Quê Hương tổng hợp
Người dân Vườn rau Lộc Hưng gặp đại diện Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ
RFA
20/7/2023
Hai viên chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và một số bà con vườn rau Lộc Hưng chụp hình chung sau cuộc gặp, chiều 20/7/2023
Hình do ông Cao Hà Trực gửi RFA
Hôm 20 tháng 7 năm 2023, hai nhân viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ là ông Rustum Nyquist - Viên chức Chính trị và bà Lindsey Posmanick - Viên chức Ngoại giao thuộc Văn phòng Đông Á Thái Bình Dương - có cuộc gặp với bà con Vườn rau Lộc Hưng, TP.HCM, nơi đã xảy ra vụ cưỡng chế, phá huỷ hơn 200 căn nhà của người dân vào năm 2019 gây phản đối gay gắt từ phía người dân.
Trao đổi với RFA tối cùng ngày, ông Cao Hà Trực, một trong những người trong Ban Đại Diện cho dân oan Vườn rau Lộc Hưng cho biết, khoảng một năm trước, nhân Ngày tự do báo chí, ông có dịp gặp một số viên chức lãnh sự quán Hoa Kỳ. Ông có trình bày với họ tình trạng Vườn rau Lộc Hưng. Đó là lý do hôm nay họ đến nhà ông để tìm hiểu sự việc. Có 12 nạn nhân Vườn rau Lộc Hưng cùng tham dự buổi gặp gỡ. Ông Cao Hà Trực nói:
“Họ gặp chúng tôi từ lúc 3 giờ 20 đến 5 giờ 20 ngày 20 tháng 7 năm 2023. Họ hỏi sự việc vườn rau Lộc Hưng và bà con có trình bày nguồn gốc vườn rau từ năm 1954 đến nay và sự kiện ngày 8 tháng 1 năm 2019, chính quyền ngang nhiên vô đập phá mà không có một Quyết định nào hết. Phía chính quyền vẫn nói để bà con ra vô bình thường nhưng thực tế họ cho bốn chốt dân phòng canh gác không cho bà con vô khu vườn.
Phía nhân viên lãnh sự quán rất lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con vườn rau. Sau khi bà con trình hết, họ nói rằng, những gì họ nghe cho thấy đó là sự bất công đối với bà con. Họ nói rằng sẽ tiếp tục báo cáo cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và sẽ có buổi làm việc với chính quyền Việt Nam.”
Vào các ngày 4 và 8 tháng 1 năm 2019, chính quyền quận Tân Bình, TPHCM đã huy động lực lượng đến san ủi, cưỡng chế khoảng 200 căn nhà ở Vườn rau Lộc Hưng, bất chấp sự phản đối của người dân. Những người dân bị cưỡng chế cho biết đất của họ là từ đời cha ông (thời Pháp) để lại. Chính quyền thành phố nói việc cưỡng chế chỉ thực hiện với 112 nhà xây dựng trái phép từ ngày 1 tháng 1 năm 2018 và khu đất vườn rau thuộc quyền quản lý của Nhà nước từ sau năm 1975.
Người dân Vườn rau Lộc Hưng khẳng định họ có căn cứ pháp lý xác định khu đất vườn rau thuộc quyền sở hữu của họ từ năm 1954 đến nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã cố tình không cấp quyền sử dụng đất cho bà con với mục đích “cướp” hơn năm héc-ta đất.
Ông Trực cho biết, ông cùng một số bà con vườn rau đã hai lần ra Hà Nội đưa đơn yêu cầu thành lập đoàn thanh tra nhưng rồi đến nay vẫn chưa có kết quả. Ông và bà con cũng được hứa sẽ có cuộc họp với đại biểu Quốc hội ở TP.HCM nhưng đến nay phía chính quyền vẫn lần lữa.
Ông Cao Hà Trực nói thêm về buổi gặp gỡ với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 20 tháng 7 năm 2023:
“Họ hỏi bà con muốn nói gì nữa với họ, tôi nói rằng bà con ở đây chỉ mong muốn phía chính quyền phải thực hiện luật pháp Việt Nam. Việt Nam đã có cam kết và bang giao với Hoa Kỳ, và cũng ký rất nhiều công ước. Việt Nam cũng nhiều lần nỗ lực thay đổi luật pháp nhưng chỉ trên giấy tờ chứ thực tế họ không thực hiện. Bà con muốn Hoa Kỳ có tiếng nói với Chính phủ Việt Nam để thực thi những công ước quốc tế. Bà con nói rằng, bà con muốn chính quyền phải đối thoại với bà con vườn rau Lộc Hưng trên tinh thần xây dựng để bà con được hưởng quyền lợi chính đáng.
Họ nói rằng họ ghi nhận những ý kiến và nói thêm rằng, ngay họ cũng muốn Việt Nam và Hoa Kỳ có mối quan hệ bình thường qua việc đối thoại, nên họ cũng muốn Chính phủ Việt Nam đối thoại với bà con cho rõ ràng.”
Đài Á Châu Tự Do đã liên hệ đại diện Ngoại giao Hoa Kỳ đến thăm Vườn rau Lộc Hưng để xin phản ứng nhưng chưa nhận được trả lời.
Vụ cưỡng chế đất vườn rau Lộc Hưng đã gặp phải nhiều phản ứng ở trong nước và quốc tế. Một dân biểu Liên minh Châu Âu và Mỹ cũng đề cập đến vụ cưỡng chế này khi nói đến tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam hồi năm 2019.
Vào tháng 9 năm 2019, một phái đoàn của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã gặp gỡ các đại diện của cộng đồng Công giáo sinh sống ở Vườn rau Lộc Hưng nhằm tìm hiểu vụ việc.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ khẳng định ưu tiên thắt chặt quan hệ an ninh và kinh tế với Việt Nam
20/7/2023
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thăm nhà máy sản xuất xe máy điện Selex ở Hà Nội hôm 20/7/2023
AFP
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đang thăm Việt Nam hôm 20/7 nói rằng bà đã gặp với các quan chức Chính phủ Việt Nam trong chuyến thăm nhằm thắt chặt các mối quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia ở khu vực Châu Á.
Bà Yellen đến Việt Nam sau khi đến Trung Quốc và Ấn Độ - nơi bà dự cuộc họp về tài chính của nhóm 20 quốc gia công nghiệp hàng đầu.
AP dẫn thông báo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, bà Yellen đã nói với Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Hoa Kỳ xem Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương mở.”
Khái niệm Ấn Độ Thái Bình Dương mở được Hoa Kỳ thúc đẩy nhằm gây dựng quan hệ khăng khít hơn với các quốc gia trong khu vực, đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng từ Trung Quốc.
“Việt Nam là một đối tác kinh tế gần gũi, với thương mại hai chiều đạt kỷ lục vào năm ngoái và Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam” - AP trích lời bà Yellen nói.
Bà Yellen cũng khẳng định một trong những ưu tiên của chính phủ Mỹ là làm sâu hơn mối quan hệ với Việt Nam trong thời gian tới.
Mỹ và Việt Nam bình thường hoá quan hệ từ năm 1995 và thương mại hai chiều đã gia tăng nhanh chóng sau các năm từ 450 triệu đô la lên hơn 138 tỷ đô la vào năm ngoái.
Người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ cũng nói đến khoản tài trợ 15 tỷ đô la mà Mỹ và các quốc gia công nghiệp phát triển cam kết cho Việt Nam để chuyển đổi việc sử dụng nguyên liệu từ than sang các nguồn thân thiện với môi trường.
Hôm 20/7, bà Yellen cũng có cuộc gặp với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và thông báo về một đối thoại chính sách kinh tế mới giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính Mỹ.
Trong cuộc gặp với người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bà Yellen đã cảm ơn phía đối tác Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với phía Mỹ để giải quyết những quan ngại từ phía Mỹ.
Vào tháng 5/2019, Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam vào “danh sách giám sát” thao túng tiền tệ. Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó đã phàn nàn về tình trạng Mỹ nhập siêu quá mức từ Việt Nam.
Vào tháng 11 năm 2021, Bộ Tài chính Mỹ thông báo đưa Việt Nam khỏi “danh sách giám sát” thao túng tiền tệ.
ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 5,8% cho năm 2023
20/7/2023
Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm tài chính lớn nhất Việt Nam.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,5% xuống 5,8% cho năm nay, và từ 6,8% xuống 6,2% cho năm 2024, theo Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 7/2023 vừa được công bố ngày 19/7.
Báo cáo nói nguyên nhân là do nhu cầu bên ngoài suy yếu tiếp tục gây áp lực lên lĩnh vực sản xuất công nghiệp và chế tạo của Việt Nam khiến sản lượng bị kìm hãm chỉ còn ở mức 0,4%, con số nửa năm thấp nhất trong cả chục năm qua.
Theo phân tích trong báo cáo, tình trạng tăng trưởng thương mại yếu đi kể từ tháng 3/2023 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu.
Ngoài ra, lĩnh vực công nghiệp sản xuất cũng bị ảnh hưởng bởi sự cố mất điện gần đây ở khu vực miền bắc và những vấn đề phức tạp trong lĩnh vực bất động sản.
Cuộc khủng hoảng tín dụng nhằm đối phó với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và ngân hàng tiếp xúc với rủi ro tài sản tăng cao đã siết chặt ngành xây dựng. Tuy vậy, tình hình du lịch nội địa bắt đầu phục hồi đã thúc đẩy tiêu dùng, với bán lẻ doanh số bán hàng tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa đầu năm 2023.
Lạm phát của Việt Nam được dự báo sẽ chậm lại ở mức 4% trong năm 2023 và 2024, vẫn theo báo cáo của ADB.
ADB không phải là tổ chức duy nhất hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay.
Việt Nam đặt ra mục tiêu GDP 6,5% cho năm 2023. Tuy nhiên, một số tổ chức tài chính lớn cho rằng đây là một mục tiêu đầy thách thức.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP Việt Nam năm nay khoảng 4,7%, thấp hơn 1,1 điểm % so với dự báo trước đó, vì lý do tổng cầu bên ngoài giảm mạnh trong nửa đầu năm đã tác động đến xuất khẩu.
Hồi đầu tháng này, Ngân hàng UOB (Singapore) cũng cho rằng Việt Nam sẽ rất khó đạt được mức tăng trưởng 6% mà họ đưa ra hồi đầu năm và hạ mức dự báo này xuống còn 5,2%. UOB dự báo nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có thêm đợt cắt giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng.
Việt Nam thua cả Timor L’Este về “quyền lực hộ chiếu”
Lê Hồng Hiệp
21/7/2023
Ảnh chụp màn hình
Việt Nam dù đã phát triển kinh tế gần 40 năm nay, lãnh đạo tự hào là cơ đồ, vị thế của Việt Nam chưa bao giờ được như hôm nay…
Tuy nhiên, người Việt Nam đi nước ngoài đa phần đều phải xin visa. Cụ thể, trong 11 nước Đông Nam Á, hộ chiếu của Việt Nam xếp thứ 8 nếu xét về số lượng các nước miễn visa cho công dân của mình, chỉ trên Campuchia, Lào và Myanmar. Trong số 55 nước miễn visa cho công dân Việt Nam thì ngoại trừ các nước ASEAN, đa phần các nước còn lại đều là các nước nhỏ, nghèo, xa xôi, ít ai muốn đến. Bất ngờ là hộ chiếu của Việt Nam ít “quyền lực” hơn cả hộ chiếu Timor L’Este, vốn đi được 94 nước mà không phải xin visa.
Có người nói việc phải xin visa không phải là rào cản đối với khách du lịch, mà chủ yếu là Việt Nam phải nâng cao chất lượng dịch vụ nếu muốn thu hút khách. Nhưng chắc chắn đó là vì người đó chưa bao giờ xin visa đi du lịch, hoặc họ nói đại, hay có lợi ích gì với việc giữ visa. Còn mình đã từng nhiều lần phải đi xin visa để đi du lịch, công tác… thì thấy xin visa cực kỳ mất thời gian, tốn kém, phiền phức, đôi khi còn thấy “nhục” nữa. Vì vậy mình thấy việc phải xin visa rõ ràng là một rào cản đối với du khách.
Một lý do quan trọng khiến dân Việt Nam được ít nước miễn visa là vì Việt Nam cũng miễn visa cho rất ít nước. Hiện nay Việt Nam mới miễn visa cho công dân của 25 nước. Theo nguyên tắc có đi có lại, các nước khác không miễn visa cho công dân Việt Nam là điều dễ hiểu. Vì vậy 55 nước miễn visa cho dân Việt Nam đã là may rồi.
Thời gian tới Việt Nam cần đàm phán để tăng số lượng các nước miễn visa cho công dân Việt Nam. Nhưng trước tiên, Việt Nam cần cởi mở hơn trong việc miễn visa cho công dân các nước, đừng vì mấy đồng lẻ phí visa và lợi ích cục bộ của một số bộ ngành mà kìm hãm sự phát triển của cả ngành du lịch và nền kinh tế. Có như thế thì hộ chiếu Việt Nam mới thăng hạng, dân Việt Nam mới thoải mái, tự hào ngẩng cao đầu bước ra thế giới.
Lưu Trọng Văn - Thảm họa văn hóa ?
Gã xin kèm bức hình tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ứng xử thế nào với hai phi công vừa hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho Đài Loan.
Sự cố tràn các trang mạng là hình ảnh ngài bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đi nhầm chỗ trên thảm đỏ, khi đón thủ tướng Malaysia.
Ở các nước văn minh thì đây là một thảm họa văn hóa đối ngoại. Một thủ tướng đón một thủ tướng phải luôn nhường vị trí trang trọng nhất trên thảm đỏ cho khách. Ấy vậy mà một bộ trưởng cấp thấp hơn nhiều so với khách lại chình ình đi giữa thảm đỏ, hất thủ tướng khách ra mép thảm, thậm chí một chân phải bước ngoài thảm. Điều đáng nói là vị bộ trưởng này lại phụ trách ngành văn hóa - đại diện cho bộ mặt văn hóa của chính phủ.
Gã không muốn đưa hình ảnh thảm họa đối ngoại này lên vì các trang khác đã tràn ngập rồi.
Sáng nay gã trao đổi thảm họa này với nhà lý luận Nhị Lê. Nhị Lê tế nhị nhắc lại thời cụ Hồ đã chọn cụ Hoàng Minh Giám là bộ trưởng bộ Văn hóa, mặc dù cụ Giám không phải đảng viên cộng sản, đương nhiên cũng không phải ủy viên trung ương.
Gã cũng nghĩ như Nhị Lê, cụ Hồ không bao giờ cho rằng cứ là ủy viên trung ương thì sẽ làm được mọi việc. Với cụ Hồ thì việc chọn người. Bộ Giáo dục cần một nhà uyên sâu giáo dục, vậy là cụ Nguyễn Văn Huyên làm bộ trưởng, mặc dù cụ Huyên cũng như cụ Giám không phải đảng viên cộng sản.
Các vị lãnh đạo luôn kêu gọi học tập noi gương cụ Hồ, nhưng quản trị một quốc gia chọn người tài, đức là quyết định, thì cái sự học theo ấy luôn trục trặc, ngắc ngứ…
Ở thảm họa này thực ra người đáng trách nhất là cục trưởng cục Lễ tân Nguyễn Việt Dũng. Ông cục trưởng đã quá vô trách nhiệm khi lên kế họach cụ thể đón tiếp thủ tướng Malaysia thế nào cho bộ trưởng ra đón. Cách chào, bắt tay, đi đứng ra sao, các nghi lễ thế nào. Đã thế, khi thấy ông bộ trưởng đứng và đi trên thảm không đúng chỗ ông cục trưởng Lễ tân đã không chủ động, chuyên nghiệp đúng chức trách của mình là chỉ dẫn ông bộ trưởng cách đi cho đúng ngay lập tức.
Để xảy ra thảm họa văn hóa đối ngoại, thất lễ với đại khách của nhà nước, cục trưởng Lễ tân nên từ chức. Và các quan chức Việt Nam nên coi đây là bài học xương máu về văn hóa ứng xử nếu các vị muốn chứng minh mình là người trọng văn hóa.
LƯU TRỌNG VĂN 21/7/2023
Khi bộ trưởng Văn hóa hành xử… vô văn hóa
21/7/2023
Nguyễn Văn Hùng đón Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tại Nội Bài nhưng giành hết thảm đỏ
Chẳng biết nhà nước Việt Nam có bao nhiêu tấm thảm đỏ dùng đón khách quốc tế, có tấm nào lớn hơn hay không, mà trải tấm thảm này nhỏ quá. Ông Hùng bước lên thì cũng vừa hết chỗ, khiến ông Thủ tướng Malaysia phải chân trong, chân ngoài.
Chiều 20 Tháng Bảy, chuyên cơ chở Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và phu nhân Wan Azizah Wan Ismail cùng đoàn đại biểu cấp cao Malaysia đã hạ cánh tại phi trường Nội Bài, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.
Ông Chính mời khách tới nhà, nhưng không đi đón, cũng không cử một trong bốn ông phó nào đi thay cho trang trọng. Chắc mấy ông ấy bận chuyện “quốc gia đại sự” gì đấy, quan trọng hơn chuyện đón một ông thủ tướng một quốc gia Hồi giáo.
Thay vào đó, ông Chính cử ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đi thay.
Ông Chính nghĩ dàn quân đón khách của ông cũng thuộc loại “dữ” rồi: Ông Việt là Thứ trưởng Ngoại giao nên mấy vụ đón khách quốc tế này ổng rành lắm, lại thêm ông Dũng, Cục trưởng Cục Lễ tân nhà nước đi theo, thì lễ nghi phải đầy đủ, và trang trọng là cái chắc. Riêng ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nguyễn văn Hùng, thì còn nói gì nữa. Ông ấy làm văn hóa thì đương nhiên phải thể hiện phẩm chất của con người có văn hóa… “đầy mình” rồi.
Thế nhưng, sự việc xảy ra không như suy nghĩ của ông Chính, mà cũng chẳng ai nghĩ ra nó sẽ xảy ra như thế này.
Số là sau khi bắt tay chào đón ông bà Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, rồi tặng hoa chúc mừng, ông Bộ trưởng Hùng hùng dũng sải chân bước đi trên thảm đỏ với vẻ mặt “táo bón” trong khi ông Thủ tướng Ibrahim đang thao thao về một vấn đề gì đó.
Chẳng biết ông Ibrahim nói tiếng Mã Lai hay tiếng Anh, và cũng chẳng biết có phải vì thế mà ông Hùng có vẻ khó chịu không? Nhìn quanh quẩn không thấy bóng dáng tên phiên dịch đâu, nên ông Hùng tỏ vẻ khó chịu, vì chẳng hiểu ông Ibrahim nói gì để trả lời.
Chẳng biết nhà nước Việt Nam có bao nhiêu tấm thảm đỏ dùng đón khách quốc tế, có tấm nào lớn hơn hay không, mà trải tấm thảm này nhỏ quá. Ông Hùng bước lên thì cũng vừa hết chỗ, khiến ông Thủ tướng Malaysia phải chân trong, chân ngoài.
Cũng có thể lúc đó ông Ibrahim thấy ngượng quá nên phải kiếm chuyện nói cho khỏa lấp nỗi buồn.
(Theo Sài Gòn Nhỏ)
Sau lãnh đạo EVN, đến lượt Chủ tịch Tập đoàn PVN nghỉ hưu từ 1/1/2024
Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN nhận quyết định nghỉ hưu từ ngày 1/1/2024. (Ảnh: Vietnamfinance.vn)
Sau khi ông Dương Quang Thành (cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn EVN) nghỉ hưu từ tháng 5/2023, đến lượt Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – ông Hoàng Quốc Vượng nhận quyết định nghỉ hưu từ ngày 1/1/2024.
Thông tin này được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thông báo cho Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí (PVN) ngày 19/7.
Ông Hoàng Quốc Vượng được bổ nhiệm làm Chủ tịch Tập đoàn PVN từ tháng 11/2020 khi ông đang đảm nhiệm vị trí là thứ trưởng Bộ Công thương.
Ông Hoàng Quốc Vượng sinh năm 1963, tốt nghiệp trường mỏ MGRI tại Matxcơva (Nga). Ông từng là Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên và Chủ tịch Tập đoàn EVN.
Nửa đầu năm 2023, PVN đạt doanh thu 420.000 tỷ đồng, sản lượng khai thác dầu thô là 5,3 triệu tấn, vượt 14% so với kế hoạch.
Trong đó, khai thác dầu thô trong nước đạt 4,4 triệu tấn, vượt 17% và khai thác dầu thô nước ngoài đạt 900.000 tấn, vượt 3%.
Sản lượng khai thác khí đạt 4,1 tỷ m3, vượt 27%; sản xuất điện đạt 12,66 tỷ kWh, vượt 5%; sản xuất đạm đạt 877.500 tấn, vượt 10%; sản xuất sản phẩm xăng dầu (không bao gồm sản phẩm của Nghi Sơn) đạt 3,53 triệu tấn, vượt 16,6% kế hoạch.
Theo PVN, một trong những khó khăn lớn là Tập đoàn EVN đang nợ PVN lên đến gần 23.000 tỷ đồng, trong đó nợ đến hạn thanh toán là hơn 14.000 tỷ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cân đối dòng tiền của PVN.
Dự án LNG Thị Vải của PVN đã gần hoàn thành và tiếp nhận thành công chuyến tàu LNG nhập khẩu đầu tiên vào ngày 10/7, sẵn sàng cho công tác chạy thử và tiến tới vận hành thương mại.
Tuấn Minh
Chợ nổi Cái Răng đầy rác, du khách châu Âu bất bình
An Vui /SGN
20 tháng 7, 2023
Chợ nổi Cái Răng, điểm du lịch thu hút khách ở TP.Cần Thơ – Ảnh: Lao Động
Bỏ $50,000 (USD) để mua tour du lịch Việt Nam, đến chợ nổi Cái Răng (trên sông Cần Thơ, thuộc quận Cái Răng, TP.Cần Thơ), đoàn du khách châu Âu gồm 20 người chê chỗ này nhiều rác quá, nên công ty lữ hành đành ngậm ngùi chọn điểm tham quan ở tỉnh khác cho họ.
Thông tin này được ông Trần Minh Dễ, Trưởng văn phòng đại diện công ty NoVo JaPan tại miền Tây (trụ sở tại TP.Cần Thơ) đưa ra trong cuộc tọa đàm do Ủy ban TP.Cần Thơ tổ chức chiều 18 Tháng Bảy với chủ đề “Đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ”.
Trước phản ảnh của NoVo JaPan, ông Nguyễn Thái Bảo, phó Chủ tịch Ủy ban quận Cái Răng thừa nhận là có rất nhiều rác ở chợ nổi Cái Răng, dù ngày nào (?) quận cũng có đội đi vớt rác ở chợ nổi, đem lên trạm dừng chân rồi đưa lên xe rác đi đổ, nhưng gom không xuể.
Ông Bảo biện minh là chợ nổi Cái Răng có lượng rác quá lớn, do nằm giữa dòng chảy quận Cái Răng và bến Ninh Kiều (trung tâm thành phố), thêm nữa dù quận có yêu cầu các thương hồ bỏ rác vào sọt và phân công người đến từng ghe thuyền gom lại, nhưng tình trạng rác lều bều trên sông và trên bờ vẫn không dứt.
Rác nhựa bám vào đám lục bình trôi lềnh bềnh trên sông Cần Thơ – Ảnh: Lao Động
Là một trong số ít chợ nổi còn lại ở miền Tây, chợ nổi Cái Răng với nhiều ghe thuyền mua bán nông sản và trái cây trên sông Cần Thơ (một phần của dòng sông Hậu); có các nhà nổi làm hủ tiếu, kẹo dừa, bán tạp hóa; nhiều vườn trái cây sinh thái ven sông, đã trở thành điểm du lịch “vàng” thu hút du khách khi đến Cần Thơ.
Theo thống kê, năm 2022, Cần Thơ đón 5.1 triệu lượt du khách; trong đó, hơn 70% đến tham quan, mua sắm ở chợ nổi Cái Răng. Dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023 đã có 30,721 lượt du khách đến đây.
Theo TS. Đào Ngọc Cảnh (khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường đại học Cần Thơ), chợ nổi Cái Răng hình thành đầu thế kỷ 20, nằm ở vị trí giao nhau giữa bốn con sông (Cần Thơ, Đầu Sấu, Cái Sơn, Cái Răng Bé), liền kề với chợ Cái Răng trên bờ.
Đến thập niên 1990, do trở ngại về giao thông đường thủy, chợ nổi dời qua khỏi cầu Cái Răng về phía Phong Điền, cách vị trí cũ trên 1km.
Hiện tại, chợ nổi Cái Răng nằm ở phía hạ lưu sông Cần Thơ, cách cầu Cái Răng khoảng 600m với diện tích mặt nước khá rộng, từ 100-120m, chiều dọc sông khoảng 1,300-1,500m, thuộc địa phận quận Cái Răng, với khoảng 40 gia đình trên bờ và 300-400 ghe họp chợ mỗi ngày từ tờ mờ sáng đến khoảng 9 giờ mỗi ngày là tan.
Tuy được công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” của Việt Nam nhưng chợ nổi Cái Răng không được nhà cầm quyền bảo tồn cảnh quan cho sạch đẹp- Ảnh: Lao Động
Chợ nổi Cái Răng từng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” hồi năm 2016, và với danh xưng này, các tour du lịch đồng bằng sông Cửu Long đều đưa du khách đến tham quan chợ nổi Cái Răng. Tuy nhiên, với việc xả ra một tấn rác một ngày mà cách xử lý quá tệ, chợ nổi này đang kém sức thu hút.
Theo Thanh Niên ngày 9 Tháng Chín 2022, kết quả kiểm toán rác của dự án “Vì sông Mê Kông không rác – thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở Cần Thơ” tại khu vực chợ nổi Cái Răng cho thấy, có tới 37% rác ở khu vực chợ nổi Cái Răng là rác nhựa và hiện có khoảng 25% gia đình sống ở khu vực chợ nổi còn thải rác trực tiếp trên bờ hoặc xuống sông.
Bên cạnh đó, các chủ ghe, thuyền, vận chuyển khách du lịch chưa thể hiện trách nhiệm trong việc phổ biến cho du khách ý thức bảo vệ môi trường, nên cả du khách cũng xả rác bừa bãi xuống sông…
Rác trên bờ, chỗ đang xây dựng bờ kè ven sông chống sạt lở – Ảnh: Lao Động
Ngày 19 Tháng Bảy, Lao Động làm phóng sự ảnh về chợ nổi Cái Răng và xác nhận nơi này nhiều rác thật. Không chỉ rác đọng ven bờ mà còn rác trôi lềnh bềnh trên sông, quyện vào đám lục bình và bủa vây các ghe thuyền. Có thể thấy là việc vớt rác hay dọn rác trên sông mỗi ngày (hay mỗi tuần?) của nhà cầm quyền Cần Thơ không hiệu quả.
Ông Trí Nguyện (ngụ quận Cái Răng) cho biết, tình trạng lục bình và rác nhựa xuất hiện ở chợ nổi thường xuyên, dù hằng tuần chính quyền có đi gom nhưng vớt không xuể (ông này nói hằng tuần, còn ông Bảo phó chủ tịch quận Cái Răng nói hằng ngày?).
Đến tham quan chợ nổi Cái Răng lần 2, bà Nguyễn Thị Phi Hòa (46 tuổi, ngụ Hà Nội) cho biết bà du lịch theo đoàn 30 người đến miền Tây và so sánh: “Lần đầu tiên, tôi đi vào năm 2015, thuyền ghe rất tấp nập và rác thải không đến mức quá nhiều. Lần này tôi đi chợ nổi hơi có chút thất vọng vì lượng ghe thuyền giảm, cộng với rác thải quá nhiều, không chỉ ở dưới sông mà còn trên bờ!”.
Theo Lao Động, hàng quán ven bờ chợ nổi Cái Răng rất lộn xộn. Chưa kể dự án kè hai bên bờ sông đang được thành phố Cần Thơ thi công, vật tư xây dựng xếp ngổn ngang, trở thành chốn cho rác tụ lại. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan của chợ nổi mà còn khiến các thương hồ gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa.
Chèo ghe giữa đám lục bình quyện với rác thế này quá mệt mỏi – Ảnh: Lao Động
Do cách nhà cầm quyền quản lý và xử lý rác luẩn quẩn và lạc hậu (tất cả các bãi rác ở Việt Nam chỉ là chôn lấp và đốt), rác không chỉ là vấn đề cản trở du khách đến chợ nổi Cái Răng, mà hiện đang là vấn đề lớn chưa có cách giải quyết dứt điểm ở vịnh Hạ Long và các đô thị như Hà Nội hay Sài Gòn.
Điều lạ là thành phố nào cũng chỉ hào hứng xây dựng dự án đón khách du lịch cho nhiều, nhưng xử lý rác thế nào cho cảnh quan sạch đẹp thì không chú trọng. Thi thoảng có một ngày biểu diễn “vớt rác” hay “làm sạch rác” như Người Lao Động ngày 17 Tháng Bảy 2023 đưa tin thì cũng chả giải quyết được cái gốc của vấn đề.
Theo Báo Tin Tức (Thông Tấn xã Việt Nam) ngày 8 Tháng Chín 2022, hồi Tháng Tư 2022, Tổ chức Làm sạch biển của Hà Lan (The Ocean Cleanup) đã bàn giao cho TP.Cần Thơ sà lan gom rác tự động trên sông do tổ chức này sáng chế.
Sà lan dài gần 25m, bề ngang hơn 8m, cao trên 4m, vận hành bằng năng lượng mặt trời, tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng ($845,800), trong đó phía Hà Lan tài trợ 14.6 tỷ đồng ($617,142), còn lại là vốn của địa phương. Mỗi tháng, sà lan tự động gom hơn 10 tấn rác nổi trên sông Cần Thơ.
Chả hiểu cái sà lan gom rác này giờ ở đâu (hay bị xếp xó rồi) mà để chợ nổi Cái Răng đầy rác bị du khách châu Âu chê!
Không có nhận xét nào