James R. Gorrie
Bảo Nguyên biên dịch
Tác giả James R. Gorrie sống tại Nam California. Ông là tác giả của cuốn sách The China Crisis (Cuộc khủng hoảng Trung Quốc) và nhiều bài đăng trên blog: TheBananaRepublican.com.
25/8/2023
Những tòa nhà chung cư chưa hoàn thiện ở thành phố Xinzheng ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, vào ngày 20/06/2023. (Ảnh: Pedro Pardo/AFP qua Getty Images)
Có vẻ như Trung Quốc cuối cùng cũng bước vào một cuộc khủng hoảng. Các nhà quan sát đã dự đoán về kết cục này trước đây, nhưng bằng cách nào đó, Trung Quốc đã từng duy trì được “phép màu” của mình. Nhưng cuối cùng, nó vẫn không tránh khỏi kết cục tất yếu. Có 7 yếu tố là cơ sở dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay.
Như đã dự đoán trong cuốn sách “Cuộc khủng hoảng Trung Quốc” của tôi, cơ cấu kinh tế của Trung Quốc đang tỏ ra không bền vững.
Trong bài viết trước, tôi đã lập luận tại sao vụ phá sản của China Evergrande không phải là dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc mà chỉ là sự khởi đầu.
Những dự đoán như vậy vốn đã được đưa ra trong quá khứ bởi các nhà quan sát Trung Quốc, và bây giờ là lúc nó xảy ra?
Quan điểm ngược dòng về Trung Quốc
Năm 2012, tôi được Wiley & Sons yêu cầu viết một cuốn sách về cơ cấu kinh tế của Trung Quốc theo quan điểm khác biệt của tôi. Bạn có thể nhớ hoặc không nhớ rằng, vào thời điểm đó, Trung Quốc là kỳ quan kinh tế của thế giới. Không giống như hầu hết các nhà quan sát, tôi có thể thấy một số vấn đề nghiêm trọng với mô hình kinh tế chính trị của Trung Quốc và đã viết về chúng trong “Cuộc khủng hoảng Trung Quốc”.
Tôi đã xác định bảy lĩnh vực chính – những nền tảng của Trung Quốc hay chính xác hơn là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – khiến mô hình kinh tế của Trung Quốc trở nên không bền vững. Tôi không phải là người đầu tiên nhìn thấy điều này. Tác giả Gordon Chang đã viết về nó vào năm 2001 trong cuốn sách “Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc”. Ông Chang dự đoán sự sụp đổ vào năm 2011, tuy nhiên điều đó đã không xảy ra.
Thay vào đó, sức mạnh kinh tế và sức mạnh công nghệ của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng và phát triển. Điều đó giải thích tại sao vào thời điểm đó và trong bảy năm tiếp theo, đủ loại thuật ngữ được đặt ra để mô tả tình trạng kinh tế đang phát triển của Trung Quốc. Có “Phép màu Bắc Kinh”, “Mô hình Trung Quốc”, “Chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc” và những tuyên bố rực rỡ khác đưa ra sự khẳng định gần như nhất trí về sự tiến bộ và tiên lượng về một tương lai tươi sáng của Trung Quốc.
Trên thực tế, nhiều chuyên gia, nhà kinh tế và nhà quan sát đã dự đoán rằng chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc sẽ là hình mẫu cho các quốc gia mới nổi trên thế giới vì nó đã biến đổi nền kinh tế Trung Quốc nhanh đến chóng mặt. Người ta cũng dự đoán rằng Trung Quốc sẽ sớm làm lu mờ Hoa Kỳ về GDP và thay thế nước này trở thành bá chủ toàn cầu.
Về dự đoán cuối cùng này, chúng ta cần phải thừa nhận rằng nó có vẻ như đang thực sự thành hiện thực. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng nguyên nhân chủ yếu là do những thất bại trong chính sách của Mỹ hơn là do những gì Trung Quốc đang làm.
Nhưng ngay cả những hành động phản bội đất nước của các nhà lãnh đạo của Mỹ nhằm hỗ trợ đối thủ ở Bắc Kinh cũng không thể ngăn chặn bản chất tha hoá và các chính sách tai hại mà ĐCSTQ đã áp đặt lên người dân Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Đầu tư tài chính và công nghệ của Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác chắc chắn đã trì hoãn điều không thể tránh khỏi nhưng sẽ không ngăn chặn được nó.
Tất nhiên, gốc rễ của nó là tính phá hoại của tham nhũng. Đối với ĐCSTQ, tham nhũng dưới hình thức hối lộ chính trị, cướp đoạt tài sản hàng loạt đối với khu vực tư nhân và lạm dụng hệ thống tài chính là những phương tiện để duy trì quyền kiểm soát và làm giàu. Giành được quyền lực tuyệt đối chứ không phải là một nền kinh tế lành mạnh mới là mục tiêu cuối cùng.
Dưới đây là cái nhìn ngắn gọn về bảy yếu tố làm xói mòn sự bền vững kinh tế và xã hội ở Trung Quốc.
7 yếu tố huỷ hoại Trung Quốc
Lạm dụng quá mức các yếu tố sản xuất
Khi bôi trơn cán bộ ĐCSTQ là yêu cầu chủ yếu của một dự án, chính sách thì lãng phí, gian lận không những là điều khó tránh khỏi mà còn dẫn đến sự kém hiệu quả trong việc tận dụng các yếu tố sản xuất. Năm 2013, Trung Quốc sử dụng các yếu tố sản xuất nhiều hơn Mỹ gấp 10 lần để sản xuất cùng một sản phẩm. Điều đó đã được cải thiện chưa? Thật khó để nói, vì rất khó tìm thấy số liệu thống kê chính xác phản ánh không tốt về ĐCSTQ và đặc biệt là Tập Cận Bình.
Phân bổ hàng hóa, hoạt động kinh tế không hiệu quả
Điều này liên quan đến vấn đề số 1 và được thể hiện dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như việc chiếm lấy các công ty làm ăn có lãi và biến chúng thành những doanh nghiệp nhà nước “xác sống” kém hiệu quả, nợ nần chồng chất, những cỗ máy hủy hoại giá trị và tính hiệu quả. Nó cũng chuyển sự giàu có từ tầng lớp trung lưu sang tầng lớp tinh hoa của ĐCSTQ.
Bóp nghẹt sự đổi mới trong tầng lớp trung lưu
Thiếu tự do thông tin và việc đàn áp những người vi phạm là các yếu tố cản trở sự đổi mới và sáng tạo. Mọi người không được phép tự mình giải quyết vấn đề. Các công ty tư nhân thành công có thể bị nhà nước tịch thu vào một thời điểm nào đó. Những doanh nhân thành công lên tiếng về sự lạm quyền của ĐCSTQ đều biến mất và bị cải tạo. Điều này gây ra sự sợ hãi và phụ thuộc hoàn toàn vào nhà nước, cả hai đều là điều mà ĐCSTQ mong muốn.
Việc đè bẹp sự sáng tạo và đổi mới của cá nhân sẽ bóp nghẹt nguồn tài nguyên lớn nhất của một quốc gia – con người. Một người ăn xin ngồi trước biển tuyên truyền của chính phủ tại nhà ga xe lửa ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 02/03/2014. (Ảnh: Lintao Zhang / Getty Images)
Thực thi yếu kém các quy định, tiêu chuẩn
Từ các lĩnh vực quan trọng như sản xuất thực phẩm đến dược phẩm, mọi tiêu chuẩn đều bị cắt giảm và chất lượng bị huỷ hoại. Trong nhiều năm qua, điều này không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe, sự an toàn của người dân mà còn làm xói mòn thẩm quyền, tính hợp pháp của ĐCSTQ.
Một nền kinh tế sai lầm: ‘Tăng trưởng’ dựa trên nợ là căn bệnh ung thư đối với nền kinh tế
Trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, hầu hết sự phát triển đều dựa trên nhu cầu thị trường, được xác định bởi giá cả địa phương và điều kiện thị trường, thứ thu hút nguồn vốn. “Sự phát triển” bị bóp méo bởi mục đích chính trị không phải là sự phát triển mà là sự lãng phí thời gian, tiền bạc và nguồn lực.
Sự sụp đổ của Evergrande là một ví dụ điển hình về sự bóp méo nền kinh tế của ĐCSTQ. Sự phát triển quá mức của Trung Quốc có thể được so sánh với sự phát triển của một khối u ung thư do tiếp xúc với chất độc, thay vì sự phát triển khỏe mạnh của mô cơ do tập luyện. Cái sau xây dựng sức mạnh và sức sống; cái thứ nhất phá hủy nó. Vì vậy, tại một thời điểm nào đó, ngay cả khoản nợ thuộc sở hữu nhà nước của ngân hàng trung ương cũng trở nên không bền vững.
Ô nhiễm tràn lan khiến môi trường sống bị huỷ hoại, gây bất ổn xã hội
Trung Quốc là một trong những nước gây ô nhiễm nặng nhất thế giới. Ví dụ, nó đang nhanh chóng mất đất canh tác do độc tính từ việc khai thác, sản xuất và sa mạc hóa. Điều này xảy ra vì quyền sở hữu nhà nước trong nhiều thập kỷ đã dẫn đến sự thờ ơ với những gì xảy ra với tài nguyên thiên nhiên, còn được gọi là “thảm kịch của tài sản chung”. Mất đất canh tác do độc tính hoặc sa mạc hóa là điều không dễ khắc phục và dẫn đến sự phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn thực phẩm bên ngoài để nuôi sống bản thân. Một đường ống xả nước thải vào các cánh đồng xung quanh một trang trại bò sữa (không có trong hình) ở huyện Gannan, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, vào ngày 03/05/2016. (Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP qua Getty Images)
Ô nhiễm nước là một thảm họa môi trường khác do ĐCSTQ gây ra. Khi tôi viết “Cuộc khủng hoảng Trung Quốc”, khoảng 40% hệ thống đường thủy của Trung Quốc không thể duy trì sự sống hoặc không an toàn cho con người. Ngày nay, con số đó lên tới 70%. Hơn nữa, 80-90% nước ngầm ở Trung Quốc là không thể uống được.
Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc được biết đến là tồi tệ nhất thế giới, là nguyên nhân gây ra hàng triệu ca chết yểu. Các quan chức nhà nước tuyên bố rằng ô nhiễm không khí đang giảm ở Trung Quốc. Tuy nhiên, cùng lúc đó, Trung Quốc đang bổ sung thêm nhiều mỏ than để sản xuất năng lượng, dẫn đến ô nhiễm nhiều hơn chứ không phải ít hơn. Việc ĐCSTQ không có khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm cho thấy những thất bại trong mô hình kinh tế của họ, làm tăng thêm tình trạng bất ổn dân sự.
Trầm cảm và bị quan ở thế hệ trẻ
Khi người trẻ mất niềm tin vào đất nước, họ mất niềm tin vào tương lai. Một kết quả của sự bi quan đó là quyết định không sinh con. Trung Quốc không đơn độc trong vấn đề này, mà giống như Hàn Quốc và Nhật Bản, đây là một vấn đề lớn. Nếu không có nghị lực, động lực, sự sáng tạo và niềm tin của giới trẻ, sự sụt giảm dân số và những ảnh hưởng của nó đối với tiêu dùng, thuế và các yếu tố kinh tế khác khiến tương lai kinh tế của Trung Quốc trở nên ảm đạm.
Thật không may, cơ cấu kinh tế và xã hội không cân bằng của Trung Quốc sẽ dẫn đến những hành động thái quá hơn, cả bên trong lẫn bên ngoài, khi các điều kiện kinh tế và xã hội trở nên tồi tệ hơn.
Theo The Epoch Times
Không có nhận xét nào