Header Ads

  • Breaking News

    Cuộc chiến đất hiếm giữa Mỹ và Trung Quốc

    Nguồn: Yifan Yu, “The US-China rare earths battle”, 

    Nikkei Asia, 05/07/2023

    Biên dịch: Gia Linh

    11/7/202

    https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2023/07/Mountain-Pass.jpg

    Nguồn: Yifan Yu, “The US-China rare earths battle”, Nikkei Asia, 05/07/2023

    Biên dịch: Gia Linh

    Ở vùng sa mạc phía Nam California, một mỏ lộ thiên rộng lớn đã trở thành chiến trường trong cuộc đấu tranh toàn cầu để giành ưu thế vượt trội về công nghiệp.

    Những chiếc xe tải khổng lồ màu vàng vận chuyển quặng từ mỏ đất hiếm Mountain Pass, mỏ đất hiếm từng có một thời gian đóng cửa. Sự hồi sinh đã diễn ra với cú hích là tinh thần yêu nước đang lên tại Mỹ.

    Các bản can hình quốc kỳ Mỹ được trang trí trên đồng phục của công nhân khu mỏ. Những khối tinh thể quặng đất hiếm màu cam lưu niệm được tặng cho du khách có dòng chữ “Made in U.S.A” trên chứng nhận bảo hành. Một tuyên bố trên trang web của MP Materials, chủ sở hữu của mỏ, có nội dung: “Sứ mệnh của chúng tôi là khôi phục toàn bộ chuỗi cung ứng đất hiếm cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.

    Sự hồi sinh của khu mỏ đất hiếm này là sản phẩm của cả tham vọng chính trị và thương mại. Mountain Pass đang đem lại các tài nguyên thiết yếu cho các ngành công nghiệp chiến lược, từ thiết bị quân sự đến các thiết bị cung cấp năng lượng cho cuộc cách mạng công nghệ xanh.

    Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ để hồi sinh mỏ Mountain Pass, bao gồm cả tài trợ từ Bộ Quốc phòng. Đây là một phần trong kế hoạch của Washington nhằm xây dựng lại sự hiện diện của Mỹ trên thị trường kim loại đã bị Trung Quốc lấy mất ưu thế từ nhiều thập niên trước nhờ chi phí sản xuất thấp.

    Kỷ nguyên mới ở Mountain Pass là sản phẩm của James Litinsky và Michael Rosenthal, những nhà tài chính ở độ tuổi ngoài 40. Giờ đây, họ đang thực hiện các thỏa thuận quốc tế để cung cấp cho các tập đoàn như Sumitomo Corp. của Nhật Bản, khi cuộc đua toàn cầu về khả năng tự cung cấp đất hiếm ngày càng gia tăng.

    Ông Litinsky nói: “Hai nhà quản lý quỹ phòng hộ tiếp quản một khu mỏ thì làm sao có vấn đề được, phải không? Nhưng tôi sẽ nói với bạn rằng ngay từ ngày đầu tiên, chúng tôi đã có một tầm nhìn dài hạn. … Điều này không bao giờ giống như, ‘Ồ, chúng tôi sẽ chỉ vận hành mỏ này trong vài tháng’. Chúng tôi chưa bao giờ có tâm lý đó. Ngay từ đầu, chúng tôi đã nghĩ đến mục tiêu xây dựng một công ty Mỹ vĩ đại”.

    Tuy nhiên, câu chuyện của MP Materials cũng nêu bật sự phức tạp của mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc và sự phụ thuộc lẫn nhau vẫn tồn tại bất chấp căng thẳng chính trị gia tăng. Khách hàng chính – và cổ đông lớn thứ tư của MP – là Shenghe Resources Holding, một công ty khai thác và chế biến đất hiếm được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn và được niêm yết ở Thượng Hải.

    Tất cả những điều này làm cho sự hồi sinh của mỏ MP ở Mojave trở thành một mô hình thu nhỏ của sự cạnh tranh kinh tế chủ đạo của thế giới – và của cuộc chiến lớn hơn để cứu lấy hành tinh.

    Subash Chandra, nhà phân tích năng lượng tại ngân hàng đầu tư Benchmark Co có trụ sở tại New York, cho biết: “Đất hiếm và nhiều loại khoáng sản khác là nền tảng của quá trình chuyển đổi xanh mà chúng ta đang thấy ở Trung Quốc, Mỹ và mọi nơi. Và không có công ty nào ở Mỹ có thể so sánh với MP Materials”.

    Khoáng sản đất hiếm ngày càng trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế thế giới, được sử dụng trong các thiết bị từ điện thoại thông minh đến máy bay chiến đấu. Điều kỳ diệu của những kim loại sáng bóng nhưng dễ bị xỉn màu này là chúng có thể tạo ra nam châm mạnh hơn nhiều lần so với những loại nam châm truyền thống được tạo ra từ sắt. Nếu không có các nguyên tố đất hiếm như neodymium, praseodymium và lanthanum mà MP Materials đang tập trung khai thác, động cơ xe điện và ổ cứng máy tính sẽ không thể hoạt động.

    Bất chấp tên gọi của chúng, hầu hết các loại đất hiếm đều tương đối phong phú – mặc dù chúng không phải lúc nào cũng dễ khai thác. Trữ lượng của chúng tồn tại trên khắp thế giới, từ Burundi đến Việt Nam. Một số quốc gia hùng mạnh, chẳng hạn như Ấn Độ, có tài nguyên đất hiếm lớn nhưng hầu như không khai thác vào năm ngoái.

    Cho đến nay, Trung Quốc là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới nhờ nỗ lực phát triển ngành công nghiệp này trong nhiều thập niên. Năm 2022, Trung Quốc chiếm khoảng 70% sản lượng đất hiếm thế giới, theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ. Trung Quốc cũng có trữ lượng oxit đất hiếm (REO) lớn nhất thế giới, tổng cộng 44 triệu tấn, gấp đôi so với Việt Nam, Brazil hoặc Nga.

    Câu chuyện về đất hiếm lặp lại câu chuyện về sản xuất chip, lĩnh vực mà Washington cũng đang nỗ lực khôi phục lại vị trí đã mất. Nhiệm vụ này thậm chí còn lớn hơn nếu xét đến việc Mỹ luôn duy trì năng lực đáng kể trong thiết kế chip tiên tiến. Ngược lại, số liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy cho tới năm 2017 vẫn không có sản xuất nguyên liệu đất hiếm trên đất Mỹ.

    Trong năm 2022, Mountain Pass chiếm toàn bộ 14% thị phần của Mỹ về sản lượng đất hiếm thế giới. Quy mô vẫn còn tương đối khiêm tốn: dự trữ đất hiếm của Mỹ chỉ tương đương khoảng hơn 5% của Trung Quốc. Siêu cường châu Á này cũng vẫn chiếm ưu thế trong các khía cạnh khác của sản xuất đất hiếm.

    Washington hy vọng rằng một sự thay đổi triệt để về chính sách sẽ thúc đẩy quá trình khôi phục sản xuất đất hiếm của Mỹ. Vào năm 2021, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ đánh sự vững mạnh và an ninh của các chuỗi cung ứng quan trọng của quốc gia và chỉ ra những điểm yếu. Họ nhận thấy rằng “việc phụ thuộc vào Trung Quốc về sản xuất nguyên liệu thô và nam châm [đất hiếm]” là một lỗ hổng chiến lược quan trọng.

    Biden đã cảnh báo người Mỹ vào năm ngoái về “điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta trở nên phụ thuộc vào các quốc gia khác” đối với những nguyên liệu tối quan trọng như vậy.

    Vai trò hàng đầu của mỏ Mountain Pass trong việc thúc đẩy đất hiếm của Mỹ là giai đoạn mới nhất của một lịch sử đầy sự kiện. Khu vực xung quanh mỏ trở thành điểm bùng nổ lần đầu tiên vào những năm 1860 khi “một đám người thăm dò tràn đến miền nam Nevada và đông nam California”, theo một tài liệu chính thức của chính phủ. Họ đã tìm thấy đồng, chì, vàng, bạc và kẽm, trước khi việc sản xuất bị đình trệ sau Thế chiến I.

    Nơi này đã được mở cửa hoạt động lần thứ hai sau Thế chiến II với việc phát hiện ra các oxit đất hiếm. Đặc biệt, sự hiện diện của europium là rất kịp thời: Khả năng phát ra ánh sáng đỏ của kim loại này khiến nó trở thành một thành phần quan trọng trong tivi màu. Khi thời đại truyền thông trực quan bùng nổ trong cuộc sống, việc khai thác khoáng sản ở Mountain Pass đã nuôi sống khu mỏ này.

    Kết quả là mỏ Mountain Pass trở thành nguồn cung cấp đất hiếm hàng đầu thế giới. Đến năm 1974, mỏ này chiếm tới 78% sản lượng toàn cầu. Sau đó, vào giữa những năm 1980, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh sản xuất. Bắc Kinh đã dẫn trước Mỹ vào giữa những năm 1990.

    Sự suy giảm của Mountain Pass tăng nhanh khi một vụ tràn chất thải hóa học vào năm 2002 buộc mỏ này phải tạm thời đóng cửa. Sau đó, mỏ tạm dừng khai thác quặng vì sự cạnh tranh từ Trung Quốc khiến mỏ không có lãi. Mountain Pass đã khởi động lại toàn bộ hoạt động vào đầu những năm 2010 nhưng sớm phải hứng chịu một đòn chí mạng khác khi công ty mẹ, Molycorp, nộp đơn xin phá sản. Có vẻ như giấc mơ về đất hiếm của Mỹ đã kết thúc.

    Tham gia nhóm giải cứu Mountain Pass là hai nhà đầu tư sinh ra ở Florida. Đó là Litinsky và Rosenthal. Khi họ ngồi trong các cuộc họp với các chủ nợ của Molycorp vào năm 2014, họ không nghĩ rằng đó là khởi đầu của một hành trình mà họ sẽ đổi bộ vest và cà vạt của mình để khoác lên một bộ đồ công trường gồm mũ bảo hiểm bụi bặm, áo bảo hộ phản quang và ủng bảo hộ. Litinsky, với vẻ ngoài quyết đoán, đang điều hành quỹ phòng hộ của riêng mình, JHL Capital Group. Rosenthal, cao ráo và nhã nhặn, đang phụ trách lĩnh vực ô tô toàn cầu và Trung Quốc tại công ty quản lý tài sản QVT Financial ở New York.

    Bộ đôi này lớn lên cùng nhau ở Fort Lauderdale, đã giành chiến thắng trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát hoạt động của Mountain Pass bằng cách trả 20,5 triệu USD. Họ tập hợp một hội đồng quản trị với chiến lược mạnh mẽ. Hội đồng bao gồm Maryanne Lavan, trưởng ban pháp chế của Lockheed Martin, tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ. Một thành viên khác là tướng không quân Mỹ đã nghỉ hưu Richard Myers, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân. Ông Myers đã nói rằng việc thiếu nguồn cung cấp đất hiếm bền vững và đáng tin cậy ở Bắc Mỹ là “một thất bại lớn đối với an ninh kinh tế và quốc gia”.

    Litinsky, Giám đốc điều hành của MP, cho biết ông luôn “rất lạc quan về tương lai của đất hiếm, vì những lý do hiện rất rõ ràng”.

    Mountain Pass là một thế giới tách biệt với ánh đèn rực rỡ của Las Vegas, cách xa lộ I-15 khoảng một giờ về phía đông bắc. Các đường băng tải bỏ hoang và cabin gỉ sét được xây dựng bởi những người chủ trước đây là lời nhắc nhở về những khó khăn khi vận hành một mỏ đất hiếm ở Mỹ. Một chiếc máy ủi duy nhất đã làm việc ở hố duy nhất sâu khoảng 183 mét. Những đống đá vụn đỏ au nằm chờ xe tải hạng nặng đến gom đưa vào máy nghiền. Sau đó, chúng sẽ được gửi đến các cơ sở chế biến để biến chúng thành bột cô đặc và sau đó vận chuyển đến Trung Quốc để tiếp tục xử lý.

    “Không có nơi nào khác để làm việc đó”, Litinsky lưu ý. “Đó là nơi nó được tinh chế”

    Litinsky và Rosenthal lần đầu thuê một nhóm quản lý cho Mountain Pass nhưng sau đó quyết định tự điều hành hoạt động. Litinsky cho biết các ưu đãi cổ phần cho nhân viên và hồ sơ an toàn cho phép hoạt động liên tục trong 3 năm đã giúp xoay chuyển tình thế của một mỏ từng không đem lại lợi nhuận kinh tế. Năm 2022, doanh thu của công ty đã tăng 59%, lên 527,5 triệu USD, trong khi thu nhập ròng tăng hơn gấp đôi, lên 289 triệu USD.

    Tom Schneberger, Giám đốc điều hành của USA Rare Earth, một công ty khởi nghiệp sản xuất nam châm tiên tiến có trụ sở tại Oklahoma, cho biết: “Bản thân đất hiếm rất phổ biến – chúng không hiếm đến thế. Nhưng điều khó khăn là kết hợp công nghệ phù hợp, trích xuất và phân tách chúng, biến chúng thành những sản phẩm có thể bán được và sử dụng được – và thực hiện điều đó một cách hiệu quả”.

    Giai đoạn thứ hai trong chiến lược của MP Materials là xây dựng bộ máy để tách và tinh chế một số tinh quặng đất hiếm tại Mountain Pass. Công ty cho biết sẽ đưa công suất xử lý mới vào sản xuất trong quý 2/2023. Vào cuối tháng 6, hãng cho biết sẽ cung cấp thông tin cập nhật về tiến độ khi công bố kết quả quý 2 vào tháng 8/2023.

    Dự án giai đoạn ba của MP là xây dựng một nhà máy sản xuất kim loại đất hiếm tinh chế và nam châm thành phẩm. Công ty đã động thổ dự án ở Texas vào năm ngoái và dự kiến bắt đầu sản xuất vào cuối năm nay.

    Chiến lược của MP Materials cho thấy quy mô của nhiệm vụ cần thiết để Mỹ giành lại quyền kiểm soát ngành công nghiệp đất hiếm. Thậm chí, điều quan trọng hơn cả việc Trung Quốc chiếm phần lớn sản lượng thế giới là sự thống trị lớn hơn của nước này trong chuỗi cung ứng. Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ công bố năm ngoái, Trung Quốc chiếm khoảng 89% công suất phân tách, 90% công suất tinh luyện và 92% sản lượng nam châm toàn cầu.

    Quyền lực gần như bá chủ này đã trở thành một vũ khí mạnh mẽ trong kho vũ khí ngoại giao của Trung Quốc. Năm 2010, nước này tạm thời cắt giảm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản sau khi căng thẳng gia tăng về quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) do Tokyo quản lý nhưng Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Việc đình chỉ này đã báo động cho các công ty Nhật Bản và kích hoạt nỗ lực của chính phủ nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung cấp kim loại của Trung Quốc.

    Mối đe dọa về các hạn chế xuất khẩu đất hiếm lại xuất hiện vào đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung hồi năm 2019. Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo của nhà nước Trung Quốc, đã gọi sự phụ thuộc của Mỹ vào khoáng sản là “con át chủ bài trong tay Trung Quốc”. Báo này đánh giá rằng sự phụ thuộc có thể được sử dụng để gây áp lực với Mỹ khi đó.

    Bắc Kinh gần đây đã tăng cường nỗ lực để duy trì vị trí thống trị của mình trước các động thái nhằm vực dậy ngành công nghiệp đất hiếm của Mỹ. Vào tháng 4/2023, các bộ thương mại và công nghệ của Trung Quốc đã đề xuất lệnh cấm xuất khẩu một số công nghệ sản xuất nam châm đất hiếm.

    Trung Quốc ngày 03/07/2023 cũng đã công bố hạn chế xuất khẩu gali và gecmani, hai nguyên tố rất quan trọng để sản xuất chất bán dẫn và các thiết bị điện tử khác.

    Trước động thái trên của Trung Quốc, Litinsky của MP Materials tuyên bố không quá lo lắng về khả năng Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Công ty của ông đã “cố tình tránh mua thiết bị và công nghệ lớn từ Trung Quốc cho cơ sở ở Texas của chúng tôi vì lý do rõ ràng này”.

    Mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là khó khăn duy nhất mà MP Materials phải đối mặt. Đầu tiên, các nhà phân tích cảnh báo, việc mở rộng quy mô các công đoạn khác nhau của quá trình xử lý đất hiếm và sản xuất nam châm sẽ là một thách thức kỹ thuật lớn.

    Leslie Liang, cố vấn cấp cao của Wood Mackenzie, một công ty tư vấn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng toàn cầu, cho biết: “Các kỹ thuật như khai thác phân đoạn đòi hỏi kinh nghiệm và thử nghiệm lâu năm. Bất kỳ quá trình nào khác như quá trình kim loại hóa không thể được thiết lập trong một sớm một chiều”.

    Cạnh tranh về giá với Trung Quốc là một bài toán hóc búa hơn nữa. Lương, máy móc và giấy phép ở Mỹ đều có xu hướng đắt hơn. Theo Liang, ngành công nghiệp đất hiếm của Trung Quốc cũng đã trở nên hiệu quả hơn trong những năm qua bằng cách tự động hóa các dây chuyền tinh luyện và cải thiện quản lý vận hành.

    Pat Wilson, ủy viên của Bộ Phát triển Kinh tế tại bang Georgia của Mỹ, nơi đang cố gắng phát triển ngành công nghiệp đất hiếm của riêng mình, cho biết: “Vấn đề là khai thác và chế biến một mặt hàng kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Vì vậy, bạn phải thực hiện khoản chi phí trả trước khổng lồ và không thể hoàn vốn nhanh chóng”.

    Washington đang cố gắng làm nghiêng cán cân với Trung Quốc thông qua sự hỗ trợ tài chính. Năm 2020, MP Materials đã nhận được khoản tài trợ trị giá 9,6 triệu USD từ Bộ Quốc phòng để xây dựng các cơ sở phân tách các nguyên tố đất hiếm nhẹ tại Mountain Pass.

    Sau đó, theo lệnh hành pháp năm 2021 của Chính quyền Biden, Bộ Quốc phòng vào năm 2022 đã trao cho MP Materials thêm 35 triệu USD, hỗ trợ nỗ lực của công ty trong việc xây dựng các cơ sở chế biến giai đoạn hai như máy sấy và rang quặng tại Mountain Pass. Lầu Năm Góc quan tâm vì các nguyên tố đất hiếm nặng rất quan trọng đối với vũ khí và phương tiện như tên lửa và tàu ngầm.

    Nhiều khả năng Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho MP Materials. Dự luật về đất hiếm đang được Quốc hội thảo luận và nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Luật sẽ tạo ra khoản tín dụng thuế sản xuất từ 20 USD/kg trở lên đối với nam châm đất hiếm sản xuất tại Mỹ.

    MP Materials khẳng định không có xung đột giữa mục tiêu chính sách chiến lược của chính phủ Mỹ với mục tiêu thương mại của công ty. Công ty khẳng định sẽ có lãi ngay cả khi không có sự giúp đỡ của Washington.

    Litinsky nói: “Đây là một công ty đại chúng do cổ đông điều hành. Đây không phải là giải pháp của chính phủ. Ngay từ đầu, chúng tôi đã nói với các nhà đầu tư rằng chúng tôi thực sự coi mình là những nhà tư bản ưu tiên đất nước hoặc những nhà tư bản yêu nước”.

    Tuy nhiên, các quan chức của công ty vẫn phải thừa nhận rằng sự hỗ trợ của Washington rất hữu ích – và không chỉ về mặt tài chính. Sự quan tâm của Lầu Năm Góc đã giúp MP Materials xây dựng cơ sở giai đoạn hai trong 18 tháng trong thời kỳ thiếu hụt lao động do đại dịch dẫn tới sự chậm trễ hoạt động xây dựng trên toàn quốc.

    Matt Sloustcher, phó chủ tịch cấp cao về truyền thông và chính sách của MP Materials, cho biết: “Lợi ích của việc có một dự án do Bộ Quốc phòng tài trợ là chúng giúp ích cho chuỗi cung ứng”. Ông xác nhận địa điểm Mountain Pass thường xuyên được các quan chức chính phủ đến thăm và “một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất của họ là: Họ có thể giúp đỡ bằng cách nào?”.

    Cuộc tranh giành quyền lực đất hiếm không chỉ là vấn đề giữa Mỹ với Trung Quốc. MP Materials đang tìm cách tăng cường mạng lưới cung ứng quốc tế, đặc biệt là trên khắp Thái Bình Dương. Vào tháng 2, công ty đã công bố quan hệ đối tác với Sumitomo Corp., Tập đoàn thương mại Nhật Bản mà Berkshire Hathaway của Warren Buffett đã tăng cổ phần của mình lên mức tối đa 9,9%. Theo thỏa thuận với MP, Sumitomo sẽ trở thành nhà phân phối độc quyền của MP tại quốc gia này trong bối cảnh Tokyo tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

    Một phát ngôn viên của Sumitomo nói: “Khi tìm kiếm đối tác kinh doanh, chúng tôi đã đánh giá các công ty dựa trên các tiêu chí bao gồm quy mô hoạt động. MP Materials đứng đầu danh sách ứng cử viên”.

    Sumitomo hiện đang dựa vào các nhà máy luyện kim của Trung Quốc để chiết xuất các nguyên tố đất hiếm. Theo thỏa thuận mới, MP Materials sẽ xử lý không chỉ việc khai thác mà còn cả quá trình nấu chảy quặng và tách các nguyên tố khác nhau khỏi quặng. Kim loại tinh chế sẽ được bán cho các nhà sản xuất nam châm Nhật Bản. Thỏa thuận này sẽ cung cấp cho Nhật Bản khoảng 30% lượng neodymium và praseodymium mà nước này cần. Sumitomo hiện đang xem xét liệu có nên hợp tác với MP Materials trong dự án giai đoạn ba để sản xuất nam châm và kim loại đất hiếm thành phẩm hay không.

    Thỏa thuận với Sumitomo cho thấy các giới hạn cũng như khả năng của chiến lược của Mỹ nhằm xây dựng mạng lưới đất hiếm của riêng mình. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, trích dẫn dữ liệu Hải quan Trung Quốc cho biết năm 2019, Nhật Bản đã mua 36% lượng đất hiếm xuất khẩu của Trung Quốc, trong khi Mỹ mua 33,4%. Sẽ rất khó, nếu không nói là không thể, để loại bỏ hoàn toàn Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng.

    Thực tế này được phản ánh trong các mối quan hệ với Trung Quốc của MP Materials. Đối tác mua chính các sản phẩm tinh quặng đất hiếm chưa tinh chế của MP là Shenghe Resources, một công ty luyện và tách cung cấp cho các nhà máy tinh chế đất hiếm tại Trung Quốc. Shenghe và các chi nhánh cũng sở hữu gần 8% cổ phần của MP Materials.

    Litinsky nói rằng không có mâu thuẫn nào giữa việc Shenghe nắm giữ cổ phần của MP và mục tiêu kinh doanh của ông – hoặc mục tiêu của Chính phủ Mỹ. Ông nói: “Nếu bạn là một công ty giao dịch công khai, ở Mỹ, bất kỳ ai cũng có thể mua cổ phiếu của bạn, bất kỳ ai cũng có thể sở hữu cổ phiếu của bạn. Chúng tôi có một nhiệm vụ quan trọng. Nhưng bạn biết đấy, chúng tôi là một công ty có văn hóa điều hành, chủ sở hữu do cổ đông định hướng, nơi chúng tôi muốn kiếm tiền cho các nhà đầu tư”.

    Mỹ và các đồng minh của họ còn phải đối mặt với những trở ngại khác trong nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm của riêng mình. Một là tác động môi trường của ngành công nghiệp này, một điểm được nhấn mạnh bởi kinh nghiệm gần đây của công ty đất hiếm Lynas Rare Earth của Australia. Theo Wood Mackenzie, ngoài Trung Quốc, Lynas là nhà sản xuất quy mô lớn duy nhất các vật liệu đất hiếm tách rời, chiếm 11% thị phần toàn cầu.

    Lynas đang khẩn trương xây dựng một nhà máy tại thị trấn khai thác vàng Kalgoorlie ở Tây Australia để tiến hành phân tách. Công ty đang chạy đua để hoàn thành dự án, được công bố lần đầu vào năm 2019. Nhu cầu trở nên cấp bách do Chính phủ Malaysia ra phán quyết vào tháng 2/2023 rằng công ty cần dừng các hoạt động chính tại cơ sở của mình ở Malaysia. Kuala Lumpur viện dẫn những lo ngại về mức độ phóng xạ trong hoạt động khai thác và chế biến của Lynas mặc dù công ty nói rằng các đánh giá khoa học độc lập đã nhận thấy hoạt động của họ ở đó có “rủi ro thấp và tuân thủ các quy định”.

    Lynas khẳng định nhà máy Kalgoorlie luôn nhằm mục đích “bổ sung chứ không thay thế” các hoạt động tại Malaysia, vốn đã xuất khẩu sang các nước bao gồm Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, Lynas thừa nhận chi phí vận hành tại Australia sẽ cao hơn nhiều. Vào ngày 19/6, họ cho biết tình trạng thiếu lao động đang cản trở nỗ lực hoàn thành cơ sở ở Tây Australia.

    Bất chấp sự gián đoạn, Lynas cho biết nhà máy mới sẽ mở ra những cơ hội mới để phục vụ các quốc gia đang tìm kiếm sự an toàn cho chuỗi cung ứng. Vào tháng 5, chính phủ Mỹ và Australia tuyên bố sẽ hợp tác để quản lý tài nguyên đất hiếm và các khoáng chất quan trọng khác. Nhóm Bộ Tứ (một nhóm gồm hai quốc gia trên cộng với Ấn Độ và Nhật Bản) – đã thảo luận về sự hợp tác tương tự.

    Amanda Lacaze, Giám đốc điều hành của Lynas cho biết: “Nếu chúng ta gạt các vấn đề địa chính trị sang một bên, thì ngay cả đại dịch cũng đã chứng minh rằng nguồn cung từ một nơi duy nhất có thể là rủi ro ở bất kỳ khu vực nào. Một chuỗi cung ứng duy nhất cho đất hiếm là vấn đề, đặc biệt là trong một chuỗi cung ứng nơi nguyên liệu này đóng vai trò rất quan trọng để thành công”.

    Những bất ổn cơ bản về thương mại và chính trị khác đã phủ bóng lên ngành công nghiệp đất hiếm – và những bất ổn này đã thể hiện trong sự biến động giá cả của kim loại. Những tiến bộ công nghệ làm tăng thêm tính khó đoán định của cung và cầu. Vào tháng 3, Tesla cho biết họ sẽ loại bỏ đất hiếm khỏi các loại xe điện thế hệ tiếp theo của mình. Apple đặt mục tiêu sử dụng các nguyên tố đất hiếm tái chế hoàn toàn vào năm 2025.

    Quay lại Mountain Pass, ngay cả ban quản lý vốn đã giúp khôi phục hoạt động của mỏ cũng không cho rằng Mỹ sẽ sớm lấy lại quyền bá chủ về đất hiếm. Cùng với những nỗ lực đưa chuỗi cung ứng chip trở lại Mỹ, Washington và các đồng minh của họ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn lâu dài để khôi phục lại thế mạnh chiến lược đã mất.

    Litinsky thừa nhận: “Hãy thừa nhận thực tế rằng Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng đất hiếm và họ sẽ tiếp tục thống trị nó trong nhiều, nhiều năm nữa”.

    https://nghiencuuquocte.org/2023/07/11


    Không có nhận xét nào