Quê Hương tổng hợp
Nhà hoạt động tôn giáo Nay Y Blang được gặp luật sư trong trại tạm giam
RFA
10/8/2023
Công an tỉnh Phú Yên công bố lệnh bắt tạm giam ông Nay Y Blang
PLO/Công an Phú Yên
Ông Nay Y Blang, tín hữu Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên đang bị tạm giam để điều tra về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ,” được gặp luật sư lần đầu tiên trong trại tạm giam của Công an tỉnh Phú Yên.
Nhà hoạt động này từng bị sách nhiễu nhiều lần sau khi đi gặp phái đoàn Ngoại giao của Hoa Kỳ và có báo cáo về đàn áp tôn giáo, mà Đài Á Châu Tự Do (RFA) nhiều lần đưa tin.
Đến ngày 18/5 vừa qua, cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Phú Yên bắt tạm giam ông với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Khoản 2, Điều 331 của Bộ Luật Hình sự.
Luật sư Hà Huy Sơn, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, được gia đình ông Nay Y Blang ký hợp đồng bào chữa. Trong tháng 7, vị luật sư này đã gặp được thân chủ trong trại tạm giam công an tỉnh. Ông nói với phóng viên trong ngày 10/8:
“Cơ quan điều tra đã cấp giấy bào chữa cho tôi rồi và tôi cũng đã dự cung được một buổi cách đây một tháng.
Sau đó, cơ quan điều tra có hỏi cung nhiều lần và cũng đều thông báo cho tôi nhưng vì điều kiện ở xa nên tôi mới chỉ dự cung được một lần thôi.”
Luật sư Hà Huy Sơn từ chối trả lời chi tiết về buổi dự cung vì quy định luật sư không được phép chia sẻ thông tin của vụ án khi quá trình điều tra chưa kết thúc.
Mục sư Aga, người sáng lập Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, cho biết gia đình ông Nay Y Blang chỉ được gửi đồ tiếp tế mà không được gặp thân nhân. Phía công an nói với gia đình nếu thuyết phục được ông từ bỏ đạo sẽ cho gặp nhưng gia đình từ chối.
Phóng viên gọi điện thoại cho Công an tỉnh Phú Yên với đề nghị bình luận về thông tin của mục sư Aga. Người trực ban đề nghị phóng viên đến trụ sở của cơ quan này để được phát ngôn nhân của Công an Phú Yên trả lời.
Người dân tộc thiểu số trong vụ án chính trị đầu tiên được có luật sư
Mục sư Aga, người hiện đang tị nạn chính trị ở Hoa Kỳ, cho biết ông Nay Y Blang là người Thượng đầu tiên có được sự trợ giúp pháp lý trong một vụ án chính trị.
Theo mục sư Aga, một người Thượng khác là ông A Đảo bị bắt giữ hồi năm 2016 sau khi ông tham gia hội nghị về tự do tôn giáo ở Đông Timor và trở lại Việt Nam. Gia đình ông này có liên hệ mời luật sư nhưng sau đó ông bị buộc viết đơn từ chối trợ giúp pháp lý do sức ép của phía chính quyền.
Năm 2017, toà án tỉnh Gia Lai đã kết án ông với bản án năm năm tù về tội nhiều lần tổ chức đưa người Thượng đi Thái Lan trái phép.
Mục sư Aga nói với RFA trong ngày 10/8:
“Người đồng bào chưa bao giờ có luật sư. Đây là lần đầu tiên từ bao nhiêu vụ án, bao nhiêu vụ xét xử không bao giờ có được luật sư. Một cái điều bất lợi cho người đồng bào chúng tôi.
Vì họ không có luật sư nên họ không có tội thành có tội, tội nhẹ thành tội nặng và mức án bao nhiêu năm là tùy ý họ (tòa án- PV) thôi.”
Theo ông, bên cạnh việc công an thuyết phục từ bỏ quyền được có luật sư bào chữa và đe doạ mức án sẽ cao hơn, thì lý do phí thuê luật sư cao đối với thu nhập của người Thượng cũng là một nguyên nhân khiến hàng trăm người hoạt động tự do tôn giáo không có trợ giúp pháp lý trong các vụ án trước đây.
Ngoài ra, đa số người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên không biết cách liên hệ và thuê luật sư.
Ông Nay Y Blang, 47 tuổi, thường trú tại buôn Bưng B, xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.
Cơ quan Điều tra cho rằng từ cuối năm 2019 cho đến nay, ông Nay Y Blang tham gia Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, nhóm tôn giáo độc lập bị Công an Phú Yên cho rằng do ông Aga chỉ đạo.
Trong nhiều năm gần đây, ông và nhiều tín đồ của tổ chức tôn giáo không được nhà nước công nhận này liên tục bị sách nhiễu.
Vào tháng 8/2022, ông có gặp một viên chức ngoại giao thuộc Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó ông và gia đình bị chính quyền địa phương sách nhiễu, hỏi thông tin về cuộc gặp này.
Một tháng sau, ông được mời gặp phái đoàn phụ trách tôn giáo từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Tuy nhiên ông không thể đến địa điểm gặp vì bị an ninh câu lưu ở bến xe Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa.
Công an Phú Yên cho rằng ông Nay Y Blang cung cấp thông tin sai sự thật cho các cá nhân, tổ chức nước ngoài vu cáo, xuyên tạc chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam; nhằm giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong vụ án khác, vào đầu tháng tư vừa qua, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt giữ thầy truyền đạo Y Kreek Buonya với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết” theo Điều 116 của BLHS bên cạnh việc khởi tố bị can đối với mục sư Aga (đang ở Hoa Kỳ) về cùng cáo buộc.
Cả hai bị cho là “có hành vi chỉ đạo tiến hành những âm mưu, hoạt động phá hoại chính sách đoàn kết; tổ chức hàng trăm buổi hội họp tập huấn trực tuyến để chỉ đạo thu thập các thông tin, tài liệu xuyên tạc, gây chia rẽ giữa người dân với chính quyền và lực lượng vũ trang; gây chia rẽ giữa người dân theo các tôn giáo khác nhau.”
Luật sư Hà Huy Sơn cũng cho biết ông đã ký hợp đồng trợ giúp pháp lý cho ông Y Kreek Buonya và được nhà chức trách tỉnh Đắk Lắk cấp giấy bào chữa, tuy nhiên do cáo buộc đối với ông này nằm trong chương "An ninh quốc gia" và vụ án vẫn còn đang trong giai đoạn điều tra nên luật sư chưa được gặp thân chủ.
https://www.rfa.org/vietnamese
Mỹ hỗ trợ Việt Nam đào tạo cán bộ truyền thông cho nhiều tỉnh, thành
09/8/2023
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thời còn làm phát ngôn viên. [Ảnh minh họa]
Bộ Ngoại giao Mỹ phối hợp với Việt Nam tổ chức khóa đào tạo truyền thông và thông tin đối ngoại cho 62 học viên đến từ hàng chục tỉnh, thành với sự tham dự của Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper.
Theo VnExpress, khóa tập huấn cho người phát ngôn, cán bộ phụ trách công tác báo chí tuyên truyền đối ngoại của các tỉnh thành diễn ra ngày 9 - 11/8 tại Đà Nẵng.
Báo điện tử này dẫn lời Thứ trưởng Hằng cho biết rằng đây là khóa đào tạo truyền thông đầu tiên được tổ chức trên cơ sở hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Mỹ, thông qua đại sứ quán tại Hà Nội.
Theo bà Hằng, khóa học sẽ “góp phần nâng cao năng lực triển khai công tác thông tin đối ngoại” cho đội ngũ cán bộ địa phương và là “hoạt động ý nghĩa” trong năm kỷ niệm một thập kỷ xây dựng quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ, theo VnExpress.
Báo điện tử này đưa tin rằng khóa tập huấn còn giúp “gia tăng kết nối” giữa các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại trên cả nước nói chung và với đại sứ quán Mỹ nói riêng, qua đó “góp phần tăng cường hiểu biết, hợp tác trong tương lai cũng như gắn kết quan hệ hai nước”.
Bà Hằng được cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng dẫn lời nói khóa tập huấn “sẽ góp phần đưa quan hệ hai nước ngày càng vững chắc và phát triển mạnh mẽ hơn” cũng như bày tỏ mong muốn rằng trong thời gian tới, “hai bên có nhiều sáng kiến để tổ chức các hoạt động không chỉ tại Việt Nam mà cả Hoa Kỳ”.
Cổng thông tin này cũng trích lời Đại sứ Marc Knapper nói rằng các học viên từ các tỉnh, thành của Việt Nam sẽ là “cầu nối giúp nhân dân hai nước xích lại gần nhau và hiểu nhau hơn”.
Tin cho hay, trong cuộc tập huấn này, các học viên sẽ được huấn luyện về nhiều hoạt động, trong đó có cách thức tổ chức chiến dịch và kế hoạch truyền thông cho hoạt động đối ngoại cũng như xử lý thông tin sai lệch, tương tác chuyên nghiệp với giới truyền thông địa phương và quốc tế.
https://www.voatiengviet.com/a/7218042.html
Ông Trọng ‘chưa’ đi Mỹ vì chờ đón ông Biden
Nguyễn Huỳnh/VNTB
10/8/2023
Biden nói rằng ông sẽ sang thăm Việt Nam.
Hãng Reuters đưa tin Biden nói sẽ sớm có chuyến công du đến Việt Nam – Biden says he will visit Vietnam ‘shortly’.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ Ba cho biết ông sẽ đến Việt Nam “trong thời gian ngắn”, vì nước này muốn nâng cao mối quan hệ với Hoa Kỳ và trở thành một đối tác lớn.
Ông Biden đưa ra nhận xét như trên khi phát biểu tại một buổi gây quỹ chính trị ở New Mexico. Và một phát ngôn viên của Nhà Trắng đã cho biết “không có gì để chia sẻ thêm vào thời điểm này”.
Tại một cuộc gặp hồi tháng 4 năm nay, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cũng được báo chí phương Tây tường thuật là đã bày tỏ mong muốn thắt chặt quan hệ, khi Washington tìm cách củng cố quan hệ với các đối tác ở châu Á để ‘đối trọng’ với một Trung Quốc ngày càng hung hăng.
Tường thuật liên quan đến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, phía Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nói với một người gây quỹ ở Maine vào ngày 28 tháng 7, rằng ông đã nhận được một cuộc gọi từ “người đứng đầu Việt Nam”, người “rất muốn gặp tôi khi tôi tới hội nghị G20”.
G20 mà ông iden đề cập là kế hoạch tới Ấn Độ dự hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại New Delhi vào ngày 9 và 10 tháng 9 năm nay.
“Ông ấy muốn nâng tầm quan hệ giữu hai nước thành một đối tác lớn, cùng với Nga và Trung Quốc”, Biden nói sau đó, các nhà phân tích cho là ám chỉ đến Tổng bí thư Đảng Cộng sản cầm quyền Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Washington và các công ty quốc phòng của Mỹ đã công khai nói rằng họ muốn tăng cường cung cấp quân sự cho Việt Nam – cho đến nay phần lớn chỉ giới hạn ở các tàu bảo vệ bờ biển và máy bay huấn luyện – khi nước này tìm cách đa dạng hóa hoạt động khỏi Nga, nước đang là nhà cung cấp chính về vũ khí quân sự cho Việt Nam.
Tuy nhiên, các thỏa thuận quân sự với Hoa Kỳ đang phải đối mặt với những trở ngại tiềm tàng, bao gồm cả khả năng bị cản trở bởi các nhà lập pháp Hoa Kỳ khi hồ sơ nhân quyền của Việt Nam tiếp tục bị chỉ trích.
Tháng trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ở Hà Nội. “Mỹ xem Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc đẩy mạnh một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo – Pacific) cởi mở và tự do”, bà Yellen cho biết trong chuyến viếng thăm Việt Nam.
Mỹ đã bình thường hóa quan hệ thương mại với Việt Nam trong năm 2007 và càng thêm khắng khít sau khi cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt hàng rào thuế quan với Trung Quốc. Mỹ xem Việt Nam là một đối tác quan trọng trong việc giảm phụ thuộc vào nguồn cung ứng ở một số quốc gia.
Trong một tuyên bố hồi tháng trước, Nhà Trắng cho biết các lãnh đạo đang bàn tới chuyện “mở rộng quan hệ hợp tác ba bên ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và còn hơn thế nữa”.
Tuy nhiên theo nhiều nhà quan sát, Hà Nội dường như chưa hoàn toàn sẵn sàng nâng cấp quan hệ với Washington, họ luôn tỏ ra cảnh giác trước việc làm phật lòng Bắc Kinh – một đối tác kinh tế quan trọng – bất chấp những tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.
Với Trung Quốc, Việt Nam ủng hộ chủ trương “hai bên cần tuân thủ sự đồng thuận… về xử lý thỏa đáng các vấn đề trên biển, tích cực triển khai, chú trọng hơn nữa hợp tác cùng có lợi…”, theo phát biểu của ông Vương Nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi gặp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn ở Jakarta.
Không chỉ vậy, Hà Nội vẫn thận trọng trước nguy cơ làm phật ý Nga, một đối tác truyền thống của Việt Nam từ thời chiến tranh.
Nếu chuyến thăm diễn ra như kế hoạch, ông Biden sẽ là tổng thống thứ 5 của Mỹ thăm Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào thập niên 1990. Đồng thời, tất cả các đời tổng thống Mỹ kể từ khi bình thường hóa quan hệ đều đến thăm Việt Nam: gồm Bill Clinton, George Bush con, Barack Obama, Donald Trump và Joe Biden.
Việt Nam vẫn im lặng về vụ bãi Cỏ Mây
Tử Long/VNTB
10/8/2023
Bãi Cỏ Mây là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos nói không hề có thỏa thuận gì với Trung Quốc về việc đưa con tàu đang mắc cạn ở bãi Cỏ Mây ra khỏi khu vực, mà nếu có thỏa thuận thì ông cũng hủy bỏ ngay.
Phía Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa thấy lên tiếng về vấn đề mà chính Việt Nam cũng đang là một quốc gia tranh chấp.
Bãi Cỏ Mây là một bãi đá ngầm nằm ở quần đảo Trường Sa. Philippines chiếm hữu thực thể này đầu tiên vào năm 1999. Tiền đồn của Philippines trên Bãi Cỏ Mây tên là BRP Sierra Madre. Đây là một tàu vận tải của Hải quân Philippines neo đậu trên bãi đá này và được bảo vệ bởi một đội lính thủy đánh bộ.
Bãi Cỏ Mây là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc.
Trung Quốc hôm 08-08-2023 lại lớn tiếng đòi Philippines phải cho trục kéo một con tàu gần như là rệu rã của Philippines đi khỏi Bãi Cỏ Mây, một bãi đá ngầm thuộc vùng quần đảo Trường Sa, bất chấp việc con tàu đã hiện diện trên bãi đá từ hơn 20 năm nay, Bắc Kinh vẫn cho rằng vùng đó thuộc về Trung Quốc và sẵn sàng dùng võ lực áp đặt yêu sách chủ quyền của mình.
Hải Cảnh Trung Quốc hôm 05-08-2023 đã bắn vòi rồng vào các tàu Philippines chở hàng tiếp tế cho toán thủy quân lục chiến đồn trú trên chiếc tàu mắc cạn trên Bãi Cỏ Mây (tên quốc tế là Second Thomas Shoal, Philippines đặt tên là Ayungin còn Trung Quốc gọi là Nhân Ái Tiêu).
Manila đã tố cáo một hành động nguy hiểm và phi pháp, triệu mời đại sứ Trung Quốc tại Philippines lên để phản đối, trong lúc Bắc Kinh tố ngược lại là Manila đã “vi phạm chủ quyền” Trung Quốc, đã không thực hiện “lời hứa trục kéo tàu” ra khỏi bãi ngầm, thậm chí còn “tiến hành sửa chữa quy mô lớn để chiếm đóng vĩnh viễn” thực thể này.
Tổng thống, ông Ferdinand Marcos đã bác bỏ thông tin này.
“Tôi không biết là có bất kỳ thỏa thuận nào về việc Philippines sẽ đưa tàu BRP Sierra Madre ra khỏi lãnh thổ”, ông Marcos nói: “Nếu tồn tại một thỏa thuận như vậy, tôi sẽ hủy ngay bây giờ”.
Một sự việc tương tự cũng đã xảy ra trong năm 2021. Theo đó, Philippines cáo buộc ba tàu hải cảnh Trung Quốc chặn đường, xịt vòi rồng vào hai tàu tiếp vận đang di chuyển tới bãi Cỏ Mây hôm 16-11-2021.
Rất nhanh, chỉ sau 48 tiếng, phía Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phát lời kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, khi đề cập vụ Philippines tố Trung Quốc ngăn tàu tiếp tế đến bãi Cỏ Mây.
“Việt Nam đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trong mọi hoạt động trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.
Và vẫn là những mẫu câu quen thuộc, lúc đó Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, tái khẳng định “lập trường rõ ràng và nhất quán của Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như vấn đề Biển Đông”.
Hồi trung tuần tháng 3 năm nay, Đại sứ quán Trung Quốc cáo buộc Mỹ tăng cường hợp tác quân sự với Philippines “vì lợi ích địa chính trị và tâm lý chiến tranh lạnh”. Đại sứ quán cho rằng hợp tác Mỹ đang “lôi kéo Philippines chống lại Trung Quốc”, và đẩy Manila vào “xung đột địa chính trị”, đe dọa lợi ích quốc gia của Philippines.
Khác với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte có xu hướng thân thiện với Bắc Kinh, ông Marcos đã gọi tranh chấp trên biển với Trung Quốc là “tình hình địa chính trị phức tạp nhất trên thế giới”, và cho biết quân đội sẽ tập trung vào phòng thủ bên ngoài.
Tổng thống Marcos cho biết ông “không thấy một tương lai của Philippines mà không bao gồm Mỹ”.
Việt Nam áp thuế chống phá giá đối với một số công ty đường Thái Lan
09/8/2023
Đường. [Ảnh minh họa]
Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá từ 25,73% đến 32,75% đối với các sản phẩm đường nhập khẩu từ một số nhà sản xuất đường lớn nhất của Thái Lan trong thời gian gần ba năm, Bộ Công thương thông báo hôm 9/8.
Theo Reuters, quyết định được đưa ra sau một "cuộc điều tra cẩn thận và công bằng" và sẽ có hiệu lực từ ngày 18 tháng 8 năm 2023 đến ngày 15 tháng 6 năm 2026, Bộ cho biết trong một tuyên bố.
Tin cho hay, Bộ này cho biết mức thuế chống bán phá giá 32,75% sẽ được áp dụng cho nhà sản xuất đường và năng lượng sinh học lớn nhất Thái Lan và châu Á Mitr Phol Sugar và bốn công ty liên kết.
Trong khi đó, Thai Roong Ruang Industry, một trong những nhà sản xuất đường hàng đầu châu Á và 5 công ty con sẽ bị áp thuế chống bán phá giá 25,73% và thuế chống trợ cấp 4,65%, tuyên bố cho biết thêm, theo Reuters.
Năm ngoái, Việt Nam áp thuế chống bán phá giá 47,64% đối với một số sản phẩm đường nhập khẩu từ 5 nước Đông Nam Á nhưng có xuất xứ từ Thái Lan trong thời hạn 4 năm.
Theo Reuters, Việt Nam xóa bỏ thuế đối với đường nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á vào năm 2020, phù hợp với cam kết của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN.
Tuy nhiên, hãng tin Anh đưa tin, các điều khoản cho phép Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á áp đặt thuế nhập khẩu để bảo vệ quyền và lợi ích của các ngành công nghiệp trong nước trước hành vi phản cạnh tranh.
Theo VnExpress, cuộc điều tra của Việt Nam cho thấy “đường mía được Thái Lan trợ cấp, tràn vào Việt Nam, đã gây thiệt hại lớn đến ngành sản xuất nội địa”.
Báo điện tử này đưa tin, theo tính toán của cơ quan chức năng, 3.300 người bị mất việc, 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng “do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước”.
Không có nhận xét nào