Header Ads

  • Breaking News

    Gs. Nguyễn Văn Huy -Quyền của người bản địa : Nguy cơ cát cứ của vùng tự trị và cách giải quyết

    Phần 3

    Gồm 5 phần

    RFA


    06/7/2023


    Gs. Nguyễn Văn Huy, Tiến sĩ dân tộc học, nguyên Giảng viên Phụ trách bộ môn Dân tộc học khu vực Đông Nam Á, Phân khoa Nhân chủng, Dân tộc và Khoa học Tín ngưỡng, Đại học Denis Diderot, Paris 7 (1995-1999)


    Quyền của người bản địa : Nguy cơ cát cứ của vùng tự trị và cách giải quyết


    Nhà rông làng Kon K'lor tỉnh Kon Tum (ảnh minh họa) 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngTỉnh Kon Tum 


    Bàn về vấn đề dân tộc bản địa ở Việt Nam, tiếp theo phần 2, Giáo sư Nguyễn Văn Huy bàn về hai trạng thái cực đoan, hoặc là đòi hỏi quyền của người bản địa ở mức độ có thể dẫn đến chia cắt quốc gia, hoặc theo hướng ngược lại là phủ nhận quyền của người bản địa. Đồng thời, Giáo sư Huy cũng chỉ ra con đường để Việt Nam dung hòa giữa hai yêu cầu là bảo vệ an ninh quốc gia và tôn trọng quyền của người bản địa. 

    RFA : Ở phần trước, Giáo sư đã nói một chút về nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia nếu người bản địa có quyền chính trị liên quan đến đối ngoại. Xin giáo sư giải thích thêm. 

    Nguyễn Văn Huy : Trước hết, chúng ta hãy khảo sát một trường hợp đã từng xảy ra ở Bắc Việt sau năm 1954. Sau năm 1955, 1956, sau khi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát được phần bắc vĩ tuyến 17, và cho thành lập Khu Tự trị Việt Bắc, một số lãnh tụ lãnh tụ người Mèo (người H'Mông) và người Nùng cho rằng nếu đã cho họ tự trị thì họ được tự quyết định về chính trị. Khi lực lượng Việt Minh lập căn cứ trên vùng Việt Bắc, lãnh tụ những sắc tộc thiểu số đã chứng kiến cảnh cố vấn quân sự và binh lính Trung Quốc sang giúp đỡ Hồ Chí Minh và Ban lãnh đạo Việt Minh  Khi được Hồ Chí Minh cho thành lập các vùng tự trị, một số lãnh tụ của những sắc tộc này đã mời người Trung Quốc sang cố vấn và Trung Quốc đã gửi người tới giúp đỡ họ. Một số lãnh tụ người bản địa còn đi xa hơn, bày tỏ ý tưởng muốn sáp nhập vùng đất của họ vào lãnh thổ Trung Quốc. Thực sự là điều đó đã xảy ra. 

    Chính vì vậy, ông Hồ Chí Minh đã chấm dứt cơ cấu tự trị của các Khu tự trị Việt Bắc năm 1956 và yêu cầu cố vấn Trung Quốc rút về nước và không can thiệp vào nội bộ Việt Nam. Từ đó, Chính phủ Hồ Chí Minh đưa cán bộ người Kinh vào các cơ quan hành chính trên khắp các vùng Việt Bắc, áp dụng các biện pháp giáo dục của Trung ương như dạy chữ quốc ngữ và tổ chức quản lý xã hội như kiểu người Kinh, nhất là đào tạo cấp tốc một giai cấp lãnh đạo người thiểu số ủng hộ Đảng cộng sản Việt Nam. 

    Các biện pháp này đã giúp cộng đồng người thiểu số trên miền hượng du Bắc Việt "hội nhập" vào nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thay vì Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Điều này cũng không cản trở một số cộng đồng người  bản địa lùi xa và lùi sâu hơn lên các vùng núi cao, xa các vùng trung tâm ở đồng bằng sông Hồng. 

    RFA : Ở đây dường như chúng ta thấy hai cực : một cực bên này là cho phép cộng đồng bản địa có thể có quyền chính trị ở cái mức họ quyết định các chính sách liên quan đến nước ngoài, và do đó ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, và một cực khác, ở phía ngược lại, là để ngăn ngừa điều đó thì người ta phủ nhận sạch trơn quyền của người bản địa. Liệu có cách nào dung hòa được cả hai cực đó hay không ? 

    Nguyễn Văn Huy: Bài viết "Bối cảnh lịch sử 'Quyền của người bản địa' không tồn tại ở Việt Nam", ngày 28-10-2008 trên Tạp chí Cộng sản có thể hiện nỗi lo ngại của Nhà nước Việt Nam nếu thừa nhận khái niệm "người bản địa" ở nước mình : 

    "Cũng theo lập luận của các phần tử dân tộc cực đoan, thì tất cả 54 dân tộc đều có "quyền tự trị" - có lãnh địa, thiết chế chính trị và có văn hóa, tổ chức tôn giáo riêng… Thử hỏi, nếu những đòi hỏi này được đáp ứng thì liệu dân tộc Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam có còn nữa hay không ?"

    Theo tôi, nói như vậy là hơi khiên cưỡng. Thứ nhất, ở Việt Nam, có những dân tộc bây giờ chỉ còn một hai trăm người. Họ không thể hình thành những thiết chế chính trị cho riêng một mình họ được. Ngoại trừ một số sắc tộc ở Việt Nam có dân số đông đảo như người Thái, người Tày, người Nùng hay người H'mong (Mèo) ở miền Bắc, hay người Chăm, người Thượng, người Khmer ở miền Trung và miền Nam, công chung lại khoảng 15% dân số Việt Nam nhưng lại ở rải rác khắp nới, nhiều sắc tộc còn lại có dân số ít hơn. Cho nên trường hợp cả 54 sắc tộc ở Việt Nam đều có lãnh địa riêng, có thiết chế chính trị riêng mà bài viết này đặt ra là khiêng cưỡng, cả vú lấp miệng em, một trường hợp không thể xảy ra trên thực tế. 

    Thứ hai, nhiều quốc gia tiên tiến ngày nay vẫn duy trì các khu tự trị cho người bản địa và điều đó không ảnh hưởng gì đến an ninh quốc gia, thậm chí ngược lại, giúp bình ổn được an ninh. Thực tế trên thế giới cho thấy, tại một số quốc gia phát triển phương Tây, chính quyền đã có những chính sách ứng xử văn minh với người bản địa vừa để duy trì sự hài hòa dân tộc và bảo đảm an ninh quốc gia, vừa để tôn trọng bản sắc riêng về văn hóa, xã hội, kinh tế, đất đai của người bản địa, và nhờ vậy mà các cộng đồng sắc tộc tiểu tố đã tự nguyện hội nhập và làm phát triển cộng đồng của mình, không tạo ra những bất ổn an ninh cho thế hệ sau. 

    RFA: Theo Giáo sư, làm cách nào để giữ được sự quân bình đó?

    Nguyễn Văn Huy: Để giữ được sự quân bình giữa lợi ích quốc gia và quyền của người bản địa, việc đầu tiên cần phải làm là có một bản Hiến pháp bảo đảm chỗ đứng ngang nhau cho các cộng đồng dân tộc, không chỉ cho người sắc tộc mà cho của các cộng đồng văn hóa và xã hội khác như người gốc Hoa, người Công giáo, người già và người trẻ, người đồng bằng và người miền núi, v.v. Ở đây, nước Việt Nam dân chủ tương lai phải tôn vinh và tôn trọng những cộng đồng bản địa đã có mặt từ lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam, trước khi người Kinh tới lập nghiệp. Nói chung mọi người và mỗi người đều có tiếng ngang nhau trong bản Hiến pháp tương lai của quốc gia Việt Nam. 

    Nhờ bản Hiến pháp đó, những cộng đồng người bản địa có một chỗ đứng quang vinh trong quốc gia Việt Nam, họ là những công dân Việt Nam trọn vẹn, có những quyền có thể được ưu tiên hơn để bắt kịp đà tiến hóa chung trong văn hóa, giáo dục và an sinh xã hội. Nhưng quốc gia Việt Nam không chấp nhận bắt cứ âm mưu ly khai, chia cắt lãnh thổ, đòi quyền có quân đội, ngoại giao và đồng tiền riêng… Điều này không có nghĩa là quốc gia Việt Nam tương lai bác bỏ những quyền sinh hoạt cá biệt về văn hóa, tín ngưỡng, mà đặc biệt phải giao lại những cơ sở h và tôn giáo của người bản địa đã bị chính quyền quản lý. Khi đã thống nhất được với nhau rõ ràng như vậy thì những yêu cầu đòi tự trị, tự quyết sẽ có cơ sở để tồn tại.

    Đó cũng là thiếu sót của Bản Tuyên ngôn Liên Hiệp quốc về Quyền của Người bản địa. Bản Tuyên ngôn này nên tuyên bố rõ ràng về việc các bên, trong đó có người bản địa, phải cùng tôn trọng hiến pháp của quốc gia. 

    Thứ hai, xác lập mối quan hệ hài hòa giữa ngôn ngữ quốc gia và ngôn ngữ của người bản địa. Mỗi quốc gia chỉ có một ngôn ngữ làm công cụ giao tiếp và giáo dục chung cho cả quốc gia. Ngôn ngữ này có thể được chính thức công nhận là ngôn ngữ quốc gia (như tiếng Việt ở Việt Nam, tiếng Pháp ở Pháp, tiếng Nga ở Nga…) hoặc không cần được tuyên bố chính thức nhưng được mọi người sử dụng như là ngôn ngữ chung (như tiếng Anh ở Hoa Kỳ hay Anh quốc.) Nhưng bên cạnh ngôn ngữ quốc gia, chúng ta cần có chính sách duy trì ngôn ngữ của người bản địa ở bậc tiểu học để trẻ em bản địa không quên tiếng mẹ đẻ và văn hóa cổ truyền của mình. 

    Thời Việt Nam Cộng Hòa, trong nền Đệ nhị Cộng hòa, có chính sách dạy ngôn ngữ bản địa cho cộng đồng bản địa (Khmer, Chăm, Mnong, J’rai…) ở cấp tiểu học và một phần đến trung học. Mục đích là để giúp cộng đồng bản địa duy trì ngôn ngữ của mình như một văn hóa riêng, đồng thời học sinh và sinh viên người bản địa vẫn học tập ngôn ngữ quốc gia (tiếng Việt). Nhưng khi lên đến bậc đại học thì chỉ còn dạy bằng ngôn ngữ quốc gia (tiếng Việt). Ngôn ngữ cần được phát triển ở cấp độ cao hơn thì mới có thể sử dụng cho các mục đích nghiên cứu khoa học và giáo dục bậc cao. 

    Mỗi một quốc gia chỉ cần một ngôn ngữ cho giáo dục bậc cao như vậy. Việc phát triển tất cả các ngôn ngữ lên mức độ có thể dùng trong khoa học và giáo dục đại học, sau đại học là việc bất khả thi về mặt nguồn lực. Nhưng ngược lại, các ngôn ngữ bản địa là những di sản văn hóa quý báu và to lớn của Việt Nam, có thể đem lại những lợi ích về lâu về dài cho quốc gia nếu những người lãnh đạo quốc gia Việt Nam tương lai có hiểu biết và biết cách duy trì, khai thác đúng đắn. Nếu để nền văn hóa bản địa này mất đi thì đó là chúng ta đã đánh mất một di sản văn hóa lớn của quốc gia và của dân tộc. 

    Tôi cũng thấy lấn cấn với Điều 14 của "Bản Tuyên ngôn Liên Hiệp quốc về Quyền của Người bản địa" quy định về vấn đề giáo dục vì cách diễn đạt của nó khá là mơ hồ : "Các dân tộc bản địa có quyền thiết lập và kiểm soát hệ thống giáo dục của họ và các cơ sở cung cấp giáo dục bằng ngôn ngữ của họ, theo cách phù hợp với phương pháp dạy và học văn hóa của họ". Tôi thấy điều này rất dễ dẫn đến hiểu lầm và trái với hiến pháp. Nếu những khu vực sinh sống của người bản địa tự xây dựng cho mình một nền giáo dục tách rời hoàn toàn khỏi hệ thống giáo dục quốc dân thì chẳng bao lâu nền tảng giáo dục của quốc gia đó sẽ bị phá vỡ. Tôi cổ võ sự hài hòa giữa quyền của người bản địa và sự thống nhất của quốc gia.

    Tôi nghĩ trong tương lai, một Hiến pháp đúng đắn có thể làm cho người người Việt ngày hôm nay chấp nhận được và những thế hệ mai sau hài lòng là quốc gia Việt Nam phải được định nghĩa như một dự án tương lai chung, trong đó mỗi và mọi người đều có tiếng nói và chỗ đứng ngang nhau để cùng bắt tay nhau dẫn đưa đất nước Việt Nam đi lên, bắt kịp đà tiến bộ chung của các quốc gia dân chủ phương Tây và Đông Á.

    Riêng với lãnh tụ các cộng đồng sắc tộc và người bản địa, hãy cùng những người dân chủ Việt Nam suy tìm một dự án xây dựng đất nước Việt Nam chung, trong đó các bạn và tất cả chúng ta có thể chấp nhận được, nghĩa là nội dung một bản Hiến pháp mới dựa trên một dự án chính trị và dân chủ vừa đa nguyên. 

    RFA xin cảm ơn Gs. Nguyễn Văn Huy đã dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này. 

    https://www.rfa.org/vietnamese


    Không có nhận xét nào