13/7/2023
Nhà hoạt động Trần Hoàng Phúc. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Trần Hoàng Phúc, một trong những tù nhân chính trị trẻ tuổi nhất ở Việt Nam, vừa mãn án tù 6 năm với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999.
Anh Trần Hoàng Phúc, 29 tuổi - sáng lập viên Hội Sinh viên Nhân quyền Việt Nam, cựu thành viên của Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) do chính phủ Hoa Kỳ sáng lập - trở về nhà ở thành phố Hồ Chí Minh sau khi thi hành xong ở trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương hôm 29/6.
Trước khi bị bắt vào năm 2017, anh từng vận động đòi bồi thường cho các nạn nhân của thảm họa Formosa, cứu trợ nạn nhân lũ lụt ở miền trung và tham gia vào các sáng kiến vận động nhân quyền khác.
Anh Phúc chia sẻ ý kiến của anh với VOA về điều kiện giam giữ, bản án tù mà anh cho là “oan sai”, và 4 năm quản chế sắp tới.
VOA: Xin anh cho biết về điều kiện giam giữ trong trại giam?
Trần Hoàng Phúc: Bên cạnh một số mặt tiến bộ thì tôi nghĩ vẫn còn rất rất nhiều cái điểm mà cần phải đáng lưu tâm và khắc phục, ví dụ như vấn đề về chất lượng thực phẩm cung cấp cho phạm nhân, một số vấn đề về điều kiện để phạm nhân được tiếp cận với các văn bản pháp luật của nhà nước, điều kiện để cho người người bị tạm giam được biết về những quyền của họ trong quá trình mà họ trải qua tiến trình tố tụng hình sự.
Ngoài ra, đối với phía trại giam thì ngoài việc trong thời gian tôi ở khoảng 5 năm thì việc sử dụng kinh sách được trại giam chấp nhận. Tuy nhiên, việc này thì nó phải trải qua một quá trình kiểm duyệt thường mất rất nhiều thời gian. Và chính tôi là người đề nghị vấn đề này thì cũng phải trải qua một quá trình và đề nghị khá lâu thì mới được chấp nhận.
VOA: Vấn đề lao động trong trại giam thì như thế nào, thưa anh? Có hay không việc cưỡng bức lao động trong trại giam?
THP: Ở trại giam An Phước thì việc cưỡng bức lao động không có trong đội 35. Tuy nhiên, việc hướng dẫn lao động của ban giám thị vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Tuy phạm nhân có lao động nhưng mà những thành quả mà họ hưởng chưa được nhiều và tiền thu nhập của họ không cao, nên đời sống của họ vẫn chưa cải thiện mấy.
Ngoài ra, vấn đề kinh sách, đối với tôi thì tôi cũng là một người mang kinh sách vào trong trại giam để tôi đọc. Thường đối với những một số vấn đề kinh sách thì họ không có chuyện bị ngăn chặn. Tuy nhiên, kinh sách họ thường kiểm tra rất kỹ và thường tốn rất rất nhiều thời gian để có thể đưa được vào trại giam và họ kiểm tra rất nghiêm nặng vấn đề này.
Embed share
Thân mẫu Trần Hoàng Phúc gửi thư cho Tổng thống Trump
VOA: Về bản án 6 năm tù và 4 năm quản chế thì anh nghĩ như thế nào?
THP: Bản án 6 năm tù giam và 4 năm quản chế là một bản án oan sai. Và tôi sẽ cân nhắc đến việc tiến hành kêu oan trong thời gian sắp tới khi mà phù hợp. Đối với tôi thì một bản án phải nêu ra được bằng chứng rõ ràng, cụ thể và phải thuyết phục được. Tuy nhiên, bằng chứng này lại được do những cơ quan nhà nước công bố thì rất là mơ hồ. Và tôi cực lực phản đối việc bỏ tù những người bất đồng chính kiến. Và tôi đề nghị Việt Nam nên để cho những người bất đồng chính kiến được bày tỏ niềm tin chính trị của họ, mà không bị trừng phạt hay bị bỏ tù nữa.
VOA: Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay thường bác bỏ những cáo buộc vi phạm nhân quyền, họ nói rằng là họ tôn trọng quyền tự do của người dân cũng như là vấn đề tự do tính ngưỡng tôn giáo và không có chuyện giam giữ những người tù nhân chính trị hay là những người bất đồng chính kiến mà chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”, anh nghĩ thế nào về phát biểu của Việt Nam như thế ạ?
THP: Tôi nghĩ dưới góc độ của họ thì... Họ có quyền tuyên bố đơn phương về vấn đề đó. Tôi nghĩ rằng là trong thời gian sắp tới, dưới sức ảnh hưởng của cộng đồng quốc tế và những cái quy tắc chung của pháp luật quốc tế thì tôi nghĩ rằng họ cũng phải... sẽ phải thừa nhận rằng Việt Nam sẽ có tù nhân lương tâm và tù nhân chính trị.
Tôi nghĩ rằng là Việt Nam nên xem xét lại những tuyên bố của mình bởi vì những tuyên bố của Việt Nam là đi ngược lại với quan điểm chung của quốc tế.
Và nếu như Việt Nam vẫn tiếp tục giữ cái quan điểm của riêng mình thì trong vấn đề về đối thoại với quốc tế sẽ rất là khó khăn. Nếu Việt Nam chống lại những tuyên bố của quốc tế thì chỉ khiến cho Việt Nam trở nên cô lập trong con mắt của cộng đồng quốc tế mà thôi. Và khi Việt Nam trở nên cô lập trong con mắt của cộng đồng quốc tế thì vấn đề phát triển của Việt Nam sẽ rất khó khăn và người dân Việt Nam họ sẽ không được hưởng những thành quả từ công tác đối ngoại của nhà nước.
VOA: Được biết là anh vẫn phải thi hành án quản chế trong bốn năm tới, việc này đối với anh như thế nào?
THP: Theo Điều luật về quản chế của Việt Nam, tôi cũng chỉ đi lại xung quanh địa phương của tôi thôi. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng 4 năm cũng sẽ tạo ra cho tôi một cơ hội để tôi tự nhìn lại mình. Và tôi cũng cảm thấy những kiến thức của tôi vừa qua là quá nhỏ bé so với những mục tiêu của tôi. Nên vì vậy tôi nghĩ là trong thời gian 4 năm tới tôi sẽ tích cực để học tập. Và có lẽ sau 4 năm tôi sẽ sử dụng những kiến thức đó để giúp đỡ cho những hoàn cảnh yếu thế ở xã hội Việt Nam, cũng như giúp đỡ cho mối quan hệ của Việt Nam và EU và Hoa Kỳ được cải thiện hơn để đưa Việt Nam có chung tiếng nói với EU và Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền.
VOA: Là một người trẻ đã dám dấn thân vào con đường này thì suy nghĩ của anh về vấn đề tranh đấu cho dân chủ nhân quyền ở Việt Nam hiện tại và tương lai sẽ như thế nào, thưa anh?
THP: Việc ở Việt Nam càng ngày những nhà hoạt động vì nhân quyền, những nhà hoạt động chính trị, họ bị bắt, bị bỏ tù, sẽ làm cho Việt Nam mất đi những cơ hội để lắng nghe những ý kiến phản biện, đặc biệt là trong những lĩnh lực chính trị và nhân quyền, để từ đó xã hội chúng ta có tạo ra sự thay đổi nhiều hơn. Một khi chúng ta đã đánh mất đi sự thay đổi đó thì xã hội của chúng ta sẽ trở nên tụt hậu so với nền văn minh của nhân loại. Và điều này thì tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đã biết mối nguy hiểm của việc tụt hậu là như thế nào.
VOA: Chân thành cảm ơn anh.
Không có nhận xét nào