Võ Thái Hà tổng hợp
Trung Quốc kêu gọi Mỹ hành động ‘thiết thực’ đối với các biện pháp trừng phạt sau cuộc đàm phán của bà Yellen
10/07/2023
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen.
Hôm 10/7, Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ có “hành động thiết thực” để đáp lại “những quan ngại lớn” của nước này về lệnh trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc, sau khi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen kết thúc cuộc họp kéo dài hơn 10 giờ với các quan chức cấp cao ở Bắc Kinh, theo Reuters.
Bà Yellen đến Bắc Kinh để tìm cách xoa dịu căng thẳng giữa hai siêu cường thế giới, và mặc dù không có bước đột phá nào, cả hai bên đều mô tả các cuộc đàm phán của họ là “hiệu quả” và đồng ý giữ các kênh mở “ở mọi cấp độ” cho các cuộc đàm phán về kinh tế.
Chuyến thăm này làm tăng cơ hội cho cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối năm nay, có thể là tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương ở San Francisco vào tháng 11.
Trước khi kết thúc chuyến thăm hôm 9/7, bà Yellen nói với các phóng viên rằng bà và những người đồng cấp Trung Quốc đã “giãi bày những bất đồng đáng kể” trong các cuộc họp của họ, một quan điểm được phản ánh trong một thông báo từ Bộ Tài chính Trung Quốc vào sáng 10/7.
Bộ này viết: Trung Quốc “yêu cầu” Hoa Kỳ “chấm dứt việc đàn áp các doanh nghiệp Trung Quốc, dỡ bỏ lệnh cấm đối với các sản phẩm liên quan đến Tân Cương và thực hiện các bước cụ thể để đáp ứng những quan ngại lớn của Trung Quốc trong quan hệ kinh tế giữa hai nước”.
Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số công ty vì sử dụng lao động cưỡng bức ở vùng viễn tây Tân Cương.
Bắc Kinh phủ nhận việc sử dụng lao động cưỡng bức và bất kỳ hành vi lạm dụng nào khác ở đó.
Bộ Tài chính Trung Quốc cũng cho biết Trung Quốc tin rằng sự phát triển của họ là một cơ hội chứ không phải là rủi ro đối với Hoa Kỳ và “tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là một nhu cầu thực tế và là sự lựa chọn đúng đắn của hai nước”.
Ông Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn đầu tư Jones Lang LaSalle có trụ sở tại Hong Kong, cho biết: “Việc bắt đầu lại các cuộc đàm phán cấp cao Trung-Mỹ trong các lĩnh vực đa dạng có thể mở ra cơ hội hợp tác nhiều hơn về các vấn đề song phương và toàn cầu”.
Ông nói thêm: “Tôi mong đợi sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc ở cấp độ làm việc hơn, về một loạt chủ đề có nhiều sự đồng thuận hơn là bất đồng, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và danh sách cắt giảm thuế quan, trong số những chủ đề khác”.
Ukraine tiến quân về phía nam, giữ thế chủ động, khiến Nga mắc kẹt ở Bakhmut
Reuters đưa tin quân đội Ukraine đang tiếp tục chiến dịch tái chiếm các khu vực do Nga kiểm soát ở phía đông nam. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong các bình luận trên sóng truyền hình rằng lực lượng của nước này đã lấy lại thế chủ động sau khi khởi đầu cuộc phản công một cách chậm chạp.
Cuộc phản công được mong chờ của Ukraine diễn ra không như kỳ vọng ở thời điểm ban đầu. Phòng tuyến của quân đội Nga tỏ ra chắc chắn hơn những gì giới chức Ukraine đánh giá. Điều đó dẫn đến những thiệt hại ban đầu khá nặng nề cho Kyiv. Dù vậy, với việc được viện trợ ngày càng thêm nhiều vũ khí tinh vi của phương Tây, Ukraine vẫn tiếp tục tiến lên trên chiến trường.
Hôm 9/7, tư lệnh lục quân Ukraine Oleksandr Syrskyi hồ hởi tuyên bố: “Mặt trận Bakhmut. Chúng tôi đang giành được bước tiến. Lực lượng phòng vệ Ukraine tiếp tục tiến công và đối phương đang bị mắc kẹt ở một số khu vực”.
Tư lệnh lục quân Ukraine tuyên bố, lực lượng vũ trang nước này đang từng bước giành lại các vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát ở mặt trận Bakhmut.
Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, trong ngày 8/7, các lực lượng Nga tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công tại 4 mặt trận gồm Lyman, Bakhmut, Marinka and Shakhtarsk. Tuy nhiên, quân đội Ukraine tuyên bố các cuộc tấn công này đều không thành công.
Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, Hanna Maliar, viết trên Telegram, cho biết giao tranh ác liệt nổ ra ở hai khu vực phía đông nam. “Chúng tôi đang củng cố lợi ích của mình trong những khu vực đó,” bà viết.
Bà Maliar cho biết quân đội Nga vẫn đang bảo vệ Bakhmut, trong khi lực lượng Ukraine đã ghi nhận “một bước tiến nhất định” ở sườn phía nam của thành phố.
Chiến trường không ghi nhận thay đổi nào về vị trí của đôi bên ở phía bắc Bakhmut. Các lực lượng Ukraine vẫn giao tranh dữ dội ở phía tây Bakhmut và gần Lyman, một khu vực xa hơn về phía bắc trong vùng Donetsk.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABC của Mỹ trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra trong tuần này ở Lithuania, Tổng thống Zelensky thừa nhận chiến dịch phản công đang chậm hơn so với những gì họ mong muốn, nhưng nhấn mạnh lực lượng Ukraine đang ở thế chủ động.
“Tất cả chúng tôi đều muốn làm điều đó nhanh hơn bởi vì mỗi ngày trôi qua đồng nghĩa Ukraine lại phải chịu những tổn thất mới. Chúng tôi đang tiến lên, chúng tôi không bị mắc kẹt”, ông nói, lưu ý thêm rằng quân đội hiện tại không còn trì trệ như vài tháng trước.
“Tất cả chúng ta đều muốn thấy cuộc phản công được hoàn thành nhanh hơn. Nhưng thực tế là vậy. Hôm nay, thế chủ động đang nghiêng về phía chúng tôi”, ông Zelensky nhấn mạnh.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng nước này đã đẩy lùi bước tiến của Ukraine gần Bakhmut, khi giao tranh trở nên khó khăn “không chỉ bởi cường độ hỏa lực và chiến đấu hàng ngày, mà còn bởi địa hình”.
Reuters cho biết rất nhiều sự chú ý trong những ngày gần đây tập trung vào ngôi làng Klishchiivka, nằm trên một cao điểm ở phía nam Bakhmut.
Nhà phân tích quân sự Ukraine Denys Popovych cho hay quân đội Ukraine đã chiếm được “những vị trí quan trọng gần làng Klishchiivka”, từ đó đặt quân đội Nga ở Bakhmut vào trong tầm hoả lực.
“Điều này sẽ cho phép pháo binh Ukraine kiểm soát Klishchiivka và một phần của Bakhmut cũng như các tuyến đường tiếp tế”, ông Popovych nói. “Giống như việc Wagner từng bao vây thành phố, chúng tôi cũng vậy”.
Trong khi đó, Reuters đưa tin, lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov viết trên Telegram, cho biết đơn vị đặc nhiệm Akhmat của ông đã xuất hiện “ở khu vực Bakhmut khó khăn”. Ông Kadyrov cũng đăng tải đoạn video về một chỉ huy Akhmat ngồi trên một chiếc xe bọc thép gần làng Klishchiivka.
Những ngày gần đây, có nhiều báo cáo từ Nga cho rằng ông Kadyrov đang bị ốm, bị thương hoặc “đang đi nghỉ”.
Viên Minh (Tổng hợp)
Tư lệnh miền trung của Mỹ: Thủ lĩnh IS ở Syria bị tiêu diệt trong một cuộc không khích
10/7/2023
Máy bay SU-34 và SU-35 của quân đội Nga thả pháo sáng trên đường bay của máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Không quân Hoa Kỳ, phía dưới bên trái, trên bầu trời Syria, ngày 6/7/2023.
Một cuộc không kích của Hoa Kỳ đã giết chết một thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (IS) ở miền đông Syia, Bộ Tư lệnh miền trung của Hoa Kỳ cho biết hôm 9/7, theo VOA News.
Một tuyên bố của CENTCOM cho biết cuộc không kích giết chết ông Usamah al-Muhajir được tiến hành hôm 7/7.
Tướng Michael “Erik” Kurilla, chỉ huy Bộ Tư lệnh miền trung của Hoa Kỳ, cho biết: “Chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi vẫn cam kết đánh bại IS trên toàn khu vực. “Nhà nước Hồi giáo vẫn là một mối đe dọa, không chỉ đối với khu vực mà còn xa hơn nữa.”
Tuyên bố nói thêm rằng các hoạt động chống lại IS, "cùng với các lực lượng đối tác ở Iraq và Syria, sẽ tiếp tục đánh bại nhóm này".
CENTCOM cũng cho biết hôm 9/7 rằng không có dấu hiệu nào cho thấy dân thường đã thiệt mạng trong cuộc không kích hôm 7/7. Tuy nhiên, lực lượng liên minh đang đánh giá các báo cáo về một thường dân bị thương.
Trong một tuyên bố, CENTCOM cho biết cuộc tấn công hôm 7/7 nhằm vào IS “được thực hiện bởi chính những chiếc MQ-9 (máy bay không người lái) đã... bị máy bay Nga quấy rối trong một cuộc chạm trán kéo dài gần hai giờ đồng hồ”.
Nga là đồng minh chủ chốt của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Vào thời kỳ đỉnh cao vào năm 2014, Nhà nước Hồi giáo đã kiểm soát 1/3 lãnh thổ của Iraq và Syria. Nhóm chiến binh đã bị đánh trả ở cả hai quốc gia, nhưng các chiến binh của họ vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công.
Thiếu thốn vũ khí, Ukraina chế tạo mọi thứ từ ‘cây nhà lá vườn’
Liên Thành
Ảnh minh họa
Các pháo thủ Ukraina ngoài mặt trận do thiếu đạn đã mày mò tự tạo ra các thiết bị cây nhà lá vườn để tồn tại.
Báo Le Monde ngày 6/7 đưa tin, vài ngày qua, mưa tầm tã khiến những người lính không thể cho các UAV hoạt động để hướng dẫn tác xạ. Trong khi đó, Bộ tham mưu Ukraina cấm thực hiện mọi vụ oanh kích nếu không nắm được thật cụ thể vị trí của đối phương, vì không thể lãng phí số đạn ít ỏi.
Một thống kê mới đây cho biết lượng đạn pháo Ukraina tiêu thụ ít hơn gấp 10 lần quân Nga. Không có đủ đạn, cuộc phản công khó thể thành công.
Tại đơn vị của chỉ huy trưởng có bí danh Gall ở tuyến đầu Zaporizhzhia, quân đội Ukraina chỉ có đạn pháo cối để giao, còn lại phải tự xoay sở. Không người lính nào phàn nàn, họ đã quen với việc tiết kiệm từng viên đạn, từng quả hỏa tiễn. Binh lính Ukraina tại đây đã tự chế 2 giàn phóng hỏa tiễn: ống ngắm mua trên thị trường giá khoảng 50 euro, đại bác lấy từ chiến lợi phẩm trong trận Kherson là một xe tăng Ouragan và các hỏa tiễn của Nga.
Giàn phóng hỏa tiễn tự tạo này được đặt tên là “mini Grad”, vì chỉ có 3 ống phóng thay vì 12 như giàn Grad thật. Trên lý thuyết, giàn phóng có thể khai hỏa từ khoảng cách 40km, nhưng vì là đồ tự chế, họ phải đến gần mặt trận hơn để đạt mục tiêu.
Quân Nga đã chuẩn bị đối phó với việc Ukraina tiến công ồ ạt với vũ khí hạng nặng, nhưng Ukraina chỉ tung ra các đợt tiến công nhỏ: phân tán phòng thủ đối phương bằng pháo, rồi bộ binh xung phong giành từng mét đất.
Trong đơn vị của chỉ huy Gall, cả 40 chiến binh đều không phải là lính chuyên nghiệp trước chiến tranh, ngay cả Gall – người chỉ huy 41 tuổi vốn là giám đốc một nhà máy hóa chất.
Ông Jack, một sĩ quan 49 tuổi trước đây là kỹ sư tin học, đã chế ra được một vũ khí chống UAV, rẻ gấp 10 lần so với thị trường, nhưng đã hạ được 4 chiếc UAV của Nga khi thử nghiệm vào tuần trước. Sau đó, Jack còn tạo ra một loại thiết bị chống tăng gồm 1 UAV dân sự bay cõng theo 1 quả bom 2,5 kg. Chỉ tốn vài trăm euro, nhưng chiếc UAV này có thể diệt được xe tăng trị giá nhiều triệu đô của đối phương.
Rộ tin Tesla Thượng Hải sẽ cắt giảm 50% công nhân sản xuất pin
Phó chủ tịch toàn cầu của Tesla Đào Lâm, đã đăng một bức ảnh chụp chung của ông Musk với các nhân viên tại nhà máy Gigafactory Thượng Hải của Tesla lên trên Weibo. (Nguồn: Weibo)
Gần đây, có tin tức cho rằng nhà sản xuất ô tô điện Tesla đang sa thải hơn 50% công nhân sản xuất pin tại nhà máy ở Thượng Hải. Tesla đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận. Một số người trong cuộc cho tin điều này có liên quan đến chính sách của chính phủ Mỹ.
Ngày 7/7, tờ Bloomberg dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, nhà máy Thượng Hải của Tesla đã bắt đầu sa thải nhân viên liên quan đến bộ phận lắp ráp pin, việc sa thải chủ yếu liên quan đến nhân viên trong giai đoạn đầu tiên của quá trình lắp ráp pin. Reuters báo cáo rằng không rõ có bao nhiêu công nhân Tesla đã bị sa thải hoặc lý do cụ thể đằng sau việc sa thải. Tesla đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.
Tin tức về việc sa thải nhân công tại nhà máy Tesla ở Thượng Hải lần đầu tiên được đưa tin vào ngày 6/7 bởi một cổng thông tin trực tuyến địa phương ở Thượng Hải. Theo đó, hai dây chuyền lắp ráp pin tại nhà máy Thượng Hải của Tesla sử dụng chưa đến 1.000 người.
Siêu nhà máy của Tesla ở Thượng Hải là siêu nhà máy đầu tiên của Tesla bên ngoài nước Mỹ, với khoảng 20.000 nhân công, bao gồm cả nhân công sản xuất Model Y và Model 3.
Tân Hoa Xã trước đó đã đưa tin rằng nhà máy Thượng Hải của Tesla được dành riêng để sản xuất sản phẩm lưu trữ năng lượng Megapack của công ty. Megapack là một loại pin lớn sử dụng pin lithium sắt phosphate (LFP) do CATL phát triển. Năng lượng có thể được lưu trữ và cung cấp, giúp ổn định lưới điện, ngăn ngừa mất điện và có tác dụng bổ sung cho cơ sở hạ tầng năng lượng bền vững. Vào tháng 3 năm nay, số lượng giao hàng của Tesla tiếp tục tăng, nhà máy Gigafactory Shanghai ở Thượng Hải đã giao tổng cộng 88.869 xe, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo một báo cáo vào tháng 4 của tờ Qianjiang Evening News, nhà máy ở Thượng Hải của Tesla có đãi ngộ rất cao. Theo nhân viên Tesla, một công nhân bình thường ở tuyến đầu kiếm được mức lương cơ bản hàng tháng là “5K +” (tức từ 5.000 nhân dân tệ trở lên, tương đương ~ trên 15 triệu VNĐ), và các khoản thu nhập khác bao gồm tiền thưởng, phụ cấp, tiền làm thêm giờ, v.v., với mức lương 17 tháng mỗi năm và thu nhập trung bình hàng tháng gần 10.000 nhân dân tệ (~ trên 30 triệu VNĐ) . Ngoài ra, còn có 7% bảo hiểm xã hội và một quỹ nhà ở, quỹ tiết kiệm nhà ở 5%, bữa ăn miễn phí, xe đưa đón miễn phí, bảo hiểm thương mại miễn phí cho cả gia đình, v.v. “Ăn ở công ty, nhà ở là nhà công ty thuê, ai cũng có cổ phiếu công ty, công nhân cũng có cổ phiếu.” Một nhân viên của Tesla cho biết, “các đảm bảo đều có đầy đủ, hiện giờ ngay cả bố mẹ đi khám bệnh cũng đều được bồi hoàn chi phí điều trị.”
Theo dữ liệu từ trang web tuyển dụng, mức lương trung bình của Tesla vào năm 2022 là 27.448 nhân dân tệ, cao hơn 44% so với năm 2021. Mức lương trung bình hàng tháng của sinh viên tốt nghiệp làm ở Tesla là 10.500 nhân dân tệ và mức lương hàng tháng của thực tập sinh là 4.500 nhân dân tệ.
Trang “36kr” năm ngoái đã đưa tin rằng mức lương cơ bản của một công nhân nói chung ở tuyến đầu tại nhà máy Thượng Hải của Tesla khởi điểm từ 5.341 nhân dân tệ, và có thể thêm 200 nhân dân tệ nếu có bằng cử nhân. Nếu bạn có kinh nghiệm, thì có thể đàm phán thêm. Vào thời điểm đó, một số nhân viên tiết lộ rằng sau một năm, ngoài mức lương cơ bản, cộng với các khoản trợ cấp và tiền thưởng khác nhau và tiền thưởng cuối năm, họ có thể dễ dàng nhận được 110.000 – 120.000 nhân dân tệ.
Sau khi tin tức về việc sa thải nhân viên tại nhà máy của Tesla ở Thượng Hải, trang IT Home tại Trung Quốc dẫn lời “Shifang Zhixing” đưa tin rằng việc sa thải chủ yếu liên quan đến các nhân viên của giai đoạn lắp ráp pin đầu tiên và con số này sẽ vượt quá 50%. Hầu hết trong số họ đã bị sa thải sau khi thương lượng bồi thường, và một số ít người đã được chuyển sang công việc khác, thiết bị cho giai đoạn đầu tiên của quá trình lắp ráp pin cũng sẽ được tháo dỡ hoặc chuyển giao.
Về vấn đề này, một số người trong cuộc cho rằng lý do Tesla sa thải có liên quan đến chính sách của Chính phủ Mỹ. Chính phủ Mỹ cấm trợ cấp cho pin nhập khẩu từ Trung Quốc và yêu cầu pin được sản xuất tại địa phương ở Mỹ. Điều này dẫn đến việc cắt giảm các đơn đặt hàng xuất khẩu pin tại nhà máy Thượng Hải của Tesla, dẫn đến tình trạng dư thừa công suất. Và Tesla là một công ty đặt hiệu quả lên hàng đầu, sẽ không chấp nhận lãng phí tài nguyên.
IT Home cũng nhận thấy rằng mặc dù Tesla vẫn duy trì doanh số bán hàng và thị phần cao tại Trung Quốc, nhưng hãng cũng đang phải đối mặt với những thách thức và cạnh tranh từ nhiều khía cạnh khác nhau. Tesla đã từng tạo ra một huyền thoại, nhưng cuối cùng cũng sẽ phải đối mặt với hiện thực.
Lê Tiểu Quỳ, Vision Times
Thêm một tướng chỉ huy cuộc chiến ở Ukraina bị ông Putin sa thải
Tướng Valery Gerasimov, 67 tuổi, đã bị cách chức chỉ chưa đầy sáu tháng sau khi được bổ nhiệm. (Ảnh chụp từ màn hình).
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp tục sa thải một vị tướng hàng đầu phụ trách cuộc chiến chống lại chính quyền Ukraina, khi ông tiếp tục thanh trừng giới lãnh đạo cấp cao sau cuộc đảo chính bất thành của Wagner vào tháng trước.
Theo truyền thông Nga, tướng Valery Gerasimov, 67 tuổi, đã bị cách chức chỉ chưa đầy sáu tháng sau khi được bổ nhiệm. Ông đã được thay thế bởi Đại tá Mikhail Teplinskiy,
Động thái của ông Putin vẫn chưa được chính thức xác nhận. Đây được cho là biến động mới nhất trong việc chỉ huy cuộc chiến tại Ukraina kéo dài gần 17 tháng.
Ông đã sa thải một số nhà lãnh đạo bao gồm Đại tá Tướng Mikhail Mizintsev, còn được gọi là ‘Đồ tể Mariupol’, cũng như Tướng Rustam Muradov, người được cho đứng sau vụ thảm sát ở Vuhledar hồi đầu năm nay.
Theo Thời báo Matxcova, ông Gerasimov sẽ vẫn phụ trách các lực lượng vũ trang Nga với tư cách là tổng tham mưu trưởng nhưng trách nhiệm chung về cuộc chiến giờ thuộc về Teplinskiy, 54 tuổi, chỉ huy lực lượng đổ bộ đường không của Nga.
Việc này xảy ra sau cuộc binh biến của Yevgeny Prigozhin vào tháng trước, và một hành động khiến ông tức giận và bẽ mặt khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa các chỉ huy chủ chốt của trung đoàn Azov từ Thổ Nhĩ Kỳ về nước.
Theo hãng tuyền thông Anh Daily Mail, Ông Putin tuyên bố rằng mình đã bị ‘lừa dối’ về một thỏa thuận vào cuối cuộc vây hãm Mariupol, rằng chỉ huy Azov Denys Prokopenko, 32 tuổi và các trung úy của ông ta sẽ ở lại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi kết thúc cuộc chiến khốc liệt.
Daily Mail cũng nhận định rằng, ông Putin cũng có thể tức giận hơn trước chuyến thăm của ông Zelensky tới Đảo Rắn, được giải phóng ở Biển Đen để đánh dấu 500 ngày của cuộc chiến.
Việc sa thải ông Gerasimov chỉ là vụ mới nhất trong nhiều cuộc thanh trừng cấp chỉ huy chiến tranh của ông Putin.
Triều Tiên cảnh báo có thể bắn hạ máy bay do thám Mỹ vi phạm không phận
10/7/2023
Máy bay B-1B, F-16 của Mỹ tham gia cuộc tập trận với Hàn Quốc ngày 19/3/2023. (South Korean Defense Ministry/Handout via Reuters)
Triều Tiên hôm 10/7 cáo buộc Hoa Kỳ vi phạm không phận của nước này vì đã thực hiện các chuyến bay giám sát, và cảnh báo rằng trong khi Bình Nhưỡng đang kiềm chế, các chuyến bay như vậy có thể bị bắn hạ, theo Reuters.
Hãng thông tấn của nhà nước Triều Tiên KCNA dẫn lời người phát ngôn không nêu tên của Bộ Quốc phòng Triều Tiên trong một tuyên bố cho biết các hành động quân sự khiêu khích của Mỹ đang đưa bán đảo Triều Tiên đến gần hơn với một cuộc xung đột hạt nhân.
Hãng thông tấn này cũng trích dẫn việc sử dụng máy bay trinh sát và máy bay không người lái của Mỹ, đồng thời cho rằng Washington đang làm leo thang căng thẳng bằng cách gửi một tàu ngầm hạt nhân đến gần bán đảo.
Người phát ngôn nói: “Không có gì đảm bảo rằng một tai nạn gây chấn động như vụ bắn hạ máy bay trinh sát chiến lược của Không quân Mỹ sẽ không xảy ra” ở vùng biển phía đông Hàn Quốc.
Chưa có phản hồi ngay lập tức từ quân đội Hoa Kỳ đóng tại Hàn Quốc về yêu cầu bình luận của Reuters.
Quân đội Hàn Quốc cho biết tuyên bố vi phạm không phận của Triều Tiên là không đúng sự thật. Phía Hàn Quốc cho biết các thiết bị giám sát trên không của Hoa Kỳ tiến hành các chuyến bay do thám thường xuyên quanh bán đảo, đồng thời cho biết thêm hai đồng minh Hàn – Mỹ hợp tác chặt chẽ với nhau để giám sát miền Bắc.
‘Tống tiền hạt nhân’
KCNA cho rằng các động thái của Mỹ giới thiệu vũ khí hạt nhân chiến lược tới bán đảo Triều Tiên là “hành vi tống tiền hạt nhân trắng trợn nhất” đối với Triều Tiên và các nước trong khu vực, đồng thời gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình.
“Tình huống cực đoan, không ai mong muốn, có được tạo ra trên bán đảo Triều Tiên hay không phụ thuộc vào hành động trong tương lai của Hoa Kỳ, và nếu có bất kỳ tình huống bất ngờ nào xảy ra... thì Hoa Kỳ sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về điều đó”, tuyên bố viết.
Các lực lượng của Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận không quân và hải quân trong năm nay với sự tham gia của một tàu sân bay và máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ. Một tàu ngầm tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ cũng đã ghé cảng Busan ở Hàn Quốc vào tháng trước.
Tuyên bố của Triều Tiên lên án điều mà họ gọi là động thái của Mỹ triển khai tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang đầu đạn hạt nhân tới bán đảo Triều Tiên lần đầu tiên kể từ năm 1981.
Vào tháng 4, các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Hoa Kỳ đồng ý rằng một tàu ngầm tên lửa đạn đạo trang bị hạt nhân của Hải quân Hoa Kỳ sẽ thăm Hàn Quốc lần đầu tiên kể từ những năm 1980, nhưng không có thời gian biểu cụ thể cho chuyến thăm như vậy.
Đây là một phần trong kế hoạch tăng cường triển khai các tài sản chiến lược của Mỹ nhằm đối phó hiệu quả hơn trước các mối đe dọa và các vụ thử vũ khí của Triều Tiên để bảo vệ đồng minh Hàn Quốc.
Vào tháng 6, một máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã tham gia cuộc tập trận không quân với Hàn Quốc nhằm phô trương lực lượng sau vụ phóng vệ tinh gián điệp thất bại của Triều Tiên vào cuối tháng 5.
‘Quyết tâm răn đe’
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết đã đến lúc thể hiện “quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên mạnh hơn so với mong muốn phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên”, trong một bình luận bằng văn bản gửi cho hãng tin AP được công bố hôm 10/7.
Ông Yoon sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Litva trong tuần này, nơi ông dự kiến sẽ tìm kiếm sự hợp tác lớn hơn với các thành viên NATO về các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, văn phòng của ông cho biết.
Đức lần đầu tiên gửi quân đến Úc khi Berlin chuyển trọng tâm sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
10/07/2023
Một cuộc tập trận Talisman Sabre.
Lần đầu tiên Đức sẽ gửi binh sĩ tới Australia như một phần của cuộc tập trận chung với khoảng 30.000 quân nhân từ 12 quốc gia khác, nhấn mạnh sự tập trung ngày càng tăng của Berlin vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc trong khu vực, theo Reuters.
“Đó là một khu vực có tầm quan trọng cực kỳ cao đối với chúng tôi ở Đức cũng như Liên minh châu Âu do sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế”, Tư lệnh Lục quân Đức Alfons Mais nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 10/7, vài giờ trước khi những binh sĩ đầu tiên của Đức lên đường đến Australia.
Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Berlin và 40% ngoại thương của châu Âu chảy qua Biển Đông, một tuyến đường thủy là tâm điểm của các tranh chấp lãnh thổ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Vào năm 2021, một tàu chiến của Đức đã đi vào Biển Đông lần đầu tiên sau gần 20 năm. Năm ngoái, Berlin đã cử 13 máy bay quân sự tham gia các cuộc tập trận chung ở Australia, đợt triển khai lực lượng không quân lớn nhất trong thời bình.
Ông Mais cho biết có tới 240 binh sĩ Đức, trong đó có 170 lính dù và 40 lính thủy đánh bộ, sẽ tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre từ ngày 22/7 đến ngày 4/8, cuộc tập trận lớn nhất giữa Australia và Mỹ, được tổ chức hai năm một lần.
Các quân nhân Đức sẽ huấn luyện chiến tranh trong rừng và các hoạt động đổ bộ cùng với binh lính từ các nước như Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp và Anh.
“Chúng tôi mong muốn chứng minh rằng chúng tôi là đối tác đáng tin cậy và có khả năng góp phần ổn định trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực”, ông Mais nói.
Khi được hỏi việc triển khai quân đội đầu tiên của Đức tới Australia nhằm gửi thông điệp gì tới Trung Quốc, ông nhấn mạnh rằng Berlin không nhằm mục đích chống lại bất kỳ ai.
Vị trung tướng Đức nói: “Nói chung, việc tìm hiểu quan điểm của những người khác về thế giới là điều hợp lý”, đồng thời cho biết thêm rằng các thách thức an ninh hiện nay ít rõ ràng hơn nhiều so với trước năm 1990.
“Chiến tranh Lạnh thì dễ nhận biết, đó là một thế giới hai cực. Ngày nay, chúng ta không còn có thể chỉ tập trung vào châu Âu... chúng ta phải định vị bản thân ở phạm vi rộng hơn nhiều”, vị chỉ huy quân đội nhấn mạnh.
Ông Mais có kế hoạch đến thăm quân đội Đức ở Australia và nhà máy Rheinmetall lắp ráp xe vận tải bọc thép Boxer cho quân đội của cả hai nước vào giữa tháng 7, trước khi đến Nhật Bản và Singapore.
“Nhật Bản là một đối tác có nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác quân sự song phương của chúng ta”, ông nói. Riêng với cuộc tập trận Talisman Sabre, quân Đức đã có lệnh quay trở lại Australia cho cuộc tập trận tiếp theo vào năm 2025.
Không có nhận xét nào