Quê Hương tổng hợp
Bộ trưởng Công an CSVN Tô Lâm dẫn đầu đoàn công tác đến Đắk Lắk
29/6/2023
Đại tướng Tô Lâm cùng đoàn công tác thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ công an ở hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu
Người Lao Động
Bộ trưởng Công an Việt Nam, ông Đại tướng Tô Lâm, vào ngày 29/6 dẫn đầu một đoàn công tác đến làm việc tại tỉnh Đắk Lắk.
Bộ Công an loan tin trong cùng ngày và cho biết phái đoàn do đích thân người đứng đầu ngành dẫn đầu còn có Thượng tướng Lương Tam Quang- Thứ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo các Cục Nghiệp vụ của bộ này cùng tham gia.
Trước đoàn công tác do đích thân Bộ trưởng Công an Tô Lâm dẫn đầu, vào ngày 26/6, Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng cử một đoàn đến Đắk Lắk do Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân làm trưởng đoàn. Mục đích được nêu rõ là kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk.
Như tin đã loan, vào rạng sáng ngày 11/6 vừa qua hai nhóm đối tượng gồm khoảng 40 người có trang bị súng đạn, dao tấn công vào trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Đây là tỉnh giáp ranh với tỉnh Mondulkiri của Campuchia.
Vụ tấn công đã khiến chín người thiệt mạng bao gồm bốn công an, hai cán bộ xã và ba người dân. Ngoài ra còn có ba người dân bị bắt làm con tin, một người trong số này tự giải thoát, hai người còn lại được giải thoát sau đó.
Sau vụ nổ súng, công an đã được huy động để truy bắt những người bị tình nghi có liên quan đến vụ việc. Những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội và được người dân cung cấp cho RFA cho thấy hình ảnh những người Thượng bị trói tay và bắt giữ.
Vào ngày 20/6, người đứng đầu cơ quan Công an tỉnh Đắk Lắk- Thiếu tướng Lê Vinh Quy, cho biết, “tất cả các đối tượng cầm đầu của vụ tấn công này đều đã bị bắt giữ. Hiện chỉ còn hai đối tượng đang bỏ trốn nhưng không có vai trò chủ chốt và lực lượng công an đang quyết tâm truy bắt bằng được để xử lý theo quy định.”
Trung Quốc bình luận việc Hàn Quốc liên kết Việt Nam khai thác đất hiếm
Nguyễn Hải Hoành
30/6/2023
Ngày 26/6, Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc bình luận như sau về vấn đề trên:
Tin ngày 15 tháng 12, 2022 – Doanh nghiệp Việt Nam sẽ khai thác mỏ đất hiếm Yên Phú ở Yên Bái, chế biến và dự kiến mỗi năm xuất khẩu 1.000 - 2.000 tấn sang Hàn Quốc.
Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã kết thúc bằng việc "củng cố quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước và mở ra một kỷ nguyên hợp tác hướng tới tương lai mới" – báo Korea Herald ngày 25 bình luận.
Theo tin của báo này, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Việt Nam đã nhất trí thực hiện các biện pháp nhằm củng cố hợp tác chuỗi cung ứng khoáng sản cốt lõi giữa hai nước. Yoon Suk Yeol cho biết trong một tuyên bố chung rằng hạng mục quan trọng nhất trong hiệp định là việc hai nước quyết định thành lập một trung tâm cung cấp khoáng sản cốt lõi liên quan đến khai thác đất hiếm ở Việt Nam.
Theo báo Dong-A Ilbo của Hàn Quốc, “Sự hợp tác của Hàn Quốc và Việt Nam trong chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng như đất hiếm là để giảm sự phụ thuộc [của Hàn Quốc] vào Trung Quốc về vật liệu cốt lõi bán dẫn”. Liên quan đến thỏa thuận giữa Hàn Quốc và Việt Nam về việc thành lập trung tâm chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng như đất hiếm, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nói với Hãng thông tấn Yonhap rằng hành động này "không nhằm vào một quốc gia cụ thể nào" và chỉ hy vọng rằng chuỗi cung ứng công nghiệp của Hàn Quốc sẽ ổn định hơn.
Là nguyên liệu cốt lõi của các ngành công nghiệp tiên tiến như chất bán dẫn và pin xe điện, đất hiếm được gọi là "gạo của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư". Báo Nihon Keizai Shimbun" (Tin tức Kinh tế Nhật Bản) đưa tin rằng hiện nay các công ty trên khắp thế giới đang chạy đua để đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng các khoáng sản chính được sử dụng để sản xuất các sản phẩm như xe điện, chất bán dẫn và điện thoại thông minh.
Hàn Quốc là một bên quan trọng tham gia các lĩnh vực này, có Hyundai Motor và nhà sản xuất chip lớn Samsung là những công ty phụ thuộc vào nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng. Tuy nhiên, do thiếu các khoáng sản và nguyên liệu khác cần thiết để sản xuất các sản phẩm này, Hàn Quốc phải tìm kiếm nguồn cung từ nước ngoài.
Năm ngoái, Việt Nam sản xuất 4.300 tấn đất hiếm, gấp 10 lần so với năm 2021, theo số liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS). Năm 2022, sản lượng khoáng sản đất hiếm toàn cầu là 300.000 tấn. Với việc cải thiện các chỉ số khai thác và tách đất hiếm, sản lượng đất hiếm của Trung Quốc đạt 210.000 tấn vào năm 2022, chiếm khoảng 70% tổng sản lượng của thế giới. Mặc dù sản lượng khai thác đất hiếm của Việt Nam hiện nay kém xa Trung Quốc nhưng trữ lượng của Việt Nam đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Đến cuối năm 2022, trữ lượng đất hiếm đã được xác minh của thế giới sẽ là 130 triệu tấn, trữ lượng của Trung Quốc sẽ đạt 44 triệu tấn và trữ lượng của Việt Nam là 22 triệu tấn, bằng một nửa của Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc, vào năm 2021, mức độ phụ thuộc (của Hàn Quốc) vào Trung Quốc về đất hiếm nam châm vĩnh cửu dùng trong xe điện sẽ là 86%, mức độ phụ thuộc về đất hiếm cần thiết cho sản xuất chất bán dẫn là 54%. Ngoài ra, mức độ phụ thuộc Trung Quốc về lượng lithium, coban và mangan cần thiết cho vật liệu lưỡng cực của pin năng lượng mới lần lượt là 84%, 69% và 97%.
Nhật báo Dong-A Ilbo đưa tin rằng điều này có nghĩa là hầu hết các khoáng sản cốt lõi của Hàn Quốc đều phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, thế giới bên ngoài không mấy lạc quan về việc Hàn Quốc quay sang Việt Nam để tìm kiếm nguồn cung đất hiếm thay thế cho Trung Quốc. Trang web ohmynews của Hàn Quốc dẫn lời Jiang Mingjiu, giáo sư tại Đại học Thành phố New York, Mỹ, nói rằng: Mỹ và Châu Âu sử dụng "giảm rủi ro" thay vì "đứt gãy" để định vị quan hệ kinh tế và thương mại của họ với Trung Quốc: Một trong những lý do quan trọng là quyền quyết định tuyệt đối của Trung Quốc trong lĩnh vực đất hiếm. Khi nhu cầu toàn cầu về đất hiếm tiếp tục tăng, Trung Quốc kiểm soát việc sản xuất đất hiếm toàn cầu, hiện tại chưa quốc gia nào có thể thay thế vị trí của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu.
TIN VIỆT NAM:
Chiều 15/12/2012, ông Lưu Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam đã ký kết hợp tác khai thác, xuất khẩu đất hiếm với Công ty TNHH Kim loại ASM & KSM và chính quyền tỉnh Chungcheongbuk-do, Hàn Quốc.
Ông Tuấn cho biết, đối tác Hàn Quốc không yêu cầu nguồn cung đất hiếm ở đâu mà chỉ cần thành phẩm. Tuy nhiên, để tối ưu hóa nguồn nguyên liệu, Công ty này mong muốn phối hợp với chủ mỏ ở xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, là Công ty Cổ phần tập đoàn Thái Dương để khai thác, thay vì nhập khẩu từ nước ngoài. Mỏ Yên Phú có trữ lượng khoảng 30.000 tấn đất hiếm thành phẩm (mức độ chế biến sâu trên 99%).
"Để có công nghệ khai thác phù hợp, chúng tôi đã lấy mẫu về nghiên cứu từ năm 2017", ông Tuấn nói và cho biết đang phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái, chủ mỏ để phê duyệt cho nghiên cứu áp dụng công nghệ chế biến sâu từ nguồn tinh quặng mỏ Yên Phú, sau đó triển khai ở quy mô công nghiệp.
Nếu các bên thương thảo thành công, dự kiến việc khai thác kéo dài khoảng 10 năm. Ban đầu lượng đất hiếm thành phẩm phía đối tác Hàn Quốc yêu cầu khoảng 1.000 tấn/năm, sau đó tăng lên 2.000 tấn/năm.
Chiều 15/2/2023, UBND tỉnh Lai Châu làm việc với Công ty Landel Energy (Hàn Quốc) bàn giải pháp khai thác đất hiếm, phát triển pin và dự án sân bay Lai Châu.
N.H.H.
Nguồn: FB Hải Hoành Nguyễn
https://boxitvn.blogspot.com/2023/06/trung-quoc-binh-luan-viec-han-quoc-lien.html#more
Thành Hồ lại thành hồ… nước mênh mông
Lê Thiệt /SGN
Cơn mưa lớn kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ khiến một số tuyến đường ở thành Hồ như Nguyễn Văn Khối, Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp)… ngập sâu -Ảnh: Thanh Niên
“Cơn mưa lớn kéo dài vào chiều ngày 29 Tháng Sáu khiến nhiều con đường trên địa bàn Sài Gòn ngập sâu trong nước, nhiều đoạn nước chảy cuồn cuộn gây khó khăn cho người đi đường, nhất là lại vào giờ tan tầm”.
Người dân chật vật đẩy xe qua đoạn ngập sâu – Ảnh: Thanh Niên
Báo Lao Động tường thuật như thế về một cơn mưa như trút nước, bắt đầu vào khoảng 3 giờ chiều, kéo dài đến gần 6 giờ chiều. Thành Hồ bỗng thành hồ… nước lớn, có nơi thành sông, nhìn từ trên cao, mọi người như bơi về nhà.
Người dân lội nước ngập dắt xe chết máy tìm nơi sửa – Ảnh: VNExpress
Theo báo Thanh Niên, nhiều con đường như Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ… (Q.Gò Vấp), đường Hồ Học Lãm, An Dương Vương… (Q.Bình Tân) ngập nặng, mênh mông biển nước.
Nước ngập sâu, có đoạn tới tận yên xe khiến người dân vừa bơi vừa đẩy xe trong dòng nước chảy xiết trên đường để vượt qua đoạn ngập. Có người ngã chúi nhủi xuống nước vì sóng khi một xe hơi cố chạy nhanh để khỏi bị chết máy. Một số đoạn nước ngập sâu khiến xe chết máy, người dân phải bì bõm lội nước dắt xe tìm chỗ sửa.
Nước ngập trước nhiều quán bar, quán ăn ở phố đi bộ Bùi Viện – ảnh: Thanh Niên
Tại đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, nước ngập một đoạn dài hơn 500m. Nhiều hàng rào sắt, biển quảng cáo bị ngã đổ. Theo người dân sống tại đây, nguyên nhân gây ngập là mưa lớn kéo dài, thêm vào đó là hệ thống cống thoát nước chậm.
Phố đi bộ Bùi Viện (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) cũng bị ngập sau cơn mưa lớn. Nước ngập khiến người dân phải di chuyển chậm qua đoạn đường. Anh Vũ Văn Thành (27 tuổi, nhân viên quán bún thịt nướng trên đường Bùi Viện) cho biết hôm nay ngập sâu hơn những ngày trước. “Ban ngày mưa ngập, đêm tối mưa cũng vậy vì chỗ này là chỗ trũng. Mưa khoảng 30 phút nữa nước sẽ tràn vào nhà. Mỗi lần xe hơi chạy qua nước đều tràn vào quán. Quán tôi bán 24/24, cứ trời mưa là không có khách”.
Xe cứu hộ giải cứu chiếc xe tải nhẹ trên đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) – Ảnh: Thanh Niên
Khi Thành Hồ thành hồ nước hay thành sông, chỉ có hai giới thích: Các công ty cứu hộ, chỉ cần giải cứu xe hơi trong một hai tiếng đồng hồ, họ có thể bỏ túi cả chục triệu. Còn trẻ em, chúng la hét sung sướng dưới các máng xối nước, thậm chí chúng còn nằm lăn ra đường, tưởng tượng như đang được bơi trong một dòng sông mát lạnh.
Trời mưa tạo niềm vui cho trẻ em – Ảnh: Thanh Niên
Ngoài tình trạng ngập nước, hàng loạt tuyến đường xảy ra kẹt xe nghiêm trọng sau mưa như Quốc lộ 13, Quốc lộ 1, xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức), đường Điện Biên Phủ (quận 3)… Trong đó, Quốc lộ 1 là điểm kẹt xe nghiêm trọng nhất. Dòng xe dài hơn 7km nối đuôi nhích từng chút một.
Đường Quốc lộ 1 kẹt xe dài tới 7 km trong nhiều giờ – Ảnh: VietnamNet
Không có nhận xét nào