Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam bảo vệ lợi ích trong bối cảnh xung đột nước lớn Nga - Mỹ - Trung ngày càng trầm trọng.

    Thu Hằng /RFI

    17/7/2023

    Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn (P) nói chuyện với đồng nhiệm Nga Sergey Lavrov tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Jakarta, Indonesia, ngày 14/07/2023.


    Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn (P) nói chuyện với đồng nhiệm Nga Sergey Lavrov tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Jakarta, Indonesia, ngày 14/07/2023. AP - Bay Ismoyo 

    Mỹ, Trung, Nga lại bộc lộ những căng thẳng, phức tạp tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ngày 14/07/2023 ở Jakarta, Indonesia. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken kêu gọi các nước Đông Nam Á đoàn kết trước chính sách mang tính « cưỡng ép » của Bắc Kinh. Trong khi  chưa bao giờ lên án Matxcơva xâm lược Ukraina, Trung Quốc thắt chặt hợp tác quân sự, kinh tế với Nga để làm đối trọng với Hoa Kỳ, trong đó phải kể đến cuộc tập trận đang diễn ra gần biển Nhật Bản. 

    Tại Jakarta, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nóng giận khi bị các nước phương Tây chỉ trích về cuộc xâm lược Ukraina. Mỹ bị Nga đổ trách nhiệm về mọi vấn đề trên thế giới. Còn Washington tiếp tục coi Trung Quốc là đối thủ chính về lâu dài dù luôn tìm cách kiểm soát căng thẳng để tránh bùng lên thành xung đột. Những chuyến công du Bắc Kinh của quan chức cấp cao Mỹ (ngoại trưởng Mỹ, bộ trưởng Tài Chính, đặc sứ Mỹ về biến đổi khí hậu) trong thời gian gần đây cho thấy Washington « chủ động tìm cách nói chuyện với Trung Quốc »

    Về chuyến công du Bắc Kinh hai ngày 18-19/06 của ngoại trưởng Blinken, anh Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh chuyên về an ninh hàng hải và các vấn đề hải quân, Đại học New South Wales (Úc), nhận định với RFI Tiếng Việt, đó là nhằm « xoa dịu căng thẳng Đài Loan và giúp cho tình hình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương dịu xuống một chút trong bối cảnh cuộc chiến của Nga ở Ukraina ».

    Indonesia, nước chủ nhà ASEAN 2023, cũng cảnh báo « Ấn Độ - Thái Bình Dương không nên là đấu trường mới » và khu vực « phải được ổn định ». ASEAN cũng không muốn trở thành « mặt trận ủy nhiệm cho những nước khác ». Mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc không có lợi cho các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam vì Hà Nội giữ quan hệ chặt chẽ với cả ba nước.

    Bắc Kinh muốn "hất cẳng" Mỹ khỏi những khu vực gần Trung Quốc

    Điều này càng khiến Việt Nam phải duy trì được chính sách ngoại giao khéo léo, tinh tế hơn. Với Trung Quốc, Việt Nam ủng hộ chủ trương « hai bên cần tuân thủ sự đồng thuận… về xử lý thỏa đáng các vấn đề trên biển, tích cực triển khai, chú trọng hơn nữa hợp tác cùng có lợi… », theo phát biểu của ông Vương Nghị, người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc, khi gặp ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn ở Jakarta.

    Đối với ASEAN, Trung Quốc tỏ thiện chí hơn khi nhất trí thúc đẩy việc đúc kết Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông từ nay đến năm 2026. Tuy nhiên, Bắc Kinh muốn hất Mỹ ra khỏi khu vực khi tiếp tục yêu cầu hạn chế sự hiện diện và hoạt động của các nước không nằm trong vùng biển tranh chấp. Trung Quốc có thể gây sức ép đến mức nào ? Anh Nguyễn Thế Phương giải thích : 

    « Trung Quốc luôn luôn, về cả ngoại giao cũng như thông qua những công cụ khác, yêu cầu Mỹ không được can dự vào công việc và những mối quan hệ quốc tế ở khu vực gần Trung Quốc. Trong một số trường hợp, họ phản ứng cực kỳ mạnh đối với những hành vi mà Trung Quốc diễn giải là Mỹ can thiệp quá nhiều vào tình hình an ninh cũng như chính trị ở khu vực, thứ nhất là ở khu vực Biển Đông, thứ hai là biển Hoa Đông và thứ ba là vấn đề Đài Loan.

    Nhưng vấn đề ở chỗ Mỹ sẽ tìm một số cách thức để họ có thể cân bằng mối quan hệ bởi vì cả hai bên đều cần nhau trong một số lĩnh vực từ kinh tế, tài chính cho tới một số vấn đề an ninh phi truyền thống, ví dụ biến đổi khí hậu, môi trường. Họ biết rằng họ đang cạnh tranh lẫn nhau, biết rằng trong một số trường hợp, họ đang giẫm chân lên nhau và những cạnh tranh này có thể căng thẳng hơn, nóng hơn. 

    Nhưng về cốt lõi, cạnh tranh Mỹ-Trung trong khu vực và trên toàn cầu trong tương lai chắc chắn sẽ càng ngày càng tăng. Những việc họ đang làm chỉ là cố gắng không để cạnh tranh vượt ngoài tầm kiểm soát, đặc biệt trong vấn đề Đài Loan. Vì một trong những điểm mà nhiều nhà phân tích lo ngại nhất trong quan hệ Mỹ-Trung là xung đột Đài Loan bùng nổ ngay trong giai đoạn cuộc chiến Nga-Ukraina diễn ra. Nếu như vậy sẽ hoàn toàn không có lợi cho cả Trung Quốc, cả Mỹ và cho nền kinh tế toàn cầu nói chung vì nó sẽ tạo ra những khủng hoảng rất lớn.

    Cho nên những gì họ đang làm, những gì họ phát ngôn là cố gắng kiểm soát căng thẳng, kiểm soát cạnh tranh giữa hai siêu cường ở một mức độ mà cả hai bên đều có thể chấp nhận được, cũng như không ảnh hưởng tới lợi ích của toàn bộ khu vực nói chung, trong bối cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương là cực tăng trưởng vô cùng quan trọng trên thế giới và trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraina đang xảy ra ».

    Nga suy yếu, Việt Nam mất đi một đối quan trọng với Trung Quốc và Mỹ 

    Việt Nam duy trì quan hệ ngoại giao với Matxcơva, mới đây tiếp phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Mevedev, sau đó là chánh án Tòa án Tối cao Liên bang Nga Lebedev. Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Victorovich Volodin lẽ ra đã đến thăm Việt Nam ngày 25-26/06 nếu không xảy ra vụ binh biến của Wagner. Tuy nhiên, Nga đang dần phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. Đây có phải là tín hiệu bất lợi cho Việt Nam không ? 

    « Việc một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam từ sau năm 1975 tới giờ là Nga, thế mạnh về quốc phòng cũng như về ngoại giao của họ yếu đi, rõ ràng đó là một bất lợi. Bởi vì trong mảng quốc phòng an ninh cho tới cuộc chiến của Nga-Ukraina thì Nga được coi là một trong những đối tác giúp Việt Nam cân bằng với Trung Quốc, đặc biệt là trong những yếu tố mang tính quốc phòng bởi vì trước cuộc chiến Nga và Ukraina, 70% số vũ khí được Việt Nam nhập khẩu là từ Nga và trong một số lĩnh vực, ví dụ dầu khí và năng lượng, Việt Nam dựa vào công nghệ cũng như là những viện trợ của Nga rất là lớn.

    Cho nên, đứng dưới góc độ Việt Nam, việc Nga yếu đi cả về kinh tế lẫn mặt ngoại giao và quốc phòng, đó là điều hoàn toàn không có lợi, đặc biệt có thể nhận thấy rằng sau cuộc chiến Nga và Ukraina thì Nga đang dần dần phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc đặc biệt là về kinh tế và tài chính. Rõ ràng đứng dưới góc nhìn của Việt Nam, điều đó khiến cho Việt Nam mất đi một đối trọng tương đối quan trọng, không chỉ với Trung Quốc mà với cả Mỹ »

    Để giảm những tác động tiêu cực rõ ràng từ cuộc chiến Nga và Ukraina, Việt Nam đã cố gắng đa dạng hóa các mối quan hệ quốc phòng an ninh, nhưng vẫn phải duy trì mối quan hệ nhất định với Matxcơva. Anh Nguyễn Thế Phương giải thích :

    « Có thể nói từ đầu tháng 6 tới nay là hàng loạt bước đi mà giới quan sát nhận định đó là những bước đi đa dạng hóa mối quan hệ ngoại giao quốc phòng của Việt Nam, không chỉ là với Trung Quốc, thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung Quốc, không chỉ với Mỹ khi mà tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam, không chỉ với Nga mà còn với những nước khác như là Ấn Độ khi mà bộ trưởng Quốc Phòng Phan Văn Giang qua thăm Ấn Độ, với Nhật Bản khi mà tàu Izumo và nhóm tầu tác chiến thăm cảng Cam Ranh, với Hàn Quốc khi mà tổng thống Hàn Quốc qua thăm Việt Nam mới đây. 

    Rõ ràng Nga vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng bởi vì Nga, nói gì thì nói, cũng là một trong những mối quan hệ truyền thống với Việt Nam. Nga dù gì cũng là quốc gia đối tác chiến lược toàn diện nên đứng dưới góc độ lịch sử và ngoại giao, Việt Nam vẫn phải duy trì mối quan hệ nhất định với Nga nhưng đồng thời Việt Nam cũng đã cố gắng mở rộng quan hệ đối tác và sẽ cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc về cả mặt năng lượng cũng như mặt an ninh quốc phòng đối với Nga và dần dần tìm những đối tác mới ngoài Nga trong việc nhập khẩu vũ khí cũng như trong vấn đề về chuyển giao các loại công nghệ quốc phòng, năng lượng mới từ các quốc gia khác ví dụ như Hàn Quốc, Nhật, Úc. 

    Đúng, sự suy giảm vị thế của Nga khiến cho Việt Nam dần dần tách ra khỏi Nga và tìm cách đa dạng hóa những mối quan hệ khác, tìm những đối tác mới. Và như vậy sẽ tốt cho Việt Nam hơn là chỉ gắn vấn đề an ninh, quốc phòng chỉ vào một hoặc hai đối tác duy nhất ».

    Việt Nam bảo vệ lợi ích trong bối cảnh xung đột nước lớn

    Cuộc phản công của Ukraina hiện tiến triển chậm do Nga đã có thời gian chuẩn bị phòng thủ, cho nên chiến tranh Ukraina sẽ còn kéo dài. Tuy nhiên, nếu đứng ra làm trung gian và giả sử hòa giải thành công, vị thế của Trung Quốc sẽ khác. Việc đó có tác động như nào đến Việt Nam, trong mối quan hệ với các bên tham chiến và với Hoa Kỳ ?

    « Thứ nhất, phải xác định là việc Trung Quốc có thể thành công đóng vai trò “trung gian hòa giải” giữa Nga và Ukraina là thấp lắm, nếu không muốn nói là cực thấp vì có hai vấn đề. Thứ nhất ai cũng biết rằng Trung Quốc là nước ủng hộ Nga về mặt ngoại giao, ai cũng biết rằng trong trường hợp chiến tranh kéo dài thì người hưởng lợi trong một số phạm vi vẫn là Trung Quốc. Cho nên uy tín của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại là chưa đủ để có thể đóng một vai trò có ý nghĩa trong vấn đề giải quyết cuộc chiến Nga-Ukraina. Nói tóm lại là thấp, ít có khả năng xảy ra. Đó là vấn đề thứ nhất mà mình phải thống nhất quan điểm như vậy.

    Thứ hai, thực tế cũng không cần phải nói tới cuộc chiến Nga-Ukraina, tức là bây giờ Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng ở những khu vực trước đây thuộc ảnh hưởng của Nga. Ví dụ Trung Á, đặc biệt gần đây Trung Quốc làm trung gian cho tái kết nối mối quan hệ ngoại giao giữa Ả Rập Xê Út và Iran, vốn là một lĩnh vực mà Mỹ có tiếng nói bởi vì dù sao Ả Rập Xê Út vẫn là đồng minh của Mỹ trong khu vực. Sự tham gia của Trung Quốc vào khả năng đàm phán giữa Nga và Ukraina là có, với một chính sách chủ động của Bắc Kinh trong vấn đề tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu nhưng thành công ở thời điểm hiện tại là không cao.

    Thực tế mà nói, tác động của cuộc chiến Nga-Ukraina tới Việt Nam chủ yếu ở thời điểm hiện tại liên quan tới vấn đề kinh tế nhiều hơn. Và vấn đề muôn thưở của Việt Nam vẫn là làm thế nào để bảo vệ lợi ích của Việt Nam trong bối cảnh xung đột nước lớn càng ngày càng trầm trọng hơn so với cách đây khoảng 5-10 năm. Rõ ràng xung đột Mỹ-Trung hiện tại đã nghiêm trọng hơn rất nhiều. Và chỉ cần một bước đi sai lầm, hoàn toàn lợi ích của các nước nhỏ, trong đó có Việt Nam, đặt trong bối cảnh cạnh tranh đó, sẽ bị ảnh hưởng rất lớn ».

    RFI Tiếng Việt xin trân thành cảm ơn anh Nguyễn Thế Phương, Đại học New South Wales, Úc.

    https://www.rfi.fr/vi


    Không có nhận xét nào