Phạm Lê Đoan/VNTB
09/7/2023
“Đây là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nằm trong âm mưu, hoạt động của số phản động Fulro lưu vong nhằm thành lập Nhà nước Đề ga…”
Tại “Hội nghị đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến địa bàn Tây Nguyên” của bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư nói vụ khủng bố ở Đắk Lắk là “nhằm chống chính quyền nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nằm trong âm mưu, hoạt động của số phản động Fulro lưu vong nhằm thành lập Nhà nước Đề ga, gây ra bất ổn đối với Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung”.
Bà Mai khẳng định vụ việc mất an ninh, trật tự xảy ra ngày 11-6-2023 liên quan trực tiếp đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên.
Hội nghị diễn ra ở Hà Nội vào chiều ngày 07-07-2023.
Ở hội nghị này, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo tập trung điều tra vụ án “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” xảy ra ở Đắk Lắk, sớm đưa các đối tượng phạm tội ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Xâu chuỗi diễn biến có thể thấy rằng mặc dù vụ án vẫn ở giai đoạn “chỉ đạo tập trung điều tra”, song “định hướng” về bản án đã có khi nhân danh Thường trực Ban Bí thư, bà Trương Thị Mai cho rằng tổ chức “Nhà nước Đề ga” đứng đàng sau vụ khủng bố Tây nguyên vừa qua.
Hướng xử trí lâu dài vấn đề Tây nguyên, theo bà Trương Thị Mai, là, “Phải toàn tâm toàn ý, hết lòng hết sức làm thế nào để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thoát nghèo bền vững”.
Như vậy hiểu theo cách của tam đoạn luận, thì sở dĩ xảy ra vụ khủng bố Tây nguyên là do đời sống người bản địa nơi đây quá cơ cực, do vậy đã khiến một tổ chức chính trị có tên “Nhà nước Đề ga” nào đó “tận dụng” vào thực trạng ấy để kêu gọi làm một cuộc cách mạng thay đổi nhằm giúp người dân có cuộc sống tốt hơn.
Vấn đề đặt ra lúc này là nếu có một “Nhà nước Đề ga” như lời của Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, thì nhà nước ấy hiện nay ra sao, có phải là “Nhà nước Đề ga” từng được cho là phiên bản khác sau khi Fulro giải giáp?
Tài liệu cho biết, khi Liên Hợp Quốc đưa lực lượng UNTAC vào thực hiện giải pháp chính trị ở Campuchia, Fulro hầu như không còn chỗ dựa. Với sự chấp thuận của Hoa Kỳ, tháng 12-1992, toàn bộ số Fulro còn lại gồm 407 người kể cả phụ nữ và trẻ em, do Y Peng A Yun cầm đầu đã ra hàng UNTAC. Tại lễ hạ cờ đó, Y Peng A Yun đã chính thức tuyên bố chấm dứt hoạt động chính trị và vũ trang của Fulro, giao nộp vũ khí, và sau đó được người Mỹ đưa đi định cư ở bang Colorado.
Phía nhà chức trách Việt Nam cho rằng đến năm 2000, với một tổ chức được gọi là “Nhà nước Đề ga tự trị” được thành lập tại Hoa Kỳ, thực chất là muốn phục hồi lại lực lượng Fulro. Người đứng đầu “Nhà nước Đề ga tự trị” lúc đó là Ksor Kok.
Ông Ksor Kok là chủ tịch của Quỹ người Thượng, một tổ chức bắt đầu tại Đại học Chicago tuyên bố sứ mệnh của nó là “bảo vệ cuộc sống, quyền và văn hóa của các dân tộc người Thượng”. Chính phủ Việt Nam cho rằng Ksor Kok và Quỹ người Thượng đã đứng sau lưng các cuộc biểu tình bạo động của người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên bằng cách hứa sẽ đưa họ sang tỵ nạn ở Mỹ, nếu tham gia biểu tình và vượt biên sang Campuchia.
Sau một thời gian dài điều trị bệnh ung thư gan, Ksor Kok đã qua đời vào lúc 12 giờ ngày 9 tháng 1 năm 2019 tại Hoa Kỳ.
Phía Hà Nội cho rằng Hội thánh Tin Lành Đề ga Quốc tế, lấy tên là “International Dega Church” (viết tắt: IDC) do Y Duen Buondap thủ lĩnh, chính là một phiên bản tiếp nối sau khi Ksor Kok qua đời.
Ở đây, trong “phát biểu chỉ đạo” liên quan đến một vụ án khủng bố đang được điều tra, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã sử dụng cách gọi “Nhà nước Đề ga” cho thấy là bà đang muốn chỉ tổ chức của ông Ksor Kok, mà Quỹ người Thượng xem chừng rất khó có thể là tác giả của vụ khủng bố Tây nguyên, bởi đơn giản là pháp luật Hoa Kỳ không cho phép các khoản tài trợ như vậy.
Còn nếu vụ khủng bố liên quan đến IDC, xem chừng yếu tố tôn giáo mới là điểm yếu mà phía Việt Nam cần quan tâm bên cạnh chuyện đói nghèo vật chất của các sắc tộc ở Tây nguyên.
Không có nhận xét nào