Header Ads

  • Breaking News

    David E. Sanger và Zolan Kanno-Youngs: Biden cảnh báo NATO ...

     David E. Sanger và Zolan Kanno-Youngs: Biden cảnh báo NATO cần sẵn sàng cho một xung đột kéo dài với Nga, giống Chiến tranh Lạnh.

    Nguồn: Biden Braces NATO for Long Conflict With Russia, Making Cold War Parallel, By David E. Sanger and Zolan Kanno-Youngs, The New York Times. 

    Cù Tuấn biên dịch 

    14/7/2023

     

    Tóm tắt: Kết thúc hội nghị thượng đỉnh NATO tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine và những thách thức đang thay đổi nhanh chóng khác, Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố rằng liên minh này sẽ chống lại sự xâm lược của Nga cho đến khi nào việc này còn cần thiết.

    Tổng thống Mỹ Biden đã kết thúc cuộc họp của các đồng minh NATO vào thứ Tư tại Vilnius, Litva. Với bài phát biểu trước Litva và thế giới, ông so sánh cuộc chiến đánh đuổi Nga khỏi Ukraine với cuộc đấu tranh giành tự do ở châu Âu trong Chiến tranh Lạnh, và hứa rằng “chúng tôi sẽ không dao động” cho dù cuộc chiến có tiếp diễn bao lâu đi chăng nữa.


    Bài phát biểu của ông dường như đang cảnh báo cho Mỹ và các nước NATO cần sẵn sàng đối mặt với một cuộc xung đột có thể kéo dài nhiều năm, đặt nó trong bối cảnh của những cuộc xung đột nghiêm trọng trong quá khứ bị chiến tranh tàn phá của châu Âu. Và ông coi đó như một phép thử ý chí với Tổng thống Nga Vladimir V. Putin, người đã tỏ ra không muốn từ bỏ một cuộc xâm lược không diễn ra theo kế hoạch, nhưng đã bị sa lầy trong một cuộc chiến tiêu hao.

    “Putin vẫn tin một cách sai lầm rằng ông ấy có thể tồn tại lâu hơn Ukraine,” ông Biden nói, đồng thời mô tả nhà lãnh đạo Nga như một người đã mắc sai lầm chiến lược nghiêm trọng khi xâm lược một quốc gia láng giềng và hiện đang đặt cược gấp đôi. “Sau ngần ấy thời gian, Putin vẫn nghi ngờ sức mạnh bền bỉ của chúng ta. Ông ấy đang đặt cược nhầm cửa.”

    Bài phát biểu tại Đại học Vilnius được đưa ra sau một loạt chiến thắng quan trọng của ông Biden với tư cách là nhà lãnh đạo trên thực tế của NATO, vào thời điểm liên minh này có nhiều thay đổi nhanh chóng.

    Thành công của Biden trong việc thuyết phục Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ sự phản đối của ông đối với việc kết nạp Thụy Điển với tư cách là thành viên thứ 32 của NATO giúp biến Biển Baltic thành một khu vực được các nước NATO bao bọc gần như hoàn toàn (mặc dù ông Erdogan gợi ý rằng Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ có thể không giải quyết vấn đề cho đến tháng 10). Các quốc gia NATO cam kết tăng chi tiêu quân sự mà Mỹ từ lâu đã phàn nàn là không đủ.

    Đồng thời, ông Biden đã cố gắng dập tắt nỗ lực của Ukraine, với sự hỗ trợ của Ba Lan và một số quốc gia vùng Baltic, nhằm đưa ra thời gian biểu để Ukraine chính thức gia nhập liên minh này. Theo chính sách của NATO yêu cầu phòng thủ tập thể, Tổng thống Mỹ đã nói rằng việc thừa nhận Ukraine với cuộc chiến đang diễn ra sẽ khiến Mỹ xung đột trực tiếp với Nga. NATO đã tuyên bố hôm thứ Ba rằng Ukraine sẽ được mời tham gia liên minh này vào một ngày nào đó, nhưng không nêu rõ khi nào hoặc với những điều kiện chính xác nào.

    Điều đó đã khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nổi cơn thịnh nộ, nói rằng các đồng minh đã xoa dịu Ukraine bằng những lời hứa viện trợ là chính và tạo ra một cuộc họp của một “Hội đồng NATO-Ukraine” mới được khai mạc vào thứ Tư.



    Ông Zelensky, đối mặt với việc phải tận dụng cơ hội hết sức có thể, đã gọi động thái này là một chiến thắng vào thứ Tư và lần đầu tiên ngồi vào vị trí đối tác chính thức - nếu không phải là thành viên - của NATO. Về cơ bản, Ukraine là một thành viên không bỏ phiếu, điều mà ông Zelensky đang nói với người dân Ukraine như một nửa bước để đạt được trạng thái thành viên đầy đủ.

    Mặc dù NATO chưa đưa ra thời gian biểu cho Ukraine tham gia, nhưng trong một tuyên bố, ông Zelensky không hề tỏ ra do dự. “Tôi tin rằng chúng tôi sẽ gia nhập NATO ngay khi tình hình an ninh quốc gia được ổn định,” ông nói. “Nói một cách đơn giản, ngay khi thời điểm chiến tranh kết thúc.”

    Các quốc gia NATO cũng cam kết chuyển hàng trăm triệu đô la viện trợ mới cho Ukraine, chỉ vài ngày sau khi ông Biden đưa ra quyết định miễn cưỡng cung cấp bom chùm mà Ukraine đang tìm kiếm. Các vũ khí này bị cấm theo hiệp ước của hơn 100 quốc gia, nhưng Nga, Ukraine hay Mỹ đều không có trong số này, và cả hai bên trong cuộc chiến đều đã sử dụng chúng.

    Ông Biden nói với các phóng viên khi chuẩn bị lên đường tới Phần Lan, thành viên mới nhất của NATO: “Có một điều Zelensky hiểu rằng, việc ông ấy có ở NATO hay không cũng không liên quan” tới những cam kết mà liên minh này đưa ra.

    Bài phát biểu của ông Biden, vào một buổi tối mùa hè rực rỡ ở giữa “Phố cổ” với những con đường lát đá cuội đã được khôi phục của Vilnius, có sự tham dự của một đám đông nhiệt tình khoảng 10.000 người vẫy cờ Litva, Mỹ và Ukraine. Lần phát biểu này đã có tiếng vang mạnh mẽ như các bài phát biểu tương tự mà ông Biden đã đưa ra ở Warsaw và khắp châu Âu, ca ngợi sức mạnh của các liên minh – một sự tương phản rõ ràng, nếu không nói ra, với những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald J. Trump nhằm giải tán NATO, tổ chức mà cựu tổng thống Mỹ này nhiều lần coi là “lỗi thời”.

    Như trong các bài phát biểu khác của mình để vận động các đồng minh, ông Biden ca ngợi cảm xúc đoàn kết và mục đích mới mà cuộc xâm lược Ukraine đã mang lại cho NATO, khi tổ chức này mở rộng và đối mặt với một thực tế dường như không thể xảy ra chỉ trong hai năm trước: đó là một cuộc chiến tranh trên bộ ở châu Âu, pha trộn giữa chiến tranh dùng chiến hào và chiến tranh dùng máy bay không người lái.

    Nhưng chính việc ông Biden đề cập rõ ràng đến việc đối đầu với Liên Xô đã khiến bài phát biểu này khác biệt với những bài phát biểu trước đây - mặc dù cho đến nay, chính quyền Mỹ đã bác bỏ hầu hết các so sánh giữa cuộc chiến hiện tại với Chiến tranh Lạnh.

    “Mỹ chưa bao giờ công nhận việc Liên Xô chiếm đóng vùng Baltic,” ông Biden nói với đám đông đang cổ vũ. Và ông nói rõ rằng, Mỹ cũng sẽ không bao giờ công nhận sự sáp nhập lãnh thổ Ukraine của ông Putin.

    Ông Biden biết những so sánh đó sẽ có tiếng vang đặc biệt ở thủ đô xinh đẹp của vùng Baltic này: Litva là một phần của đế chế Nga bắt đầu từ năm 1795, và sau hai thập kỷ độc lập, quốc gia này bị Liên Xô sáp nhập vào năm 1940, bị Đức Quốc xã chiếm đóng vào năm 1941 và bị Liên Xô chiếm lại vào năm 1944. Nước này giành lại độc lập vào đầu những năm 1990 và trở thành thành viên NATO vào năm 2004.

    Trong cuộc họp của NATO tại đây, các thông điệp ủng hộ Ukraine đã xuất hiện trên các xe buýt thành phố, cư dân Vilnius dán các tấm biểu ngữ có dòng chữ về ông Putin trên cửa sổ của họ và một đám đông khổng lồ đã tụ tập để chào đón ông Zelensky khi ông đến. Một đám đông chật cứng đã tụ tập để nghe ông Biden phát biểu, bao gồm cả những đứa trẻ nhoài người ra ngoài cửa sổ để theo dõi ông.

    Ông Biden cho rằng cuộc xâm lược Ukraine của Nga là một phần của thách thức toàn cầu đối với các xã hội dân chủ. Ông nói rằng thế giới đang ở một “điểm uốn”, nơi nó phải lựa chọn giữa dân chủ và chuyên chế. Thông điệp này bắt nguồn từ chiến dịch tranh cử năm 2020 của ông, nhưng ông thậm chí còn dựa vào nó nhiều hơn để thuyết phục người Mỹ rằng họ nên quan tâm đến một cuộc chiến cách xa nước Mỹ hàng nghìn dặm.

    Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một khu vực quan trọng đối với sự cạnh tranh ngày càng tăng của Mỹ với Trung Quốc, đồng thời bày tỏ sự đồng tình với các đồng minh châu Á đã giúp hỗ trợ Ukraine và cô lập Nga. Và ông Biden cho biết thế giới sẽ cần giải quyết “mối đe dọa ngày càng tăng của biến đổi khí hậu”, một trọng tâm chính khác của hội nghị thượng đỉnh NATO.

    Nhưng cũng có cảm giác tại cuộc họp rằng NATO đang bước vào một cuộc tranh đấu kéo dài với Nga. Thông cáo ban hành hôm thứ Ba đã mô tả những tiến bộ của Nga trong vũ khí hạt nhân, phương tiện không gian, chiến tranh mạng và thông tin giả, đồng thời cam kết các thành viên chi tiêu mới và quan hệ đối tác mới để chống lại Nga trong tất cả các lĩnh vực đó.

    Trong các bình luận công khai, các nhà lãnh đạo NATO không một lần nào thảo luận về khả năng đàm phán với Nga về lệnh ngừng bắn hoặc đình chiến kiểu Triều Tiên - một sự thừa nhận thầm lặng rằng Ukraine khăng khăng đòi chiếm lại nhiều lãnh thổ hơn trước khi đàm phán, và ông Putin đã ra dấu hiệu không bao giờ từ bỏ các vùng đất đã chiếm được.

    Tại một cuộc họp báo vào cuối phiên họp của NATO, ông Zelensky đã nhấn mạnh cam kết không bao giờ nhường bất kỳ tấc đất nào cho Nga, nói thẳng rằng không có chỗ cho sự thỏa hiệp về lãnh thổ. Ông nói với các phóng viên: “Chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ lãnh thổ của mình và chúng tôi sẽ không bao giờ đánh đổi chúng để đổi lấy bất kỳ việc tạm đình chỉ xung đột”.

    Ông Zelensky nói với các phóng viên rằng các cuộc đàm phán đang được tiến hành về việc liệu Mỹ có gửi loại tên lửa gọi là ATACMS hay không, với tầm bắn 290 dặm – xa hơn nhiều so với các loại vũ khí khác do Mỹ cung cấp. Ông Biden cho đến nay vẫn từ chối cung cấp tên lửa loại này cho Ukraine vì lo ngại điều đó có thể khiến ông Putin leo thang chiến tranh.

    Những lập luận như vậy đã trở thành chủ đề lặp đi lặp lại của cuộc chiến, với việc ông Biden lúc đầu từ chối một số loại vũ khí vì sợ Điện Kremlin – nơi các quan chức của họ đã nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân – có thể đáp trả, và cuối cùng đồng ý gửi chúng: tên lửa HIMARS, hệ thống phòng không Patriot, xe tăng, v.v.

    Ông Zelensky nói rằng ngay khi ông “bắt đầu trò chuyện về bom chùm từ nhiều tháng trước,” ông đã thảo luận về ATACMS với các phụ tá của ông Biden. “Tôi rất biết ơn Tổng thống Mỹ Biden vì những kết quả mà chúng tôi đã nhận được,” ông nói, nhận thức rõ ràng về những lời chỉ trích rằng chính quyền Ukraine vẫn cảm ơn chính quyền Mỹ chưa đủ.

    “Vì vậy, hãy chờ đợi,” ông Zelensky nói, “không phải mọi thứ cùng một lúc.”

    Ông Zelensky dường như đã hết lời khen ngợi chính quyền Biden, một ngày sau khi gọi việc không đưa ra thời gian biểu cho việc Ukraine tham gia NATO là “chưa từng có và vô lý”. Tổng thống Ukraine trong suốt cuộc chiến thường thúc ép phương Tây cung cấp thêm vũ khí, tài trợ và hỗ trợ từ liên minh này trong nỗ lực duy trì cuộc chiến chống lại Nga.

    Nhưng vào thứ Tư, ông Zelensky đã vô cùng cảm ơn Mỹ vì sự ủng hộ của họ, nói trong cuộc gặp với ông Biden, “bạn dành số tiền này cho cuộc sống của chúng tôi.”

    Quyết định không mời Ukraine gia nhập NATO làm dấy lên lo ngại có thể kéo dài cuộc chiến, bởi ông Putin biết rằng Kiev có thể nhanh chóng gia nhập liên minh này khi giao tranh kết thúc.


    “Đó là một tình thế tiến thoái lưỡng nan, và đó là lý do tại sao điều này có thể xảy ra, và hội nghị thượng đỉnh tiếp theo có thể là cơ hội để làm rõ rằng Ukraine được mời tham gia NATO,” William B. Taylor Jr., cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine dưới thời chính quyền Bush và Obama, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

    Trong một cuộc trao đổi gay gắt tại diễn đàn công khai của NATO hôm thứ Tư, Daria Kaleniuk, Giám đốc Trung tâm Hành động Chống Tham nhũng ở Ukraine, đã hỏi Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden, rằng bà nên nói gì với đứa con trai 2 tuổi của mình, mà đã từng trải qua các cuộc không kích ở Ukraine: “Rằng Tổng thống Mỹ Biden và NATO không mời Ukraine vào NATO vì ông ấy sợ Nga?”

    Ông Sullivan bảo vệ chính quyền Mỹ khi nói rằng Mỹ đã “tăng cường cung cấp một lượng lớn sức chiến đấu để giúp đảm bảo rằng những người lính dũng cảm của Ukraine có đủ đạn dược.”

    Ông nói thêm: “Tổng thống Mỹ nói khá đơn giản rằng ông ấy chưa sẵn sàng để Ukraine gia nhập NATO ngay bây giờ, vì điều đó có nghĩa là Mỹ và NATO sẽ có chiến tranh với Nga ngay bây giờ.”



    https://www.diendantheky.net/2023/07


    Không có nhận xét nào