Header Ads

  • Breaking News

    Gs. Nguyễn Mạnh Hùng : Phỏng vấn Như Phong Lê Văn Tiến

    10/7/2023

    Phần tóm lược.

    Toàn bài sẽ được phổ biến tiếp theo

    https://usvietnam.uoregon.edu/wp-content/uploads/2023/07/Screenshot-163.png


     “Chúng tôi không có tham vọng viết lịch sử các đảng phái Quốc Gia trong những ngày tháng 8/1945, mà chỉ cung cấp những tài liệu thô (raw material), qua lời nói của các nhân vật liên hệ, để các nhà nghiên cứu tự mình đánh giá, bổ túc, và đào sâu thêm hầu trả lời mấy câu hỏi lớn liên quan đến cuộc cách mạng tháng 8/1945. 

    Trong tập tài liệu này, chúng tôi chỉ làm công việc ghi lại nguyên văn và tóm tắt những lời của chứng nhân. Chúng tôi tôn trọng người được phỏng vấn và không làm việc phối kiểm tính xác thực (fact check) của những tuyên bố của họ.”

    (Trích Lời Nói Đầu, Nguyễn Mạnh Hùng)

    PHỎNG VẤN NHƯ PHONG LÊ VĂN TIẾN

    Như Phong Lê Văn Tiến là một nhà báo kỳ cựu ở Việt Nam, mới ra khỏi nước sau 14 năm sống trong ngục tù của Cộng Sản.  Ông Tiến là em kết nghĩa và liên lạc viên của Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, một lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

    Cuộc phỏng vấn được thực hiện tại Fairfax, Virginia, ngày 04/05/1995.

    Người phỏng vấn: Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư Chính trị học, Trường Đại Học George Mason.

    Tóm lược:

    Như Phong là bút danh của Lê Văn Tiến, em kết nghĩa, liên lạc viên, và thư ký của Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, môt lãnh tụ Đại Việt Dân Chính, và cây bút chủ lực của Tự Lực Văn Đoàn.  Ông Long trở thành môt lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng từ năm 1942 khi Đại Việt Dân Chính giải thể và sáp nhập vào Đảng này.

    Như Phong là môt nhà báo nổi danh của miền Nam sau cuộc di cư năm 1954, được đồng nghiệp tăng danh hiệu “nhà báo của các nhà báo”, và được bạn bè gọi là “ông Gió”.  Dưới bút danh Lý Thắng, truyện dài dã sử của ông về thời đảng tranh năm 1945–1946, đăng từng kỳ trên báo Tự Do, đã làm say mê cả một thế hệ thanh niên chúng tôi thời ấy.

    Vì quen biết và được sự tín cậy của rất nhiều các nhân vật chính trị và khả năng cá nhân của mình, bóng dáng Như Phong luôn ẩn hiện sau các chính biến ở miền Nam sau cuộc đảo chánh lật đổ Chính quyền Ngô Đình Diệm.  Ông đươc người ta gán cho cái danh “phù thủy chính trị”.

    Tôi phỏng vấn Như Phong hai lần, đều ở nhà tôi.  Lần thứ nhất, ngày 04/05/1995, khi ông mới sang Mỹ sau nhiều năm bị Cộng Sản giam giữ, về cá nhân ông và những điều ông biết trong giai đoạn trước và sau cuộc “Cách Mạng tháng Tám”.  Lần thứ hai, ngày 08/05/1998, trước khi ông đi Aix-en-Province để tìm tài liệu chứng minh cho những lời ông nói, và xoáy quanh tài liệu “Ký Trình”,  do thủ bút của Nguyễn Tường Tam và có chữ ký của lãnh đạo các đảng phái Quốc Gia thỏa thuận liên kết với nhau ở bên Trung Quốc.

    Tôi quen biết và hoạt động trong lãnh vực chuyên môn của tôi với Như Phong từ năm 1965, sau khi tôi du học ở Mỹ về.  Chúng tôi tin nhau cho nên Như Phong nói thẳng và nói rõ.  Nhưng đây là lần đầu tiên Như Phong tiết lộ cho tôi những điều mà ông giữ kín trong hơn 50 năm quen biết.

    Những điều ông nói là những tin tức rất lạ và đặc biệt đối với tôi và có lẽ đối với rất nhiều người khác, kể cả nhưng người trong họ hàng và các đồng chí của ông.  Nhận định của Như Phong sẽ đánh thức sự tò mò của nhiều người tưởng mình đã biết rõ về các đảng phái Quốc Gia thời đảng tranh.  Nhưng chắc chắn nó sẽ gây ra những tranh luận và phản bác dữ dội của những người khác.

    Đây là tóm tắt nguyên văn môt số nhận định của Như Phong:

    1- Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long chỉ thích làm báo và làm văn hóa.  Ông dính líu đến hoạt động chính trị và cách mạng chỉ vì phải giúp anh ông, Nguyễn Tương Tam, sáng lập viên và lãnh tụ của đảng Đại Việt Dân Chính.

    2- Hoàng Đạo dạy Như Phong làm báo và cấm Như Phong làm chính trị, nhưng vì tình thân và gần gũi nên đã dùng Như Phong làm một liên lạc viên đi lại với các đồng chí của ông và cất giữ tài liệu cho ông.

    3- Vi thế và vì phải lo trà nước và chạy vặt cho người lớn nên Như Phong có dịp luẩn quẩn quanh những buổi họp bạn tại nhà thân phụ ông và nhà của Nguyễn Tường Long, để nghe lóm, gặp, và biết rất nhiều các nhân vật chính trị Việt Nam thời ấy.

    4- Bộ phận nòng cốt của Đại Việt Dân Chính phần lớn là những người đã học xong bậc cao đẳng và đại học. Họ có khuynh hướng dân chủ xã hội.

    5- Năm 1939 khi tình hình thé giới trở nên căng thẳng, nguy cơ Thế Chiến sắp xảy ra, các nhà lãnh đạo Đại Việt Dân Chính thấy nhu cầu phải phân hóa thành nhiều đảng khác nhau với những khuynh hương khác nhau, từ cực tả sang cực hữu, để “đối phó với tình hình và các thế lực chi phối tình hình Đông Dương”.


    Ở chính giữa là Đại Việt Duy Dân với chủ thuyết Dân Tộc theo đường lối Duy Dân cải tiến của Phan Bội Châu.  Nguyễn Hữu Thanh sau này trở thành Lý Đông A làm việc với Nguyễn Tường Tam để lập ra đảng ấy.  Cực hữu là Đại Việt Quốc Xã do Nguyễn Cao Minh tổ chức, Nguyễn Xuân Tiếu làm Đảng trưởng.  Một bộ phận cực hữu khác từ Dân Chính, trong đó có Nguyễn Mạnh Côn, được biệt phái ra để giúp Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội của cụ Nguyễn Hải Thần.  Cực tả thì có Đảng Xã Hội, do Nguyễn Cao Luyện của Dân Chính phụ trách cùng với Hoàng Minh Giám, Hoàng Như Tiến, và Nguyễn Trọng Trạc.  Trung hữu thì có Đại Việt Quốc Dân Đảng, Trương Tử Anh được Nguyễn Văn Viển của Đại Việt Dân Chính trao cho trách nhiệm tổ chức một đảng cán bộ để “phát triển thành những nhà lãnh đạo sau này”.  Trung tả thì có đảng Dân Chủ do Nguyễn Gia Trí phụ trách, Trí đề cử Dương Đức Hiền.  Để đi với Nhật thì một nhóm của Đại Việt Dân Chính hợp tác với Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Thế Nghiệp để lập ra Đại Việt Quốc Gia Liên Minh.  Để đi với Trung Hoa thì Đại Việt Quốc Dân Đảng hợp nhất với Việt Nam Quốc Dân Đảng của Vũ Hồng Khanh thành Quốc Dân Đảng Việt Nam và do Nguyễn Tiến Hỷ làm đại diện.


    1- Vì thái độ ôn hòa, vô tư, và được cảm tình của lãnh đạo các phong trào khác ở trong nước, Nguyễn Tường Long đóng vai trò hòa giải và điều hợp với các đảng phái khác.  Ông có quan hệ tốt ngay cả với những phần tử cực tả như Võ Nguyên Giáp, Dương Đức Hiền, và Đặng Thái Mai.  Chính Võ Nguyên Giáp nhờ ông Long cấm đầu một phái đoàn hòa giải lên miền Bắc để yêu cầu phe Vũ Hồng Khanh đừng phá đê và ngưng bắn.  Lên đến nơi, ông bị các ông kia giữ lại và đem luôn sang Tàu.

    2- Cuối tháng 7/1945 trong khi Nguyễn Tường Long bị ốm nặng, chính Như Phong bóc điện văn của Trần Trọng Kim cử Nguyễn Tường Long làm Khâm sai Bắc Kỳ thay thế Phan Kế Toại.  Một buổi họp 2 ngày liền quanh giường bệnh của Nguyễn Tường Long để quyết định nên hay không nên thay mặt Long nhận chức để hành động, nhưng buổi họp “không ngã ngũ”, và chỉ có quyết định trả lời cho Huế là Hoàng Đạo bị bệnh nên không nhận chức được.  Ngày 21/8 khi Hoàng Đạo rút sốt và bắt đầu hồi tỉnh thì Việt Minh đã cướp chính quyền.

    3- Buổi họp ấy gồm khoảng 20 người đại diện nhiều đảng phái không Cộng Sản trong đó có Nguyễn Xuân Chữ, Nguyễn Văn Viển, Paul Tám, Chu Bá Phượng, Xuân Tùng, Nguyễn Văn Chấn (tức Chấn Đen), Nguyễn Cao Minh, Nguyễn Bỉnh Tuyên, Nguyễn Cao Luyện, Khái Hưng, và “hình như” có Nguyễn Tường Bách, Phan Huy Đán, Nguyễn Ngọc Sơn, và Nguyễn Thế Nghiệp.

    4- Trong buổi họp ấy, Nguyễn Văn Viển và Paul Tám chủ trương thay mặt Nguyễn Tường Long nhận chức Khâm sai, lấy chính quyền, bắt Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt.  Nhưng Xuân Tùng và Nguyễn Văn Chấn phản đối, muốn chờ anh Cả Vũ Hồng Khanh về để anh ấy quyết định.

    5- Như Phong được Hoàng Đạo nhờ cất giữ “Ký Trình” về việc liên kết các đảng phái Quốc Gia ở hải ngoại do Nguyễn Tường Tam viết tay, với chữ ký của Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kê Tổ, và Lý Đông A, do Lý Đông A mang về để Nguyễn Văn Viển ký thay cho Trương Tử Anh, rồi trao cho Hoàng Đạo.  Cuối tháng 4/1975, Như Phong trao ký trình này cho Nguyễn Tường Thiết, con trai của Nguyên Tường Tam trước khi ông này di tản sang Hoa Kỳ.

    6- Ký trình gồm hai phần chính: Cống hiến và Yêu cầu.  Cống hiến là những gì người làm cách mạng ở hải ngoại cống hiến cho những nguời trong nước. Yêu cầu là nhưng điều người hải ngoại yêu cầu người trong nước phải làm giúp cho hải ngoại. Văn kiện này báo cáo sự kết hợp các lực lượng không Cộng Sản ở hải ngoại và đưa ra một “sách lược tinh vi và thích hợp với thời điểm đó”.

    7- Văn kiện “Chủng loại sinh tồn và tiến hóa” do Paul Tám hội ý với Nguyễn Văn Viển thảo ra khi ở chung trong tù, sau đổi thành “Dân Tộc Sinh Tồn và Tiến Hóa”.  Chính Như Phong được trao cho đánh máy tài liệu đó năm 1939.  Đó là tài liệu nguyên thủy của chủ thuyết Dân tộc Sinh tồn của đảng Đại Việt.

    8- Lý Đông A Nguyễn Hữu Thanh được cả Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Tường Long đánh giá rất cao.  Thanh bị giam chung với Nguyễn Tường Tam ở Liễu Châu, hai ngươi bàn nhau về chủ thuyết Duy Dân.  Khi đươc thả về nước, Lý Đông A hoàn tất lý thuyết về Duy Dân viết tay bằng mực màu lục trên giấy kẻ ô vuông, cỡ giấy học sinh gấp đôi và đóng thành tập khoảng 40 trang. Như Phong được Hoàng Đạo cho đọc và thú nhận “chả hiểu gì cả”.

    9- Trước khi Việt Minh cướp chính quyền, phe Quốc Gia có lực lượng quân sự mạnh hơn, uy tín của các nhà lãnh đạo phe Quốc Gia từ trung ương tới địa phương cũng lớn hơn phe Cộng Sản. Nhưng Việt Minh Cộng Sản có hai lợi điểm.  Thư nhất, họ vận động được quần chúng.  Thứ hai, họ được Đồng Minh, cả phía Cộng Sản lẫn Tây Phương, thường xuyên cung cấp cho họ tin tức thế giới để họ hành động kịp thời.

    https://usvietnam.uoregon.edu


    Không có nhận xét nào