Bình luận của Dương Hồng Vân
08/7/2023
Cựu quan chức Nhà nước Trịnh XuânThanh ra toà ở Hà Nội về tội tham nhũng hôm 22/1/2018 (minh hoạ)
AFP
Năm năm trước, đại gia tham nhũng Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) khóc nấc trong phiên tòa xét xử mình.
Trịnh Xuân Thanh từng gắn liền với những giai thoại truyền kỳ như trơ trẽn đòi cấp dưới cúng tiền để xài Tết hay chê một doanh nhân đeo chiếc đồng hồ Patek Philippe trị giá 1,8 tỷ đồng là “Mày đeo cái này làm đếch gì. Cái này đưa cho bọn lái xe đeo”.
Thế mà trong phiên tòa xét xử mình về tội tham nhũng, gây thiệt hại cực lớn cho Nhà nước và các doanh nghiệp ông ta từng được giữ chức lãnh đạo, tay tổ ăn chơi ngông nghênh một thời lại khóc nấc lên “xin lỗi bác Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rất mong bác tha thứ cho cháu cũng như người con, người cháu trong gia đình”.
Lời xin lỗi vô tiền khoáng hậu, với cách xưng hô và nội dung hết sức thân thiết đã làm dư luận bất ngờ.
Một lãnh đạo doanh nghiệp lớn, một cựu chủ tịch tỉnh tham nhũng, phạm pháp ngang nhiên trắng trợn, trong thời gian dài như thế, như thể chọc trời khuấy nước chẳng ngán thằng tây nào, giờ lại yếu đuối như cô gái nhỏ, phải viện đến tình thân như con cháu (không biết có hay không) để đánh vào tình cảm? Phạm tội thì phải chịu hình phạt, sao lại mong được tha thứ? Và cái kiểu xưng hô bác bác cháu cháu rất chướng tai ở giữa một phiên tòa hình sự đặc biệt nghiêm trọng là có mục đích gì?
Khi ấy nhiều người ra sức phân tích và đoán già đoán non mục đích của Trịnh Xuân Thanh. Thì rõ ràng quá đấy thôi. Nài nỉ, van xin như một đứa bé sợ người lớn đánh đòn, nước mắt ròng ròng cố làm vẻ đáng thương, xin giơ cao đánh khẽ.
Nhưng mình không phải người ta, đoán thì đoán thế thôi chứ không thể xác định có bao nhiêu sự thật.
Mãi đến năm năm sau thì quý vị ơi, tôi đã được khai thị, mặt trời chân lý chói qua tim, tôi đã hiểu rõ rồi.
Hôm 13/5, “bác” Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi tiếp xúc một số cử tri Hà Nội trong dịp tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội.
“Bác” Tổng bí thư nói:
-Vừa rồi có nhiều lãnh đạo cấp cao có vi phạm, khuyết điểm cũng cho thôi (từ chức –TG) rất nhiều. Khuyến khích là thôi. Nếu đã vi phạm rồi, thấy tay nhúng chàm rồi tốt nhất là xin thôi. Như thế là nhẹ nhàng, nhân văn, nhân ái, nhân tình, mở đường cho mà tiến bộ, chứ không cốt xử cho thật nặng.
Nói thật với quý vị, nếu đang làm lãnh đạo, được lời này của “bác” Tổng bí thư, tôi vui như mở cờ trong bụng.
Vì cái đạo nhúng chàm ấy mà, thợ nhuộm chàm ai ai cũng đều biết nó là một quá trình rất bền bỉ, rất chậm rãi, rất dài. Tấm vải trắng nào cũng có sức đề kháng của nó, muốn nhuộm nó thành màu chàm không thể chỉ đơn giản nhúng một vài lần. Phải ngâm, phải vò, phải vắt, giữa quá trình nhúng chàm lại phải vớt lên đem phơi dưới ánh nắng mặt trời, rồi lại bỏ xuống nhúng tiếp. Không ai chỉ mới nhúng chàm vài lần mà bàn tay đã chuyển màu xanh đen được.
Và cho dù có tính toán, cẩn trọng hay bất cần đến bao nhiêu chăng nữa, cũng không một kẻ phạm pháp nào hoàn toàn tự tin rằng mình sẽ thoát khỏi sự trừng trị pháp luật. Chính vì thế nên họ mới cố sức gây bè kết cánh, kéo thật nhiều người quyền thế vào cái xưởng chàm để cùng nhúng tập thể. Không phải chỉ để dễ dàng ăn chia miếng bánh tài sản của nhân dân, mà là để bao che nhau cùng sống. Ai chẳng thuộc lòng câu Trạng chết Chúa cũng băng hà?
Tiền bạc và quyền lực-những thứ họ mà họ mang danh dự và sự an toàn pháp lý để đổi lấy, đã đến ngay từ khi họ bắt đầu quyết định sẽ đem tấm vải trắng đi nhúng chàm.
Theo thời gian, tầm ảnh hưởng và sự lọc lõi, dòng tiền bạc tham nhũng ban đầu chỉ là dòng nước nhỏ len lỏi, dần trở thành dòng suối, rồi dòng sông cuồn cuộn, cuối cùng thành dòng thác ào ạt đổ xuống cuộc sống của họ ngày ngày.
Trịnh Xuân Thanh xuất thân chỉ là con của một cán bộ lãnh đạo cấp cao. Cứ cho là trong nhà đã sẵn tiền thì cũng không phải tài phiệt. Không thể giàu có lóa mắt đến mức xem tiền như rác, xem chiếc đồng hồ 78.000 USD “chỉ đáng để cho bọn lái xe nó đeo”. Giọng lưỡi khinh rẻ người khác, xem họ là hạng dưới, là kẻ hầu người hạ này, thái độ ngông nghênh và thị tiền này chỉ có thể hình thành sau khi Thanh tham nhũng, ăn hối lộ tàn bạo. Y có quá nhiều tiền một cách quá dễ dàng, có nhiều tiền rất lâu trước khi bị bắt và ra tòa khóc nấc lên xin lỗi bác Trọng.
Những kẻ như thế, được học hành đào tạo bài bản, có kiến thức, có hiểu biết, khi nhúng chàm thì không phải do ai xô họ xuống thùng thuốc nhuộm, mà do chính họ quyết định sau khi suy nghĩ và cân nhắc.
Do vị trí cao gây ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực mà họ đang nắm giữ, khi họ vi phạm pháp luật thì thiệt hại không chỉ là tài sản Nhà nước và nhân dân. Nó có thể là sinh mạng người dân và chiến sĩ quân đội (vụ test COVID, vụ chuyến bay giải cứu, vụ các tướng cảnh sát biển ăn chặn tiền sắm sửa vũ khí thiết bị quân dụng…). Hoặc có thể kéo lùi sự phát triển của cả một địa phương, hoặc cả đất nước.
Tại sao sự nhúng chàm của những kẻ như thế lại được “nhẹ nhàng” cho thôi, như lời “bác” Trọng?
Pháp bất vị thân, nghĩa là tất cả mọi người, nếu ai vi phạm pháp luật thì đều phải bị trừng trị. Hành vi nào, hình phạt nấy. Nhưng pháp luật cũng có những điều khoản về những tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ hình phạt. Những quan chức cấp cao nhúng chàm, ra tòa chắc chắn vẫn được hưởng tình tiết giảm nhẹ cho những người từng có thành tích xuất sắc, có công với cách mạng… Nhưng nếu thực sự thượng tôn pháp luật, thì họ phải bị điều tra, khởi tố, xét xử theo đúng trình tự luật định, để làm rõ những tội phạm họ đã phạm, những nạn nhân, những thiệt hại… Sau đó tòa án mới nhân chia cộng trừ, áp dụng hình phạt.
Nói nôm na, dù có là con dòng cháu giống, hậu duệ tiên rồng chi chi nữa mà lên máy bay thò tay mở cửa thoát hiểm thì vẫn phải bị phạt tiền và cấm bay.
Có tội thì phải được xét xử tại phiên tòa công khai, có luật sư bảo vệ quyền lợi, tuân theo trình tự luật định. Đó mới là tính công bằng, nghiêm minh và văn minh của luật pháp.
Còn đã nhúng chàm mà được “cho thôi”, thì chính là hạ cánh an toàn. Là chưa phải hy sinh đời bố nhưng đã củng cố được đời con. Là giơ cao đánh khẽ. Là tiêu chuẩn kép, đạo đức giả, pháp luật mồm. Là mị dân. Là luật rừng.
Mèo tha miếng thịt xôn xao
Kễnh tha con lợn thì nào thấy chi!
Các vị tham nhũng, gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội. Đó chính là các vị đang ăn cướp những đồng tiền xương máu của người dân, của các doanh nghiệp. Của tôi, của chúng tôi-những người tôn trọng luật pháp. Không phải tiền riêng của “bác” Trọng mà “bác” tự quyết định cho “thôi” hay “đem đi tôi vôi”.
Các vị phải trả cho đủ.
Dựa vào tiêu chí nào để cùng là các quan chức nhúng chàm nhưng người thì vô tù, thậm chí có thể chết rục trong tù, còn người thì được tử tế xin rút, được cho thôi “trong danh dự”? Tiêu chí ấy ai đưa ra? Đã được quốc hội thông qua chưa?
Đó không phải là nhân văn, nhân ái, nhân tình. Mà là nhân thể, nhân tiện, nhân từ với con sói và ác với con cừu. Mức độ nhẹ nhất, nó là gia pháp chứ không phải luật pháp. Còn nói thẳng, nó là sự tùy tiện, tha hóa và lũng đoạn pháp luật.
_______
Tham khảo:
https://thanhnien.vn/trinh-xuan-thanh-chau-xin-loi-bac-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-185727051.htm
https://dantri.com.vn/xa-hoi/khong-xung-dang-thi-tu-chuc-di-rut-lui-trong-danh-du-20230513075514648.htm
Không có nhận xét nào