Frank Fang
Dorothy Li
07/7/2023
Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen (Phải) bắt tay với Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns (Trái) trong sự chứng kiến của quan chức Trung Quốc Dương Anh Minh sau khi bà Yellen đến Phi trường Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh hôm 06/07/2023. (Ảnh: Mark Schiefelbein/POOL/AFP qua Getty Images)
Hôm 06/07, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen đã đến Trung Quốc để bắt đầu chuyến thăm kéo dài bốn ngày của mình. Chuyến đi này làm dấy lên những lo ngại về nỗ lực không ngừng của chính phủ Tổng thống (TT) Biden trong việc nối lại giao tiếp với nhà cầm quyền ở Bắc Kinh.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, bà Yellen đã được các quan chức Trung Quốc dẫn đầu là ông Dương Anh Minh (Yang Yingming), vụ trưởng vụ hợp tác quốc tế thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc, cũng như Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns, tại Phi trường Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh.
Chuyến đi của bà Yellen là một phần trong nỗ lực không ngừng của chính phủ TT Biden nhằm tăng cường liên lạc với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), sau chuyến công du hiếm hoi tới Trung Quốc của Ngoại trưởng Antony Blinken hồi tháng Sáu. Trong chuyến đi đó, ông Blinken đã gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và họ tiến hành một “cuộc thương thuyết thẳng thắn,” mặc dù không có bước đột phá lớn nào đạt được sau cuộc gặp đó.
“Tôi lấy làm vui mừng khi có mặt tại Bắc Kinh để gặp gỡ các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc,” bà Yellen viết trên Twitter ngay sau khi hạ cánh xuống thủ đô của Trung Quốc.
“Chúng tôi đang tìm kiếm một cuộc cạnh tranh kinh tế lành mạnh mang lại lợi ích cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ cũng như để hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu. Chúng tôi sẽ hành động để bảo vệ an ninh quốc gia của chúng tôi khi cần thiết, đồng thời chuyến đi này là một cơ hội để giao tiếp và tránh thông tin sai lệch hoặc hiểu lầm.”
Vẫn còn phải xem liệu bà Yellen có thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào với các quan chức Trung Quốc hay không trong bối cảnh ĐCSTQ tiếp tục thực hiện các hoạt động thương mại không công bằng và các hoạt động gián điệp đối với các công ty và tổ chức của Hoa Kỳ. Bất chấp điều đó, Bộ trưởng Ngân khố đã nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ không tìm cách tách rời Trung Quốc — một chính sách được một số thành viên Đảng Cộng Hòa và các chuyên gia thúc đẩy — nói trong một bài diễn thuyết hồi tháng Tư rằng làm như vậy sẽ là “thảm họa” cho cả hai quốc gia.
Trong cuộc khảo sát hàng năm về môi trường kinh doanh ở Trung Quốc được công bố hồi tháng Ba, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc tuyên bố rằng “việc giải thích quy định không nhất quán, luật pháp và thực thi không rõ ràng” là một trong năm thách thức nghề nghiệp hàng đầu mà các nhân viên của họ phải đối mặt trong năm 2023.
“Gần một phần tư nhân viên báo cáo thách thức quyền sở hữu trí tuệ (IP) hàng đầu của họ là khó khăn trong việc truy tố những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại tòa án hoặc thông qua các biện pháp hành chính,” báo cáo viết.
(Thứ hai từ trái qua) Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen quan sát khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden diễn thuyết tại cuộc họp nội các tại Tòa Bạch Ốc hôm 06/06/2023. (Ảnh: Andrew Caballero-Reynolds/AFP qua Getty Images)
Trước khi bà Yellen đến Trung Quốc, Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee), người hiện đang ngồi trong Ủy ban Tài chính Thượng viện, đã lên Twitter để nói rằng Hoa Kỳ phải đối phó với Trung Quốc từ vị thế sức mạnh của mình.
“Bà Janet Yellen sẽ tới Bắc Kinh vào thứ Năm để gặp gỡ các quan chức cao cấp của Trung Quốc. Bà sẽ thảo luận về cách ‘quản lý mối bang giao của chúng ta một cách có trách nhiệm’,” thành viên Đảng Cộng hòa Tennessee này viết, trích dẫn một tuyên bố từ Bộ Ngân khố. “Để đối đầu với Trung Quốc, chúng ta phải theo đuổi một chính sách hòa bình thông qua sức mạnh, chứ không phải hòa bình thông qua nhân nhượng.”
Ông Anders Corr, giám đốc của công ty tư vấn chính trị Corr Analytics có trụ sở tại New York và là một cộng tác viên của Epoch Times, đã chỉ trích thời điểm bà bộ trưởng thực hiện chuyến đi.
“Bà Yellen tới Trung Quốc trước thực trạng là có trên 70,000 ca tử vong do fentanyl hằng năm ở Hoa Kỳ và việc Bắc Kinh cố tình bất hợp tác về chống ma túy gửi một thông điệp để lộ điểm yếu tới Đảng Cộng sản Trung Quốc,” ông Corr viết trên Twitter hôm 05/06. “Sai lầm nối tiếp sai lầm từ chính phủ TT Biden.”
Những băng đảng Mexico đã và đang mua các tiền chất từ Trung Quốc để sản xuất fentanyl và sau đó vận chuyển thành phẩm đến Hoa Kỳ. Hôm 23/06, Bộ Tư pháp công bố các cáo buộc đối với bốn nhà sản xuất hóa chất Trung Quốc và tám công dân Trung Quốc vì các tội danh bị cáo buộc liên quan đến sản xuất, phân phối, và bán fentanyl.
Những lo ngại
Ông Grant Newsham, một đại tá Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã nghỉ hưu và hiện là một nghiên cứu viên cao cấp tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản, bày tỏ lo ngại về việc chính phủ TT Biden có thể nhượng bộ Trung Quốc cộng sản để tổ chức các cuộc gặp mặt trực tiếp này ở Trung Quốc.
Ông Newsham, cũng là một cộng tác viên của Epoch Times, nói với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times: “Nếu tình hình diễn ra như trong quá khứ, thì người Mỹ sẽ đưa ra một số nhượng bộ để có được nhiều cuộc đàm phán hơn từ phía Trung Quốc như một biểu hiện của thiện chí. Đó là một trong những lo ngại lớn nhất của tôi.”
“Nếu tôi sai về điều này, thì tôi sẽ rất ngạc nhiên đấy. Nhưng đó là những gì tôi nghĩ sẽ xảy ra. Trước đây, chúng ta đã chứng kiến điều này.”
“Đây gần như là một quá trình có thể lặp lại … chúng ta đi và nói rằng chúng ta sẽ cung cấp một thứ gì đó một cách thiện chí. Người Trung Quốc không thực sự thay đổi nhiều.”
ĐCSTQ dường như đã củng cố lập trường trước chuyến đi của bà Yellen. Hôm 03/07, Bộ Thương mại Trung Quốc công bố các hạn chế xuất cảng đối với galium và gecmanium, là những kim loại quan trọng để sản xuất chất bán dẫn.
Theo Liên minh Nguyên liệu Thô Trọng yếu, Trung Quốc sản xuất 80% galium và 60% germanium của thế giới.
Phương tiện truyền thông nhà nước hiếu chiến của Trung Quốc Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), trong một bài báo viết về chuyến đi của bà Yellen đăng hôm 27/06, đã cảnh báo rằng cơ hội để bình thường hóa mối bang giao Mỹ-Trung đang dần khép lại và do đó “Hoa Thịnh Đốn cần có những hành động chân thành hơn là tạo ra những rắc rối mới. ”
Đáp lại các biện pháp kiểm soát xuất cảng mới của chính quyền Trung Quốc, luật sư quốc tế Dan Harris cho biết Bắc Kinh vừa đưa ra một lý do khác để các công ty chuyển năng lực sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Hôm 04/07, ông Harris viết trên Twitter rằng: “Công ty luật của tôi đã chứng kiến sự gia tăng số lượng các công ty đang tìm kiếm sự giúp đỡ của chúng tôi để rời khỏi Trung Quốc, và hành động này chắc chắn sẽ làm tăng thêm tình trạng này.”
Ông Frank Fannon, giám đốc điều hành của Fannon Global Advisors và là một thành viên cao cấp không thường trú tại Hội đồng Đại Tây Dương, chúc bà Yellen “may mắn” ở Trung Quốc, sau những hạn chế xuất cảng đã được Bắc Kinh công bố.
“Thật khó khăn khi ĐCSTQ thu hẹp hoặc từ chối các lĩnh vực ‘có chung lợi ích’ hằng ngày,” ông Fannon viết trên Twitter hôm 05/07. “Hoa Kỳ nên nắm bắt cơ hội để lãnh đạo các quốc gia tự do một cách rõ ràng và kiên quyết. Bắt đầu với các quy tắc mạnh mẽ và không mơ hồ rằng các khoản trợ cấp theo Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) do người đóng thuế tài trợ của Hoa Kỳ sẽ KHÔNG mang lại lợi ích cho các nhà cung cấp khoáng sản hoặc công nghệ của CHND Trung Hoa.”
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) là tên chính thức của chính quyền cộng sản này.
Theo Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) của chính phủ TT Biden, khoảng 370 tỷ USD trợ cấp và đặc quyền thương mại sẽ được cung cấp để khuyến khích sản xuất sạch ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, có những lo ngại rằng các công ty Trung Quốc có thể được hưởng lợi từ tín dụng thuế xe điện được đưa vào IRA.
Luật gián điệp mới sửa đổi
Thêm vào các vấn đề mà những công ty ngoại quốc có thể gặp phải ở Trung Quốc là luật chống gián điệp mới được sửa đổi của Bắc Kinh, có hiệu lực hôm 01/07.
Đạo luật sâu rộng này mở rộng định nghĩa về hoạt động gián điệp đối với “tất cả các tư liệu, dữ liệu, tài liệu hoặc vật phẩm liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia,” theo hãng truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã. Nhưng các nhà phân tích lưu ý rằng luật này không nêu rõ những gì thuộc về an ninh quốc gia, cho thấy điều đó có thể mang đến nhiều rủi ro hơn cho các công ty và kiều dân ở Trung Quốc.
Kể từ tháng Ba, chính quyền Trung Quốc đã đột kích vào các văn phòng của công ty tư vấn Capvision, thẩm vấn nhân viên tại Bain, và bắt giữ nhân viên của công ty tình báo doanh nghiệp Mintz có trụ sở tại New York và nhà sản xuất dược phẩm Nhật Bản Astellas.
Nhà sản xuất vi mạch Micron Technology của Hoa Kỳ gần đây cảnh báo về “tỷ lệ phần trăm thấp ở mức hai con số” trong doanh thu toàn cầu của họ sau khi bị Trung Quốc trừng phạt. Hồi tháng Năm, cơ quan quản lý an ninh mạng của Trung Quốc cho biết Micron đã thất bại trong quá trình đánh giá bảo mật, mà không nói thêm chi tiết họ đã tìm thấy những rủi ro nào. Hành động đó có nghĩa là các sản phẩm của Micron sẽ bị cấm cung cấp cho các công ty Trung Quốc đang vận hành các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.
Văn phòng bị đóng cửa của Tập đoàn Mintz được nhìn thấy trong một tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh hôm 24 /03/2023. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)
Trong một bài đăng trên blog, ông Craig Allen, chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Trung Quốc (USCBC), đã cảnh báo về rủi ro mà luật chống gián điệp mới có thể gây ra cho các thành viên của hội đồng này.
Ông Allen viết, “Những thay đổi về luật đang có ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý kinh doanh, và niềm tin vào thị trường Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nhiều hơn nếu luật này được áp dụng thường xuyên trong khi không có mối liên hệ trực tiếp, rõ ràng, và cụ thể với các hoạt động được mọi người công nhận là gián điệp.”
“Luật sửa đổi và các trường hợp gần đây cho thấy Trung Quốc ngày càng lo ngại về việc các công ty đa quốc gia tiếp cận cũng như sử dụng dữ liệu và thông tin. Như đã viết, luật có thể được giải thích và thực thi với một quan điểm mở rộng liên quan đến các loại hoạt động thẩm định và kinh doanh thông thường tương tự được xem là bất hợp pháp ở Trung Quốc.”
Cẩm An biên dịch
https://www.epochtimesviet.com
Không có nhận xét nào