Võ Thái Hà tổng hợp
Bộ trưởng Tài Chính Mỹ: « Không thể » tách rời kinh tế Hoa Kỳ với Trung Quốc
Trong ngày làm việc chính thức hôm 07/07/2023 tại Bắc Kinh, bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Janet Yellen tìm cách trấn an các tập đoàn Mỹ khi bác bỏ khả năng hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này « tách rời nhau » vì kịch bản đó sẽ « gây bất ổn cho kinh tế toàn cầu ».
Đăng ngày: 07/07/2023 - 12:20
Bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ, Janet Yellen, (G), trong cuộc họp với các thành viên của Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 07/07/2023. AP - Mark Schiefelbein
Thanh Hà /RFI
Trong cuộc gặp các doanh nhân Mỹ tại Phòng Thương Mại Hoa Kỳ ở Bắc Kinh, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen cho rằng trong kịch bản kinh tế Mỹ « tách rời » kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế thế giới sẽ bị bất ổn. Đồng thời, bà Yellen chỉ trích chính quyền Bắc Kinh trong thời gian gần đây đã có những hành vi trừng phạt các doanh nghiệp Mỹ, thông báo hạn chế xuất khẩu một số kim loại chiến lược.
Các phát biểu của bộ trưởng Tài Chính Mỹ được đưa ra vào lúc có nhiều chính khách tại Washington kêu gọi giảm thiểu mức độ lệ thuộc của kinh tế Mỹ vào Trung Quốc « trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị » hiện nay.
Tuyên bố của bộ trưởng Tài Chính Mỹ thu hút sự chú ý của giới quan sát. Một chuyên gia Trung Quốc thuộc Viện Khoa Học Xã Hội tại Bắc Kinh được AFP trích dẫn giải thích, « trong chính quyền Biden, bà Yellen là người có đầu óc thực dụng nhất và chuyến công tác của bà cho phép hai bên xích lại gần nhau ». Giờ đây Trung Quốc và Hoa Kỳ « bắt đầu xây dựng lại » mối quan hệ song phương.
Dù vậy, chính bộ trưởng Tài Chính Mỹ ghi nhận, chuyến đi của bà là « cơ hội để trao đổi, tránh để xảy ra những hiểu nhầm » vào lúc mà hồ sơ công nghệ bán dẫn là cái gai trong quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đầu tuần, Bắc Kinh thông báo từ ngày 01/08 sẽ hạn chế xuất khẩu kim loại hiếm mà Mỹ và phương Tây đang cần để sản xuất chíp điện tử. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc liên tiếp cho mở điều tra và khám xét trụ sở của nhiều công ty nước ngoài.
Theo chương trình nghị sự, hôm nay bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ, sẽ gặp thủ tướng Lý Cường, với cựu phó thủ tướng Lưu Hạc, và thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc Dị Cương (Yi Gang). Một quan chức Mỹ được AFP trích dẫn, cho biết Janet Yellen « thảo luận về viễn cảnh kinh tế thế giới » và tình hình kinh tế của Mỹ cũng như của Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thăm Trung Quốc
Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen (Phải) bắt tay với Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns (Trái) trong sự chứng kiến của quan chức Trung Quốc Dương Anh Minh sau khi bà Yellen đến Phi trường Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh hôm 06/07/2023. (Ảnh: Mark Schiefelbein/POOL/AFP qua Getty Images)
Đã hơn bốn năm kể từ lần cuối cùng quan chức kinh tế hàng đầu của Mỹ đến thăm Trung Quốc. Tuần này bộ trưởng tài chính Janet Yellen sẽ bù đắp cho khoảng thời gian đó bằng chuyến đi Bắc Kinh kéo dài từ thứ Năm đến Chủ nhật. Nhưng một vài ngày họp cấp cao không thể bao quát hết, chứ chưa nói đến giải quyết, tất cả các vấn đề đang làm xấu đi mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Song dù sao thì đối thoại vẫn là điều tốt.
Được xem là thành viên nội các Joe Biden thân thiện nhất với Trung Quốc, bà Yellen là người thích hợp để nối lại quan hệ. Bà nhiều khả năng sẽ nói với các đối tác Trung Quốc của mình, bao gồm phó thủ tướng phụ trách kinh tế Hà Lập Phong, rằng Mỹ vẫn muốn có quan hệ thương mại sâu sắc. Nhưng giới chức Trung Quốc biết rõ phe diều hâu an ninh đang thống trị Washington, và những con bồ câu như bà Yellen ngày càng hiếm.
Những dấu hiệu trái ngược từ thị trường việc làm Mỹ
Thị trường việc làm Mỹ có lẽ là biến số quan trọng nhất của kinh tế toàn cầu ngày nay. Nếu tuyển dụng vẫn vững chắc, Cục Dự trữ Liên bang có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất, bất chấp nguy cơ gây ra hỗn loạn tài chính. Nhưng nếu thất nghiệp tăng lên, Fed sẽ ngừng thắt chặt để giải thoát cho tăng trưởng.
Nhưng trước mắt mọi thứ không quá rõ ràng: thị trường việc làm có thể vẫn đủ mạnh để Fed một lần nữa tăng lãi suất, nhưng cũng tiềm ẩn những dấu hiệu cho thấy Fed đang đi quá xa. Một loạt dữ liệu được công bố vào thứ Sáu dự kiến cho thấy số việc làm mới trong tháng 6 đã giảm so với các tháng trước, dù vẫn vượt trội tiêu chuẩn lịch sử. Đồng thời, thất nghiệp có thể đã tăng lên. Nhưng tăng trưởng tiền lương nhanh vẫn có thể dẫn tới lạm phát cao. Trong môi trường hiện tại, thật khó cho Fed để có thể cân bằng các chính sách phù hợp.
Những dấu hiệu tốt của kinh tế Đài Loan
Hầu hết chất bán dẫn trên thế giới, có trong mọi thứ từ điện thoại thông minh cho đến vũ khí tiên tiến của Mỹ, được sản xuất tại Đài Loan. Hòn đảo này cũng xuất khẩu máy tính cá nhân và các linh kiện điện tử khác. Hiện nhu cầu công nghệ trên toàn cầu suy giảm, phần lớn do lạm phát, đang tạo áp lực cho nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của nước này. Xuất khẩu đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái trong 9 tháng liên tiếp, khiến Đài Loan rơi vào suy thoái. Vào thứ Sáu, bộ tài chính sẽ công bố số liệu thương mại mới nhất.
Ngân hàng Singapore DBS ước tính xuất khẩu của Đài Loan đã giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 6 – một bước cải thiện nhẹ từ 14,1% của tháng 5. Và giới phân tích cũng mong đợi kinh tế Đài Loan nhìn chung có cải thiện hơn, phần nào nhờ làn sóng AI đang giúp thúc đẩy xuất khẩu. Và việc chấm dứt phong toả trong đại dịch đã thổi bùng sức sống mới cho các nhà hàng, cửa hàng và các dịch vụ khác của hòn đảo. Thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong 22 năm vào tháng 4, và tăng trưởng kinh tế có thể trở lại vùng dương vào quý 3, theo DBS.
OpenAI lần đầu bị kiện liên quan đến vấn đề bản quyền
(Nguồn: rafapress/Shutterstock)
Hai tác giả đã đệ đơn kiện tập đoàn OpenAI với cáo buộc rằng các cuốn sách có bản quyền của họ đã được sử dụng để đào tạo ứng dụng ChatGPT, công cụ trò chuyện được hỗ trợ bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vốn gây nhiều chú ý trước nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian qua, theo tờ CNBC.
Nguyên đơn là Paul Tremblay, tác giả cuốn “The Cabin at the End of the World” và Mona Awad, tác giả cuốn “Bunny” và “13 Ways of Looking at a Fat Girl”. Đơn kiện có nội dung nói rằng ChatGPT đã tạo ra “những bản tóm tắt rất chính xác” về tác phẩm của họ mà không có sự cho phép của tác giả và đó là hành vi vi phạm bản quyền.
Vụ kiện được gửi lên tòa án liên bang San Francisco vào tuần trước. Trong đó, hai tác giả cáo buộc rằng dữ liệu đào tạo của OpenAI sử dụng “nhiều” tài liệu có bản quyển, bao gồm các tác phẩm của Tremblay và Awad. Tuy nhiên, khó có thể chứng minh được một cách chính xác liệu các tác giả chịu thiệt hại tài chính như thế nào từ hoạt động như vậy của ChatGPT.
ChatGPT là ứng dụng AI tạo sinh có khả năng vượt trội hơn các ứng dụng chatbot được tạo ra trước đây. Được phát triển bởi tập đoàn OpenAI có trụ sở ở San Francisco, ứng dụng này có thể tự động tạo ra văn bản dựa trên những yêu cầu của người dùng. Tuy nhiên, OpenAI không cho biết những dữ liệu chính xác nào được sử dụng để đào tạo ChatGPT. Tập đoàn này nói rằng họ thường thu thập thông tin từ các trang web, bao gồm sử dụng các cuốn sách được lưu trữ và bách khoa toàn thư mở trực tuyến đa ngôn ngữ Wikipedia.
Andres Guadamuz, người nghiên cứu mảng luật sở hữu trí tuệ tại Đại học Sussex, cho biết đây là vụ kiện đầu tiên đối với ChatGPT liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Ông Guadamuz nhận định rằng vụ kiện này sẽ làm bộc lộ những ranh giới pháp lý không rõ ràng trong quá trình sử dụng các ứng dụng AI tạo sinh hiện nay trên thế giới.
Phan Anh
Ông Zelensky muốn NATO nêu rõ ý định kết nạp Ukraine
Tổng thống Zelensky kêu gọi NATO có động thái rõ ràng hướng đến việc kết nạp Ukraine khi liên minh họp thượng đỉnh ở Litva tuần sau.
“Chúng tôi đang nói về một tín hiệu rõ ràng, điều gì đó chắc chắn theo hướng sẽ có lời mời”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại cuộc họp báo với người đồng cấp Czech Petr Pavel ở Prague ngày 6/7. “Chúng tôi cần có động lực. Chúng tôi cần có sự trung thực trong các mối quan hệ của mình”.
Theo ông Zelensky, công thức kết nạp thành viên được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2008, rằng cánh cửa liên minh “vẫn để mở” và Ukraine cuối cùng cũng sẽ trở thành thành viên, là chưa đủ.
“Chúng tôi cần một tín hiệu rõ ràng. Ukraine sẽ vào liên minh, không phải cánh cửa vẫn để mở – như vậy là chưa đủ”, ông Zelensky cho biết thêm.
Ông Pavel, cựu lãnh đạo Ủy ban Quân sự NATO, nói đàm phán về việc Ukraine gia nhập liên minh nên bắt đầu ngay khi xung đột ở nước này kết thúc.
“Ukraine sẽ ngồi cùng các nước NATO một cách bình đẳng, tương tác giữa NATO và Ukraine sẽ đạt cấp độ mới”, theo Tổng thống Pavel. Ông cho biết Ukraine “không chỉ phản công mà còn cho thấy Nga không mạnh mẽ như những gì họ đang cố thể hiện”. Advertisement
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp báo ở Prague, Cộng hòa Czech ngày 6/7. Ảnh: Reuters
Ông Zelensky tới Czech tối ngày 6/7, sau chuyến thăm Bulgaria cùng ngày để bàn về vấn đề an ninh và hội nghị thượng đỉnh NATO, dự kiến diễn ra ở Litva tuần sau. Cố vấn ngoại giao của tổng thống Ukraine nói Kiev đã được Sofia ủng hộ gia nhập NATO “ngay khi điều kiện cho phép”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc ông Zelensky đang làm mọi cách để có thể lôi kéo nhiều quốc gia nhất vào xung đột. Ông Peskov cho biết những cuộc thảo luận mà ông Zelensky thực hiện như ở Bulgaria sẽ không ảnh hưởng đến kết quả chiến dịch của Nga ở Ukraine.
Tổng thống Zelensky ngày 30/9/2022 ký đơn xin gia nhập NATO, yêu cầu liên minh nhanh chóng kết nạp Ukraine. Tuy nhiên, các thành viên NATO vẫn chia rẽ về việc kết nạp nên diễn ra nhanh thế nào, với một số nước lo ngại động thái có thể đẩy liên minh đến gần một cuộc xung đột với Nga.
Ukraine tháng 5 “thừa nhận thực tế” họ sẽ không thể gia nhập NATO khi chưa chấm dứt xung đột với Nga. Tổng thư ký NATO cuối tháng 6 nói điều quan trọng là phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine chống lại Nga, đồng thời các đồng minh NATO sẽ vạch lộ trình để Kiev trở thành thành viên liên minh.
Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố ngăn Ukraine gia nhập NATO là một trong những mục tiêu chính của Nga. Moskva coi đà hướng đông của NATO là một trong những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng, buộc Nga phải phát động chiến dịch ở Ukraine.
Các nghị sĩ Pháp kêu gọi cấm ứng dụng TikTok
(Ảnh minh họa: Henrik A. Jonsson/Shutterstock)
Hôm 6/7 vừa qua, các nghị sĩ Pháp kêu gọi chính phủ cấm TikTok nếu ứng dụng chia sẻ video này không làm rõ cơ cấu quản lý hiện nay, theo tờ Politico.
Động thái này diễn ra sau khi chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng mạng xã hội là nơi “tiếp tay” cho các vụ bạo loạn trong gần một tuần qua.
Một ủy ban điều tra của Thượng viện Pháp được thành lập nhằm xem xét cách thức xử lý dữ liệu và “chiến lược gây ảnh hưởng” của ứng dụng TikTok. Trong bản khuyến nghị mới nhất, ủy ban trên nhấn mạnh cho TikTok thời hạn đến tháng 1/1/2024 để làm rõ các mối liên hệ của nền tảng mạng xã hội này, nếu không sẽ cấm cửa tại Pháp và có thể cả ở châu Âu.
Ủy ban trên đã tổ chức các cuộc điều trần trong 4 tháng qua, đề nghị các nhà điều hành TikTok nêu rõ cơ cấu quản lý nền tảng này, đồng thời yêu cầu cải thiện việc kiểm duyệt nội dung và đưa ra giới hạn độ tuổi người dùng phù hợp nếu không sẽ đình chỉ việc hoạt động của TikTok tại Pháp.
Những phát hiện của ủy ban điều tra trên hoàn toàn độc lập với các cơ quan chuyên môn của chính phủ. Tuy nhiên, quan điểm đối với các nền tảng truyền thông xã hội đã trở nên cứng rắn hơn sau khi Tổng thống Macron tuyên bố có thể cấm các nền tảng này nếu nước Pháp lại đối mặt với bạo loạn lan rộng như gần đây.
Theo Tổng thống Macron và các bộ trưởng trong Chính phủ Pháp, các mạng xã hội bao gồm cả TikTok đã lan truyền hình ảnh về những đêm bạo lực sau vụ cảnh sát bắn chết một thanh niên 17 tuổi không tuân thủ hiệu lệnh ở ngoại ô Paris vào cuối tháng 6 vừa qua.
Các thượng nghị sĩ cũng ủng hộ ý tưởng chặn mạng xã hội trong thời điểm khủng hoảng và đề xuất TikTok buộc phải tăng cường kiểm duyệt trong trường hợp bạo lực bùng phát trong tương lai. Các khuyến nghị này có thể được xem xét bổ sung thành các điều luật trong mùa thu năm nay, từ đó có thể áp dụng đối với các nền tảng truyền thông xã hội khác.
Trước đó, TikTok đã bị cấm tại tiểu bang Montana của Mỹ cũng như phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ tại nhiều nước.
Phan Anh
Lãnh đạo Mỹ – Trung nói gì tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sau vụ binh biến Wagner?
Dorothy Li • Frank Fang
Hôm thứ Ba (4/7), Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có những phát biểu đầu tiên tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sau cuộc binh biến chớp nhoáng của nhóm Wagner. Cuộc nổi dậy chóng vánh này vốn có tác động về mặt chính trị đối với cả hai quốc gia.
Cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một khối quyền lực khu vực do Trung Quốc và Nga lãnh đạo nhằm chống lại sự bành trướng của phương Tây ở Trung Á.
Tổng thống Nga đã ca ngợi sự ủng hộ của SCO đối với Điện Kremlin một trong cuộc nổi dậy chớp nhoáng hồi tháng trước.
“Tôi muốn nhân cơ hội này cảm ơn các đồng nghiệp của tôi từ các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, những người đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các hành động của giới lãnh đạo Nga nhằm bảo vệ trật tự hiến pháp cũng như tính mạng và sự an toàn của công dân Nga. Chúng tôi đánh giá cao điều này”, ông Putin nói trong hội nghị truyền hình từ Điện Kremlin.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì, người vừa kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ, ông chủ Điện Kremlin khẳng định Moscow sẽ tiếp tục “chống lại áp lực, các biện pháp trừng phạt và khiêu khích từ bên ngoài”.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết Moscow dự định tăng cường quan hệ với các thành viên SCO và tăng tỷ lệ thanh toán bằng tiền tệ quốc gia. Theo ông Putin, hơn 80% giao dịch thanh toán giữa Nga và Trung được thực hiện bằng đồng rúp và nhân dân tệ, đồng thời tỷ lệ tiền tệ của Nga trong các giao dịch xuất khẩu với các quốc gia thành viên SCO khác vào năm 2022 đã vượt quá 40%.
Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan đều là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và là thành viên của SCO. Pakistan gia nhập tổ chức này vào năm 2017. Belarus cũng là một ứng cử viên cho tư cách thành viên của SCO.
Phát biểu của ông Putin tại cuộc họp trực tuyến hôm 4/7 đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên của ông tại một cuộc họp quốc tế kể từ khi lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga nổi dậy vào tháng trước.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã nâng ly chúc mừng ông Putin và tái khẳng định mối quan hệ đối tác “không giới hạn” với nhà lãnh đạo Nga trong chuyến thăm tới Moscow hồi tháng 3, vẫn chưa công khai gặp ông Putin. Một số nhà quan sát Trung Quốc cho rằng cuộc nổi dậy vũ trang, dù ngắn ngủi, song đã “làm rạn nứt” liên minh do Trung Quốc lãnh đạo đang tìm cách đảo lộn trật tự quốc tế.
Hôm 24/6, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn im lặng khi lãnh đạo Tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin phát động một cuộc nổi dậy chống lại ông Putin. Nhà lãnh đạo Nga đã gọi động thái này là hành động “đâm sau lưng”.
Ông Prigozhin và quân của ông đã chiếm được Rostov-on-Don, một trung tâm hậu cần trọng yếu cho các nỗ lực quân sự của Nga ở Ukraine, và hành quân được hàng trăm km về phía Moscow chỉ trong vòng 24 giờ.
Chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên đề cập đến cuộc nổi dậy hỗn loạn sau khi quân của ông Prigozhin trở về căn cứ của họ theo thỏa thuận với Điện Kremlin
“Đây là công việc nội bộ của Nga. Với tư cách là nước láng giềng thân thiện và đối tác chiến lược toàn diện của Nga trong việc phối hợp trong kỹ nguyên mới, Trung Quốc ủng hộ Nga duy trì ổn định quốc gia và đạt được sự phát triển và sự phồn vinh”,một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố hôm 25/6.
Bình luận ngắn gọn trên được đưa ra sau cuộc gặp ngày 25/6 tại Bắc Kinh giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Andrei Rudenko.
Cuộc nổi dậy của Wagner ‘thực sự khiến Bắc Kinh khiếp sợ’
Theo ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), một thành viên cấp cao và là Giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Hudson, cuộc nổi dậy của Wagner có những tác động đáng kể đối với giới lãnh đạo Trung Quốc.
“Điều quan trọng nhất là cuộc nổi dậy của ông Prigozhin đã tạo ra một giải pháp thay thế cho một chế độ rất không được lòng dân. Đây là điều mà ĐCSTQ lo ngại nhất. Nghĩa là, bất kỳ rạn nứt nào kiểu Wagner trong hệ thống [quyền lực] của Trung Quốc sẽ là một mối đe dọa đối với chính quyền ông Tập Cận Bình”, ông Dư cho biết hôm 27/6.
Ngoài ra, ông Dư Mậu Xuân lập luận rằng cuộc nổi dậy “thực sự khiến giới lãnh đạo Trung Quốc hoảng sợ” vì chế độ này rất lo sợ những người đảo chính.
“Ngăn chặn đào tẩu là ưu tiên hàng đầu của hầu hết các chế độ Trung Quốc kể từ những năm 1950. Mỗi khi một người đào tẩu đáp máy bay tới Đài Loan hoặc Hàn Quốc, điều đó gây ra một cơn địa chấn chính trị lớn trong chính phủ Trung Quốc”, ông Dư nói.
Ông Dư Mậu Xuân, người từng là cố vấn cấp cao về chính sách và hoạch định về Trung Quốc cho Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là ông Mike Pompeo, nói thêm rằng “nỗi sợ hãi về một cuộc đảo chính là rất thực đối với ông Tập”, vì ông Tập đã thanh trừng nhiều tướng lĩnh Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2022.
Ví dụ: ông Dư chỉ ra những yếu điểm của các cựu chỉ huy quân sự cấp cao của Trung Quốc là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu. Hai nhân vật này được biết đến vì lòng trung thành với cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Ông Dư Mậu Xuân giải thích rằng do lo sợ xảy ra đảo chính quân sự, ông Tập đã quyết định cấm các sĩ quan quân đội Trung Quốc liên lạc với nước ngoài, đồng thời giải thích lý do ông Tập từ chối đề xuất của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken về việc nối lại đường dây liên lạc trực tiếp khi hai người gặp nhau ở Trung Quốc vào tháng trước.
“Tôi cho rằng hiện tại, việc bất kỳ sĩ quan Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) nào liên lạc với các thực thể chính phủ nước ngoài và các đối tác của họ là điều tuyệt đối cấm kỵ”, ông Dư cho hay.
Phát biểu qua một liên kết video từ Bắc Kinh hôm 4/7, ông Tập đã kêu gọi các quốc gia thành viên sát cánh cùng nhau và tuyên bố kiên quyết phản đối “bất kỳ sự can thiệp nào vào công việc nội bộ của bất kỳ quốc gia nào”, ám chỉ đến Mỹ và các đồng minh của họ.
Ông Tập nói thêm: “Chúng ta phải hết sức thận trọng trước các thế lực bên ngoài đang kích động một cuộc ‘chiến tranh lạnh mới’ trong khu vực và kích động xung đột giữa các phe phái”.
Theo một thông cáo từ Bộ Ngoại giao Bắc Kinh, nhà lãnh đạo ĐCSTQ cũng kêu gọi các quốc gia thành viên tập trung vào “hợp tác thiết thực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Trước hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 4/7, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã gặp Đô đốc Hải quân Nga Nikolai Yevmenov tại Bắc Kinh, trong đó ông Lý đã tái khẳng định mối quan hệ của ĐCSTQ với quân đội Nga.
ĐCSTQ hy vọng hải quân hai nước có thể “tăng cường liên lạc ở mọi cấp độ”, “tổ chức các cuộc tập trận chung, tuần tra và thi đấu một cách thường xuyên” và “mở rộng hợp tác thực tế”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc dẫn lời ông Lý Thượng Phúc cho biết.
‘Đồng lõa trong các hành vi man rợ’
Ông Blinken, quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào năm 2021, đã dành hai ngày ở Trung Quốc vào tháng 6, kết thúc chuyến thăm của mình bằng một “cuộc hội đàm mạnh mẽ” với ông Tập.
Tuy nhiên, mối quan hệ Mỹ – Trung vốn được cho là được cải thiện đã trở nên tồi tệ hơn chỉ một ngày sau chuyến thăm của ông Blinken, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi ông Tập là “nhà độc tài”, một nhận xét đã dấy lên sự phản đối từ ĐCSTQ.
Trong khi đó, trên Twitter, một số thành viên Đảng Cộng hòa đã hoan nghênh ông Biden vì đã nói lên sự thật.
“Trung Quốc muốn ông Joe Biden xin lỗi, nhưng ông Biden đã nói sự thật. Ông Tập Cận Bình LÀ một nhà độc tài”, cựu Thống đốc Nam Carolina Nikki Haley, người đang tìm kiếm đề cử của Đảng Cộng hòa cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024, viết trên Twitter.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan viết: “Bất chấp những phản đối gần đây từ ĐCSTQ, Tổng thống Biden đã hiểu đúng: Ông Tập là một nhà độc tài”.
Vai trò của Trung Quốc trong cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine từ lâu đã khiến ngoại giới nghi ngờ. Hoa Kỳ đã trừng phạt một số thực thể Trung Quốc vì hỗ trợ các ngành công nghiệp quốc phòng và quân sự của Nga.
Ngày 1/7, tờ Nikkei Asia đăng tải cuộc điều tra của riêng mình, cho rằng các công ty Nga đã nhập khẩu ít nhất 37 máy bay không người lái dân dụng từ Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 4/2023.
Theo các tài liệu thông quan, những chiếc máy bay không người lái này được mua “để sử dụng trong hoạt động quân sự đặc biệt”, một thuật ngữ mà ông Putin đã đề cập đến cuộc chiến của Điện Kremlin ở Ukraine. Theo ấn phẩm, một số máy bay không người lái nhập cảng được sản xuất bởi DJI, nhà sản xuất máy bay không người lái lớn nhất thế giới.
Vào tháng 10/2022, Lầu Năm Góc đã liệt DJI vào danh sách “các công ty quân sự Trung Quốc”.
Ông Gordon Chang, một học giả cấp cao tại Viện Gatestone, đã gọi ông Tập là “tội phạm chiến tranh” trên Twitter để đáp lại những phát hiện của hãng tin này.
Ông Chang nói: “Chính quyền ĐCSTQ đã đồng lõa với các hành động man rợ của lực lượng Nga khi trực tiếp và liên tục hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine. Cả ông Tập Cận Bình và ông Vladimir Putin đều là tội phạm chiến tranh”.
Theo The Epoch Times
Lam Giang biên dịch
Trung Quốc thống trị nguồn nickel lớn nhất thế giới như thế nào?
Lê Tây Sơn/SGN
Một mỏ khai thác nickel của Trung Quốc tại Indonesia (ảnh: Andry Denisah/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)
Các công ty Trung Quốc (TQ) đã làm chủ được quy trình khai thác quặng của Indonesia để sản xuất pin xe hơi điện (EV). Nickel là một thành phần thiết yếu của pin EV điện và Indonesia hiện là nhà sản xuất nickel lớn nhất thế giới.
Trên khắp quần đảo Indonesia, các nhà máy công nghiệp mới cấp tập xử lý các khối quặng nickel dùng trong pin EV. Năm năm trước, không có nhà máy nào cả. Điều gì đã tạo ra sự thay đổi? Đó là sự có mặt của các công ty khai thác quặng đến từ TQ. Họ đã thành công trong quy trình tinh chế từng rất khó sử dụng, và mở chìa khóa đi vào kho báu mà ngành công nghiệp EV đang “đói” nickel rất cần. Đáng nói hơn là các công ty TQ đã thiết lập được sự thống trị một nguồn cung hàng hóa quan trọng đồng thời mang lại cho TQ lợi thế trong cuộc đua toàn cầu để bảo đảm các khoáng sản cần thiết quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Đây còn là đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của các công ty Mỹ vào các nguyên liệu hiếm của TQ. Chính quyền Biden đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng năng lượng, nhưng với nickel, các công ty TQ vẫn chiếm ưu thế và đang siết chặt sự kiểm soát bằng hạn chế xuất khẩu. Quyết định gần đây của Bắc Kinh trong việc áp đặt hạn chế xuất khẩu gali và gecmani (hai kim loại có công dụng chính trong chất bán dẫn) một lần nữa cho thấy những rủi ro tiềm ẩn khi phụ thuộc vào TQ đối với các nguyên liệu đầu vào quan trọng.
Các công ty TQ đã thành lập ít nhất ba nhà máy chế biến nickel tập trung vào EV ở Indonesia những năm gần đây và đang triển khai thêm một số nhà máy nữa. Đầu năm nay, một nhà máy đã lên kế hoạch được Ford Motor đổ tiền vào trong khi một nhà máy khác đang được gã khổng lồ thép Hàn Quốc Posco Holdings xây dựng. Cả hai đều liên quan đến các công ty TQ.
Indonesia từ một nhà cung cấp nhỏ nickel cho pin EV trong năm 2017 nay trở thành nhà cung cấp hàng đầu, chiếm khoảng một nửa nguồn cung nickel toàn cầu trong năm 2022 và còn tăng nữa (dữ liệu của công ty kinh doanh hàng hóa thông minh CRU trụ sở tại London). Quốc gia quần đảo này nắm giữ một trong những trữ lượng nickel lớn nhất thế giới.
Hàng triệu năm trước, các mảng kiến tạo đã va chạm vào khu vực phía Đông của nước này, đẩy đáy đại dương giàu khoáng sản lên bề mặt, trong đó có nickel. Trong nhiều thập niên trước, quặng nickel của Indonesia (gọi là đá ong) rất khó xử lý nên chỉ được tinh chế chủ yếu phục vụ sản xuất thép không gỉ. Nhưng các công ty TQ đã tạo ra bước đột phá. Phương pháp họ sử dụng, được gọi là lọc acid áp suất cao (high pressure acid leach-HPAL) từng tồn tại hàng thập niên nhưng quá phức tạp nên không được quan tâm. Dựa vào nhiệt độ và áp suất cực cao, nó dễ làm hỏng thiết bị và cần tốn nhiều công sức sửa chữa.
Các nhà máy sản xuất nickel dùng HPAL ở Úc, New Caledonia ở Nam Thái Bình Dương và những nơi khác (do các công ty phương Tây và châu Á dẫn đầu) thường chậm trễ và chi phí tăng vọt. Một nhà máy do TQ điều hành ở Papua New Guinea cũng không thoát khỏi tình trạng này. Nhưng China ENFI Engineering chuyên thiết kế nhà máy xử lý nickel và các đối tác sản xuất của nó đã thành công trong các lần điều chỉnh khi có vấn đề phát sinh. Các nhà phân tích khai thác quặng cho biết, những điều chỉnh dù mỗi lần chỉ ở mức độ nhỏ, nhưng cũng giúp ổn định nhà máy, dẫn đến giải pháp vận hành mới để không gặp sự cố lớn.
Martin Vydra, phụ trách chiến lược của Nickel 28, công ty Canada có cổ phần trong nhà máy nickel ở Papua New Guinea, cho biết: “Các công ty TQ đã nhân rộng mô hình đó bằng cách đưa nhân viên hỗ trợ kỹ thuật có kinh nghiệm từ cơ sở ở Papua New Guinea đến Indonesia để chuyển giao kỹ năng và kiến thức”.
Trong số những công ty hưởng lợi có Lygend Resources and Technology của TQ. Năm 2018, công ty này đã hợp tác với công ty khai thác mỏ Harita Group của Indonesia để xây dựng nhà máy HPAL đầu tiên sản xuất nguyên liệu cho pin EV của Indonesia. Một giám đốc điều hành quen thuộc với hoạt động của Harita cho biết họ đã hợp tác với công ty thiết kế nhà máy ENFI ở Papua New Guinea. Vào Tháng Tư, ENFI, thuộc một tập đoàn nhà nước TQ cho biết trên trang web: “Thành công trong công nghệ HPAL đã giúp các công ty TQ bứt phá. Với tiến bộ này, việc xử lý đá ong chất lượng thấp trên quy mô lớn đã có thể thực hiện được và các doanh nghiệp TQ có cơ hội tiếp cận tốt hơn với nguồn tài nguyên quý giá này của Indonesia”.
Các liên doanh do TQ lãnh đạo khác đều được hưởng lợi. Các nhà máy áp dụng công nghệ cũ HPAL tưởng sắp phá sản nay tăng tốc nhanh nhờ công nghệ thay đổi. “Kết quả là quá trình lập dự án, phê duyệt, xây dựng và vận hành các nhà máy nickel diễn ra trong thời gian kỷ lục – Angela Durrant, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie, viết trong một ghi chú vào Tháng Tư – Giải pháp HPAL của TQ rõ ràng là nhanh hơn và rẻ hơn phương Tây”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích môi trường vẫn tiếp tục cảnh báo về những rủi ro đáng kể. Trước hết là các nhà máy HPAL sử dụng nhiều carbon và tung ra nhiều chất thải khó bảo quản an toàn ở các quốc gia thường xảy ra động đất, mưa nhiều như Indonesia. Năm 2019 người ta phát hiện dung dịch chưa qua xử lý từ nhà máy ở Papua New Guinea đã gây ô nhiễm vùng nước gần đó.
Đối với các nhà sản xuất EV phương Tây, nguồn nickel của Indonesia đã bảo đảm cung cấp ổn định loại khoáng chất này trong thời gian ngắn. Nhưng trong một môi trường địa chính trị ngày càng khó đoán, nó cũng ẩn chứa những phức tạp tiềm ẩn. Chính sách năng lượng sạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden được đặc trưng bằng Đạo luật Giảm lạm phát được Quốc hội thông qua vào năm ngoái, đã ràng buộc việc trợ cấp EV với các yêu cầu về bảo vệ môi trường của nguồn khoáng sản. Điều đó có nghĩa là nơi nào khoáng sản được khai thác, được tinh chế và công ty nào tinh lọc cũng đều là những yếu tố rất quan trọng.
Để đủ điều kiện nhận trợ cấp, luật Mỹ yêu cầu pin EV sẽ phải chứa phần lớn khoáng sản từ Hoa Kỳ hoặc các quốc gia mà có ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ (Indonesia không có). Sự tham gia của các công ty TQ vào hoạt động sản xuất nickel của Indonesia cũng bị giám sát để xem có đáp ứng các điều kiện quy định – Wall Street Journal cho biết.
Không có nhận xét nào