Header Ads

  • Breaking News

    Vén Màn Huyền Thoại: Hiểu Về Quy Trình Trở Thành Thành Viên NATO


    Tác giả: Shruti Sharma

    Research Asssisant

    Biên dịch: Hoàng Việt Hải | Hiệu đính: Hương Nguyễn & Trần Bằng

    26/7/2023

    https://ci5.googleusercontent.com/proxy/JcRy0RT1BNZ2z30JTStqOLAKkCJoy38wcgLtZm3vTFNZRmYOrqOpUT54XRWiVTlty9Ls1PikFAoEGvqYVL-3LAubs7O2II6Wp_poXd2Dfve245ERaXgZEw=s0-d-e1-ft#https://daisukybiendong.files.wordpress.com/2023/07/528521.jpeg?w=560


    Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một liên minh chính trị-quân sự được thành lập vào năm 1949. Tổ chức là một thực thể liên chính phủ bao gồm 30 quốc gia thành viên đến từ Bắc Mỹ và Châu Âu. Mục tiêu chính của NATO là thúc đẩy an ninh tập thể và hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ. Liên minh địa chính trị NATO bắt nguồn từ thời kỳ hậu Thế Chiến thứ hai nhằm đối phó với mối đe dọa được cho là do Liên Xô gây ra và sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản. Mục đích chính của tổ chức là bảo vệ nền quốc phòng và an ninh chung của các quốc gia thành viên bằng cách duy trì các nguyên tắc được thiết lập trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

    NATO thường được các học giả nhấn mạnh về các thuộc tính nổi bật của nó, chẳng hạn như việc thực thi Điều 5 cam kết phòng thủ tập thể, các thảo luận định kỳ giữa các quốc gia thành viên, sự thiết lập các chiến lược phòng thủ chung và thúc đẩy diễn đàn chính trị và hợp tác. Quá trình ra quyết định của NATO được xác định dựa trên việc đạt được sự đồng thuận giữa các thành viên, điều này thể hiện sự cống hiến của tổ chức này đối với các giá trị dân chủ. Diễn ngôn học thuật cũng làm nổi bật tính năng động và tiến hoá của các chức năng và mục tiêu của NATO. NATO, ban đầu được thành lập để thúc đẩy phòng thủ tập thể và ngăn chặn sự xâm lược của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, đã trải qua những điều chỉnh để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh an ninh. Hiện tại, chủ đề chính mà NATO tập trung liên quan đến một loạt các tình huống khó khăn về an ninh, bao gồm các hành động khủng bố, các mối nguy hiểm trên mạng và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Bên cạnh các hoạt động quân sự, NATO tham gia vào các hoạt động hợp tác đa dạng với các quốc gia không phải là thành viên, các tổ chức toàn cầu và các chủ thể an ninh khác trong khu vực. Các liên minh nói trên tạo điều kiện phát triển các kỹ năng, hợp tác và giao tiếp, từ đó thúc đẩy sự ổn định và an ninh ở các khu vực bên ngoài ranh giới của liên minh.

    Phần Lan và Thụy Điển đề nghị gia nhập NATO

    Vào năm 2022, Phần Lan và Thụy Điển đã đệ trình đề nghị gia nhập chính thức để trở thành thành viên của NATO, liên minh quân sự lớn nhất trên toàn cầu. Quyết định này được thúc đẩy bởi những lo ngại về an ninh bắt nguồn từ cuộc xung đột của Nga ở Ukraine.

    Trong nhiều thập kỷ, hai quốc gia vẫn giữ quan điểm rằng duy trì hòa bình đạt được hiệu quả nhất bằng cách kiềm chế không công khai liên kết với bất kỳ phe cụ thể nào. Trong Chiến tranh Lạnh, Thụy Điển và Phần Lan duy trì chính sách trung lập. Tuy nhiên, trước cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2 của Nga, quyết định gia nhập NATO của hai quốc gia này đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong cấu trúc an ninh của Châu Âu. Sự thay đổi này phản ánh sự chuyển biến rộng lớn hơn trong công chúng trong khu vực Bắc Âu.

    Thủ tục gia nhập được dự đoán sẽ ngắn hơn đáng kể so với những nỗ lực trước đây để gia nhập liên minh. Mặc dù thời gian cụ thể không được thiết lập, các giai đoạn liên quan đến thủ tục thành viên của NATO bao gồm:

    Đệ trình yêu cầu gia nhập 

    Theo các quan chức và nhà ngoại giao NATO, sẽ tốt hơn nếu cả hai quốc gia cùng đồng thời gửi yêu cầu, rất có thể dưới dạng thư gửi tới trụ sở NATO. Điều này sẽ khiến cho quy trình thủ tục chuyển động nhanh và hiệu quả hơn. Sau khi đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên về tư cách thành viên tiềm năng của một quốc gia, quốc gia được đề cập sẽ bắt đầu đàm phán gia nhập với liên minh.

    Kế hoạch hành động dành cho thành viên (MAP)

    Tiếp sau đó, họ có thể nhận được lời mời tham gia Kế hoạch hành động dành cho thành viên (MAP). Đạt được giai đoạn này không đảm bảo tư cách thành viên. Cơ chế này phục vụ như một biện pháp chuẩn bị cung cấp hướng dẫn tùy chỉnh, viện trợ và hỗ trợ hữu hình cho các quốc gia đang tìm kiếm tư cách thành viên. Một lịch trình chính thức sẽ được thiết lập để thực hiện các sửa đổi cần thiết. Theo định kỳ hàng năm, liên minh đưa ra một báo cáo đánh giá sự tiến bộ của quốc gia ứng viên, cũng như xác định các lĩnh vực cần chú ý thêm. Theo trang web chính thức của NATO, danh sách các lĩnh vực mà các nước ứng viên cần đáp ứng không phải là tiêu chuẩn để tiếp nhận mà nhằm mục đích bao quát những vấn đề mà các quốc gia thành viên tiềm năng đã xác định muốn giải quyết.

    Nghĩa vụ MAP

    Khung MAP bao gồm năm chương miêu tả các vấn đề thích đáng và đề xuất các cơ chế khả thi để thúc đẩy các hoạt động chuẩn bị hướng tới triển vọng trở thành thành viên. Những chủ đề này bao gồm các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực chính trị và kinh tế, quốc phòng và quân sự, tài nguyên, an ninh và pháp lý.

    Trong các lĩnh vực chính trị và kinh tế, các ứng cử viên được đòi hỏi phải thể hiện sự thành thạo trong việc giải quyết xung đột toàn cầu thông qua các phương pháp bất bạo động, tuân thủ các nguyên tắc pháp lý và nhân quyền, tránh cưỡng bức hoặc gây hấn, thúc đẩy quan hệ quốc tế hài hòa và thân thiện, hợp tác phòng thủ chung, và thiết lập sự giám sát dân chủ và dân sự đối với các lực lượng quân sự, cùng các nghĩa vụ khác.

    Ngoài những đóng góp quân sự đối với phòng thủ tập thể và các nhiệm vụ hiện tại của liên minh, các thành viên tương lai được mong đợi sẽ nâng cao năng lực quân sự và đảm bảo tham gia đầy đủ vào Chương trình Đối tác vì Hòa bình (PfP) của NATO. Hơn nữa, các quốc gia này được mong đợi sẽ tham gia vào chiến lược phòng thủ hợp tác của liên minh và các thực thể của NATO, đồng thời đảm bảo sự phù hợp và/hoặc khả năng tương thích khi thích hợp.

    Việc phân bổ nguồn ngân sách của các quốc gia ứng viên được coi là cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ thành viên và đóng góp cho các hoạt động được tài trợ chung của NATO với mức chia sẻ chi phí được các bên thống nhất.

    Theo chính sách bảo mật của NATO, những ứng viên được yêu cầu thực hiện đầy đủ các biện pháp và giao thức để đảm bảo tính bảo mật của thông tin bí mật.

    Các thành viên tương lai phải kiểm tra luật pháp trong nước trong vấn đề tuân thủ các quy tắc và quy định của NATO. Luật pháp trong nước nên phù hợp với các thỏa thuận và điều khoản điều chỉnh các nỗ lực hợp tác trong toàn liên minh NATO.

    Được thành lập vào năm 1949, tổ chức được thành lập bởi 12 thành viên ban đầu, bao gồm Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Iceland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Hiện tại, tổ chức đã mở rộng với 30 thành viên.

    Năm 1999, Cộng hòa Séc, Hungary và Ba Lan được kết nạp làm thành viên. Cộng hòa Bắc Macedonia đã trở thành thành viên gần đây nhất của liên minh sau khi gia nhập vào tháng 3 năm 2020. Vào tháng 4 năm 2010, Bosnia và Herzegovina đã nhận được lời mời khởi xướng Kế hoạch hành động dành cho thành viên (MAP).

    Bày tỏ ý định

    Quy trình bắt đầu bằng việc triệu tập các chuyên gia NATO và các đại biểu từ các quốc gia được mời ứng viên tại trụ sở tổ chức ở Brussels. Mục tiêu là để có được sự xác minh chính thức về năng lực và sự sẵn sàng của quốc gia được mời trong việc thực hiện các trách nhiệm và nghĩa vụ chính trị, pháp lý và quân sự liên quan đến tư cách thành viên NATO. Nhiệm vụ của các cá nhân là thực hiện các biện pháp để đảm bảo bảo vệ dữ liệu bí mật của một tổ chức. Ngoài ra, họ phải chuẩn bị các bộ phận an ninh và tình báo hợp tác với Văn phòng An ninh NATO. Giai đoạn tiếp theo của thủ tục đòi hỏi quốc gia ứng viên phải cung cấp một công văn chính thức bày tỏ ý định gia nhập tổ chức. Điều này phục vụ như một xác minh về trách nhiệm và cam kết của quốc gia đối với tổ chức.

    Những sự sửa đổi

    Tiếp theo bước trên, trọng tâm chuyển sang các sửa đổi cần thiết để trao tư cách thành viên Hiệp ước Washington, nối tiếp bằng việc phê chuẩn các giao thức pháp lý của các quốc gia ứng viên để tạo điều kiện thuận lợi cho tư cách thành viên của họ.

    Gia nhập Hiệp ước

    Bước tiếp theo, Tổng thư ký NATO sẽ khởi động những giao tiếp với quốc gia tiềm năng để chính thức đưa họ gia nhập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Sau khi thông báo sự chấp nhận của các thành viên NATO tới chính phủ Hoa Kỳ, nơi đóng vai trò là nơi lưu giữ Hiệp ước Washington, thông tin được chuyển tiếp đến quốc gia ứng viên liên quan.

    Tư cách thành viên được xác nhận

    Sau khi nộp các văn kiện gia nhập cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, quốc gia được mời chính thức được cấp tư cách thành viên trong NATO.

    Kết luận

    Việc phê chuẩn tư cách thành viên của các chính phủ quốc gia đòi hỏi phải có sự chứng thực của tất cả các nghị viện đồng minh. Thời gian của quá trình này có thể kéo dài từ bốn tháng đến một năm, tùy thuộc vào các yếu tố như thủ tục bầu cử, trở ngại hành chính và kỳ nghỉ quốc hội theo mùa. Sau khi tất cả các đồng minh hoàn tất quá trình phê chuẩn, cả Phần Lan và Thụy Điển đều cần phải gửi văn kiện gia nhập của họ tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, qua đó dẫn đến việc chính thức hóa tư cách là đồng minh NATO của họ.

    Tài liệu tham khảo

    1.       Dept. of Defense. (2022). Nations Undergo Rigorous Process to Join NATO. U.S. Department of Defense. https://www.defense.gov/News/News-Stories/Article/Article/3052427/nations-undergo-rigorous-process-to-join-nato/

    2.     Dept. of State. (2022). Minimum Requirements for NATO Membership. 1997-2001.State.gov. https://1997-2001.state.gov/regions/eur/fs_members.html

    3.      Euronews. (2023, April 4). Finland joins NATO in the alliance’s fastest-ever accession process. Euronews. https://www.euronews.com/2023/04/04/finland-joins-nato-in-the-alliances-fastest-ever-accession-process

    4.     Ghosh, S. (2022, March 12). Explained | How does a nation secure NATO membership? The Hindu. https://www.thehindu.com/news/international/explained-how-does-a-nation-secure-nato-membership/article65209951.ece

    5.     Haglund, D. G. (2019). NATO | Founders, Members, & History. In Encyclopædia Britannica. https://www.britannica.com/topic/North-Atlantic-Treaty-Organization

    6.     Kottasová, I. (2023, March 30). Turkey approves Finland’s NATO application, clearing the last hurdle. Sweden is still waiting. CNN. https://www.cnn.com/2023/03/30/europe/turkey-vote-finland-nato-membership-intl/index.html

    7.     Masters, J. (2022, June 29). How NATO Will Change If Finland and Sweden Become Members. Council on Foreign Relations. https://www.cfr.org/in-brief/how-nato-will-change-if-finland-and-sweden-become-members

    8.     National Archives. (2022). Membership Action Plan. Clintonwhitehouse5.Archives.gov. https://clintonwhitehouse5.archives.gov/WH/new/NATO/fact5.html

    9.     NATO. (2020, May 5). Enlargement. NATO. https://www.nato.int/cps/en/natohq/topics_49212.htm

    10.  NATO. (2021). NATO PA. NATO PA. https://www.nato-pa.int/content/finland-sweden-accession

    11.    NATO. (2023). What is NATO? NATO. https://www.nato.int/nato-welcome/index.html

    12.   Reuters. (2022, May 12). Finland, Sweden have applied for Nato membership. What happens next?The Indian Express. https://indianexpress.com/article/world/finland-sweden-nato-membership-process-step-by-step-7913139/

    13.   Reuters. (2023, March 31). Finland and Sweden’s path to NATO membership explained. Reuters. https://www.reuters.com/world/europe/steps-finnish-swedish-path-nato-membership-2023-03-30/

    14.  UK Parliament. (2017, December 17). Research Briefings. House of Commons Library. https://commonslibrary.parliament.uk/research-briefings/

    The original article was previously published on The Centre for Security and Strategy Studies at https://www.cescube.com/vp-understanding-processes-for-nato-membership.


    Dự án Đại Sự Ký Biển Đông


    Không có nhận xét nào