Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt nam ngày Thứ năm 24 tháng 8 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    Tội ác & Hình phạt

    Nguyễn Lương Thịnh

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/viet-a-2-424-1038.jpg


    1. Trong tuần rồi, chương trình ca nhạc ”100 năm Văn Cao” và các bài báo triển chiêu đề nghị “Giảm án” cho các tên sát nhân (Mass Killings) trong Thảm án Đại dịch COVID – 19, ngẫu nhiên được hệ thống Tuyên giáo phát hành đan xen trên sóng.

    Hình ảnh Nguyên Chủ tịch nước và Phu nhân đường hoàng sánh đôi xuất hiện trở lại, nghiêm cẩn nghe và hát Quốc ca “… Đường vinh quang xây xác quân thù…”. Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thành Long thành thật khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, nộp lại tiền chiến lợi phẩm sau cuộc thảm sát dân lành…

    Thành tâm chăng!? Bi thiết chăng!? Những làn hương vật vờ quanh những túi liệm xác giữa khuya, oan linh u uất không về… Trong ngữ cảnh này, có lẽ Văn Cao đã lại thêm một lần khóc, khi nghe 3 ca từ ngẫu nhiên cùng âm vận, “xác quân thù” và “xác dân lành” điền thế lẫn nhau…

    2. Nhân vật Chí Phèo của Nam Cao đã gầm lên trước ngõ cụt hoàn lương: “Tao muốn làm người lương thiện!… Ai cho tao lương thiện?”! Chẳng có ai cho ai sự lương thiện! Chí Phèo chết trong vô vọng. Bởi không nhận thức được rằng, nhân cách được hình thành từ chuỗi hành vi lương thiện. Và hạt giống của sự lương thiện chỉ có thể nẩy mầm từ tấm lòng nhân ái của chính mỗi người..

    Nhân vật có thật Papillon, người tù khổ sai trong tác phẩm của Henry Charriere, sau chuỗi 13 năm thụ án, vượt ngục-bị bắt-vượt ngục, trở thành công dân Venezuela, sau khi tự gẫm “Ta chỉ có thể được trở lại làm Người lương thiện, khi chính ta là phải tự hối bằng cách sống lương thiện gấp bội lần người khác.” Trong lá thư thống hối gởi cho cha trong ngày đầu tiên đủ nội lực làm “Người tự do”, Papillon đã khẳng định với chính mình: Lương tâm là giá thể duy nhất tương thích, để ươm trồng và phát triển nhân cách lương thiện.

    Trong tác phẩm văn học nổi tiếng “Tội ác và Hình phạt – Преступление и наказание –“ của nhà văn Nga Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky, nhân vật Raskolnikov đã tự hỏi mình sau khi gây thảm án sát nhân: “Ta là con sâu bọ run rẩy hay một kẻ có quyền lực?” Hình phạt ghê gớm nhất với Raskolnikov, không phải là tù đày, mà là nỗi nhức nhối dai dẳng, dằng xé nội tâm, cho đến khi nhận thức được rằng, mình đã giết chết nhân phẩm của chính mình. ”Ta đã giết không phải một con người, ta đã giết một nguyên lý đạo đức”. Và Sonya, xuất hiện như một Nữ thánh Thiện lương giữa đời thường, trao password, giúp Chàng mở túi gấm hạt giống tâm hồn. Raskolnikov tự gieo, tái sinh lòng lương thiện.

    3. Thẻ Đảng không thể là bằng cấp chứng nhận lòng yêu nước. Càng không phải là Giấy Chứng minh Đạo đức. Tấm thẻ đó chỉ thể hiện lời thề chân thực hay giả trá của một cá nhân đối với lý tưởng tự chọn.

    Nhân dân lập đền thờ các vị tiền nhân để chiêm bái Chí khí Nhân kiệt hóa ngọc phi vật thể. Nhân dân không bái lạy vì nhân vật đó có chứng thư sắc phong do vương triều quá vãng vinh danh.

    Nhân dân biết thủ phạm hại dân, bán nước từng thời kỳ.

    Bia đá mòn, vỡ, tàn hoại trên dòng thời gian. Ký ức lịch sử là vĩnh cửu.

    Không có không gian tâm linh nào được Thượng đế quy hoạch làm thị trường mua bán sự lương thiện. Và nếu, Điạ ngục-Thiên đường là không gian địa lý có thật, thì ở đó, không hề căn cứ vào Thẻ Đảng, Nghị quyết, Quan điểm của TW, làm cơ sở “Giảm nhẹ” hay Tăng nặng” hình phạt.

    Đọa mệnh địa ngục là một trạng thái tâm lý tự thân và nhãn tiền. Từ hệ quy chiếu nhân văn, nhà tù không hề bó khung trong vách cách ly vật thể và tội ác không chỉ khấu trừ bằng số tháng năm thụ án, đo lường bằng độ ngắn dài của lịch dương gian.

    Di chứng Tội ác của Bạo quyền và Di huấn lịch sử uất chiết từ nước mắt Dân oan, không thể bị đánh tráo bằng Cáo trạng, không thể bị hủy diệt bằng Nghị quyết của thế lực đương quyền. Mạch văn hiến tồn sinh và liên thông vĩnh cửu.

    N.L.T.

    Nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam ngừng hoạt động để bảo dưỡng 55 ngày 

    23/8/2023 

    VOA Tiếng Việt 


    Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

    Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. 

    Nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam đã đóng cửa một số đơn vị, bắt đầu ngừng hoạt động tổng cộng 55 ngày để đại bảo dưỡng, Reuters dẫn một nguồn tin của công ty cho biết hôm thứ Tư (23/8).

    Theo đó, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, với công suất 200.000 thùng mỗi ngày, sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn vào ngày 25/8, nguồn tin ẩn danh nói với hãng thông tấn Anh.

    “Chúng tôi đã thuê 5 nhà thầu cho công việc bảo dưỡng, hầu hết là các nhà thầu trong nước”, nguồn tin cho biết, đồng thời từ chối tiết lộ giá trị hợp đồng.

    Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bắt đầu sản xuất thương mại vào năm 2018, cung cấp hơn 1/3 nhu cầu nhiên liệu tinh lọc của Việt Nam.

    Là một trung tâm sản xuất trong khu vực, Việt Nam gần đây đã tăng cường nhập khẩu các sản phẩm nhiên liệu tinh lọc để bù đắp tình trạng thiếu hụt do bảo dưỡng, với lượng nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm nay tăng 12,7% so với một năm trước đó.

    Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có 35,1% cổ phần thuộc sở hữu của Công ty Idemitsu Kosan, Nhật Bản; 35,1% của Kuwait Petroleum, 25,1% của công ty dầu khí nhà nước Petrovietnam và 4,7% của Công ty Mitsui Chemicals.

    Một tài liệu chính thức được Bộ trưởng dầu mỏ Kuwait ký và Reuters đã xem hồi tuần trước cho thấy nhà máy lọc dầu của Việt Nam có thể chịu khoản lỗ 1 tỷ đô la trong năm nay do biến động giá cả, các khoản thanh toán lãi cho các khoản vay tăng lên và việc ngừng hoạt động để bảo dưỡng.

    Chứng khoán VietCap (VCSC) tuần trước có báo cáo cho rằng tỷ giá USD/VND tăng trong những ngày qua chủ yếu là do nhu cầu ngoại tệ tăng đột biến và lo ngại nhu cầu gia tăng từ một số doanh nghiệp, đặc biệt gây ra từ việc Nhà máy Nghi Sơn dừng hoạt động để bảo dưỡng trong 55 ngày, dẫn đến nhu cầu khoảng 1 tỷ đô la để nhập khẩu xăng dầu. 

    Tuy nhiên, VCSC cho rằng vì Nhà máy Nghi Sơn chỉ sử dụng dầu thô nhập khẩu để sản xuất nên việc đóng cửa bảo dưỡng sẽ dẫn đến nhu cầu nhập khẩu dầu thô ít hơn. Vì vậy, VCSC ước tính tác động chung của nhu cầu nhập khẩu xăng dầu tăng và nhập khẩu dầu thô giảm có thể dẫn đến nhu cầu ngoại tệ gia tăng khoảng 50 triệu USD.

    Gặp khó khăn đơn hàng, Pou Yuen sẽ giảm hơn 1.200 công nhân ở TP.HCM 

    23/8/2023 

    VOA Tiếng Việt 

    Công nhân tại một xường giày ở Tp. Hồ Chí Minh. [Ảnh minh họa]

    Công nhân tại một xường giày ở Tp. Hồ Chí Minh. [Ảnh minh họa] 

    Doanh nghiệp nước ngoài được cho là có đông lao động nhất thành phố Hồ Chí Minh giảm công nhân lần thứ ba trong năm nay, với số lượng hơn 1.200 người, theo VnExpress.

    Báo điện tử này dẫn lời bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết sáng 23/8 rằng công ty Pou Yuen phải cắt giảm do “đơn hàng chưa phục hồi, ít đối tác đặt hàng”.

    Tin cho hay, công ty của Đài Loan dự kiến sẽ cho nghỉ việc 1.221 người có hợp đồng không xác định thời hạn.

    Theo VnExpress, kể từ khi hoạt động ở TP.HCM từ năm 1996 tới nay, đây là đợt giảm lao động thứ tư của Pou Yuen với quy mô lớn lên đến hàng nghìn người.

    Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, trong lần cắt giảm lao động gần đây nhất, hồi tháng 5, Pou Yuen sa thải thêm hơn 5.700 công nhân sau khi đã từng cho nghỉ việc hơn 2.300 người hồi tháng 3 năm nay.

    Tin cho hay, công ty của Đài Loan chuyên sản xuất giày là công ty sử dụng lao động đông nhất ở thành phố lớn nhất Việt Nam. Vào lúc cao điểm, Pou Yuen thuê mướn tới 100.000 người, góp phần không nhỏ vào an sinh xã hội ở thành phố này và các tỉnh lân cận.

    Trong lần đó, nguyên nhân sa thải hàng loạt, theo lời của đại diện Pou Yuen được trang Zing dẫn lại, là do tình hình công ty “không ổn”.

    Theo VnExpress, trong gần 9.560 doanh nghiệp tham gia khảo sát cuối tháng 4, có 82% cho biết sẽ giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong nửa năm còn lại. Hơn 7.300 doanh nghiệp trả lời vẫn hoạt động song 71% số này sẽ giảm lao động (khoảng 5.200 công ty), nhiều nhất ở lĩnh vực xây dựng và công nghiệp.

    Báo điện tử này đưa tin, phần lớn doanh nghiệp cắt giảm thuộc khối ngoài nhà nước và một nửa trong số này hoạt động tại TP.HCM, Bình Dương, và khó khăn lớn nhất là “thiếu đơn hàng”.

    Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường kiểm soát và khai thác gỗ bất hợp pháp

    RFA
    23/8/2023

    Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường kiểm soát và khai thác gỗ bất hợp pháp

    Ảnh minh họa: công nhân làm việc tại một doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam 

    TTXVN 

    Nhóm Công tác Chung về Mặt hàng Gỗ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong hai ngày 22 và 23/8 tiến hành phiên họp tại thủ đô Washington D.C. 

    Thông tấn xã (TTX) Việt Nam loan tin cho biết Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- Phát Triển Nông Thôn (NN-PTNT) Chính phủ Hà Nội Nguyễn Quốc Trị và Trợ lý Đại diện Thương Mại Mỹ (USTR) Kelly Milton phụ trách lĩnh vực môi trường và tài nguyên, đồng chủ kỳ kỳ họp. 

    Theo TTX Việt Nam, tại kỳ họp, đại diện Bộ NN-PTNT Chính phủ Hà Nội cho biết nước này luôn cố gắng ở mức cao nhất để thực hiện thỏa thuận và cam kết hướng đến một ngành lâm nghiệp minh bạch, bền vững và có trách nhiệm. Việt Nam cam kết tham gia cùng nỗ lực quốc tế trong bảo vệ môi trường hành tinh Trái đất. 

    Phía Hoa Kỳ khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để tăng cường năng lực của các cơ quan thẩm quyền hướng đến bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và kiểm soát khai thác gỗ bất hợp pháp.

    Mỹ lại gia hạn thời gian ban hành kết luận lẩn tránh thuế đối với tủ gỗ Việt Nam

    RFA

    Mỹ lại gia hạn thời gian ban hành kết luận lẩn tránh thuế đối với tủ gỗ Việt Nam

    Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. 

    VnEcononmy 

    Hoa Kỳ lại tiếp tục gia hạn đến tháng 10 năm nay và tháng 1 sang năm mới ban hành kết luận điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. 

    Quyết định vừa nêu của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ (DOC) được truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn lại ngày 23/8. 

    Cụ thể dự kiến đến ngày 2/10 DOC sẽ ban hành kết luận cuối cùng về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm. Đến ngày 16/10/2023 và 15/1/2024 sẽ ban hành kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng đối với điều tra lẩn tránh thuế tủ gỗ Việt Nam. 

    Vào ngày 17/3 vừa qua, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm đối với tủ gỗ nhập từ Việt Nam vào thị thường Hoa Kỳ. 

    Kết luận sơ bộ đó nêu rõ sản phẩm có thành phần cửa, mặt hộc và khung gỗ sản xuất tại Trung Quốc; sau đó đưa sang Việt Nam lắp ráp kết hợp với hộp ván tủ, hộp hộc kéo sản xuất tại Việt Nam. Sản phẩm này thuộc phạm vi lệnh áp thuế gốc với Trung Quốc. 

    Từ tháng 4/2020 đến nay, Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với tủ gỗ có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá từ 4,37% đến hơn 262%; và mức thuế chống trợ cấp từ 13,33% đến hơn 293%. 

    Đối với sản phẩm tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, DOC lần lượt khởi xướng điều tra phạm vi sản phẩm và điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại vào thời điểm 24/5 và 7/6/2022.

    Chánh Thanh tra Sở Tài chính Lào Cai tử vong trong tư thế treo cổ

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/nguyen-truong-phong-giao-duc-tu-tu-1.jpg

    Chánh Thanh tra Sở Tài chính Lào Cai tử vong trong tư thế treo cổ. (Ảnh minh họa: PsychoBeard/shutterstock) 

    Ông N.T.N được cho là mắc nhiều bệnh và bị trầm cảm nên mới treo cổ tự tử.

    Theo báo chí nhà nước, chiều 23/8, một lãnh đạo UBND phường Cốc Lếu (TP. Lào Cai) xác nhận phường vừa xảy ra vụ một người đàn ông tử vong trong tư thế treo cổ.

    Nạn nhân được xác định là ông N.T.N. (SN 1967, trú tại Tổ 2, phường Cốc Lếu). Ông N. là Chánh thanh tra của Sở Tài chính tỉnh.

    Ông N. được người nhà phát hiện tử vong lúc 11h30 cùng ngày (23/8).

    Được biết, những ngày gần đây, tâm lý của ông N. không ổn định. Nạn nhân có tiền sử mắc nhiều bệnh và bị trầm cảm.

    Minh Long

    Nguyên GĐ Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn tự tổ chức xét nghiệm COVID-19 để trục lợi

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/phogiamdocbibat.jpg

    Bị cáo Nguyễn Văn Thiệp khi bị bắt tại cơ quan công an. (Ảnh: conganthanhhoa.gov.vn) 

    Nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa bị tòa án tỉnh này xét xử do lợi dụng dịch COVID-19 để trục lợi.

    Ngày 23/8, TAND tỉnh Thanh Hóa mở phiên toà xét xử Nguyễn Văn Thiệp – nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) về tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’.

    Theo cáo trạng, trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát, nhiều người có nhu cầu xét nghiệm PCR nên bị cáo Thiệp (khi đó là Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn) đã tự trang bị vật tư, thiết bị y tế, tự thuê địa điểm, thuê người vận chuyển để lấy mẫu, thu tiền xét nghiệm.

    Ngày 15/8/2021, sau khi liên hệ với đại diện Công ty CP nghiên cứu khoa học xét nghiệm công nghệ cao Hợp Lực (gọi tắt là HSTC), 2 bên thống nhất Nguyễn Văn Thiệp sẽ chuyển mẫu cho HSTC xét nghiệm với giá 400.000 đồng/mẫu.

    Đến ngày 21/8/2021, HSTC thông báo công khai giá xét nghiệm mẫu đơn, mẫu gộp nên 2 bên đã thống nhất việc xét nghiệm sẽ gộp 5 đối với tất cả các mẫu mà bị cáo Thiệp chuyển đến với giá 235.000 đồng/mẫu (đến ngày 23/8/2021 là 225.000 đồng/mẫu, nếu còn dư thì sẽ xét nghiệm theo số dư).

    Để hưởng chênh lệch từ việc xét nghiệm, bị cáo Thiệp đã chỉ đạo nhân viên của trung tâm và thuê một số người khác đến lấy mẫu, thu tiền xét nghiệm PCR của người bị cách ly tập trung, cách ly tại nhà với giá 720.000 đồng/mẫu đơn. Tất cả các mẫu trên đều được chuyển cho bên HSTC làm xét nghiệm.

    Trong số tiền xét nghiệm thu của người dân, bị cáo Thiệp chi trả 25.000 đồng/mẫu là tiền công đi lấy mẫu. Đồng thời, Thiệp đã chỉ đạo đưa mẫu của những người cách ly tại khu cách ly, trạm y tế ra HSTC xét nghiệm nhưng không báo cáo với tổ điều phối xét nghiệm COVID-19 của tỉnh, toàn bộ tiền thu phí xét nghiệm không hạch toán vào sổ sách kế toán của Trung tâm y tế.

    Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã làm việc với 397 người được lấy mẫu, thu phí với 609 mẫu, đủ cơ sở xác định tổng số tiền các nạn nhân đã nộp cho Trung tâm y tế là 438 triệu đồng. Trong khi đó, số tiền mà trung tâm này trả cho HSTC là 146 triệu đồng, trả tiền công lấy mẫu là 15 triệu đồng. Số tiền chênh lệch 275 triệu đồng bị cáo Thiệp giao cho một cá nhân quản lý tại tài khoản cá nhân.

    Sau đó, bị cáo Thiệp đã giao nộp số tiền 210 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

    Kết thúc phiên xét xử, bị cáo Thiệp bị TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù giam.

    Bảo Khánh

    Doanh nghiệp có lượng công nhân lớn nhất TP.HCM cắt giảm nhân sự lần thứ 3

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/congtygiay.jpg

    Xuất nhập khẩu từ đầu năm 2023 của Việt Nam giảm mạnh khiến hàng loạt doanh nghiệp phải sa thải công nhân. (Ảnh minh họa: nghean.gov.vn) 

    Bị sụt giảm đơn hàng liên tục từ cuối năm 2022 đến nay, Công ty TNHH Pouyuen – doanh nghiệp có lượng lao động nhiều nhất TP.HCM vừa thông báo sẽ có lần thứ 3 cắt giảm lao động trong năm 2023, dự kiến lần này giảm hơn 1.220 người có hợp đồng không xác định thời hạn.

    Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM sáng 23/8, Công ty PouYuen sẽ tiếp tục cắt giảm khoảng 1.220 lao động (hợp đồng lao động không xác định thời hạn).

    Theo Sở này, chế độ cho người bị cắt giảm tương tự như hai lần trước. Cụ thể, lao động nghỉ việc cứ mỗi năm được hỗ trợ 0,8 tháng lương. Mức chi trả được tính bình quân 6 tháng liền kề trước khi nghỉ.

    Ví dụ, lương bình quân 6 tháng liền kề của lao động thâm niên 20 năm là 12 triệu đồng, mức trợ cấp mỗi năm sẽ là 9,6 triệu đồng. Tổng số tiền công nhân nhận được ở 20 năm làm việc là 192 triệu đồng.

    Sau khi hai bên thống nhất thỏa thuận, lao động không phải đến nhà máy vẫn được trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, y tế và thất nghiệp…

    Trong tháng 9, công ty sẽ trả sổ bảo hiểm xã hội, hoàn tất các thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động, chế độ sẽ được chi trả trong vòng 7 ngày tiếp theo.

    Từ lúc hoạt động ở TP.HCM từ năm 1996 đến nay, đây là đợt giảm lao động thứ tư của Pouyuen với quy mô lớn lên đến hàng nghìn người.

    Hồi tháng 6/2020, công ty cho hơn 2.800 lao động nghỉ việc. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã hai lần giảm lao động với tổng khoảng 8.000 người.

    Gần đây nhất vào tháng 5/2023, công ty Pouyuen cắt giảm 5.744 người có hợp đồng không xác định thời hạn, tương đương 10% tổng số 50.500 lao động.

    Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng giá trị xuất – nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 374 tỷ USD, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10,6%; nhập khẩu giảm 17,1% .

    Trọng Minh

    Vụ Công ty luật Pháp Việt đòi nợ thuê: 111 người bị khởi tố

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/conanbaiadn.jpg

    Công an TP.HCM khám xét Công ty Luật Power Law ngày 19/11/2022. (Ảnh: ttbc-hcm.gov.vn) 

    Sau 6 tháng điều tra mở rộng, 111 người liên quan đến hoạt động đòi nợ thuê của Công ty luật TNHH Pháp Việt bị khởi tố.

    Ngày 22/8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố bị can đối với 111 người liên quan đến hoạt động đòi nợ thuê xảy ra tại Công ty luật TNHH Pháp Việt (có trụ sở tại tòa nhà T&T Dancesport, số 7 đường Lê Văn Huân, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM) để điều tra về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.

    Các bị can bị khởi tố ở 60 tỉnh, thành trên cả nước.

    Trong 111 bị can bị khởi tố, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam 21 bị can, trong đó có người chủ mưu gồm: 2 Phó Giám đốc Công ty Pháp Việt là Trần Văn Châu (SN 1980) và Hồ Quốc Hùng (SN 1987, cùng ngụ TP.HCM), các trưởng phòng, nhóm trưởng chuyên đòi nợ thuê của Công ty luật Pháp Việt để điều tra về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.

    Các bị can khác trong vụ án bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

    Công an tỉnh Tiền Giang xác định có hơn 400 người liên quan, trong đó khoảng 200 người là nhân viên Công ty luật Pháp Việt liên quan đến hành vi cưỡng đoạt tài sản. Lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra những người còn lại bao gồm nhân viên cũ đã nghỉ việc hoặc có liên quan đến hành vi cưỡng đoạt tài sản.

    Ngoài Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng làm Phó Giám đốc, Công ty luật Pháp Việt cũng thuê bà Lê Thị Tuyết (SN 1985, ngụ TP.HCM) làm Giám đốc.

    Nhóm người đứng đầu doanh nghiệp không có văn bằng chuyên ngành luật. Họ hợp tác với một số tổ chức ngân hàng, công ty tài chính dưới danh nghĩa trợ giúp pháp lý. Thực tế, Công ty luật Pháp Việt không có chức năng nhận hợp đồng đòi nợ thuê.

    Theo thống kê sơ bộ của Cơ quan tố tụng hình sự tỉnh Tiền Giang, vụ án này có hơn 3.000 người ở khắp cả nước là nạn nhân. Số tiền các nhân viên Công ty luật Pháp Việt cưỡng đoạt là hơn 1.000 tỷ đồng. Công ty Luật TNHH Pháp Việt được hưởng lợi từ 24% đến 35% trên số tiền đòi được.

    Như đã đưa tin trước đó, vào lúc 10h ngày 14/2, Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công an) và Công an TP.HCM phá chuyên án, triệu tập nhiều người là lãnh đạo, nhân viên Công ty luật TNHH Pháp Việt để điều tra.

    Khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty luật Pháp Việt, lực lượng chức năng thu giữ nhiều tang vật gồm: 233 CPU máy tính bàn, 4 laptop, trên 300 điện thoại di động và nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động cưỡng đoạt tài sản. Triệu tập làm việc 133 người có liên quan, công an phát hiện nhiều dữ liệu điện tử, tin nhắn có nội dung liên quan đến việc đòi nợ thuê.

    Theo tài liệu thu thập, Công ty Luật TNHH Pháp Việt ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với 6 ngân hàng và công ty tài chính. Khi nhận thông tin về nợ xấu của khách hàng từ các ngân hàng và công ty tài chính, Châu và Hùng phân chia cho các trưởng phòng, các trưởng phòng phân chia cho các nhóm trưởng để giao cho những thành viên trong nhóm.

    Trung bình mỗi tháng, công ty nhận từ các ngân hàng, công ty tài chính từ 141.000 – 241.000 hợp đồng vay tiền của các khách hàng chưa trả.

    Công ty phân chia số hợp đồng này cho các nhân viên đòi nợ bằng cách đe dọa giết vợ, con, người thân, ghép hình tung lên mạng nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, đe dọa cho mất việc làm, thậm chí đem quan tài, bình gas, xăng dọa cho nổ tung cơ quan, nhà, để buộc người vay trả nợ.

    Ngọc Mai

    Tô Lâm muốn dân ngủ không đóng cửa, nhưng công an thì “bắn nhầm dê, bế nhầm dân”…

    Cảnh Chân/VNTB

    VNTB –  Tô Lâm muốn dân ngủ không đóng cửa, nhưng công an thì “bắn nhầm dê, bế nhầm dân”…

    Thuộc cấp của ông Tô Lâm lại là băng nhóm trộm cắp cướp của giết người nguy hiểm nhất hiện nay

    Đầu tháng 8, bộ trưởng Tô Lâm nêu mục tiêu lớn nhất của Bộ Công an là cả ngày không có trường hợp phạm pháp hình sự nào, cuộc sống nhân dân được yên lành, hạnh phúc; không có trộm cắp, cướp của, giết người, đi ngủ, đi vắng không phải khóa cửa. Nhưng thật cay đắng khi chính những người công an thuộc cấp của ông Tô Lâm lại là băng nhóm trộm cắp cướp của giết người nguy hiểm nhất hiện nay.

    Từ những vụ án chấn động dư luận

    Những ngày qua người dân hoang mang với vụ án bắt cóc trẻ em tống tiền 15 tỷ đồng. Thủ phạm là thượng uý Nguyễn Đức Trung, một cán bộ tham mưu Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Vĩnh Phúc. Thượng uý này táo tợn bắt cóc em bé 7 tuổi ngay trước cửa nhà người dân, mẹ của nạn nhân đã chặn đầu xe để cứu con. Thậm chí tay công an này đã bắn bị thương thiếu tá đội cảnh sát hình sự trong lúc bị truy bắt.

    Năm trước, đại uý công an Ngô Văn Quốc cầm súng AK đi cướp hai tiệm vàng ở Huế. Sau khi cướp tiệm vàng thì Quốc mang súng vào công viên cố thủ. Tại thời điểm gây án viên công an này là cán bộ trại giam Bình Điền (trại giam thuộc Bộ Công an quản lý trực tiếp, đóng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế). Khẩu AK và đạn dùng để gây án được Quốc lấy từ đơn vị này.

    Cách đây 7 năm, một trưởng công an xã cũng đã làm chấn động dư luận với vụ án giết người phi tang xác. Lúc gây án, Phạm Văn Thông ủy viên ban chấp hành đảng ủy, đại biểu HĐND, Trưởng công an xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh, Thanh Hoá. Tên công an này ngoại tình với cô giáo mầm non đã có chồng và hai con. Do mâu thuẫn tình cảm nên hắn đã giết người tình rồi nhét xác vào bao tải đem phi tang ở khu vực bãi rác vắng người.

    Không chỉ cướp của giết người, công an còn mang súng đi trộm vặt. Tháng trước, cả nước xôn xao với vụ án ba cán bộ công an bắn trộm dê của người dân. Thủ phạm gồm đại úy Nguyễn Văn Nhân, thượng úy Bùi Đình Việt và thượng úy Bùi Tiến Tùng là cán bộ Công an thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

    Qua hai vụ án bắt cóc, bắn dê, mạng xã hội hiện đang lan truyền câu thành ngữ “bắn nhầm dê, bế nhầm dân” để mỉa mai hình ảnh công an. Những kẻ đang lãnh lương từ tiền thuế của dân và có trách nhiệm bảo vệ an ninh cho người dân.

    Tới những vụ án diễn ra hàng ngày hàng giờ

    Ngoài những vụ án điển hình chấn động dư luận trên, hàng ngày công an Việt Nam vẫn âm thầm gây ra những vụ án mà ai cũng biết nhưng đành chịu. Gây bức xúc nhất là việc cảnh sát giao thông ngang nhiên chặn đường bắt xe xin tiền mãi lộ diễn ra mỗi giờ mỗi phút trên khắp cả nước. Từ tài xế, lái xe tới học sinh, sinh viên, người nội trợ đi chợ đều quá rành câu chuyện bị cảnh sát giao thông chặn đầu xe “xin tiền bánh mì”.

    Đó là chưa kể vấn nạn công an chạy án, hối lộ, tham nhũng, thu tiền bảo kê tất cả các dịch vụ từ lớn tới nhỏ, từ ngoài biển tới trên cạn. Ở trên bờ, tiểu thương có cái sạp nhỏ ven đường mỗi tháng cũng phải gửi “tiền cà phê” cho công an khu vực để được yên ổn. Quán ăn, tiệm sửa xe, cửa hàng, doanh nghiệp… đều phải nộp phí hàng tháng nếu không muốn gặp rắc rối. Ở ngoài biển, thay vì bảo vệ ngư dân bị Trung Quốc ức hiếp, thì cảnh sát biển tiếp tay cho buôn lậu xăng giả, thu tiền mãi lộ các tàu chở hàng không thua gì hải tặc.

    Bộ trưởng Bộ Công an đặt mục tiêu “Làm sao phải giảm được lượng người đi tù, điều này mang ý nghĩa nhân văn rất lớn, phải làm thế nào để từng xã, phường, thôn, xóm không có tội phạm, dân đi ngủ, đi vắng không phải khóa cửa”. Thế nhưng mỉa mai thay, số lượng công an đi tù càng ngày càng nhiều hơn. Người dân ở trong nhà, đóng cửa vẫn còn nơm nớp lo sợ; thì hỏi làm sao đi vắng mà dám mở cửa khi trộm cướp lại chính là lực lượng công an?

    Vợ, con, cháu, em ruột, em vợ của Chủ tịch HĐTV Công ty nhà nước nhất loạt từ chức

    Lê Thiệt /SGN
    23/8/2023

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/03-tu-chuc-1.jpg

    Trụ sở Công ty TNHH MTV Sông Chu ở TP Thanh Hóa – Ảnh: Người Lao Động 

    Đây không phải là chuyện từ chức để gây sức ép, mà sức ép của dư luận bắt họ từ chức. Ai đời một công ty do nhà nước kiểm soát mà “bộ sậu” điều hành lại “chung một mái nhà” như thế!

    Chuyện cả gia đình ông Lê Văn Thủy – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Sông Chu tỉnh Thanh Hóa (100% vốn nhà nước) nắm giữ những vị trí lãnh đạo quan trọng trong công ty xảy ra lâu rồi. Cán bộ, nhân viên trong công ty họ đâu có mù đâu mà không thấy. Họ thấy nhưng không nói trong một thời gian dài, chắc cũng có nguyên nhân.

    Có người nói, nguyên nhân chính là họ “hèn”. Nghĩ cũng đúng! Nhưng đôi khi, vì nồi cơm gia đình nên họ cứ mắt nhắm, mắt mở cho qua chuyện, thì nghĩ cũng tội.

    Tuy nhiên, cuối cùng cũng có người vượt qua nỗi sợ, hoặc vì lý do nào đó họ nghỉ việc ở công ty này, nên chẳng còn gì để sợ, nên làm đơn tố cáo lên chính quyền tỉnh Thanh Hóa. Lúc này, mọi chuyện mới bị phanh phui.

    Sở Nội vụ cho biết ông Lê Văn Thủy, 58 tuổi, giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Công ty TNHH một thành viên Sông Chu nhiều năm nay. Điều họ không biết (lạ nhỉ, tại sao họ không biết?) là vợ, con trai, cháu trai, em trai, em vợ ông Thủy cũng là cán bộ, lãnh đạo trong công ty này. Cụ thể như sau:

    – Bà Hoàng Thị Thu Hiền – vợ ông Thủy – là Phó phòng phụ trách Phòng Tài chính – Kế hoạch.

    – Lê Hoàng Sơn – 30 tuổi, con trai ông Thủy – được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Kỹ thuật doanh nghiệp của Công ty từ tháng 9.2021. Đến tháng 8.2022, ông Sơn được điều động, bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Quảng Xương, thuộc Công ty TNHH một thành viên Sông Chu.

    – Lê Văn Hiểu – em ruột ông Thủy – là Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Triệu Sơn, thuộc Công ty từ tháng 9.2020.

    – Hoàng Minh – em vợ ông Thủy – là Giám đốc Chi nhánh xây dựng công trình và kinh doanh tổng hợp, thuộc Công ty TNHH một thành viên Sông Chu từ tháng 11.2021.

    – Lê Khắc Anh – con của chị gái ông Thủy – được bổ nhiệm Phó Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Nghi Sơn, thuộc Công ty TNHH một thành viên Sông Chu từ tháng 10.2021. Trước đó, Lê Khắc Anh là Tổ trưởng Kỹ thuật Chi nhánh Thủy lợi Nghi Sơn.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/08/03-tu-chuc-2.jpg

    Công ty TNHH MTV Sông Chu có địa chỉ tại số 24 Phạm Bành, phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa. Ảnh: Lao Động 

    Một lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa không muốn đưa tên nói với báo chí rằng, việc bổ nhiệm người nhà vào các vị trí lãnh đạo công ty 100% vốn nhà nước như vậy là trái quy định. Nhưng hỏi tại sao lãnh đạo tỉnh lại không biết chuyện này, vì nó xảy ra lâu rồi, thì ông ta không trả lời.

    Ông lãnh đạo này cho biết thêm, giải pháp trước mắt là giao cho Sở Nội vụ theo dõi công ty tự xử lý. Có nghĩa là ông Thủy phải cách chức toàn bộ gia đình ông, nếu ông không tự xử lý được, thì Sở Nội vụ sẽ xử lý. Mà lúc đó, e rằng ông Thủy sẽ chẳng còn ngồi yên được chiếc ghế quyền lực ở công ty này.

    Thay vì bị ông Thủy cách chức, gia đình ông chọn phương án “từ chức” cho… oai!

    Chuyện chưa hết “éo le”.

    Ông Thủy nói (như mếu) rằng đó là “tồn tại của lịch sử” chứ ông đâu có muốn như vậy. “Cái này rất nhạy cảm”, ông chỉ nói thế rồi im.

    Theo văn bản do ông Khương Bá Luận – Tổng Giám đốc Công ty ký, ông Lê Văn Thủy và vợ là bà Hoàng Thị Thu Hiền đã công tác tại Công ty gần 34 năm. Vợ, em trai và em vợ ông Thủy cũng đã công tác tại Công ty gần 30 năm do Giám đốc Công ty trước đây tuyển dụng, khi đó ông Thủy là nhân viên hợp đồng lao động. Vợ, em trai và em vợ ông Thủy được bổ nhiệm cách đây nhiều năm, thời Chủ tịch HĐTV trước, nay đã nghỉ hưu. Còn ông Thủy thì mới được bổ nhiệm Chủ tịch HĐTV hơn 2 năm thôi (Tháng Sáu năm 2021).

    Như thế, đáng lý người phải từ chức là ông Thủy chứ không phải gia đình ông, vì ông nhận chức sau họ. Giờ mà lục tìm lại cái lịch sử từ hồi thành lập công ty tới giờ chắc sẽ ra nhiều chuyện hay, chẳng hạn “đồng chí lãnh đạo” nào lại nhận cả gia đình ông Thủy vào làm chung một công ty nhà nước như thế? Rồi “đồng chí lãnh đạo” nào cất nhắc cho cả gia đình ông Thủy giữ những vị trí chủ chốt suốt nhiều năm trời, rồi “đùng một cái” ông Thủy được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐTV Công ty?

    Dư luận cho rằng, nếu sự việc không được phát hiện, thì chỉ vài năm nữa, công ty nhà nước này sẽ trở thành công ty riêng của nhà ông Thủy.


    Không có nhận xét nào