Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ năm 06 tháng 7 năm 2023

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Ukraina: AIEA đòi tiếp cận toàn bộ khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia

    Trong khi Nga và Ukraina cáo buộc nhau lên kế hoạch « tấn công » nhà máy điện hạt nhân Zaporijia, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế - AIEA - tỏ ra rất quan ngại. Hôm qua, 05/07/2023, AIEA yêu cầu được tiếp cận toàn bộ khu vực nhà máy do Nga kiểm soát từ mùa xuân 2022, để « xác minh không có mìn hoặc chất nổ ». Trước đó, Ukraina cho rằng « có nhiều vật giống như chất nổ được đặt » trên nóc các cơ sở chứa lò phản ứng 3 và 4.  


    Nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia của Ukraina. © Anissa El Jabri / RFI 

    Thu Hằng /RFI

    Trong một thông cáo, được AFP trích dẫn, tổng giám đốc AIEA Rafael Grossi nhấn mạnh « vào lúc căng thẳng và hoạt động quân sự gia tăng ở trong vùng, đội ngũ chuyên gia của (AIEA) phải có quyền kiểm chứng tình hình trên thực địa » một cách « độc lập và khách quan ». Vài tuần trước, nhân viên của AIEA có mặt ở khu vực nhà máy đã thanh tra nhiều địa điểm, nhưng « cho đến lúc đó, không thấy có dấu vết của mìn hay chất nổ ». Tuy nhiên, họ đã không được lên nóc các cơ sở có lò phản ứng số 3 và 4, cũng như một số khu vực của hệ thống làm mát lò phản ứng. 

    Chính quyền Kiev kêu gọi cộng đồng quốc tế có « những biện pháp ngay lập tức » để đối phó những nguy cơ trên. Đặc phái viên RFI Stéphane Siohan gởi về bài tường trình sau khi gặp thống đốc vùng Zaporijjia tối qua:

    « Ông Yuriy Malyshenko không trả lời điện thoại di động, một mắt nhìn về chiến tuyến, mắt kia hướng về phía thành phố Energodar, nơi đặt nhà máy điện hạt nhân, cách đó khoảng 50 km về phía đông nam. Thống đốc vùng Zaporijjia khẳng định là có gì đó mờ ám ở nhà máy này: « Người Nga làm gì ở đó à? Trước hết đó là những hành động đi ngược với các công ước quốc tế. Chúng tôi có những thông tin cho biết họ đã gài mìn khu vực này và người ta không biết chuyện gì xảy ra bên trong nhà máy ».

    Ukraina cũng như cộng đồng quốc tế ngày càng quan ngại, nhưng thống đốc vùng Zaporijjia, đang ở tuyến đầu, kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh. Ông trấn an : « Tình hình đáng lo ngại, nhưng không hề giống như thảm họa Chernobyl. Trong trường hợp xảy ra tai nạn, lượng phóng xạ thải ra sẽ rất nhỏ, nhất là vì hiện nay các lò phản ứng không hoạt động. Tuy nhiên, cần phải chuẩn bị, vì bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Người Nga có thể đang toan tính gì đó ».

    Tại Zaporijjia, cho dù để phòng ngừa, một số người đang tích trữ lương thực, nhưng người dân nói chung vẫn bình thản. Thống đốc vùng Zaporijjia cho biết : « Hiện giờ chỉ có một số ít người dân đã quyết định rời đi, chúng tôi tiếp tục làm việc và làm mọi thứ để giành được thắng lợi sớm nhất có thể. Chúng tôi đã lập kế hoạch sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. Chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi tình huống». 

    Ở phía nam thành phố, cuộc phản công của Ukraina tiếp diễn. Suy cho cùng, chính cuộc phản công đó sẽ định đoạt số phận của nhà máy ».

    Nga oanh kích Lviv, 4 người thiệt mạng

    Sáng 06/07, Nga đã bắn tên lửa vào một tòa chung cư cao tầng ở thành phố Lviv ở miền tây Ukraina, làm 4 người thiệt mạng và 9 người bị thương, hơn 50 căn hộ bị phá hủy. Một tòa nhà văn phòng cũng chịu nhiều thiệt hại. Theo thị trưởng Lviv Andri Sadovy, « đây là vụ tấn công nghiêm trọng nhất nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Lviv từ đầu cuộc xâm lược quy mô lớn ». Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định sẽ có biện pháp đáp trả « thích đáng » vụ tấn công trên.

    Ở mặt trận miền đông, ngày 06/07, lãnh đạo lực lượng ly khai vùng Donetsk khẳng định quân Nga tiến ở quanh khu vực Vuhledar, dù lực lượng Ukraina chống trả dữ dội. Quân Ukraina đã phá hủy một kho xăng dầu của Nga ở Makaivka, hiện do quân Nga chiếm đóng.

    Trước đó, ngày 05/07, quân Nga cũng oanh kích khu vực Sumy ở đông bắc Ukraina, nơi có khoảng 279 vụ nổ, theo chính quyền địa phương. Sumy từng bị quân Nga oanh kích bằng drone vào đầu tuần, khiến 3 người chết.

    Người cầm đầu Wagner hiện đang ở Nga, nhà lãnh đạo Belarus nói

    Reuters

    Nguồn hình ảnh, Reuters

    Tác giả, Sarah Rainsford từ Warsaw & Thomas Mackintosh từ London

    BBC News

    06/7/2023

    Ông chủ của Wagner, Yevgeny Prigozhin - người cầm đầu cuộc nổi dậy ngắn ngủi ở Nga vào tháng trước - hiện đang ở Nga chứ không phải Belarus, nhà lãnh đạo Belarus nói.

    Hiện thì việc ông Prigozhin đang ở đâu vẫn là một bí ẩn kể từ sau cuộc binh biến.

    Theo thỏa thuận chấm dứt tình trạng đối đầu, các cáo buộc đối với Prigozhin đã được bãi bỏ và ông ta được chào mời đến Belarus.

    Tuy nhiên, hôm thứ Năm, nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko nói: "Về phần Prigozhin thì ông ấy đang ở St Petersburg. Ông ấy không ở trên lãnh thổ Belarus."

    Ông Lukashenko đã giúp trung gian đàm phán chấm dứt cuộc binh biến, và chỉ hơn một tuần trước ông nói rằng ông Prigozhin đã đến Belarus.

    BBC đã theo dõi máy bay riêng của Prigozhin bay tới Belarus vào cuối tháng 6 và quay trở lại Nga vào buổi tối cùng ngày.

    Kể từ đó, chiếc phi cơ đã thực hiện một số chuyến bay giữa St Petersburg và Moscow - nhưng không rõ là ông Prigozhin có mặt trên các chuyến bay đó không. BBC cũng không thể xác minh tuyên bố của ông Lukashenko về vị trí hiện tại của người cầm đầu Wagner.

    Hôm thứ Năm, ông Lukashenko nói thêm rằng "theo như tôi biết" thì phần lực lượng còn lại của Wagner vẫn đang đóng tại các căn cứ của họ - có thể bao gồm cả miền đông Ukraine hoặc một căn cứ huấn luyện ở vùng Krasnodar của Nga.

    Nhà lãnh đạo Belarus cho biết lời đề nghị cho Wagner bố trí một số máy bay chiến đấu của họ ở Belarus - một triển vọng khiến các nước NATO láng giềng lo ngại - vẫn còn hiệu lực, và ông đã đề nghị một số địa điểm quân sự thời Liên Xô để họ sử dụng.

    "Nhưng Wagner có tầm nhìn khác," ông nói, và nói thêm: "Tất nhiên là tôi sẽ không nói với quý vị về điều đó."

    "Hiện tại, vấn đề tái phối trí của họ vẫn chưa được giải quyết."

    Ông Lukashenko - người đã cầm quyền tại Belarus từ năm 1994 và bị nhiều người cho là đã gian lận trong cuộc bầu cử năm 2020 để đeo bám quyền lực - cho biết ông không coi việc các chiến binh Wagner chuyển đến Belarus là một rủi ro và không tin rằng họ sẽ cầm vũ khí chống lại đất nước của ông.

    Wagner là một đội quân đánh thuê tư nhân, đã tham chiến bên cạnh quân đội chính quy của Nga ở Ukraine.

    Trong cuộc binh biến của Prigozhin, những tay lính đánh thuê của Wagner đã từ các doanh trại dã chiến ở Ukraine tiến vào thành phố miền nam Rostov trên sông Don của Nga, nắm quyền kiểm soát số cơ sở an ninh.

    Các chiến binh Wagner sau đó di chuyển về phía bắc, hướng tới Moscow, khiến Điện Kremlin phải thắt chặt an ninh hơn ở nhiều khu vực, bao gồm cả thủ đô.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó nói các phi công Nga đã bị giết chết trong cuộc binh biến và có vẻ như một số máy bay đã bị phá hủy.

    Ông Putin ban đầu cáo buộc nhóm này là phản quốc, nhưng theo thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc binh biến, Prigozhin được hứa đảm bảo an ninh và vụ án hình sự của Nga chống lại Wagner đã bị hủy bỏ.

    Các chiến binh của Wagner được thông báo rằng họ có thể ký hợp đồng với quân đội chính quy, về nhà, hoặc đến Belarus.

    Telegraph: Ông Joe Biden thúc đẩy bà Ursula Von der Leyen thành người đứng đầu NATO

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/07/TTBidengap-baursala.jpg

    Tổng thống Joe Biden chào đón Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, Thứ Sáu, ngày 10/3/2023, tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. (Ảnh: Nhà Trắng/ Adam Schultz/ Flickr) 

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thúc đẩy việc đưa bà Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Von der Leyen trở thành Tổng thư ký NATO —khối liên minh quân sự mạnh nhất thế giới và đang không ngừng mở rộng hiện nay— sau khi chặn ông Ben Wallace, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, người thời đầu từng mong muốn vào vị trí này, Telegraph báo cáo hôm 4/7.

    Vị trí người đứng đầu NATO đã nổi lên như bài toán khó tìm lời giải mỹ mãn. Sau nhiều cân nhắc mà vẫn chưa chắc chắn tìm được người kế nhiệm, ông Jens Stoltenberg đã được gia hạn thêm 1 năm cho đến tháng 10/2024, cũng là điều mà ông Biden thúc đẩy. Các nhà lãnh đạo NATO kỳ vọng sẽ có thể đạt được thỏa thuận trong việc tìm ra người kế nhiệm vào hội nghị thượng đỉnh thường niên của mình tại Vilnius ở Litva vào tuần tới, tuy rằng bài toán ứng viên vẫn chưa có lời giải rõ ràng.

    Telegraph dẫn nguồn tin của mình, nói rằng ông Joe Biden đang thúc đẩy bà Ursula von der Leyen trở thành Tổng thư ký tiếp theo của NATO. Tháng trước, ông Ben Wallace đã bị chặn khỏi vị trí ứng viên, bởi ông Biden và ông Macron.

    Người kế nhiệm ông Stoltenberg “sẽ phải làm hài lòng cả Macron và Biden,” ông Wallace nói với The Economist vào tháng trước, giải thích tại sao ông từ bỏ mong muốn ban đầu làm ứng viên cho vị trí đứng đầu NATO. Ông Wallace từng nói ông thích vị trí này, “Tôi đã luôn nói rằng đó sẽ là một công việc tốt. Đó là một công việc tôi muốn.”

    Như Telegraph đưa tin, ông Biden lấy lý do cần ổn định chiến tranh Ukraine. Bà Von der Leyen, theo một nguồn tin khác của Telegraph, đang được ông Biden thuyết phục.

    Một nguồn tin khác nữa của Telegraph cho rằng ông Biden và bà Von der Leyen đã xây dựng “mối quan hệ bền chặt” xuyên Đại Tây Dương trong những năm gần đây, qua nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu và chiến tranh Ukraine.

    Theo nguồn tin này, bà đã “dựa vào tình báo của Washington” chứ không dùng thông tin của các cơ quan châu Âu chuyển đến cho bà, vì chúng không chuẩn xác về tình hình chiến tranh Ukraine.

    Thông thạo tiếng Pháp, bà ấy có thể sẽ nhận được hảo cảm và ủng hộ của ông Emmanuel Macron, người phản đối việc ứng cử của ông Wallace.

    Trong khi đó, ông Olaf Scholz, Thủ tướng Đức và là cựu đối thủ chính trị của bà Von der Leyen, muốn đưa bà ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo EU để ông giữ một công việc hàng đầu của EU.

    Tuy nhiên, có thể xuất hiện những quan ngại về khả năng xử lý của bà, khi thành tích của bà không được tốt lắm thời bà làm lãnh đạo Bộ Quốc phòng Đức từ năm 2013 đến 2019. Năm 2015, có thông tin cho rằng binh lính Đức phải dùng cán chổi thay cho súng máy hạng nặng trong một cuộc tập trận của NATO, nhằm che giấu việc họ thiếu trang bị.

    Có thông tin nói rằng trong cuộc nói chuyện riêng, bà Von der Leyen đã nói với ông Biden rằng bà sẽ không thể đảm nhận bất kỳ vai trò nào tại NATO cho đến ít nhất là vào năm sau.

    Bà Mette Frederiksen, Thủ tướng Đan Mạch, từng nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu tiềm năng đảm nhận vai trò này sau cuộc gặp với ông Biden tại Nhà Trắng. Tuy nhiên, bà đã tự loại mình ra khỏi cuộc tranh khi các quốc gia thành viên bày tỏ lo ngại về khả năng có một nhà lãnh đạo người Scandinavi thứ ba liên tiếp của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho là sẽ phản đối Thủ tướng Đan Mạch sau khi các bản sao của kinh Koran và cờ Thổ Nhĩ Kỳ bị đốt cháy ở Copenhagen vào tuần trước.

    Nhật Tân

    Tàu chiến Nga thăm cảng Thượng Hải, thao dượt chung với Hải quân Trung Quốc

    Thêm một dấu hiệu Nga và Trung Quốc thắt chặt hợp tác quân sự : Truyền thông Trung Quốc ngày 06/07/2023 đưa tin hai tàu chiến của Nga Gromkiy và Sovershenniy, thuộc Hạm Đội Thái Bình Dương, đã cập cảng Thượng Hải. Trong chuyến viếng thăm 7 ngày, từ 05 đến 11/07/2023, ngoài các hoạt động giao lưu, hai chiến hạm Nga sẽ thao dượt chung với Hải quân Trung Quốc.  

    Ảnh tư liệu: Hải quân Nga và Trung Quốc tập trận chung ngày 18/03/2023 trong vùng biển Ả Rập. © AP 

    Thanh Hà /RFI

    Hãng tin Anh Reuters nhắc lại hai tàu chiến Gromkiy và Sovershenniy, đóng tại căn cứ Vladivostok, trên đường đến Thượng Hải đã đi qua eo biển Đài Loan hồi cuối tháng 6 vừa qua. Tiếp theo đó, tàu Nga đã đi qua khu vực gần đảo Okinawa của Nhật, nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự. Đây là lần đầu tiên Hạm Đội Thái Bình Dương của Nga trở lại Trung Quốc từ sau đại dịch Covid. 

    Hôm đầu tuần, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã tiếp tư lệnh hải quân Nga, đô đốc Nikalai Yevmenov tại Bắc Kinh. Đôi bên đã nhấn mạnh tiếp tục đẩy mạnh, nâng hợp tác quân sự song phương lên một « tầm cao mới ». Phía Trung Quốc đã nói thêm Hải quân hai nước « có những hoạt động trao đổi và phối hợp thường xuyên (…), tiếp tục thường xuyên tổ chức các cuộc thao diễn, tuần tra và tập trận chung ».  

    Cuối tháng 6/2023 bộ Ngoại Giao hai nước đã có một cuộc họp « tham khảo ý kiến nhau » về hồ sơ phòng thủ chống tên lửa. Tổng tham mưu trưởng Quân Đội Trung Quốc Lưu Chấn Lập đã có một cuộc họp qua video với đồng cấp Nga, tướng Valery Gerassimov cũng trong tháng 6 vừa qua.   

    Theo giới quan sát, việc tàu chiến Nga cập cảng Thượng Hải là bước kế tiếp nhằm đẩy mạnh hợp tác quân sự song phương theo quyết định được chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Nga thông qua hồi tháng 3/2023, hơn một năm từ khi Matxcơva đưa quân xâm chiếm Ukraina. Trong thông cáo chung kết thúc chuyến công du Liên bang Nga của ông Tập Cận Bình, lãnh đạo hai nước đã lên án phương Tây, đứng đầu là Mỹ và NATO, thách thức « ổn định » trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương. 

    Hồng Kông treo thưởng 120,000 USD cho thông tin về những người bất đồng chính kiến nhân quyền sống ở Hoa Kỳ, Úc, Anh

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/07/id5371810-Eight-activists-1200x800.jpg_gl1ej044s_gcl_auMjg5MzEwMDk1LjE2ODMwOTE1NTA..jpeg

    Ảnh tám nhà hoạt động có lệnh bắt giữ vì lý do an ninh quốc gia được trưng bày trong một cuộc họp báo ở Hồng Kông hôm 03/07/2023. (Ảnh: Joyce Zhou/Reuters) 

    Cảnh sát Hồng Kông đang treo thưởng 1 triệu HKD (127,650 USD) cho thông tin về tám nhà bất đồng chính kiến ​​nhân quyền hiện đang cư trú tại Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, và Úc.

    Hôm 03/07, Cục An ninh Quốc gia của Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông đã ban hành lệnh bắt giữ tám người với cáo buộc rằng họ đã vi phạm Luật An ninh Quốc gia.

    Luật này đã được cơ quan lập pháp trên danh nghĩa của Bắc Kinh thông qua hồi năm 2020 và bị chỉ trích rộng rãi vì làm xói mòn mô hình “một quốc gia, hai chế độ” lâu năm. Mô hình này nhằm bảo đảm việc thực thi luật pháp kiểu Anh dành cho Hồng Kông.

    Tám người này bị buộc tội “gây nguy hiểm” cho an ninh quốc gia của Hồng Kông — cụ thể hơn là các cáo buộc “kích động ly khai, lật đổ, xúi giục lật đổ, và thông đồng với một quốc gia ngoại quốc.”

    Một phát ngôn viên của cảnh sát Hồng Kông tuyên bố Luật An ninh Quốc gia đã trao cho chính quyền Hương Cảng quyền truy đuổi các cá nhân ở bên ngoài thành phố.

    Trong khi đó, ông Lý Quế Hoa (Li Kwai-wah), Tổng Cảnh ti Cảnh sát Hồng Kông, đã cam kết chính quyền sẽ “không ngừng truy đuổi” những người bất đồng chính kiến.

    “Họ đã khuyến khích các biện pháp trừng phạt … để phá hủy Hồng Kông và đe dọa các quan chức,” ông nói với các phóng viên trong các bình luận mà Reuters thu thập được.

    Đồng thời, trưởng đặc khu Hồng Kông Lý Gia Siêu (John Lee) cũng tuyên bố sẽ truy đuổi tám nhà hoạt động vô thời hạn.

    “Cách duy nhất để kết thúc số phận trở thành kẻ trốn chạy sẽ bị truy đuổi suốt đời là ra đầu thú,” ông nói với các phóng viên. “Chúng tôi sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự của những kẻ đào tẩu suốt đời cho đến khi bọn họ ra đầu thú.”

    Những người được liệt kê trong danh sách treo thưởng bao gồm công dân Úc kiêm luật sư Nhậm Kiến Phong (Kevin Yam), các cựu nhà lập pháp Hồng Kông hiện đang sống tại Vương quốc Anh Hứa Chí Phong (Ted Hui) và La Quán Thông (Nathan Law, hay Law Kwun-chung), cũng như các nhà hoạt động nổi tiếng khác như Viên Cung Di (Elmer Yuen, hay Yuan Gong-yi), Quách Vinh Khanh (Dennis Kwok, hay Kwok Wing-hang), Mông Triệu Đạt (Mung Siu-tat), Lưu Tổ Địch (Lau Cho-dik), và Quách Phụng Nghi (Anna Kwok, hay Kwok Fung-yee).

    Phản ứng của người bất đồng chính kiến

    Đáp lại, anh La Quán Thông cho biết anh cũng bị “truy nã” vì những cáo buộc vi phạm Luật An ninh Quốc gia khác nhưng cáo buộc chính quyền — hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc — bẻ cong pháp quyền để phù hợp với mục đích riêng của họ.

    Anh viết trên Twitter: “Những cáo buộc này là những ví dụ kinh điển về việc lạm dụng khái niệm ‘an ninh quốc gia’, đẩy định nghĩa của nó đến mức cực đoan để đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến.”

    “Ở các nước văn minh, quyền vận động chính trị ôn hòa là được bảo vệ. Đó là điều mà tất cả những người bị ‘truy nã’ đều làm. Tôi kêu gọi Cục An ninh Quốc gia tiết lộ bất kỳ bằng chứng nào về việc tôi bị cáo buộc thông đồng với các thế lực ngoại quốc,” anh tiếp tục.

    “Tôi chưa nhận bất kỳ khoản tài trợ nào của chính phủ ngoại quốc, tôi cũng không làm việc cho bất kỳ cơ quan chính phủ nào. Tôi không nhận bất kỳ chỉ thị hay mệnh lệnh nào. Nếu gặp gỡ các chính trị gia ngoại quốc, tham dự các cuộc hội thảo, và các phiên điều trần là ‘thông đồng với thế lực ngoại quốc’, thì rất nhiều quan chức Hồng Kông sẽ gặp rắc rối pháp lý.”

    Hồng Kông treo thưởng 120,000 USD cho thông tin về những người bất đồng chính kiến nhân quyền sống ở Hoa Kỳ, Úc, Anh

    Bài đăng trên Twitter của ông Nathan Law ngày 03/07/2023 (Ảnh chụp trên bài gốc của Theepochtimes) 

    Anh Hứa Chí Phong, cựu chính trị gia Hồng Kông sống tại Úc, cho biết khoản tiền thưởng mới nhất sẽ không ảnh hưởng đến tình hình hoặc sự an toàn cá nhân của anh, vì anh vốn dĩ đã phải chịu nhiều lệnh bắt giữ theo Luật An ninh Quốc gia.

    “Tôi nghĩ khoản tiền thưởng thật lố bịch và buồn cười,” anh nói với The Epoch Times qua thư điện tử. “Các quốc gia tự do sẽ không dẫn độ chúng tôi vì lý do đó. Sự việc này chỉ cho thấy ĐCSTQ bất lực như thế nào trước cộng đồng người Hồng Kông ủng hộ tự do và dân chủ ở hải ngoại.”

    Anh cho biết hành động mới nhất cho thấy cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với cộng đồng người Hồng Kông ở hải ngoại đang đạt đến một tầm cao mới.

    “Điều đó làm cho các nền dân chủ phương Tây thấy rõ hơn rằng Trung Quốc đang hướng tới chủ nghĩa độc tài cực đoan hơn và sẽ gây ra nhiều mối đe dọa hơn cho thế giới.”

    Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: Một ‘tiền lệ nguy hiểm’

    Các nhà lãnh đạo ở các quốc gia phương Tây tương ứng đã nhanh chóng lên án hành động của chính quyền Hồng Kông.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller cho biết trong một tuyên bố: “Việc áp dụng Luật An ninh Quốc gia do Bắc Kinh áp đặt ngoài lãnh thổ là một tiền lệ nguy hiểm đe dọa nhân quyền và các quyền tự do căn bản của người dân trên toàn thế giới.”

    “Chúng tôi kêu gọi chính quyền Hồng Kông ngay lập tức rút khoản tiền thưởng này, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác và ngừng khẳng định quốc tế về Luật An ninh Quốc gia do Bắc Kinh áp đặt,” ông nói thêm.

    “Chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối các nỗ lực đàn áp xuyên quốc gia của [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa], những nỗ lực làm suy yếu nhân quyền.”

    Vương quốc Anh gọi hành động này là độc tài, trong khi Úc nói rằng Hồng Kông cần tự do

    Ngoại trưởng Vương quốc Anh James Cleverly gọi hành động mới nhất của Bắc Kinh là “độc tài.”

    “Quyết định ban hành lệnh bắt giữ tám nhà hoạt động, một số người ở Anh, là một ví dụ nữa về sự độc tài của luật ngoại trị Trung Quốc,” ông viết trên Twitter.

    Hôm thứ Ba (04/06), Ngoại trưởng Úc Penny Wong cho biết Úc lo ngại sâu sắc về Luật An ninh Quốc gia của Hồng Kông và về việc áp dụng rộng rãi của luật này.

    “Những gì tôi sẽ nói liên quan đến các sự kiện chỉ sau một đêm, và tôi muốn nói rõ rằng, Úc có quan điểm về quyền tự do ngôn luận,” bà nói. “Chúng tôi có quan điểm về quyền của người dân trong việc bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa, và những người làm như vậy ở Úc sẽ được trợ giúp.”

    Bà Wong cũng lên mạng xã hội để kêu gọi Bắc Kinh bảo vệ các quyền và tự do ở Hồng Kông.

    “Chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc duy trì các quyền và tự do được bảo đảm bởi Luật cơ bản và Tuyên bố chung Trung-Anh,” bà viết trên Twitter.

    Thủ tướng Anthony Albanese đã gọi các khoản treo thưởng này là “không thể chấp nhận được.”

    “Chúng tôi lo ngại về những thông báo được đưa ra chỉ sau một đêm này,” ông nói với chương trình Nine’s Today hôm 05/07.

    “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc ở những nơi chúng tôi có thể, nhưng chúng tôi sẽ không đồng ý ở những nơi chúng tôi phải làm. Và chúng tôi không đồng ý về các vấn đề nhân quyền.”

    Trong khi đó, Liên minh Liên-Nghị viện về Trung Quốc (IPAC) cho biết đây là một “sự leo thang nguy hiểm trong cuộc chiến của Bắc Kinh đối với những người bất đồng chính kiến trên ​​toàn cầu.”

    “Những bình luận này sẽ khiến căng thẳng cộng đồng tăng thêm và có khả năng dẫn đến những hành vi xâm phạm chủ quyền không thể chấp nhận được,” nhóm nghị viên này viết trên Twitter.

    IPAC tiếp tục kêu gọi các chính phủ phương Tây cam kết có những hành động thực chất mạnh mẽ chống lại bất kỳ hành vi lạm quyền tiềm năng nào từ phía Bắc Kinh nhằm bắt giữ những người bất đồng chính kiến ​​​​sống ở quốc gia của họ.

    Về mặt này, Bắc Kinh thực sự có hình thức, với nhiều tài khoản từ các cộng đồng ở hải ngoại nói rằng họ phải đối mặt với sự sách nhiễu và thậm chí là bắt cóc từ các đặc vụ có liên hệ với ĐCSTQ ở hải ngoại nhằm đưa họ trở về Trung Quốc.

    Minh Ngọc biên dịch

    TT Biden tiếp đón thủ tướng Thụy Điển tại Tòa Bạch Ốc trong bối cảnh Thụy Điển cố gắng gia nhập NATO

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/07/TT-thuydien.jpg

    Ulf Kristersson at the EU Council headquarters in Brussels, on June 29, 2023. Thierry Monasse / Getty Images file 

    Tổng thống Joe Biden sẽ đón tiếp Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson vào thứ Tư (05/07) tại Tòa Bạch Ốc, trong bối cảnh con đường trở thành thành viên NATO của quốc gia Bắc Âu này vẫn đang bỏ ngỏ.

    Thụy Điển đã bày tỏ một mong muốn mạnh mẽ được gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), với lý do lo ngại về an ninh gia tăng sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga hồi năm ngoái (2022).

    Tuy nhiên, các quyết định của NATO được đưa ra thông qua một thủ tục dựa trên sự đồng thuận liên quan đến tất cả các quốc gia thành viên. Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ là các bên phản đối việc đơn ghi danh gia nhập của Stockholm.

    Gần đây, nghị viện Hungary đã quyết định hoãn việc phê chuẩn đơn ghi danh gia nhập của Thụy Điển cho đến phiên họp lập pháp mùa thu. Và Thổ Nhĩ Kỳ đang trì hoãn việc chấp thuận yêu cầu của Thụy Điển, với lý do quốc gia Bắc Âu này không giải quyết được các lo ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.

    Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng Stockholm không nên mong đợi vào việc sớm gia nhập liên minh này.

    Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc Thụy Điển quá dễ dãi với một số nhóm nhất định, bao gồm các nhóm chiến binh người Kurd và các cá nhân có liên quan đến một âm mưu đảo chính năm 2016.

    Các cuộc biểu tình đốt kinh Koran gần đây ở Thụy Điển cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận.

    Trong một cuộc họp báo hôm 04/07, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết: “Về mặt đánh giá chiến lược và an ninh, việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO sẽ là một gánh nặng hay là một lợi ích hiện đang là chủ đề gây tranh cãi hơn bao giờ hết.”

    Mặc dù những cuộc biểu tình đó được cho phép theo luật tự do ngôn luận của Thụy Điển, nhưng các nhà lãnh đạo của đất nước này đã lên án hành động đó.

    Tuần tới (10/07-16/07), các nhà lãnh đạo từ các quốc gia NATO sẽ gặp nhau tại thủ đô Vilnius của Lithuania để thảo luận về những thách thức an ninh toàn cầu quan trọng. Hội nghị thượng đỉnh này, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 11/07 đến ngày 12/07, sẽ quy tụ các nguyên thủ quốc gia, quan chức quân sự, và nhà ngoại giao từ 31 quốc gia thành viên của liên minh tại một thời điểm quan trọng khi các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc gia tăng.

    Tháng trước (06/2023), ông Kristersson đã bày tỏ mong muốn gia nhập NATO của đất nước mình trước hoặc trong hội nghị thượng đỉnh tháng Bảy ở Vilnius.

    Cả Thụy Điển và Phần Lan đều phản đối việc gia nhập liên minh này trong nhiều thập niên, lựa chọn trung lập và không liên kết. Tuy nhiên, sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga hồi năm ngoái, cả hai quốc gia đã từ bỏ những lập trường lâu dài đó và chính thức yêu cầu trở thành thành viên của NATO.

    Sau nhiều tháng trì hoãn, hôm 30/03, nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý xác nhận tư cách thành viên của Phần Lan, cho phép Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự này hồi tháng Tư.

    Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn của Mỹ, mặc dù các quy định kinh tế và ngoại giao của Liên minh Âu Châu (EU) có thể được sử dụng để buộc Hungary rút lại sự phản đối tư cách thành viên của Thụy Điển, nhưng mối lo ngại lớn hơn lại là Thổ Nhĩ Kỳ.

    Trong một cuộc họp báo về hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới ở Vilnius, ông Max Bergmann, giám đốc Chương trình Châu Âu, Nga, và Á-Âu tại CSIS, cho biết: “Tôi nghĩ rằng sẽ là một thất bại thực sự đối với liên minh này nếu không thể giúp Thụy Điển hoàn thành việc gia nhập, và đó là một thất bại bởi vì điều này đang bị cản trở bởi một thành viên, Thổ Nhĩ Kỳ.”

    Ông nói thêm: “Và cho đến nay, liên minh này đã chơi rất tốt với Thổ Nhĩ Kỳ. … Nhưng quý vị biết đấy, giờ đây khi mà thực sự cần phải có hành động, thì việc này thực sự đặt ra câu hỏi rằng liệu đây có phải là một liên minh mà Thổ Nhĩ Kỳ thuộc về hay không.”

    Ngoài Thụy Điển, ba quốc gia khác — Bosnia và Herzegovina, Georgia, và Ukraine — đều đã bày tỏ nguyện vọng gia nhập NATO.

    Hồi năm ngoái, Kiyv đã chính thức nộp đơn ghi danh gia nhập liên minh, tuy nhiên, họ không có khả năng gia nhập cho đến khi chiến tranh ở Ukraine kết thúc. Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương thiết lập nguyên tắc phòng thủ tập thể, có nghĩa là bất kỳ cuộc tấn công nào vào một thành viên NATO “sẽ được xem như một cuộc tấn công chống lại tất cả.”

    Trong cuộc họp báo, ông Sean Monaghan, một học giả được mời đến trong Chương trình Châu Âu, Nga, và Á-Âu tại CSIS, cho biết: “Về căn bản, tư cách thành viên của Ukraine sẽ tương đương với một lời tuyên chiến với Nga. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng điều đó có thể xảy ra.”

    Ông nói: “Nhưng ngoài tư cách thành viên NATO khi chiến tranh kết thúc, có nhiều quan điểm khác nhau giữa các đồng minh mà sẽ cần đi đến một sự đồng thuận nào đó tại Vilnius.” Thanh Tâm biên dịch

    Nhiều kênh truyền thông ĐCSTQ thành trò cười vì phóng đại nghèo đói ở phương Tây

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/07/Child-and-Youth-Poverty-in-the-EU-2048x1365-1-840x480.jpg

    Các phương tiện truyền thông lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) như Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báo… gần đây đã đăng các bài phóng đại suy thoái kinh tế ở các nước phương Tây gây nghèo đói trở lại cùng những khó khăn về lương thực, quần áo, dòng người tị nạn… Động thái này đã làm dậy sóng chế giễu của cộng đồng mạng Trung Quốc.

    Dữ liệu kinh tế được ĐCSTQ công bố vào cuối tuần trước cho thấy hoạt động sản xuất tới tháng 6 đã sụt giảm tháng thứ ba liên tiếp, chỉ số PMI cho các hoạt động phi sản xuất mà đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ đã giảm từ 54,5% trong tháng 5 xuống 53,2% trong tháng 6; trong khi tháng trước tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lên tới 20%. Trước tình cảnh này, các phương tiện truyền thông hàng đầu của ĐCSTQ như Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báo… gần đây đã tuyên truyền mạnh mẽ trên internet về tình trạng nghèo đói ở các nước phát triển phương Tây.

    Ngày 29/6 Tân Hoa Xã có bài “Nước Anh vào năm ngoái có 1/7 dân số không đủ ăn”; ngày 30/6 báo mạng Thanh niên Trung Quốc (youth.cn) có bài “Lều trại trên đường phố cho người vô gia cư ở Los Angeles”… Những bài viết như trên ngay lập tức làm dấy lên làn sóng chế giễu từ cư dân mạng. Có người hỏi: “Liệu ngày mai có đến lượt Canada và Úc chết đói không?”

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/07/thongtinhngheodoi-3.jpg

    Cộng đồng mạng chế giễu thông tin của Tân Hoa Xã Trung Quốc cho rằng nước Anh có 1/7 số người thiếu ăn. (Nguồn: RFA chụp màn hình) 

    Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba (4/7), nhà bình luận Zheng Xuguang cho biết họ đang cố tình hạ thấp các nước phát triển chỉ với một mục đích trấn an: Người phương Tây còn vậy thì tình cảnh của Trung Quốc cũng không có gì lạ. Theo các chuyên gia như Liu Yuanchun từ Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc đã vượt quá 20% và sẽ còn tiếp tục xấu đi, trong hoàn cảnh như vậy thì việc các phương tiện truyền thông ĐCSTQ cảm thấy phải thúc đẩy cuộc chiến tuyên truyền và tẩy não trong dân chúng.
    Thi nhau đăng lại tin tức về nghèo đói của phương Tây

    Truyền thông Trung Quốc bao gồm từ trung ương đến địa phương và những kênh tự truyền thông đã tập trung vào vấn đề suy thoái kinh tế ở các nước phát triển, đồng thời lưu ý lo ngại nổ ra làn sóng người tị nạn phương Tây tràn vào Trung Quốc. Các chủ đề tiêu biểu như: “Giới trẻ Nhật Bản không đủ ăn, không có tiền tiết kiệm”, “Lãi suất tăng cao, người Úc nuốt không nổi”, “30 triệu người ở Mỹ đang đói và 43 triệu người vô gia cư”; “2 triệu người ở Đức không đủ tiền mua thức ăn”; “Bị ảnh hưởng bởi lạm phát, một nửa của người Pháp bị đói”…

    Vì đâu mà ĐCSTQ lại đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền đó? Hãy xem trong “Báo cáo dự báo và phân tích kinh tế vĩ mô Trung Quốc năm 2023”, nhà kinh tế Trung Quốc Liu Yuanchun là hiệu trưởng Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải gần đây đã cảnh báo rằng vấn đề thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian ngắn và có thể kéo dài trong 10 năm. Nếu vấn đề này không được xử lý tốt, sẽ không chỉ gây ra các vấn đề xã hội mà thậm chí là các vấn đề chính trị.

    Từ trái qua: Cư dân mạng chế nhạo Zhang Weiwei – giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán. Cư dân mạng dùng mức lương tối thiểu của Anh để so sánh với lương của người Trung Quốc. Cư dân mạng chế giễu truyền thông nhà nước vì đã bóp méo mức sống của người dân ở các nước phát triển. Cư dân mạng đã chế giễu Tân Hoa Xã như nhóm tấu hài Đức Vân Xã của Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình trang web)

    Về vấn đề này, học giả Jiang Yi tại Chiết Giang cho biết trong một cuộc phỏng vấn, rằng nhiều chuyên gia như ông Liu Yuanchun đã dự đoán một cách khách quan về phát triển kinh tế hiện tại của Trung Quốc và 10 năm tới sẽ rất nghiêm trọng, vì thế chính quyền đang đối mặt với rủi ro an ninh chính trị rất lớn. Ông nói: “Đây là một mối đe dọa lớn đối với cái gọi là duy trì sự ổn định. Bởi vì vấn nạn thất nghiệp của những người trẻ tuổi này, họ sẽ cảm thấy bất mãn với chính quyền và xu thế đó sẽ tăng lên. Trước thách thức từ tỷ lệ thất nghiệp cao này đối với duy trì ổn định xã hội, nhà chức trách muốn trấn an bằng cách nhắm vào thực trạng tồi tệ của chủ nghĩa tư bản để cho thấy chủ nghĩa xã hội vẫn là con đường đúng đắn. Cách tiếp cận này đã nhiều lần được ĐCSTQ sử dụng”.

    Trấn an để duy trì ổn định chính trị

    Theo Bloomberg, sau khi được đăng trên Weibo vào cuối tuần trước, “Báo cáo phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô Trung Quốc đến giữa năm 2023” dài 110 trang được ĐCSTQ công bố vào cuối tháng 6 đã thu hút sự chú ý, đặc biệt là có vấn đề cảnh báo “nguy cơ chính trị”. Tác giả của báo cáo ngoài chuyên gia nổi tiếng Trung Quốc Liu Yuanchun còn có giáo sư Liu Xiaoguang tại Học viện Chiến lược và Phát triển Quốc gia tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, và chủ tịch Yan Yan của Tập đoàn xếp hạng tín dụng Chengxin cũng là Viện phó Viện Kinh tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc.

    Báo cáo chỉ ra chìa khóa để giải quyết vấn đề nằm ở việc “hoàn thiện xây dựng pháp quyền” và “kiện toàn việc bảo vệ quyền sở hữu tư nhân” để bù đắp cho sự mất niềm tin của người dân Trung Quốc vào việc xây dựng pháp luật của ĐCSTQ kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

    Học giả Jiang Yi nói rằng điều mà chính quyền ĐCSTQ lo lắng nhất hiện nay là thế hệ trẻ Trung Quốc hiện không còn bị bịt mắt giống như thời Cách mạng Văn hóa, hãy xem “Phong trào Giấy trắng” được phát động vào tháng 11 năm ngoái đã buộc nhà chức trách phải từ bỏ ‘Zero COVID’ chống dịch bệnh.

    Trước việc Tân Hoa xã hạ thấp mức sống ở các nước phát triển, một số cư dân mạng giễu cợt: “Này, tất cả cư dân mạng hiện nay đều có chỉ số IQ cao và đã từng ra nước ngoài, Tân Hoa Xã hãy ứng xử chín chắn hơn nhé!”.

    Theo RFA

    Meta cho ra mạng Thread, “sát thủ” của Twitter

    Bình Phương /SGN

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/GettyImages-1502722635.jpg

    Meta Platforms đã cho ra đời mạng xã hội Threads, được cho là “sát thủ” sẽ tiêu diệt mạng Twitter của tỷ phú Elon Musk. Ảnh Davide Bonaldo/SOPA Images/LightRocket via Getty Images 

    Meta Platforms, công ty mẹ của mạng Facebook, đã công bố khởi động mạng Threads – một ứng dụng truyền tin ngắn và cập nhật nhắm cạnh tranh trực tiếp với mạng Twitter.

    “Hãy cùng làm chuyện này. Chào mừng đến Threads” – Mark Zuckerberg, ông chủ của Meta Platforms đã viết trên nền tảng mới vào sáng thứ Tư 5 tháng Bảy 2023 để công bố sự ra đời của nền tảng mạng xã hội Threads. 

    Ngay từ đầu tuần này, Threads đã cho đăng một số bài viết (post) của các nhà báo và người nổi tiếng và bắt đầu cho công chúng sử dụng từ hôm nay thứ Tư. 

    Là một ứng dụng liên kết với Instagram, Threads cho phép người dùng đăng nhập (log-in) bằng danh khoản (account) Instagram mà họ có sẵn; bằng cách đó mạng Threads có thể gia tăng nhanh chóng số lượng người sử dụng. Tưởng cần nhắc lại rằng Instagram là mạng xã hội chia sẻ hình ảnh có kết nối với Facebook, cả hai đều là nền tảng của tập đoàn Meta Platforms, do vậy đa số người dùng Facebook có danh khoản trên mạng Instagram và ngược lại.

    “Không gian này [chia sẻ tin tức] là nơi Twitter đã có mặt và dẫn dắt một thời gian, nhưng quan điểm của chúng tôi ở đây là vẫn còn có cơ hội và mọi người đang tìm thêm nhiều lựa chọn khác nữa,” Connor Hayes, phó chủ tịch phụ trách sản phẩm của Instagram nói với báo The Wall Street Journal.

    Mấy tuần gần đây, đội ngũ của Meta tăng tốc hoàn chỉnh và công bố Threads, nắm lấy cơ hội nhiều người dùng Twitter bất mãn sau khi ông Elon Musk, ông chủ của Twitter áp đặt hạn chế số tin đăng (post) mà mỗi người dùng có thể đọc được mỗi ngày. Sau khi ông Musk mua lại Twitter hồi tháng Mười năm ngoái, mạng truyền tin này đã gặp nhiều trục trặc kỹ thuật, hàng ngàn nhân viên bị sa thải, số người dùng và doanh thu quảng cáo đều sụt giảm mạnh. “Twitter vẫn là nơi tốt nhất để cập nhật thông tin theo thời gian thực, nhưng nhiều rạn nứt đã xảy ra từ khi Musk mua lại, và đây có thể là cơ hội để Meta khai thác,” ông Daniel Neuman, CEO của công ty nghiên cứu và tư vấn Futurum Group nhận xét.

    Meta nói mạng Threads không có giới hạn số tin đăng mà người dùng đọc được, cho phép đăng những bản tin dài tới 500 ký tự và đăng đường dẫn (link), hình ảnh, video có độ dài tới 5 phút.

    Khác với Facebook và các mạng khác, Threads không đăng quảng cáo, ít nhất là trong thời gian đầu, chỉ sẽ xem xét ưu tiên cho doanh thu và lợi nhuận sau khi số người đăng ký mở danh khoản và sử dụng đạt tới một quy mô đã định.

    Giống như Facebook hoặc Twitter, bản tin (feeds) của người dùng Threads sẽ hiển thị bài đăng của người mà người dùng đó theo dõi cũng như bình luận của những người khác. Người dùng cũng có thể đặt chế độ “thông báo” (notification) mỗi khi những người đặc biệt nào đó đăng bài mới. Với những tính năng đó, Meta coi Threads là “một không gian riêng cho việc cập nhật tin tức theo thời gian thực và đối thoại cộng đồng”.

    Sự ra đời của Threads cho thấy Meta đã nỗ lực canh tân và sáng tạo liên tục để thu hút và giữ chân người dùng. Năm 2016, Instagram cho ra đời trang Stories để cạnh tranh với Snapchat; năm 2020 họ lại cho ra trang Reels, chuyên đăng các video-clip ngắn, trên cả Instagram và Facebook để cạnh tranh với TikTok; còn bây giờ, với Threads họ nhắm cạnh tranh trực tiếp với Twitter.

    Dư luận mấy hôm nay đã bàn tán sôi nổi về chuyện thách đấu võ đài giữa hai nhà lãnh đạo Twitter và Meta, ông Elon Musk và ông Mark Zuckerberg. Trận đấu bằng nắm đấm trong lồng sắt chưa biết có diễn ra hay không mà trên sàn công nghệ, hai đối thủ đã sẵn sàng vào cuộc cạnh tranh xem chừng khá quyết liệt. 

    Những đơn vị cảnh sát Mỹ ở hải ngoại hoạt động trong bóng tối

    Lê Tây Sơn/SGN

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/GettyImages-1484878728.jpg

    Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang hợp tác chặt chẽ với Kenya trong các chiến dịch tiễu trừ tội phạm. Trong ảnh là Ngoại trưởng Antony Blinken và người đồng cấp Kenya Alfred Mutua trong một buổi họp báo tại Washington DC vào Tháng Tư 2023 (ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images) 

    Tại hơn một chục quốc gia đang phát triển mà Mỹ tin rằng các cơ quan cảnh sát địa phương đã bị vô hiệu hoá vì tham nhũng đến mức không thể tin cậy được, nhân viên đại sứ quán Mỹ đã tự tay tổ chức những đơn vị thực thi pháp luật do họ quản lý để thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ.

    Cục Phòng chống Ma túy Quốc tế và Thực thi Pháp luật (Bureau of International Narcotics and Law Enforcement Affairs) thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết họ đã sàng lọc cẩn thận các thành viên của 105 đơn vị cảnh sát trên toàn thế giới cho bốn cơ quan của Mỹ: Cục An ninh Ngoại giao, Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ An ninh Nội địa (DHS).

    Chỉ riêng Cục An ninh Ngoại giao (Bureau of Diplomatic Security) thuộc Bộ Ngoại giao đã có 16 đơn vị được thành lập theo thỏa thuận với các chính phủ, từ Peru đến Philippines. Dịch vụ Cá và Động vật Hoang dã (US Fish and Wildlife Service) tài trợ cho các đơn vị cảnh sát ở Uganda và Nigeria. Tại Kenya, FBI, DHS, Cơ quan Bài trừ Ma tuý (Drug Enforcement Administration-DEA) và Dịch vụ Cá và Động vật Hoang dã đều có các thám tử riêng được Ban Giám đốc Điều tra Hình sự Kenya (Kenyan Directorate of Criminal Investigations) giám sát.

    Các đơn vị cảnh sát được giao điều tra truy bắt nhiều vấn nạn, từ buôn lậu heroin đến làm giả hộ chiếu, thị thực cho đến buôn người và xâm hại công dân Mỹ. Đội an ninh-ngoại giao Kenya của Đại sứ quán Hoa Kỳ tập trung vào các băng nhóm làm giả hộ chiếu Hoa Kỳ. Các đặc vụ Mỹ đóng tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở thủ đô Nairobi không có quyền bắt người, nhưng các đối tác địa phương Kenya thì có. Thử xem một phi vụ được thuật lại trên tờ Wall Street Journal.

    Hoạt động “sting” (gài bẫy) diễn ra khá hoàn hảo. Các cảnh sát Kenya giả là người mua tê tê sống, một loài động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, có vảy và thịt được bán với giá cao tại một số quốc gia châu Á. Một đặc vụ ngầm người Kenya vung một xấp tiền mặt và mời nghi can cầm đầu băng đảng săn trộm đến điểm giao dịch kín đáo bên trong một chiếc Land Cruiser màu đen, thuê bằng tiền của Cơ quan Dịch vụ Cá và Động vật Hoang dã Hoa Kỳ (US Fish and Wildlife Service). Gần như ngay sau đó, cảnh sát Kenya bao vây chiếc SUV và bắt giữ ba nghi phạm. Vụ bắt diễn ra vào Tháng Tám trên bờ biển Ấn Độ Dương của Kenya là một chiến thắng nhỏ cho công tác bảo tồn động vật hoang dã. Theo Hội Động vật Hoang dã Châu Phi (African Wildlife Foundation), khoảng 2.7 triệu con tê tê bị săn trộm ở châu Phi mỗi năm.

    Các quan chức Kenya nhấn mạnh rằng các đơn vị do Mỹ chọn lọc đều phải báo cáo cho Mohamed Amin, Giám đốc điều tra tội phạm của Kenya, phù hợp với luật pháp địa phương và các thỏa thuận giữa hai quốc gia. Trên thực tế, các thám tử Kenya thường nhận được sự hướng dẫn chi tiết từ các quan chức đại sứ quán Mỹ. Các thám tử người Kenya sẽ phải kiểm tra nói dối trước khi được tuyển. Giờ đây, cách làm của DEA đã trở thành thông lệ và mang tính toàn cầu đối với các cơ quan thực thi pháp luật của chính phủ Hoa Kỳ. Các đơn vị cảnh sát chọn lọc hoạt động theo thoả thuận giữa Mỹ và chính quyền sở tại. Bộ Ngoại giao đưa ra vài điển hình hợp tác.

    Vào Tháng Năm qua, một đơn vị của Đại sứ quán Mỹ tại quốc gia Nam Mỹ Guyana đã giúp truy tìm và bắt giữ một người đàn ông bị truy nã ở Mỹ vì tội tấn công tình dục một thiếu nữ.  Một đơn vị ở Colombia đã triệt phá đường dây buôn lậu người dùng giấy tờ giả ở bảy thành phố với lệ phí từ $4,000 đến $5,000 một người. Các cảnh sát Kenya được chọn sẽ trải qua khoá huấn luyện chuyên môn, được bố trí vào các đơn vị tinh nhuệ và tùy thuộc nhiệm vụ được hưởng lương cao gấp đôi mức bình thường. Các cơ quan Mỹ cung cấp cho họ các thông tin tình báo không chia sẻ với cảnh sát Kenya để tránh bị lộ.

    Theo một phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Nairobi, các đơn vị cảnh sát này hoạt động tốt hơn đáng kể so với các đơn vị cảnh sát địa phương, với tỷ lệ phá án, bắt giữ, truy tố và kết án cao hơn. Một năm trước, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Nairobi đã công bố phần thưởng trị giá $1 triệu cho thông tin dẫn đến việc bắt giữ Abdi Hussein Ahmed, kẻ bị truy tố tại tòa án liên bang New York về tội buôn bán 10 tấn ngà voi, 420 pound sừng tê giác và 22 pound heroin.

    Ahmed, người Kenya, được cho là thành viên cuối cùng của băng nhóm buôn lậu gồm năm người đang lẩn trốn. Nhân viên tình báo Kenya phát hiện y trốn ở Meru, một thị trấn trên sườn núi Mt. Kenya. Một đêm nọ, Ahmed bị bắt trong một căn nhà cho thuê giá $3 một đêm. Một tháng sau, ba đặc vụ Cá và Động vật hoang dã đưa Ahmed trên chuyến bay đến New York. Y đã nhận tội âm mưu buôn bán động vật hoang dã và ma túy và bị kết án bốn năm tù vào Tháng Năm qua.


    Không có nhận xét nào