Hiền Vương/VNTB
14/7/2023
Miền Tây sẽ cơ bản duy trì mô hình sản xuất hiện nay tại các địa phương cho đến 2030
Trong 10 năm đã có hơn 1,3 triệu người đồng bằng sông Cửu Long xuất cư.
Trong Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 nêu ra “ba vòng xoáy đi xuống” của vùng đất giàu tiềm năng, nhiều thách thức này là: vòng xoáy ngân sách, vòng xoáy lao động và vòng xoáy cấu trúc kinh tế vùng.
Thứ nhất, vòng xoáy ngân sách: Chính là thiếu đầu tư tương xứng của Nhà nước thời gian dài cho các khâu then chốt trong phát triển vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, logistics.
Thứ hai, vòng xoáy lao động: Đây là tình trạng thiếu việc làm tại chỗ, người trẻ tuổi bị “đẩy” ra khỏi vùng, lên TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, dẫn đến sự suy giảm trầm trọng số lượng lẫn chất lượng lao động. Kết quả Tổng điều tra dân số, nhà ở năm 2019 chỉ ra, trong 10 năm đã có hơn 1,3 triệu người đồng bằng sông Cửu Long xuất cư.
Thứ ba, vòng xoáy cơ cấu kinh tế vùng: Vấn đề này được cho là sự “thiên lệch” trong việc thực thi “sứ mệnh an ninh lương thực”. Cả ba vòng xoáy này đều liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực.
Điều đó đã và đang khiến cho đồng bằng sông Cửu Long từ một vùng đất giàu tiềm năng phát triển, bỗng trở nên ì ạch; dù đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế nằm kế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, song không được hưởng lợi để phát triển.
Dưới góc độ là một nhà nông học, người có nhiều tâm huyết với sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, từ năm 1989 đến nay, suốt 32 năm, nông dân trồng lúa đã làm rạng rỡ nước nhà, đặt Việt Nam vào vị trí top 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.
“Tuy nhiên, người trồng lúa vẫn chưa làm giàu được do chạy theo sản lượng bằng việc sử dụng quá nhiều hóa chất, giá thành cao, chất lượng thấp, vừa phí phạm nước tưới. Trong khi đó, một số ít nông dân đã làm giàu nhờ chuyển sang sản xuất những loại cây con khác không phải cây lúa.
Hiện nay, cây lúa Việt Nam phải sống chung với biến đổi khí hậu như nước lũ, hạn, mặn xâm nhập vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa làm nhiệm vụ chính trị để bảo đảm an ninh lương thực cho toàn xã hội, vừa làm nhiệm vụ kinh tế…” – GS.TS Võ Tòng Xuân phát biểu từ góc nhìn… lý thuyết.
Sở dĩ gọi là lý thuyết, vì theo một nhìn nhận của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, thì, “thay đổi nền sản xuất lúa gạo là vấn đề không dễ, thực hiện việc thay đổi đó càng khó khăn hơn. Nếu hệ thống canh tác lúa hiện tại không thay đổi, mà tiếp tục được duy trì thì thu nhập người nông dân sẽ không cải thiện, chưa kể gây nguy cơ suy giảm tài nguyên, lãng phí đầu vào và đặc biệt là gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như khiến cho quá trình biến đổi khí hậu xảy ra nhanh hơn”.
Ý kiến trên của người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam được nêu tại hội thảo tham vấn Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long”, tổ chức mới đây ở tỉnh Hậu Giang.
Trong một diễn biến liên quan chuyện cây lúa ở miền Tây, hôm 7-7-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 816/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, giai đoạn đến 2030, cơ bản duy trì mô hình sản xuất hiện nay tại các địa phương; sau năm 2030, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo phân vùng sinh thái đã được xác định trong quy hoạch vùng, trong đó việc chuyển đổi chủ yếu diễn ra ở vùng sinh thái mặn-lợ và vùng chuyển tiếp ngọt-lợ.
Công việc hiện tại là tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi và nghiên cứu điều chỉnh quy chế vận hành hệ thống thủy lợi. Trong đó, tiến trình thực hiện theo hướng từ ngoài vào trong, từ vùng ven biển mặn-lợ đến vùng chuyển tiếp ở giữa đồng bằng. Tiến hành đồng thời với quá trình này là xây dựng và triển khai các chương trình, cơ chế chính sách hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi sản xuất, đặc biệt là hỗ trợ người dân trồng lúa 3 vụ chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị và hiệu quả kinh tế cao khác…
Xem ra những quyết sách mà Đảng và Nhà nước đang hoạch định cũng chỉ nhắm đến bước đầu để giúp miền Tây… bớt nghèo (!?)
Không có nhận xét nào