Header Ads

  • Breaking News

    Trung Quốc đã làm gì khiến NATO, Mỹ, đồng minh chú ý tới châu Á ...

     Trung Quốc đã làm gì khiến NATO, Mỹ, đồng minh chú ý tới châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam có thể tranh thủ ra sao

    Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London


    12/7/2023


    Trung Quốc đã làm gì khiến NATO, Mỹ, đồng minh chú ý tới châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam có thể tranh thủ ra sao


    Một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc (phải) bị cáo buộc chặn tàu tuần tra Malabrigo của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines, khi nó hộ tống một tàu tái tiếp tế của Hải quân Philippines nhiệm vụ gần Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông đang tranh chấp. 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP PHOTO / PHILIPPINE COAST GUARD (PCG) 

    NATO, Hoa Kỳ và các láng giềng châu Á của Trung Quốc đang quan ngại và cảnh giác với Bắc Kinh do nước này không tôn trọng luật pháp quốc tế.

    Sự trỗi dậy của TQ là mối lo của các nước

    Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu khách mời từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak, Singapore) nói với RFA Tiếng Việt hôm 12/7/2023 liên quan phản ứng mới đây của Trung Quốc khi Bắc Kinh lên tiếng ‘phản đối NATO đông tiến’.

    Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc tạo ra mối lo của các nước, bởi vì việc này không dựa nhiều vào những quan điểm mang tính pháp quyền, hiện đại, mặc dù diễn ngôn của Trung Quốc luôn luôn là ‘cộng đồng cùng chung vận mệnh’, ‘cùng thắng’ v.v…, nhưng trong thực hành của sự ‘trỗi dậy hòa bình’ của Trung Quốc, Trung Quốc tạo ra những mối lo ngại về an ninh với những đối tác với họ.

    Chúng ta thấy với hầu hết những nước láng giềng của họ, Trung Quốc đều có những mâu thuẫn về chủ quyền, biển đảo, từ Ấn Độ cho tới Việt Nam, Hàn Quốc, cho tới Đài Loan,” Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang nhấn mạnh.

    Do đó, vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, với mối lo ngại như thế, các nước có đủ lý do để lo ngại rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc nếu không đi theo một khuôn khổ nhất định, nó có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến an ninh, chủ quyền của họ và làm cho các nước lo lắng hơn về Trung Quốc…

     “Trung Quốc chỉ muốn dựa vào những diễn ngôn và sức mạnh của mình để cố gắng đẩy những chính sách làm sao cho có lợi nhất cho họ, như vậy với các nước xung quanh, khi đối diện với một cường quốc trỗi dậy với sức mạnh quân sự, kinh tế lớn mạnh như thế, họ có đủ lý do để lo ngại và đó là chuyện tương đối đương nhiên. Một vấn đề khác mà chúng ta thấy là với những nước như Mỹ, Mỹ có rất nhiều đồng minh, nhưng đối với Trung Quốc, chúng ta khó có thể tìm được một quốc gia khác mà được gọi là đồng minh trong những vấn đề liên quan chính trị, liên quan kinh tế, an ninh...”, Tiến sĩ Giang phân tích thêm.

    Hôm 11/7/2023, hãng Reuters, trong một bản tin phát đi từ Bắc Kinh, cho hay Bắc Kinh đã phản ứng trước điều được cho là cáo buộc của NATO cho rằng Trung Quốc ‘thách thức lợi ích và an ninh của khối này’, đồng thời Bắc Kinh phản đối bất kỳ nỗ lực nào của khối liên minh quân sự nhằm ‘mở rộng dấu ấn’ của NATO vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

    Hãng tin Anh dẫn nội dung từ một thông cáo được cho là có ngôn từ mạnh mẽ được đưa ra giữa hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại thủ đô Vilnius của Lithuania hôm thứ Ba, theo đó NATO phát biểu rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã ‘thách thức các lợi ích, an ninh và giá trị’ của tổ chức này bằng các ‘tham vọng và chính sách cưỡng chế’.

    "Trung Quốc sử dụng một loạt các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường dấu ấn toàn cầu và sức mạnh, trong khi vẫn không tường minh về chiến lược, ý định và xây dựng quân đội của mình", các nguyên thủ quốc gia khối NATO, được Reuters dẫn lời, cho biết trong một thông cáo.

    Vẫn theo hãng tin Anh hôm 11/7, phái bộ Trung Quốc tại châu Âu đã ra phát biểu trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng nội dung liên quan Trung Quốc của thông cáo bởi NATO đã “coi thường các sự thật cơ bản, bóp méo quan điểm và chính sách của Trung Quốc, đồng thời cố tình làm mất uy tín của Trung Quốc.”

    "Chúng tôi kiên quyết phản đối và từ chối điều này," phái bộ Trung Quốc tại châu Âu, được Reuters dẫn lời, nói.

    Trung Quốc không hài lòng, còn Việt Nam thì sao?

    Bình luận thêm về phản ứng này của Bắc Kinh, TS. Nguyễn Khắc Giang nói với Đài Á Châu Tự Do:

    “Có thể coi đây là một chuyện Trung Quốc có thái độ không mấy thân thiện với NATO, thứ hai là đặt trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy rất mạnh và có những tham vọng lớn về địa chính trị ở khu vực châu Á, từ đó họ cho rằng bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài, can thiệp về mặt hữu hình như là gửi quân vào, hay can thiệp về mặt phát ngôn, ví dụ các tàu chiến các nước có quyền tự do hàng hải di chuyển trên khu vực Biển Đông v.v…, với Trung Quốc đều là những hành động mang tính can thiệp từ bên ngoài vào hòa bình châu Á, theo quan điểm Trung Quốc.

    Vì thế, TS. Giang cho rằng khi chúng ta nhìn vào những diễn biến mới đây của hội nghị NATO ở Vilnius, thì Trung Quốc không mấy hài lòng, khi NATO có những động thái xích lại gần hơn nữa giữa những đối tác, đặc biệt với những đồng minh của Mỹ ở trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, như là Hàn Quốc và Nhật Bản. Với Trung Quốc, thái độ của họ tương đối dễ hiểu vì họ cho rằng bất cứ động thái nào của NATO, mà tên gọi là Khối Hiệp ước Liên minh Bắc Đại Tây Dương, thì việc khối này mở rộng bất kỳ tầm ảnh hưởng nào ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đều bị coi là hành động gây hấn và Trung Quốc tất nhiên không hài lòng với câu chuyện đó.”

    Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu này, sự hiện diện của một số khối hay ‘liên minh’ về chính trị hay an ninh với quy mô khác do Hoa Kỳ làm hạt nhân ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng đang làm Trung Quốc quan ngại, ông Nguyễn Khắc Giang nói tiếp:

    Theo tôi nghĩ, sự hiện diện của những khối hay liên minh mang tính quân sự như là QUAD hay AUKUS đều là những diễn biến mà Trung Quốc không hề mong muốn và họ luôn luôn phản đối những diễn biến như vậy, họ cho rằng những động thái đó ‘gây căng thẳng thêm’ về chính trị ở trong khu vực và ‘không có tác động tốt’ tới nền hòa bình ở trong khu vực. Tôi nghĩ tất nhiên Mỹ sẽ cố gắng thúc đẩy thêm những khối liên minh như vậy ở trong khu vực…

    Trong bối cảnh như vậy, đối với Việt Nam mà nói, sự hiện diện của những khối liên minh liên kết vùng mang tính nhỏ như là QUAD hay là AUKUS, trước hết, nếu chúng vẫn ở trong trạng thái hiện tại mà chưa lên mức như là khối NATO, hay lên khối liên minh quân sự (tương tự), với Việt Nam vẫn sẽ tương đối tích cực.

    Bởi vì càng thêm nhiều khối liên minh mang tính đa phương như thế, càng thêm nhiều khả năng cho Việt Nam có thêm những tiếng nói, có thêm tác động, thậm chí ngay cả khi Việt Nam không phải là thành viên của những nhóm, tổ chức ấy…” 

    Tiến sỹ Nguyễn Khắc Giang là Nghiên cứu viên khách mời tại Chương trình Nghiên cứu Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), Singapore, ông nhận bằng Tiến sĩ về Khoa học Chính trị tại Đại học Victoria ở Wellington, New Zealand. Ông cũng từng là trưởng nhóm nghiên cứu chính trị tại Viện NC Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

    https://www.rfa.org/vietnamese


    Không có nhận xét nào