Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ hai 24 tháng 7 năm 2023

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Kyodo: Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc đề xuất đàm phán với Nhật Bản, Hàn Quốc 

    24/7/2023 

    Reuters 

    Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Jakarta. (Ảnh tư liệu).


    Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Jakarta. (Ảnh tư liệu). 


    Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị đã đề xuất đàm phán cấp cao giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nhật Bản tại Indonesia trong tháng này, hãng tin Kyodo đưa tin hôm Chủ Nhật 23/7.

    Kyodo đưa tin, trích dẫn các nguồn tin ngoại giao không nêu tên, rằng đề xuất này được coi là tín hiệu cho thấy ba nước sẵn sàng nối lại đàm phán và Nhật Bản sẽ đẩy nhanh công tác chuẩn bị để thực hiện điều đó vào cuối năm nay.

    Các đồng minh của Hoa Kỳ là Nhật Bản và Hàn Quốc cảnh giác với sự quyết đoán quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về một loạt vấn đề bao gồm thương mại và Đài Loan.

    Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không bình luận ngay lập tức và Bộ Ngoại giao ở Tokyo không đưa ra bình luận vào Chủ nhật.

    Ông Vương Nghị và Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi gặp nhau bên lề cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Indonesia vào ngày 14 tháng 7.

    Họ đã thảo luận về kế hoạch của Nhật Bản xả nước phóng xạ đã xử lý ra biển từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại, nhưng hai bên không đạt được thỏa thuận.

    Kyodo nhận định vấn đề xả nước phóng xạ có thể là điểm nghẽn ngăn cản cuộc gặp sớm của các nhà lãnh đạo ba nước.

    Lần cuối cùng lãnh đạo ba nước họp với nhau là vào tháng 12/2019.

    Kyodo cho biết, Nhật Bản đã chuyển đề xuất của ông Vương về các cuộc đàm phán tới Hàn Quốc.

    Ukraina hướng đến gia nhập NATO vào năm tới

    Liên Thành 

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/07/f1v15qyxsaijr8d-copy.jpg


    Bộ trưởng Quốc phòng Oleskii Reznikov. (Ảnh: Twitter). 

    Bộ trưởng Quốc phòng Oleskii Reznikov cho biết, ông đang hướng tới việc Ukraina sẽ được gia nhập NATO vào năm tới. 

    Ông Reznikov lưu ý rằng, hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 tới tại Washington, DC, sẽ đánh dấu 75 năm thành lập liên minh NATO.

    “Có thể đó sẽ là một ngày rất quan trọng đối với Ukraina. Đó chỉ là dự đoán của tôi”, ông nói với đài CNN của Mỹ.

    Hoa Kỳ và các quốc gia NATO khác đã nói rằng, họ không thể kết nạp Ukraina vào lúc này vì chiến tranh đang diễn ra. 

    Ông Reznikov thừa nhận , Ukraina chỉ có thể tham gia liên minh sau khi chiến tranh kết thúc. Khi được hỏi liệu ông có nghĩ chiến tranh sẽ kết thúc vào mùa hè tới không, ông nhanh chóng trả lời rằng: “Có. Chúng tôi sẽ thắng trong cuộc chiến này”.

    Khảo sát: Nhiều người Anh coi chính phủ Trung Quốc và Nga là mối đe dọa

    Liên Thành 

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/07/anh-man-hinh-2023-07-24-luc-072559.png


    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: REUTERS). 

    Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây ở Anh cho thấy gần 75% số người được hỏi không tin tưởng ĐCSTQ, và rất ít người sẵn sàng hợp tác với chế độ này trong các lĩnh vực công nghệ và cơ sở hạ tầng. 

    Thậm chí, hơn 40% số người được hỏi tin rằng chính phủ Trung Quốc và Nga gây ra những mối đe dọa như nhau đối với lợi ích quốc gia của Anh.

    Tổ chức tư vấn mang tên “Nhóm chính sách đối ngoại của Anh” (British Foreign Policy Group) đã ủy quyền cho công ty nghiên cứu thị trường JL Partners thực hiện một cuộc khảo sát đối với 2.158 người Anh trong khoảng thời gian từ ngày 26/5 đến ngày 1/6. Đây là cuộc khảo sát thường niên được thực hiện từ năm 2019.

    Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, người Anh rất lo ngại về mối đe dọa do chính quyền Trung Quốc gây ra, với 75% người Anh không tin tưởng vào Trung Quốc. Chỉ 15% người Anh tin rằng các công ty công nghệ Trung Quốc như TikTok nên được phép hoạt động ở Anh.

    Những người trả lời lớn tuổi không tin tưởng vào chính quyền của ĐCSTQ hơn những người trẻ hơn, và thậm chí hơn 90% số người được hỏi trên 66 tuổi không tin tưởng vào chính quyền Trung Quốc.

    42% số người được hỏi tin rằng, Anh nên thách thức các hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ khi hợp tác.

    Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy những người Anh được hỏi không muốn hợp tác với chính quyền trong lĩnh vực công nghệ và cơ sở hạ tầng, chỉ có 15% đồng ý hợp tác, và 15% số người được hỏi cho rằng, Anh không nên có bất kỳ liên hệ nào với Bắc Kinh.

    Kết quả khảo sát cũng cho thấy, người dân Anh nhìn chung tin rằng, hợp tác quốc tế như NATO, Nhóm G7, và Đối tác an ninh ba bên Úc-Anh-Mỹ (AUKUS) giúp Anh an toàn hơn.

    Ngoại trưởng Mỹ nói mục tiêu loại Ukraina khỏi bản đồ “đã thất bại từ lâu”

    Liên Thành 

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/07/anh-man-hinh-2023-07-24-luc-070521.png


    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken thăm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Kiev năm 2022. (Ảnh chụp màn hình BBC). 

    Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 23/7 nói rằng Nga “đã thua trong cuộc chiến” ở Ukraina về những gì Matxcova và Tổng thống Nga Vladimir Putin tìm cách đạt được.

    “Mục tiêu là xóa Ukraina khỏi bản đồ, loại bỏ độc lập, chủ quyền của nước này và sáp nhập nước này vào Nga. Điều đó đã thất bại từ lâu”, ông nói với CNN.

    Blinken thừa nhận rằng, sứ mệnh của Ukraina nhằm giành lại lãnh thổ đã bị Matxcova chiếm giữ – theo ước tính của riêng Ukraina, vốn đã khởi đầu chậm chạp – sẽ là “một cuộc chiến rất khó khăn”. Ông dự đoán rằng, cuộc chiến gần đây đã vượt qua mốc 500 ngày, sẽ tiếp tục trong “vài tháng”.

    Tuy nhiên, ông cho biết, cùng với viện trợ thiết bị quân sự và đào tạo mà Ukraina đang nhận được từ nhiều quốc gia khác nhau, chính nghĩa của Kyiv cũng là “yếu tố quyết định”.

    “Không giống như người Nga, người Ukraina đang chiến đấu vì đất nước và tự do của họ”, ông Blinken nói.

    Ông Blinken: Ukraina đã lấy lại 50% lãnh thổ Nga xâm chiếm

    Liên Thành 

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/07/fdhnxm7xwam0v9t-copy.jpg


    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken. (Ảnh: Twitter). 

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ngày 23/7 nói rằng, Ukraina đã lấy lại được một nửa lãnh thổ mà Nga đã xâm chiếm nhưng Kyiv phải đối mặt với “một cuộc chiến rất khó khăn” để có được nhiều bước tiến hơn nữa.

    “Khoảng 50% lãnh thổ bị xâm chiếm lúc đầu đã được lấy lại. Đây vẫn là những ngày đầu của cuộc phản công. Nó rất khó khăn”, ông Blinken cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN.

    Theo Ngoại trưởng Blinken, cuộc phản công sẽ không chỉ kéo dài đến một hoặc hai tuần tới mà có thể là vài tháng tới.

    Cuối tháng trước, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy nói rằng tiến trình phản công chống lại lực lượng Nga “chậm hơn mong muốn”.

    Theo trang tin Reuters, Ukraina đã lấy lại được một số ngôi làng ở phía nam và lãnh thổ xung quanh thành phố Bakhmut ở phía đông, nhưng họ chưa có bước đột phá lớn nào trước các phòng tuyến dày đặc của quân Nga.

    Khi được hỏi liệu Ukraina sẽ mua chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất hay không, Ngoại trưởng Blinken cho biết ông tin rằng điều đó sẽ xảy ra.

    Một liên minh gồm 11 quốc gia sẽ bắt đầu huấn luyện phi công Ukraina lái chiến đấu cơ F-16 vào tháng 8 tại Đan Mạch, và một trung tâm huấn luyện sẽ được thành lập tại Romania.

    Báo Mỹ: Ước tính Ukraina mất 757 năm để xử lý bom mìn với chi phí vượt 37 tỷ USD

    Liên Thành 

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/07/anh-man-hinh-2023-07-23-luc-191545.png


    Một người rà phá bom mìn Ukraine mang vật liệu chưa nổ trong quá trình rà phá bom mìn tại một sân bay ở Hostomel, Ukraine. (Ảnh: SERGEI SUPINSKY/AFP qua Getty). 

    Theo Business Insider, hơn một năm rưỡi sau khi các lực lượng Nga xâm chiếm Ukraina, các bãi mìn đã trở thành một trong những vấn đề nan giải nhất đối với cuộc phản công của Ukraina. Một số chuyên gia nói rằng lượng đất bị ô nhiễm ở Ukraina lớn đến mức có thể cần tới 500 đội rà phá bom mìn và 757 năm để hoàn thành công việc.

    Theo Washington Post, với việc các lực lượng Nga đã rải mìn trên khắp các khu vực rộng lớn của Ukraina khiến Ukraina trở thành quốc gia có nhiều bom, mìn trên lãnh thổ nhất thế giới và diện tích lãnh thổ chứa bom, mìn và đạn pháo chưa nổ có diện tích ước tính rộng bằng với bang Florida của Mỹ. Những điều này đặt ra những thách thức mạnh mẽ cho khu vực trung tâm của Ukraina và không chỉ đe dọa đất nước về lâu dài mà còn tiếp tục đặt ra những thách thức to lớn khác khi quân đội Ukraina đang tìm kiếm lợi thế chiến lược trước Matxcova. 

    Greg Crowther, giám đốc chương trình của tổ chức Nhóm tư vấn bom mìn (MAG), nói với Washington Post, tình hình bom mìn ở Ukraina không giống như bất cứ điều gì đã thấy trong những thập niên gần đây, ông cho biết, số lượng vũ khí khổng lồ ở Ukraina là chưa từng có trong 30 năm qua, và không có nơi nào giống như vậy.

    GLOBSEC, một tổ chức tư vấn toàn cầu gần đây công bố một báo cáo tiết lộ rằng, khoảng 30% diện tích Ukraina từng là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt và sẽ cần các hoạt động rà phá bom mìn kỹ lưỡng. 

    “Cho đến nay, các khu vực Kharkiv và Kherson vẫn là những khu vực bị ô nhiễm nặng nhất trong tất cả các vùng lãnh thổ được giải phóng, vì các lực lượng Nga đã có mặt ở đó trong một thời gian dài hơn”, theo báo cáo từ GLOBSEC.

    Công việc rà phá nhân đạo phức tạp và tốn kém, cũng có thể mất nhiều thời gian để hoàn thành. Những nỗ lực như vậy đang được khai triển xung quanh thủ đô Kyiv và các vùng của đất nước nằm ở phía tây chiến tuyến.

    Nhưng một số chuyên gia nói với tờ Washington Post rằng, lượng đất bị ô nhiễm ở Ukraina lớn đến mức có thể cần tới 500 đội rà phá bom mìn và 757 năm để hoàn thành công việc. Và Ngân hàng Thế giới ước tính rằng, chi phí cho công việc rà phá bom mìn có thể vượt quá 37 tỷ đô la cho đến năm 2033.

    Cầu Crimea bị phong tỏa ngay lập tức sau lời tuyên bố của TT Zelensky 

    Liên Thành

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/07/a30f2010-2521-11ee-941e-23d1e9ab75fa.jpg


    Vụ nổ hôm 17/7 khiến một đoạn cầu Crimea bị sụp xuống (ảnh chụp màn hình video). 

    Nhà chức trách Nga phong tỏa cây cầu bắc qua eo biển Kerch kết nối Crimea với lục địa Nga, vài giờ sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố coi công trình này là mục tiêu.

    Thông tấn Nga RiaNovosti hôm 22/7 cho biết, nhà chức trách Nga vừa ra thông báo đình chỉ hoạt động đi lại qua cầu Crimea. “Những ai đang trên cầu hoặc tại trạm kiểm soát (ở hai đầu cầu) cần giữ bình tĩnh và làm theo hướng dẫn của nhân viên an ninh”, thông báo viết.

    Nguyên nhân cầu Crimea bị phong tỏa chưa được làm rõ. Động thái nêu trên được ban bố vài giờ sau khi Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tuyên bố cây cầu là mục tiêu quân sự và Kyiv sẽ tìm cách để vô hiệu hóa công trình.

    Cầu Crimea, còn gọi là cầu Kerch, bắc qua eo biển Kerch nằm giữa biển Đen và biển Azov, được Nga xây dựng từ năm 2015 sau khi sáp nhập bán đảo Crimea. Cây cầu trị giá gần 4 tỷ USD, dài 19km và cũng là cây cầu vượt biển dài nhất châu Âu.

    Hôm 17/7, cầu Crimea bị tấn công bởi xuồng không người lái mang chất nổ, khiến một phần cầu đường bộ bị hỏng và hai công dân Nga thiệt mạng. Nga cáo buộc Ukraina đứng sau vụ việc và tập kích một loạt mục tiêu ở phía Nam nước này để trả đũa.

    Cuộc tấn công của Lực lượng Vũ trang Ukraina vào lãnh thổ Crimea do Nga chiếm đóng đã phá hủy một kho đạn dược và một kho dầu.

    Điều này được báo cáo chính thức bởi Trung tâm Truyền thông Chiến lược StratCom của Lực lượng Vũ trang Ukraina.

    Mới đây, Lực lượng Phòng vệ Ukraina tuyên bố đã phá hủy một kho đạn dược và một kho dầu của Nga ở quận Oktyabrsky và Krasnogvardeysky tạm thời bị chiếm đóng (của Crimea).

    Mỹ – Úc cùng 11 quốc gia tập trận lớn chưa từng có, gửi ‘thông điệp’ đến Trung Quốc

    Liên Thành 

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/07/usandaustraliadrill.jpg


    The Royal Marines have landed in Townsville ahead of Talisman Sabre2023.
    Image Credit: @TalismanSabre 

    Cuộc tập trận chung Mỹ – Úc mang tên Talisman Sabre 2023 sẽ kéo dài trong hai tuần, từ ngày 21/7 đến ngày 4/8. 

    Theo đài RFI, cuộc tập trận năm nay được đánh giá là cuộc thao diễn quy mô lớn nhất kể từ khi sự kiện Talisman Sabre bắt đầu được tổ chức vào năm 2005. Cuộc tập trận chung năm nay thu hút sự tham gia của hơn 30.000 binh sĩ đến từ hơn một chục quốc gia. 

    Mỹ và Úc cùng các đồng minh đang tăng cường hợp tác quân sự trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương ngày càng lớn.

    Chương trình năm nay bao gồm nhiều bài tập trên bộ, trên không và trên biển. Úc và Mỹ cùng các đồng minh còn dự trù những bài tập đổ bộ. 

    Bang Queensland ở đông bắc nước Úc, là địa điểm chính diễn ra các cuộc tập trận trong hai tuần lễ sắp tới. 

    Trong ngày đầu tiên của cuộc tập trận Talisman Sabre 2023, quan chức Úc điều phối sự kiện, tướng Greg Bilton cho biết, đã phát hiện một tàu do thám của chính quyền Trung Quốc túc trực sẵn ngoài khơi nước Úc để quan sát tình hình.

    Hôm 21/7, Bộ trưởng Hải Quân Mỹ, ông Carlos del Toro, đã nhắm vào chính quyền Bắc Kinh nhấn mạnh rằng: “Thông điệp Trung Quốc cần rút ra từ cuộc tập trận này là Mỹ và các đối tác cực kỳ gắn bó với nhau vì những giá trị cốt lõi giữa những quốc gia đó”.

    Bộ trưởng Quốc Phòng Úc, ông Richard Marles nói rằng, cam kếtcủa Úc là hợp tác với các đối tác quốc tế để duy trì an ninh và ổn định trong khu vực.

    Ngoài Mỹ và Úc, có thêm 11 quốc gia khác cũng tham dự chiến dịch Talisman Sabre, bao gồm Ấn Độ, Philippines, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, và Hàn Quốc. Sự hiện diện của nhiều quốc đảo ở nam Thái Bình Dương như Fiji, Tonga hay New Papua Guinea cũng đáng ghi nhận. 

    Châu Âu cũng hưởng ứng lời mời tham gia cuộc tập trận. Đức điều hơn 200 lính dù và lính thủy đánh bộ sang Úc, trong khi Pháp gửi hai trung đoàn Thủy Quân Lục Chiến đang hoạt động trong vùng lãnh thổ hải ngoại Polynésie, và huy động máy bay tiếp liệu đến nơi tập trận. 

    UAV không rõ nguồn gốc rơi ở Ba Lan khi quân Wagner huấn luyện gần biên giới

    Liên Thành

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/07/230316113850-02-mugin-5-drone-eatern-ukraine.jpg


    Ảnh minh họa 

    Một kênh truyền hình của Ba Lan ngày 21/7 đưa tin rằng, một máy bay trinh sát quân sự không người lái không rõ nguồn gốc đã rơi gần một căn cứ ở phía tây nam Ba Lan vào đầu tuần này.

    Sự việc diễn ra khi nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga đang hoạt động ở bên đất Belarus gần biên giới với Ba Lan.

    Ông Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner đã xuất hiện trên một video hôm 19/7, chào đón binh lính của ông đến Belarus, sau khi lực lượng lính đánh thuê này của Nga thực hiện một cuộc binh biến bất thành vào tháng trước.

    Chính quyền Minsk cho biết, Wagner hiện đang giúp huấn luyện quân đội Belarus gần biên giới Ba Lan. Người Ba Lan ở gần biên giới hôm 20/7 cho biết, họ nghe thấy tiếng súng và tiếng máy bay trực thăng.

    Ba Lan là một thành viên NATO. Nước này đang tăng cường an ninh tại biên giới với Belarus, nơi lực lượng Wagner đang đóng quân.

    Thái Lan: Biểu tình ủng hộ ông Pita sau khi ông bị gạt ra khỏi cuộc tranh cử thủ tướng 

    23/7/2023 


    Reuters 

    Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Move Forward và là người chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5, rời Quốc hội ở Bangkok, ngày 19 tháng 7 năm 2023.


    Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Move Forward và là người chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5, rời Quốc hội ở Bangkok, ngày 19 tháng 7 năm 2023. 

    Hàng trăm người ủng hộ dân chủ ở Thái Lan đã tập trung biểu tình hôm Chủ nhật để thể hiện sự ủng hộ đối với ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Move Forward (Tiến lên), sau khi các đối thủ bảo thủ đã ngăn chặn nỗ lực của ông tranh cử chức thủ tướng.

    Đảng Move Forward đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 sau khi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới trẻ cho các chính sách chống thiết chế chính trị, bao gồm cải cách quân đội, chấm dứt độc quyền kinh doanh và sửa đổi luật xúc phạm hoàng gia, luật bảo vệ chế độ quân chủ hùng mạnh khỏi bị chỉ trích.

    Quốc hội đã hai lần ngăn chặn ông Pita, 42 tuổi, học ở Harvard, trở thành thủ tướng - một lần vào thứ Tư tuần trước và một lần vào tuần trước đó - điều mà những người ủng hộ ông nói là do các quy tắc không công bằng.

    “Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh… bất kể chúng tôi phải đấu tranh cho các nguyên tắc dân chủ trong bao nhiêu tháng nữa,” một nhà hoạt động nói trên sân khấu trước sự cổ vũ của đám đông tại một giao lộ đông đúc ở trung tâm Bangkok.

    "Pita! Pita! Pita!" đám đông hô vang.

    Các chính sách của đảng Move Forward đặt họ vào tình thế xung đột với quân đội bảo hoàng, giới tinh hoa nhiều tiền bạc kỳ cựu và các thế lực bảo thủ của Thái Lan.

    Liên minh tám đảng của Move Forward bao gồm đảng dân túy Pheu Thai kiểm soát đa số hạ viện 500 ghế.

    Theo hiến pháp do quân đội đặt ra, thủ tướng tiếp theo phải giành được hơn một nửa số phiếu bầu trong cơ quan lập pháp lưỡng viện, bao gồm 249 thành viên thượng viện do chính quyền quân sự bổ nhiệm sau khi lên nắm quyền vào năm 2014. Họ đứng về phía các đảng bảo thủ.

    Một cuộc bỏ phiếu khác về chức vụ thủ tướng dự kiến sẽ diễn ra vào thứ Năm 27/7 khi đảng Pheu Thai trong liên minh Move Forward sẽ đề xuất một ứng cử viên thủ tướng mà phần lớn được kỳ vọng là ông trùm bất động sản Srettha Thavisin.

    Bầu Quốc Hội Cam Bốt: Đảng cầm quyền tuyên bố chiến thắng, Mỹ chỉ trích ‘‘không công bằng’’

    Trọng Thành /RFI

    Một ngày sau cuộc bầu cử Quốc Hội, Đảng Nhân Dân Cam Bốt (CPP) của thủ tướng Cam Bốt Hun Sen hôm nay, 24/07/2023, tuyên bố giành được 120 ghế trên tổng số 125 ghế dân biểu. Cuộc bầu cử Quốc Hội Cam Bốt, với khoảng ‘‘84% cử tri đi bầu’’, bị giới bảo vệ nhân quyền lên án là ‘‘dàn dựng’’, bị Hoa Kỳ chỉ trích là ‘‘không công bằng’’. 


    Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (P), chủ tịch Đảng Nhân dân Cam Bốt (CPP) và phu nhân Bun Rany (T), sau khi bỏ phiếu ở Takhmua, tỉnh Kandal, Cam Bốt, ngày 23/07/2023. AP - Heng Sinith 

    Người phát ngôn đảng CPP Sok Eysan gọi thắng lợi trong cuộc bầu cử hôm qua là ‘‘vang dội’’. Đảng của ông Hun Sen, cầm quyền từ gần 40 năm nay, giành được gần như toàn bộ số ghế, 5 ghế dân biểu còn lại thuộc về đảng FUNCIPEC, một đảng thân chính quyền. 

    Hãng tin Anh Reuters hôm nay dẫn lại thông báo của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, chỉ trích một cuộc bầu cử ‘‘không tự do, không công bằng’’. Bà Eva Kusuma Sundari, dân biểu Indonesia, thành viên sáng lập nhóm các Nghị viên ASEAN vì Nhân quyền (ASEAN Parliamentarians for Human Rights - APHR) kêu gọi ‘‘cộng đồng quốc tế không rơi vào chiếc bẫy hợp thức hóa màn kịch’’ của chế độ Hun Sen. 

    Theo giới quan sát, kết quả cuộc bầu cử Quốc Hội Cam Bốt gần như đã được biết trước, trong bối cảnh toàn bộ các đảng phái đối lập tại Cam Bốt hoàn toàn bị gạt ra ngoài. Tối hôm qua vào lúc kết quả sơ bộ được thông báo, từ Phnom Penh, thông tín viên RFI Juliette Buchez cho biết thêm về một số thủ đoạn siết chặt kiểm soát bầu cử của chính quyền Hun Sen: 

    ‘‘Tại Phnom Penh và trên toàn quốc, kết quả được thông báo không gây ngạc nhiên. Vào thời điểm này, đảng của thủ tướng Hun Sen, cai trị đất nước với bàn tay sắt gần 4 thập niên, nhận được hơn 80% phiếu bầu. Nếu như một vài ghế dân biểu có thể thuộc về một đảng khác, thì điều này chắc chắn không đủ để chống lại một đa số áp đảo như vậy.  

    Kết quả đã được biết trước, cho dù chính quyền Cam Bốt cố gắng duy trì vẻ ngoài của một chế độ đa nguyên chính trị trong cuộc bầu cử Quốc Hội. Các đảng đối lập có uy tín, đã hoặc bị tư pháp giải thể, hoặc bị ủy ban bầu cử bác bỏ tư cách ứng cử, hoàn toàn vắng bóng từ năm 2018. 

    Tỉ lệ cử tri vắng mặt cũng bị đảng cầm quyền thao túng. Hồi tháng trước, nhà cầm quyền đã sửa đổi luật bầu cử khiến cho việc không bỏ phiếu trở nên khó khăn hơn. Tỉ lệ cử tri bỏ phiếu lên đến 84%, theo các kết quả sơ bộ. 

    Hiện tại, còn hai ‘‘ẩn số’’. Trước hết là số phiếu trắng. Trong lúc một số cử tri đưa lên mạng xã hội hình ảnh các lá phiếu bị gạch chéo, thủ tướng Hun Sen tối hôm nay kêu gọi những người này khai báo với các ủy ban bầu cử địa phương để tránh bị truy tố. Ẩn số thứ hai là danh tính của tân thủ tướng Cam Bốt. Con trai ông Hun Sen, vừa đắc cử tại Phnom Penh, có đủ điều kiện để được bổ nhiệm vào ghế thủ tướng. Trước cuộc bỏ phiếu, đã có liên tiếp các dấu hiệu theo hướng này’’.

    Twitter sắp có logo mới, chia tay biểu tượng chim xanh?

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/07/twitterlogo.jpg


    (Ảnh minh họa: Viewimages/Shutterstock) 

    Trong loạt bài đăng trên tài khoản Twitter chính thức ngày 23/7, tỷ phú Elon Musk cho biết Twitter sẽ thay đổi logo mới và nền tảng này sẽ nói lời tạm biệt với hình ảnh “chim xanh”, theo hãng tin Reuters.

    Cụ thể, trong một dòng trạng thái, Giám đốc điều hành Tesla viết: “Chúng ta sẽ sớm chào tạm biệt hình ảnh các loài chim ra khỏi thương hiệu Twitter”.

    Trong cùng một loạt tweet, tỷ phú Musk đã tạo một cuộc thăm dò người dùng với nội dung “thay đổi màu nền tảng mặc định thành màu đen”.

    “Nếu một logo X đủ ổn để công bố tối nay, chúng tôi sẽ ra mắt trực tuyến trên toàn thế giới vào ngày mai”, tỷ phú Musk cho hay.

    Là một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới, ông Elon Musk từng được biết đến với những nỗ lực đổi mới qua các công ty không gian SpaceX và sản xuất xe điện Tesla. Ông thường chia sẻ các nội dung lôi kéo công chúng vào các cuộc tranh cãi trên các nền tảng truyền thông xã hội.

    Kể từ khi mua lại nền tảng xã hội Twitter (biểu tượng chim xanh) với giá 44 tỷ USD vào cuối tháng 10, tỷ phú Musk đã triển khai một cuộc đại tu, cắt giảm mạnh nhân viên và giám sát các thay đổi chính sách gây tranh cãi dẫn đến gián đoạn dịch vụ thường xuyên.

    Ông cũng nhiều lần cảnh báo Twitter có thể đứng trước nguy cơ nộp đơn phá sản. Trong tháng này, ông tiết lộ nền tảng này bị âm doanh thu do doanh thu quảng cáo giảm 50% và ngày thêm gánh nặng về các khoản nợ.

    Phan Anh

    Cạnh tranh với SpaceX, Amazon lên kế hoạch phóng hàng ngàn vệ tinh

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/07/spaceshuttle.jpg


    (Ảnh minh họa: aappp/Shutterstock) 

    Amazon hôm thứ Sáu (21/7) đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm xây dựng một cơ sở xử lý vệ tinh mới trên “Bờ biển không gian” của Florida, đồng thời có kế hoạch phóng hàng ngàn vệ tinh nhân tạo trong vài năm tới để cạnh tranh với Starlink của SpaceX.

    Amazon cho biết họ sẽ đầu tư 120 triệu USD vào một cơ sở xử lý vệ tinh mới tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA. Cơ sở này rộng 100.000 foot vuông (tương đương khoảng 9.290 mét vuông), vốn là Cơ sở hạ cánh tàu con thoi của NASA.

    Amazon cho biết, cơ sở này sẽ không được sử dụng để chế tạo vệ tinh, nhưng trong tương lai nó sẽ là trạm cuối cùng trước khi đưa vệ tinh của Dự án Kuiper (Project Kuiper) vào không gian, đây là sáng kiến ​​mạng vệ tinh băng thông rộng của Amazon. Tại đây các vệ tinh sẽ được lắp vào vỏ tải trọng của tên lửa.

    Amazon đã cam kết đầu tư khoảng 10 tỷ đô la Mỹ vào Dự án Kuiper, tiến hành khoảng 90 lần phóng vệ tinh trong vòng 5 năm và đưa 3.236 vệ tinh quỹ đạo thấp của trái đất vào không gian để cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng cho thế giới. Dự án Kuiper sẽ không chỉ cho phép Amazon bước vào các dịch vụ mạng vệ tinh mà còn cạnh tranh với Starlink của tỷ phú Elon Musk.

    Trong một tuyên bố, ông Steve Metayer, phó chủ tịch điều hành sản xuất của Dự án Kuiper, cho biết: “Chúng tôi có kế hoạch đầy tham vọng là bắt đầu sản xuất quy mô lớn tại Dự án Kuiper vào năm tới, với các đợt chạy thử nghiệm với những khách hàng đầu tiên. Cơ sở mới này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn.”

    Steve Metayer cho biết Amazon sẽ bắt đầu xây dựng cơ sở vào tháng 1 năm sau và dự kiến ​​hoàn thành vào cuối năm 2024, với mục tiêu là vận chuyển vệ tinh đến cơ sở này để xử lý trong nửa đầu năm 2025.

    Dự án Kuiper dự kiến ​​sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt vệ tinh tại một cơ sở hiện đại ở Kirkland, tiểu bang Washington vào cuối năm nay.

    Sau khi cơ sở mới nhận được các vệ tinh, nó sẽ tiến hành các thử nghiệm cuối cùng, gắn các vệ tinh vào bộ phân phối tùy chỉnh của công ty Beyond Gravity và lắp đặt chúng vào thùng chứa trọng tải của tên lửa trong một phòng sạch cao 100 foot (khoảng 30 mét).

    Theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Mỹ, Amazon có thời hạn đến cuối năm 2026 để triển khai một nửa mạng lưới vệ tinh của mình lên quỹ đạo. Hoạt động của cơ sở này là một trong những chìa khóa để đạt được mục tiêu.

    Công ty đã giành được 77 hợp đồng phóng tên lửa hạng nặng, hầu hết trong số đó đang được hoàn thành bởi United Launch Alliance (ULA) và công ty vũ trụ Blue Origin của ông Jeff Bezos. Hầu hết các vụ phóng được lên kế hoạch sẽ được tiến hành ở tiểu bang Florida.

    Amazon cũng có kế hoạch phóng các vệ tinh nguyên mẫu đầu tiên của mình vào không gian vào cuối năm nay, sau đó là các vệ tinh sản xuất đầu tiên vào đầu năm 2024.

    Công ty cho biết họ dự kiến ​​​​sẽ bắt đầu thử nghiệm dịch vụ với các khách hàng doanh nghiệp và chính phủ vào năm 2024.

    Bà Anna Farrar, phát ngôn viên của Space Florida, một tổ chức do tiểu bang Florida tài trợ thu hút các doanh nghiệp vũ trụ, cho biết Amazon đủ điều kiện nhận trợ cấp của tiểu bang cho các dự án liên quan đến giao thông vận tải nhưng “cho đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản tài trợ nào”.

    “Sự hợp tác này không chỉ nâng cao danh tiếng của Florida với tư cách là một cửa ngõ vào không gian, mà còn đẩy nhanh sứ mệnh của Florida Space trong việc biến cơ sở phóng và hạ cánh thành một địa điểm hàng đầu cho đổi mới hàng không vũ trụ”, Chủ tịch hội đồng quản trị của Space Florida, Phó thống đốc bang Jeanette Nuñez cho biết.

    Theo Trần Đình, Epoch Times


    Không có nhận xét nào