BBC News
29/6/2023
Nguồn hình ảnh, HOÀNG THỊ PHƯƠNG LAN
Chụp lại hình ảnh,
Vụ cưỡng chế gây chấn động dư luận vào thời điểm tháng 09/2021 khi cảnh sát cơ động, bảo vệ dân phố... phá khóa cửa và lôi cô Phương Lan xuống sân chung cư xét nghiệm trong tiếng gào khóc của con trẻ
Cô Hoàng Thị Phương Lan, người bị cưỡng chế lôi đi xét nghiệm cách đây hai năm muốn đòi lại công lý cho mình khi kiện chính quyền.
Sau gần hai năm xảy ra vụ một nhóm lực lượng chức năng phá khoá, vào nhà, bẻ trái tay người dân đem đi xét nghiệm, cô giáo dạy yoga tiếp tục kiện từ UBND phường Vĩnh Phú lên UBND Thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương để đòi công lý.
Vụ cưỡng chế gây chấn động dư luận vào thời điểm tháng 09/2021 khi cảnh sát cơ động, bảo vệ dân phố... phá khóa cửa và lôi cô Phương Lan xuống sân chung cư xét nghiệm trong tiếng gào khóc của con trẻ.
Vào tháng 10/2021, UBND phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An đã quyết định phạt vi phạm hành chính đối với cô Lan, mức phạt là hai triệu đồng, với lý do "Không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm".
Cô Hoàng Thị Phương Lan khởi kiện yêu cầu Hội đồng xét xử tuyên hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Nguồn hình ảnh, HOÀNG THỊ PHƯƠNG LAN
Nguồn hình ảnh, HOÀNG THỊ PHƯƠNG LAN
Trả lời BBC News Tiếng Việt, cô Hoàng Thị Phương Lan cho biết sau khi sự việc xảy ra cô đã gửi hai lá đơn khiếu nại lên Ủy ban Nhân dân phường Vĩnh Phú hồi tháng 10/2021, sau đó là cấp Thành phố Thuận An hồi tháng 12/2021 liên quan đến quyết định xử phạt mà cô cho rằng "trái pháp luật".
"Ủy ban Nhân dân phường Vĩnh Phú không hủy quyết định xử phạt đó, cho rằng quyết định đó là đúng, yêu cầu của tôi là không hợp lý. Họ ra quyết định là không hủy quyết định xử phạt. Sau đó, tôi khiếu nại lên Ủy ban Nhân dân thành phố Thuận An, cấp cao hơn. Kết quả cũng họ cũng không chấp nhận và ra quyết định là không hủy hai quyết định trước đó. Do đó, tôi tiếp tục kiện vụ án hành chính là tôi muốn hủy các quyết định đó."
"Hiện tôi đang có ba quyết định, tôi muốn tòa án hủy các quyết định nhằm vào tôi, vì tôi cho rằng là trái pháp luật và có xin lỗi công khai. Họ đã cưỡng chế tôi lấy dịch mũi, ngay sau đó, họ ra biên bản, và bắt tôi ký biên bản đó. Ngay lúc tôi đang hoảng loạn thì họ còn bắt tôi ký vào "đã không đồng ý xét nghiệm", cô Phương Lan nói với BBC.
Phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính: "Khiếu kiện quyết định hành chính về xử phạt vi phạm hành chính và quyết định giải quyết khiếu nại", theo đó cô Phương Lan kiện Ủy ban Nhân dân thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương sẽ diễn ra vào thứ Sáu 30/06, theo hình thức công khai.
Trước đó, phiên tòa bị thông báo hoãn trong một tháng, từ ngày 31/05. BBC News Tiếng Việt chưa rõ lý do.
Nguồn hình ảnh, TRẦN ĐÌNH DŨNG
Chụp lại hình ảnh,
Là một trong bốn luật sư bảo vệ quyền lợi cho cô Hoàng Thị Phương Lan, luật sư Trần Đình Dũng cho biết cô Hoàng Phương Lan muốn chính quyền "công khai xin lỗi vì đã thi hành công vụ sai"
Là một trong bốn luật sư bảo vệ quyền lợi cho cô Hoàng Thị Phương Lan, luật sư Trần Đình Dũng cho biết cô Hoàng Thị Phương Lan muốn chính quyền "công khai xin lỗi vì đã thi hành công vụ sai".
"Cô Lan khiếu nại, nhưng ngày 08/11/2021 Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phú ra Quyết định số 568/QĐ-UBND bác khiếu nại của cô Lan. Tiếp đến, các sếp thành phố Thuận An cũng bác khiếu nại. Cô Hoàng Phương Lan không yêu cầu bồi thường thiệt hại. Cô ấy chỉ muốn có sự công bằng, uy tín, danh dự khi hai, ba người phá cửa, bắt người ta đi ra ngoài xét nghiệm như vậy."
"Động thái của chính quyền Bình Dương bao gồm hai giai đoạn khi cô Phương Lan khiếu nại và khi giải quyết khiếu nại. Giai đoạn thứ nhất, thì một số cán bộ ở phường trước đó có đến, nói chuyện phải trái, ngỏ lời xin lỗi. Tuy nhiên, khi ấy cô Lan yêu cầu họ phải làm đúng quy định pháp luật. Đến giai đoạn cô Lan kiện ra tòa, yêu cầu hủy quyết định xử phạt hành chính thì chính quyền họ không có liên hệ gì cả. Họ cũng nói là để tòa án giải quyết. Tôi thấy như vậy là cũng không có thiện chí với việc yêu cầu xin lỗi của cô Lan."
"Tôi nhận định như thế này. Khi thi hành công vụ sai thì phải xin lỗi theo trình tự thủ tục của thi hành công vụ, không thể xin lỗi theo cá nhân, nói dăm câu, ba chuyện được. Khi thực hiện công vụ sai, thì pháp luật nhà nước Việt Nam đã quy định rõ ràng là phải có ban ngành đoàn thể ra quyết định xin lỗi", ông Dũng nói với BBC.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Cảnh tại bệnh viện Dã chiến số sáu ở TP HCM vào tháng 8/2021
Ông Phan Xuân Trung nhận định nếu nhìn lại khoảng thời gian chống dịch Covid vào tháng 9 năm 2021 thì "TP HCM rất hoảng loạn khi chống dịch, đưa ra các giải pháp 'trời ơi đất hỡi' vì lỗi kiến thức.
"Chính quyền đã làm mọi thứ trong một cách mất trật tự, không có bài bản vì chưa từng gặp, lại thêm tâm lý hoang mang, sợ hãi từ thượng tầng cho đến dân chúng. Khi chuyện xét nghiệm bị lạm dụng, vụ lợi thì đã không còn là thủ pháp khoa học nữa."
"Dịch bệnh xảy ra, những người quyết định dập dịch không phải là người của ngành y tế, mà từ chính quyền cao nhất như thủ tướng, phó thủ tướng... Đằng sau những người này là những cố vấn đã về hưu, lại không biết một trận dịch tương tự như vậy, do đó xảy ra vấn đề...", ông nói với BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn.
Theo ông Xuân Trung thì cách ly tập trung là sai sót lớn nhất của chính quyền.
"Theo tôi cách ly tập trung là sai lầm đáng trách nhất. Chống lây nhiễm mà lại tập trụng cho người nhiễm và người lành vô một nơi, như bỏ rơm khô vô lửa. Nhìn nhận lại yếu kém, bất lực, chính quyền TP HCM cũng làm những việc giúp xoa dịu như lập bàn thờ cho người mất, trẻ em mồ côi vì Covid, lời nói xin thông cảm. Chúng ta có thể ngầm hiểu là sự nhận khuyết điểm thời điểm hoảng loạn đó".
"Không chỉ xảy ra ở TP HCM mà các tỉnh khác như tỉnh Hải Dương... Khi bệnh bắt đầu lây lan ở các nhà máy thì người ta di chuyển các công nhân lên cách ly tập trung thì tôi đã lên tiếng rồi, nơi tập trung chỉ có một hay hai cái toilet. Người phụ trách khi đó lại còn có chuyên môn cao về bệnh truyền nhiễm nữa chứ. Tôi lấy ví von là "trâu lành thành trâu què" thì tôi bị ném đá ghê gớm thời điểm đó...", ông Xuân Trung nói với BBC News Tiếng Việt.
Vào tháng 11/2021, trả lời BBC News Tiếng Việt, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn từ Đại học New South Wales từng nhấn mạnh "Cách ly tập trung là bài học đau thương nhất".
"Tôi nghĩ chính sách cách ly tập trung là không đúng. Rất nhiều ca tử vong đã xảy ra ở những nơi cách ly tập trung. Rất tiếc là nhiều địa phương vẫn chưa chịu học bài học đó", Giáo sư Tuấn nói khi TP HCM tổ chức lễ tưởng niệm 23.000 người
Nhìn lại những sai lầm trong quá trình chống dịch ở Việt Nam thì câu hỏi đặt ra là liệu người dân có thể khởi kiện chính quyền hay không khi đã xảy ra những sự việc tương tự như cô Hoàng Thị Phương Lan hoặc nghiêm trọng hơn.
Trong lễ tưởng niệm hơn 23.000 người chết vì đại dịch trong năm 2021 và 2022, chính quyền TP HCM nói về "sự chia sẻ những nỗi đau, mất mát với gia đình và người thân", tuy nhiên không thấy bất kỳ lời xin lỗi công khai về những hạn chế lúc chống dịch từ lãnh đạo cấp cao cho đến nay.
"Những nước nào quá hoảng loạn khi chống Covid thì bị thiệt hại nhiều nhất. Tôi không biết quy ra tội, thì sẽ ra sao nữa. Chị Hoàng Phương Lan là một trong những câu chuyện điển hình gây bức xúc dư luận."
"Nếu nói về sự thiệt hại do can thiệp của chính quyền thì toàn thành phố bị thiệt hại, chỉ là chỗ nhiều hay ít mà thôi. Tôi nghĩ kiện thì cứ kiện thì nối tiếp câu chuyện, kiện ai, rồi ai đứng mũi chịu sào, ai trả lời cho họ đây?", bác sĩ Xuân Trung nói.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Vào cuối tháng 9/2021, hàng chục ngàn lao động xa quê đã rời bỏ các đô thị ở miền Nam để về quê vì Covid. Người lao động xa quê đã vượt qua hành trình từ hàng trăm cho đến hàng ngàn km để về các tỉnh miền Tây, miền Trung hay miền Bắc
Đã xảy ra một số vụ cưỡng chế xét nghiệm gây bức xúc trong công chúng ở Việt Nam, tương đồng với vụ của cô Hoàng Thị Phương Lan.
Vào ngày 23/08/2021, tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, một phụ nữ có tiếp xúc với người mắc Covid đã cởi áo cố thủ trong nhà và lực lượng chức năng đã phá cửa rồi cưỡng chế đi cách ly. Người phụ nữ này sau đó bị khởi tố về hành vi chống người thi hành công vụ.
Tại Cà Mau, vào ngày 01/09/2021, một người đàn ông không chịu đi xét nghiệm cũng đã bị công an hốt lên xe chở đi cách ly tập trung.
Tại Thanh Hóa, chính quyền khóa trái cổng những gia đình có "F2". Trên mạng xã hội vào thời điểm đó đã xuât hiện nhiều video quay cảnh người dân bị còng tay hoặc bị dẫn giải đi xét nghiệm.
Chưa kể cách ly tập trung bắt buộc khiến nhiều người bị nhiễm bệnh và tử vong, gia đình chỉ nhận được hũ tro cốt sau đó.
Và còn những câu chuyện 'khó quên' khác hàng ngàn người dân phải bỏ xứ về quê khi thành phố Hồ Chí Minh tiến hành phong tỏa, khi vấn đề an sinh không được đảm bảo.
https://www.bbc.com/vietnamese
Không có nhận xét nào