Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ tư 12 tháng 7 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    "Thánh rắc hành" Bùi Tuấn Lâm bị kỷ luật cùm chân sau phiên sơ thẩm

    RFA
    11/7/2023


    "Thánh rắc hành" Bùi Tuấn Lâm bị kỷ luật cùm chân sau phiên sơ thẩm


    Ông Bùi Tuấn Lâm trong một lần nấu ăn từ thiện trước khi bị bắt giam 

    Fb Peter Lam Bui 

    Nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm, người nổi tiếng với biệt danh “thánh rắc hành,” bị kỷ luật cùm chân trong phòng biệt giam ngay sau phiên toà sơ thẩm cuối tháng năm vừa qua.

    Ông Lâm, một nhà hoat động nhân quyền tích cực ở khu vực miền Trung, bị bắt ngày 07/9/2022 về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Trong phiên toà ngày 25/5, ông bị kết án năm năm sáu tháng tù giam và bốn năm quản chế vì nhiều bài viết cổ suý dân chủ và nhân quyền trên mạng xã hội.

    Thông tin ông bị cùm chân được vợ của ông, bà Lê Thanh Lâm cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết sau khi đi thăm gặp chồng vào ngày 04/7 tại Trại tạm giam của Công an thành phố Đà Nẵng.

    Đợt thăm gặp vừa rồi thì tôi thấy sức khỏe của chồng tôi giảm sút nhìn anh ốm hơn rồi nhìn thần sắc anh có vẻ không tốt như lần trước thì anh có báo là anh vừa trải qua một đợt bị kỷ luật án kỷ luật bảy ngày nhưng mà họ cùm chân anh năm ngày thì họ thả anh ra.

     Tôi chưa biết rõ được thông tin vì sao chồng tôi bị kỷ luật và anh chỉ nói nhanh là cái án kỷ luật đó là diễn ra trước phiên tòa nhưng mà sau phiên tòa thì họ mới thực hiện án kỷ luật đó.”

    Về hậu quả của án kỷ luật, bà nói: 

    Giờ anh đi lại bình thường tại vì anh hết án kỷ luật cách ngày tôi thăm gặp hơn một tuần nên anh nói anh ổn không có gì phải lo lắng cả.”

    Phóng viên có gửi email cho Công an thành phố Đà Nẵng và Trại tạm giam của công an thành phố để hỏi thông tin về vụ kỷ luật ông Lâm, nhưng chưa nhận được phản hồi.

    Bà Lâm cho biết hồ sơ kháng cáo của ông Lâm đã được chuyển lên Tòa án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Đà Nẵng và vẫn chưa có lịch xử kháng cáo cụ thể.

    Hai luật sư Lê Đình Việt và Ngô Anh Tuấn vẫn sẽ bào chữa cho ông Lâm trong phiên phúc thẩm, bà Lâm nói.

    Bà bày tỏ về hy vọng một kết cục tốt đẹp hơn từ phiên phúc thẩm:

    Chồng tôi nghĩ rằng là đó là một bản án oan dành cho anh cho nên anh mới kháng cáo và thực sự đó là một bản án oan. Tôi hi vọng rằng với cái nỗ lực kháng cáo này thì có thể bản án sẽ có thể được thay đổi.”

    Ông Bùi Tuấn Lâm, 39 tuổi, bị bắt vào đầu tháng 9 năm ngoái. Việc bắt giữ diễn ra sau khi ông đưa video clip rắc hành lên mạng xã hội mà nhiều người cho rằng ám chỉ việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm ăn thịt bò dát vàng ở một tiệm ăn sang trọng ở London lên mạng xã hội.

    Ông bị cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Khoản 1, Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

    Cụ thể, ông bị kết tội đăng tải 19 bài viết trên danh khoản Facebook “Peter Lam Bui” cùng 25 video và bài viết lên kênh YouTube trong thời gian 2020-2022 với nội dung bị cho là “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” và “bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.”

    Cáo trạng không nhắc gì đến hành động rắc hành, nhại lại động tác của "thánh rắc muối" Salt Bae trong video đút món bò dát vàng đắt đỏ cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm tại nhà hàng nổi tiếng ở thủ đô Anh quốc khi ông này tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị về biến đổi khí hậu COP26.

    Trong phiên toà sơ thẩm, ông Lâm thừa nhận một số hành vi nhưng không cho đó là hành vi phạm tội, vì ông cho rằng đó là thực hành quyền tự do ngôn luận.

    Cũng trong phiên sơ thẩm, thẩm phán chủ toạ đã đuổi luật sư bào chữa Ngô Anh Tuấn ra khỏi phòng xử án khi ông đề nghị đại diện Viện Kiểm sát tranh luận nhằm làm rõ các cáo buộc trong cáo trạng. Sau đó, luật sư Ngô Anh Tuấn bị lập biên bản và phạt hành chính.

    PGS Jonathan London nói về tham nhũng trong giáo dục tại Việt Nam

    Trả lời BBC News Tiếng Việt từ London, PGS Jonathan London nêu ba điều ông cho là đang cản trở sự thăng tiến của lực lượng lao động tại Việt Nam.

    Trao đổi với nhà báo Nguyễn Giang của BBC News Tiếng Việt, PGS Jonathan London cho biết ba điều này bao gồm bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục chất lượng cao, tham nhũng trong nhà trường và bệnh bằng cấp, cùng sự thiếu vắng của các trường nghề dạy kỹ thuật tiên tiến cho người lao động.

    Trong quyển sách "The Routledge Handbook of Contemporary Vietnam" xuất bản tháng 7/2022, với nhiều tác giả quốc tế và Việt Nam do ông chủ biên, nhiều vấn đề của hệ thống chính trị, xã hội, và nền giáo dục Việt Nam được đánh giá chi tiết, với các số liệu đầy đủ. 

    Trong một lần trả lời BBC News Tiếng Việt trước khi ra sách hồi tháng 6/2022, ông nói rằng Việt Nam cần có không gian đa nguyên hơn để phát triển.

    PGS Jonathan London là nhà nghiên cứu, giảng viên đại học người Mỹ chuyên về giáo dục và chính trị đương đại Việt Nam.

    Thanh tra chỉ ra hàng loạt vi phạm trong việc cung ứng điện của EVN

    RFA


    12/7/2023


    Thanh tra chỉ ra hàng loạt vi phạm trong việc cung ứng điện của EVN


    Công nhân điện tại một nhà máy thuỷ điện ở Gia Lai hồi năm 2006 (minh hoạ) 

    Reuters 

    Kết luận thanh tra cho thấy việc để gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng tại khu vực miền Bắc thời gian qua, gây bức xúc trong dư luận, có lỗi của EVN và các cá nhân liên quan.

    Bộ Công thương trong ngày 12/7 cho truyền thông hay sau gần một tháng thanh tra việc cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan, đoàn thanh tra đã có báo cáo cụ thể về kết quả thanh tra.

    Theo kết luận, EVN và các đơn vị liên quan đã chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện; chậm khắc phục sự cố tổ máy của một số nhà máy nhiệt điện làm giảm khả năng cung cấp điện; không chấp hành nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các Quyết định, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về kế hoạch cung ứng điện, biểu đồ cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện làm bị động trong việc chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng.

    Bên cạnh đó, việc điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các loại hình nguồn điện trong nhiều thời điểm; Vi phạm trong chỉ đạo, điều hành, lập lịch, điều độ vận hành hệ thống điện quốc gia mùa khô năm 2023.

    Ngoài ra, EVN và các đơn vị liên quan đã để gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc từ nửa cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6/2023, cắt điện đột ngột, không báo trước, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất - kinh doanh và môi trường thu hút đầu tư.

    Từ những khuyết điểm, vi phạm nêu trên, Bộ Công thương đề nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp căn cứ kết luận thanh tra, chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với Hội đồng thành viên EVN, các cá nhân có liên quan.

    Bộ cũng yêu cầu EVN kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với ban tổng giảm đốc, các ban tham mưu và các cá nhân, tập thể có liên quan đến các vi phạm vừa nêu.

    Cùng với đó, đại diện Bộ Công Thương còn yêu cầu EVN, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than và khoáng sản (TKV) và các đơn vị có liên quan nghiêm túc thực hiện các biện pháp trong quản lý và điều hành cung cấp điện nêu tại kết luận thanh tra, chủ động khắc phục các tồn tại, hạn chế kịp thời, không để tình trạng thiếu điện, tiết giảm điện trong thời gian tới.

    EVN lỗ hơn 20 ngàn tỷ đồng trong năm 2022, dự báo sẽ có thể tiếp tục lỗ

    RFA
    12/7/2023


    EVN lỗ hơn 20 ngàn tỷ đồng trong năm 2022, dự báo sẽ có thể tiếp tục lỗ


    Công nhân điện lắp đồng hồ đo điện ở Hà Nội hôm 1/3/2011 (minh hoạ) 

    AFP 

    Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận lỗ sau thuế 20.747 tỷ đồng trong năm 2022, tuy nhiên hiện đang có hơn 100 ngàn tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn.

    Ghi nhận trên được EVN công bố trong báo cáo tài chính hợp nhất đã qua kiểm toán năm 2022 trong ngày 12/7 và được truyền thông loan trong cùng ngày.

    Theo báo cáo, EVN lỗ 19.515 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh và lỗ sau thuế là 20.747 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ EVN lỗ sau thuế 22.256 tỷ đồng. Tuy vậy, cũng theo báo cáo, khoản mục tiền, các khoản tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn mà EVN nắm giữ là 101.535 tỷ đồng. Khoản tiền gửi này đã mang về cho tập đoàn hơn 3.700 tỷ đồng tiền lãi trong năm qua.

    Lý giải về con số lỗ, đại diện EVN cho biết, năm 2022 giá thành khâu phát điện chiếm tỷ trọng 83,6%; các khâu truyền tải, phân phối - bán lẻ và phụ trợ chỉ chiếm tỷ trọng 16,4%. Do các thông số đầu vào khâu phát điện năm 2022 tăng đột biến làm giá thành khâu phát điện tăng mạnh, từ 1.506,4 đồng/kWh năm 2021 lên 1.698,45 đồng/kWh năm 2022.

    Các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc EVN sản xuất với sản lượng chỉ chiếm 20% tổng sản lượng điện năng của hệ thống, với giá điện bình quân là 859,9 đồng/kWh.

    Với vai trò là người mua duy nhất, để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, EVN cho biết đã phải mua 80% sản lượng điện năng còn lại từ các nhà máy điện độc lập theo các hợp đồng mua bán điện.

    EVN cho biết đang là doanh nghiệp đứng ra chịu toàn bộ khoản lỗ sản xuất kinh doanh năm 2022 thay cho các khách hàng sử dụng điện. Và theo EVN đó cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp sẽ có thể tiếp tục lỗ trong các năm tiếp.

    Ngoài nhiệm vụ của một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện, đại diện EVN phân trần, doanh nghiệp còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ giao trong đầu tư lưới truyền tải và mạng lưới bán điện đến cả vùng núi, hải đảo và bán thấp hơn giá thành, góp phần xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng tại các địa bàn trọng điểm.

    Mỹ muốn tăng cường hợp tác chống nạn mua bán người với Việt Nam 

    11/7/2023 


    VOA Tiếng Việt 



    Một poster trên đường phố ở TPHCM kêu gọi mọi người cảnh giác và ngăn chặn tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em.


    Một poster trên đường phố ở TPHCM kêu gọi mọi người cảnh giác và ngăn chặn tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em. 

    Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội hôm 10/7 bày tỏ “mong muốn được hợp tác với chính phủ Việt Nam” để chống lại nạn mua bán người.

    Dẫn báo cáo về nạn mua bán người năm 2023 của Bộ Ngoại giao Mỹ, cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng Việt Nam “đã thể hiện nỗ lực đáng kể” trong việc chống lại nạn mua bán người.

    Đại sứ quán Hoa Kỳ nói rằng “chính phủ Việt Nam đã tăng cường các nỗ lực truy tố và bảo vệ, xác định và hỗ trợ nhiều nạn nhân bị mua bán hơn, đồng thời thực hiện các biện pháp bảo vệ cho người Việt nam lao động tại nước ngoài trong năm 2022”.

    “Vẫn còn nhiều việc quan trọng phải hoàn thành và Đại sứ quán Hoa Kỳ mong muốn được hợp tác với Chính phủ Việt Nam để tiếp tục đà phát triển tích cực này trong năm tới”, Đại sứ quán viết trên Facebook.

    Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, trong bản báo cáo về tình trạng buôn người trên thế giới hôm 15/6, Việt Nam đã được đưa từ hạng ba (tức hạng cuối) lên hạng hai nhưng vẫn nằm trong danh sách cần phải theo dõi.

    Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, các nước thuộc hạng hai và trong danh sách cần theo dõi “có chính phủ không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu của Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân Buôn người [của Mỹ] nhưng đang có những nỗ lực đáng kể để tuân thủ các tiêu chuẩn đó”.

    Sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra báo cáo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng “Việt Nam ghi nhận phía Mỹ đã có đánh giá tích cực hơn” trong báo cáo năm 2023 về tình hình mua bán người trên thế giới.

    Theo báo chí trong nước, bà Hằng nói tiếp rằng Việt Nam “mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới, để phía Mỹ có đánh giá khách quan, chính xác, toàn diện hơn nữa về tình hình, nỗ lực thực chất của Việt Nam”.

    “Việt Nam cũng sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ cũng như các bên liên quan về những vấn đề hợp tác cụ thể để cùng triển khai hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người”, bà Hằng nói, theo báo Tuổi Trẻ.

    Tuấn Khanh - Phiên tòa « Chiến dịch Hoa Kim Tước » 

      

    "Chiến dịch Hoa Kim Tước” chỉ là một trong hàng trăm cuộc giải cứu công dân đầy khó khăn và nguy hiểm của các nhân viên ngoại giao cũng như những người có trách nhiệm liên quan. 

    Trong công cuộc chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam, những cuộc di tản công dân và bảo hộ công dân này xứng đáng được ghi lại như một phần của thông điệp “không ai bị bỏ lại phía sau", (trích phần giới thiệu ca ngợi sách).

    Sách vẫn đang bán trên các trang mua bán điện tử, với hình bìa mô phỏng chân dung đại sứ Phạm Sanh Châu cúi mặt e ấp với sự khiêm tốn. Bộ mặt của các quan chức Việt Nam trong vụ tham gia vận động và vận hành chiến dịch Chuyến bay giải cứu qua 268 trang sách, phút chốc bỗng sáng rực, lộ rõ trên nền một trời đau thương và tang tóc của những người Việt mắc nạn covid-19 ở nước ngoài.

    Một người bạn đã mỉa mai, chỉ vào cuốn sách vào buổi sáng của phiên tòa diễn ra, nói nên đổi tựa là "Chiến dịch Dân đi tướt", ắt mới có thể diễn đạt được hết nỗi lòng của người dân, mà sách hân hoan mô tả.

    "Qua từng trang viết, trong đó có những lá thư tri ân của người dân gửi đến, mới thấy để đưa được 339 con người ấy về Việt Nam là cả một hành trình nỗ lực khôn cùng. Hơn 6,5 nghìn cuộc điện thoại, hơn 200 văn bản gửi về nước và chính quyền các cấp của Ấn Độ, cùng vô số tình huống nan giải, thậm chí “thót tim” mà tập thể 31 cán bộ tham gia chiến dịch đã trải qua", sách được giới thiệu như vậy.

    Giờ thì những quan chức tham gia "hành trình nỗ lực khôn cùng" ấy, cũng đang thót tim khi nghe nhân dân nhắc, nhớ đến tên mình.

    Sách cũng nên được thêm vào phần bổ sung hồ sơ làm rõ, trong cuộc điều tra về vụ án trục lợi phi nhân khó tin ở thế kỷ 21 này.

    Vụ chuyến bay giải cứu: Giám đốc khai đưa hối lộ 41 lần, được cấp phép 66 chuyến bay

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/07/chuyebaygiaicuu1.jpg


    Các bị cáo tại phiên tòa hôm 11/7. (Ảnh: vov.vn) 

    Đưa hối lộ đến hơn 34,6 tỷ đồng, Công ty An Bình của bị cáo Hoàng Diệu Mơ và 5 công ty liên kết đã được các cán bộ có thẩm quyền cấp phép 66 chuyến bay.

    Tiếp tục phần xét hỏi của phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu” trong sáng ngày 12/7, HĐXX xét hỏi bị cáo Hoàng Diệu Mơ – Giám đốc Công ty An Bình.

    Theo đó, bị cáo này thừa nhận hành vi đưa hối lộ cho các cán bộ thuộc Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công An) và Bộ Y tế.

    Cụ thể, vào tháng 7/2021, bị cáo Mơ gửi hồ sơ xin cấp phép đến Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, phía Cục Lãnh sự có trả lời là không được vì phía Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A08) chưa trả lời.

    Để được giải quyết, bị cáo Mơ chủ động sang gặp ông Trần Văn Dự – Phó Cục trưởng A08 thì được ông Dự tiếp và yêu cầu phải chung chi ở mức 150 triệu đồng/chuyến bay hoặc 2 triệu đồng/khách. Sau đó bị cáo Mơ đồng ý với mức chi 150 triệu đồng/chuyến bay. Ông Dự yêu cầu bị cáo Mơ liên hệ với ông Vũ Anh Tuấn – Phó Trưởng phòng, A08 để đưa tiền và thực hiện các thủ tục.

    Sau đó, ông Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) chủ động liên hệ với bị cáo Mơ qua điện thoại và cũng yêu cầu Mơ phải chi 150 triệu đồng/chuyến bay nếu không thì sẽ không được ký duyệt văn bản chấp thuận.

    Bị cáo Mơ đã đưa hối lộ cho 7 cá nhân có thẩm quyền với tổng số 41 lần số tiền 34,6 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo đưa 8 lần số tiền 8,5 tỷ đồng cho cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, 11 lần số tiền 13,2 tỷ đồng cho Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự), 7 lần số tiền 2,6 tỷ đồng cho Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự), 3 lần số tiền 60 triệu đồng cho Lê Tuấn Anh (Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự), 3 lần số tiền 43 triệu đồng cho Lưu Tuấn Dũng; 4 lần số tiền 5,12 tỷ đồng cho Vũ Anh Tuấn; đưa 4 lần số tiền 5,12 tỷ đồng cho Phạm Trung Kiên.

    Khi được HĐXX hỏi lý do lại đưa tiền cho các cán bộ trên, bị cáo Hoàng Diệu Mơ cho biết: “Bị cáo muốn xin tổ chức chuyến bay vì nhu cầu có việc để làm, vì vậy bị cáo tìm anh Tô Anh Dũng để nhờ anh Dũng tạo điều kiện giúp đỡ. Quá trình xin cấp phép bị cáo thấy rất nhiều thủ tục, rất nhiều việc nên sợ rủi ro vì lỗ nếu không bay được nên bị cáo chủ động tìm anh Dũng để mong anh Dũng giúp. Sau đó anh Dũng giới thiệu bị cáo xuống Cục Lãnh sự gặp chị Nguyễn Thị Hương Lan, Đỗ Hoàng Tùng”.

    Bị cáo này cũng khẳng định ở Bộ Ngoại Giao không có cá nhân nào yêu cầu bị cáo phải chi tiền, tuy nhiên, bị cáo vẫn chủ động đưa để được chấp thuận và cấp phép đúng thời gian như mong muốn của bị cáo.

    Khi được HĐXX hỏi: “Khi bị cáo đưa tiền thì có ai từ chối không?”, bị cáo Mơ cho biết các cán bộ nhận tiền đều không biết trong túi quà có bao nhiêu tiền nên vẫn nhận.

    “Trong lần đầu đưa tiền thì anh Tô Anh Dũng bảo: “Lần sau không được đưa tiền cho anh nữa” nhưng vẫn nhận. Và những lần đưa tiếp theo, anh Dũng đều nhận cả”, bị cáo Hoàng Diệu Mơ cho biết.

    Bị cáo này cũng cho rằng trong hoàn cảnh buộc phải duy trì hoạt động của doanh nghiệp, bị cáo chấp nhận đưa tiền để việc cấp phép được thuận lợi.

    “Nếu không đưa tiền thì khả năng sẽ không được cấp phép hoặc nếu được thì cũng sẽ không được nhiều như vậy”, bị cáo Mơ nói.

    Công ty An Bình của Hoàng Diệu Mơ và 5 công ty liên kết đã được các cán bộ có thẩm quyền cấp phép 66 chuyến bay.

    Trong quá trình điều tra, bị cáo Mơ và gia đình đã nộp 2,4 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

    Khánh Vy

    Nới “room” tín dụng lên mức 14% từ giữa năm: động thái lạ của Ngân hàng Nhà nước VN

    Hàn Lam/VNTB

    VNTB – Nới “room” tín dụng lên mức 14% từ giữa năm: động thái lạ của Ngân hàng Nhà nước VN

    Để đạt được mức tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm nay, thì từ nay đến cuối năm hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ròng ra nền kinh tế thêm hơn 1,1 triệu tỷ đồng.

    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng nhằm cung ứng thêm vốn tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, và điều này dẫn đến lo ngại của rủi ro lạm phát.

    Trong các năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước thường chia thành nhiều đợt nới “room” tín dụng, rơi vào đầu, giữa và cuối năm. Hiếm khi cơ quan này phân bổ hết hạn mức tín dụng ngay từ giữa năm.

    Số liệu thống kê cho biết cuối tháng 6-2023, dư nợ cho vay toàn hệ thống là 12,4 triệu tỷ đồng, chỉ tăng hơn 4,7% so với cuối 2022. Nguyên nhân chính không đến từ việc thiếu “room” mà do doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đầu ra kém và lãi suất cao. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm ngoái, tín dụng đã tăng 8-9% so với đầu năm, nhiều ngân hàng chạm trần hạn mức tăng trưởng.

    Trước đó, hồi tháng 2-2023, Ngân hàng Nhà nước đã giao “room” tín dụng cho các ngân hàng thương mại cả nước với mức tổng 11%, với định hướng cả năm tăng 14 – 15%.

    Ước tính, để đạt được mức tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm nay thì từ nay đến cuối năm, hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ròng ra nền kinh tế thêm hơn 1,1 triệu tỷ đồng.

    Nguy cơ mất giá tiền đồng là một cảnh báo đang được đưa ra. Đại diện Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, hiện tại chênh lệch lãi suất USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức cao kỷ lục, cao nhất là 4,4 điểm % đối với lãi suất qua đêm và thấp nhất là 0,6 điểm % đối với lãi suất kỳ hạn 3 tháng. Tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, lãi suất VND cao hơn khoảng 0,3 – 1,4 điểm % so với lãi suất USD.

    VDSC cho rằng, chênh lệch lãi suất nới rộng hiển nhiên sẽ kích thích hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất và tạo nên áp lực mất giá tiền đồng. Trong khi đó, đa số các tổ chức tài chính đều cho rằng triển vọng đồng USD nửa cuối năm 2023 là tích cực. Kỳ vọng chung, đồng tiền này sẽ neo ở mức cao nhờ lãi suất hấp dẫn và vai trò nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh kinh tế thế giới lao đao.

    Các chuyên gia còn lưu ý một số yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá VND trong nửa cuối năm 2023, bao gồm lãi suất điều hành của Fed có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi Ngân hàng Nhà nước định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.

    Thêm vào đó, lạm phát trong nước có thể tăng từ cuối quý III/2023. Tuy vậy, tỷ giá VND vẫn sẽ được hỗ trợ bởi các yếu tố như thặng dư thương mại duy trì mức cao, vốn FDI và lượng kiều hối ổn định, các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ, Việt Nam hiện duy trì lãi suất thực cao.

    Như vậy, xem ra từ nay đến cuối năm 2023, hệ thống tổ chức tín dụng sẽ phải tăng trưởng tín dụng gần gấp đôi nửa đầu năm để đạt được mục tiêu 14% cả năm.

    Trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí hôm 11-7-2023, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã việc điều chỉnh hạn mức (room) tín dụng, là dựa vào việc đánh giá tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng và còn phải đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ…

    Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối tháng 4-2023, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt 6,33 triệu tỷ đồng, tăng 7,96% so với cuối năm 2022. Đây là mức cao nhất kể từ trước tới nay. Nửa đầu năm 2023, dù lãi suất huy động đã trải qua 4 lần giảm ăn theo lãi suất điều hành hạ nhưng tiền gửi dân cư vào ngân hàng vẫn tăng đều.

    Góc nhìn chuyên môn cho rằng theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay bình quân đến giữa tháng 6-2023 ở mức 8,9%. Sau khi trừ lạm phát, lãi suất cho vay thực 6,9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cũng như mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2013-2021. Đây là mức lãi suất cản trở phục hồi kinh tế và tăng trưởng, đồng thời làm tăng nợ xấu.



    Không có nhận xét nào