Header Ads

  • Breaking News

    Đập Trung Quốc trên sông Mekong làm tồi tệ kinh tế Đông Nam Á giữa mùa hạn

    VOA News 

    05/8/2023


    Đập Đại Triều Sơn tại Đại Triều Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.


    Đập Đại Triều Sơn tại Đại Triều Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. 

    Hạn hán nghiêm trọng cùng với các con đập Trung Quốc chặn sông Mekong trong lúc Bắc Kinh chuyển sang đáp ứng nhu cầu năng lượng có nghĩa là một trong những con sông hùng vĩ nhất thế giới có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng vào mùa hè này.

    Điều này sẽ trực tiếp tạo ra tình trạng mất an ninh lương thực với năng suất cây trồng thấp hơn do các vấn đề về thủy lợi và giảm lượng phù sa giàu dinh dưỡng do sông Mekong mang lại.

    Một cách gián tiếp, lưu lượng nước giảm sẽ tác động đến nền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á ở hạ nguồn. Theo các chuyên gia, việc mất lương thực có nguồn gốc từ sông Mekong sẽ đẩy giá cả lên cao và gây ra nạn đói gia tăng, làm giảm năng suất của người lao động.

    Ông Brian Eyler, thành viên cao cấp và giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson, người đã phát biểu sau một sự kiện gần đây ở Washington về sông Mekong, cho biết: “Các chỉ số khí hậu cho thấy có một đợt hạn hán nghiêm trọng đang phát triển ở sông Mekong.”

    Sông Mekong là con sông xuyên biên giới lớn thứ ba của châu Á, trải dài gần 5.000 km từ Trung Quốc qua sáu quốc gia, là nguồn cung cấp thực phẩm chính hoặc phụ cho hàng triệu người.

    Theo các chuyên gia tại Trung tâm Stimson, những người đã trình bày đánh giá về tình trạng sông Mekong vào tháng trước, mô hình thời tiết El Nino phát triển vào mùa hè này dự kiến sẽ làm giảm lượng mưa, gây hạn hán nghiêm trọng và làm giảm đáng kể mực nước trên sông Mekong.

    Tình hình dự kiến sẽ trở nên trầm trọng hơn do cách Trung Quốc sử dụng 11 con đập của họ ở thượng nguồn sông Mekong.

    Trung Quốc “hút nước từ con sông vào mùa mưa và sau đó xả nước trở lại vào mùa khô để sản xuất thủy điện,” ông Eyler nói. “Điều đó làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán đang diễn ra hiện nay.”

    Ông nói thêm rằng Trung Quốc “cần phải thừa nhận rằng dòng chảy mùa mưa cần phải dồi dào và cho đến nay, Trung Quốc phủ nhận điều này.”

    Trung Quốc đã lặp lại mô hình này trong nhiều năm. Ông Eyler cho biết vào năm 2020, các đập của Trung Quốc đã rút “nhiều nước” nhất có thể và giữ lại 10% lượng nước từ sông Mekong, làm giảm dòng chảy của sông ở hạ lưu trong mùa mưa.

    Phát ngôn viên Tòa đại sứ Trung Quốc Liu Pengyu tại Washington ngày 3/8 nói với Ban tiếng Hàn của VOA rằng không có thông tin cụ thể để chia sẻ về tình hình trong mùa hè này. Tuy nhiên, ông đã đề cập rằng trong quá khứ, “cộng đồng khoa học quốc tế và Ủy hội sông Mekong [MRC] đã đưa ra đánh giá công bằng về vai trò của các con đập ở thượng nguồn sông Lancang.”

    Trung Quốc gọi sông Mekong là Lancang.

    Ông Pengyu nói: “MRC thừa nhận trong báo cáo của mình rằng các hồ chứa bậc thang trên sông Lancang trữ nước trong mùa lũ để sử dụng sau này trong mùa khô, giúp duy trì dòng chảy ổn định của sông Mekong.” Ông nói thêm rằng Bắc Kinh đã cung cấp “thông tin thủy văn quanh năm” trên sông và “đóng góp vào việc chia sẻ tài nguyên nước”.

    MRC, một tổ chức liên chính phủ thúc đẩy sự hợp tác giữa Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam để quản lý các nguồn nước dọc theo sông Mekong, đã mời Trung Quốc tham gia ủy ban, theo ông Anoulak Kittikhoun, Giám đốc MCR.

    “Chúng tôi đã mở cửa cho Trung Quốc và Myanmar tham gia [ủy ban] từ lâu,” nhưng “họ vẫn không muốn tham gia,” ông Kittikhoun nói. “Họ nói rằng họ đã tăng cường hợp tác.”

    Ông Kittikhoun cho biết hai nước đã là đối tác đối thoại từ năm 1996 và đã tham gia vào các cuộc thảo luận, nghiên cứu chung, hội thảo kỹ thuật và trao đổi nhân sự “nhằm tăng cường hiểu biết giữa các nước thượng nguồn và hạ nguồn”.

    Tuy nhiên, ông nói thêm, “Hầu hết các quốc gia thượng nguồn có xu hướng có quan điểm khác với các quốc gia hạ nguồn về quản lý sông. … Nếu chúng ta nói về nghĩa vụ hoặc luật pháp, thì đó là một khía cạnh khác.”

    Hai con đập lớn nhất của Trung Quốc, Tiểu Loan và Nọa Trát Độ, đều ở phía tây nam tỉnh Vân Nam, chứa nhiều nước hơn 53 con đập được theo dõi bởi nhóm Quan sát Đập Mekong do ông Eyler đồng lãnh đạo. Có 430 đập dọc theo toàn bộ sông Mekong, 11 trong số đó ở Trung Quốc.

    Dòng sông mở rộng và chảy xiết khi có nhiều mưa trong mùa mưa, từ tháng 6 đến tháng 11 nhưng thu hẹp lại trong mùa khô từ tháng 12 đến tháng 5.

    Khi hạn hán xảy ra, các con đập của Trung Quốc chặn dòng sông càng làm trầm trọng thêm tình trạng ở hạ lưu, tạo ra tình trạng mất an ninh lương thực cho gần 60 triệu người ở các quốc gia như Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam vốn dựa vào dòng sông này để sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp.

    Campuchia phụ thuộc rất nhiều vào nghề cá ở lưu vực hạ lưu sông Mekong để cung cấp protein và Việt Nam sản xuất khoảng 50% lượng gạo của đất nước bằng cách sử dụng nước từ đồng bằng sông Cửu Long.

    Giá gạo Thái Lan và Việt Nam tăng vọt trong tháng 7 do hạn hán và nhu cầu gạo toàn cầu tăng. Thái Lan và Việt Nam là những nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới sau Ấn Độ.

    Ông Eyler nói: “Nếu có khủng hoảng an ninh lương thực, thì ngành công nghiệp cũng như lao động sẽ bị ảnh hưởng.” “Nếu không có thức ăn trên bàn, thì bạn không thể phát triển kinh tế. An ninh nước là một chuyện, nhưng nước là nền tảng cho an ninh lương thực của các quốc gia này. Và [nếu] mọi người đang chết đói, thì cơ hội nào cho tăng trưởng kinh tế?”

    Kể từ sau đại dịch, tăng trưởng kinh tế ở một số quốc gia Đông Nam Á đến từ việc họ nổi lên như một địa điểm thay thế hấp dẫn cho các mạng lưới chuỗi cung ứng hiện có ở Trung Quốc.

    https://www.voatiengviet.com


    Không có nhận xét nào