Nguồn: Matthew Mpoke Bigg, “关于现在的北约,你应该知道的七个问题”, New York Times, 12/07/2023
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
20/7/2023
Hôm Thứ Ba (11/7), các nhà lãnh đạo Khối Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) khai mạc hội nghị thượng đỉnh thường niên của họ tại Vilnius, thủ đô Litva. Trong chương trình nghị sự của hội nghị, phản ứng đối với cuộc chiến Nga-Ukraine chiếm phần chủ yếu.
Cuộc chiến tranh lớn nhất ở châu Âu kể từ khi NATO được thành lập cách đây 74 năm đã kích hoạt lại tổ chức này, đưa NATO trở về vai trò một liên minh tác chiến trong thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh. Chiến tranh Nga-Ukraine cũng đặt ra những câu hỏi hóc búa về viện trợ quân sự cho chính phủ Ukraine và việc Thụy Điển và Ukraine xin gia nhập NATO.
Một trong những vấn đề đó đã được giải quyết vào tối thứ Hai (10/7). Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết Thổ Nhĩ Kỳ, vốn luôn phản đối Thụy Điển vào NATO, sẽ không còn ngăn cản Thụy Điển gia nhập liên minh.
“Điều này có lợi cho tất cả các quốc gia thành viên của chúng tôi,” ông Stoltenberg nói. “Điều đó có lợi cho Thụy Điển, vì Thụy Điển sẽ là thành viên chính thức; điều đó có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ, vì Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO và sẽ được hưởng lợi từ một NATO mạnh hơn.”
Tuy nhiên, theo dự kiến, các vấn đề khác sẽ chi phối hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày này. Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo các nước khác sẽ tham dự hội nghị. Đây là lần đầu tiên Phần Lan dự họp. Phần Lan đã từ bỏ chính sách trung lập từng được thi hành lâu năm với Nga và năm nay Phần Lan đã gia nhập NATO với tư cách thành viên thứ 31 của tổ chức này. Sự gia nhập của Phần Lan là một dấu hiệu nổi bật cho thấy cuộc chiến Nga-Ukraine đã kích thích NATO như thế nào, và là một yếu tố bất lợi đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã coi sự mở rộng về phía đông của NATO là một trong những lý do khiến ông xâm lược Ukraine.
Dưới đây là những thông tin ngắn gọn về NATO và việc vai trò của nó đã thay đổi như thế nào sau khi Nga xâm lược Ukraine.
NATO là một tổ chức như thế nào?
NATO là một liên minh phòng thủ tập thể do Mỹ, Canada và 10 quốc gia châu Âu thành lập vào năm 1949 sau Thế chiến II.
Hiệp ước thành lập NATO có 14 điều mà tất cả các thành viên đều phải tuân thủ. Nổi tiếng nhất là Điều 5, tuyên bố rằng cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên được coi là cuộc tấn công vào tất cả các quốc gia thành viên.
Khi NATO được thành lập, Liên Xô đang củng cố địa vị lãnh đạo của mình ở Trung Âu và Đông Âu, đồng thời sức mạnh và tham vọng của Liên Xô dường như ngày một tăng lên. Trước tình hình đó, Điều 5 Hiệp ước đã đặt Tây Âu dưới sự bảo hộ của Mỹ.
Sau khi Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990, NATO bắt đầu có một vai trò rộng lớn hơn. Quân đội NATO được tổ chức từ quân đội do các quốc gia thành viên tự nguyện cử đến. Họ đã thực hiện các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Bosnia vào những năm 1990 và không kích Serbia vào năm 1999 để bảo vệ Kosovo. Hiện nay quân đội NATO vẫn đóng tại Kosovo.
NATO có những quốc gia thành viên nào?
Ngoài Mỹ và Canada, các quốc gia gia nhập NATO năm 1949 là Bỉ, Anh, Đan Mạch, Pháp, Iceland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy và Bồ Đào Nha.
Về sau có thêm 19 quốc gia châu Âu khác gia nhập, gồm: Albania, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Phần Lan, Đức, Hy Lạp, Hungary, Latvia, Litva, Montenegro, Bắc Macedonia, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Slovakia, Slovenia và Tây Ban Nha.
Việc kết nạp Phần Lan đã bổ sung cho NATO một trong những quân đội hùng mạnh nhất ở Tây Âu. Đồng thời cam kết phòng thủ tập thể của NATO hiện mở rộng tới quốc gia có chung đường biên giới dài 1.340 km với Nga.
Tại Vilnius, Stoltenberg đã công bố tư cách thành viên NATO của Thụy Điển. Ông cho biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã rút lại quan điểm phản đối Thụy Điển gia nhập NATO và ông Erdogan sẽ đệ trình đơn của Thụy Điển lên Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ để phê chuẩn trong thời gian sớm nhất.
Ai lãnh đạo NATO?
Cựu Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg giữ chức Tổng thư ký NATO từ năm 2014. Dự kiến ông sẽ mãn nhiệm vào tháng 9 năm nay. Nhưng tuần trước, ông đã tuyên bố đồng ý gia hạn nhiệm kỳ của mình đến tháng 10 năm 2024.
Việc gia hạn nhiệm kỳ của Stoltenberg đã làm cho hội nghị thượng đỉnh lần này không phải thảo luận vấn đề gây tranh cãi về người thay thế, sau khi một số ứng cử viên tiềm năng đã xuất hiện vào mấy tuần trước.
Trong số này bao gồm Thủ tướng Estonia Kaja Karas, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen.
Cuộc chiến Nga-Ukraine đã làm NATO thay đổi như thế nào?
Năm 2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố NATO đã “chết não” và bày tỏ nghi ngờ về cam kết của Mỹ với liên minh NATO. Nhưng kể từ sau cuộc xâm lược ồ ạt của Nga vào Ukraine hồi tháng 2 năm 2022, NATO đã phát hiện mình có một ý nghĩa mới.
Mặc dù NATO không trực tiếp cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng các thành viên NATO đã cung cấp cho Ukraine các thiết bị trị giá hàng chục tỷ đô la, và Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất về tổng khối lượng. Tất cả các thành viên NATO đều họp hàng tháng tại Ramstein, Đức, để thảo luận vấn đề viện trợ quân sự cho Ukraine. NATO còn giúp điều phối yêu cầu viện trợ nhân đạo của Ukraine.
Một vấn đề mà họ tranh luận là liệu các thành viên NATO có nên cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu F-16 hay không. Ukraine cho rằng F-16 sẽ tăng cường hiệu quả hệ thống phòng không của họ trong dài hạn. Trong tháng này, một chỉ huy cấp cao của NATO cho biết rằng mặc dù có kế hoạch cung cấp các máy bay chiến đấu như vậy, nhưng họ khó có thể bắt kịp thời cơ phản công hiện tại của Ukraine.
Chiến tranh Nga-Ukraine cũng đã trao vị trí trung tâm mới cho các thành viên phía đông của NATO, nhất là các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan, trong đó Ba Lan đã giành được ảnh hưởng mới đáng kể trong nội bộ NATO. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda là một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Kiev sau khi Nga xâm lược Ukraine, cũng là một trong những người ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất. Chính phủ Ba Lan còn ra sức ủng hộ Ukraine gia nhập NATO.
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Thuỵ Điển gia nhập NATO?
Thụy Điển đã phá bỏ chính sách trung lập đối với Nga và cùng Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5 năm 2022. Nhưng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, đã liên tục không đồng ý cho Thụy Điển gia nhập, nói rằng Thụy Điển dung túng cho những người Kurd lưu vong và những người tị nạn có liên quan đến Đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố.
Tuần trước, Tổng thống Biden cho biết ông “rất nóng lòng mong chờ” Thụy Điển gia nhập NATO, mặc dù vào thời điểm đó khả năng ấy rất nhỏ. Trước đó, vào sáng thứ Hai, ông Erdogan cho biết EU trước tiên nên mở cửa cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối EU và sau đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đồng ý để Thụy Điển gia nhập NATO.
Ông Stoltenberg nói, như một phần trong thỏa thuận cho Thụy Điển gia nhập NATO, Thụy Điển sẽ giúp mở lại đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước sẽ cùng nhau chống khủng bố và NATO sẽ lập một “điều phối viên đặc biệt chống khủng bố” mới.
Ngoại trừ Hungary, tất cả các thành viên NATO đều ủng hộ đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Hungary cho biết họ đang chờ Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý.
Khả năng Ukraine gia nhập NATO như thế nào?
Gia nhập NATO là mục tiêu trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Ukraine nhiều năm qua và là một phần trong kế hoạch tương lai của Ukraine tranh thủ gia nhập Liên minh châu Âu và đứng vào hàng ngũ các nước phương Tây. Ngay từ năm 2008, NATO đã tỏ ý cho biết Ukraine cuối cùng sẽ trở thành thành viên NATO. Việc Nga xâm lược Ukraine đã tạo động lực lớn hơn, và vào tháng 9 năm ngoái chính phủ Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập NATO.
Mặc dù Ba Lan và các nước Đông Âu khác ủng hộ việc cung cấp cho Ukraine lộ trình gia nhập NATO nhưng Mỹ, Đức và Pháp lại luôn ngăn cản Ukraine tham gia vì họ không muốn thực hiện một bước đi có thể dẫn đến sự mở rộng cuộc chiến tranh với Nga.
Họ nói, nhiệm vụ ưu tiên trước mắt nên là cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, còn vấn đề tư cách thành viên NATO của Ukraine thì để lại giải quyết sau. Trong một cuộc phỏng vấn được CNN phát sóng hôm Chủ nhật, Tổng thống Biden cho biết Ukraine vẫn chưa làm xong việc chuẩn bị gia nhập NATO, và trong khi chiến tranh vẫn đang tiếp diễn thì việc bắt đầu thủ tục đăng ký gia nhập NATO “hãy còn quá sớm”.
Các nước khác của châu Âu thì sao?
Các quốc gia khác ở châu Âu, bao gồm Ireland và Áo, đã chọn không gia nhập NATO, thường là do họ tuân theo chính sách trung lập.
Belarus, một quốc gia khác có chung đường biên giới với Nga, cũng không phải là thành viên NATO. Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko, một đồng minh thân cận của Putin, đã cho phép Nga sử dụng Belarus làm nơi tập kết lực lượng xâm lược Ukraine.
* Matthew Mpoke Bigg là nhà báo đưa tin quốc tế cho New York Times. Trước đây là phóng viên, biên tập và trưởng văn phòng của Reuters, đưa tin từ Nairobi, Abidjan, Atlanta, Jakarta và Accra.
https://nghiencuuquocte.org/2023/07/20
Không có nhận xét nào