Research Asssisant
Tác giả: Trần Bằng [1] " Nhóm Biển Đông tại Pháp. Bài viết này dành cho Hội thảo "Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam tại Paris. 10 – 11 /062023". Bài viết bằng tiếng Việt." 24/7/2023 Triển lãm Quốc phòng Quốc tế của Bộ Quốc phòng Việt Nam năm 2022. Ảnh: Cổng Thông tin Chính phủ NGA TRONG XUNG ĐỘT VỚI UKRAINA VÀ NHỮNG TƯƠNG ĐỒNG VỚI TRUNG QUỐC? Ngày 17/12/2021, hai tháng trước khi mở cuộc tấn công quân sự vào lãnh thổ Ukraina, Nga công bố bản dự thảo do Nga yêu cầu về một thỏa thuận giữa Nga và NATO để đảm bảo an ninh cho nước Nga. Trong bản dự thảo thỏa thuận này, Nga yêu cầu các thành viên NATO “không được triển khai lực lượng và vũ khí trên bất cứ lãnh thổ nào thuộc Châu Âu, ngoài các lực lượng đã đóng ở Châu Âu trước ngày 27/05/1997” (Điều 4) và “các thành viên NATO không được triển khai các hoạt động quân sự tại Ukraina cũng như các quốc gia Đông Âu, Nam Caucasus và Trung Á” (Điều 7)[2]. Ngày 31/03/2023, Nga công bố “Khái niệm chính sách đối ngoại” mới. Trong mục những vấn đề cơ bản, mục đầu tiên của học thuyết ngoại giao mới này, Nga nhắc tới quan niệm “thế giới Nga”, một quan niệm rộng hơn nhiều định nghĩa về quốc gia, như sau: “Hơn một nghìn năm với tư cách một quốc gia độc lập, di sản văn hóa của thời đại trước, mối quan hệ lịch sử sâu sắc với văn hóa truyền thống Châu Âu và các nền văn hóa Á-Âu khác, và khả năng đảm bảo sự chung sống hài hòa của các nhóm dân tộc, sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ khác nhau trên một lãnh thổ chung, đã được phát triển qua nhiều thế kỷ, xác định vị trí đặc biệt của Nga với tư cách là một quốc gia - nền văn minh độc đáo và với tư cách là một cường quốc Á-Âu và Âu-Thái Bình Dương rộng lớn, tập hợp người dân Nga và các dân tộc khác thuộc cộng đồng văn hóa và văn minh của thế giới Nga" (điểm 4, mục I)[3]. Nga coi các hành động của Nga tại Ukraina là để bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình, nhưng việc này bị "Mỹ và các quốc gia vệ tinh biến thành các căn cứ cho chính sách chống Nga và chiến tranh hỗn hợp". Nga mong muốn các nước phương Tây nhận ra sự vô vọng trong chính sách của mình và nối lại hợp tác với Nga trên nền tảng "bình đẳng về chủ quyền và tôn trọng lợi ích" (điểm 13, mục II). Nga cũng nhấn mạnh sẽ dùng mọi biện pháp để bảo vệ lợi ích của mình, trong đó có vấn đề "toàn vẹn lãnh thổ". Cần chú ý rằng Nga mới sát nhập các vùng đất mới từ năm 2014 đến 2022, vốn thuộc lãnh thổ Ukraina do chính Nga và Ukraina xác nhận trong Hiệp định giữa Ukraina và Liên bang Nga về đường biên giới Ukraina – Nga năm 2003, có hiệu lực từ 2004[4]. Như vậy Nga đã tuyên bố rất rõ ràng và chính thức về yêu cầu "toàn vẹn lãnh thổ", kể cả các lãnh thổ mới sát nhập bằng bạo lực quân sự sau khi đã có các hiệp định về lãnh thổ đã được Nga và các nước liên quan ký kết. Nga cũng khẳng định các cường quốc như Mỹ cần phải lùi xa khỏi các vùng lãnh thổ vốn thuộc ảnh hưởng chính trị, quân sự và đối ngoại của Liên Xô trước đây. Nói một cách khác, Nga muốn phương Tây chính thức công nhận khu vực Đông Âu và Trung Á là "vùng đệm" của Nga. Để giải thích cho việc chiếm lãnh thổ của Ukraina và gây chiến tranh chống lại nhà nước Ukraina, Nga giải thích "lãnh thổ Ukraina thực chất là thuộc Nga từ thời đế chế Nga", yêu cầu Ukraina "dừng việc lợi dụng Nga", buộc tội nhà nước Ukraina "là công cụ của Mỹ để chống lại nước Nga" và buộc tội chính quyền Ukraina là "phát xít mới" khi họ "chống lại người nói tiếng Nga và thuộc về văn hóa Nga"[5]. Nhưng tại sao cần phải nhắc lại các yêu cầu và văn bản nền tảng của Nga trong khi đối tượng chính của bài viết này là Trung Quốc? Lý do là Trung Quốc hoàn toàn có thể lặp lại các yêu cầu của Nga, ví dụ như Trung Quốc có thể sử dụng mọi biện pháp kể cả quân sự để bảo vệ các lãnh thổ mà nước này tuyên bố là của họ, kể cả lãnh thổ chiếm được nhờ vũ lực như Hoàng Sa (1956, 1974) hay Trường Sa (1988, 1992) hay Scarborough (2012) và các khu vực khác trên Biển Đông. Trung Quốc cũng có thể yêu cầu các cường quốc tránh xa các khu vực mà họ cho là có quyền ảnh hưởng. Nếu xảy ra kịch bản Trung Quốc yêu cầu Việt Nam "trả lại vùng lãnh thổ vốn thuộc về Trung Quốc từ thời Hán"[6], "dừng việc khai thác dầu của Trung Quốc tại Biển Đông"[7], "dừng việc theo Mỹ chống Trung Quốc"[8], "chấm dứt kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan chống Trung Quốc"[9] và đe dọa rằng nếu không thực hiện thì sẽ bị "giải giáp, phi cực đoan hóa bằng quân sự"[10] hay "cho một bài học"[11] thì liệu Việt Nam có chuẩn bị đủ phương án để tự mình, hoặc chắc chắn có một nhóm đông các nước trên thế giới ủng hộ bằng hành động thực tế và trên thực địa, để có thể lịch sự từ chối sức ép đe dọa chiến tranh của Trung Quốc? Tất cả các trích dẫn giả định trên đều được lấy ra từ bài nói của Putin với thế giới nhằm giải thích việc tấn công Ukraina ngày 21/2/2022 để thấy rằng các đòi hỏi của Trung Quốc liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với Việt Nam và không chỉ với Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng với các lý do phát động chiến tranh của Putin. Vì thế, nguy cơ chiến tranh hoặc đe dọa sử dụng vũ lực từ Trung Quốc là không thể bằng không. Thực tế, Trung Quốc đã đưa ra các khẳng định và đòi hỏi, tuy chưa có một "chiến dịch quân sự đặc biệt" bên ngoài biên giới được quốc tế thừa nhận hiện tại để "bảo vệ lợi ích cốt lõi". Ngày 22/10/2022, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 đã phê chuẩn báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đại hội 19 do Tập Cận Bình trình bày. Trong báo cáo này, Tập Cận Bình tuyên bố quân đội phải sẵn sàng "bảo vệ phẩm giá và lợi ích cốt lõi của Trung Quốc"[12]. Trong phỏng vấn năm 2010 của Greg Sheridan (báo The Australian) với ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, bà Clinton cho biết tại Đối thoại Kinh tế và Chiến lược tháng 5 năm 2010, Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc đã tuyên bố Biển Đông là một trong những "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc[13]. Ngày 13/06/2022, trong bối cảnh Nga đang tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" để "bảo vệ lợi ích cốt lõi" tại Ukraina mà không tuyên bố chiến tranh, chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình ký sắc lệnh thí điểm “Phác thảo về các hoạt động quân sự ngoài chiến tranh", có hiệu lực từ 15/06/2022. Bản "phác thảo" gồm 6 chương, 19 điều bao gồm các nguyên tắc cơ bản, tổ chức, chỉ huy, loại hình chiến dịch, hậu cần chiến dịch và hoạt động chính trị nhằm bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia, kể cả bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc[14]. Ngày 12/4/2023, Trung Quốc công bố các quy định sửa đổi về tuyển quân có hiệu lực từ 1/5/2023. Quy định sửa đổi gồm 11 chương, 74 điều, trong đó thêm một chương về thời chiến, cho phép quân đội tăng nhanh quy mô và chất lượng nhờ quy trình gọi nhập ngũ những người có trình độ cao và những người đã từng phục vụ trong quân đội[15]. Ngày 17/01/2018, tại Đối thoại kênh 2 Mỹ – Trung lần 6 về các vấn đề trên biển và luật pháp quốc tế tại Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc, chủ tịch Ngô Sỹ Tồn của Viện Nghiên cứu Quốc gia về Nam Hải phát biểu: "theo góc nhìn của Trung Quốc, Việt Nam là nước có khả năng cao nhất trở thành “quân cờ” của Mỹ và Nhật để khuấy động tình hình biển Nam Hải. Không có một “kẻ phá hoại” tại chỗ, Mỹ và Nhật không có nhiều công cụ để áp đặt sự có mặt chính đáng và thực thi quyền lực trên vùng biển này ngoài việc đi lại ngang dọc không ngừng. Chính quyền hiện tại của Philippines cũng đang chịu áp lực thay đổi chính sách lớn. Hai nước này có vẻ như đang cố phá hoại các nỗ lực bình ổn Nam Hải của Trung Quốc. Về phần Việt Nam, nước này đã tỏ ra hạn chế hơn trong chính sách với Trung Quốc và trên Nam Hải, sau khi có các cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines vào nửa sau 2016. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục khuấy các vấn đề trên biển lên bằng cách củng cố quan hệ với Mỹ và Nhật trên các vấn đề trên Nam Hải, cũng như tạo môi trường thuận lợi hơn cho việc tăng tốc xây đảo nhân tạo của họ. Đây là chiến thuật mà các nhà quân sự cổ đại Trung Quốc gọi là "dương Đông kích Tây". Thứ hai là Việt Nam lợi dụng các cơ hội nhờ vào cam kết của Trung Quốc trong đàm phán với ASEAN về bộ Quy tắc ứng xử trên Nam Hải cũng như việc Trung Quốc tự kiềm chế trong việc phát triển các đảo của mình nhằm đơn phương khai thác dầu khí trong khu vực tranh chấp tại quần đảo Nam Sa. Việt Nam làm vậy với mục đích tạo sự đã rồi và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình tham vấn về bộ Quy tắc ứng xử".[16] Ngày 30/03/2023, Đại sứ Phó Thông, trưởng đại diện phái đoàn Trung Quốc tại EU, đã có phỏng vấn độc quyền với Sam Fleming, trưởng văn phòng Financial Times tại Brussels. Về NATO, Đại sứ Phó Thông nói rằng "Trung Quốc kêu gọi NATO thực sự nghiêm chỉnh ràng buộc bởi các định nghĩa địa lý và không được mở rộng, như chúng tôi nhìn nhận, bên ngoài khu vực Đại Tây Dương"[17]. Cần phải kiểm chứng thêm theo thời gian, nhưng cuộc chiến của Nga tại Ukraina cho thấy Trung Quốc cũng đang có những dấu hiệu triển khai các bước đi tương tự như: tạo nền tảng pháp lý cho việc triển khai quân đội cho xung đột bên ngoài lãnh thổ mà không gọi là chiến tranh; yêu cầu các cường quốc lùi xa khỏi vùng ảnh hưởng mà Nga và Trung Quốc yêu cầu; buộc tội các nước yếu hơn đúng những gì mà quốc tế đang chỉ trích họ (tấn công nước láng giềng nhưng giải thích là đang bảo vệ lợi ích của mình do bị nước kia tấn công!). Trên thực địa, Trung Quốc đang thực hiện các bước: chiếm các vị trí trên Biển Đông từ gần đến xa[18], duy trì sự hiện diện và tăng cường kiểm soát thực tế. Các tuyên bố chủ quyền được thể hiện qua luật nội địa. Việc bảo vệ chủ quyền sẽ do hệ thống chính trị, đối ngoại và quân sự thực hiện. Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp ngày 25/02/1992 của Trung Quốc quy định các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc và các vùng biển xung quanh được tính là lãnh hải[19]. Việc chiếm các vị trí được Trung Quốc tiến hành bằng gây hấn và vũ lực như tại Hoàng Sa năm 1956, 1974, tại Trường Sa năm 1988, 1992 và tại Scarborough năm 2012. Trung Quốc duy trì sự hiện diện bằng việc xây đảo nhân tạo, đưa quân đội đồn trú, tăng cường hải quân và hải cảnh, dân quân biển. Trung Quốc tăng cường kiểm soát thực tế trên biển bằng việc sử dụng tàu hải quân, hải cảnh, dân quân biển, tàu khảo sát triển khai các chuyến đi biển dài ngày, uy hiếp các nước có tranh chấp và gây sức ép với các nước duy trì quyền tự do đi lại trên biển. Đồng thời, các nhóm tàu hải quân Trung Quốc, trong đó có các tàu sân bay mới đưa vào biên chế, duy trì tập trận liên tục trên các vùng biển gần Đài Loan, Hoàng Sa và Trường Sa. |
Về sức mạnh quân sự, trong khoảng 30 năm, Trung Quốc đã phát triển được nền tảng trang bị cho không quân và hải quân với số lượng lớn hơn, hiện đại hóa và tầm chiến đấu xa hơn. Lục quân Trung Quốc cũng được tổ chức lại theo hướng cơ động và trang bị được cập nhật. Các tiêu chuẩn tổ chức quân đội, huấn luyện và chất lượng trang bị vũ khí của Trung Quốc ngày càng gần hơn với cách thức và tiêu chuẩn của Mỹ. Hiện tại, Trung Quốc chưa đi tới mức xung đột quân sự trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông và khu vực. Nhưng việc Trung Quốc xây sân bay quân sự sát biên giới Việt Nam[22], tăng cường chèn ép trên Biển Đông là không thể bị xem nhẹ, nhất là với tiền lệ hành xử sử dụng vũ lực của Nga và của chính Trung Quốc. Nói cách khác, với tiền lệ các cuộc chiến tranh với Trung Quốc trước đây, cuộc chiến tranh Nga - Ukraina hiện nay, thì xác suất xảy ra xung đột vũ trang với Trung Quốc không thể bằng không. Việt Nam vốn thiết kế chiến lược đối ngoại theo nguyên tắc "cân bằng" hay đúng hơn là neo chính trị, quân sự và kinh tế - đối ngoại theo ba hướng Trung Quốc, Nga và Mỹ cùng hệ thống thế giới có cùng hệ giá trị với Mỹ như Châu Âu, Nhật, Hàn, Đài Loan, Đông Nam Á, Úc, v..v. Việc neo theo ba hướng này được tính toán vào thời điểm xung đột giữa ba cường quốc này là có nhưng không quá gay gắt. Tuy không trung lập về chính trị do mô hình và hệ giá trị của Việt Nam vốn định hình từ sau 1950, Việt Nam muốn tránh bị cuốn vào xung đột giữa các nước lớn, cũng như tránh xung đột với các nước lớn nên áp dụng chiến lược trung lập về quốc phòng. Tuy nhiên, việc bị Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa khó có thể đảm bảo Việt Nam có thể hoàn toàn tránh xung đột với nước lớn này. Với bối cảnh thế giới và khu vực như vậy, liệu Việt Nam sẽ chấp nhận hay tránh được tình trạng là "vùng đệm an ninh" của Trung Quốc, hoặc trở thành "khu vực tranh giành ảnh hưởng" giữa các cường quốc? Chính sách "trung lập về quốc phòng" có thể giúp Việt Nam tránh bị can dự vào xung đột giữa các cường quốc nhưng Việt Nam có thể tránh được xung đột vũ trang, hoặc bị đe dọa xung đột vũ trang từ chính các cường quốc, khi Việt Nam là một quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, một trong ba cường quốc mạnh nhất hiện tại? Việc các cường quốc có xu hướng tối đa hóa an ninh và sức mạnh của mình khiến Việt Nam bị ảnh hưởng đến an ninh và quyền tự quyết ra sao? Các câu hỏi trên liên quan đến việc xác định, đánh giá các rủi ro về an ninh quốc gia, đặc biệt là liên quan đến các nền tảng quan trọng nhất là toàn vẹn chủ quyền và quyền tự quyết dân tộc. Một khía cạnh khác là vấn đề phát triển. Một quốc gia tồn tại được là nhờ phát triển. Nếu một quốc gia dân tộc phát triển chậm, hoặc không phát triển thì quốc gia ấy sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì sự tồn tại trong tương lai. Vì thế các câu hỏi đặt ra trong khía cạnh phát triển là: trong bối cảnh thế giới chuyển từ cân bằng "một cực" sang "ba cực" với đối đầu tăng lên, mô hình nào là tối ưu cho phát triển của Việt Nam? Hay nói một cách khác, liệu mô hình cân bằng neo chính trị, quân sự và kinh tế - đối ngoại theo 3 cường quốc là Trung Quốc, Nga và Mỹ hiện tại có đảm bảo sự phát triển đồng bộ cho Việt Nam trong thời gian tới? Việt Nam nhấn mạnh đến vấn đề nội lực, nhưng cụ thể nội lực ấy là gì? LÀ "VÙNG ĐỆM AN NINH" HAY "QUỐC GIA VỆ TINH": ĐỊNH MỆNH CHO THÂN PHẬN VIỆT NAM HAY LÀ MỘT KỊCH BẢN CÓ THỂ TRÁNH ĐƯỢC? Về phía Nga, theo như bản dự thảo thỏa thuận Nga - NATO mà Nga công bố ngày 17/12/2021[23], Nga cho rằng NATO không có quyền tập trung quân đội hay triển khai vũ khí tại các quốc gia không thuộc NATO trước 1997 và đặc biệt tại Ukraina, các nước Đông Âu, khu vực Nam Kavkaz (Caucasus) và Trung Á! Điểm này cho thấy Nga tự cho có quyền quy định rằng khu vực nêu trên ít nhất cũng là vùng đệm an ninh giữa Nga và NATO, nếu không nói là vẫn là khu vực ảnh hưởng của riêng Nga. Vấn đề là, nếu có nước nào trong khu vực mà Nga quy định không muốn nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga thì sao? Họ không thuộc Nga, không phải là một bộ phận của Nga, có chủ quyền và toàn quyền quyết định lựa chọn mô hình và xu hướng phát triển của mình, vậy tại sao Nga không "cho phép"? Nếu Trung Quốc cũng làm vậy, thay Nga bằng Trung Quốc, và dự thảo thỏa thuận Nga - NATO thành Trung Quốc - Mỹ (hay Trung Quốc - AUKUS, Nhật, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan) rằng Mỹ và đồng minh không có quyền triển khai lực lượng tại Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Biển Đông (các vùng xung quanh Trung Quốc) thì Việt Nam sẽ cảm thấy thế nào? Việt Nam có thấy Trung Quốc đang "quyết định hộ" Việt Nam không? Liệu Việt Nam có dần bị cô lập hóa, hay chuyển thành vùng ảnh hưởng của Trung Quốc nếu như Trung Quốc đủ sức mạnh yêu cầu Mỹ phải dành "vùng đệm" cho Trung Quốc như Nga đang yêu cầu? Khái niệm "vùng đệm " Khái niệm "vùng đệm", hay "vùng đệm chiến lược" nếu nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực "đệm", đã được phát triển trong nghiên cứu về an ninh quốc tế từ khá lâu, ít nhất là từ 1883 khi người Anh coi Afghanistan là "vùng đệm"[24]. Nicholas Spykman, tác giả của lý thuyết “Ai kiểm soát được vùng duyên hải sẽ kiểm soát được lục địa Á – Âu. Ai kiểm soát được lục địa Á – Âu sẽ nắm được vận mệnh thế giới"[25] đã định nghĩa "vùng đệm" là : “các thực thể chính trị nhỏ nằm giữa các nước lớn. Các thực thể này tồn tại vì chúng giúp ngăn cách các nước lớn và vì các mưu đồ muốn thâu tóm các nước này sẽ gặp phải sự kháng cự đáng kể, không phải bởi năng lực yếu kém của vùng đệm, mà bởi nước lớn kia. Từ góc nhìn của cường quốc, một vùng đệm chừng nào còn giữ được vị trí trung lập và độc lập, vùng đệm ấy còn đóng vai trò bảo vệ tương tự như một vành đai biên giới phòng thủ vững chắc nhưng ở quy mô rộng hơn nhiều và chi phí ít hơn đáng kể. Các quốc gia vùng đệm được sử dụng như một phương tiện phòng thủ là kết quả của sự phát triển lâu dài trong lịch sử. Các hình mẫu ban đầu là các vùng đất hoang biên giới, các vùng bị giải trừ quân bị, các vùng bán độc lập xuất hiện từ thời Trung Cổ. Về dài hạn, các quốc gia vùng đệm nhỏ dĩ nhiên là không thể tự bảo vệ trước các láng giềng mạnh hơn rất nhiều nhưng nó có thể đương đầu với một cuộc xâm lược, tạo lợi thế thời gian cho các quốc gia láng giềng khác huy động lực lượng và tạo điều kiện cho họ có thể tham chiến mà lãnh thổ không bị tàn phá"[26]. Xét trên khía cạnh địa lý, "vùng đệm" có thể là các quốc gia hay vùng lãnh thổ tiếp giáp với các nước mạnh. Các quốc gia "vùng đệm" nếu có vị trí địa lý thuận lợi cho các cường quốc, ví dụ như tiếp cận và kiểm soát hướng biển và các tuyến giao thông vận tải quan trọng, hay có đặc trưng địa lý có lợi cho phòng thủ, hoặc có nguồn nguyên liệu, nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lực về công nghệ, v..v, chắc chắn sẽ có giá trị cao hơn trong tính toán lợi ích của các cường quốc[27]. Với năng lực khoa học công nghệ hiện tại, ví dụ các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm xa, và với các đặc trưng của thị trường, ví dụ thị trường cung cấp các nguyên liệu đầu vào quan trọng hoặc thị trường tiêu thụ lớn, các khu vực "vùng đệm" không còn chỉ giới hạn ở các vùng lãnh thổ tiếp giáp với các cường quốc mà còn là ở các khu vực các cường quốc tranh giành ảnh hưởng. Tuy nhiên, khoa học công nghệ chỉ có thể khắc phục phần nào các rào cản địa lý, rút ngắn thời gian vận chuyển, liên lạc. Nhân tố địa lý vẫn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định các "vùng đệm" của các cường quốc. Theo Robert Kagan[28], một quốc gia khi trở thành cường quốc thì "luôn có xu hướng chi phối xung quanh, ít nhất là ở mức độ khu vực, và có xu hướng tạo dựng vùng ảnh hưởng của riêng mình". Do có sự cạnh tranh giữa các cường quốc và các tính toán an ninh quốc gia của các nước này dẫn đến nhu cầu tạo dựng một vùng đệm an ninh, càng lớn càng tốt, càng xa biên giới của chính các cường quốc càng tốt. Ngoài ra, kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, khi một số cường quốc làm chủ công nghệ răn đe hạt nhân, bao gồm đầu đạn, bom và các phương tiện phóng như tên lửa, máy bay và đặc biệt là tàu ngầm, chiến tranh trực tiếp giữa các cường quốc sở hữu năng lực răn đe hạt nhân này gần như được loại trừ. Do đó, trong trường hợp có xung đột dẫn đến chiến tranh, việc các cường quốc đều muốn chiến tranh không xảy ra trên đất mình, cũng như tránh xung đột trực diện, khiến cho các "vùng đệm" trở thành chiến trường với các bên tham chiến là các lực lượng ủy nhiệm và có thể là một hoặc nhiều cường quốc liên quan. Các lực lượng ủy nhiệm là các lực lượng tại chỗ, trong các quốc gia "vùng đệm" và chịu ảnh hưởng của một hoặc nhiều cường quốc. Hình thái của chiến tranh cũng đa dạng, từ chiến tranh phức hợp[29] đến chiến tranh quy ước giữa các quốc gia. Như vậy là, việc một quốc gia hay vùng lãnh thổ trở thành "vùng đệm" không phải là một mục tiêu tự thân, thậm chí có thể ngược với lợi ích của chính quốc gia đó, mà là dưới sức ép từ bên ngoài, từ lợi ích của bên ngoài. Nếu như các cường quốc tối đa hóa sức mạnh, tối đa hóa an ninh cho riêng họ thì đối với các nước xung quanh, an ninh và lợi ích quốc gia lại bị tối thiểu hóa do bị đặt trước mức độ rủi ro xung đột tăng lên. Câu hỏi đặt ra là: vì không phải là mục tiêu tự thân mà là lợi ích của các cường quốc, trong trường hợp nào các quốc gia nhỏ chấp nhận tình trạng "vùng đệm" và nếu không chấp nhận thì làm sao có thể thay đổi tình trạng này? Việc hình thành trạng thái "vùng đệm" là do quốc gia mạnh áp đặt điều kiện vùng đệm. Thường đó là quốc gia mạnh liền kề do thuận lợi về địa lí, nhưng nhìn chung đó là quốc gia mạnh hơn đã áp đặt thành công! Vì vậy, các quốc gia nhỏ chấp nhận trạng thái "vùng đệm" khi : i) Lợi ích quốc gia nhỏ trùng với lợi ích quốc gia lớn áp đặt điều kiện vùng đệm, hoặc ii) Quốc gia nhỏ không còn lựa chọn nào khác mà phải chấp nhận trở thành quốc gia "vùng đệm", chấp nhận sử dụng chuẩn mực, tiêu chí và hành xử mà quốc gia lớn áp đặt. Lựa chọn này khiến quốc gia "vùng đệm" có tính chất gần hơn với dạng quốc gia phụ thuộc, nửa độc lập. "Không chọn phe " và "chọn lẽ phải" trên Biển Đông : rủi ro bị trở thành "vùng đệm" hay thậm chí là "quốc gia vệ tinh"? Việt Nam có thể tránh được kịch bản này ? Trung Quốc hiện nay tuy vẫn là một nước "đang phát triển" nhưng sự thực đã là một cường quốc với đầy đủ các khái niệm: là trung tâm kinh tế thế giới, thị trường lớn, quân đội mạnh, ảnh hưởng chính trị quốc tế lớn. Nhưng một trong những lý do khiến thế giới phải chú ý nằm ở ba điểm: một là Trung Quốc có nền chính trị với hệ giá trị khác với khối đa số các nước theo đuổi hệ giá trị "tự do"; hai là Trung Quốc thúc đẩy tư tưởng về một thế giới "chung vận mệnh", một khái niệm gây tranh cãi do sự liên hệ với khái niệm "thiên hạ" trước đây của Trung Quốc; ba là Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ với hầu hết các quốc gia láng giềng. Sự khác biệt về quan niệm về trật tự và thể chế quốc tế, kèm với các lý do nền tảng liên quan đến an ninh quốc gia cũng như lịch sử sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp mà không thể bị tấn công nhờ năng lực răn đe hạt nhân khiến Trung Quốc trở thành nhân tố chính quyết định đến hòa bình và ổn định khu vực. Trung Quốc cố gắng tối đa hóa an ninh quốc gia và lợi ích quốc gia của họ khiến an ninh và lợi ích quốc gia của các nước xung quanh bị giảm đi. Trung Quốc muốn đẩy lùi nguy cơ xung đột ra càng xa lãnh thổ của họ càng tốt. Trong trường hợp này, Trung Quốc muốn Việt Nam nếu không phải là quốc gia phụ thuộc thì cũng phải đóng vai trò vùng đệm an ninh cho Trung Quốc. Cộng với thế đối đầu Trung-Mỹ, Việt Nam rất khó có thể thoát khỏi áp lực an ninh từ Trung Quốc. Đối với Việt Nam, dù Việt Nam luôn áp dụng các biện pháp ngoại giao mềm mỏng và tránh tối đa khiêu khích trước Trung Quốc, nhưng vì bản chất bất đối xứng trong mối quan hệ này[30], Việt Nam không thể kiểm soát mọi toan tính về an ninh quốc gia của Trung Quốc. Trong các rủi ro về an ninh trong quan hệ với Trung Quốc, có lẽ vấn đề "cái giá của hòa bình" hay "cái bẫy hòa bình bằng mọi giá" là một vấn đề cần nghiêm túc xem xét. "Giá của hòa bình" hay bẫy “Hòa bình bằng mọi giá" Trung Quốc không loại trừ kịch bản chiến tranh công nghệ cao, vốn luôn được Trung Quốc nhấn mạnh như là một trong những mục tiêu hiện đại hóa quân đội[31]. Với việc coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi, ngang hàng với các khu vực khác như Đài Loan, Tây Tạng, Hồng Kông, Tân Cương[32], song song với sự phát triển của năng lực quân sự trên thực địa Biển Đông[33], Trung Quốc sẽ còn tiếp tục gây áp lực rất lớn lên những quốc gia ven bờ, trong đó có Việt Nam, nhằm thỏa mãn được đòi hỏi của họ. Là thành viên thường trực Hội đồng bảo An Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc có thể ngăn chặn các hành động quốc tế chống lại chính mình, tương tự như gần đây với trường hợp của Nga tại Liên Hiệp Quốc. "Chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị"[34], vì thế rủi ro của việc Trung Quốc sử dụng chiến tranh nhằm đạt mục đích chính trị trong môi trường đối đầu giữa các cường quốc là không thể bằng không. Trung Quốc huấn luyện và tuyên truyền trong quân đội về các cuộc chiến khu vực với tính chất ngắn ngày và công nghệ cao. Để đạt lợi thế đàm phán hoặc dành lợi thế mà đàm phán không thể đạt được, không loại trừ việc Trung Quốc sử dụng các cuộc chiến tranh ngắn ngày. Không tính các cuộc chiến tranh với các lực lượng phi nhà nước, ví dụ các lực lượng Hồi giáo cực đoan hoặc chiến tranh sắc tộc, các trường hợp xảy ra chiến tranh giữa các lực lượng quân sự của các nhà nước gần đây như Nga -Georgia, Nga - Ukraina hay Azerbaijan - Armenia[35] cho thấy chiến tranh đều xảy ra khi một bên muốn đạt được lợi thế một cách nhanh chóng mà không thông qua đàm phán hay áp lực ngoại giao; hoặc khi đàm phán kéo dài; hoặc nhằm đạt lợi thế đàm phán sau đó. Một lý do khác cho việc quyết định tiến hành chiến tranh là sự chênh lệch rõ ràng về năng lực tác chiến và trang bị vũ khí của một bên. Điều này khiến cho bên gây chiến tin tưởng hơn vào khả năng chiến thắng và dứt điểm cuộc chiến trong thời gian ngắn nhất có thể. Trong khu vực, Trung Quốc hiểu rõ sự chênh lệch về năng lực tác chiến và trang bị của đối phương. Điều này kích thích Trung Quốc quyết đoán hơn trong việc quyết định triển khai chiến tranh khi có thời cơ. Thêm vào đó, là thành viên thường trực Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có quyền phủ quyết, Trung Quốc gần như có thể vô hiệu hóa các nghị quyết của Hội đồng Bảo An cho phép Liên Hiệp Quốc can thiệp hoặc lên án các hành động của họ. Một lý do nữa mà các nước gây chiến là để thúc đẩy hoặc ngăn chặn một xu hướng chính trị xã hội ở nước khác. Sự xa rời mô hình Nga của Ukraina trong 15 năm trở lại đây, tuy chưa rõ ràng, nhưng cũng đủ là một trong những lý do để Nga can thiệp trực tiếp bằng quân sự. Trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, hiện tại mô hình quản trị quốc gia của hai nước có nhiều tương đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội Việt Nam luôn cảnh giác trước các bước tiến của Trung Quốc trong việc kiểm soát lãnh thổ và chính sách, Trung Quốc có thể có lý do để can thiệp vào Việt Nam như là một sự ngăn chặn rủi ro chính trị[36]. Trong lịch sử gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng chiến tranh như một biện pháp để đạt mục đích, ví dụ như các trận chiến trên biển vào 1974 tại Hoàng Sa, 1987-1988 tại Trường Sa hay các cuộc chiến trên bộ như giai đoạn 1979-1991. Ngoài sử dụng hình thức chiến tranh truyền thống, Trung Quốc có thể đủ năng lực tiến hành các hình thức kiểu chiến tranh phức hợp như việc họ chiếm đá Vành Khăn trong khu vực Trường Sa năm 1995 hay bãi ngầm Scarborough năm 2012[37]. Về phía Việt Nam, cũng như hầu hết tất cả các quốc gia, Việt Nam cần hòa bình và muốn hòa bình để giữ được ổn định chính trị và môi trường phát triển kinh tế, xã hội[38]. Việt Nam có thể cũng nhận thức được các khó khăn khi phải tiến hành chiến tranh như sau: Điểm đầu tiên là sự khó khăn đối với can thiệp quốc tế do Trung Quốc là quốc gia sở hữu vũ khí răn đe hạt nhân chiến lược và nắm quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc Trường hợp chiến tranh Nga – Ukraina cho thấy không nước nào muốn can thiệp trực tiếp, đối đầu với một quốc gia sở hữu vũ khí răn đe hạt nhân chiến lược như Nga. Nga cũng tận dụng tối đa ảnh hưởng và quyền của họ tại Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là vị trí có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo An. Sự hỗ trợ quốc tế đối với Ukraina cũng chỉ tăng dần khi sự kháng cự của Ukraina đủ mạnh, đảm bảo chính phủ Ukraina không sụp đổ và có những cải thiện trên chiến trường. Kịch bản cực đoan là Trung Quốc tấn công các vị trí của Việt Nam hay của các nước khác trong quần đảo Trường Sa hoặc các bãi ngầm khu DK. Nếu Trung Quốc đồng thời tiến hành các hoạt động ngoại giao vận động cho họ, đặc biệt là khai thác vị thế thành viên Hội đồng Bảo An, thì có thể khả năng việc can thiệp của quốc tế chỉ đủ mạnh sau khoảng vài ngày đến một tuần với sự kháng cự của các quốc gia nạn nhân, đủ để Trung Quốc thu được lợi thế tính toán trên thực địa và kích thích bất an trong xã hội Việt Nam. Nguyên nhân tiếp theo là sự thiếu hụt về số lượng và chất lượng của vũ khí trang bị của Việt Nam Năng lực chiến đấu hiện tại của Việt Nam còn chưa kịp hiện đại hóa, chưa có được lợi thế so sánh trong chiến tranh ở các không gian đặc biệt như môi trường biển, trên không, những khu vực không có nhiều dân sinh sống và nhiều khả năng Việt Nam chưa có năng lực khắc chế, răn đe hiệu quả so với Trung Quốc. Hệ thống trang bị vũ khí "xương sống " - các hệ thống kiểm soát bầu trời, vùng biển và trên mặt đất, vẫn dựa vào hệ thống Liên Xô/Nga trước đây, với một phần rất nhỏ từ Mỹ do thu được từ Việt Nam Cộng hòa trước đây. Có nhiều hệ thống vũ khí là những hệ thống cũ và sắp đến hạn loại biên, ví dụ như máy bay tấn công mặt đất Sukhoi 22. Việt Nam hầu như chưa phổ cập hoặc chưa sẵn sàng sử dụng các hệ thống tác chiến tầm xa, tác chiến điện tử, tác chiến không người lái, tác chiến ngầm. Các cuộc chiến gần đây tại Ukraina hay tại khu vực Nagorno-Karabakh cho thấy các hệ thống vũ khí thời Liên Xô cũ không còn khả năng đối đầu hiệu quả trước các hệ thống vũ khí thế hệ mới, đặc biệt là tên lửa hành trình, máy bay không người lái tấn công, máy bay tàng hình thế hệ 5. Dù chất lượng con người vẫn là quan trọng nhất nhưng phương tiện và trang bị vượt trội có thể giúp một bên có thể giành lợi thế, đặc biệt là trong các cuộc chiến ngắn ngày. Việt Nam không đảm bảo được khả năng bù đắp số vũ khí hao hụt trong chiến tranh nhờ tự sản xuất hay do nhập khẩu từ bên ngoài Trong tình trạng chiến tranh bị bao vây, phong tỏa, Việt Nam rất khó có thể tự duy trì nguồn bổ sung vũ khí khẩn cấp đảm bảo. Trước đây, trong chiến tranh giai đoạn 1950-1975, một trong những lý do giúp Việt Nam giành thắng lợi là được viện trợ vũ khí với số lượng đủ đáp ứng nhu cầu mà nếu mua thương mại sẽ không bao giờ có[39]. Ngoài ra đường vận tải chiến lược bao gồm hàng hóa, vũ khí và năng lượng bằng đường bộ qua Trung Quốc luôn được đảm bảo với số lượng lớn. Ngược lại, trong giai đoạn đầu chiến tranh biên giới chống Trung Quốc, việc Liên Xô chỉ có thể hỗ trợ hạn chế như cầu hàng không trong điều kiện Trung Quốc không có phương tiện chế áp đường không cho thấy vấn đề duy trì nguồn cung từ bên ngoài sẽ có nhiều khó khăn trong tương lai nếu Việt Nam không thể tự chủ đảm bảo một số loại vũ khí có tính chất chiến lược, nếu có một xung đột quy mô lớn với Trung Quốc. Hiện tại, việc cung cấp vũ khí cho quân đội Việt Nam đều được thông qua các hợp đồng thương mại. Điều này cho thấy Việt Nam khó có thể đảm bảo mua được số lượng lớn do năng lực tài chính hạn chế. Ngoài ra, việc phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung từ Nga cũng khiến việc mua sắm khó khăn hơn do năng lực sản xuất của Nga có hạn, Nga cũng còn nhiều đơn hàng từ các nước khác. Đặc biệt, sau cuộc chiến Nga - Ukraina, Nga sẽ phải dành nguồn lực sản xuất bù đắp các khí tài hao hụt tại Ukraina. Mặt khác, Nga sẽ bị cô lập hơn sau cuộc chiến này, phải chịu nhiều trừng phạt hơn, ví dụ như đạo luật CAATSA của Mỹ, sẽ khiến cho việc mua vũ khí từ Nga sẽ gặp khó khăn hơn nhiều. Trong trường hợp Việt Nam có thể mua được trang bị đủ để bù đắp tiêu hao trong chiến tranh thì việc vận chuyển lượng trang bị này vào Việt Nam sẽ rất khó khăn trong bối cảnh không có đường bộ kết nối với quốc gia cung cấp, đường biển và đường không bị phong tỏa. Thực tế sử dụng vũ khí hạng nặng trên chiến trường Ukraina cho thấy việc tất cả các hệ thống xương sống của quân đội Việt Nam phụ thuộc vào một nguồn duy nhất là Nga sẽ khiến Việt Nam không thể tiếp nhận vũ khí, trang bị từ các quốc gia thuộc chuẩn kỹ thuật khác do vấn đề không tương thích và không được huấn luyện, tổ chức khai thác vũ khí thuộc hệ tiêu chuẩn khác. Nếu không đa dạng hóa nguồn cung "từ sớm, từ khi chưa nguy" thì điều này sẽ khiến Việt Nam không thể đảm bảo sức chiến đấu, dù có được quốc tế ủng hộ hay không trên thực tế. Việt Nam chưa sẵn sàng cho hình thái mới của chiến tranh công nghệ cao với máy bay không người lái, tên lửa dẫn đường độ chính xác cao Việt Nam chưa đưa vào biên chế rộng rãi các loại vũ khí mới của chiến tranh công nghệ cao như máy bay không người lái tấn công, tên lửa dẫn đường độ chính xác cao, các hệ thống cảnh báo sớm như vệ tinh và các hệ thống cảm biến thu thập thông tin trinh sát khác. Trong khi đó Trung Quốc đã xây dựng đồng bộ các hệ thống chiến đấu thế hệ mới sớm hơn Việt Nam rất nhiều, đặc biệt là Trung Quốc đã chuẩn bị năng lực nội địa cho nghiên cứu phát triển và chế tạo các hệ thống này. Với thực tế này, có thể thấy quân đội Việt Nam sẽ buộc phải tránh chiến tranh với Trung Quốc, quốc gia có nhiều khả năng có xung đột vũ trang với Việt Nam nhất hiện tại do các vấn đề tranh chấp biển đảo và căng thẳng địa chính trị, cũng như nhu cầu tạo vùng đệm an ninh của Trung Quốc. Trung Quốc chắc chắn ước lượng được hạn chế căn bản hiện nay của quân đội Việt Nam là năng lực chiến đấu và sự hạn chế trong hợp tác quốc phòng của Việt Nam với các nước khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trung Quốc có nhiều khả năng ước lượng được được hậu quả quân sự và chính trị của chiến tranh đối với Việt Nam, kể cả ngắn ngày và ở trên môi trường không có dân như môi trường biển. Vì thế nguy cơ lớn nhất không phải là chiến tranh mà là cái giá của hòa bình mà Trung Quốc đặt ra. Hiện nay, để tránh bị rơi vào trường hợp cần “hòa bình bằng mọi giá”[40] do quân đội không thể chấp nhận chiến tranh do khả năng thua thiệt rõ ràng, Việt Nam đang đẩy mạnh đối ngoại quốc phòng và bắt đầu đa dạng hóa nguồn cung. Tuy nhiên đối ngoại quốc phòng hạn chế ở trong các hoạt động thăm viếng, trao đổi thông tin mà chưa đi vào các hoạt động thực chất như huấn luyện, phối hợp tác chiến, đào tạo sĩ quan ở cấp chiến lược[41]. Ngoài ra, các hoạt động đa dạng hóa dựa trên nguồn cung Israel lại đang bị điều tra vì có các nghi ngờ tham nhũng[42] khiến cho việc đa dạng hóa khó thực hiện nhanh hơn. KẾT LUẬN Các phân tích về nhu cầu tạo "vùng đệm" của các cường quốc, cũng như về bẫy "hòa bình bằng mọi giá" cho thấy trong bối cảnh xung đột giữa các cường quốc, đặc biệt là Nga, Mỹ, Trung Quốc ngày càng gia tăng, rủi ro bị biến thành "vùng đệm" của các nước có năng lực bất đối xứng, có vị trí địa lí liền kề và có giá trị địa chính trị như Việt Nam là ngày càng cao. Để có thể thoát khỏi vị thế vùng đệm, Việt Nam cần có những tính toán chiến lược liên quan đến việc tạo dựng năng lực nội tại – cả về khoa học, công nghệ, quốc phòng, công nghiệp và đặc biệt là văn hóa, tạo dựng tính tương thích với các quốc gia có thể hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam, và đa dạng hóa đối tác nhằm giảm rủi ro phụ thuộc. ---------- Chú thích [1] Nhóm Biển Đông tại Pháp. Bài viết này dành cho Hội thảo "Biển Đông và vấn đề chủ quyền của Việt Nam tại Paris. 10 – 11 /062023". Bài viết bằng tiếng Việt. [2] Bộ Ngoại giao Liên bang Nga. 17/12/2023. Thỏa thuận về các biện pháp đảm bảo an ninh giữa Liên bang Nga và các thành viên Tổ chức Hiệp ước Đại Tây Dương. Bản dịch không chính thức. https://mid.ru/ru/foreign_policy/rso/nato/1790803/?lang=en [3] Bộ Ngoại giao Liên Bang Nga. 31/03/2023. Khái niệm về quan hệ quốc tế của Liên Bang Nga. Bản dịch không chính thức. https://mid.ru/en/foreign_policy/fundamental_documents/1860586/ [4] Liên Hợp Quốc, Hiệp định giữa Ukraina và Liên bang Nga về đường biên giới Ukraina – Nga, số đăng kí 54132, https://treaties.un.org/Pages/showDetails.aspx?objid=08000002803fe18a [5] Putin. 21/02/2022. Address to the People of Russia on the Donbas Problem and the Situation in Ukraine. http://en.kremlin.ru/events/president/transcripts/67828 [6] Ngày 27/06/2016, phái đoàn Trung Quốc tại EU đăng bài “Trung Quốc là nước đầu tiên khám phá Biển Đông và đặt tên các đảo”. Tương tự ngày 23/05/2016, đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đăng trên trang web của họ bài viết tuyên bố Trung Quốc qua nhiều thời kì không bao giờ từ bỏ chủ quyền của họ trên các đảo trên Biển Đông, với lí do Trung Quốc là nước đầu tiên khám phá, đặt tên cho các đảo và khai thác biển từ thời Tần, Hán. Các bài viết với nội dung tương tự được các cơ quan ngoại giao Trung Quốc đăng tải trên trang web chính thức ngay trước khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) công bố phán quyết liên quan đến Biển Đông vào tháng 7, 2016. Tham khảo: Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines. 23/05/2016. http://ph.china-embassy.gov.cn/eng/sgdt/201605/t20160523_1181823.htm Phái đoàn Trung Quốc tại EU. 27/06/2016. http://eu.china-mission.gov.cn/eng/more/SouthChinaSeaIssue160420001/201606/t20160627_8302844.htm Năm 2015, phó đô đốc Yuan Yubai, chỉ huy hạm đội biển Bắc của hải quân Trung Quốc, đã phát biểu tại hội thảo quốc tế của RUSI về cường quốc biển rằng biển Nam Trung Hoa, như tên của nó đã nói lên, là vùng biển thuộc Trung Quốc. Từ thời Hán, người Trung Quốc đã khai thác từ biển. Tham khảo: https://www.defensenews.com/digital-show-dailies/dsei/2015/09/15/uk-progress-pacific-tensions-key-naval-conference/ [7] Trung Quốc đã nhiều lần cáo buộc các nước ven bờ Biển Đông khai thác dầu khí là bất hợp pháp. Ví dụ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang trong họp báo thường kì ngày 17/05/2018 khi trả lời câu hỏi về hoạt động của Rostnef Việt Nam đã nói “không quốc gia, tổ chức, công ti hay cá nhân nào có thể, nếu không được chính phủ Trung Quốc cho phép, tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí trong các vùng biển của Trung Quốc. Chúng tôi yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc tôn trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Trung Quốc, không có bất cứ hành động nào gây ảnh hưởng đến quan hệ song phương, hòa bình khu vực và ổn định”. Tham khảo: https://www.fmprc.gov.cn/ce/ceun/eng/fyrth/t1560357.htm [8] Trong bài phát biểu tại Đối thoại kênh 2 Mỹ – Trung lần 6 về các vấn đề trên biển và luật pháp quốc tế, tổ chức ngày 16, 17/01/2018 tại Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc, chủ tịch Viện quốc gia nghiên cứu biển Nam Trung Hoa đã nói “theo góc nhìn của Trung Quốc, Việt Nam là nước có khả năng cao nhất trở thành “quân cờ” của Mỹ và Nhật để khuấy động tình hình biển Nam Hải. Không có một “kẻ phá hoại” tại chỗ, Mỹ và Nhật không có nhiều công cụ để áp đặt sự có mặt chính đáng và thực thi quyền lực trên vùng biển này ngoài việc đi lại ngang dọc không ngừng”. Các bên tổ chức Đối thoại kênh 2 bao gồm Viện quốc gia nghiên cứu biển Nam Trung Hoa của Trung Quốc, Viện nghiên cứu Mỹ – Trung (một think tank của Trung Quốc lập tại Washington DC) và Ủy ban quốc gia về quan hệ Mỹ – Trung (một think tank của Mỹ). [9] Bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu ngày 27/08/2020 “Quản lý tranh chấp biển có lợi cho Việt Nam” cho rằng chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Việt Nam chống Trung Quốc ảnh hưởng đến chính sách của Việt Nam. Bài báo cho rằng Mỹ cũng dùng chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam để chống Trung Quốc. Tham khảo: Global Times. 27/08/2020. Managing maritime disputes benefits Vietnam: Global Times editorial. https://www.globaltimes.cn/content/1199137.shtml Năm 2017, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh có nói “Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc. Chúng ta bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước nhưng vẫn phải bảo vệ hòa bình, ổn định chính trị, thành quả cách mạng và giữ quan hệ hữu nghị Trung Quốc, tăng cường phát triển toàn diện kinh tế - xã hội đất nước. Chúng ta tăng cường an ninh quốc phòng là để tự vệ, khi nào buộc phải tự vệ thì chúng ta mới tự vệ”. Tham khảo: https://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-ngoai/Xu-the-ghet-Trung-Quoc-nguy-hiem-cho-dan-toc-84289.html [10] Đã dẫn, xem [5] Ánh Ngọc. 22/02/2022. Bài phát biểu Putin vạch rõ quan điểm về Ukraine. VnExpress. https://vnexpress.net/bai-phat-bieu-putin-vach-ro-quan-diem-ve-ukraine-4430376.html [11] Zhang, X., 2015. Deng Xiaoping’s long war: the military conflict between China and Vietnam, 1979-1991, Chapel Hill, US: The University of North Carolina Press. [12] Aljazeera. 16/10/2022. Xi vows to strengthen China’s military as Party Congress begins. https://www.aljazeera.com/news/2022/10/16/xi-touts-zero-covid-policy-as-communist-party-congress-begins [13] US Department of State. 08/11/2010. Interview With Greg Sheridan of The Australian. https://2009-2017.state.gov/secretary/20092013clinton/rm/2010/11/150671.htm [14] Xinhua, 03/06/2022. 中央军委主席习近平签署命令发布《军队非战争军事行动纲要(试行)》(Xi Jinping, chairman of the Central Military Commission, signed an order to release the "Outline of Military Actions Other than War (Trial)"), http://www.news.cn/politics/leaders/2022-06/13/c_1128737844.htm Lưu ý rằng Mĩ cũng có quy định về các Hoạt động quân sự ngoài chiến tranh, triển khai từ 1995 đến 2006 với các mục tiêu chính là răn đe, hiện diện bên ngoài và xây dựng năng lực đối phó khủng hoảng. Đây là công cụ đối ngoại quốc phòng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Mĩ. Từ 2006, Mĩ hủy bỏ khái niệm này vì cho rằng môi trường chuyển liên tục từ hòa bình đến chiến tranh. Với Trung Quốc, các hoạt động quân sự ngoài chiến tranh là một trong ba vai trò của quân đội bên cạnh răn đe và chiến tranh. Tuy nhiên, do các hành động gây hấn thường xuyên của Trung Quốc với các nước xung quanh, cũng như sự tương đồng trong các phát biểu chính trị, đối ngoại của nước này với Nga, có nhiều lo ngại cho rằng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực trong tranh chấp với các nước khác nhưng không tuyên bố chiến tranh. James Siebens, Ryan Lucas. 03/10/2022. Military Operations Other Than War in China’s Foreign Policy. Stimson. https://www.stimson.org/2022/military-operations-other-than-war-and-chinas-foreign-policy/ [15] An Bình. 13/04/2023. Trung Quốc lần đầu công bố quy định tuyển quân thời chiến. Zing News. https://zingnews.vn/trung-quoc-lan-dau-cong-bo-quy-dinh-tuyen-quan-thoi-chien-post1421703.html Leng Shumei. 14/04/2023. China revises conscription work regulation. China Military. http://eng.chinamil.com.cn/CHINA_209163/TopStories_209189/16216790.html PTI. 13/04/2023. China rolls out new wartime recruitment rules amid tensions with Taiwan. Hindustan Times. https://www.hindustantimes.com/world-news/chinataiwan-tensions-china-rolls-out-new-wartime-recruitment-rules-101681386296311.html [16] Wu Shicun. 17/01/2018. Nam Hải : triển vọng 2018. Đối thoại kênh 2 Mĩ – Trung lần 6 về các vấn đề trên biển và luật pháp quốc tế tại Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc. http://en.nanhai.org.cn/index/research [17] Phái đoàn Trung Quốc tại EU. 03/04/2023. Toàn văn phỏng vấn độc quyền của đại sứ Phú Thông với Financial Times. http://eu.china-mission.gov.cn/eng/mh/202304/t20230404_11053811.htm [18] Trước những năm 1950, Trung Quốc hoàn toàn chưa chiếm được thực thể nào trên Biển Đông, trong khi ít nhất Việt Nam, khi đó do chính quyền thuộc địa Pháp đại diện, đã có mặt trên Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy Trung Quốc trả lại đảo Bạch Long Vĩ trong vịnh Bắc Bộ cho chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1957, Trung Quốc không trả lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa các đảo trong quần đảo Hoàng Sa sau khi dùng vũ lực chiếm được từ Việt Nam Cộng hòa năm 1956. Đến 1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm nốt phần còn lại của Hoàng Sa. Tiếp theo, Trung Quốc tiến xuống phía Nam và đến 1988 chiếm thêm 6 vị trí tại Trường Sa. Năm 1992, Trung Quốc chiếm thêm đá Vành Khăn thuộc Trường Sa. Sau khi chiếm được toàn bộ Hoàng Sa và một phần Trường Sa, Trung Quốc tiếp tục chiếm bãi Scarborough năm 2012. Hiện nay Trung Quốc tăng cường gây sức ép tại các bãi như Tư Chính (Vanguard bank), Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) và Luconia bên cạnh tiếp tục các hành động hiện diện tại các khu vực chưa có bên nào đóng quân trong Trường Sa như đá Ba Đầu, v..v. [19] Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp ngày 25/02/1992 https://www.un.org/depts/los/LEGISLATIONANDTREATIES/PDFFILES/CHN_1992_Law.pdf [20] Asia Maritime Transparency Initiative. 01/03/2022. What Lies Beneath: Chinese Surveys in the South China Sea. https://amti.csis.org/what-lies-beneath-chinese-surveys-in-the-south-china-sea/. [21] Asia Maritime Transparency Initiative. 30/01/2023. Flooding the zone: China Coast Guard patrols in 2022. https://amti.csis.org/flooding-the-zone-china-coast-guard-patrols-in-2022/ [22] Nguyen, H.T., The Implications of China’s Military Modernization for Vietnam’s Security, NBR Special Report no. 96, Jan 6, 2022. https://www.nbr.org/publication/the-implications-of-chinas-military-modernization-for-vietnams-security/ [23] Đã dẫn, xem chú thích [2] [24] Chay, J., Ross, T. E. (eds). 1986. Buffer states in world politics, NY: Taylor & Francis [25] Spykman, N., 1943. The geography of the Peace, NY: Harcourt, Brace and Company, Inc. [26] Spykman, N., 1942. Frontiers, security, and international organization, The geographical review, vol. 32, No. 3, Jun. 1942, p.440 of p. 436-447 [27] Chay, J., Ross, T. E. (eds). 1986. Buffer states in world politics, NY: Taylor & Francis [28] Kagan, R., 19/02/2015. The United States must resist a return to spheres of interest in the international system, The Brookings Institution, https://www.brookings.edu/blog/order-from-chaos/2015/02/19/the-united-states-must-resist-a-return-to-spheres-of-interest-in-the-international-system/ [29] Từ gốc tiếng Anh là “hybrid war”, một dạng chiến tranh trong đó mọi biện pháp được sử dụng nhằm đạt mục đích chính trị. Murray, W; Mansoor, P.R. (eds), 2012. Hybrid warfare: Fighting complex components from the ancient world to the present, NY: Cambridge University Press [30] Womack, B., 2006. China and Vietnam: the politics of asymmetry, NY: Cambridge University Press [31] The State Council Information Office of the People’s Republic of China. 05/2015. China’s Military Strategy (2015) [32] Xinhua, 29/07/2021. Chinese defense minister vows no concession in protecting national interests. http://www.xinhuanet.com/english/2021-07/29/c_1310092839.htm [33] Congressional Research Service, China Naval Modernization: Implications for U.S. Navy Capabilities—Background and Issues for Congress, March 8, 2022. https://crsreports.congress.gov/product/pdf/RL/RL33153/261 [34] Clausewitz, C. V., On War, trans. Howard, M., Paret, P., 1976. Princeton, NJ: Princeton University Press [35] Kucera, J., 11/11/2020. In Karabakh deal, as many questions as answers, Eurasianet. https://eurasianet.org/in-karabakh-deal-as-many-questions-as-answers Stronell, A., Learning the lessons of Nagorno-Karabakh the Russian way, IISS, 10/03/2021. | |||
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông |
Không có nhận xét nào