Nhà phê bình văn học, nhà văn Inrasara & Trần Hữu Dũng
1. Văn học miền Nam 1954-75 có gì [mà miền Bắc không có]?
Nhiều, rất nhiều…
[1] Báo chí
Nếu miền Bắc, các loại báo chỉ phát hành đến cơ quan nhà nước, thư viện hay trường học, còn đại bộ phận dân chúng phải đọc báo dán tại các địa điểm công cộng hay lắng nghe loa phường; thì ở miền Nam: người dân có tất.
Nguyệt san, bán nguyệt san hay tuần báo, nhật báo, tin buổi chiều. Đa dạng, đa chiều, đa khuynh hướng. Báo thiên tả hoặc thân Cộng, báo chống chính quyền hay báo trung lập cũng có. Dân thành phố được đọc đủ loại đã đành, ngay người nhà quê hẻo lánh cũng có thể đặt báo để được mang ấn phẩm đến tận nhà.
[2] Tự do
Tự do, các nhóm văn nghệ cấp tập xuất hiện: Sáng Tạo, Chỉ Đạo, Quan Điểm, Đại Học, Tư Tưởng, Bách Khoa, Nhân Loại, Tinh Việt Văn đoàn, Văn Hóa Ngày Nay… rồi Thái Độ, Hành Trình, Trình Bầy, Ý Thức…
Đó là sinh hoạt chữ nghĩa tự do mà người miền Nam được thụ hưởng ngay trong giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất. Dù còn hạn chế do chiến tranh, bạn tự do nói lên tiếng nói của bạn, là quyền tự do ngôn luận.
Dĩ nhiên nếu hành vi bạn nguy hiểm đến chế độ, bạn có thể bị bắt. Bị bắt, anh chị em văn nghệ sĩ đấu tranh buộc họ thả bạn ra, để bạn có cơ hội lên tiếng tiếp. Là điều văn nghệ sĩ miền Bắc có nằm mơ cũng không thấy.
Tôi không đồng thuận với quan điểm của bạn, nhưng tôi sẵn sàng lên tiếng bênh vực tiếng nói đó. Ai nói thế?!
[3] Thơ
Đủ hình thức và trào lưu thơ xuất hiện.
Thơ tự do với sự thống ngự của tên tuổi Thanh Tâm Tuyền, Duy Thanh. Lục bát huyền ảo ảnh hưởng tư tưởng nhà Phật, có Phạm Thiên Thư, Tuệ Mai. Hậu hiện đại sơ kì, Phạm Công Thiện với Bùi Giáng được xem như người khởi động. Làm thơ bất kể ngôn từ thông tục, thông tục đến thô tục đã có Nguyễn Đức Sơn hay Nguyễn Tôn Nhan.
Thơ phản chiến, thơ Thiền, thơ siêu thực, thơ hiện sinh, thơ điên, ca từ nhạc sến, nhạc vàng, vọng cổ, không thiếu bất kì thứ gì.
Quan trọng không kém là các bộ phận công chúng văn học khác nhau chấp nhận chúng là sáng tạo nghệ thuật.
[4] Văn xuôi
Tiểu thuyết đường rừng; tiểu thuyết cho tuổi mới lớn: Áo trắng, Mực tím, Tuổi hồng; tiểu thuyết khai thác dục tính; tiểu thuyết tình cảm éo le; tiểu thuyết feuilleton với Bình Nguyên Lộc, An Khê hay Lê Xuyên.
Tiểu thuyết, kí sự viết về cuộc chiến qua cách nhìn nhân văn, chứ không một chiều, bóp méo, xuyên tạc phía địch còn phe ta luôn đúng, luôn thắng, luôn anh hùng.
Văn xuôi phản truyền thống, từ "phản ứng trong suy tưởng: Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu...; phản ứng trong nếp sống: Nguyễn Thị Hoàng, Chu Tử, Nguyễn Đình Toàn, Trần Thị NgH, Lệ Hằng...; phản ứng trong bút pháp: Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Đông Ngạc..." (Võ Phiến)
[5] Nghiên cứu phê bình
Nếu miền Bắc XHCN tự khuôn định vào phê bình xã hội hay phê bình Marxist thì trong Nam, ở mức độ nhất định, hầu như tất cả trào lưu phê bình mới trên thế giới đều được tiếp nhận và vận dụng. Từ phê bình hiện tượng luận đến phê bình tâm phân học, từ phê bình cấu trúc đến phê bình mới, rồi cả phê bình Marxist nữa cũng không chừa… Trong khi đó ngoài kia, Nhân văn Giai phẩm chỉ ý định muốn tách văn nghệ khỏi chính trị thôi mà đã lên gò xuống lũng.
Và dịch thuật nữa… Còn thiếu gì, độc giả cứ điền vào chỗ.
2. Hóa giải và hòa giải khởi từ văn học
[1] Hội thảo khoa học Quốc gia: “Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ” ngày 28-10-2016 tại Trường Đại học Thủ Dầu Một thu hút non 200 tham luận từ các Đại học, Viện Nghiên cứu, các cá nhân từ nhiều vùng miền khác nhau, đủ thấy sức hấp dẫn của chủ đề hội thảo này. Ở đó văn học miền Nam (1954-1975) được xem là điểm nhấn.
Lâu nay văn học miền Nam, do nhiều nguyên nhận khác nhau, bị phân biệt đối xử, bị gọi tên không đúng và không đáng, để phải non nửa thế kỉ sau, nó mới được trả lại sự tôn trong xứng với tầm vóc và sự đóng góp của mình. Hạnh Nguyễn trên báo Nhân dân ngày 13-9-2016 trong “Ứng xử với văn học miền Nam trước 1975” nhìn nhận:
“Từ chỗ bị phê phán gay gắt, bị loại bỏ, cấm phổ biến, văn học miền Nam dần dần đã được coi là một bộ phận không thể tách rời của văn học Việt Nam, được xuất bản và nghiên cứu nghiêm túc. Nhiều tác giả (nhà văn, nhà phê bình) miền Nam xuất hiện trở lại trong đời sống văn học đương đại, nhiều tác phẩm (sáng tác, nghiên cứu, phê bình, văn học sử) được in lại và được bạn đọc ghi nhận”.
Riêng Huỳnh Như Phương làm sơ kết: “Từ 1975 đến nay, khoảng 160 tác giả và dịch giả ở các đô thị miền Nam có tác phẩm được tái bản chính thức trong nước, trong đó có người còn sống, người đã mất và một số ít đang định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, việc làm đó chưa thật hệ thống và đầy đủ. Trong thời điểm hiện nay, xúc tiến việc tập hợp, tuyển chọn những tác phẩm, công trình có giá trị là việc làm đúng lúc và cần thiết, không chỉ để cung cấp tài liệu cho các nhà nghiên cứu mà còn góp phần làm phong phú và đa dạng đời sống tinh thần của đất nước”.
Hội thảo khoa học cấp Quốc gia về chủ đề này là dấu mốc quan trọng ghi nhận thành quả và sức ảnh hưởng của nền văn học này vào tiến trình văn học Việt Nam, như là bộ phận hữu cơ không thể tách rời. Và tiểu ban: “Văn học Nam Bộ từ 1945 đến nay” được phân công đảm đương công việc trọng yếu đó.
[2] Ở tiểu ban này, tham luận có thể là cái nhìn tổng quan nền văn học ở một vùng miền rông lớn, như Hà Thanh Vân với “Văn học viết miền Đông Nam Bộ từ 1975 đến nay: diện mạo và đặc điểm”, hoặc gói gọn ở một tỉnh thành, như Nguyễn Bá Long vời “Tổng quan văn học Hà Tiên từ 1945 đến nay”, thậm chí chỉ nhấn về một tờ báo như: “Phác thảo về tuần báo Nhân Loại” (Lê Văn Nghĩa) hay một tác giả với Phạm Thanh Hùng qua “Nghệ thuật dựng truyện và xây dựng tình huống trong truyện ngắn Trang Thế Hy”, và Trần Sĩ Huệ: “Bình Nguyên Lộc trong lòng tôi”; có tham luận đề cập riêng thể loại thơ như: “Thơ nữ Đồng Bằng Sông Cửu Long sau 1975 - những đặc điểm nổi bật” (Hà Minh Châu), hay văn xuôi với Nguyễn Thị Kim Tiến qua tiểu luận “Tiếp cận truyện ngắn đương đại Nam Bộ từ góc nhìn phê bình sinh thái tinh thần”; cũng có tác giả quan tâm đến một trào lưu, như Nguyễn Phương Khánh ghi nhận “Dấu ấn tả khuynh trong văn học miền Nam: trường hợp nhà thơ, dịch giả Diễm Châu”, hoặc ảnh hưởng của nó đến thế hệ kế tiếp: “Thơ Việt đương đại tiếp nhận gì từ phong trào thơ miền Nam 1954-1975?” (Inrasara). Vân vân.
Nghĩa là văn học miền Nam được tiếp cận và ghi nhận từ nhiều điểm nhìn khác nhau.
Đất nước chia cắt, dòng sống văn chương không thể dừng lại, vẫn tiếp tục hành trình nhọc nhằn của mình. Mỗi miền mỗi cách khác nhau, mỗi tác giả/ nhóm tác giả mỗi giọng điệu khác nhau, tất cả tạo nên hợp xướng làm nên sự phong nhiêu của tiếng Việt và văn học Việt Nam. Cắt bỏ đi một bộ phận nào bất kì, vừa thiệt thòi cho độc giả vừa tự làm nghèo đi chính mình. Mà văn chương được xem là thể loại nghệ thuật thể hiện trọn vẹn nhất tâm hồn một dân tộc, thế nên văn chương không chỉ mang khả tính hóa giải và hòa giải sự phân hóa dân tộc, mà còn đóng góp lớn vào việc làm giàu sang ngôn ngữ dân tộc.
Chắc chắn văn học miền Nam, trong đó có thể loại thơ ca, đã gây ảnh hưởng không nhỏ vào tiến trình văn học Việt Nam ở giai đoạn sau đó.
[3] Bởi, không có phong trào nghệ thuật nào phát sinh từ hư vô. Hoặc nó “tiếp nhận và sáng tạo”, để từ nền đất cũ làm ra những cái mới hơn; hoặc nó phản kháng, chống lại cái đang diễn ra để làm khác đi. Mạnh bạo như Nhân văn - Giai phẩm ở miền Bắc hay nhóm Sáng tạo ở Sài Gòn khi tuyên bố đòi “chôn Thơ Mới” cũng là một phản ứng lại lối thơ của phong trào Thơ Mới, không hơn.
Phong trào cách tân thơ Việt từ Đổi mới cũng không là ngoại lệ.
Tồn tại trong một thời gian ngắn (1954-1975), thơ miền Nam đã mở ra nhiều trào lưu sôi động và vô cùng lí thú. Cho dù các phong trào kia sớm bị dở dang do thời cuộc, nhưng chúng để lại không ít dấu vết trên sáng tác của những người đi sau đó, đậm nổi nhất là ở thời Đổi mới. Không kể ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thơ phía Nam, ngay ở miền Bắc và miền Trung, ta có thể ghi nhận sự tiếp nhận từ các phong trào thơ này: Ngắt nhịp lục bát ở Nguyễn Trọng Tạo, thi ảnh siêu thực ở Mai Văn Phấn hay Văn Cầm Hải, tinh thần nữ quyền ở Thảo Phương, Dư Thị Hoàn, cảm thức hiện sinh ở Nguyễn Bình Phương, Cát Du, và cả ngôn từ thông tục ở nhiều tác giả khác.
[4] Như là một định mệnh, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh ra đời (1987) trùng hợp với bài thơ ngắn của Tô Thùy Yên: “Đi về” (sáng tác vào năm 1987, in lại trong Thơ tuyển (Hoa Kì, 1995). Nếu ở Nỗi buồn chiến tranh, chiến tranh không còn được nhìn từ góc độ cộng đồng mang tính hùng ca của chiến đấu và chiến thắng, mà được nhìn gần hơn từ góc độ cá nhân trong thân phận tình yêu, thân phận con người, để qua những mảnh sinh phận cá thể đó, hai miền tìm thấy nhau trong thân phận chung của dân tộc; thì ở bài thơ ngắn “Đi về”, Tô Thùy Yên mang trong mình khả tính hóa giải và hòa giải thù hận qua cuộc chiến tranh để tìm thấy nhau trong thân phận chung của đất nước trong tinh thần giải sân hận cao tuyệt.
Khuya rồi, nước đã đầy trăng,
Đi về suốt bãi sông Hằng, gặp ai?
Lạnh trời, đâu lửa hơ tay?
Đêm còn, cứ bãi sông này lại đi.
Thấy gì chăng, chẳng thấy gì,
Nước rào, trăng rạt, ta thì mỏi mê...
Chầy khuya, nước ủ trăng ê,
Uổng công, bãi ấy đi về một ta...
Mãi rồi trời cũng sáng ra,
Phần trăng trăng lặn, phần ta ta về.
Vẫn sông, vẫn bãi bốn bề,
Sang đêm, ai nữa đi về, gặp ai?
Một tác phẩm văn chương, nếu không mang chở yếu tố thời cuộc của thời đại nhà văn sống thì nó sẽ không nói được gì nhiều. Nhất là với lịch sử Việt Nam ở thế kỉ XX. Lịch sử của va chạm và xung đột khốc liệt giữa các ý thức hệ: Phong kiến và tự do, thực dân xâm chiếm thuộc địa và phong trào giải phóng dân tộc, Đông phương và Tây phương, cộng sản và tư bản, dân chủ với độc tài, cá nhân với tập thể… Suốt giai đoạn lịch sử dài, mảnh đất hình chữ S này trở thành sân khấu diễn tập của bao thí nghiệm và thử nghiệm: Học thuyết chính trị - quân sự, tôn giáo - tư tưởng, văn học - nghệ thuật, vũ khí và cả… thơ ca.
Bao nhiêu máu và nước mắt đã đổ. Thời sự của “Đi về” tuyệt không mang tính thông tấn báo chí. Nó không thông tin cái gì cả. Thi sĩ và cả người đọc đột ngột bị đẩy rơi vào trung tâm của sự thể, đối mặt và chịu đựng nỗi phi lí của sự thể ấy.
Một tù nhân của lịch sử, trong giá rét miền Bắc hay vùng miền nào đó trên tổ quốc Việt Nam, đang đi suốt bãi sông Hằng hay con sông nào đó bất kì trên trái đất, không quan trọng. Bài thơ đã không đưa thông báo cụ thể. Và chúng ta cũng không cần thông tin đó.
Đi – về, đi và về, vậy thôi. Đi hoài đi hủy. Đêm còn là ngươi còn đi. Cũng bãi sông đó, lối cũ đó. Lại đi. Không gặp ai, không cần gặp ai và, cũng chẳng có ai để gặp. Đi, để làm gì cũng chẳng biết. Hành hạ ư? Không chắc. Tác nhân – không biết. Bị nhân – không biết. Ngươi là kẻ thù, kẻ chiến bại, ngươi phải bị trả giá. Không phải bởi cá nhân hay con người nào đó. Mà bởi một cơ chế. Cơ chế không xem ngươi là cá nhân, một con người. Không có ngoại lệ hay biệt lệ ở đây. Ngươi là kẻ vừa bị cơ chế đánh bại, thế thôi. Cơ chế không cần biết ngươi nghĩ gì, đau thế nào, chết ra sao. Không gì cả!
Cơ chế vô tâm, đã đành. Cả thiên nhiên cũng vô tình. Thi sĩ đối mặt vũ trụ, vừa siêu hình vừa hữu hình trong một thực tại lù lù. Lê thân xác mệt mỏi rã rời mà đi. Đi mãi. Cuộc đi vô cùng tận. Chẳng kẻ đồng hành để sẻ chia. Dứt kỉ niệm để hồi tưởng. Không tương lai để hi vọng.
Chỉ còn một ta đi và về giữa thiên nhiên vô tình cùng cơ chế vô tâm. Sức chịu đựng của con người gần như là không cùng. Chịu đựng câm lặng. Suốt bài thơ không bật ra nửa lời trách oán. Than vãn – không. Căm hận hay nuôi ý định trả thù lại càng không. Vô lượng tâm mở ra cùng vô tình trời đất và nghiệt ngã cơ chế. Càng mở hơn nữa với kẻ đến sau. Sang đêm, một thân phận khác sẽ đến, chắc chắn. Sẽ đối mặt với cảnh ngộ này, như ta. Để phải chịu đựng một lần và muôn ngàn lần nữa nỗi thống khổ phi lí to lớn này. Họ sẽ thế nào?
“Ai nữa đi về…”? Giữa đêm tối của thời cuộc tưởng như không còn lối thoát ấy, qua sự chịu đựng nỗi khắc nghiệt gần như bất khả vượt ấy, những tưởng vài mảnh tình người sót lại bị tiêu hủy, mọi cánh cửa cảm thông sẽ đóng sầm. Mãi mãi. Nhưng không, thi sĩ vẫn biết vươn vượt khỏi phận mình, nhìn ra ngoài, ưu tư lo lắng đến sinh phận khác.
“Đi về” – mỗi câu thơ vọng như từ thẳm sâu cõi mộng và thực, ranh giới được và mất, sống và chết. Bài thơ chạm vào tận miền đáy đau khổ của con người. Mỗi tiếng, mỗi âm run rẩy, như thể đẩy ta ra xa đồng lúc vẫy gọi gần. Gần lại với thân phận con người hơn. “Đi về” là bài thơ lớn, bằng trải nghiệm lớn qua giao cảm lớn. Nó mang ở tự thân tinh thần giải sân hận. Sân hận như là thứ tình chủ đạo gây ra bao thống khổ suốt thế kỉ qua. Bài thơ không ý đồ làm việc đó, nhưng nó mang chứa khả tính đó.
Nó khép lại một thời đại. Vĩnh viễn khép lại.
Sài Gòn, 2-11-2016
https://vandoanviet.blogspot.com/2023/06
Không có nhận xét nào