Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ sáu 18 tháng 8 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    Giá gạo tăng cao, đừng mừng vội: nông dân vẫn không đủ sống 

    Dân Trần /VNTB

    17.08.2023

    Giá lúa mùa này tăng, sẽ dẫn tới giá giống, phân, thuốc, các dịch vụ máy cày, máy gặt, gieo giống tăng theo. 

    Giá lúa gạo Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 12 năm qua khiến nhiều dư luận tỏ ra hồ hởi vui mừng cho nông dân. Nhưng thực tế, những người đầu tắt mặt tối trên đồng ruộng lại không được hưởng lợi từ việc tăng giá này. Với cơ chế hiện nay thì nông dân Việt Nam vẫn khó lòng thoát khỏi cảnh nghèo cho dù giá lúa có tăng cao hơn. 

    Những con số không biết nói dối, nếu nó là những con số thật và được dùng đúng cách. Một số tờ báo trong nước đưa tin nhờ đợt tăng giá này mà mùa lúa này nông dân có lời lên tới 200 triệu đồng. Tuy nhiên, đó là với người có 7 ha đất.

    Tờ Vnexpress có bài viết “Lúa tăng giá kỷ lục, nông dân miền Tây lãi lớn” ngày 25/07/2022. Bài báo nới về trường hợp nông dân Bùi Văn Phước ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp vui mừng khi năng suất đạt gần 7 tấn/ha, với giá bán 7.000 đồng mỗi kg, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng, tăng 20% so với vụ trước. Tuy nhiên để đạt mức lợi nhuận này, gia đình ông Phước phải có tới 7 ha đất.

    Theo một số thống kê thì để có thể trở nên giàu có nhờ trồng lúa thì ít nhất mỗi hộ dân phải có diện tích đất trên 5 ha. Trong khi đó, trung bình mỗi hộ gia đình trồng lúa tại Đồng bằng Sông Cửu Long chỉ có khoảng 0,5 ha đất.

    Đặt trường hợp lý tưởng nhất là nhuận 50%, trúng mùa, được giá như mùa này thì 0,5 ha đất sẽ đạt 3,5 tấn, với giá 7.000 đ/kg thì một hộ nông dân sẽ có thu nhập 24,5 triệu đồng sau 3 tháng làm lúa. Trừ đi 50% chi phí sản xuất thì lợi nhuận còn 12,25 triệu đồng. Lấy số tiền này chia cho một mùa lúa 3 tháng thì mỗi tháng cả gia đình chỉ có thu nhập khoảng 4 triệu đồng.

    Nếu gia đình có 4 người cùng canh tác trên 0,5 ha ruộng này thì trung bình thu nhập chỉ 1 triệu đồng/ người/tháng. Đây là mức thu nhập nằm dưới ngưỡng nghèo. Đó là trong điều kiện lý tưởng nhất: vừa trúng mùa, vừa được giá, vừa có lợi nhuận 50% sau khi trừ chi phí sản xuất.

    Nhưng mỗi năm chỉ làm cao nhất là 3 mùa lúa (9 tháng), vậy 3 tháng còn lại người nông dân sẽ không đủ ăn nếu chỉ tập trung vào cây lúa. Không đủ ăn rồi tiền đâu mua sách vở, đóng học phí cho con đến trường?

    Trên đây chỉ là tính toán trên điều kiện lý tưởng nhất.  Còn nếu một vụ lúa chỉ được giá, nhưng mất mùa; hoặc được mùa mất giá; thậm chí mất mùa và mất giá, thì người nông dân chỉ có thể vay mượn, hoặc bỏ ruộng đi làm thuê, làm mướn, hoặc bỏ xứ đi làm công nhân.

    Ngoài ra cơ chế thu mua lúa gạo tại Đồng bằng Sông Cửu Long cũng phụ thuộc vào nhiều trung gian, thương lái. Cho nên lợi nhuận của người nông dân cũng phải chia bớt một phần cho các trung gian này.

    “Giá lúa mùa này tăng, sẽ dẫn tới giá giống, phân, thuốc, các dịch vụ máy cày, máy gặt, gieo giống tăng theo. Được giá một mùa nhưng vẫn phải lo cho mùa sau. Nhà tui có ba công ruộng, bán được 7.000 đ/ký, trả hết tiền phân phướng, công thợ thì coi như ba tháng nay dư được gần sáu triệu, cố gắng dành dụm mới đủ xài chú ơi”. Một người nông dân nói với phóng viên Việt Nam Thời Báo (theo cách tính của người miền Tây Nam Bộ: 1 công = 1000 mét vuông = 0,1 ha).

    Bên cạnh câu chuyện giá cả và chi phí sản xuất, Đồng bằng Sông Cửu Long cũng đối diện với nhiều vấn đề do tác động của biến đổi khí hậu. Tình trạng hạn mặn diễn ra càng ngày càng nặng khiến cho việc trồng lúa càng trở nên khó khăn hơn. Sông Mekong cũng không còn nhiều phù sa do Trung Quốc đã chặn dòng bằng hàng chục đập thuỷ điện đầu nguồn. Khiến người dân càng ngày càng phụ thuộc vào phân bón hoá học.

    Biến đổi khí hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc thương lái, cộng với việc cơ quan chức năng thiếu định hướng và không có quy hoạch bền vững khiến cho vựa lúa của cả nước càng ngày càng bế tắc. Mang tiếng là cường quốc xuất khẩu lúa gạo nhưng nông dân Việt Nam lại phải sống dưới mức nghèo, làm lúa không đủ sống, mà không làm lúa thì không biết làm gì. Cho nên rất cần có một chiến lược hiệu quả, bền vững để giúp nông dân có thể sống, làm giàu với ruộng lúa. Phải có kế hoạch thay đổi chính sách triệt để thì mới có thể phát huy được thế mạnh và tiềm năng của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

    D.T.

    Vụ chuyến bay giải cứu: Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng kháng cáo kêu oan

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/hoangvanhung.jpg


    Bị cáo Hoàng Văn Hưng. (Ảnh: vov.vn) 

    Sau hơn 3 tuần TAND TP. Hà Nội tuyên án vụ chuyến bay giải cứu, đến ngày 17/8, có 18/54 bị cáo có đơn kháng cáo.

    Nhóm 4 bị cáo bị tuyên án “Chung thân” đều có đơn kháng cáo. Trong đó, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng kháng cáo kêu oan.

    3 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt gồm Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) và Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an).

    Bị cáo Hoàng Văn Hưng bị cáo buộc nhận tiền từ bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc công an TP. Hà Nội, để “chạy án” cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty Blue Sky và bị cáo Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Blue Sky.

    Tòa dựa vào “các chứng cứ, lời khai người liên quan, dữ liệu camera an ninh quay lại cảnh bị cáo Hưng nhận cặp da và các dữ liệu khác” để thấy rằng hành vi của bị cáo Hưng đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

    Tuy nhiên, bị cáo Hưng cho rằng trong cặp da là 4 chai rượu vang chứ không phải tiền; một mực kêu oan và nhiều lần đề nghị cơ quan tố tụng đưa ra chứng cứ chứng minh.

    Tuy nhiên, cả VKS và HĐXX đều cho rằng bị cáo Hưng không thành khẩn, quanh co, gian dối nên không có đủ cơ sở xác định về tính chính xác của các lời khai của bị cáo này.

    Với 14 bị cáo còn lại, ông Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cùng 12 người xin giảm hình phạt. Ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Thái Hòa, án sơ thẩm 18 năm tù, kháng cáo kêu oan.

    Trước đó, cuối tháng 7, TAND TP. Hà Nội đã xét xử và tuyên phạt 54 bị cáo các mức án từ 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến tù chung thân.

    21 người bị xét xử về tội Nhận hối lộ; 24 người về tội Đưa hối lộ; 4 người tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và 4 người Môi giới hối lộ.

    Cáo trạng xác định từ đầu năm 2020 đến khoảng giữa năm 2021, 372 chuyến bay combo đã được tổ chức. Để được cấp phép chuyến bay, nhóm 20 doanh nghiệp đã đưa – nhận hối lộ lên tới 515 lần, tổng 165 tỷ đồng.

    Trong vụ án, có 23 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, có 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền hơn 24 tỷ đồng.

    Trong số này, bị cáo Phạm Trung Kiên bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất với 253 lần với tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng, Vũ Anh Tuấn đã nhận hối lộ 49 lần với số tiền hơn 27 tỷ đồng, Nguyễn Thị Hương Lan nhận hối lộ 32 lần với số tiền hơn 25 tỷ đồng.

    Minh Long

    Và không chỉ có VnExpress

    Trịnh Hữu Long

    17/8/2023

    https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/08/SCL.jpeg


    Một sà lan chở đầy cát chạy xuôi dòng sông Tiền, đi qua một điểm sạt lở ở tỉnh An Giang. Ảnh chụp tháng 6 năm 2020. Ảnh: Cương Trần 

    Cho đến nay, VnExpress.net vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào về cáo buộc của nhóm tác giả Bảo UyênNhung Nguyễn liên quan đến loạt bài Mekong nổi tiếng mấy ngày qua.

    Độc giả cũng cần một câu trả lời rõ ràng từ một tờ báo lớn như VnExpress, nhất là khi họ đang được tán thưởng khắp nơi vì loạt bài này, trong khi nó có nhiều điểm trùng khớp khá bất thường với bài “Đồng bằng sông Cửu Long: Trước nguy cơ dần biến mất” của Nhung Nguyễn và Bảo Uyên trên TIA SÁNG.

    Với những gì công chúng đọc được cho tới nay thì cáo buộc của Nhung Nguyễn và Bảo Uyên là rất có cơ sở và cần phải được toà soạn VnExpress xử lý rốt ráo, thay vì im lặng như trong hai ngày qua.

    Nếu VnExpress sai thì công chúng có quyền yêu cầu xin lỗi. Nếu VnExpress không sai thì cần cho công chúng biết để tránh điều tiếng oan ức cho nhóm phóng viên của chính họ.

    Một trong những lý do để biện minh cho VnExpress là họ không biết có phóng sự Mekong của nhóm tác giả Nhung và Uyên. Nhưng khả năng này là thấp. Bài “Đồng bằng sông Cửu Long: Trước nguy cơ dần biến mất” của Tia Sáng là một trong những tác phẩm báo chí xuất sắc nhất của làng báo Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây.

    Nhiều bạn đã chỉ ra cần phải làm gì khi tham khảo bài của người khác để viết bài của mình, xin đọc các link trong phần comment.

    ***

    Tôi rất trân trọng vai trò của VnExpress như là một trong những tờ báo tiên phong trong việc phi chính trị hoá báo chí và chuyên nghiệp hoá cách đưa tin. Ngày nay, chúng ta được đọc những bản tin tường thuật vụ án mà không có những từ ngữ miệt thị bị can, bị cáo như “y”, “thị”, “hắn” là có công rất lớn của VnExpress từ đầu những năm 2000.

    Nhưng đến khâu bản quyền và minh bạch về nguồn tư liệu thì VnExpress có vấn đề rất lớn. Và không chỉ có VnExpress. Hầu hết các báo điện tử ở Việt Nam đều không dẫn link tới nguồn tư liệu hoặc tới nơi đưa tin đầu tiên – trong khi đây là thực hành căn bản của việc làm báo. Có những bài hoàn toàn dịch lại từ báo nước ngoài nhưng không dẫn link tới bài gốc, chỉ ghi “theo ABC” ở cuối bài, nhìn không kỹ sẽ tưởng đó là bài gốc của họ.

    ***

    Báo chí và truyền thông lề trái thì… còn tệ hơn nữa:

    – Copy nguyên cả bài của nhau không xin phép, thậm chí còn không thèm ghi nguồn.

    – Lấy nguyên bài của báo khác ra đọc thành video đăng lên YouTube.

    Nhưng nói người cũng ngẫm lại mình. Bản thân tôi cũng nhiều lần lấy ảnh của các báo khác, cá nhân khác mà không xin phép; rồi dịch nguyên bài của báo nước ngoài mà không xin phép họ, dù có chú thích ảnh và dẫn link về nguồn đàng hoàng.

    Ngoại trừ một số báo Việt ngữ hải ngoại là sản xuất tin bài gốc, phần lớn truyền thông lề trái là copy từ khắp nơi về. Nhưng rồi thỉnh thoảng tôi cũng phát hiện ra những lỗi sao chép bài của một số báo hải ngoại, dù sao chép khéo léo hơn.

    Lý do để lề trái biện minh là họ bị đàn áp, bị cản trở, họ đang làm việc tốt. Tôi chưa bao giờ thấy đó là lý do để biện minh được cho cái gì.

    Việt Nam sẽ dự thượng đỉnh BRICS, hướng tới nâng cấp quan hệ với Mỹ 

    VOA Tiếng Việt 

    17/8/2023


    Các lãnh đạo BRICS tại hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg, Nam Phi, hồi tháng 6 năm 2018.


    Các lãnh đạo BRICS tại hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg, Nam Phi, hồi tháng 6 năm 2018. 

    Việt Nam sẽ cử đại diện tham dự hội nghị thượng đỉnh khối BRICS và đang làm việc với Mỹ để hướng tới nâng cấp mối quan hệ song phương, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết tại buổi họp báo thường kỳ hôm 17/8.

    Nữ phát ngôn viên Phạm Thu Hằng cho hay Việt Nam đã nhận được lời mời từ nước chủ nhà Nam Phi mời tham dự Thượng đỉnh BRICS sẽ diễn ra tại Johannesburg từ ngày 22 đến 24/8. Bà Hằng không nói rõ ai sẽ đại diện Việt Nam đến Johannesburg.

    Đây là hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của BRICS, tức khối các nền kinh tế mới nổi, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Việt Nam nằm trong số 71 nước được mời tham dự hội nghị mở rộng lần này.

    Một trong những nội dung được các lãnh đạo BRICS bàn bạc lần này là mở rộng khối. Khi được hỏi về vấn đề này, bà Hằng được tờ Tuổi Trẻ dẫn lời nói: “Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam quan tâm, theo dõi tiến trình thảo luận mở rộng thành viên của nhóm BRICS”.

    Chưa có thông tin chính thức về việc liệu Việt Nam có nộp đơn xin gia nhập BRICS hay không, nhưng những nước dự kiến sẽ được kết nạp trong thời gian tới bao gồm Ả-rập Xê-út, Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất, Ai Cập, Argentina và Indonesia, cũng theo Tuổi Trẻ.

    Được biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không đi Johannesburg lần này theo thỏa thuận với Nam Phi để tránh cho nước chủ nhà khỏi khó xử trước việc phải thực hiện lệnh bắt giữ ông Putin theo yêu cầu của Tòa Hình sự Quốc tế. Thay vào đó, Ngoại trưởng Sergei Lavrov sẽ đi.

    Khối BRICS chiếm hơn 40% dân số thế giới và 30% GDP của toàn cầu. Trước đó, hôm 20/7, Reuters dẫn lời Anil Sooklal, quan chức phụ trách BRICS của Nam Phi, cho biết đã có 22 nước nộp đơn xin gia nhập, trong đó có Iran, Cuba, Kazakhstan, Cộng hòa Dân chủ Congo…, và cũng chừng ấy số nước bày tỏ sự quan tâm.

    Việt Nam trong thời gian qua đã được mời tham gia các diễn đàn quan trọng nhất trên thế giới như Thượng đỉnh G20 hai năm liên tiếp tại Nhật và Ả-rập Xê-út vào các năm 2019 và 2020. Mới đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đại diện Việt Nam tham dự Thượng đỉnh G7 của nhóm các nước công nghiệp hóa tại Hiroshima, Nhật, hồi tháng 5 vừa qua.

    Cũng tại buổi họp báo thường kỳ hôm 17/8, khi được hỏi về khả năng nâng cấp quan hệ với Mỹ, bà Hằng nói hai nước ‘đang trao đổi các biện pháp làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương’ và sẽ ‘hướng tới tầm quan hệ mới khi điều kiện phù hợp’, theo tường thuật của trang mạng VnExpress.

    Vấn đề nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ từ đối tác toàn diện, hiện đang ở trong năm thứ 10, sang đối tác chiến lược đã được giới lãnh đạo hai nước đề cập trong các cuộc tiếp xúc gần đây, trong đó có cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 3 và chuyến công du Hà Nội của Ngoại trưởng Anthony Blinken hồi tháng 4.

    Tổng thống Biden dự kiến sẽ có chuyến thăm Việt Nam trong thời gian tới và nâng cấp quan hệ sẽ là một trong những nội dung chính trong chuyến thăm này.

    Tàu hải cảnh của Trung Quốc tiếp tục xuất hiện ở Bãi Tư Chính của Việt Nam

    17/8/2023

    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/chinese-coast-guard-vessel-enters-vanguard-bank-08172023092611.html/@@images/image


    Tàu hải cảnh của Trung Quốc mang số hiệu 5403 xuất hiện trong Bãi Tư Chính của Việt Nam vào sáng ngày 17/8/2023 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngTwitter/RayPowell 

    Tàu hải cảnh của Trung Quốc mang số hiệu 5403 vừa xuất hiện trong khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam vào sáng ngày 17/8 gần các lô dầu khí mà Việt Nam đang tiến hành thăm dò và khai thác.

    Chuyên gia Raymond Powell - Trưởng Dự án Myoushu, Trung tâm Gordian Knot Center for National Security Innovation, Đại học Stanford, trích dẫn các hình ảnh theo dõi tàu biển và đưa thông tin này trên Twitter vào cùng ngày.

    Theo chuyên gia Raymond Powell, đây cũng chính là tàu hải cảnh đã xuất hiện ở vùng tài phán của Việt Nam vào các ngày 27 - 28/7 và 8 - 9/8 vừa qua.

    Lần này, tàu kiểm ngư 270 của Việt Nam đang theo sát chiếc tàu hải cảnh của Trung Quốc, theo thông tin và hình ảnh được ông Raymond Powell đưa trên Twitter.

    Trong các tháng vừa qua, Trung Quốc liên tục điều các tàu hải cảnh, khảo sát và dân quân biển vào vùng biển của Việt Nam.

    Hồi đầu tháng 7, Trung Quốc đã điều tàu hải cảnh lớn nhất thế giới là CCG 5901 vào vùng biển của Việt Nam và tiến gần tới các lô dầu khí của Việt Nam ở phía Nam.

    Hồi tháng 5 vừa qua, Trung Quốc cũng điều tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 cùng đoàn tàu hộ tống gồm hải cảnh và dân quân biển vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đi lại trong vùng nước này suốt 28 ngày.

    Đội tàu này chỉ rời vùng biển Việt Nam vào hồi đầu tháng 6 vào khi giới chức ngoại giao cấp cao Mỹ và Trung Quốc có các cuộc thảo luận tại Bắc Kinh.

    Liên quan đến việc tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 có mặt trong vùng biển Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút tàu về nước nhưng Bắc Kinh phớt lờ yêu cầu này, đồng thời khẳng định đội tàu của mình hoạt động hợp pháp trong vùng nước thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

    Mới đây, theo trang tin The War Zone, Trung Quốc dường như đang tiến hành xây dựng một đường băng trên đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam.


    Không có nhận xét nào