sách chuẩn” và “an toàn”. Đi tìm hiểu mới biết đây không phải chuyện của những người thích đùa mà là chuyện thật 100%. Chiếc xe “xã hội hoá” đang bon bon, bỗng chốc được hô “Biến!” để thụt lùi, chạy theo đường cũ.

    Vậy xin hỏi thêm một bộ sách của Bộ là giải pháp an toàn hay rũ rối? Đổi mới đòi hỏi phải thay nếp nghĩ cũ. Đổi mới căn bản, toàn diện thì tư duy cũng phải đổi mới căn bản. Không thể lái ô tô bằng thói quen của một người lái xe đạp.

    Dám thay đổi để thành công luôn có tính thời sự cả trong đạo đức xã hội, sự tiến thân của mỗi con người và cao hơn cả đó là sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, sự thay đổi ở nước ta lại có nhiều cái “đùng” rất khó hiểu kể cả chuyện nhập nhập - tách tách với biết bao hệ luỵ không chỉ đơn giản như 1+1 (Lỗi tại… chuyện cổ tích – Tô Văn Trường).

    Đúng là không thể đổi mới bằng tư duy cũ. Viết đến đây, tôi lại nhớ đến câu nói của Hồ Chủ tịch: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý”. Điều đó, bây giờ càng trở nên có ý nghĩa khi chúng ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, đang phải gồng mình để vượt qua khó khăn, thử thách.

    Dòng sông cuộc sống dù đôi chỗ, đôi nơi có khúc khuỷu quanh co, nhưng vẫn luôn tuôn chảy theo quy luật không sức nào ngăn cản được. Chính dòng sông cuộc sống đòi hỏi tư duy lý luận, chủ thuyết phát triển của đất nước phải theo kịp sự phát triển của thời đại, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.


    Không có nhận xét nào