Header Ads

  • Breaking News

    Lâm Vĩnh Thế - Đánh Giá Tài Liệu Trong Việc Nghiên Cứu Lịch Sử Việt Nam Cộng Hòa

    10/12/2021

    Sách báo Anh ngữ đã được xuất bản về Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và về Chiến tranh Việt Nam trong hơn nữa thế kỷ vừa qua chiếm môt số lượng có thể nói là khổng lồ. Gần đây hơn, trong khoảng thời gian độ hai mươi năm qua, chúng ta thấy xuất hiện khá nhiều sách báo Việt ngữ đã được xuất bản tại hải ngoại về nhiều vấn đề, sự kiện, biến cố trong các lãnh vực chính trị, quân sự của VNCH truớc năm 1975. Một phần rất lớn những cuốn sách và bài báo thuộc loại này do những vị đã từng có hoạt động trong chính quyền hoặc quân lực VNCH, ngay cả có tham dự vào chính các biến cố chính trị, quân sự đó. Các tác giả, do đó, thuờng có khuynh huớng ghi lại các biến cố với khá nhiều chi tiết. Tuy nhiên, đa số các tác giả đều viết lại các biến cố theo ký ức của mình, nhiều khi không dựa vào bất cứ tài liệu nào nên sự chính xác của các chi tiết mà họ ghi lại không cao lắm. Bản thân tác giả bài viết này đã thực hiện khá nhiều cuộc nghiên cứu về lịch sử của VNCH, đặc biệt chú trọng vào giai đoạn 1963-1967, và Đệ Nhị Cộng Hòa. Trong quá trình nghiên cứu, nguời viết không tránh khỏi phải đọc khá nhiều những tài liệu nói trên. Bài viết này đuợc soạn thảo để chia xẻ với độc giả những kinh nghiệm trong việc đánh giá tài liệu có liên quan đến lịch sử của VNCH.

    Những Đòi Hỏi Đối Với Người Nghiên Cứu Sử

    Trong bất cứ thời đại nào và tại bất cứ quốc gia nào, người làm công tác nghiên cứu và ghi chép lại lịch sử cần phải công bằng, vô tư và khách quan. Tại sao vậy? Bởi vì mục tiêu của họ là ghi lại một cách trung thực và chính xác các sự việc, biến cố đã xảy ra trong quá khứ để cho trong tương lai khi có người muốn tìm hiểu thì có thể biết được sự thật.

    Muốn ghi lại một cách trung thực và chính xác sự kiện lịch sử, đòi hỏi đầu tiên là nguời nghiên cứu phải có một sự hiểu biết khá đầy đủ về giai đoạn lịch sử mà mình định nghiên cứu. Sự hiểu biết này phải đuợc thể hiện trên một số lãnh vực: ngôn ngữ, văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế và quân sự. Về ngôn ngữ, người nghiên cứu lịch sử phải hoàn toàn làm chủ được (mastering) ngôn ngữ của tài liệu, hiểu thật rõ thông tin chứa đựng trong tài liệu. Không những thế, người nghiên cứu còn phải có khả năng nắm đuợc những biến đổi của ngôn ngữ về ngữ vựng (kể cả tiếng lóng), về chính tả, về văn phong, vv. duới ảnh hưởng của những đổi thay về văn hóa, xã hội, và chính trị. Có như thế, người nghiên cứu mới có khả năng phát hiện đuợc những tài liệu ngụy tạo. Về mặt văn hóa, xã hội, người nghiên cứu cũng cần phải có những hiểu biết về hệ thống giáo dục, tín nguỡng, phong tục, tập quán của con người trong giai đoạn lịch sử đó để có thể hiểu đuợc cách hành xử, ứng phó cũng như hành động của các đối tượng nghiên cứu. Sau hết, người nghiên cứu cũng phải có hiểu biết đầy đủ về hệ thống tổ chức và điều hành của bộ máy chính trị, kinh tế và quân sự của quốc gia trong giai đoạn lịch sử đó để có thể hiểu đuợc các tài liệu về chính sách, đuờng lối cũng như những kế hoạch, chương trình đề ra trong giai đoạn đó. Bên cạnh đòi hỏi sự hiểu biết về bộ máy chính quyền như vừa nói, người nghịên cứu cũng phải rất quen thuộc với tên họ của các nhà lãnh đạo cũng như các chính trị gia, các tuớng lãnh và các nhân sĩ trong giai đoạn lịch sử đó.

    Việc đòi hỏi kế tiếp là phải cố gắng tìm cho được các tài liệu có liên quan đến sự kiện lịch sử đó. Di nhiên không thể nào có thể bảo đãm là đã tìm được tất cả các tài liệu về việc đó. Người nghiên cứu chỉ có thể cố gắng tìm cho được tài liệu càng nhiều càng tốt. Trong khi thu thập tài liệu, dĩ nhiên, các tài liệu loại nhứt đẳng (primary documents; tức là loại tài liệu gốc) cần phải đuợc ưu tiên chú ý. Khi đã thu thập đuợc một số tài liệu tạm đủ rồi, việc kế tiếp phải làm là sắp xếp các tài liệu lại theo thứ tự thời gian mà tài liệu đã đuợc soạn thảo, in ấn để có một cái nhìn tổng quát về toàn bộ tài liệu. Việc sắp xếp này giúp ích rất nhiều cho người nghiên cứu. Truớc tiên là nó giúp cho người nghiên cứu thấy rõ mối quan hệ giữa các tài liệu: cái nào có trước, cái nào có sau, cái nào tạo ra cái nào, cái nào chịu ảnh huởng của cái nào, vv. Từ đó người nghiên cứu sẽ có thể sắp xếp tài liệu theo tầm quan trọng của chúng. Việc sắp xếp này cũng giúp cho người nghiên cứu, trong bước kế tiếp là đánh giá tài liệu, có thể loại bỏ bớt những tài liệu thuộc loại “râu ria,” không có giá trị vì không chứa đựng thông tin gì mới, hay thuộc loại ngụy tạo, hoàn toàn không đáng tin.

    Buớc kế tiếp, rất quan trọng trong công tác nghiên cứu, là việc đánh giá tài liệu. Việc đánh giá tài liệu gồm hai phần: hình thức của tài liệu và nội dung của tài liệu. Về hình thức, việc đầu tiên là phát hiện những lỗi về nhân danh, địa danh; các lỗi này có thể do in ấn mà cũng có thể do chính tác giả của tài liệu phạm phải, nhứt là trong các tài liệu do người ngoại quốc viết ra. Kế tiếp, người nghiên cứu phải đặc biệt chú trọng đến văn phong, ngữ vựng sử dụng trong tài liệu để có thể xác định thời gian tài liệu đuợc làm ra, từ đó có thể biết được tài liệu là thật hay được ngụy tạo. Nếu tài liệu gồm có cả hình ảnh, bản đồ, biểu đồ, thống kê, vv. thì người nghiên cứu càng phải xem xét cẩn thận hơn, nhứt là các tiêu đề của các phần đó xem có đúng không. Người nghiên cứu còn phải đặc biệt quan tâm đến phần ghi chú về xuất xứ của các tài liệu đã được sử dụng trong quá trình hình thành của tài liệu đang được đánh giá; phần này rất quan trọng, vì nó giúp ích rất nhiều trong việc đánh giá tài liệu, cho biết mức độ hiểu biết của tác giả về đề tài bàn đến trong tài liệu, cũng như mức độ nghiêm túc của tác giả tài liệu. Về nội dung của tài liệu, nguời nghiên cứu cần phải đọc thật kỷ tài liệu, hiểu thật rõ ý nghĩa của thông tin trong tài liệu để có thể nắm chắc được tác giả muốn chuyển đạt điều gì và với mục đích gì. Cần phải hiểu rõ động cơ của tác giả vì đó là điều kiện cần để xác định tính vô tư, khách quan của tài liệu. Những sự việc, biến cố đề cập đến trong tài liệu cần phải được so sánh với cùng sự việc, biến cố được đề cập đến trong những tài liệu khác để nhận định về tính chính xác của tài liệu đang được đánh giá. Thông thuờng những tài liệu do chính tác giả là người đã có tham gia vào các sự việc, biến cố đó đáng được tin hơn những tài liệu do các tác giả không phải là người có tham dự. Nhưng điều này cũng không phải là tuyệt đối vì người trong cuộc cũng có thể quên đi nhiều chi tiết qua thời gian, hoặc do chính sự chủ quan của họ mà họ có thể không nhìn thấy một số chi tiết hay bỏ qua một số chi tiết mà họ cho là không quan trọng, không đáng kể. Đó là chưa kể đến việc phần lớn các sách hồi ký được các tác giả viết ra là để biện minh cho hành động của mình hoặc đề cao cá nhân mình; việc này khiến cho các hồi ký phần nhiều không được vô tư, khách quan, ngay cả có thể không chính xác.

    Khi hoàn thành việc nghiên cứu, và đúc kết lại những thông tin mà mình tin là đúng sự thật lịch sử, nguời nghiên cứu phải có những nhận định thật vô tư, khách quan về các sự việc, biến cố được ghi lại. Chuyện gì đúng thì phải nói là đúng, chuyện gì sai thì phải nói là sai; tuyệt đối không nên đứng trên lập truờng phe phái mà phán xét. Sau hết, nguời nghiên cứu phải ý thức rằng cái gọi là “sự thật lịch sử” trong chính công trình nghiên cứu của mình cũng chỉ là phản ánh của việc tìm tòi và hiểu biết của giai đoạn nghiên cứu của mình mà thôi. “Sự thật lịch sử” đó dứt khoát không thể là phán quyết sau cùng; các nhà nghiên cứu trong tương lai có thể tìm ra được những tài liêu mới, soi sáng thêm cho đề tài nghiên cứu và đem lại một cái nhìn mới hơn, hoàn hảo hơn đối với sự việc, biến cố lịch sử đã được nghiên cứu đó.

    Kinh Nghiệm Thực Tiển Đánh Giá Tài Liệu Về VNCH

    Tác giả bài viết này đã làm công việc nghiên cứu lịch sử VNCH trong thời gian hơn 30 vừa qua. Lúc khởi sự, từ những năm giữa thập niên 1980, tác giả chỉ giới hạn trọng tâm nghiên cứu vào giai đoạn ngắn ngủi giữa hai nền cộng hòa, 1963-1967, là giai đoạn xáo trộn nhứt về chính trị của VNCH. Về sau, tác giả đã mở rộng phạm vi nghiên cứu, tìm hiểu cả những biến cố quan trọng của nền Đệ Nhị Cộng Hòa (1967-1975). Số tài liệu đã tham khảo trong khoảng thời gian này, trong cả hai ngôn ngữ Anh và Việt, không phải là không đáng kể. Ngoài các tài liệu in ấn (sách và tạp chí), các tài liệu điện tử như là các bài báo trên Internet, các bài báo trong các cơ sở dữ liệu trực tuyến (online databases), các sách điện tử (e-books), và các tài liệu đã được số hóa (digitized documents) cũng chiếm một tỷ lệ rất quan trọng.

    Đối Với Tài Liệu Anh Ngữ 

    Tài liệu Anh ngữ của người Mỹ về VNCH gồm hai phần: 1) Những sách báo, tài liệu nghiên cứu và hồi ký của các nhân vật chính trị, quân sự của Hoa Kỳ đã được xuất bản; và 2) Tài liệu của Chính phủ Hoa Kỳ, nhứt là các tài liệu mật nay đã đuợc bạch hóa (giải mật; declassified). Trong quá trình nghiên cứu, người viết bài này đã sử dụng khá nhiều tài liệu Anh ngữ, trong đó tài liệu đã giải mật của Chính phủ Hoa Kỳ, đặc biệt là của Cơ Quan Trung Ương Tình Báo (Central Intelligence Agency — CIA), chiếm một phần rất quan trọng. Việc đánh giá các tài liệu Anh ngữ này hoàn toàn tuân theo những đòi hỏi đã trình bày bên trên.

    Về các tài liệu thuộc loại nghiên cứu, xin liệt kê ra đây một số những nhan đề sách quan trọng mà người viết đã có tham khảo và trích dẫn:

    The Agency: the rise and decline of the CIA; ấn bản có sửa chửa, của John Ranelagh, do nhà Simon & Schuster xuất bản vào năm 1987, gồm 869 trang.

    Anatomy of a war: Vietnam, the United States and the modern historical experience của nhà Pantheon Books xuất bản vào năm 1985, gồm 828 trang.

    A Bitter peace: Washington, Hanoi and the making of the Paris Agreement, của Pierre Asselin, do University of North Carolina Press xuất bản năm 2002, gồm 272 trang.

    Choosing war: the lost chance for peace and the escalation of war in Vietnam của Fredrik Logevall do University of California Press xuất bản vào năm 1999, gồm 529 trang.

    Cruel April: the fall of Saigon, của Olivier Todd, nguyên tác tiếng Pháp “Cruel avril,” do Stephen Backer dịch sang tiếng Anh, do nhà W.W. Norton xuất bản năm 1990, gồm 470 trang.

    Decent interval: an insider’s account of Saigon’s decent end told by the CIA’s chief strategy analyst in Vietnam, của Frank Snepp, do nhà Random House xuất bản năm 1977, gồm 590 trang.

    The Easter Offensive of 1972, của Ngô Quang Trường, do U.S. Army Center of Military History xuất bản năm 1980, gồm 183 trang.

    The fall of Saigon: scenes from the sudden end of a long war, của David Butler, do nhà Simon and Schuster xuất bản năm 1985, gồm 510 trang.

    The Final collapse, của Cao Văn Viên, do U.S. Army Center of Military History xuất bản năm 1985, gồm 184 trang.

    Foreign aid, war, and economic development: South Vietnam, 1955-1975, của Douglas C. Dacy, do Cambridge University Press xuất bản năm 1986, gồm 300 trang.

    Foreign relations of the United States của John P. Glennon làm soạn gỉa chính cùng với các soạn giả phụ là các ông Edward C. Keefer và Charles S. Sampson, do nhà U.S. Government Printing Office xuất bản vào năm 1992. Phần của các năm 1964-1968.

    Intervention: how America became involved in Vietnam của George McT. Kahin, do nhà Alfred A, Knopf xuất bản vào năm 1986, gồm 550 trang.

    Lyondon B. Johnson’s Vietnam papers: a documentary collection của soạn giả David M. Barrett, do nhà Texas A & M University Press xuất bản vào năm 1997, gồm 869 trang.

    The Lost Revolution: the U.S. in Vietnam, 1946-1966; ấn bản có sửa chửa, của Robert Shaplen, do nhà Harper & Row xuất bản vào năm 1966, gồm 404 trang.

    Nixon’s Vietnam War, của Jeffrey Kimbal, do University Press of Kansas xuất bản năm 1998, gồm 495 trang.

    The Palace file, của Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter, do nhà Harper & Row xuất bản năm 1986, gồm 542 trang

    South Vietnam: trial and experience: a challenge for development, của Nguyễn Anh Tuấn, do Ohio University Center for International Studies, Center for Southeast Asian Studies xuất bản năm 1987, gồm 461 trang.

    Vietnam: a history của Stanley Karnow do nhà Penguin Books xuất bản vào năm 1983, gồm 752 trang.

    Vietnam from cease-fire to capitulation, của William E. Le Gro, do U.S. Army Center of Military History xuất bản năm 1981, gồm 180 trang.

    Vietnam’s forgotten army: heroism and betrayal in the ARVN, của Andrew A. Wiest, do New York University Press, 2008, gồm 350 tr.

    Vietnam: the definitive documentation of human decisions của soạn giả Gareth Porter, do nhà E.M. Coleman Enterprises xuất bản vào năm 1979, gồm 2 quyển.

    The Vietnam War from the rear echelon: an intelligence officer’s memoir, 1972-1973, của Tomothy J. Lomperis do University Press of Kansas xuất bản năm 2011, gồm 270 trang.

    The Vietnam’s peace negotiations: Saigon’s side of the story, của Nguyễn Phú Đức, do nhà Dalley Book Service xuất bản năm 2005, gồm 463 trang.

    The U.S. Government and the Vietnam War: executive and legislative roles and relationships, của William Conrad Gibbons do Princeton University Press xuất bản, 1986-1995. Đặc biệt là các phần Part II (1961-1964), Part III (January-July 1965) và Part IV (July 1965-January 1968).

    Về các tài liệu thuộc loại hồi ký, người viết cũng đã có tham khảo và trích dẫn một số nhan đề sách quan trọng liệt kê sau đây:

    The Memoirs of Richard Nixon, của Richard Nixon (Tổng Thống thứ 37 của Hoa Kỳ, 1969-1974), do nhà Grosset & Dunlap xuất bản năm 1978, gồm 1120 trang.

    In retrospect: the tragedy and lessons of Vietnam của Robert S. McNamara (Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ dưới thời 2 Tổng Thống Hoa Kỳ, John F. Kennedy, 1961-1963, và Lyndon B. Johnson, 1963-1968) và Brian VanDeMark do nhà Times Books xuất bản vào năm 1995, gồm 414 trang.

    A soldier reports của William C. Westmoreland (Đại Tướng, Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam, 1964-1968) do nhà Doubleday xuất bản vào năm 1976, và sau đó nhà Da Capo Press tái bản vào năm 1989, gồm 446 trang.

    Swords and plowshares của Maxwell D. Taylor (Đại Tướng, Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, 1962-1964), và là Đại sứ Hoa Kỳ tại VNCH, 1964-1965), do nhà W.W. Norton xuất bản vào năm 1972, gồm 434 trang.

    The Vantage point: perspectives of the presidency, 1963-1969 của Lyndon B. Johnson (Tổng Thống thứ 36 của Hoa Kỳ, 1963-1969), do nhà Holt, Rinehart and Winston xuất bản vào năm 1971, gồm 636 trang.

    White House years, của Henry Kissinger (Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, của Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon 1969-1973, sau đó là Bộ Trưởng Ngoại Giao, 1973-1977 cho cả 2 Tổng Thống Hoa Kỳ là Richard Nixon và Gerald Ford) do nhà Little, Brown & Co. xuất bản năm 1979, gồm 1521 trang.

    Về tài liệu đã giải mật của Chính phủ Hoa Kỳ về Việt Nam Cộng Hòa, người viết đã tham khảo và trích dẫn một số rất lớn các tài liệu đủ loại của CIA có thể truy dụng từ cơ sở dữ liệu trực tuyến Declassified Documents Reference Systems (DDRS) trong sưu tập của Trường Đại Học Saskatchewan, Canada.

    Về các tài liệu thuộc loại tham khảo (reference books), tác giả cũng đã có sử dụng một số từ điển và bách khoa từ điển về Chiến Tranh Việt Nam quan trọng được liệt kê sau đây:

    Dictionary of the Vietnam War của soạn giả James S. Olson, do nhà Greenwood Press xuất bản vào năm 1988, gồm 585 trang.

    Encyclopedia of the Vietnam War của soạn giả Stanley I. Kutler, do nhà Charles Scribner’s Sons xuất bản vào năm 1996, gồm 711 trang.

    Encyclopedia of the Vietnam War: a political, social, and military history của soạn giả Spencer C. Tucker, do nhà ABC-CLIO xuất bản vào năm 1998, gồm 3 quyển tổng cộng 1196 trang.

    Việc tham khảo các tài liệu tiếng Anh đã được số hóa (digitized) và có thể đọc nguyên văn (full text) phần lớn được thực hiện qua kho Văn Khố Ào về Việt Nam (Vietnam Virtual Archive, thường được viết tắt là VVA) của Trung Tâm Việt Nam (Vietnam Center) của Trường Đại Học Texas Tech University, tại thành phố Lubbock, Texas, Hoa Kỳ.

    Về phương diện hình thức, những lỗi lầm thường gặp phải trong tài liệu Anh ngữ đều liên quan đến các nhân danh và địa danh. Tuy nhiên, phải công nhận là các tài liệu Anh ngữ (thuộc loại nghiên cứu, hồi ký hay tham khảo) được xuất bản thông thuờng ít có các lỗi này vì các nhà xuất bản, đặc biệt là các nhà xuất bản thuong mại lớn (trade publisher) và các nhà xuất bản đại học (university press) của Tây Âu và Bắc Mỹ, đều tự đặt ra cho chính họ nhiều quy định và duyệt xét rất chặt chẽ trong tiến trình in ấn. Tài liệu đã giải mật của CIA, đặc biệt là loại Công điện (Intelligence Information Cable) vì cung cấp loại tin sống (raw intelligence) và không thông qua tiến trình kiểm chứng và đánh giá, thường vấp phải lỗi lầm này.[1] Xin nêu ra đây một trường hợp điển hình như sau:

    Trong Công điện mang số TDCS-314/01862-65 của CIA, đề ngày 10-2-1965, được gìải mật ngày 20-12-1975, gồm 4 trang, liệt kê thành phần Nội các mà Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên dự định thành lập và sẽ trình diện Quốc Truởng Phan Khắc Sửu vào ngày 12-2-1965, nhưng sau đó không thành,[2] tên họ của một số nhân vật đã bị viết sai như sau:

    ông Nguyễn Văn Trường, Bộ Trưởng Giáo Dục, đã bị viết sai là Le Van Truong

    ông Đàm Sĩ Hiến, Bộ Trưởng Xã Hội, đã bị viết sai là Nam Si Hien

    ông Lữ Văn Vi, Bộ Trưởng Tư Pháp, đã bị viết sai là Luu Van Vi

    ông Phan Khắc Sửu, Quốc Trưởng, đã bị viết sai là Pham Khac Suu

    Bác sĩ Phan Quang Đán, Tổng Trưởng Văn Hóa Xã Hội, đã bị viết sai là Pham Quan Dan

    Việc nhận ra được những lỗi về tên người trong công điện này của CIA rõ ràng đòi hỏi người nghiên cứu phải nắm rất vững tên họ của các nhân vật chính trị của VNCH trong giai đoạn này.

    Về phương diện nội dung, việc đánh giá các tài liệu của các tác giả và soạn giả Mỹ, thuộc tất cả cả 3 loại nghiên cứu, hồi ký và tham khảo, do các nhà xuất bản lớn hay các nhà xuất bản đại học hay chính phủ xuất bản thường không gặp nhiều khó khăn vì tất cả các sách đó đều đã được xét duyệt cẩn thận bởi các nhân viên có khả năng và giàu kinh nghiệm của chính các nhà xuất bản. Những sự kiện, biến cố với thời gian và địa điểm xảy ra được viết trong các tài liệu phần lớn đều được ghi chú rất kỷ lưởng, giúp cho việc kiểm chứng, đánh giá được dễ dàng. Hệ thống điểm sách của Bắc Mỹ rất đầy đủ, và vì vậy, khi một tác phẩm quan trọng được phát hành thì chúng ta có thể thấy xuất hiện rất nhiều bài điểm sách (reviews) đánh giá tác phẩm đó. Vì vậy các nhà xuất bản không thể buông thả hay lơ là trong việc xét duyệt tác phẩm về cả hình thức lẩn nội dung trước khi xuất bản tác phẩm. Xin nêu ra đây một thí dụ cụ thể để minh họa về tính cách nghiêm túc của các tài liệu của Hoa Kỳ thuộc loại nghiên cứu.

    Trong tác phẩm The U.S. Government and the Vietnam War: executive and legislative roles and responsibilities. Part III: January – July 1965 của tác giả William Conrad Gibbons, do nhà Princeton University Press xuất bản năm 1989, ở trang 122, dưới tiêu đề: The Marines are sent to Danang (Thủy Quân Lục Chiến được gửi tới Đà Nẵng), tác giả ghi như sau: “On February 22, General Westmoreland requested that two Marine battalion landing teams (a battalion landing team is a battalion with support forces; there are three or four battalions in a brigade) be deployed to Danang, with a third held in reserve on ships off shore.” (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Ngày 22 Tháng Hai, Tướng Westmoreland yêu cầu gửi hai tiểu đoàn đổ bộ Thủy Quân Lục Chiến (một tiểu đoàn đổ bộ là một tiểu đoàn với các đơn vị yểm trợ; một lữ đoàn có ba hoặc bốn tiểu đoàn) tới Đà Nẵng, với một tiểu đoàn thứ bavn được giữ làm trừ bị trên các chiến hạm ở ngoài khơi.”) Và ngay dưới cuối trang, ghi chú số 193 được trình bày như sau:

    193. Johnson Library, NSF NSC History, Deployment of Forces, MACV to CINCPAC 220743Z Feb. 1965, MAC JOO 5515.

    Ghi chú này cho biết rõ thông tin mà tác giả trình bày bên trên nằm trong tài liệu được đánh số MAC JOO 5515, là một văn thư của Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV = Military Assistance Command – Vietnam) gửi về cho Tổng Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ Tại Thái Bình Dương (CINCPAC = Commander-In-Chief – Pacific) ngày 22 tháng 2 năm 1965, lúc 07 giờ 43, được lưu trữ tại Thư Viện Tổng Thống Lyndon Baines Johnson, trong bộ hồ sơ có tiêu đề Deployment of Forces (Phối Trí Lực Lượng), là một phần của bộ hồ sơ thuộc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (NSC = National Security Council).

    Vì thế người viết không tìm thấy những điều không trung thực trong các tác phẩm của người Mỹ như đã tìm thấy khá nhiều trong những tác phẩm của một số tác giả người Việt, như phần bên dưới sẽ cho thấy rõ. Điều này không có nghĩa là người viết tuyệt đối tin tưởng tất cả những gì các tác giả Mỹ viết ra. Người viết luôn luôn chú ý tới khuynh hướng chính trị của các tác giả để có thể hiểu rõ hơn động cơ, ý đồ của họ trong khi họ diễn giải các sự kiện, biến cố. Lấy một thí dụ để minh họa. Cuốn Vietnam: a history của Stanley Karnow được giới báo chí Mỹ đánh giá cao. Báo Los Angeles Times đánh giá Karnow và cuốn sách như sau: “His is a rich and unusual mixture; he has the reporter’s eye for meaningful detail, an ear for the memorable quote, and he works hard to give the Indochina epoch a historian’s perspective.” (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Cuốn sách của ông ấy là một sự pha trộn phong phú và bất thường; ông ấy có con mắt của một phóng viên để có thể nhìn thấy một chi tiết có ý nghĩa, một cái tai có thể nghe được một câu nói đáng ghi nhớ, và ông ta làm việc tích cực để mang lại cho cái giai đoạn Đông Dương đó một bối cảnh lịch sử.”) Tờ Boston Globe thì khen như sau: “The most comprehensive, up-to-date, and balanced account we have of the Vietnam War.” (Xin tạm dịch sang tiếng Việt như sau: “Đây là một bản tường thuật tổng hợp, cập nhựt và quân bình nhứt mà chúng ta có được về Chiến Tranh Việt Nam.”) Tất cả các nhận xét, đánh giá về tác giả và cuốn sách này đều rất đúng. Tác giả là môt nhà báo có trình độ, tốt nghiệp từ hai đại học danh tiếng của Mỹ và Pháp là Đại Học Harvard và Đại Học Sorbonne, và đã làm phóng viên cho 2 tuần báo lớn của Mỹ là Time và Life tại Đông Nam Á (bao gồm cả Việt Nam) từ năm 1959. Ông quen biết nhiều nhân vật Mỹ và Việt trong đủ mọi giới nên thông tin trong cuốn sách của ông rất chính xác. Người viết không tìm thấy một điểm sai sự thật nào trong cuốn sách của ông. Nhưng cuốn sách của ông, nếu phân tích kỷ cho đến cùng, chúng ta sẽ nhận ra rằng, tuy không lộ liễu, trắng trợn, nó hàm ý ca ngợi Miền Bắc hơn là Miền Nam trong cuộc chiến này. Gần 1/3 cuốn sách ở phần đầu, trình bày lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam, và sau đó là hoạt động của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng như cuộc chiến tranh chống người Pháp (1949-54) thật ra muốn cho độc giả thấy bản chất cách mạng tốt đẹp và tính chính thống của những người Cộng Sản. Ở trang 239, trong phần kết thúc về việc Miền Bắc cho thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vào tháng 12 năm 1960, mặc dù đã nhận định rằng “The front’s real leadership resided in the People’s Revolutionary party and the Liberation army, its Communist components, which took their orders from the Politburo in Hanoi,” (xin tạm dịch sang tiếng Việt như sau: “Quyền lãnh đạo thật sự của Mặt Trận nằm trong Đảng Nhân Dân Cách Mạng và Quân Đội Giải Phóng, các thành phần Cộng sản của Mặt Trận, họ nhận lệnh từ Bộ Chính Trị ở Hà Nội”) ông vẫn kết luận rằng “But to label the National Liberation Front as simply a satellite of Ho Chi Minh’s regime, as American spokesmen were to do, was to miss a key point.” (xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Nhưng gán cho Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc cái nhản hiệu là một vệ tinh của chế độ Hồ Chí Minh, như các phát ngôn nhân của Hoa Kỳ đã làm, là không thấy được một điểm chính.”) Chính vì vậy, ông đã là ký giả Mỹ đầu tiên và duy nhứt mà Chính quyền Cộng Sản cho phép nhập cảnh trở lại vào Việt Nam trong 7 tuần lễ ngay từ năm 1981, khi mà giữa Mỹ và Việt Nam vẫn còn chưa có quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, để thật công bình đối với tác giả Karnow, chúng ta vẫn phải nhìn nhận rằng chuyến đi Việt Nam 7 tuần lễ vào năm 1981 đó đã mở mắt cho ông rất nhiều về chế độ Cộng sản Việt Nam, như ông đã trình bày khá chi tiết trong các trang 35-42 của Chương mở đầu của cuốn sách mà ông đặt cho tiểu tựa là The War Nobody Won (tạm dịch sang Việt ngữ: Cuộc Chiến Không Ai Thắng). Dù sao đi nữa, người viết cũng rất dè dặt khi trích dẫn cuốn sách này.

    Việc đánh giá về nội dung của các tài liệu mật của Hoa Kỳ, đặc biệt là tài liệu của CIA, tương đối khó khăn hơn so với các sách được xuất bản vì chúng ta không được biết nguồn gốc của thông tin trong tài liệu. Tất cả các tài liệu mật của Hoa Kỳ, ngay cả sau khi đã đuợc giải mật và công bố để cho mọi người có thể truy dụng, đều luôn luôn xóa bỏ phần “Source and Appraisal,” nên chúng ta không bao giờ có thể biết được nguồn gốc của thông tin trong tài liệu là từ đâu ra hay do ai cung cấp. Ngoài ra, rất nhiều tài liệu loại này còn bị thanh lọc (sanitized) nữa, nghĩa là bôi đen một số từ, cụm từ hay có khi nguyên cả đoạn (paragraph) trong tài liệu. Thông thường tài liệu thuộc loại Công điện của CIA đều chứa đựng loại thông tin mới mẻ, chưa có sách báo nào đề cập đến nên không thể phối kiểm bằng tài liệu đã được xuất bản truớc đó. Cách tốt nhứt là đối chiếu và phối kiểm chúng với những tài liệu cũng của CIA đuợc làm ra tiếp sau đó. Xin nêu ra một trường hợp để minh họa như sau:

    Trong cuộc bầu cử Tổng Thống đầu tiên của Đệ Nhị Cộng Hòa vào tháng 9-1967, chúng ta đều biết là lúc đầu cả 2 tướng Thiệu và Kỳ đều ra ứng cử Tổng Thống trong hai liên danh riêng rẻ; Tuớng Thiệu đứng chung liên danh với ông Trịnh Quốc Khánh, còn Tuớng Kỳ thì chung liên danh với Luật sư Nguyễn Văn Lộc; nhưng sau đó, vào giờ chót của thời hạn nộp đơn ứng cử, ngày 30-6-1967, sau cuộc họp của Hội Đồng Quân Lực (HĐQL) kéo dài 2 ngày (29 và 30-6) tại Bộ Tổng Tham Mưu do Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, triệu tập, hai Tướng Thiệu Kỳ quyết định rút bỏ hai liên danh đó và cùng đứng chung với nhau trong một liên danh mới, Tướng Thiệu ứng cử Tổng Thống và Tướng Kỳ ứng cử Phó Tổng Thống. Lúc đó tin này là một bất ngờ, gây chấn động rất lớn trong hàng ngũ những người ủng hộ Tuớng Kỳ. Tài liệu mật của CIA cũng có bàn về chuyện này. Tài liệu thứ nhứt của CIA là một Công điện, đề ngày 3-7-1967, gồm 10 trang, với chủ đề (Subject) như sau: “Agreement between Chief of State Thieu and Prime Minister Ky that Thieu, as President, will be a figurehead and Ky, as Vice President, will retain principal control after the elections.” [3] (Xin tạm dịch sang tiếng Việt như sau: “Thỏa thuận giữa Quốc Trưởng Thiệu và Thủ Tướng Kỳ là Thiệu, với tư cách Tổng Thống, sẽ chỉ là hình thức và Kỳ, với tư cách Phó Tổng Thống, sẽ toàn quyền kiểm soát sau cuộc bầu cử.”) Tài liệu này cung cấp thông tin nhằm giải thích tại sao Tướng Kỳ chịu đứng chung liên danh với Tướng Thiệu và còn nhuờng cho Tướng Thiệu ứng cử Tổng Thống. Đó là vì Tướng Thiệu đồng ý chấp nhận, nếu đắc cử, ông chỉ là Tổng Thống trên danh nghĩa mà thôi, Tuớng Kỳ vẫn tiếp tục nắm trọn quyền hành trong quân đội và chính quyền. Việc thỏa thuận này sẽ được ghi lại trên văn bản và sẽ đuợc giữ bí mật giữa các tướng lãnh cao cấp trong HĐQL mà thôi. Mật uớc này giữa các tướng lãnh cao cấp là một sự vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp của VNCH mới ban hành vào ngày 1-4-1967 nên thông tin này là một điều quá bất thường và đồng thời cũng rất khó mà kiểm chứng đuợc, nên rất khó tin. Hơn nữa, công điện này lại chứa đựng nhiều đoạn ca ngợi Tướng Kỳ rất nhiều đồng thời lại chỉ trích, chê bai Tướng Thiệu khá nặng. Vì thế mức độ khả tín của công điện này tương đối không cao lắm. Ngày 11-8-1967, Đại sứ Hoa Kỳ, lúc đó là ông Ellsworth Bunker, đã hỏi thẳng Tướng Kỳ về việc này và ông Kỳ đã chối phắt đi là không có.[4] Nhưng chưa đầy một tuần lễ sau đó, ngày 14-8-1967, Walt W. Rostow, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, đã gửi một văn thư cho Tổng Thống Lyndon B. Johnson cho biết họ đã có được một bản của cái gọi là “Charter = Hiến chương” (gồm 22 trang) của Ủy Ban Quân Sự Tối Cao bí mật đó của các tướng lãnh VNCH.[5] Hai ngày sau đó, một công điện của CIA cũng xác nhận sự hiện hữu của ủy ban đó, và nguồn tin là một tướng lãnh thành viên của ủy ban đó.[6] Đến đây thì không còn nghi ngờ gì nữa cả: mật ước của các tướng lãnh cao cấp của VNCH là môt chuyện có thật.[7]

    Trong những tài liệu Anh ngữ này có một số hồi ký của các nhân vật chính trị và quân sự của VNCH, liệt kê sau đây theo thứ tự thời gian đuợc xuất bản:

    Twenty years and twenty days, của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, do nhà Stein and Day xuất bản tại New York vào năm 1976, gồm 239 trang.

    Our endless war: inside Vietnam, của Trung Tướng Trần Văn Đôn, do nhà Presidio Press xuất bản tại San Rafael, California vào năm 1978, gồm 274 trang. Cuốn sách này về sau được chuyển ngữ sang tiếng Việt với tựa đề là Việt Nam nhân chứng: hồi ký chánh trị, do nhà Xuân Thu xuất bản tại Los Alamitos, Calif. vào năm 1989, gồm 562 trang.

    The Palace file, của Tiến si Nguyễn Tiến Hưng, do nhà Harper & Row xuất bản tại New York vào năm 1986, gồm 542 trang. Cuốn sách này về sau đuợc chuyển ngữ sang tiếng Việt với tựa đề là Hồ sơ mật Dinh Độc Lập, do nhà C & K Promotions xuất bản tại Los Angeles, Calif. vào năm 1987, gồm 908 trang.

    In the jaws of history, của Đại sứ Bùi Diễm và David Chanoff, do nhà Houghton Mifflin xuất bản tại New York vào năm 1987, gồm 367 trang. Cuốn này về sau được Indiana University Press tái bản tại Bloomington, Indiana vào năm 1999, với cùng số trang. Cuốn sách này về sau cũng được chuyển ngữ sang tiếng Việt với tựa đề là Gọng kìm lịch sử, do nhà Phạm Quang Khai xuất bản tại Paris vào năm 2000, gồm 596 trang.

    Buddha’s child: my fight to save Vietnam, của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ và Marvin J. Wolf, do nhà St. Martin’s Press xuất bản tại New York vào năm 2002, gồm 376 trang.

    The twenty-five year century: a South Vietnamese general remembers the Indochina War to the fall of Saigon, của Trung Tướng Lâm Quang Thi (chức vụ cuối cùng là Phó Tư Lệnh Quân Đoàn I, kiêm Tư Lệnh Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Quân Đoàn I), do University of North Texas Press xuất bản vào năm 2011, gồm 423 trang.

    Trong các cuốn hồi ký vừa kể trên, hai cuốn sách của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ và cuốn sách của Đại sứ Bùi Diễm là đáng lưu ý nhứt vì cả hai tác giả đều là những nhân vật đã đóng những vai trò quan trọng, nhứt là Tướng Kỳ, trong khoảng thời gian 1963-1967 tại VNCH.

    Hai cuốn sách này của Tuớng Kỳ tuy xuất bản cách nhau 26 năm nhưng nội dung tương đối giống nhau vì là hồi ký của cùng một nhân vật. Cuốn thứ nhứt hoàn toàn viết theo trí nhớ, không có dựa vào tài liệu và cũng không có hình ảnh gì cả. Cuốn thứ nhì chứa đựng nhiều chi tiết hơn, có một số hình ảnh và thỉnh thoảng có trích dẫn tài liệu. Tuy nhiên hai cuốn đều giống nhau ở những điểm sau đây: dao to búa lớn, tự đề cao nhiều quá, và rất nhiều chổ không trung thực.

    Nguời viết không bàn về chuyện dao to búa lớn và về việc tự đề cao quá lố của Tướng Kỳ, chỉ xin nêu ra một số điểm tiêu biểu về tính không trung thực của ông mà thôi. Trong cuốn thứ nhứt, Twenty years and twenty days, ở trang 75, ông Kỳ cho biết chính ông đã tạo dựng ra hai Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (UBLĐQG) và Ủy Ban Hành Pháp Trung Uong (UBHPTƯ). Nguyên văn Anh ngữ như sau: “I wanted collaboration and I got it by setting up a ruling committee called the Committee of National Leadership, composed of powerful figures within the military, a dozen able civilians, and spokesmen for each political party. At the heart of the committee was the Executive Council–the government, with me as chairman.” [8] (Xin tạm dịch sang tiếng Việt như sau: “Tôi muốn có sự hợp tác và có được nó bằng cách thiết lập một ủy ban cầm quyền gọi là Ùy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, gồm những nhân vật uy quyền của quân đội, khoảng độ một chục nhân vật dân sự có khả năng, và các phát ngôn nhân của các chính đảng. Ở giữa lòng Ủy Ban đó là Ủy Ban Hành Pháp—tức là Chính phủ—do tôi đứng đầu.”) Điều này hoàn toàn không đúng, cả 2 Ủy Ban đó đều do Đại Hội Đồng các tuớng lãnh của QLVNCH thành lập và đề cử nguời. Tướng Thiệu chỉ trở thành Chủ Tịch UBLĐQG sau khi Trung Tướng Phạm Xuân Chiểu từ chối sự đề cử của các tướng lãnh hiện diện, và chính Tướng Chiểu, sau đó, đã đề cử Tướng Thiệu. Cũng như thế, Tướng Kỳ chỉ trở thành Chủ Tịch UBHPTƯ sau khi Tướng Nguyễn Chánh Thi từ chối sự đề cử của các tướng lãnh hiện diện, và cũng chính Tướng Thi, sau đó, đề cử Tuớng Kỳ.[9] Ngoài ra, đoạn văn đó cũng chứa đựng một số thông tin không đúng. Ông Kỳ cho biết là trong UBLĐQG, ngoài các tướng lãnh còn có độ một chục nhân vật dân sự có khả năng, và các phát ngôn viên của các chính đảng. Điều này hoàn toàn không đúng khi UBLĐQG mới thành lập vào ngày 14-6-1965. Lúc đó UBLĐQG chỉ gồm có tổng cộng tất cả 10 nguời và tất cả đều là tướng lãnh QLVNCH. Chỉ sau khi xảy ra vụ Biến Động Miền Trung vào năm 1966, sau khi Tướng Nguyễn Chánh Thi bị cách chức Tư Lệnh Vùng I, thì UBLĐQG mới quyết định nới rộng thành phần và mời thêm 10 nhân vật dân sự tham gia. Trong một đoạn, khác, khi nói về việc tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến năm 1966 ở trang 99, ông Kỳ cho biết là ông đã ký 2 sắc luật về việc đó. Nguyên văn Anh ngữ như sau: “… by May 1966 I was able to sign a decree setting up a committee to draft electoral laws and procedures. … The following month I signed another decree setting September 11 as the date for the election of a constituent assembly…” [10] (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “…vào khoảng tháng 5 năm 1966 tôi đã có thể ký một sắc lệnh thiết lập một ủy ban để soạn thảo các luật và thủ tục bầu cử… Tháng kế tiếp tôi ký một sắc lệnh nữa ấn định ngày 11 tháng 9 là ngày bầu cử một quốc hội lập hiến…”) Điều này cũng không đúng vì việc ký ban hành sắc luật thuộc thẩm quyền của Quốc Truởng, tức là Chủ Tịch UBLĐQG. Chính Tướng Thiệu, với tư cách Chủ Tịch UBLĐQG, là nguời đã ký hai sắc luật đó.

    Trong cuốn hồi ký thứ nhì, Buddha’s child: my fight to save Vietnam, Tướng Kỳ cũng đã ghi lại nhiều chuyện không đúng. Nguời viết đã đánh giá các điểm không trung thực này khá nhiều trong khi thực hiện cuộc nghiên cứu về đề tài “Mật uớc giữa các tuớng lãnh cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa” đã trình bày bên trên, cũng như trong khi hoàn thành Chương 9 của cuốn sách Việt Nam Công Hòa, 1963-1967: những năm xáo trộn, trong đoạn nói về việc cách chức Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Vùng I.[11] Để minh họa cho việc đánh giá này, người viết xin ghi lại đây diễn tiến của việc cách chức Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Vùng I:

    Theo sách Buddha’s child: my fight to save Vietnam, Tướng Kỳ cho biết ông rất tức giận vì bị người của Tướng Thi chê bai Chính phủ trung ương và làm nhục ông trong chuyến viếng thăm Vùng I vào ngày 2-3-1966, và quyết định cách chức Tư Lệnh Vùng I của Ông Thi ngay lập tức, sau khi phi cơ vừa cất cánh rời khỏi phi trường Phú Bài (Huế). Ông viết như sau ở trang 198: “I turned back to Co and said: “As soon as we are airborne, use the aircraft radio and send a cable to Thi, relieving him of his command.” Co, stunned, asked: “What did you say?” I repeated myself, and a few minutes later he sent the cable.” (Xin tạm dịch sang tiếng Việt như sau: “Tôi quay lại phía Có và nói: “Ngay sau khi mình đã bay lên rồi, anh hảy dùng điện đài trên máy bay và gửi công điện cho Thi, cách chức tư lệnh của hắn.” Có, choáng váng, hỏi lại: “Anh nói cái gì?” Tôi lập lại, và vài phút sau anh ta gửi công điện đi.”) Người được nêu tên Có chính là Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, Tổng Ủy Viên Chiến Tranh Kiêm Ủy Viên Quốc Phòng, tức là Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng.

    Sự thật đâu phải như vậy. Tướng Thi chỉ bị Ùy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia cách chức ngày 11-3-1966.[12] Trước đó 3 ngày, ngày 8-3-1966, UBLĐQG (thu hẹp, chỉ gồm bốn tướng Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Hữu Có và Cao Văn Viên) đã mời Tướng Thi vào Sài Gòn, thuyết phục ông từ chức với lý do sang Hoa Kỳ chửa bệnh một thời gian nhưng không thành vì Tướng Thi không đồng ý.[13] Ngày hôm sau, 9-3-1966, UBLĐQG thu hẹp này còn cố gắng thuyết phục ông thêm một lần nũa nhưng ông vẫn không chịu. UBLĐQG thu hẹp này phải quyết định quản thúc ông tại nhà và triệu tập Đại Hội Đồng Quân Lực vào ngày hôm sau, 10-3-1966, để thảo luận và quyết định về Tướng Thi.[14] Riêng bản thân Tướng Kỳ, ngay sau đó đã ra lệnh cho người của ông điện thoại cho Đại sứ Hoa Kỳ mời ông đến gặp ngay để bàn về việc cách chức Tướng Thi.[15] Ngày 10-3-1966, Hội Đồng Quân Lực đã họp, thảo luận, và bỏ phiếu kín với kết quả là tất cả các tướng lãnh hiện diện đều bỏ phiếu thuận đối với việc cách chức Tướng Thi. Chỉ có duy nhứt 1 phiếu trắng của Chuẩn Tướng Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Nhảy Dù.[16] Và ngày hôm sau, 11-3-1966, UBLĐQG mới công bố quyết định này.

    Khác hẳn Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ luôn luôn sử dụng dao to búa lớn và tự đề cao quá đáng trong hai cuốn hồi ký vừa điểm qua, tác giả Đại Sứ Bùi Diễm trong cuốn hồi ký In the jaws of history luôn luôn thận trọng và nghiêm túc. Tuy nhiên, đoạn nói về việc Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đổ bộ vào Đà Nẵng sáng ngày 8-3-1965 trong cuốn hồi ký của ông cần phải được đánh giá lại.

    Theo sách In the jaws of history, ông Bùi Diễm cho biết sáng sớm ngày hôm đó, Thủ Tuớng Quát gọi điện thoại, kêu ông đến gặp ngay vì có chuyện khẩn cấp. Khi ông đến nơi thì ông Quát cho biết Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Mỹ đang đổ bộ vào Đà Nẵng nên Chính phủ cần phải ra ngay một thông báo chính thức vể việc này. Ông Quát yêu cầu ông cùng với một viên chức Mỹ có mặt lúc đó là ông Melvin Manfull soạn thảo ngay thông cáo báo chí này. Điểm chính yếu mà tác giả Bùi Diễm muốn nói là biến cố đó tuy không phải hoàn toàn là một bất ngờ lớn đối với ông nhưng nó quá đột ngột và Chính phủ Quát không có chuẩn bị cho biến cố đó.

    Sự thật không phải như vậy. Biến cố này hoàn toàn không phải đột ngột và Chính phủ Quát rõ ràng đã có những chuẩn bị cho biến cố đó. Bằng chứng như sau: 1) Hình ảnh trên báo chí thời đó cho thấy lúc TQLC Mỷ đổ bộ lên bải biển có sự hiện diện của các thiếu nữ chào đón quân Mỹ với các vòng hoa; và có cả sự hiện diện của Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Vùng I để chào đón Chuẩn Tướng Frederick J. Karch, Tư Lệnh Lữ Đoàn TQLC Mỹ; 2) Một số công điện của Đại sứ Mỹ lúc đó là Tướng Maxwell Taylor gửi về Bộ Ngoại Giao Mỹ để tường trình việc ông đến gặp Thủ Tướng Quát để thông báo về việc đổ bộ 2 tiểu đoản TQLC Mỹ vào Đà Nẳng, cũng như việc Tướng Westmoreland, Tư Lệnh Lực Lượng Mỹ tại Việt Nam gặp gở Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quân Lực và Trung Tướng Trần Văn Minh, Tổng Tư Lệnh QLVNCH, và sau đó bay ra Đà Nẳng để gặp và thảo luận với Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Vùng I, về việc đổ bộ 2 tiểu đoàn TQLC này.

    Vì tác phong thận trọng và nghiêm túc của tác giả Bùi Điễm trong cuốn hồi ký này, người viết tin rằng tác giả hoàn toàn không có động cơ che dấu sự thật. Vậy thì tại sao tác giả lại trình bày biến cố này như vậy trong cuốn hồi ký của ông? Người viết nghĩ rằng chỉ có một cách giải thích tương đối hợp lý: đó là vì tác giả không được Thủ Tướng Quát thông báo về việc này với lý do rất có thể vì Thủ Tướng Quát chỉ xem việc đổ bộ 2 tiểu đoàn TQLC Mỹ này là một việc hoàn toàn thuấn túy quân sự (lý do Đại sứ Mỹ nêu ra khi gặp Thủ Tướng Quát là chỉ để bảo vệ phi trường Đà Nẵng, nơi xuất phát các phi cơ bay đi oanh tạc Bắc Việt của Chiến Dịch Rolling Thunder đã được cả 2 Chính phủ Việt Mỹ thông qua rồi) nên ông chỉ thông báo cho các tường Thiệu, Minh và Thi mà thôi. Xin xem chi tiết trong bài viết “Tìm hiểu thêm về việc Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đổ bộ vào Đà Nẵng ngày 8-3-1965.” [17]

    Đối Với Tài Liệu Việt Ngữ

    So với các tài liệu bằng Anh ngữ, tài liệu bằng Việt ngữ chiếm một số lượng khiêm tốn hơn rất nhiều. Có thể chia các tài liệu tiếng Việt này ra làm 3 nhóm: nghiên cứu, hồi ký, và linh tinh

    Nhóm sách Việt ngữ thuộc loại nghiên cứu, do những tác giả nghiêm túc, dựa trên tài liệu lịch sử khả tín, chỉ chiếm một số lượng tương đối rất thấp, gần như không đáng kể, thí dụ như:

    Lê Xuân Khoa. Việt Nam 1945-1995: chiến tranh, tị nạn, bài học lịch sử. Tập I: Tị Nạn 1954 và Bài Học Bốn Cuộc Chiến (1945-1979). Bethesda, Md.: Tiên Rồng xuất bản, 2004. 568 tr.

    Nguyễn Tiến Hưng. Khi đồng minh tháo chạy. San Jose, Calif.: Cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh, 2005. 705 tr.

    Nguyễn Tiến Hưng. Tâm tư Tổng Thống Thiệu. San Jose, Calif.: Cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh, 2010. 711 tr.

    Nhóm sách quan trọng nhứt thuộc loại hồi ký của những nhân vật chính trị và quân sự của VNCH. Sau đây là danh sách các cuốn hồi ký mà người viết có tham khảo, xếp theo thứ tự thời gian xuất bản:

    Đỗ Mậu, Việt Nam máu lửa quê hương tôi, do Tác giả tự xuất bản năm 1987, 1267 trang.

    Nguyễn Chánh Thi, Việt Nam: một trời tâm sự, do nhà Anh Thư xuất bản năm 1987, 385 trang.

    Nguyễn Tiến Hưng, Hồ sơ mật Dinh Độc Lập, do Cung Thúc Tiến và Nguyễn Cao Đàm dịch từ nguyên tác Anh ngữ The Palace File, xuất bản năm 1987, 908 trang.

    Phạm Bá Hoa, Đôi dòng ghi nhớ, ấn bản 4 năm 2007, nhà xuất bản Ngày Nay, 385 trang.

    Lý Tòng Bá, 25 năm khói lửa, do Tác giả tự xuất bản năm 1995, 282 trang.

    Nguyễn Xuân Phác, Hồi ký Nguyễn Xuân Chữ, do nhà Văn Hóa xuất bản năm 1996, 399 trang.

    Tôn Thất Đính, 20 năm binh nghiệp, do Tuần báo Chánh Đạo xuất bản năm 1998, 455 trang.

    Bùi Diễm, Gọng kìm lịch sử, do nhà Phạm Quang Khai xuất bản năm 2000, 596 trang.

    Huỳnh Văn Lang, Nhân chứng một chế độ, do Tác giả tự xuất bản năm 2000, gồm 3 tập (549, 445, và 483 trang).

    Phạm Văn Liễu, Trả ta sông núi, do nhà Văn Hóa xuất bản 2002-2004, gồm 3 tập (472, 544, và 544 trang).

    Hồ Văn Kỳ Thoại, Can trường trong chiến bại: hành trình của một thủy thủ, do Tác gỉa tự xuất bản năm 2006, 329 trang.

    Liên Thành, Biến động miền trung: những bí mật chưa tiết lộ, giai đoạn 1966-1968-1972, do Tổng Hội Biệt Động Quân QLVNCH xuất bản năm 2008, 433 trang.

    Vũ Quốc Thúc, Thời đại của tôi, do nhà Người Việt xuất bản năm 2010, gồm 2 tập (417 và 700 trang).

    Lê Xuân Nhuận, Biến loạn miền trung, do nhà Xây Dựng xuất bản năm 2012, 488 trang.

    Đỗ Sơn, Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất và sự thật cuộc triệt thoái Quân Đoàn II, do nhà Thao Uyen Pham xuất năm 2013, 388 trang.

    Nhìn vào danh sách trên đây, chúng ta nhận ra ngay là phần lớn các tác giả đều là quân nhân; chỉ có 5 vị (các ông Nguyễn Tiến Hưng, Nguyễn Xuân Phác, Bùi Diễm, Huỳnh Văn Lang và Vũ Quốc Thúc) không phải là quân nhân.

    Các cuốn hồi ký nêu trên, hoặc ít hoặc nhiều, đều có nội dung có liên quan đến phạm vi nghiên cứu của người viết nhưng quan trọng nhứt là các cuốn liệt kê sau đây:

    Việt Nam máu lửa quê hương tôi

    Việt Nam: một trời tâm sự

    Đôi dòng ghi nhớ

    Gọng kìm lịch sử

    Trả ta sông núi

    Các sách này đã cung cấp một số thông tin quan trọng cho việc nghiên cứu của người viết với mức độ khả tín khác nhau. Người viết xin lần lượt điểm qua từng cuốn như sau:

    Việt Nam máu lửa quê hương tôi: tác giả Đỗ Mậu là một sĩ quan cao cấp (Đại Tá, Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội, cơ quan chịu trách nhiệm về an ninh chính trị cho chế độ Đệ Nhứt Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Đinh Diệm) tham gia tích cực vào cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, và sau khi cuộc đảo chánh thành công ông được thăng lên cấp Thiếu Tướng (giống như 2 vị Đại Tá kia là: Nguyễn Hữu Có và Nguyễn Văn Thiệu); cuốn hồi ký của ông là cuốn sách đồ sộ nhứt (với 1267 tr.), với nhiều tài liệu tham khảo nhứt, và với mức độ khả tín khá cao, nhưng đồng thời cũng là cuốn sách bị chỉ trích nhiều nhứt và nặng nề nhứt bởi những người hoặc theo Công Giáo hoặc thuộc phe tôn sùng Ngô Đình Diệm với lý do là tác giả viết sách chỉ vì muốn biện minh cho việc phản lại ông Ngô Đình Diệm và bài xích Công Giáo. Chương 18 của cuốn sách này, với tiểu đề Ba năm xáo trộn, từ tr. 825 đến tr. 930, cung cấp nhiều thông tin quan trọng và có mức độ khả tín khá cao về giai đoạn 1963-1965 mà tác giả có lúc tham gia như một tác nhân tích cực và cũng có lúc là một nạn nhân đáng thương của các tướng lãnh vốn là đàn em của tác giả, nhứt là sau khi tác giả bị cho về hưu vào tháng 3 năm 1965.

    Việt Nam: một trời tâm sự: tác giả Nguyễn Chánh Thi là một vị tướng lãnh của QLVNCH, cấp bậc và chức vụ cuối cùng của ông là Trung Tướng, Tư Lệnh Vùng I. Cuốn hồi ký của ông, quả đúng như cái tựa mà ông dùng cho cuốn sách, là tâm sự của ông. Ông viết với trái tim, với cảm xúc, bộc lộ rõ cá tính của ông là một người chánh trực, nhiệt huyết, nóng tính, và không thỏa hiệp với cái xấu, cái ác. Toàn bộ cuốn sách của ông không có một ghi chú nào hết, và cũng không có liệt kê ra bất cứ tài liệu tham khảo nào hết. Ông nhớ tới đâu viết tới đó, và vì không có tra cứu tài liệu tham khảo, rất nhiều sự kiện ông không ghi ra ngày tháng hoặc ghi không đúng. Và, dĩ nhiên, có những điều ông không nhớ nên không viết ra. Một thí dụ nhỏ: ông hoàn toàn không có đề cập đến vụ TQLC Hoa Kỳ đổ bộ vào Đà Nẵng ngày 8-3-1965 lúc ông đang là Thiếu Tướng Tư Lệnh Vùng I và có mặt tại bải biển để đón chào Chuẩn Tường Frederick J. Karch, Tư Lệnh Lữ Đoàn TQLC Hoa Kỳ đó. Do những tính chất đặc biệt này, cuốn hồi ký của ông chứa đựng một lượng thông tin rất lớn có mức độ khả tín khá cao vì chúng liên hệ trực tiếp đến chính bản thân, cuộc đời, và sự nghiệp của ông, nhưng rất cần được kiểm chứng và đánh giá. Lấy một thí dụ để minh họa. Về diễn tiến của vụ ông bị cách chức Tư Lệnh Vùng I vào tháng 3-1966, ở trang 340, ông viết như sau: “Lúc 9 giờ 30 sáng ngày 10-3-1966, tôi đến Saigon, về ở số nhà 9 đường Gia Long. Anh Phạm Văn Liễu đã có mặt ở đó.” Chi tiết về ngày tháng là không đúng. Tướng Thi đã về Sài Gòn trước đó ít nhứt là 2 ngày, vì vào ngày 8-3-1966, ông đã có mặt trong một buổi họp ở Bộ Tổng Tham Mưu. Đại Tá Phạm Bá Hoa, trong cuốn hồi ký của ông, Đôi dòng ghi nhớ (ấn bản lần 4, 2007), ở trang 192, đã ghi như sau: “Ngày 08 tháng 03 năm 1966, buổi họp thu hẹp của Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia gồm Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, Trung Tướng Cao Văn Viên, và Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi. Buổi họp có mục đích giải quyết trực tiếp vụ Trung Tướng Thi đã nhiều lần tỏ ra chống lại lệnh của trung ương.” Tác giả Phạm Bá Hoa lúc đó còn mang cấp bậc Trung Tá và giữ chức vụ Chánh Văn Phòng Tổng Tham Mưu Trưởng. Buổi họp vừa nói là do chính tác giả sắp xếp theo lệnh của Trung Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng. Vì vậy thông tin về buổi họp này có mức độ khả tín rất cao. Sau đó tác giả, trong những trang kế tiếp, còn tường thuật thêm các diễn tiến trong các ngày 9, 10 và 11 tháng 3-1966, đặc biệt là việc các tướng Thiệu, Kỳ, Viên và Có cố gắng thuyết phục Tướng Thi một lần nữa vào sáng ngày 9-3-1966, sau đó mới quyết định quản thúc Tướng Thi tại nhà, và triệu tập Đại Hội Đồng Quân Lực vào ngày 10-3-1966 để thảo luận và quyết định về việc cách chức Tướng Thi. Công điện của Đại sứ Hoa Kỳ (lúc đó là ông Henry Cabot Lodge, thời gian này là lần thứ hai ông làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, lần thứ nhứt là trong khoảng thời gian từ ngày 22-8-1963 cho đến ngày 28-6-1964) gửi về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 9-3-1966 cũng xác nhận việc các tướng lãnh VNCH đã có bàn về việc cách chức Tướng Thi đã xảy ra vào buổi sáng ngày 9-3-1966 trước khi ông đi gặp Tướng Kỳ.[18]

    Đôi dòng ghi nhớ: tác giả Phạm Bá Hoa là một sĩ quan cao cấp của QLVNCH, cấp bậc và chức vụ cuối cùng là Đại Tá, Tham Mưu Trường Tổng Cục Tiếp Vận, Bộ Tổng Tham Mưu. Cuốn hồi ký của ông là một trong một vài cuốn hồi ký khá hiếm của các nhân vật chính trị và quân sự của VNCH có mức độ khả tín rất cao. Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng tại Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, như Chánh Văn Phòng của Tham Mưu Trưởng Liên Quân Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm lúc xảy ra cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, và Chánh Văn Phòng của Tổng Tham Mưu Trưởng Trung Tướng Cao Văn Viên, lúc diễn ra vụ cách chức Tư Lệnh Vùng I của Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi. Ông chỉ ghi lại những sự kiện mà chính ông có chứng kiến hoặc tham dự, và có ghi chép lại đầy đủ. Chúng ta vừa có dịp khảo sát phần nào mức độ khả tín của cuốn hồi ký này trong phần trên.

    Gọng kìm lịch sử: tác giả Bùi Diễm là một khuôn mặt chính trị khá quen thuộc của sân khấu chính trị của VNCH trong thời gian 1963-1975. Ông đã từng giữ chức vụ Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng của Chính phủ Phan Huy Quát (từ ngày 16-2-1965 đến ngày 19-6-1965), và Đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ (1967-1972). Cuốn hồi ký này chỉ là bản dịch sang tiếng Việt của nguyên tác tiếng Anh của tác giả In the jaws of history. Những gì người viết đã nhận định về nguyên tác cũng áp dụng cho bản dịch này.

    Trả ta sông núi: tác giả Phạm Văn Liễu là 1 sĩ quan cao cấp của QLVNCH, đã từng tham dự cuộc đảo chánh thất bại ngày 11-11-1960 của binh chủng Nhảy Dù, phải sống lưu vong tại Cao Miên cùng với Đại Tá Nguyễn Chánh Thi trong thời gian 3 năm; đã từng giữ chức vụ Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia (1965-1966). Cuốn hồi ký của ông gồm 3 tập, trong đó Tập 2 có liên quan đến phạm vi nghiên cứu về lịch sử VNCH của người viết. Vì được sự tin dùng của cả 2 tướng Nguyễn chánh Thi và Nguyễn Cao Kỳ (2 vị tướng có thế lực nhứt trong Nhóm Tướng Trẻ, mà báo chí Hoa Kỳ lúc đó thường gọi chung là The Young Turks, nhứt là của Tướng Thi, mà ông đã có phần tham dự rất tích cực trong việc các tướng lãnh tạo ra Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (UBLĐQG) và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (UBHPTƯ), và sau đó là Nội Các Chiến Tranh của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, sau khi Chính phủ Phan Huy Quát giao quyền lại cho phe quân nhân. Do đó, phần lớn các thông tin trong Tập 2 liên quan đến các sự kiện, biến cố trong giai đoạn 1965-1967 có mức độ khả tín khá cao. Qua các thông tin ở các trang 302-303, chúng ta được biết khá chi tiết việc các tướng lãnh bầu Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu vào chức vụ Chủ Tịch UBLĐQG (tức Quốc Trưởng) và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ vào chức vụ Chủ Tịch UBHPTƯ (tức Thủ Tướng). Phần đánh giá về cá tính của 2 tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ ở 2 trang 306-307 cũng rất chính xác.

    Trong nhóm tài liệu thuộc loại linh tinh, bộ sách biên niên của tác giả Đoàn Thêm là đáng tin cậy nhứt. Bộ sách này gồm có tất cả 6 cuốn:

    Hai mươi măm qua: 1945-1964, 424 trang

    Việc từng ngày: 1965, 243 trang

    Việc từng ngày: 1966, 262 trang

    Việc từng ngày: 1967, 334 trang

    Việc từng ngày: 1968, 481 trang

    Việc từng ngày: 1969, 454 trang

    Phần lớn độc giả đều biết cụ Đoàn Thêm là một tác giả rất nghiêm túc, lại có căn bản là một nhà hành chánh lảo luyện, nhiều năm kinh nghiệm. Những dữ kiện ghi lại trong các cuốn biên niên của cụ, đặc biệt là danh sách các chính phủ, các cuộc cải tổ nội các, các việc thăng cấp của các tuớng lãnh, phần lớn dựa vào tài liệu cụ thu thập đuợc và ghi chép lại trong suốt thời gian làm việc, trong đó chắc chắn một phần khá nhiều là những văn kiện của chính phủ đăng trong Công Báo VNCH nên rất chính xác. Một lý do nữa của mức độ khả tín cao của các cuốn biên niên này là việc chúng đuợc xuất bản không bao lâu sau khi sự việc, biến cố xảy ra (về sau này những cuốn biên niên của cụ Đoàn Thêm đuợc tái bản tại hải ngoại trong thập niên 1990 chỉ là bản in lại nên hoàn toàn không có thêm bớt, thay đổi gì cả). Giá trị của những cuốn biên niên này của tác giả Đoàn Thêm nằm ở chổ giúp cho các nhà nghiên cứu lịch sử VNCH rất nhiều trong việc dựng lại một cách chính xác thứ tự thời gian xảy ra của các biến cố quan trọng trong đời sống chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội của VNCH trong khoảng thời gian đó. Nếu muốn tìm hiểu nguyên nhân của các biến cố hay tác động hổ tương giữa các biến cố thì bộ sách này sẽ không giúp được gì nhiều vì đó không phải là mục tiêu của bộ sách này.

    Trong các tài liệu thuộc loại linh tinh này cũng cần lưu ý đến một số ít các tài liệu tham khảo sau đây:

    Chiến tranh Việt Nam toàn tập: từ trận đầu (Áp Bắc – 1963) đến trận cuối (Sài Gòn – 1975) của Nguyễn Đức Phương do Làng Văn xuất bản vào năm 2001, gồm 957 trang.

    Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa của Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy, do Hương Quê xuất bản vào năm 2011, gồm 899 trang.

    Từ điển Chiến tranh Việt Nam 1954-1975 của Nguyễn Kỳ Phong biên soạn, do Nhà sách Tự Lực xuất bản vào năm 2009, gồm 500 trang.

    Các tài liệu này mặc dù nghiêng nặng về mặt quân sự nhưng có thể cung cấp cho chúng ta những thông tin quan trọng và chính xác về các nhà lãnh đạo VNCH trong giai đoạn 1963-1967 vì hầu hết các vị này đều là tướng lãnh.

    Thay Lời Kết

    Việc nghiên cứu lịch sử VNCH càng ngày càng được nhiều người Việt ở nước ngoài cũng như ở trong nước quan tâm. Chuyện này, cũng như nhiều chuyện khác, có hai mặt. Mặt tích cực là giúp cho những thế hệ trẻ, sanh sau ngày 30-4-1975, có nhiều tài liệu để hiểu rõ hơn về chế độ cộng hòa ở Miền Nam trước ngày 30-4-1975. Mặt tiêu cực là cũng sẽ có nhiều tài liệu có thể tạo ra hiểu lầm hoặc hiểu sai về VNCH vì đã không được các tác giả viết ra với tinh thần vô tư, khách quan cần thiết của một người viết sử. Việc đánh giá các tài liệu về lịch sử của VNCH, do đó, trở nên rất quan trọng, không những đối với các tác giả mà luôn cả đối với độc giả. Bài viết này mong góp được một số ý kiến cho mọi người trong việc đánh giá các tài liệu, cả tiếng Việt và tiếng Anh, về lịch sử của VNCH.

    Ghi Chú:

    1. Lâm Vinh Thế, “Tài liệu mật của CIA về Việt Nam Cộng Hòa,” trong Bạch hóa tài liệu mật của Hoa Kỳ về Việt Nam Cộng Hòa (Hamilton, Ont.: Hoài Việt, 2008), tr. 252-274.

    2. Lâm Vinh Thế, “Một nội các chết non của V.N.C.H.” trong Bạch hóa tài liệu mật của Hoa Kỳ về Việt Nam Cộng Hòa (Hamilton, Ont.: Hoài Việt, 2008), tr. 118-129.

    3. “Agreement between Chief of State Thieu and Prime Minister Ky that Thieu, as President, will be a figurehead and Ky, as Vice President, will retain principal control after the elections”, trong cơ sở dữ liệu Declassified Documents Reference System (DDRS). Tài liệu này là môt Công điện của CIA, thuộc loại Intelligence Information Cable, đề ngày 3-7-1967, giải mật ngày 6-4-1993, gồm 10 tr. Tài liệu này đã được Virtual Vietnam Archive (VVA) đánh số là Item Number 04107108007 và có thể đọc trực tuyến và toàn văn tại trang Web của VVA tại địa chỉ INTERNET sau đây: http://www.vietnam.ttu.edu/virtualarchive/ của Đại Học Texas Tech University, tại Lubbock, Texas, Hoa Kỳ.

    4. “Cable from Ambassador Bunker on … report on alleged “military affairs committee,” trong cơ sở dữ liệu DDRS. Tài liệu này là một Công điện MẬT từ Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn gửi về Bộ Ngoại Giao, đề ngày 11-8-1967, giải mật ngày 2-11-1994, gồm 3 tr. Tài liệu này đã được VVA đánh số là Item Number 0010137106 và có thể đọc trực tuyến và toàn văn tại trang Web của VVA theo địa chỉ INTERNET đa có ghi ở Ghi chú số 3 bên trên. Xin luu ý một điều là: VVA đã điều chỉnh tựa đề của Công điện này và gọi nó là Letter from Ambassador Bunker to President Lyndon B. Johnson. Trong Công điện này, Đại sứ Bunker tuờng trình cuộc nói chuyện của ông với Tuớng Kỳ. Phần nói về mật uớc giữa các tuớng lãnh VNCH, ở cuối tr. 1 và đầu tr. 2, ghi như sau: “3. Report on alleged “military affairs committee” … As interpreted by Ky today in conversation with Ambassador, group is presumably the military members of the Directorate who meet regularly to consider matters relating to reorganisation and improvement to Republic of Vietnam Armed Forces, pacification and related subjects. Ky stated there is no inner group which will seek to control government after elections as called and said this story could be flatly denied.”

    5. “Military control organization”, văn thư của Walt W. Rostow, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, gửi cho Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson. Văn thư nầy, chí có 1 trang, đề ngày 14-8-1967, giải mật ngày 28-9-1995, đã được VVA đánh số Item Number 0010133019 và có thể đọc trực tuyến và toàn văn tại trang Web của VVA. Văn thư ghi rõ như sau: “… the generals have written a “charter” for their planned Supreme Military Committee. The purpose is clear: to maintain military control of government after the election. Our text of the alleged “charter” (22 pages) came from a usually reliable source in the Vietnamese military.”

    6. “Comments on “Supreme Military Committee,” trong cơ sở dữ liệu DDRS. Tài liệu này là một công điện của CIA thuộc loại Intelligence Information Cable, đề ngày 16-8-1967, giải mật ngày 20-9-1979, gồm 3 tr. Tài liệu ghi rõ như sau: “…stated on 15 August 1967 that word of the existence of the “Supreme Military Committee” had probably leaked out from one of the generals who is a member of it.”

    7. Lâm Vinh Thế, “Mật uớc giữa các tuớng lãnh cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa,” trong Bạch hóa tài liệu mật của Hoa Kỳ về Việt Nam Cộng Hòa (Hamilton, Ont. : Hoài Việt, 2008), tr. 228-251.

    8. Nguyễn Cao Kỳ. Twenty years and twenty days. New York : Stein and Day, 1976. Tr. 75.

    9. Phạm Văn Liễu. Trả ta sông núi : hồi ký. Tập 2: 1963-1975. Houston, Tex. : Văn Hóa, 2003. Tr. 302-303.

    10. Nguyễn Cao Kỳ, sđd, tr. 99.

    11. Lâm Vinh Thế. Việt Nam Cộng Hòa, 1963-1967 : những năm xáo trộn. Hamilton, Ont. : Hoài Việt, 2010. Tr. 144-145. Xin đọc thêm Ghi chú số 30, ở các tr. 247-248.

    12. Đoàn Thêm. Việc từng ngày: 1966; tựa của Lãng Nhân. Sài Gòn: Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 1968. Tái bản: Los Alamitos, Calif.: Nhà xuất bản Xuân Thu, 1989. Tr. 42, tác giả ghi như sau: “11-3-66. Hội-đồng các Tướng-lãnh và UBLĐQG nhóm họp 5 tiếng đồng-hồ tại Bộ Tổng-tham-mưu và quyết định cho Trung-tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư-lịnh Vùng I Chiến-thuật kiêm Đại-biều Chính-phủ tại vùng này, được nghĩ phép để đi chữa bệnh mũi.”

    13. Phạm Bá Hoa. Đôi dòng ghi nhớ; hồi ký chính trị, 1963-1975. Ấn bản lần 4. Houston, Tex.: Ngày Nay, 2007. Tr. 192-193 có ghi như sau: “Ngày 08 tháng 03 năm 1966, buổi họp thu hẹp của Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia gồm Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, Trung Tướng Cao Văn Viên, và Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi. Buổi họp có mục đích giải quyết trực tiếp vụ Trung Tướng Thi đã nhiều lần tỏ ra chống lại lệnh của trung ương…Từ lúc bắt đầu họp cho đến lúc chấm dứt khi trời tối hẳn, không một vị nào bước ra ngoài, ngoại trừ trường hợp Trung Tướng Viên bảo tôi lo ăn trưa. Với nét mặt đăm chiêu qua những nếp nhăn trên vầng trán của các vị, tôi đoán là cả ngày họp chẳng đạt được kết quả nào. Riêng Trung Tướng Thi có vẻ như tức giận thì phải.”

    14. Phạm Bá Hoa, sđd, tr. 198 có ghi như sau: “Cuối cùng cũng không đạt kết quả, nên Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia thu hẹp quyết định “quản thúc” Trung Tướng Thi, lúc đầu dự trù tại câu lạc bộ Bộ Tổng Tham Mưu, nhưng sau đó đưa về quản thúc tại nhà ông với sự canh giữ của An Ninh Quân Đội và Quân Cảnh.” Sau đó, ở trang 199, có ghi như sau: “Trước khi ra về, Trung Tướng Viên tạt vào phòng tôi: “Chú mời “Đại Hội Đồng Quân Lực” họp lúc 10 giờ sáng mai (10/3/1966). Không mời Tư Lệnh Sư Đoàn 1 (Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân, tại Huế) và Sư Đoàn 2 (Chuẩn Tướng Hoàng Xuân Lãm, tại Quảng gãi). Lý do sẽ cho biết khi họp.”

    15. Gibbons, William Conrad. The U.S. Government and the Vietnam War: executive and legislative roles and relationships. Part IV: July 1965 – January 1968. Princeton, N.J.: Princeton University Press, 1995. Tại các tr. 268-269, có ghi như sau: “On March 9, Ambassador Lodge received a telephone call from Ky’s office asking him to come immediately to a meeting with the Premier… Ky asked Lodge for advice about removing Thi, saying that at a meeting earlier that day other members of the junta had favoured removal. He added that he could not continue as Premier unless this was done. Lodge replied that, as U.S. Ambassador, he could not comment, but speaking unofficially and as a friend he thought Ky should plan his moves carefully and should document his case against Thi before acting.” Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Vào ngày 9 tháng 3, Đại sứ Lodge nhận được điện thoại từ Văn phòng của Kỳ yêu cầu ông đến gặp ngay Thủ Tướng…Kỳ yêu cầu Lodge cố vấn về việc cách chức Thi, cho biết là trước đó cùng ngày các thành viên của nhóm tướng lãnh đã đồng ý việc cách chức. Ông nói thêm là ông không thể tiếp tục làm Thủ Tướng nếu không làm chuyện này. Lodge trả lời rằng, với tư cách Đại sứ Hoa Kỳ, ông không thể bình luận về chuyện này, nhưng một cách không chính thức và với tư cách là một người bạn, ông nghĩ là Kỳ nên chuẩn bị việc này một cách cẩn thận và nên có tài liệu đầy đủ chông lại Thi trước khi hành động.” Việc Đại sứ Lodge được mời đến gặp Tướng Kỳ để bàn về việc cách chức Tướng Thi đề cập đến trong sách này được xác nhận trong một công điện do Đại sứ Lodge gửi về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 9-3-1966 (giải mât ngày 21-7-1997, gồm 2 trang), trong đó có ghi rõ như sau: “He had had a meeting with all the generals this morning, less Thi, Vinh Loc and Quang, and had told them that he intended to share this burden with them, and asked them to take appropriate steps for removal of General Thi. If not, he, Ky, would go back to commanding the air force and someone else could be prime minister. He could not go on this way. The generals this morning had wanted to know what I thought. A meeting of all ten generals with Thi present is scheduled for tomorrow, Thursday, morning. He asked my advice.” Xin tạm dịch sang tiếng Việt như sau: “Ông ta (tức là Tướng Kỳ) đã có một buổi họp với tất cả các tướng lãnh sáng nay, trừ Thi (tức Tướng Nguyễn Chánh Thi), Vĩnh Lộc (tức Tướng Vĩnh Lộc, Tư Lệnh Vùng 2) và Quang (tức Tướng Đặng Văn Quang, Tư Lênh Vùng 4), và đã bảo họ là ông muốn chia xẻ với họ cái gánh nặng này, và yêu cẩu họ thực hiện các bước thích hợp cho việc cách chức Tướng Thi. Nếu không, ông ta, Kỳ, sẽ trở về chỉ huy Không Quân, và một người nào khác có thể làm Thủ Tướng. Ông ta không thể tiếp tục như thế này. Các tướng lãnh sáng nay muốn nghe ý kiến của tôi (tức Đại sứ Lodge). Một buổi họp của tất cả các tướng lãnh với sự hiện diện của Tướng Thi đã được sắp xếp cho sáng mai, Thứ Năm. Ông ta hỏi ý kiến của tôi.”

    16. Phạm Bá Hoa, sđd, các tr. 201-202 có ghi như sau: “Sau nhiều tiếng đồng hồ thảo luận gay gắt, đến phần bò phiếu kín: “Thuận hay không thuận cách chức Trung Tướng Thi?” Khi kiểm phiếu có 1 phiếu trắng, còn lại đều thuận. Trung Tướng Có, đẩy ghế ra sau, đứng dậy, và lên tiếng: “Trong phòng họp này, chúng ta là những người có trách nhiệm trong Đại Hội Đồng với tư cách thay mặt toàn quân, bỏ phiếu thuận hoặc không, còn phiếu trắng trong trường hợp này là “lưng chừng,” không dứt khoát lập trường. Vậy, ai là người bỏ phiếu trắng nên giải thích cho anh em rõ.” Vừa dứt câu, có tiếng đẩy ghế thật mạnh, tất cả cặp mắt của những vị có mặt gần như đồng loạt quay nhìn, và một người dỏng dạc đứng lên. Đó là Chuẩn Tướng Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Nhảy Dù. “Kính thưa Trung Tướng Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, kính thưa quí vị. Tôi là người bỏ phiếu trắng. Trung Tướng Thi đã một thời là cấp chỉ huy của tôi trong binh chủng Nhảy Dù, nên tôi không thể hành động chống Trung Tướng Thi cho dù Trung Tướng Thi có sai trái với quân đội. Tôi vẫn biết rằng, hành động của tôi không làm thay đổi được quyết định chung cuộc, nhưng tôi vẫn làm vì lẽ đó. Và nếu sau này, có điều gì xảy ra với Trung Tướng Viên, tôi vẫn hành động như tôi vừa làm. Và bây giờ, quí vị toàn quyền quyết định về tôi: “Ở lại hay ra khỏi Nhảy Dù, tôi thi hành ngay.” Xin cám ơn.” 

    17. Lâm Vĩnh Thế, “Tìm hiểu thêm về việc Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đổ bộ vào Đà Nẵng ngày 8-3-1965,” đăng trong Trang Web Nam Kỳ Lục Tỉnh tại địa chỉ Internet sau đây: https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/tac-gia-tac-pham/i-j-k-l-m/lam-vinh-the/tim-hieu-them-ve-viec-thuy-quan-luc-chien-hoa-ky-do-bo-vao-dha-nang-ngay-8-3-1965

    18. “Ambassador Lodge reports on his meeting with South Vietnam’s Prime Minister Ky, who informed Lodge that he met with all of his generals, less Thi, Vinh Loc and Quang, and asked them to take appropriate steps for the removal of General Thi,” trong cơ sở dữ liệu DDRS. Tài liệu này là một công điện mang số 007554 của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn gửi về Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ngày 9-3-1966, được giải mật ngày 21-7-1997, 2 tr.

    http://viethocjournal.com/2018/12


    Không có nhận xét nào