Header Ads

  • Breaking News

    Gs. Nguyễn Văn Huy - Ứng xử với người bản địa : Hãy xem Việt Nam như một dự án chung

    Phần 4

    Gồm 5 phần

    Nguyễn Văn Huy, Tiến sĩ dân tộc học, nguyên Giảng viên Phụ trách bộ môn Dân tộc học khu vực Đông Nam Á, Phân khoa Nhân chủng, Dân tộc và Khoa học Tín ngưỡng, Đại học Denis Diderot, Paris 7 (1995-1999)

    RFA


    06/7/2023

    Ứng xử với người bản địa : Hãy xem Việt Nam như một dự án chung


    Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (ảnh minh họa) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngỦy ban Dân tộc 


    Tiếp theo phần 3, GS. Nguyễn Văn Huy chia sẻ với độc giả RFA về con đường hiện đại hóa cộng đồng bản địa Tây Nguyên dựa trên tri thức của chính người bản địa để đi đến những mục tiêu hiện đại. 

    Dựa trên tri thức bản địa để hiện đại hóa người bản địa Tây Nguyên 

    RFA : Theo nhiều nghiên cứu và ghi chép dân tộc học, như cuốn "Rừng người Thượng" của Henri Maitre xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp năm 1912, dịch giả Lưu Đình Tuân dịch sang tiếng Việt năm 2008 (NXB Tri thức), "Rừng, đàn bà, điên loạn" của Jacques Dournes (xuất bản lần đầu năm 1952 và được Nhà văn Nguyên Ngọc dịch sang tiếng Việt năm 2001, xuất bản bởi NXB Tri thức) thì đời sống xã hội, kinh tế và tâm linh của người Thượng Tây Nguyên gắn bó mật thiết với rừng. Nhưng sau 1975 đến nay, rừng Tây Nguyễn đã bị khai thác gần như không còn. Có một số chuyên gia dân tộc học ở Việt Nam cho rằng vì rừng không còn nữa nên không thể khôi phục lại bản sắc người Thượng như trước mà phải làm cho người Thượng cùng phát triển với cộng đồng cả nước nói chung. Giáo sư có quan điểm gì về vấn đề này ? 

    Nguyễn Văn Huy : Tôi nghĩ những chuyên gia dân tộc học như vậy không thể đi xa được. Mỗi một cộng đồng có một lối sống phù hợp với văn hóa, thổ nhưỡng của họ. Bản sắc là cái không thể xóa đi dễ dàng được. 

    Cũng như ngày nay, cộng đồng người Việt ở Mỹ, ở Pháp dù có lối sống nhìn bề ngoài rất hòa nhập với xã hội Mỹ, Pháp nhưng thực ra bản sắc bên trong của họ vẫn rất khác, và họ vẫn được tôn trọng bản sắc này. 

    Hiện đại hóa người Thượng không có nghĩa là bắt họ cứ phải làm như người Kinh, sống theo lối sống người Kinh. Làm như vậy có khác nào người Pháp, người Mỹ nói người Việt hiện đại hóa bằng cách ăn hamburger, uống rượu vang mỗi ngày.  

    Thời thực dân Pháp mới đến, họ đã "khai hóa" xã hội người Việt bằng các phương tiện kĩ thuật, công nghệ tối tân, xây dựng những thành phố mới, xây dựng đường sắt, hệ thống giáo dục mới. Nhưng thực sự đó là một cuộc hiện đại hóa mang tính đảo lộn và có tính chất cưỡng bách. Nó tạo ra những khủng hoảng xã hội sâu sắc ở Việt Nam thời đó. 

    Người Kinh chúng ta cuối thế kỉ 20 đầu thế kỉ 21 cũng đã tạo ra những cuộc đảo lộn tương tự với người bản địa Tây Nguyên. Chúng ta hành xử theo kiểu ỷ mình lớn hơn, mạnh hơn, mình dùng sức mạnh nhà nước để ép họ phải theo đời sống kinh tế, xã hội và tâm linh của mình. 

    Những người bản địa ở Việt Nam dù là người Thượng ở Tây Nguyên hay người miền núi phía Bắc, họ không đòi hỏi những gì mà người Kinh chúng ta có. Họ chỉ muốn được sống cuộc sống phù hợp với họ. 

    Những chuyên gia dân tộc học đã đạt đến trình độ cao như vậy thì không nên nói những điều cho thấy mình lùn đi, không tôn trọng nhân phẩm của người bản địa. Dù nhiều người bản địa không có trình độ giáo dục theo khoa học mới như những người được đào tạo ở miền xuôi, họ vẫn có nhân phẩm và tri thức bản địa của họ, phù hợp với cuộc sống của họ, trong thiên nhiên giữa rừng núi. 

    Nhìn người bản địa bằng con mắt hiện đại hóa theo kiểu tư duy đô thị hiện đại thì cũng không khác gì các vương triều phong kiến ngày xưa coi những cộng đồng không theo Khổng giáo như là "man di", những người Hán đã từng miệt thị người Việt vào thiên niên kỷ thứ nhất. 

    Cách nhìn đó cũng không khác thời thực dân Pháp, khi có nhiều người thực dân cho rằng họ có sứ mệnh "khai hóa văn minh" cho các dân tộc bị trị. Và "khai hóa văn minh" đối với họ là biết sử dụng những phương tiện kỹ thuật, công nghệ mới. Nhưng cuộc sống truyền thống của những dân tộc thuộc địa không cần đến những thứ đó. 

    Ngày nay có những quốc gia cựu thực dân đã có can đảm và sự sáng suốt để lên tiếng xin lỗi các cộng đồng dân tộc ff bị thực dân hóa, và những cộng đồng bản địa bị những người thực dân mới đến thống trị. Họ cũng có những chính sách để chuộc lỗi. 

    Tôi nghĩ Việt Nam cũng nên làm điều đó. Nhưng để làm điều đó thì cần có những lãnh đạo chính trị có đủ tầm và sự hiểu biết. Nếu chưa có lãnh đạo hiểu biết thì chúng ta có nói bao nhiêu đi nữa cũng không ăn thua gì hết. 

    RFA : Vậy liệu chúng ta có thể hiện đại hóa cuộc sống của người bản địa Tây Nguyên mà không áp đặt tư duy của người Kinh ? 

    Nguyễn Văn Huy : Trước khi vào vấn đề này, tôi xin trình bày về tên gọi. Tên gọi tạo ra nhiều ngộ nhận. Ngộ nhận tạo ra chính sách sai. Khi người Pháp đến khám phá Tây Nguyên, họ lần đầu tiếp xúc với cộng đồng đó, họ đặt rất nhiều tên gọi cho những nhóm người họ tiếp xúc : Mnong, J’rai, Ede, S’tieng, Ktu… Điều đó tạo ra ấn tượng là có quá nhiều sắc tộc bản địa khác nhau ở Tây Nguyên. Cũng giống như khi các giáo sĩ phương Tây lần đầu tiếp xúc với người Kinh ở miền Trung, Nam, Bắc, họ thấy giọng nói khác nhau thì tưởng là các cộng đồng sự thật khác nhau. 

    Theo tôi, thực sự cộng đồng người bản địa Tây Nguyên chỉ có 2 nhóm nhân chủng lớn : một nhóm là Mon Khmer, gốc từ Khmer và Môn, và nhóm thứ hai Malayo Polynésien, gốc hải đảo từ vùng biển phía nam đi lên chuju ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ. Người J’rai và Rhadé trước kia là những thần dân của các vương triều Champa, sau những tranh chấp và chiến tranh họ đã chạy lên vùng cao nguyên dãy Trường Sơn lánh nạn và ở luôn trên đó thành những nhóm ngữ hệ J'rai và Rhadé (Ê đê), hai nhóm này có truyền thống định cư nhưng làm rẫy. 

    Nói họ là dân du canh du cư giống như người Mông Cổ lang thang trên thảo nguyên là sai. Cộng đồng bản địa Tây Nguyên trước đây vốn không phải là du canh du cư. Họ tổ chức thành từng buôn làng, chỉ khoảng ba bốn chục đến khoảng một trăm hộ gia đình. Không ai xâm chiếm của họ. Mỗi gia đình thường sở hữu nhiều khoảnh đất, họ chỉ trồng trọt một hai khoảnh đất cho mỗi vụ mùa. Đến mùa mới, họ đốt nương ở khoảnh đất cũ, để cổ và cây tạo thành than làm phân bón, họ để cho khoảnh đất cũ nghỉ ngơi, chờ mưa xuống cho thấm đất để phục hồi dinh dưỡng đất. Trong thời gian đó, họ chuyển đến khoảnh đất mới. Bằng cách đó, họ duy trì luật phục hồi của tạo hóa cho đất một cách tự nhiên.   

    Khi người Kinh chúng ta cho rằng hiện đại hóa nền nông nghiệp của họ là phải tăng năng suất bằng cách dùng nhiều như phân bón hóa học, chất trừ sâu, thực ra chúng ta đang áp đặt một cách cưỡng ép cách tư duy của chúng ta lên họ. Chúng ta nghĩ chúng ta dùng hóa chất để tăng năng suất là đang áp dụng "khoa học", thực ra thì cách canh tác nông nghiệp truyền thống của họ cũng dựa trên khoa học. Chỉ có điều, đó là một khoa học khác với khoa học của chúng ta, tôn trọng luật của tạo hóa hon là hóa học. 

    Nền nông nghiệp dùng hóa chất của chúng ta có thể giúp tăng năng suất trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, nó hủy hoại khả năng tự phục hồi của đất, và làm giảm năng suất nếu xét về tổng thể. Khi đất đã bạc màu, bị hủy hoại bởi hóa chất, các loại sâu phá hoại mùa màng cũng tiến hóa khác với trước, cây rừng bị đốn sách thì vùng đất đó chỉ là những vùng ô trọc. Để tiếp tục canh tác người ta sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu nhiều hơn mà năm sau nhiều hơn năm trước. Kết cục là rơi vào một cái vòng luẩn quẩn phá hoại môi trường trong dài hạn. 

    Cách canh tác truyền thống của người bản địa Tây Nguyên, nếu được hiện đại hóa theo cách giữ được nguyên lý nông nghiệp tự nhiên, sẽ giúp giữ được năng suất ổn định trong khi không phá hoại môi trường. Phải ngjix đến tiềm năng du lịch môi sinh một của quốc gia phát triển phương Tây đang cố gắng phục hồi. Tây Nguyên có thể sẽ là những vùng du lịch sinh thái tiềm năng của Việt Nam nếu biết giữ gìn và khai thác, đương 

    Trở lại với cách dinh dưỡng đất của người bàn địa, ở các nền nông nghiệp hiện đại, sau nhiều thế hệ "công nghiệp hóa" đất đai bằng cơ khí và hóa chất, họ đang tìm cách quay trở lại với nông nghiệp tự nhiên nhưng với tư duy hiện đại hơn. 

    Ví dụ ở Pháp người ta cũng đã áp dụng cách làm nông nghiệp giống như cách làm truyền thống của người bản địa Tây Nguyên. Ví dụ năm trước đã canh tác thì năm nay họ cho đất nghỉ ngơi (gọi là jachère), họ chỉ trồng hoa cho đẹp rồi khi hết mùa hoa thì cày lên để cây hoa thành phân bón tự nhiên. Đây là cách làm tuân theo luật luân hồi của đất. Xét về tổng thể thì cách làm này đem lại lợi ích lớn hơn là dùng hóa chất để khai thác đất đến cùng kiệt. 

    RFA xin cảm ơn GS. Nguyễn Văn Huy đã dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này. 

    https://www.rfa.org/vietnamese


    Không có nhận xét nào