Tháng 7 năm 2020
Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh là hai nhà cách mạng Việt Nam ở đầu thế kỷ XX. Từ trước đến nay, hầu như giới nghiên cứu sử học cũng như những người quan tâm đến lịch sử đều có cùng một quan niệm là hai cụ Phan theo hai đường lối cách mạng hoàn toàn trái ngược nhau: Phan Bội Châu chủ trương đấu tranh bạo động, Phan Châu Trinh chủ trương đấu tranh ôn hoà, bất bạo động. Tuy vậy, nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng, bạn đồng chí của Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu đã có nhận xét về đường lối cách mạng của hai cụ Phan ở đầu thế kỷ vừa qua là “tương phản nhi tương thành” (trái nhau mà bổ sung cho nhau). Vậy theo thực tế thì đường lối cách mạng hai cụ Phan có thực sự “tương thành” như lời nhận xét của cụ Huỳnh hay không?
SƠ LƯỢC VỀ HAI NHÀ YÊU NƯỚC PHAN BỘI CHÂU VÀ PHAN CHÂU TRINH
Hoàn cảnh lịch sử
Năm 1858, quân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu công cuộc xâm lược Việt Nam. Thất bại ở chiến trường Đà Nẵng, Pháp phải từ bỏ kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” và chuyển hướng vào đánh chiếm Gia Định đầu năm 1859 với kế hoạch xâm lược lâu dài. Năm 1861, Pháp chiếm 3 tỉnh Đông Nam Kỳ và đến năm 1867 chiếm nốt 3 tỉnh Tây Nam Kỳ. Sau khi đã đứng chân vững chắc ở vùng đất Nam Kỳ, thực dân Pháp lần lượt đem quân đánh Bắc Kỳ (1873, 1882), rồi Trung Kỳ (1883).
Trải qua gần 30 năm kháng cự trong thế yếu trước nạn xâm lược (1858 – 1883), triều Nguyễn đã phải nhiều lần nhân nhượng thực dân Pháp: ký Hoà ước nhường 3 tỉnh Đông Nam Kỳ vào năm 1862, 3 tỉnh Tây Nam Kỳ vào năm 1874. Đến năm 1883, triều đình nhà Nguyễn thực sự đuối sức, buông vũ khí đầu hàng thực dân Pháp bằng hoà ước Hác-măng. Nước Việt Nam hoàn toàn mất chủ quyền độc lập.
Nhưng phe chủ chiến trong triều đình đứng đầu là vua Hàm Nghi và các quan đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật… vẫn chủ trương tiếp tục chống Pháp, đã phát động phong trào Cần Vương bắt đầu từ năm 1885, diễn ra rầm rộ khắp các tỉnh miền Trung, Bắc và kéo dài đến năm 1895 mới thực sự chấm dứt sau cuộc khởi nghĩa Hương Khê thất bại của Phan Đình Phùng. Sau đó, còn lẻ tẻ vài cuộc khởi nghĩa riêng lẻ như Võ Trứ ở Phú Yên, Hoàng Hoa Thám ở Bắc Giang…nhưng rồi cũng bị thực dân Pháp đàn áp. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc dưới ngọn cờ quân chủ chấm dứt.
Sau khi tiêu diệt phong trào Cần Vương, thực dân Pháp đã có điều kiện thuận lợi để xây dựng và áp đặt bộ máy thống trị lên toàn bộ đất nước ta, tiến hành các cuộc khai thác thuộc địa, vơ vét bóc lột kinh tế. Và tuy nắm toàn bộ quyền hành cai trị Việt Nam, thực dân Pháp vẫn duy trì bộ máy vua quan phong kiến Nam triều ở Trung và Bắc Kỳ để làm tay sai cho chúng.
Trong bối cảnh lịch sử đầy biến động đó, đã ra đời hai nhân vật mà về sau trở thành những lãnh tụ cách mạng lớn ở đầu thế kỷ XX, đó là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.
1.2. Thân thế và đường lối đấu tranh
Phan Bội Châu (1867 – 1940)
Phan Bội Châu (PBC), trước tên là Phan Văn San, hiệu là Sào Nam, sinh năm 1867, quê ở làng Đan Nhiệm (nay là xã Xuân Hoà), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhà nho nghèo.
Nghệ Tĩnh là một vùng đất nghèo khó, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng có tinh thần đấu tranh kiên cường chống ngoại xâm với những tên tuổi thời kỳ cận đại như Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn, Cao Thắng… và đây là nơi chấm dứt cuối cùng phong trào Cần Vương với sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo.
Sinh ra ở vùng đất sôi sục phong trào đấu tranh chống Pháp, nên PBC là người sớm có lòng yêu nước. Năm PBC 17 tuổi, vào lúc phong trào Cần Vương phát động, ông đã viết bài hịch “Bình Tây thu bắc” và cùng các bạn học tổ chức đội thiếu sinh quân để hưởng ứng công cuộc chống Pháp.
Trước sự đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp, phong trào Cần Vương ở bị tổn thất nặng nề. Đội thiếu sinh quân của PBC thành lập được mấy ngày thì phải giải tán. Trải qua thực tiễn, PBC nhận thấy rằng mình chưa có danh vọng gì thì khó mà quy tụ được nhân tâm để mưu tính công cuộc cứu nước, nên đành trở về nhà ẩn nhẫn đèn sách chờ thời.
Năm 1900, PBC thi đỗ Giải nguyên (cử nhân thủ khoa) ở trường thi Hương xứ Nghệ và bắt đầu dấn thân vào con đường cứu nước. Năm 1904, ông thành lập Duy Tân hội, đưa một vị hoàng thân là Kỳ Ngoại hầu Cường Để lên làm minh chủ, chủ trương đấu tranh bạo động vũ trang giành độc lập dân tộc. Năm 1905, Phan Bội Châu sang Nhật Bản với ý định cầu viện nước này giúp đỡ cho vật chất, khí giới để chống Pháp vì quan niệm hai nước Việt – Nhật cùng là nguồn gốc châu Á “đồng văn, đồng chủng”. Nhưng dự định này không thành, Phan đã vận động thanh thiếu niên Việt Nam sang Nhật học tập, tạo thành một phong trào Đông Du sôi nổi từ năm 1905 đến năm 1908.
Cuối năm 1908, thực dân Pháp nhân nhượng cho Nhật một số quyền lợi về kinh tế, nên chính phủ Nhật Bản đã theo lời yêu cầu của Pháp trục xuất du học sinh Việt Nam. PBC phải chuyển sang hoạt động cách mạng ở Xiêm, Trung Quốc. Năm 1912, ông thành lập tổ chức Việt Nam Quang phục hội, tiếp tục chủ trương đấu tranh bạo động vũ trang.
Năm 1925, ông bị Pháp bắt ở Trung Quốc và giải về nước. Thực dân Pháp đem ông ra toà án xét xử và khép vào tội tử hình. Trước áp lực đấu tranh của nhân dân, toà án thực dân buộc phải tuyên bố tha bổng, nhưng sau đó chính quyền thuộc địa đã đưa ông về quản thúc ở kinh đô Huế. PBC đã qua đời tại đây năm 1940.
Phan Châu Trinh (1872 – 1926)
Phan Châu Trinh (PCT), tự là Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh năm 1872, tại làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn 5, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) trong một gia đình nông dân khá giả. Cha ông là Phan Văn Bình, một võ quan cấp thấp của triều đình, giữ chức Phó quản cơ ở sơn phòng Dương Yên (nay thuộc huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Quảng Nam là một vùng đất mới, được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt từ thế kỷ XV. Quảng Nam có đô thị Hội An, một thương cảng quan trọng của Đại Việt từ thời chúa Nguyễn, nên những yếu tố, tư tưởng mới dễ dàng du nhập vào vùng đất này.
Năm 1885, ông Phan Văn Bình tham gia phong trào Cần Vương tại tỉnh nhà, giữ chức Chuyển vận sứ, phụ trách việc vận chuyển lương thực từ đồng bằng lên chiến khu cho nghĩa quân. Để tránh sự càn quét của quân Pháp, gia đình PCT đã tản cư lên chiến khu ở cùng với người cha.
Ở chiến khu hơn hai năm, ông được người cha cho rèn luyện võ nghệ, cung kiếm để chuẩn bị tham gia phong trào chống Pháp. Năm 1887, người cha bị sát hại, gia đình PCT trở về quê sinh sống và ông được đi học lại. Năm 1900, PCT đỗ cử nhân ở trường thi Hương Thừa Thiên và năm 1901, ông thi Hội tại kinh đô Huế, đỗ Phó bảng.
Năm 1903, ông được đọc Tân thư (sách mới)(1) ở nhà các trí thức khoa bảng, học giả nổi tiếng ở kinh đô lúc bấy giờ như Thân Trọng Huề, Đào Nguyên Phổ… Nhờ Tân thư, PCT đã tiếp nhận hệ tư tưởng dân chủ thay cho hệ tư tưởng quân chủ ngày trước. Ông nhận thức được con đường cứu nước mới dân chủ tư sản thay cho con đường đấu tranh theo kiểu quân chủ Cần Vương trước đây.
Năm 1905, PCT từ quan, trở về Quảng Nam cùng các đồng chí như Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Lê Bá Trinh… phát động phong trào Duy Tân với chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mục đích làm cho dân giàu, nước mạnh để tiến tới đấu tranh giành độc lập cho đất nước. PCT cùng Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc tổ chức chuyến Nam du để vận động duy tân ở các tỉnh Nam Trung Bộ. Tại kỳ khảo khóa ở tỉnh Bình Định, ba ông đã lấy tên giả là Đào Mộng Giác để ứng thí. Phan Châu Trinh làm bài thơ “Chí thành thông thánh” nhằm thức tỉnh sĩ phu còn mãi mê khoa cử đứng lên chống Pháp.
Năm 1908, xảy ra cuộc kháng thuế Trung Kỳ, thực dân Pháp nhân dịp đó bắt bớ tử hình, tù đày các sĩ phu yêu nước. PCT bị kết án lưu đày Côn Đảo. Nhờ sự can thiệp của Hội Nhân quyền Pháp, chính quyền thực dân đã phóng thích ông sau 3 năm tù đày. Năm 1911, ông xin sang Pháp để tiếp tục đấu tranh chính trị ôn hoà.
Năm 1925, PCT về Sài Gòn, tổ chức diễn thuyết về dân sinh, dân chủ, tiếp tục con đường đấu tranh công khai, bất bạo động. Năm 1926, ông qua đời. Đám tang của ông trở thành một cuộc tổng biểu dương lực lượng của các tầng lớp nhân dân khắp cả nước.
TƯƠNG PHẢN NHI TƯƠNG THÀNH
2.1. Gặp gỡ giữa hai nhà yêu nước
Trong quá trình hoạt động cách mạng, PBC và PCT đã có 3 lần gặp gỡ nhau để đàm đạo việc nước.
Lần thứ nhất là cuộc gặp gỡ tại kinh đô Huế vào năm 1903. Lúc bấy giờ, sau khi đỗ Giải nguyên trường Nghệ, PBC xin vào học tập ở trường Quốc Tử Giám để chờ dự khoa thi Hội năm Giáp Thìn (1904), nhưng mục đích là tìm bạn đồng chí để hoạt động cách mạng. Tại kinh đô, PBC và PCT đã có cuộc gặp gỡ, đàm đạo với nhau. Buổi đầu gặp nhau giữa hai nhà chí sĩ được Huỳnh Thúc Kháng ghi lại trong tác phẩm Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử: “ Ông Phan Bội Châu hiệu Sào Nam, người Nghệ An, là một người chí sĩ ái quốc như tiên sinh, độ đó cũng vào ở Huế, mượn tiếng học trường Giám đi thi Hội để tìm người đồng chí, có làm quyển “Lưu Cầu huyết lệ tân thư”, mượn tiếng Lưu Cầu để nói việc nước mình và tỏ ý kiến cho người trong nước.
Tiên sinh đã nghe tiếng ông Sào Nam, lại thấy sách ấy, cho là người hào kiệt nóng lòng việc nước, mà kiến thức thì chưa thoát vòng khuyên sáo cũ. Dịp đó rồi hai người gặp nhau, nghị luận tuy có chỗ không hiệp nhau, nhưng mà vẫn phục nhau, có cùng nhau bàn việc phế khoa cử, lập hội thương trường học….”(2) Như vậy, có thể thấy hai nhà chí sĩ họ Phan đều có chung mục đích cứu nước, nhưng biện pháp tiến hành có phần khác nhau: PBC nôn nóng bạo động, còn PCT nhận thấy thời thế chưa phù hợp nên chưa thể bạo động, vì vậy về phương pháp đấu tranh, hai nhà chí sĩ họ Phan không đồng quan điểm với nhau. Tuy vậy, buổi đầu giữa hai nhà chí sĩ đã có sự hợp tác với nhau ở một số việc nhất định như bàn bạc phế bỏ khoa cử Hán học, lập hội thương, trường học… mặc dầu những việc đó chưa đem lại kết quả, nhưng đã chứng tỏ tinh thần hợp tác và quý trọng nhau vì tấm lòng yêu nước của hai nhà chí sĩ họ Phan.
Lần thứ hai là cuộc gặp gỡ vào năm 1904 ở nhà Huỳnh Thúc Kháng tại làng Thạnh Bình, nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Trong tác phẩm Tự Phán, PBC có chép lại cuộc gặp gỡ này: “ Ngày tháng 7 năm ấy, tôi mượn tiếng là đi mừng bảng Hội, bắt đầu ở nhà Tiểu La, thăm nhà cụ Hoàng Thạnh Bình (cụ Huỳnh Thúc Kháng), vừa đụng cụ Tây Hồ, cụ Trần Thai Xuyên, thảy đều ở đó, nói chuyện suốt đêm rất vui. Tôi lấy ý sắp sửa ra đi ngỏ với các ngài, các ngài dòm nhau cười mỉm, chúc tôi thành công”(3). Năm 1904, vào thượng tuần tháng tư tại nhà Tiểu La Nguyễn Thành, PBC đã cùng các đồng chí thành lập tổ chức Duy Tân hội, sau đó chuẩn bị kế hoạch sang Nhật tìm viện trợ để tiến hành đấu tranh bạo động vũ trang chống Pháp. Trước khi lên đường, PBC đã tìm đến nhà Huỳnh Thúc Kháng với cớ chúc mừng cụ Huỳnh vừa đỗ tiến sĩ trong khoa thi Hội năm này, nhưng mục đích là bí mật thông báo cho các chí sĩ xứ Quảng biết về việc thành lập Duy Tân hội và kế hoạch xuất dương của mình.
Qua chi tiết trong hồi ký, như “nói chuyện suốt đêm rất vui” chứng tỏ giữa các nhà chí sĩ Quảng Nam và PBC không hề xảy ra tranh luận gay gắt do bất đồng ý kiến, mà ngược lại là sự tâm đầu ý hợp, và động thái “dòm nhau cười mỉm, chúc tôi thành công” chứng tỏ một sự đồng cảm với nhau về công cuộc cứu nước.
Lần thứ ba là cuộc gặp gỡ ở Nhật Bản năm 1906. Đầu năm 1905, PCT từ chức Thừa biện Bộ Lễ, cùng với hai người bạn thân là Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng tổ chức cuộc “Nam du” vào các tỉnh Nam Trung Bộ để vận động duy tân. Khi trở về Quảng Nam, nghe tin PBC đã sang Nhật, PCT liền bí mật đi Nhật để gặp ông: “…tiên sinh trở về ra đến Phú Yên, được tin ông Sào Nam sang Nhật Bản, tiên sinh liền về Quảng Nam…bàn việc đi Bắc. Tiên sinh được những sách của ông Sào Nam ở Đông gửi về, vẫn lấy làm phục, mà cũng có chỗ không bằng lòng, muốn sang Nhật cho giáp mặt ông mà thương xác một đôi chỗ”(4). PBC sang Nhật vận động chính phủ nước này giúp đỡ khí tài, vật chất để đánh Pháp, đồng thời viết sách cổ động nhân dân trong nước nổi dậy đấu tranh bạo động chống chính quyền thực dân. PCT nhận thấy PBC nôn nóng bạo động, chưa phù hợp với hoàn cảnh thực tế của nước ta lúc bấy giờ, nên đã vội vã sang Nhật để trao đổi.
Có thể nói cuộc gặp lần thứ ba này là cuộc gặp cuối cùng và đỉnh cao của hai nhà cách mạng. PBC đã kể lại trong Tự Phán cuộc gặp gỡ này: “Hạ tuần tháng hai, cụ Tây Hồ tới Hương Cảng…tôi đem bài Khuyến Du Học cho cụ xem, cụ khen hay. Đến xem tới Duy Tân hội chương trình, cụ lặng thinh, không trả lời…Hồi tôi lên Đông Kinh, cụ Tây Hồ cũng đi với tôi, thăm quan khắp các học đường, vào khảo sát khắp những công việc chính trị, giáo dục của Nhật Bản, cụ bảo tôi rằng: “Trình độ dân Nhật Bản như thế, mà trình độ dân ta như thế, không nô lệ làm sao được! Được bấy nhiêu học sinh vào nhà học Nhật Bản là sự nghiệp rất lớn của ông. Từ nay nên lưu đông yên nghĩ, chăm việc làm sách, bất tất nói bài Pháp làm gì. Chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được.
Từ đó luôn 10 ngày hơn, tôi với cụ bàn bạc, ý kiến rất trái nhau: cụ thì muốn đánh đổ quân chủ, mà cốt vun trồng lấy nền tảng dân quyền, hãy dựa vào Pháp mà đánh đổ quân chủ. Còn ý tôi thì trước muốn đánh đổ người Pháp, chờ lúc nước nhà độc lập rồi mới bàn đến việc khác. Đương lúc đánh với Pháp phải lợi dụng quân chủ.
Chính kiến của hai người rất phản đối nhau: Cụ với tôi vẫn đồng một mục đích, mà thủ đoạn thì khác nhau…Tuy nhiên chính kiến vẫn trái nhau, mà ý kiến ưa nhau….
Tôi đưa cụ Tây Hồ về Hương Cảng. Lần ấy là tiễn biệt lúc cuối tháng, cụ có nói với tôi rằng: “Ông hết sức trân trọng. Quốc dân hy vọng chỉ nơi mình ông…”. Tôi kính vâng lời đinh ninh tái hội và cậy nói với các ngài như cụ Thạnh Bình, Thai Xuyên, Tập Xuyên hết sức mở dân trí, kiết tập đoàn thể, sẽ làm hậu thuẫn”(5).
Đoạn hồi ký của PBC cho thấy rằng cuộc gặp gỡ năm 1906 giữa ông và PCT là để trao đổi với nhau về chủ trương cứu nước. Qua đó thấy có sự khác nhau là PBC đặt mục tiêu bạo động chống Pháp trước hết, còn PCT thì khuyên nên cải cách dân chủ rồi mới tính đến việc khác, ý ông là chưa vội bạo động non mà phải có bước chuẩn bị điều kiện, thực lực đầy đủ.
Và trong lần gặp gỡ này, hai ông đã có sự phân công nhiệm vụ. Điều này PBC đã viết trong bài “Cụ Tây Hồ”, sau ngày PCT qua đời: “Tôi còn nhớ khi ông sang Nhật tìm tôi, gặp nhau ở Bính Ngọ Hiên tại Hoành Tân, ông bảo tôi rằng: “Cả nước ngủ mê, tiếng thở như sấm, mà Bác đứng ngoài muôn dặm, kêu gào hò hét, có được công hiệu là bao nhiêu, tất phải có người ở trong gõ trán xách tai người ta mà đánh thực dậy, thì hoạ chăng lòng người mới không đến nỗi chết hết. Nay tôi về trong nước đóng vai Mã Chí Nê, còn Bác ở ngoài làm Gia Lý Ba Đích, chia ra làm hai đường mà đều đi tới, chúng ta lấy cái chết thề cùng nhau cho có thuỷ có chung”. Ông nói xong, tôi kính cẩn vâng lời”(6). Mã Chí Nê hoặc Mã Chí Ni (Mazzini) và Gia Lý Ba Đích (Garibaldi) cùng với Cavour là ba nhà cách mạng kiệt xuất cận đại nước Ý. Học giả Lương Khải Siêu đã viết về chân dung ba nhà cách mạng này qua cuốn Ý Đại Lợi kiến quốc tam kiệt truyện. Tác phẩm này PBC đã được đọc năm 1905, khi sang Nhật và được gặp Lương Khải Siêu cho xem khi còn ở dạng bản thảo; năm sau, Phan Châu Trinh qua Nhật cũng được đọc tác phẩm này: “…Phan Châu Trinh đã được đọc Ý Đại Lợi kiến quốc tam kiệt truyện và cũng như Phan Bội Châu đều “sùng bái” Mã Chí Ni, cùng chia sẽ nhận thức “giáo dục và bạo động đồng thời tịnh hành”(7). Hai nhà cách mạng họ Phan đã phân chia nhau nhiệm vụ: PCT làm Mã Chí Nê về nước vận động duy tân, PBC ở nước ngoài làm Gia Lý Ba Đích chuẩn bị quân đội, vũ khí chờ thời cơ để cùng phối hợp tiến tới giải phóng đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà PCT đã có thêm biệt hiệu Hy Mã sau khi từ Nhật Bản trở về. Hy Mã tức hy vọng trở thành Mã Chí Nê. Vậy ông tự xem mình là Mã Chí Nê thì tất nhiên Gia Lý Ba Đích phải là PBC. Và con đường đấu tranh của họ tất nhiên là “giáo dục và bạo động đồng thời tịnh hành”.
Vì vậy, hai đường lối bạo động và duy tân chỉ là hai mặt của một con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Sự khác nhau về hình thức chỉ là tiểu dị, mà sự giống nhau về mục đích là đại đồng.
2.2. Sự phê phán chủ trương bạo động của Phan Bội Châu trong trước tác của Phan Châu Trinh
Thực tiễn diễn ra giữa PBC và PCT đã được ghi chép chính xác qua ngòi bút trung thực của hai nhà cách mạng đồng thời là hai nhà Hán học uyên thâm là PBC với tác phẩm Tự Phán, Huỳnh Thúc Kháng với tác phẩm Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử, Thu tù tùng thoại và đó là sự thật lịch sử. Nhưng lâu nay, chúng ta có phần nhầm lẫn, cho rằng đường lối đấu tranh của hai cụ hoàn toàn xung khắc nhau vì dựa vào những tài liệu do chính cụ PCT viết về PBC như Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam hoặc là đoạn tường thuật cuộc đối đáp giữa PCT với viên Thống đốc Nam Kỳ được ghi lại trong tác phẩm Thi tù tùng thoại của Huỳnh Thúc Kháng.
Thứ nhất là cuộc đối thoại giữa PCT và viên Thống đốc Nam Kỳ được Huỳnh Thúc Kháng ghi lại trong tác phẩm Thi Tù Tùng Thoại: “ Một bữa nọ (quên ngày tháng) quan Thống soái Sài Gòn ra ngoài đảo cùng quan chánh tham biện. Theo thơ cụ Tây Hồ gởi cho tôi thuật những lời vấn đáp như dưới:
Quan Thống soái hỏi:
-Ông còn có tư tưởng phản đối nước Pháp nữa không?
Cụ trả lời:
-Bản tâm không có tư tưởng đó. Tôi phản đối cái chánh sách ngược đãi người Việt Nam chúng tôi chứ không phản đối nước Pháp.
-Có quen biết Phan Bội Châu không?
-Chính anh em bạn.
-Vậy thì anh cũng là đảng bài Pháp chứ gì?
-Phan Bội Châu hiệu Sào Nam là một tay hào kiệt ái quốc của nước Nam, trong nước không ai không biết tiếng. Ngày tôi ở kinh đô Huế, thường qua lại luôn, đến nghị luận việc nước thì ý kiến giữa tôi với Sào quân, hai bên không đồng mà lại trái hẳn nhau.
-Trái nhau thế nào?
-Phan quân nhận hẳn rằng người Pháp quyết không có thiệt lòng khai hoá cho người Nam, nên nói việc khai hoá, trước phải tìm cách đánh đổ chính phủ Pháp, mà muốn đánh đổ chính phủ Pháp, không nhờ cậy thế lực một nước mạnh ngoài thì tự người Nam không làm gì được. Hiện nay nước mạnh duy Nhật Bản là nước đồng văn đồng chủng nên cầu viện với Nhật Bản…
Tôi bác cái thuyết của Sào quân đi, lấy lẽ rằng người nước Nam chui núp dưới chánh thể chuyên chế đã trên ngàn năm, chưa có tư cách quốc dân độc lập, dầu có nhờ cậy sức nước ngoài, chỉ diễn cái trò “đổi chủ mà làm đầy tớ lần thứ hai”, không có ích gì….
Sào quân không nghe, cũng không nhận là phải, phủi áo ra đi, làm theo ý kiến mình.
-Vậy thì ông sang Nhật Bản là ý gì?
-Chính kiến của tôi trái với chính kiến của Sào quân. Sào quân sang Nhật có chỗ đứng chân, bèn phát biểu chính kiến của mình, làm sách, làm báo gởi về trong nước,…., được sách cổ động của Sào quân cổ xuý,…, cả nước đều hưởng ứng,…..Bất đắc dĩ tôi mới băng mình vượt biển thẳng sang Nhật Bản, thuật rõ cảnh tượng phù tháo và cảnh tượng trong nước cho Sào quân nghe, khuyên Sào quân chăm lo đào tạo bọn thiếu niên du học mà gác tư tưởng hành vi “bạo động”, đợi thời hội khác….rút cuộc Sào quân không nghe, tôi bèn từ về….”(8)
Qua đoạn trích trên, có thể thấy rằng những hoạt động của PBC và PCT thực dân Pháp đều nắm rõ, vì vậy PCT đã chơi “bài ngửa”, không dấu giếm chuyện mình có quan hệ thân tình với PBC, nhưng đồng thời ông cũng rất khôn khéo chứng tỏ rằng chủ trương, đường lối hoạt động của mình hoàn toàn khác hẳn PBC.
Thứ hai là tác phẩm Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam (Nước Việt Nam mới sau khi liên hiệp với Pháp), nội dung PCT viết nhằm minh oan cho thân sĩ tham gia phong trào kháng thuế Trung Kỳ năm 1908, lên án bọn quan lại Nam triều tham tàn; đồng thời tác giả cũng nêu lên hai quan điểm bạo động và bất bạo động xuất phát từ hoàn cảnh xã hội, trong đó PCT phê phán quan điểm bạo động của PBC. Phần tác giả viết về PBC khá dài, chiếm hẳn một chương III, gồm 27 trang(9). Xin trích một số đoạn quan trọng: “Phan Bội Châu trước hết chủ trương “bạo động” (tr.279), “Gặp Phan Bội Châu, tôi biết ngay là người không đủ học thức, ông có chí khí nhưng sự tự tin rất bền bỉ, mạnh mẽ…Trong nước sĩ phu đều sung bái; nếu hiệp lực cùng ông (trong nước) kêu gọi quốc dân đứng dậy thì việc chắc sẽ thành công. Nếu để ông ra nước ngoài thì ông sẽ phá chủ nghĩa của tôi. Cho nên tôi hết sức liên kết với ông. Phan Bội Châu cũng biết cái chủ nghĩa của ông ôm ấp cũng sẽ bị tôi phá, nên cũng cố hiểu dụ tôi. Hai người giao thiệp với nhau từ đó. Sau đó, tôi không sợ nghi ngờ, không từ gian hiểm để ra nước ngoài…Trước giao với nhau là bạn, rồi sau thành thù địch!”((tr.280), “Phan Bội Châu là người rất giàu chí khí, nhiều nghị lực, chịu nhẫn nhục, dám làm việc lớn, đã tin chắc vào một điều gì thì không bao giờ từ bỏ, dù búa rìu sấm sét cũng không thay đổi. Ông chủ trì phương thức bạo động đã nhiều lần bị Trinh này bẻ gãy nên không cùng Trinh giao du” (tr.285), “Cái lý chấp của Phan Bội Châu là triệt để phục thù, chủ nghĩa rất là lầm lạc và ngang ngạnh mưu hãm quốc dân vào chỗ chết, không thích hợp với thời thế, không căn bản lý luận, không nghị luận cho rạch ròi…”(tr.286) v.v…
Qua đoạn viết đó, PCT muốn chứng tỏ cho người Pháp thấy giữa ông và PBC hoàn toàn đối lập về chủ trương, đường lối hoạt động. Có thể nói đây cũng là lối lập luận nguỵ trang, chứng minh mình không “dính dáng” đến PBC để thuận lợi cho việc hoạt động công khai của PCT lúc bấy giờ. Tác phẩm này PCT viết để gửi cho chính phủ Pháp, thuộc dạng tác phẩm lai cảo, chỉ được in ra sau ngày PCT qua đời. Như vậy, PCT phê bình đường lối đấu tranh bạo động là để biện minh với thực dân Pháp, chứ không nhằm mục đích đả kích PBC. Vì bản chất PCT không hề phủ nhận đấu tranh bạo động, như trong bài thơ Chí thành thông thánh, ông đã không ngần ngại bộc lộ chính kiến của mình: Trường thủ bách niên cam thoá mạ/Bất tri hà nhật xuất lao lung (Nếu mãi mãi cam chịu cảnh nhục nhã/Thì biết ngày nào mới ra khỏi chốn củi lồng?). Hình ảnh “tháo củi sổ lồng” chính là đứng lên đấu tranh giành độc lập cho đất nước. Giáo sư Huỳnh Lý đã nhận xét: “Đọc hết thơ văn của Phan Châu Trinh đủ thấy rằng Phan không tỏ ý gì tuyệt đối cấm bạo động cả. Ngay cái nhan đề bài báo “Hiện trạng vấn đề” cũng ngụ ý rằng ông chỉ nói về tình hình hiện tại mà thôi. Ông sợ bạo động non, bạo động khi chưa đủ sức thì chỉ làm hao tổn sinh mạng, tiêu hao lực lượng, nhụt khí nhuệ mà thôi”(10).
KẾT LUẬN
PBC và PCT là hai nhà yêu nước lớn đầu thế kỷ XX. PBC chủ trương đấu tranh bạo động vũ trang, PCT chủ trương duy tân cải cách. Nhìn bề ngoài, hậu thế cứ ngỡ rằng đường lối cứu nước của hai nhà yêu nước họ Phan mâu thuẫn, đối kháng với nhau, nhưng qua những văn bản tư liệu gốc được ghi chép trung thực của PBC, Huỳnh Thúc Kháng….có thể nhận thấy đường lối cứu nước của hai cụ Phan được song song tiến hành, bổ sung cho nhau để cùng thực hiện mục đích là tiến tới giành độc lập dân tộc. Vì vậy lời nhận xét “tương phản nhi tương thành” của Huỳnh Thúc Kháng – một đồng chí của PCT và PBC, một yếu nhân trong phong trào duy tân đầu thế kỷ XX – là hoàn toàn chính xác về đường lối cứu nước của hai nhà chí sĩ họ Phan ở đầu thế kỷ vừa qua.
Chú thích:
Tân thư (sách mới): là những sách chính trị, lịch sử của phương Tây được dịch ra chữ Hán như: Trung đông chiến kỷ, Phổ – Pháp chiến kỷ, Doanh hoàn chí lược, Âu Châu thập nhất quốc du ký, Vạn quốc sử cương mục… hoặc sách do các học giả Trung Quốc, Nhật Bản biên soạn như: Mậu Tuất chính biến, Trung Quốc hồn, Ẩm băng thất, Nhật Bản tam thập niên duy tân sử… ngoài ra sách của các nhà triết học, tư tưởng tiến bộ của Pháp ở thế kỷ XVIII như Jean-Jacques Rousseau, Voltaire, Montesquieu … cũng được dịch sang Hán văn như: Vạn pháp tinh lý, Dân ước luận….
Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử, Anh Minh xuất bản, Huế, 1959, tr.17.
Phan Bội Châu, Tự Phán, NXB Văn hoá Thông tin, 2000, tr. 46-47.
Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử, Anh Minh xuất bản, Huế, 1959, tr.18-19.
Phan Bội Châu, Tự Phán, NXB Văn hoá Thông tin, 2000, tr. 80-81, 83-84.
Phan Bội Châu, “Cụ Tây Hồ”, Tân dân đặc san, ngày 24-3-1949, Hà Nội (trích dẫn theo Chương Thâu, Phan Châu Trinh về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo Dục, 2007, tr.63-64).
Trần Viết Ngạc, “Theo dấu Hy Mã”, Tạp chí Xưa và Nay, số 486, tháng 6-2017, tr.14.
Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại, NXB Nam Cường, Sài Gòn, 1959, tr. 104-106.
Phan Châu Trinh, Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam (Nước Việt Nam mới sau khi liên hiệp với Pháp), in trong Nguyễn Q. Thắng, Phan Châu Trinh – Cuộc đời và tác phẩm, NXB Văn Học, Hà Nội, 2006, tr. 277-304.
Huỳnh Lý, Bài đọc sách Thơ văn Phan Châu Trinh, in trong Mấy vấn đề học thuật Việt Nam, NXB Văn Học, Hà Nội, 1994 (Dẫn theo Nguyễn Q. Thắng, Phan Châu Trinh – Cuộc đời và tác phẩm, NXB Văn Học, Hà Nội, 2006, tr. 157).
Không có nhận xét nào