Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ hai 14 tháng 8 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    Uan Tieu - Đôi điều về lòng yêu nước.

    Viết từ Sài Gòn

    Sài-gòn, ngày 09/2/2023


    Con tôi đi học lớp một, chữ còn chưa biết đọc, nhưng đã thấy cô giáo xét về lòng yêu nước của nó. Tôi không biết nhà trường dựa theo tiêu chí gì để đánh giá nhưng theo định nghĩa xưa nay thì đó là tình cảm tích cực dành cho quê hương đất nước, nói rộng ra nữa thì đó là tổ quốc. Mà tổ quốc thì bao gồm đất nước và con người. Vậy thì nhớ nhà hay nhớ ông bà, cha mẹ, anh em, bạn bè cũng đã là yêu nước rồi, điều đó có nghĩa là đứa trẻ nào cũng yêu nước thì hà tất phải đưa vào mục đánh giá. Vậy mục đích của nhà trường đối với việc này là gì?

     Bấy lâu nay, đất nước không ngừng đổi mới, nhộn nhịp phấn đấu đeo đuổi lý luận cho công cuộc định hướng quá độ lên chủ nghĩa xã hội, các nhà chính trị của ta không ngừng hô hào về việc tinh giản bộ máy, chú trọng thiết thực và hiệu quả chất lượng. Bên cạnh đó, bộ máy tuyên truyền cũng gay gắt lên án các căn bệnh như quan liêu, hình thức, thành tích. Họ cho đó là thứ vi trùng độc hại mà gốc rễ của nó chính là chủ nghĩa cá nhân; một thứ chủ nghĩa nhằm hướng tới thỏa mãn nhu cầu lợi ích riêng tư; các hành vi vụ lợi, chuyên quyền nuôi dưỡng tính hám danh, xa hoa và kiêu ngạo là nguyên căn dẫn đến sự suy đồi đạo đức trong hàng ngũ lãnh đạo.

     Nay xin trở lại với việc đánh giá lòng yêu nước của một đứa trẻ, một việc làm chắc chắn phải đạt 100% tuyệt đối. Vậy đi đặt ra có phải là bày vẽ hình thức hay không? Trong khi một mặt thì họ lên án bài trừ như nấm độc, một mặt thì đưa mầm bệnh đó vào sâu trong trường học, áp đặt cho bọn trẻ từ lúc bập bẹ chữ cái đầu tiên thì thiết tưởng cái câu “nói một đằng làm một nẻo” cũng chí lý lắm.

     Tất cả những ai có bằng đại học sau năm 1975 đều phải bắt buộc hoàn tất môn học chủ nghĩa Mác-Lê, nhưng nếu hỏi tất cả những người đã thi đậu môn học đó, chủ nghĩa Mác-Lê là gì thì ai cũng ngán ngẩm và mấy ai trả lời được. Bên cạnh đó, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh” đã ngót nghét hai mươi năm, mà trước đó cũng có khoảng mười năm dạy dỗ cho các cán bộ nguồn rồi, nhưng các căn bệnh “hữu danh vô thực”, “bệnh khai hội”, “thói ba hoa”, “thói quan quyền” vẫn đua nhau nở rộ. Sự tham lam, đục khoét, vơ vét tài sản của dân xảy ra ngay chính trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của bộ chính trị. Chính những con người đại diện chính phủ đứng trước truyền thông thuyết giảng “lời Bác dạy” cho dân nghe, nhưng việc làm thì lập bè kết đảng, thao túng quyền lực, tham ô tham nhũng để vui hưởng vinh hoa trong khi dân, những người trực tiếp làm ra của cải thì sống trong đói khổ, lầm than. Vậy cuộc vận động ấy được dựng lên, tốn kém biết bao nhiêu tiền tài của dân để rồi từ lớn tới nhỏ chả ai chịu nghe, không ai chịu làm thì đó có phải là bệnh thành tích hay không. Đã vậy thì chống là chống cái gì? Hay là chỉ rình “con heo” nào mập thì bắt ra xẻ thịt, mà thịt đó có trả về cho dân hay không, hay chỉ chia chác cho bọn đồ tể? Bởi vì biết bao đại án đã qua, tiền thu hồi được chỉ cung phụng cho việc điều tra xét xử chớ dân thì làm gì được hưởng.

     Những kẻ được cho là Đảng viên ưu tú, thành tích dày cộm, truyền thống trong sạch, công lao trời biển, đạo đức sáng ngời và đều là những nhà lý luận Mác-Lê cao cấp thì ắt hẳn phải yêu nước nồng nàn rồi, nhưng tại sao phải xộ khám hàng loạt trong chiến dịch mang hơi hướng “đả hổ diệt ruồi”. Vậy cái lý luận đó được hiểu ra sao mà tôi nghe Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói: 

    “ Tinh thần minh bạch khách quan, nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”

     Cái từ “chúng ta” ở đây là ai mà có đặc quyền đặc lợi đến vậy? Vậy thì pháp luật theo họ được đặt ra là để trị dân tức là họ có cái quyền đạp lên đó. Phải chăng chính họ đã tự coi mình là giai cấp cai trị có quyền tối thượng, một kiểu chế độ quân chủ coi dân như bầy nô lệ để tha hồ vặt lông, để tha hồ sai khiến. Nếu vậy thì việc rêu rao đập tan giai cấp, xóa bỏ bóc lột có phải là bình phong hay không? Ngay trong câu nói đó đã đủ thấy họ coi dân như hàng giun dế thấp hèn, một loại vốn liếng bằng sức người và bằng cả sinh mạng mà họ toàn quyền định đoạt.

     Như vụ đại án Việt Á vừa xảy ra thì đủ thấy cái tình yêu nước của họ là phải có cái đầu lạnh, nhưng lạnh ở đây là cái lạnh lùng để mưu mô tạo nên toàn cảnh hỗn loạn, khiếp hãi nhằm thừa cơ trục lợi; họ phải có trái tim nóng, nhưng nóng ở đây là cái nóng thiêu đốt của ngọn lửa địa ngục để đang tâm đẩy biết bao gia đình vào cảnh khốn cùng, tang thương chết chóc trong sự tức tưởi. Đã vậy mà họ còn phát ra thông điệp: “Ngồi yên mới là yêu nước”, ngồi yên để ngửa cổ đợi chờ, ngồi yên để trời kêu ai nấy dạ chớ gì nữa.

     Vậy lòng yêu nước theo họ là gì mà ngày xưa tôi đi học chỉ thấy nêu gương những con người đấu tranh bằng bạo lực một cách hiếu sát, đầy vẻ hăng máu, bặm trợn, thí mạng, ăn thua đủ… với các luận điệu hung hăng như đập tan, nghiền nát, xóa sổ, diệt gọn… như một loại chủ nghĩa dân tộc cuồng tín Chauvin, nó thiên về màu sắc chính trị cực đoan, hiếu chiến. Nó là một thứ chủ nghĩa tiêu cực hẹp hòi và tàn bạo, trong khi chủ nghĩa yêu nước thì tích cực, ôn hòa và thánh thiện hơn. Cái điều này cho ta thấy, đã có một sự lập lờ đánh đồng giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc cuồng tín. Vậy thì lòng yêu nước của họ tới đâu? 

     Hãy nhìn vào các việc làm của họ trên đất nước này trong bao nhiêu năm qua thì họ có thực lòng muốn cho bọn trẻ yêu nước theo đúng cái nghĩa của nó hay không, hay họ chỉ muốn tiếp tục định hướng cho chúng về phía chủ nghĩa dân tộc cực đoan để tùy nghi điều khiển như một bầy zombie?.

    Ngoại trưởng Trung Quốc đến Phnom Penh vào lúc Cam Bốt chuyển giao quyền lực

    Trọng Thành /RFI

    14/8/2023

    Lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) công du Cam Bốt ít ngày sau khi tướng Hun Manet, con trai ông Hun Sen được bổ nhiệm làm thủ tướng. Trong buổi tiếp ông Vương Nghị, hôm 13/08/2023 tại Phnom Penh, lãnh đạo tương lai Cam Bốt Hun Manet khẳng định tiếp tục chính sách tăng cường quan hệ với Bắc Kinh. 

    Thủ tướng tương lai của Cam Bốt Hun Manet (P) bắt tay ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Cung điện Hòa bình ở Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 13/08/2023.

    Thủ tướng tương lai của Cam Bốt Hun Manet (P) bắt tay ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Cung điện Hòa bình ở Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 13/08/2023. AFP - KOK KY 

    Theo AFP, trên Telegram, ông Hun Manet cho biết ông và ngoại trưởng Trung Quốc ‘‘cam kết thúc đẩy hợp tác song phương’’. Trong một thông điệp khác trên Facebook, thủ tướng Cam Bốt tương lai cũng tái khẳng định ‘‘lập trường không thay đổi’’ của Phnom Penh về chính sách ‘‘Một Trung Hoa’’, và cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, ngụ ý chỉ các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Tân Cương, hay Tây Tạng.

    Nhật báo Anh ngữ Khmer Times tại Cam Bốt ghi nhận: Ngoại trưởng Trung Quốc là ‘‘nhà ngoại giao nước ngoài cao cấp nhất’’ đến Cam Bốt sau cuộc bầu cử Quốc Hội. Theo báo Trung Quốc China Daily, cũng trong cuộc gặp Hun Manet, ngoại trưởng Trung Quốc hoan nghênh chiến thắng của đảng cầm quyền Cam Bốt trong cuộc bầu cử Quốc Hội vừa qua.

    Cuộc bầu cử bị Hoa Kỳ và đông đảo giới hoạt động nhân quyền trong khu vực chỉ trích là ‘‘không tự do’’, ‘‘không công bằng’’, với việc các đảng phái đối lập chính bị loại khỏi cuộc đua.

    Ông Hun Manet, 38 tuổi, được Quốc vương Cam Bốt bổ nhiệm hôm 07/08. Trước khi chính thức nhậm chức, con trai thủ tướng mãn nhiệm Hun Sen sẽ phải đợi cuộc bỏ phiếu ngày 22/08, tại Quốc Hội, hoàn toàn trong tay đảng Nhân Dân Cam Bốt cầm quyền.

    Chuyến thăm Cam Bốt của ông Vương Nghị nằm trong vòng công du Đông Nam Á ba ngày của lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc (10 – 13/08), tới Malaysia, Singapore và Cam Bốt. Cam Bốt, dưới sự lãnh đạo của Hun Sen trong gần bốn thập niên qua, được coi là một trong các đồng minh chủ chốt của Bắc Kinh tại khu vực. Ông Hun Sen giã từ chức vụ thủ tướng, nhưng vẫn tiếp tục đứng đầu đảng cầm quyền và làm chủ tịch Thượng Viện.

    Thủ tướng tương lai Cam Bốt Hun Manet đã hai lần đi Bắc Kinh kể từ năm 2020, với tư cách là một thành viên trong phái đoàn Cam Bốt, đứng đầu là thủ tướng Hun Sen. Nhật báo Khmer Times hôm 08/08 tự hỏi ‘‘Liệu Bắc Kinh có phải là điểm đến đầu tiên của (thủ tướng) Hun Manet ?’’.

    https://www.rfi.fr/vi

    Cảnh sát Singapore bắt hai người đánh tráo 70.000 USD ở tiệm vàng Bình Thuận

    RFA
    11/8/2023

    Cảnh sát Singapore bắt hai người đánh tráo 70.000 USD ở tiệm vàng Bình Thuận


    Toàn cảnh vụ tráo 70.000USD tại một tiệm vàng ở Phan Thiết. 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngPLO 

    Ông Akhalaia Irakli và Malishava Joni, hai người nước ngoài đã đánh tráo 70.000USD của một tiệm vàng tại Phan Thiết (Bình Thuận) hôm 21/2/2023 đã bị cảnh sát Singapore bắt giữ.

    Tờ Pháp luật điện tử dẫn nguồn tin từ tờ Todayonline.com của Singapore trong ngày 11/8 cho hay, hai người đàn ông quốc tịch Georgia là Malisava Joni (55 tuổi) và Akhalaia Irakli (46 tuổi) đã bị cảnh sát Singapore bắt giữ khi hai người này dùng thủ đoạn lừa đảo tương tự ở Bình Thuận, để đánh tráo 75.000 USD tại Singapore.

    Cảnh sát Singapore đã bắt giữ họ khi cả hai lên máy bay chuẩn bị cất cánh rời khỏi đảo quốc này.

    Akhalaia Irakli và Malishava Joni đã chiếm đoạt 74.300 USD (99.700 đô la Singapore) từ một người đổi tiền bằng cách tráo những tờ USD giả bằng những tờ tiền mới trong khi đổi tiền.

    Tin cho biết, cả hai đã nhận tội vào sáng 7/8 và dự kiến Tòa án Singapore sẽ tuyên án hai người đàn ông này vào ngày 27/9 tới.

    Trước đó, theo tờ Pháp luật điện tử, vào chiều 21/2/2023, có hai người đàn ông người nước ngoài đến tiệm vàng THN trên đường Thủ Khoa Huân, phường Thanh Hải, TP Phan Thiết đặt vấn đề cần đổi tiền từ tiền VNĐ sang USD.

    Lợi dụng sơ hở của chủ tiệm vàng, những người này đã tráo đổi số tiền 70.000 USD của chủ tiệm vàng rồi tẩu thoát. Quá trình xác minh, cảnh sát xác định hai người này tên Malisava Joni (55 tuổi) và Akhalaia Irakli (46 tuổi, cùng quốc tịch Georgia).

    Một chuyên gia pháp lý cho biết trên tờ Pháp Luật rằng, vào ngày 6/8 vừa qua, Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Pháp luật Singapore và VKS Tối cao Việt Nam vừa đàm phán xong vòng 1 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự.

    Hai bên đã ký nháy vào Dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Singapore để trình các cấp có thẩm quyền giữa hai nước xem xét, quyết định.

    Đặc biệt là trước đây hai bên đã từng dựa trên thông lệ quốc tế “có qua, có lại” để giải quyết nhiều vụ việc hình sự, trong đó có vụ Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”.

    Hàng chục chung cư tại Hà Nội đang xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp

    RFA
    12/8/2023

    Hàng chục chung cư tại Hà Nội đang xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp

    Cư dân tòa nhà Hei Tower ở Hà Nội hôm 19/7 đã căng băng rôn biểu tình phản đối chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì, chiếm không gian chung…(HMH) 

    VNN 

    Trong 164 chung cư tại quận Hoàng Mai thành phố Hà Nội đưa vào sử dụng từ năm 2005 đến nay, có 31 toà nhà đang xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp.

    Đó là kết quả khảo sát vừa được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho truyền thông hay trong ngày 12/8.

    Kết quả khảo sát cũng nêu rõ, việc nghiệm thu, bàn giao nhà chung cư là hồ sơ pháp lý không rõ ràng, không thống nhất làm phát sinh các tranh chấp, mâu thuẫn trong việc phân định diện tích sở hữu chung, riêng và công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, gây khó khăn cho chính quyền trong việc giải quyết.

    Hơn nữa trong việc thành lập ban quản trị, xuất phát từ lợi ích của chủ đầu tư, mong muốn được nhận nhà sớm của cư dân nên nhiều dự án, chủ đầu tư và cư dân thỏa thuận bàn giao căn hộ để ở dưới hình thức cải tạo, sửa chữa. Trong khi đó, một số dự án chủ đầu tư cũng điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh quy hoạch khi chưa được phê duyệt nên chưa được chấp thuận nghiệm thu theo quy định.

    Riêng tại các quận Hà Đông, Bắc Từ Liêm, kết quả khảo sát cho thấy, cũng xảy ra các mâu thuẫn, tranh chấp tại nhiều chung cư. Cụ thể tại quận Hà Đông, đoàn khảo sát ghi nhận, tại toà nhà ở thu nhập thấp 19T1 và toà 19T4 tổ 22 Kiến Hưng, chủ đầu tư và ban quản trị đều chưa thống nhất phân định diện tích sở hữu chung riêng.

    Với toà 19T1, chủ đầu tư và ban quản trị chưa thống nhất được công tác kiểm đếm bàn giao các hạng mục như phòng cháy chữa cháy, diện tích sở hữu chung riêng.

    Về công tác bàn giao quỹ bảo trì 2%, do chủ đầu tư và ban quản trị chưa thống nhất quyết toán được số liệu kinh phí bảo trì, ký biên bản bàn giao phần diện tích sở hữu chung riêng nên chủ đầu tư mới chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho ban quản trị.

    Còn tại quận Bắc Từ Liêm, hiện có 12 tòa chung cư có tranh chấp về sở hữu, quản lý, sử dụng diện tích để xe ôtô mà chủ đầu tư giữ lại không bán.

    Trong năm 2019, Ban quản trị toà chung cư Hei Tower ở Hà Nội đã phải gửi đơn kêu cứu đến chính quyền khi hàng trăm người dân căng băng rôn biểu tình phản đối chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì và không gian chung.

    Trả lời báo chí trong nước, dân cư tòa nhà Hei Tower lúc bấy giờ cho biết đã khiếu nại nhiều lần về tranh chấp diện tích chung – riêng ở tòa nhà này, nhưng không có kết quả nên phải căng băng rôn phản đối.

    Vào năm 2018, cư dân tại toà nhà này cũng đã từng căng băng rôn đỏ rực xung quanh tòa nhà để đòi hỏi quyền lợi.


    Không có nhận xét nào