(Nỗi lòng của người Chưa Thua Cuộc)
13/7/2023
Nếu tính từ ngày 30-4-1975, một số người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ đã sống qua 48 năm. Sống ở Mỹ đã 48 năm rồi thì chúng ta có cảm giác như thế nào? Chúng ta có nhớ quê hương hay không? Chúng ta có làm được điều gì để giúp đồng bào ở quê nhà sớm thoát khỏi ách kềm kẹp của bạo quyền CS hay không? Tôi thiết nghĩ rằng có thể đã có một số người làm được nhiều điều hữu ích cho đồng bào ruột thịt ở quê nhà. Riêng cá nhân Vĩnh Liêm thì chỉ biết dùng giấy bút để bày tỏ nỗi lòng trắc ẩn của mình qua những vần thơ. Nay, Vĩnh Liêm gom góp lại những bài thơ ấy, tạm gọi là “NGUỒN THƠ DẬY LỬA”. Tác giả chia nó làm 7 phần, sắp xếp theo những ý tưởng (chủ quan) như sau:
PHẦN I: GIẢI PHÓNG (Những hành động đốt sách và kinh tế mới của VC…)
PHẦN II: CON ĐƯỜNG CỦA “BÁC” (Những chiêu bài hòa đàm, hòa bình, hiệp định…)
PHẦN III: ĐỔI MỚI (Những bùa phép, chính sách, bao cấp, cởi trói, kinh tế mới…)
PHẦN IV: ĐỊNH HƯỚNG (Xã hội chủ nghĩa, quốc doanh, thị trường, sở hữu hóa toàn dân…)
PHẦN V: KẺ THÙ LỊCH SỬ (Hồ Chí Minh, Võ Văn Kiệt, cán bộ VC cao cấp…)
PHẦN VI: GIỤC LÒNG ÁI QUỐC (Nhắc nhở thanh niên lòng yêu nước)
PHẦN VII: THA THIẾT (Nỗi lòng ái quốc đối với quê hương)
Xin mời quý vị ghé mắt qua những dòng thơ tạm gọi là “dậy lửa” do Vĩnh Liêm đã làm trong suốt 48 năm xa quê hương.
(Thung lũng Liên-Sơn, 26-01-2023)
VĨNH LIÊM
----------------
Phần VI - Kỳ 8 (Tiếp theo Kỳ 7)
42. XUÂN GỢI NIỀM ĐAU
Người ta hớn hở khi xuân tới,
Chỉ có mình tôi lặng lẽ buồn!
Tôi viết những vần thơ sầu tủi,
Gửi về tạ lỗi với quê hương.
Nơi đây đất khách hồn quay quắc,
Mơ ước thanh bình – chuyện tích xưa!
Ước vọng, thèm, mơ… đời huyễn hoặc,
Phong sương còn lại chút hương thừa!
Tôi mơ níu cả càn-khôn lại,
Ðể bóp cho tàn những khổ đau.
Ðể gieo hạt giống mầm nhân ái,
Ðể thấy tình thương mãi dạt dào.
Bên ni bên nớ đều thương cảm,
Mỗi phút sầu dâng rợn cả người.
Một áng mây che, trời ảm đạm,
Làm sao tiếng nói đượm lời vui!
Ngày xuân là cả trời thao thức,
Một tiếng chim kêu cũng ngỡ ngàng.
Giữa cảnh đêm trường tôi vẫn thức,
Thì thầm đối bóng lúc Xuân sang.
Mỗi năm người lại chờ Xuân mới,
Ðể vẽ lên môi những nụ cười.
Còn tôi mong mỏi Xuân đừng tới,
Ðất khách tha hương luống ngậm ngùi!
Bao năm xa cách, đời ly biệt,
Nỗi nhớ khôn rời tiếng thở than.
Xuân gợi niềm đau, buồn da diết,
Làm sao ngăn được lệ tuôn tràn!
Ôi thôi! Xuân đến làm chi nữa!
Thịt mỡ dưa hành cũng nhạt môi!
Ðất khách nào đâu là đất hứa,
Mà Xuân lại đến ở quê người!
(Ðức Phố, Xuân Giáp Tuất 1994)
VĨNH LIÊM
-------------------
43. THAO THỨC
Đã quá nửa cuộc đời ta phiêu bạt,
Biển âm u luôn gợi nhớ trong hồn.
Từ ngày ta bị cướp đoạt giang sơn,
Khối sầu đó phủ trùm lên đất nước.
Từng ngang dọc, chưa một lần khiếp nhược,
Chợt đôi tay bị trói chặt sau lưng.
Đẩy hồn ta ra biển cả hãi hùng,
Lòng biển lạnh như tình người lạnh lẽo.
Ta thừa biết thói đời là bạc bẽo,
Nên âm thầm tự khắc phục lương tâm.
Trong nụ cười có phục sẵn dao găm,
Chực đâm thủng lòng nhân từ Phật, Chúa.
Tình nhân loại đã nhiều năm mục rữa,
Bã Mác-Lê làm ung thối tinh thần.
Chưa một lần ta vui hưởng mùa Xuân,
Nụ cười gượng giấu vô vàn cay đắng.
Nuôi ý chí phục thù, ngày chiến thắng,
Cùng mọi người xây dựng lại quê hương.
Bắc chí Nam đều trãi rộng tình thương,
Không còn cảnh khốn cùng và tăm tối.
Không còn cảnh giết người và gian dối,
Cho trẻ thơ biết yêu kính người già.
Cho tuổi thơ hồn trong trắng đầy hoa,
Thôn xóm cũ rộn tiếng cười an lạc.
Hồn thao thức như dã tràng xe cát,
Biển vẫn còn cuồng nộ ở phương Đông.
Vẫn bủa vây đàn con cháu Lạc-Hồng,
Năm mươi triệu tâm hồn đang khắc khoải.
Hỡi người Việt năm châu đừng e-ngại!
Phải quyết tâm cùng tranh đấu không sờn.
Đuổi quân thù và lấy lại giang sơn,
Ngày hạnh phúc toàn dân cùng chung hưởng.
(Đức Phố, 08-03-1983)
VĨNH LIÊM
-------------------
44. CỌP PHẢI VỀ RỪNG
(Quý tặng T.H. & HTL – A1)
(Hình huy hiệu BĐQ minh họa từ Internet)
Trong chốc lát, con đường như ngắn lại,
Quả địa cầu xoay mãi cũng gặp nhau!
Người, tiếng nói, giọng cười còn đây mãi,
Nhớ năm xưa ở biên giới địa đầu…
Tưởng đã hết, còn mong gì gặp gỡ,
Nơi biên thùy nguy hiểm, chốn sơn khê.
Dưới lằn đạn địch quân không phút thở,
Vẫn vững tin, niềm hy vọng tràn trề.
Thế mới biết con người đầy chí khí,
Nên bao giờ cũng vượt thắng chông gai.
Thật xứng đáng là người hùng, chiến sĩ,
Quyết kiên tâm và đi đoạn đường dài.
Cuộc chiến đấu còn rất nhiều gian khổ,
Ai sẽ còn, ai mất… biết đâu lường!
Đem cái chết làm vinh danh Quốc Tổ,
Là anh hùng, liệt sĩ cứu quê hương.
Nghe bạn nói mà lòng tôi xúc động,
Tưởng như đang được tiếp máu anh hùng!
Coi lý tưởng quý hơn là mạng sống,
Kẻ tầm thường coi trọng miếng đỉnh chung.
Nhưng hiện tại đỉnh chung là bọt biển,
Thế vẫn còn có kẻ cứ nằm mơ.
Chờ sung rụng người ta đem dâng hiến,
Hoặc lăng xăng múa rối mất thời giờ.
Khá khen bạn vượt muôn ngàn nguy hiểm,
Mới sống còn để thấy mặt hôm nay.
Người vẫn thế, quả thật là rất hiếm,
Có thức đêm ta mới biết đêm dài.
(Hình chiến sĩ BĐQ minh họa từ Internet)
Đã là cọp phải về rừng mới sống,
Con kình ngư phải vùng vẫy Biển Đông.
Bạn thử nghĩ cuộc đời là cơn mộng,
Nhưng CON NGƯỜI thì phải có NON SÔNG.
“Sẽ trở lại nơi rừng thiêng chốn cũ,
Sống hiên ngang cho xứng đáng đời trai”.
Lời quả quyết tôi nghĩ rằng quá đủ,
Chúc bạn thân giữ được chí anh tài.
(Đức Phố, 10-09-1989)
VĨNH LIÊM
-------------------
45. GIA ĐÌNH VIỆT QUỐC
Lý Thường Kiệt
Tôi từ Quảng Nam
Chị quê Thái Bình
Anh người Gia Ðịnh
Ngọn gió nào đưa đẩy gặp nhau
Nơi xứ lạ quê người buồn tủi?
Tôi có cha già từng ngày mong đợi
Chị có mẹ già khắc khoải thâu đêm
Anh có vợ hiền mòn mỏi chờ tin
Người lưu lạc phương xa về giải phóng.
Tiếng gọi thiêng liêng đêm ngày đồng vọng:
“Hãy làm gì cứu lấy quê hương!
“Hãy mau mau mang lại tình thương!
“Sáu mươi triệu đồng bào đang đói khổ!”
Gia đình tôi chưa trả xong món nợ:
Nợ tinh thần đối với non sông
Nợ căm thù với bọn Việt gian
Nợ phản quốc của Duẩn-Ðồng-Chinh-Giáp.
Gia đình chị cũng là Việt Quốc [1]
Máu xương rơi Yên-Bái năm nào
Nửa họ hàng mất mát, lao đao
Tây với Cộng thảy đều tàn ác!
Gia đình anh có ruộng đồng bát ngát
Nay không còn nửa mẫu để nuôi thân!
Vì gia đình anh có các thân nhân
Dám chống lại bọn bạo quyền Cộng sản.
Nam-Trung-Bắc cùng có chung quốc nạn
Hết Tàu, Tây đến chủ nghĩa ngoại lai
Biết bao giờ dân tộc có ngày mai!
Cuộc chinh chiến chưa hẹn ngày chấm dứt.
Ngày nào chúng ta cùng về quê được
Hiệp sức người làm kháng chiến bùng lên
Quốc nội bừng bừng nổi dậy trong đêm
Cuộc cách mạng bắt đầu từ phút đó.
Hãy bắt tay vào!
Ðừng đứng ngoài trơ mắt ngó!
Diệt NỘI THÙ không phải chỉ riêng ai
Chúng ta còn phải diệt cả NGOẠI LAI
Hai thứ giặc tuy hai mà một.
Chúng ta đều là Gia-Ðình-Việt-Quốc [2]
Không phân biệt người ở Bắc, Trung, Nam
Không phân chia giai cấp hèn, sang
Mùi gian khổ chia đều Anh với Chị.
Chúng ta một lòng đồng tâm nhất trí
Ðuổi bạo thù để cứu lấy quê hương
Vì TƯƠNG LAI DÂN TỘC, vì TÌNH THƯƠNG
Vì ÐẠI NGHĨA lên đường làm phận sự.
Chúng ta không mong được đề tên trong quốc sử
Cũng không màng danh lợi ở tương lai
Mỗi đời người chỉ có một, không hai
Ơn Ðất Nước phải vẹn toàn đền đáp.
Hỡi những người Việt Nam đang lưu lạc!
Ở xứ người có thấm thía niềm đau?
Vong quốc tha phương mang mộng làm giàu
Rồi chết rũ trên đống tiền vô nghĩa.
Hãy hướng về Quê Hương bằng lòng thành Chính Nghĩa
Cho mưu cầu HẠNH PHÚC của DÂN SINH
Cho tương lai nước Việt HÒA BÌNH
Cho tuổi trẻ ngẩng đầu không mặc cảm.
Ta sẽ không còn phải mang danh tị nạn
Sẽ không còn người chết giữa đại dương
Sẽ không còn “vùng kinh tế mới” tai ương
Không còn cả những “chiến trường Cam-Bốt”.
Ba nước Việt-Miên-Lào đều anh em hết
Thực sự hòa bình chung sống an vui
Sẽ không còn cảnh máu đổ thịt rơi
Vì những thứ mệnh danh “nghĩa vụ”.
Nào Anh, Chị hãy lên đường đi chứ!
Còn chờ gì không xiết chặt tay nhau?
Còn ngại gì không đứng thẳng, ngẩng đầu cao?
Ðem chí lớn phất ngọn cờ Phục Quốc.
Hãnh diện thay GIA-ÐÌNH-VIỆT-QUỐC!
(Ðức Phố, 15-03-86)
VĨNH LIÊM
[1] Việt Nam Quốc Dân Ðảng
[2] Gia đình Việt Nam Quốc Gia
-------------------
46. BÀI THƠ GỞI CHỊ NGUYỄN TRỌNG NHÂN
Chị ơi! Nếu chị đã hay,
Tin người chiến sĩ vào tay quân thù.
Anh từng xuất hiện chiến khu,
Nhiều phen làm bọn quân thù thất kinh.
Bao giờ chị nhận được tin,
Anh Nhân thật sự bỏ mình rừng sâu.
Chị ơi! Xin nén buồn đau!
Hy sinh nào khỏi máu đào tuôn rơi.
Đau thương nào khỏi ngậm ngùi,
Nhưng tình Tổ Quốc đời đời khắc ghi.
Khóc than chẳng xóa được gì,
Chỉ thêm đau khổ, xuân thì hắt hiu.
Quê hương giờ đã tiêu điều,
Trầm luân vận nước càng nhiều tang thương.
Anh Nhân quyết chí lên đường,
Nối dòng hào kiệt, noi gương anh hùng.
Anh đi diệt lũ thù chung,
Lưu danh muôn thuở, chị cùng thơm lây.
Chị ơi! Xin hiểu lòng trai,
Không vì cơm áo bịt tai ngồi nhìn.
Hay vì vật chất làm thinh,
Trước cơn thống khổ, dân tình lầm than.
****
Nghiêng mình trước Nguyễn Trọng Nhân,
Và xin khâm phục phu nhân anh hùng.
(Đức Phố, 30-10-1986)
VĨNH LIÊM
Chú thích: Nghệ sĩ Hùng Cường đã diễn ngâm và
thu âm vào cassette tape, tháng 11-1986.
-------------------
47. GIỖ NGUYỄN TRỌNG NHÂN
Nhân ơi! Ngày giỗ đầu đời,
Trời Thu nức nở buông lời thở than.
Ô hay! Mây xám không gian,
Còn ta giọt lệ hai hàng tuôn rơi.
Nhớ Nhân lòng luống bồi hồi,
Tử sinh ly biệt cuộc đời thế sao?!
Nhân ơi! Như mới hôm nào…!
Anh em tụ nghĩa vườn đào chia tay.
Không gian ngăn cách hình hài,
Nhưng chung việc nước hợp tài lo toan.
Biên cương Nhân cố chu toàn,
Điều quân, dưỡng lực, bảo toàn Nghĩa Binh…
Rụng rời nhận được hung tin,
Trọng Nhân anh dũng hy sinh cuộc đời.
Vội vàng chi lắm Nhân ơi!
Tướng hùng phải giữ mạng thời mới hay.
Ra quân không chỉ lần này,
Còn nhiều gian khổ, dạn dày phong sương.
Vội chi bỏ mạng sa trường!
Anh em nhỏ lệ tiếc thương ngậm ngùi…
Bao giờ trở lại Nhân ơi!
Quê hương giải phóng, người người hân hoan.
(Đức Phố, 20-09-1987)
VĨNH LIÊM
-------------------
48. HƯỚNG VỀ BIÊN GIỚI XA XÔI
(Gửi Nguyễn Trọng Nhân)
Tôi về ôm nỗi buồn triêng,
Hồn mây lãng đãng, hồn thiêng dật dờ.
Trên không trung, mắt cay mờ,
Lệ đâu nhỏ xuống ướt tờ tùy thân.
Xa rồi! Xa Nguyễn Trọng Nhân,
Biên cương mờ khuất, bóng trăng dần tàn.
Phương Đông trời nắng chang chang,
Phương Tây gió lạnh vô vàn buốt tim.
Nhân ơi! Có thấu nỗi niềm,
Chung lo việc nước, không yên đứng ngồi.
Tôi về một cõi riêng tôi,
Còn anh ở lại sống đời biên cương.
Kiếp người là kiếp vô thường,
Sống đây thác đó, ai lường được may.
Anh đi cho thỏa lòng trai,
Khí hùng hấp thụ từ ngày nằm nôi.
Hướng về biên giới xa xôi,
Chúc anh may mắn cùng lời cầu an.
(Không trung, 18-08-1986)
VĨNH LIÊM
Không có nhận xét nào