Header Ads

  • Breaking News

    Người dân trong xã hội dân chủ: Quyền phải đi đôi với nghĩa vụ

    Phạm Phú Khải 

    12/7/2023


    Để duy trì nền dân chủ, để nhân quyền được tôn trọng, đặc biệt tại Hoa Kỳ, nó đòi hỏi công dân phải có nghĩa vụ, bởi quyền thôi thì không đủ.


    Để duy trì nền dân chủ, để nhân quyền được tôn trọng, đặc biệt tại Hoa Kỳ, nó đòi hỏi công dân phải có nghĩa vụ, bởi quyền thôi thì không đủ. 

    Lối hành văn trong sáng, ngôn từ giản dị nhưng ý tưởng sâu sắc, Richard Haass đã để lại cho người đọc nhiều suy tư và liên tưởng về nền dân chủ và tương lai của Hoa Kỳ nói riêng, thế giới nói chung. 

    Đầu năm 2023, Richard Haass đã cho ra mắt tác phẩm mới nhất của ông có tên Bộ luật (Tuyên ngôn) về Nghĩa vụ: Mười Thói quen Tốt của Công dân (The Bill of Obligations: The Ten Habits of Good Citizens). Đây là tác phẩm thứ 13 của Haass trong loạt sách liên quan đến chính sách đối ngoại mà ông là một chuyên gia có tầm.

    Được biết vào tháng 6 vừa qua, Richard Haass đã từ nhiệm trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (The Council on Foreign Relations/CFR) sau 20 năm trong vị trí này. Hội đồng Quan hệ Đối ngoại là một cơ quan nghiên cứu, cố vấn chuyên về chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Hoa Kỳ, hình thành năm 1921 sau Thế Chiến I. Tạp chí nổi tiếng Foreign Affairs là một trong các sản phẩm của CFR, xuất bản năm 1922 liên tục từ đó đến nay, được giới chuyên gia hàng đầu tại Hoa Kỳ và quốc tế quan tâm theo dõi và đóng góp.

    Lấy cảm hứng và ý niệm từ Bộ luật (Tuyên ngôn) Nhân quyền (The Bill of Rights), Haass cho rằng để duy trì nền dân chủ, để nhân quyền được tôn trọng, đặc biệt tại Hoa Kỳ, nó đòi hỏi công dân phải có nghĩa vụ, bởi quyền thôi thì không đủ. Trong phần mở đầu cuốn sách, Haass biện luận: “Nền dân chủ của chúng ta đang gặp nguy hiểm, và sự sụp đổ của nó sẽ là một tổn thất khôn lường đối với người dân của đất nước này và đối với thế giới.” Haass thêm: “Tôi tin rằng nó chỉ có thể được cứu vãn nếu người Mỹ thuộc mọi thành phần chính trị chấp nhận rằng quyền công dân liên quan đến nhiều thứ hơn là việc họ khẳng định - hoặc việc chính phủ bảo vệ - những gì họ hiểu là quyền của mình.” Quyền cá nhân, muốn hay không, sẽ xung đột nhau, và khi nó xảy ra, công dân phải có cách giải quyết những khác biệt này với nhau để cùng tồn tại trong hòa bình. Nghĩa vụ giữa công dân với nhau, và giữa công dân và chính quyền, là nền tảng của một nền dân chủ thành công. Nghĩa vụ, hay thói quen công dân, ngôn từ được Danielle Allen sử dụng, là những điều mà nên xảy nhưng luật không thể bắt buộc. Haass khẳng định: “Nếu không có văn hóa nghĩa vụ cùng tồn tại bên cạnh cam kết về quyền, nền dân chủ Mỹ rất có thể bị hủy hoại.”

    Haass đã trình bày 10 nghĩa vụ công dân trong tác phẩm này. Xin được tóm tắc như sau.

    Nghĩa vụ 1: Hiểu biết (be informed). Haass biện luận rằng quan niệm cho rằng sự hiểu biết của người dân (dân trí) là cần thiết cho sự tồn tại của nền dân chủ Mỹ đã có ngay từ thời lập quốc. Chính Thomas Jefferson từng nhấn mạnh rằng khi nào người dân hiểu biết thì chính quyền mới tin tưởng được, và khi nào những sai trái xảy ra mà thu hút sự chú ý của họ, lúc đó có thể dựa vào người dân để chỉnh sửa lại. Chính Barack Obama cũng từng nói rằng nền dân chủ sẽ không hiệu quả nếu chúng ta không có những công dân hiểu biết. 

    Công dân hiểu biết có nghĩa là gì? Haass định nghĩa: “Một công dân hiểu biết là người hiểu các nguyên tắc cơ bản về cách thức vận hành của chính phủ, nền kinh tế và xã hội, những thách thức chính mà đất nước phải đối mặt trong và ngoài nước, và các lựa chọn hoặc chính sách cạnh tranh để đối phó với những thách thức đó.”

    Nghĩa vụ 2: Tham gia (get involved). Nền dân chủ phụ thuộc vào sự tham gia của công dân; dân chủ có nghĩa người dân cai trị, thông qua các đại diện của họ, vì dân chủ trực tiếp không thực hiện được. Để làm thế người dân phải tích cực tham gia, ít nhất phải đi bầu. Cha mẹ vừa có cơ hội vừa có trách nhiệm để khuyến khích học và tham gia vào quy trình chính trị. Haass nói: “Dân chủ là một hình thức chính phủ ủy quyền cho từng công dân - nhưng chỉ khi công dân sẵn sàng tham gia.”

    Nghĩa vụ 3: Luôn cởi mở để thỏa hiệp (stay opened to compromise). Thỏa hiệp bây giờ là từ được xem là xấu. Nhưng chính John F Kennedy từng biện luận: “Thỏa hiệp không có nghĩa là hèn nhát. Thật vậy, chính những người thỏa hiệp và hòa giải thường phải đối mặt với những thử thách gay gắt nhất về lòng can đảm chính trị khi họ phản đối quan điểm cực đoan của các cử tri của họ.” Henry Clay, người đỡ đầu cho Abraham Lincoln và là Phát ngôn của Hạ viện Hoa Kỳ từng nói: “Mọi luật lệ, mọi chính phủ, mọi xã hội đều được thành lập dựa trên nguyên tắc nhượng bộ lẫn nhau.” Thoả hiệp dễ bị xem là bán đứng, nhất là khi nó đụng đến những giá trị hay nguyên tắc nền tảng. Do đó người thỏa hiệp dễ dàng bị phê phán, và dễ bị tổn thương. Nhưng nó cần được bảo vệ và được giải thích khi xảy ra.

    Nghĩa vụ 4: duy trì văn minh với nhau (remain civil, tức nhã nhặn và lịch sự). Haass viết: “Sự văn minh gắn liền với cách cư xử. Với sự tôn trọng. Với sự nhã nhặn. Với phép lịch sự. Để học cách bất đồng mà không bất hòa… Sự văn minh là đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn người khác đối xử với mình.” Kennedy từng nói “sự văn minh không phải là chỉ dấu của yếu đuối”. George W Bush từng biện luận: “sự văn minh không phải là một chiến thuật hay một tình cảm; đó là sự lựa chọn kiên quyết của niềm tin đối với sự hoài nghi, của cộng đồng đối với sự hỗn loạn.” Haass biện luận thêm: “Những gì sự văn minh làm được là giúp giảm bớt hoặc thậm chí bắt cầu cho những khác biệt - và ngay cả khi không, sự văn minh cho phép đối thoại và các mối quan hệ tiếp tục về các vấn đề khác mà có thể không đạt được thỏa thuận. Đối thủ về một vấn đề không nhất thiết phải trở thành đối thủ về mọi vấn đề, càng không thể trở thành kẻ thù. Sự văn minh làm giảm đáng kể khả năng những bất đồng sẽ dẫn đến bạo lực.”

    Nghĩa vụ 5: từ chối bạo lực (reject violence). Haass biện luận: “Điều làm cho một nền dân chủ khác với các hệ thống độc tài là nền dân chủ cung cấp các kênh hòa bình cho các cá nhân và các nhóm theo đuổi các mục tiêu chính sách kinh tế và chính trị của họ. Họ làm như vậy tuy không có bất kỳ đảm bảo nào rằng họ sẽ đạt được mục tiêu của mình, nhưng họ chấp nhận tính hợp pháp của quy trình, vì họ tin rằng họ sẽ có cơ hội thành công một phần hoặc toàn bộ theo thời gian. Họ cũng tin rằng không có vấn đề cụ thể nào đáng làm suy yếu giá trị của toàn bộ hệ thống chính trị.” Do đó bạo lực để theo đuổi mục tiêu chính trị là vấn đề nghiêm trọng, và có khả năng gây thương vong cho những người vô tội. 

    Nghĩa vụ 6: coi trọng các chuẩn mực (value norms). Haass quan niệm rằng chuẩn mực liên quan đến tinh thần và ý định của luật, với những hành vi mà vì nhiều nguyên nhân không thể luật định hoặc chính thức đòi hỏi, nhưng nó đều mong muốn hoặc thậm chí cần thiết để vận hành nền dân chủ. Haass định nghĩa: “Chuẩn mực là những truyền thống, quy tắc, phong tục, quy ước, quy tắc ứng xử và thông lệ bất thành văn nhằm giảm xung đột và sự mong manh trong xã hội… Có thể nói, luật pháp cung cấp khung sườn cho một xã hội, nhưng các quy tắc là thứ lấp đầy nó và làm cho nó có thể sống được, là đồ nội thất bên trong tòa nhà.” Truyền thống như tôn trọng kết quả bầu cử là một chuẩn mực cơ bản nhất của nền dân chủ Hoa Kỳ. Tuyển chọn người xứng đáng vào vai trò trách nhiệm là một chuẩn mực quan trọng khác. Công khai hóa bản khai thuế của mình khi ra ứng cử vào các chức vụ cao cấp là một chuẩn mực khác cần tôn trọng v.v…

    Nghĩa vụ 7: đề cao lợi ích chung (promote the common good). Để có được lợi ích chung nhiều nhất, công bằng dựa trên bình đẳng là quan yếu. Haass biện luận bình đẳng cơ hội cho mọi người là yếu tố vô cùng quan trọng để vận hành nền dân chủ. Ở mức tối thiểu công bằng đòi hỏi tránh phân biệt đối xử mà đưa đến kết quả ngăn chặn cơ hội bình đẳng, và công bằng đòi hỏi cung cấp các nguồn lực giúp tạo cơ hội bình đẳng trên thực tế cũng như trên nguyên tắc. Nền kinh tế và xã hội của Hoa Kỳ chỉ có thể đạt được tiềm năng nếu nhân tài được phát triển và được phép phát huy. Tài năng này có thể được khai thác cho phát minh, đổi mới, tài nguyên và lao động kỹ năng cao. Tất cả những điều này mang lại lợi ích trực tiếp cho cá nhân cũng như gia đình, cộng đồng và đất nước của họ. 

    Nghĩa vụ 8: tôn trọng dịch vụ của chính phủ (respect government service). Hiện nay niềm tin của người Mỹ vào chính quyền của mình thấp kỷ lục. Chỉ một trong bốn người còn tin tưởng. Tất nhiên chính quyền đã phạm phải sai lầm, thỉnh thoảng sai lầm lớn, và hậu quả nghiêm trọng. Quyền lực bị lạm dụng. Công dân đôi khi bị lừa dối. Tiền bạc bị lãng phí. Tham nhũng tồn tại. Phân biệt chủng tộc được dung thứ hoặc thậm chí nâng cấp... Nhưng nền dân chủ Mỹ có các công cụ để đối phó với hành vi như vậy. Báo chí tự do có thể báo cáo về việc quyết định và thi hành tồi tệ và phát hiện ra tham nhũng. Trong khi đó các dịch vụ công quyền bao trùm mọi mặt. Haass liệt kê: “Chính phủ đảm bảo an ninh vật chất của chúng ta chống lại tội phạm, khủng bố và quân đội nước ngoài; thiết kế và thực hiện chính sách đối ngoại; xây dựng đường xá, sân bay, cầu, đường rày và đường hầm tạo nên cơ sở hạ tầng của đất nước; đảm bảo nước chúng ta uống, thực phẩm chúng ta ăn và không khí chúng ta hít thở đều an toàn; dành các nguồn lực cho người về hưu, trẻ em, người tàn tật và người thất nghiệp; điều hành các trường học và bệnh viện công lập và thiết lập các tiêu chuẩn cho các tổ chức tư nhân; cấp phép cho những người có tác động lớn đến “người cùng quốc tịch, bao gồm bác sĩ, luật sư, giáo viên và kỹ sư; đảm bảo tiền tệ được định giá và chấp nhận; bảo vệ các cá nhân và nhóm chống lại sự phân biệt đối xử; quy định mức lương tối thiểu; giám sát một nền kinh tế lớn nhất thế giới theo cách nhằm hạn chế lạm phát; tạo công ăn việc làm; khuyến khích doanh nhân; và cung cấp một nền tảng cho những người kém may mắn hơn.” Vì quá quan trọng như thế, chính quyền cần phải làm cho tốt hơn, và công dân cần tham gia và giám sát để nó tốt hơn.

    Nghĩa vụ 9: hỗ trợ việc dạy giáo dục công dân (support the teaching of civics). Học về quyền và nghĩa vụ của công dân rất quan trọng cho nền dân chủ và tương lai quốc gia. Được mô tả trong Tuyên ngôn Độc lập, Hoa Kỳ là một quốc gia mới đã đưa ra lý do thoát khỏi sự cai trị của Anh như một phương tiện cần thiết để thực hiện mục tiêu tạo ra một xã hội trong đó mọi người sinh ra đều bình đẳng, được ban cho một số quyền bất khả xâm phạm, bao gồm quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc. Về phần mình, chính phủ của quốc gia mới độc lập này sẽ nhận nhiệm vụ của mình từ sự đồng ý của những người được cai trị. Hơn nữa, quan điểm cho rằng số phận của một người không được quyết định bởi hoàn cảnh sinh ra mà người đó không kiểm soát được quả là cấp tiến, cũng như quan điểm cho rằng chính phủ có được tính hợp pháp từ những người mà nó cai trị, chứ không phải từ một gia đình cha truyền con nối hay một số ít người tự bổ nhiệm. Đây là lịch sử Hoa Kỳ cần giảng dạy, dù luôn có nhiều điểm bất toàn, như vấn đề nô lệ hay đối xử tồi tệ với người bản địa, hay phân biệt đối xử với nhiều làn sóng tị nạn trước đây. Tuy nội dung của bộ môn công dân cần được thảo luận hay tranh luận để đi đến sự đồng thuận, việc giảng dạy bộ môn này rất quan trọng và cần thiết.

    Nghĩa vụ 10: đặc quốc gia trên hết (put country first). Haass biện luận mọi công dân Hoa Kỳ cần có nghĩa vụ đặt đất nước và nền dân chủ Hoa Kỳ lên trên đảng phái và con người. Haass nó: “Nghĩa vụ này là một sợi dây giúp ràng buộc kết cấu của xã hội này và là một yếu tố thiết yếu của lòng yêu nước. Đặt nền dân chủ và đất nước được thành lập trên nền tảng đó lên hàng đầu là cách duy nhất để bảo tồn và tốt hơn nữa là cải thiện một Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ mà bất chấp mọi khuyết điểm và sai sót của nó, đây vẫn là cuộc thử nghiệm chính trị thành công nhất trong lịch sử loài người và là cuộc thử nghiệm với tiềm năng lớn nhất. Abraham Lincoln đã nói điều hay nhất, như thường làm, rằng: “Chúng ta sẽ cứu một cách cao cả, hoặc đánh mất một cách hèn hạ, niềm hy vọng tốt nhất cuối cùng của trái đất.”

    Nhìn về lịch sử, Haass trích dẫn rằng James Madison, nhà lập quốc và là tổng thống thứ tư của Hoa Kỳ, đã nói rõ ràng về trung điểm của dự án dân chủ: “Giả sử rằng bất kỳ hình thức chính phủ nào sẽ đảm bảo tự do hoặc hạnh phúc mà không có bất kỳ phẩm chất đạo đức nào đối với người dân, là một ý tưởng hão huyền.” Khoảng hai thế kỷ sau, tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ, George W. Bush, cũng đưa ra quan điểm tương tự. “Lợi ích chung phụ thuộc vào tư cách cá nhân, vào sự chính trực và lòng khoan dung đối với người khác và quy tắc lương tâm trong cuộc sống của chính chúng ta. Cuối cùng, chính phủ tự trị dựa vào sự quản lý của bản thân.” Nhưng Haass cũng hiểu rõ rằng đức hạnh hoặc nhân cách không thể bị bắt buộc hoặc pháp định, nhưng nó có thể được khuyến khích trên cơ sở rằng nó đúng đắn, luân lý và đạo đức.

    Đây là cuốn sách mỏng, chỉ hơn 100 trang thôi, trong đó gần 40 trang là tài liệu tham khảo. Lối hành văn trong sáng, ngôn từ giản dị nhưng ý tưởng sâu sắc, Richard Haass đã để lại cho người đọc nhiều suy tư và liên tưởng về nền dân chủ và tương lai của Hoa Kỳ nói riêng, thế giới nói chung. Haass trình bày thuyết phục rằng quyền và nghĩa vụ không thể tách riêng. Giáo dục công dân về lịch sử quốc gia và tiến trình hình thành dân chủ là nền tảng cốt lõi. Viết tác phẩm này, Richard Haass lập luận: “Chúng ta có được chính phủ và đất nước mà chúng ta xứng đáng có. Tuy nhiên, việc có được cái mà chúng ta cần hay không tùy thuộc vào chúng ta.” (“We get the government and the country we deserve. Getting the one we need, however, is up to us.”)

    https://www.voatiengviet.com


    Không có nhận xét nào