01/7/2023
2h sáng ngày 29/6, tại Đà Lạt, đất sạt lở, vùi lấp 3 ngôi nhà, làm chết 2 người và một số người bị thương.
Khi viết những dòng này, tôi lại nhớ đến những nhà hoạt động môi trường mới bị bắt. Khi môi trường xuống cấp, xã hội băng hoại và đạo đức suy đồi, chúng ta cần những nhà hoạt động biết hy sinh bản thân mình. Tiếc thay, giờ này họ đang cô đơn một mình sau song sắt.
Chuyện về những người Thượng ở Daklak tấn công 2 trụ sở công an vẫn đang nóng hổi thì việc sạt lở lớn ở Đà Lạt lại bắt đầu chiếm tin trên nhiều mặt báo.
Mặc dù hai câu chuyện là khác nhau, một bên là nhân tai và bên kia là thiên tai, nhưng đều xảy ra ở Tây Nguyên và có vẻ như có cùng một nguyên nhân sâu xa. Đó chính là sự xâm hại quá nhiều của con người lên một vùng đất cao đẹp và huyền bí.
Những người Thượng giờ đã lùi sâu vào vùng xa, còn người Kinh thì bắt đầu xây dựng những ngôi nhà tầng trên những sườn đồi đã trọc hoá. Không phải một tầng mà rất nhiều tầng trên một không gian hẹp, san sát nhau, nhìn từ xa trông giống như những chiếc quan tài dựng đứng.
Và rồi điều gì đến phải đến, 2h sáng ngày 29/6 tại Đà Lạt đã xảy ra một vụ sạt lở, vùi lấp 3 ngôi nhà, làm chết 2 người và một số người bị thương. Hiện trường cho thấy đây là một khu vực ít cây và có độ dốc rất lớn, có rất nhiều nhà cao tầng, đè nặng trên một triền đất yếu vì thiếu cây to.
Mặc dù trên Cao nguyên, Đà Lạt mát mẻ năm nào đang đối mặt với việc mực nước ngầm cạn kiệt, trời khô hạn khi nắng lên, ngập lụt khi mưa xuống.
Nhiều người đã lên tiếng đổ lỗi tại “Trời”, nhưng ai đã chặt cây, xẻ núi, phá đồi, chia đất, phân lô và phá nát quy hoạch của một thành phố ngàn sương trong rừng thông một thuở? Ai đã quy hoạch để người người chặt cây, làm nhà kính trồng bông, khoan giếng, hút nước và dùng hoá chất tràn lan?
Người xuôi ‘thuốc rừng’
Đà Lạt từng được gọi là “Thành phố ngàn hoa”, là “Paris thu nhỏ” chợt trở nên đáng sợ với du khách. Thành phố tình yêu, nơi gặp gỡ của bao nhiêu tao nhân mặc khách, giờ cuống cuồng những đầu tư, quán xá và chặt chém.
Đặc biệt rừng thông già trầm mặc giữa mù sương chứng kiến bao nhiêu thay đổi của thời cuộc đang bị “giết chết” một cách liên lỉ bằng nhiều hình thức tinh vi, trong đó có “hạ độc”.
Chúng ta từng biết rằng vào năm 2019, hàng ngàn cây thông ở huyện Lâm Hà đã bị chết đứng vì đầu độc. Hung thủ đã lần lượt khoan vào từng thân cây, sau đó đổ chất độc vào, để dẫn lưu xuống rễ, khiến cây chết dần, tạo thành một màu đỏ úa như màu máu bao trùm cả một khoảng rừng rộng hơn 10 ha.
Không chỉ khoan lỗ và hạ độc, con người còn thắt cổ cây bằng cách rạch một vòng quanh thân, sâu rộng bằng lóng tay và bóc hết vỏ, cắt đứt mạch sống của những cây thông già, làm cây chết từ từ.
Nhưng cách nhanh nhất và tàn bạo nhất là cứ chặt, cưa và đốt. Nó làm cho rừng tan hoang nhanh chóng mà giờ nhìn qua vệ tinh Google cũng thấy rõ. Đầu tiên là những cây thông lẻ ở những vị trí đắc địa làm ăn, nhưng chỉ sau hơn 10 năm, gần 100 ngàn hecta rừng đã biến mất.
Đồi Robin, nơi đẹp nhất của thành phố Đà Lạt có rất nhiều gốc thông già, lần lượt héo vàng rồi chết. Cũng tại đó dần dần mọc lên những ngôi nhà kiên cố, những tường bao vây hãm, mà chủ nhân của họ có thể ở đâu đó rất xa, Hà Nội hay Sài gòn…
Các tuyệt kỹ “hạ độc cây” này đã được nhiều người ở Hà Nội áp dụng trước đó để triệt hạ các cây ngay giữa trung tâm phố cổ, có lẽ theo thời gian nó đã được di cư dần dần vào Tây Nguyên?
Nếu như dư luận không lên tiếng mạnh mẽ và chủ tịch FLC không phải đang bị điều tra thì giờ đây hàng trăm hec ta rừng Đak Đoa ở Pleiku cũng đã ra đi. Mặc dù dự án sân golf bị dừng lại nhưng rừng vẫn tiếp tục bị bức tử, xác xơ.
Bao nhiêu vụ việc đã bị phát giác, các lâm tặc đã bị ngồi tù nhưng rừng thì vĩnh viễn không còn. Các đại gia giờ ở trong tù có hiểu những hoang tàn để lại sau lưng cho đất mẹ Việt Nam nói chung và cho Tây Nguyên nói riêng? Các quan chức và đại gia có biết rằng lũ lụt ở Miền Trung là do những cánh rừng cao nguyên đã bị mất, sinh thái đã thay đổi.
Người Thượng tấn công
Các quan chức và đại gia có biết rằng đồng bào Thượng nhìn thấy từng mảnh rừng già bị mất đi, cũng giống như chính vị thần của họ lần lượt dính từng mũi tên tẩm độc. Các dân tộc thiểu số, từ ngàn đời, đều coi rừng như những vị thần luôn che chở, bảo vệ buôn làng và là nguồn nuôi sống họ.
Nóc nhà Tây Nguyên, nơi có rừng già thiêng liêng và trường ca Đam San, giờ trọc lóc, giống như thần linh của núi rừng đã chết. Cả bầu khí quyển lẫn tình người đều khô khốc, và bạo lực đã đến…
Sau vụ “khủng bố” tấn công vào đồn công an của những người Thượng cực đoan xảy ra vào ngày 11/6 vừa qua, Bộ công an đã khởi tố 84 bị can, Bộ Công An cũng nói thu giữ 23 súng và 10 lá cờ Fulro.
Trong số 84 người bị khởi tố, có 75 người bị đã khởi tối về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền Nhân dân” quy định tại Điều 113 Bộ luật hình sự 2015, chắc chắn sẽ bị truy tố ở Khoản 1 mà mức cao nhất lên đến tử hình.
Hậu quả của việc này là những cái chết và án tù dài lâu cho nhiều người. Một vòng tù tội và áp bức mới với rất nhiều gia đình bắt đầu. Ân oán còn dai dẳng và lan truyền đến cả những thế hệ mai sau. Thời gian trôi rất nhanh và một thế hệ phản kháng mới có thể đã bắt đầu ra đời từ hôm nay. Có ai biết rằng nhiều người hành động hôm nay chỉ là những em bé mới sinh vào dịp tuần hành vào năm 2001?
Không ai đảm bảo về sự bình yên bằng bằng cách trấn áp hay răn đe. Không gian sinh tồn là quan trọng nhất của một con người, thậm chí của cả một dân tộc. Khi tự do và sinh kế bị tước đi, con người trở nên hành động như không còn gì để mất, họ lì lợm, cực đoan và khao khát trả thù.
Để cùng giảm bớt nạn nhân
Khi nghĩ về 2 người làm công nghèo khó bị chết oan trong vụ sạt lở đất, tôi cũng nghĩ về những công an vừa bị giết chết ở Cư Kuin. Họ đều là những nạn nhân bị chính guồng máy sinh ra. Họ đã vô tình họ trở thành nạn nhân của một cái gì đó lớn hơn, dữ dội hơn và nhân quả hơn
Nếu như quan chức không tham nhũng, không mua bán, chia chác đất đai, cấp phép tràn lan, cho phép xây dựng sai quy hoạch thì rừng sẽ không bị tàn phá, vùng xuôi không bị nhiều lũ lụt, thiên nhiên vẫn thuận hoà và mẹ tự nhiên ít “nổi giận”.
Nếu như đồng bào Thượng thấy được sự tôn trọng, rừng già được bảo vệ, được tự do thờ phượng trong những không gian riêng, thì bạo lực sẽ không được nuôi dưỡng và hận thù không có chỗ trong tim. Họ sẽ đến với nhau như tình anh em trong nghĩa đồng bào.
Khi viết những dòng này, tôi lại nhớ đến những nhà hoạt động môi trường mới bị bắt. Khi môi trường xuống cấp, xã hội băng hoại và đạo đức suy đồi, chúng ta cần những nhà hoạt động biết hy sinh bản thân mình. Tiếc thay, giờ này họ đang cô đơn một mình sau song sắt.
Lẽ ra chính quyền phải nhìn nhận những nhà hoạt động như là những nhân tố khơi dậy được sự đam mê dấn thân vì xã hội. Họ giúp hình thành một “Xã hội dân sự”, bảo vệ những giá trị của dân, giải toả bức xúc cho dân và cùng dân ngăn chặn sự lạm quyền của Nhà nước; đồng thời kích thích tính xã hội của doanh nghiệp, để tất cả phát triển một cách nhân văn hơn.
Tôi cho rằng nếu tiếp tục giam giữ những nhà hoạt động đã cống hiến vì sự phát triển bền vững của môi trường; nếu tiếp tục có những bản án nặng nề cho những người bị tước hết tư liệu sản xuất đã hành động cực đoan, thì vòng luẩn quẩn của đói nghèo và bạo lực lại cứ thế tiếp diễn, ngày một trầm trọng hơn và nạn nhân của “Nhân tai” và “Thiên tai” lại càng nhiều lên.
Người thượng và Rừng sẽ trả thù chúng ta dù miền ngược hay miền xuôi, dù lũ lụt hay lở đất.
Ngược lại, nếu có một chính quyền sạch, biết dừng “thuốc rừng”, chăm đắp những vết thương của tự nhiên và xã hội trong tình đồng bào thì bạo lực sẽ vơi đi, nạn nhân sẽ giảm bớt. Nếu các ý kiến khác biệt được lắng nghe, các vết sẹo sẽ liền da, cây sẽ mọc trong một không gian sống có tình thương và trách nhiệm. Việt Nam ta sẽ là điểm gắn kết của một cố gắng chung, nơi tất cả các sắc tộc có thể yêu mến và tự hào. Mong lắm thay!
Không có nhận xét nào