(Nỗi lòng của người Chưa Thua Cuộc)
Nếu tính từ ngày 30-4-1975, một số người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ đã sống qua 48 năm. Sống ở Mỹ đã 48 năm rồi thì chúng ta có cảm giác như thế nào? Chúng ta có nhớ quê hương hay không? Chúng ta có làm được điều gì để giúp đồng bào ở quê nhà sớm thoát khỏi ách kềm kẹp của bạo quyền CS hay không? Tôi thiết nghĩ rằng có thể đã có một số người làm được nhiều điều hữu ích cho đồng bào ruột thịt ở quê nhà. Riêng cá nhân Vĩnh Liêm thì chỉ biết dùng giấy bút để bày tỏ nỗi lòng trắc ẩn của mình qua những vần thơ. Nay, Vĩnh Liêm gom góp lại những bài thơ ấy, tạm gọi là “NGUỒN THƠ DẬY LỬA”. Tác giả chia nó làm 7 phần, sắp xếp theo những ý tưởng (chủ quan) như sau:
PHẦN I: GIẢI PHÓNG (Những hành động đốt sách và kinh tế mới của VC…)
PHẦN II: CON ĐƯỜNG CỦA “BÁC” (Những chiêu bài hòa đàm, hòa bình, hiệp định…)
PHẦN III: ĐỔI MỚI (Những bùa phép, chính sách, bao cấp, cởi trói, kinh tế mới…)
PHẦN IV: ĐỊNH HƯỚNG (Xã hội chủ nghĩa, quốc doanh, thị trường, sở hữu hóa toàn dân…)
PHẦN V: KẺ THÙ LỊCH SỬ (Hồ Chí Minh, Võ Văn Kiệt, cán bộ VC cao cấp…)
PHẦN VI: GIỤC LÒNG ÁI QUỐC (Nhắc nhở thanh niên lòng yêu nước)
PHẦN VII: THA THIẾT (Nỗi lòng ái quốc đối với quê hương)
Xin mời quý vị ghé mắt qua những dòng thơ tạm gọi là “dậy lửa” do Vĩnh Liêm đã làm trong suốt 48 năm xa quê hương.
(Thung lũng Liên-Sơn, 26-01-2023)
VĨNH LIÊM
----------------
Phần VI - Kỳ 9 (Tiếp theo Kỳ 8)
49. NGƯỜI TRỞ LẠI TỪ RỪNG BIÊN GIỚI
(Quý tặng các anh hùng đang nằm gai nếm mật)
Trãi mưa nắng dạn dày rừng nhiệt đới,
Da sạm màu sương gió bụi phong trần.
Theo tiếng gọi, anh quyết lòng đi tới,
Tạo ngày về khôi phục lại giang sơn.
Rừng thiêng độc có thấm gì chí lớn,
Suối đèo cao luyện chân cứng đá mềm.
Rau muống luộc làm cao lương mỹ vị,
Ngủ màn trời chiếu đất vẫn rằng êm.
Thương anh quá! Người trong rừng biên giới,
Anh bỏ đời êm ấm cõi phù du.
Sống khổ hạnh như một người trai giới,
Không cà sa mà hơn hẳn thầy tu.
Anh đạt đạo bằng con đường giải phóng,
Cứu dân lành thoát khỏi họa diệt vong.
Người trong nước đã mắt mờ trông ngóng,
Các anh hùng dân tộc cứu non sông.
Xin được ngửi mùi da anh sạm nắng,
Mùi núi rừng thân ái của quê hương.
Mùi cỏ dại của đồng chua nước mặn,
Mùi phù sa mầu mỡ của thiên đường.
Anh về lại sống với rừng biên giới,
Cho gửi lời tạ lỗi với anh em.
Kẻ hèn nhát bỏ rừng xưa nhiệt đới,
Tìm cho mình một cuộc sống vô duyên.
Anh về đó đem theo hồn tuổi trẻ,
Gửi vào rừng làm bạn với mênh mông.
Sẽ hòa hợp tâm hồn hai thế hệ,
Chung con đường dân tộc cứu non sông.
(Đức Phố, 12-01-1986)
VĨNH LIÊM
-------------------
50. KHÓC NGUYỄN TRỌNG NHÂN
(Ảnh minh họa)
Dậy đi chứ! Nhân ơi! Trời đã sáng,
Sao anh còn nằm ngủ giấc say sưa?
Hãy thức dậy! Bình minh đà ló dạng,
Thêm một ngày đau khổ chốn quê xưa!
Tôi lay gọi hồn anh về họp mặt,
Mười hai người đang mong đợi từng ngày.
Các đồng chí [1] còn đây, sao anh mất?
Không giã từ, không nói lúc chia tay!
Anh đi hẳn! Đi đâu không cho biết?
Đi bao giờ? Và đi gặp những ai?
Nguyễn Thái Học năm xưa còn từ biệt,
Để lại đời câu nói vẫn chưa phai.
Tôi nhắc nhở tên anh vì Đại Nghĩa,
Ngắm nụ cười trong bức ảnh xinh tươi.
Những kỷ niệm gợi nỗi buồn thắm thía,
Tôi còn đây, anh thật sự đi rồi!
Chung một chuyến tàu về Đông Nam Á,
Những đêm dài thao thức chuyện quê hương.
Mộng kháng chiến giục lòng trai hối hả,
Anh và tôi cùng tâm huyết lên đường.
Nơi biên giới đất trời càng mở rộng,
Tâm sự cùng cây cỏ cũng hay hay.
Cảnh u tịch rừng thiêng tăng sức sống,
Mộng tung hoành thêm nặng trĩu đôi vai.
Anh ở lại, tôi trở về chốn cũ,
Đếm từng ngày, mong nhận được tin vui.
Anh thỏa chí như lòng hằng ấp ủ,
Xin hồn thiêng sông núi giúp cho người!
Bỗng tin đến, tôi bàng hoàng tỉnh giấc,
Mới hôm nào… biên giới vẫn còn đây!
Ôi đau đớn! Nụ cười tươi chợt tắt,
Trên con người dũng liệt thiếu cơ may.
Giặc vây hãm, bắn vào anh xối xả,
Cho thỏa lòng thù hận đã bao năm.
Anh ngã xuống, lấy hơi tàn vất vả,
Hô lên rằng: “Đây, Kháng Chiến Việt Nam”.
Xác anh mất nhưng hồn anh bất diệt,
Nêu ngọn cờ Chính Nghĩa cứu Quê Hương.
Các đồng chí nhớ thương anh tha thiết,
Noi gương anh, thề quyết chí lên đường.
Cuộc Kháng Chiến chưa hẹn ngày thắng bại,
Các anh hùng, hào kiệt sẽ về thêm.
Đường Cách Mạng còn mở dài ra mãi,
Ai một lòng xin kết nghĩa anh em.
(Đức Phố, 30-10-1986)
VĨNH LIÊM
[1] Đồng chí: Cùng một chí hướng giống nhau - Đảng viên VNQDĐ
gọi nhau là đồng chí.
-------------------
51. NHÂN QUYỀN ĐÂU KHÔNG TỚI?
Từ bốn phương
Chúng tôi tụ lại
Không phải để đàn hát vui chơi
Không phải tự dưng làm đêm không ngủ
Không vì miếng cơm manh áo
Xuống đường tuyệt thực
Hãy nhìn kỹ vào mặt chúng tôi
Da vàng máu đỏ
Làm người Việt Nam.
Chúng tôi tụ lại
Vĩ nghĩa yêu thương
Vì tình đồng bào ruột thịt
Và ngợi ca những anh hùng đã chết
Cho chính nghĩa Tự Do
Ðể chúng ta sống sót
Xin hãy cúi đầu tưởng niệm những anh linh
Họ là Con Người như chúng ta
Không khuất phục chế độ bạo tàn Cộng Sản.
Chúng tôi không thể ngủ
Trước cảnh cùm gông, nhà tù, cải tạo…
Hàng chục triệu người mất hết Tự Do
Hàng trăm ngàn người chết giữa biển khơi
Vùng Kinh-Tế-Mới xiết dần từng hơi thở
Máu thanh niên tiếp tục đổ
Trên chiến trường Cam-Bốt, Ai-Lao
Cho tham vọng bá quyền Sô-Viết.
Sáu năm quê hương thống nhất
Sáu năm đau khổ, nhọc nhằn
Cả Thần, Thánh cũng đều khuất mặt
Nhục nhã thay! Quê hượng “độc lập”
“Hòa Bình” đâu trong đói khổ, tù đày?!
Tay trắng tay!
Mọi quyền sống bị ngụy quyền cưỡng đoạt!
Ðêm nay không ngủ
Vì tình thương thiêng liêng, mầu nhiệm
Máu trong tim sôi sục, khí căm hờn
Tủi nhục nầy ai chịu đựng nhiều hơn?!
Xin thế giới hãy thức cùng dân tộc Việt!
Nhân Quyền đâu?
Dân tộc tôi vô cùng tha thiết
Cần một giờ thăm hỏi những nạn nhân
Cần một giờ an ủi những vong linh
Phá biên giới xích xiềng “Chủ Nghĩa”
Mọi ý thức hãy qui về một mối
Tình thương yêu Nhân Loại đồng đều
Chúng tôi cất tiếng kêu
Xin cảm tạ vô cùng
Thượng Ðế!
(Suối Bạc, 30-4-1981)
VĨNH LIÊM
-------------------
52. MÁU CÁCH MẠNG
Trong dòng máu có di truyền cách mạng,
Thuở nằm nôi nghe tiếng trống Quang Trung.
Những ngày Đông được đắp chiếu Đặng Dung,
Mùa Hè nóng có quạt nồng Lê Lợi.
Vừa bập bẹ tiếng đầu tiên: Quật Khởi,
Sách vở lòng với hình ảnh Trưng Vương.
Gương tôi trung tiết liệt Nguyễn Tri Phương,
Lời khẳng khái anh hùng Nguyễn Trung Trực.
Học ngay thẳng như tính tình Ngụy Thức,
Tập hiên ngang lời nói Nguyễn Phi Khanh.
Luyện bút nghiên theo danh sĩ Trình-Thanh,
Yêu cái chết các anh hùng Yên-Bái…
Mộng chưa đạt nhưng lửa lòng vẫn cháy,
Lửa trong tim, lửa nung nấu tâm can.
Là thanh niên, ta không thể than van,
Đứng ngoài cuộc còn phê bình, chỉ trích…
Với quân địch, nhúng nhường đều vô ích,
Phải kiên tâm và quyết liệt đến cùng.
Phải gan lì và không đội trời chung,
Thì chiến thắng mới về tay Dân Tộc.
Máu Cách Mạng vượt nguy nan, hiểm hóc,
Thắng bạo tàn và chính trị hoạt đầu.
Với nhân dân phải hiệp lực cùng nhau,
Lòng dân muốn là ý Trời đã định.
Máu Cách Mạng dẹp bỏ phường xu nịnh,
Chọn hy sinh làm lẽ sống cuộc đời.
Dân có giàu ta mới được thảnh thơi,
Dân đau khổ ta vô cùng đau xót.
Máu Cách Mạng không cho ta bồng bột,
Biết bình tâm và suy xét tinh tường.
Trong tim người nở hoa quý Tình Thương,
Trong hành động chứa vô vàn Nhân Ái.
Máu Cách Mạng không mong cầu đáp lại,
Một đặc ân hay địa vị cao sang.
Chí vững bền và trãi rộng tâm can,
Yêu cái đẹp của Tự Do, Hạnh Phúc…
Máu Cách Mạng trong người luôn thôi thúc,
Khi Quê Hương, Tổ Quốc bị lâm nguy.
Trên con đường Cách Mạng chúng ta đi,
Ngày chiến thắng là vòng hoa vĩ đại.
Máu Cách Mạng làm con người trẻ lại.
(Đức Phố, 28-10-1989)
VĨNH LIÊM
-------------------
53. ĐẤT KHÁCH
Ly hương đã mấy Xuân rồi,
Sao ta thơ thẩn đứng ngồi không yên!
Ai say lưu giữ bạc tiền,
Còn ta mãi miết kiếm tìm tri âm.
(Bạc tiền là của phù vân,
Tri âm là kẻ chẳng cần nọ kia).
Đời ta là sự chia lìa,
Thế mà Xuân chẳng buồn chia nỗi sầu!
Năm nay Xuân lại tới mau,
Còn ta, ta lại bạc đầu hơn xưa!
Tết này vờ đón Giao thừa,
Có mâm cỗ với thịt dưa mỡ hành.
Cầu xin một quẻ bói lành,
Thử xem sự thế có thành tựu không?
Lẽ nào vận nước chưa thông,
Để cho con cháu Lạc Hồng bơ vơ?!
Bao năm sống tạm vật vờ,
Tưởng như giấc mộng, không ngờ tai ương!
Có người đành gửi thịt xương,
Dưới lòng đất khách, chẳng hương khói gì!
Người thì thiêu đốt xương đi,
Nắm tro tàn ấy còn chi cuộc đời!
Sống nơi đất khách quê người,
Tuổi già là một chuỗi cười đắng cay!
Trẻ thơ còn có ngày mai,
Người già chỉ thấy tương lai mịt mùng!
(Nursing home điểm cuối cùng,
Cũng là nơi thật lạnh lùng, cô đơn!)
Sang năm ta lại già hơn,
Thêm ta một tuổi, thêm sờn lòng trai.
Đời ta chẳng giống một ai,
Quê người đất khách lạc loài mãi sao?!
(Đức Phố, 11-02-1997)
VĨNH LIÊM
-------------------
54. TÌNH ĐỒNG CHÍ
(Qúi tặng các đồng chí Tân Đại Việt)
Tình đồng chí thân thương, ôi cao qúi!
Nét tinh anh trong lẽ sống thăng hoa.
Nếp suy tư cùng tình cảm chan hòa,
Vì lý tưởng cho cuộc đời tươi đẹp.
Tình đồng chí keo sơn như sắt thép,
Hãy vun bồi và giữ vững tình thân.
Hãy thương yêu và đùm bọc khi cần,
Hãy trân qúi những tâm hồn cao thượng.
Tình đồng chí là đi cùng một hướng,
Vững niềm tin vì lý tưởng Tự Do.
Hãy cùng nhau chung sức một chuyến đò,
Thuận tay lái thì con thuyền tới bến.
Tình đồng chí – một lòng rồi sẽ đến,
Bến Liên Minh Dân Chủ khắp trời Nam.
Lúc bấy giờ ta diệt bọn gian tham,
Xây dựng lại nước Việt Nam tươi sáng.
Tình đồng chí làm quê hương xán lạn,
Để con dân hưởng hạnh phúc, thanh bình.
Dãy giang sơn rực sáng ánh bình minh,
Cho nòi giống được trường tồn mãi mãi.
Tình đồng chí chan hòa tình thân ái,
Hãy cùng nhau đoàn kết, vững tin nhau.
Ta một lòng – dù trước cũng như sau,
Thì Đại Việt sẽ làm trang sử mới.
Tình đồng chí – hãy cùng nhau bước tới.
(Houston, 31-7-2009)
VĨNH LIÊM
-------------------
54. CÀ-PHÊ RUỘNG
Với Cộng-sản, cái gì ta cũng có,
Bởi cùng đường nên biến “tắc” thành “thông”.
Bắt cào-cào để phụ giúp nhà nông,
Bụng đỡ đói, có khi còn khá giả.
Xã hội mới nên cái gì cũng lạ,
Nghề mới nào miễn nuôi sống bản thân.
Ta còn gì mà cứ phải phân vân?
Ðạo với Ðức suy đồi khi mất nước!
Vì đổi mới nên cuộc đời ô trược,
Ruộng biến thành những quán bán cà-phê.
Gió ngoài đồng mát mẻ, cảnh đồng quê,
Càng thoải mái vì hoa đang biết nói.
Vườn xa khuất, không gian riêng, đêm tối,
Những hoa cười tươi mát cả đêm thâu.
Khách vờn hoa, hoa vờn khách, như nhau,
Nghề nghiệp mới, tiền thơm, đời bớt khổ.
Cà-phê ruộng mọc nhiều nơi, nhiều chỗ,
Biến vườn hoang thành hàng quán cà-phê.
Giới kinh doanh đang biến cải thành nghề,
Tạm nuôi sống gia đình trong lúc biến.
Còn những cánh hoa đồng vừa hiển hiện,
Liệu tương lai còn thơm mãi hay không?
Một ngày kia nhan sắc kém hương nồng,
Khách không đến, lấy gì làm sự sống?
Cà-phê ruộng là một nghề rất nóng.
“Nhà Nước ta” “hồ hỡi” đã từ lâu.
Nước ta giàu, tiền tiến nhất Á châu,
Còn thật tế dân nghèo thì mặc họ!
(Ðức Phố, 26-04-2003)
VĨNH LIÊM
-------------------
(Hết Phần VI – Xem tiếp Phần VII)
Không có nhận xét nào