Quê Hương tổng hợp
Bộ trưởng Tài chính Mỹ sắp thăm Việt Nam
14/7/2023
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen, sẽ có mặt tại Hà Nội trong hai ngày 20 và 21 tháng 7, sau khi rời các cuộc họp G20 ở Ấn Độ, theo thông báo từ Bộ Tài chính Hoa Kỳ hôm 13/7.
Chuyến đi Việt Nam của Bộ trưởng Yellen nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế song phương Việt-Mỹ và thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế.
Thông cáo báo chí của Bộ Tài chính Mỹ nói hơn 28 năm kể từ khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao, thương mại giữa hai nước đã tăng trưởng với tốc độ hàng năm đáng kinh ngạc là gần 25% và thương mại hàng hóa đã đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái.
Trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Yellen sẽ nhấn mạnh rằng những cú sốc kinh tế trong những năm gần đây đã cho thấy tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng phục hồi kinh tế, bao gồm cả việc xây dựng chuỗi cung ứng an toàn và đáng tin cậy giữa nhiều đối tác khả tín như Việt Nam thông qua quá trình ‘friendshoring’, tức chuyển sản xuất đến những nước bằng hữu, vẫn theo thông cáo.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong thời gian thăm Hà Nội, Bộ trưởng Yellen sẽ tìm cách hợp tác với các nước như Việt Nam để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu.
Thông cáo của Bộ nói biến đổi khí hậu cho thấy một mối đe dọa toàn cầu hiện hữu nhưng cũng là một cơ hội kinh tế to lớn, và rằng chính quyền Mỹ cam kết hành động trong và ngoài nước để đáp ứng thời điểm này.
Trong nước, thông cáo nêu rõ, Mỹ đã thực hiện khoản đầu tư chưa từng có thông qua Đạo luật Giảm lạm phát để đáp ứng các mục tiêu phát thải và thúc đẩy hàng trăm tỷ đô la đầu tư tư nhân vào công nghệ xanh, những khoản đầu tư này sẽ thúc đẩy tác động lan tỏa tích cực trên toàn cầu thông qua chi phí thấp hơn. Và tại Việt Nam, thông cáo cho biết, Mỹ đã làm việc với Nhóm Đối tác Quốc tế để huy động hơn 15 tỷ đô la hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
Bộ trưởng Yellen sẽ tiếp tục sự hợp tác Việt-Mỹ để giải quyết các vấn đề tiền tệ. Hoa Kỳ và Việt Nam là những đối tác đáng tin cậy với tình hữu nghị dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, thông cáo nói.
Thông cáo cho hay Việt Nam đã duy trì đối thoại mang tính xây dựng với Bộ Tài chính Mỹ và làm việc để giải quyết những lo ngại của Mỹ về các tập tục tiền tệ của Việt Nam. Bộ trưởng Yellen sẽ nêu bật tiến trình này trong chuyến thăm Việt Nam như một ví dụ về cách hai nước có thể làm việc cùng nhau để giải quyết các thách thức và giúp tăng cường khả năng phục hồi tài chính và kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Ngày 20/7, Bộ trưởng Yellen sẽ có cuộc gặp song phương với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, qua đó bà sẽ bày tỏ sự hài lòng về hợp tác giữa đôi bên trong việc giải quyết những lo ngại về chính sách tiền tệ của Việt Nam như một phần trong việc tăng cường khả năng phục hồi kinh tế vĩ mô và tài chính của Việt Nam. Bà sẽ nêu bật rằng Hoa Kỳ ủng hộ sự phát triển của Việt Nam và nhấn mạnh rằng điều đó tốt cho cả người Việt Nam và người dân Hoa Kỳ.
Sau đó, Bộ trưởng Yellen sẽ gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính. Trong cuộc gặp này, Bộ Tài chính Mỹ cho biết bà Yellen sẽ nhấn mạnh rằng mối quan hệ kinh tế sâu sắc giữa Hoa Kỳ với Việt Nam giúp tạo ra khả năng phục hồi kinh tế lớn hơn thông qua ‘friendshoring’.
Tới trưa, bà sẽ dùng bữa với các nữ kinh tế gia và doanh nhân. Bà cũng sẽ họp với Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh trước khi tới thăm một địa điểm để nêu bật sự hợp tác đôi bên trong lĩnh vực chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Chiều tối cùng ngày, Bộ trưởng Yellen sẽ dự bữa tối do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Phó Thủ tướng đồng chủ trì.
Vẫn theo thông cáo báo chí từ Bộ Tài chính Mỹ, ngày 21/7, Bộ trưởng Yellen sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc mà qua đó bà sẽ sẽ nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ coi Việt Nam là một đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nêu bật những nỗ lực làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại và đầu tư vốn đã quan trọng giữa hai nước. Sau đó, bà có bài phát biểu về tầm quan trọng của việc phát triển chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi thông qua các nỗ lực như ‘friendshoring’ và chống biến đổi khí hậu.
Tiếp đến, Bộ trưởng Yellen sẽ dùng bữa trưa với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tham gia cuộc thảo luận về vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế do Đại học Ngoại thương tổ chức.
Sau đó, bà sẽ họp với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trước khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam.
HRW lên tiếng việc ông Trương Văn Dũng bị y án 6 năm tù
14/7/2023
TTXVN loan tin về phiên phúc thẩm xét xử ông Trương Văn Dũng ngày 13/7/2023.
Nhà hoạt động Trương Văn Dũng hôm 13/7 bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tuyên y án 6 năm tù về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước” giữa lúc các tổ chức nhân quyền quốc tế liên tục kêu gọi phóng thích ông.
Thông Tấn Xã Việt Nam loan tin sau phiên phúc thẩm tại Hà Nội: “Về hành vi của bị cáo, từ tháng 10/2015 đến tháng 5/2022, thông qua trả lời chương trình "Từ cánh đồng mây" tại một file video và một file audio, Trương Văn Dũng có hành vi tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền những luận điệu “chiến tranh tâm lý”, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân thông qua các bài phỏng vấn, video, clip đăng tải trên mạng xã hội.
Ngoài ra, truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng cho biết ông Dũng “có hành vi tàng trữ tài liệu dạng sách với tiêu đề “Những mảnh đời sau song sắt” và 11 tài liệu dạng sách với tiêu đề “Chính trị bình dân” có mục đích thông tin xuyên tạc”, cũng như lưu trữ 31 băng rôn, biểu ngữ và 11 tài liệu được in trên giấy với nhiều kích thước khác nhau có nội dung “chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
“Không có gì ngạc nhiên khi ông Trương Văn Dũng không được giảm án vì các phiên tòa phúc thẩm của Việt Nam đã trở thành một trò đùa buồn cười, chỉ nhằm mục đích gieo hy vọng hão huyền và đánh lừa cộng đồng quốc tế”, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nêu nhận định với VOA qua email hôm 13/7.
Đại diện của HRW khẳng định: “Điểm mấu chốt là, tại Việt Nam, không có công lý tại các tòa án do chính phủ kiểm soát đối với bất kỳ ai bị cáo buộc phạm tội chính trị”.
“Ông Trương Văn Dũng đã dũng cảm đứng lên đấu tranh chống suy thoái môi trường, chống chiếm đoạt đất đai và tham nhũng, đáng được tuyên dương chứ không phải bị bỏ tù”, ông Robertson cho biết thêm.
Embed share
HRW kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà hoạt động Trương Văn Dũng
Một ngày trước phiên xử sơ thẩm, HRW và Ân xá Quốc tế (AI) kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Dũng, cho rằng những việc làm ôn hòa của ông chỉ thực hiện quyền căn bản của công dân. Theo HRW, những hành động bị cáo buộc “chống Nhà nước” trên của ông Dũng chỉ đơn thuần là “thực hành các quyền tự do biểu đạt, lập hội và nhóm họp ôn hòa”.
Bà Ming Yu Hah, Phó Giám đốc Khu vực của AI, cho biết trong một tuyên bố: “Phiên tòa xử ông Dũng diễn ra trong lúc chính quyền gia tăng trấn áp các tiếng nói đa đạng và chỉ trích chính quyền và các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam”.
Ông Dũng, 65 tuổi, bị bắt vào tháng 5/2022, đến 28/3 vừa qua, Tòa án Thành phố Hà Nội tuyên ông 6 năm tù với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự năm 1999. Cáo trạng khi ấy cho rằng ông Dũng trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài và tàng trữ sách cấm.
Cựu TNLT Lê Anh Hùng: “ở viện tâm thần kinh hoàng hơn ở tù”
11/7/2023
Cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng
RFA edited
“Kinh hoàng hơn ở tù”
“Đó là một trong những lần mà tôi chống lại việc uống thuốc thì tôi bị bắt trói lại. Tôi thậm chí còn hai lần bị đánh đòn trong trại tâm thần do không uống thuốc nữa.
Một lần tôi bị đánh vào ngày 12/7/2020, tôi có nhờ chụp ảnh chuyển ra ngoài được. Vì chuyện báo ra ngoài mà một tuần sau một bị đánh một trận còn bầm dập hơn, thậm chí là rách trán, phải khâu nhiều mũi, tôi phải truyền đạm. Lần đầu là y tá đánh tôi trực tiếp. Lần thứ hai họ kích động người ở cùng trong đó đánh tôi.”
Ông Lê Anh Hùng chia sẻ về hoàn cảnh của bức ảnh mà ông bị trói chặt trên một giường sắt, trong thời gian bị ép buộc điều trị tâm thần ở bệnh viện Tâm Thần Trung Ương, Hà Nội.
Ông Hùng là một tù nhân lương tâm vừa mãn án năm năm tù giam hôm 5/7. Ông bị bắt vào tháng 7/2018 với cáo buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Đến 4/2019, ông bị đưa vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương, cưỡng bức điều trị ở đó.
Một trong những nguyên do khiến ông Hùng bị bắt rồi bị đẩy vào viện tâm thần có liên quan đến việc ông này đã nhiều lần gởi đơn tố cáo cựu Phó Thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải tội “gián điệp”, đồng thời tố cáo ông Nguyễn Phú Trọng tội “phản quốc”. Ông Hùng cho biết như vậy và nói thêm rằng quãng thời gian bị điều trị bắt buộc ở bệnh viện còn kinh hoàng hơn ở trại giam:
“Đó thực sự là một địa ngục đối với bất kỳ một người bình thường nào chứ không phải riêng tôi.”
Ngay từ ngày đầu nhập viện, ông Hùng đã phản đối quyết liệt việc uống thuốc do bác sỹ cấp. Vì vậy, mỗi lần không chịu uống thuốc là một lần ông bị đánh, bị trói rồi cho tiêm thuốc liên tục trong khoảng bảy ngày:
“Mỗi lần bị tiêm thuốc như thế thường là bảy ngày. Nó cứ đẩy con người mình vào chỗ hoảng loạn tinh thần.
Nhiều lần tôi đã rơi vào tình trạng ảo giác. Nó mệt đến mức thậm chí là không ngồi dậy nổi để ăn cơm mà ngã gục ngay khay cơm, buổi sáng thức dậy là đi lảo đảo vài bước rồi ngã vật xuống.
Thuốc nó mạnh, nó tác động lên thần kinh, sức khỏe của con người nữa. Vậy mà tôi đã phải chịu đựng suốt một thời gian dài như vậy.”
Ông Lê Anh Hùng bị trói sau một lần phản đối uống thuốc do viện tâm thần cấp. Ảnh: Citizen
Cứ mỗi ba tháng, bác sỹ sẽ tiến hành hội chẩn một lần để kiểm tra trình trạng “bệnh” của ông Hùng tiến triển ra sao, từ đó quyết định xem ông Hùng có cần điều trị tâm thần nữa hay không.
Theo lời ông Hùng, chừng nào bản thân ông còn giữ quan điểm rằng mình tố cáo lãnh đạo sai phạm là đúng, thì khi đó, ông vẫn bị xếp vào loại “bệnh tình” còn nặng, thậm chí là cần phải tăng thêm liều lượng thuốc:
“Sau một thời gian đầu tôi dứt khoát không nhận sai, tôi vẫn bảo vệ vụ tố cáo của mình. Nhưng mà dần dần tôi nhận ra rằng một khi mà tôi vẫn giữ quan điểm bảo vệ vụ tố cáo của mình thì không những người ta không giảm thuốc cho tôi mà họ còn tăng nặng thuốc lên.
Sau này, tôi quyết định nhận là tôi sai. Bằng cách đó để người ta giảm thuốc cho tôi và sau đó họ nói rằng tôi khỏi bệnh rồi chuyển cho cơ quan điều tra để phục hồi vụ án. Khi được trở lại trại giam Hỏa Lò thì tôi lại tiếp tục bảo vệ vụ tố cáo của mình.
Việc mà tôi nhận là tôi bị bệnh ở trong trại tâm thần là cái cách để tôi sớm kết thúc việc phải uống thuốc, rồi sau đấy, khi được trở lại điều tra thì tôi lại tiếp tục bảo vệ vụ tố cáo của mình.”
Ngoài ra, ông Hùng cho biết có tình trạng phân biệt đối xử tại viện tâm thần. Vào ngày 27/4/2022, cô Nguyễn Thuý Hạnh, một người bị bắt về tội “tuyên truyền chống nhà nước” cũng bị đưa đến để điều trị bắt buộc.
Ông Hùng kể, khi mới gặp nhau lần đầu trong viện, hai người vui lắm, trao đổi với nhau đủ thứ chuyện. Tuy nhiên, sau đó, lãnh đạo viện tâm thần ra lệnh cấm hai người tiếp xúc, nói chuyện với nhau mà không có lý do cụ thể:
“Người ta cấm tôi và chị Hạnh giao tiếp với nhau, thỉnh thoảng chúng tôi chỉ nói nhanh được đôi ba câu chuyện mà thôi.
Họ bất chấp pháp luật, ngăn cấm chúng tôi thôi chứ chẳng có cái luật nào cấm các bệnh nhân giao tiếp với nhau cả. Mỗi khi tôi ở sân thì họ không cho chị Hạnh xuống hay khi chị Hạnh ở ngoài sân thì họ không cho tôi ra sân. Chị Hạnh ở tầng hai, còn tôi ở tầng một.”
13 ngày sau khi bà Thuý Hạnh bị đưa vào viện thì ông Lê Anh Hùng cũng được thông báo kết thúc điều trị bắt buộc, ông phải trở lại nhà giam Hoả Lò để phục hồi quá trình điều tra.
Đến ngày 30/8/2022, ông bị kết án năm năm tù giam với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”.
“Điều kiện khắc nghiệt, bệnh nhẹ cũng thành nặng”
Bà Nguyễn Thuý Hạnh hiện vẫn đang còn điều trị ở viện Tâm Thần Trung Ương. Ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng bà Hạnh, cho biết điều kiện sống, sinh hoạt trong này rất thiếu thốn, khắc nghiệt, đặc biệt là vào mùa nắng nóng. Dù gia đình có đề nghị được gởi thêm đồ dùng hay lắp thêm một cái quạt nhỏ, nhưng không được:
“Khi vào đó thì phải ở trong một căn phòng chín người, chật hơn điều kiện tạm giam. Những mùa nóng như thế này thì chỉ có một cái quạt rất bé mà có tới chín người ở.
Trong đó hầu hết có những người đều bị tâm thần, bị điên thật sự, tức là sống giữa đám người điên. Cô (Hạnh - pv) cũng được uống thuốc nhưng mà không thuyên giảm. Có những lúc cô bị bệnh nặng nhưng có lúc thuyên giảm, nói chung là không tiến triển.”
Vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Chênh - Nguyễn Thuý Hạnh xuống đường chống Trung Quốc hồi năm 2014. Ảnh: Facebook Nguyễn Thuý Hạnh
Ông Chênh cho rằng vợ mình vốn đang điều trị bênh trầm cảm trước khi bị bắt. Với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, và phải sống giữa những người bị tâm thần nặng như hiện nay thì bà Hạnh không thể khỏi bệnh được.
Do đó, ông đã gởi đơn khắp các cơ quan chức năng, từ Văn phòng Chủ tịch nước, Viện Kiểm sát, Bộ Công an… để yêu cầu cho vợ mình được về nhà điều trị bệnh. Các lá đơn đã gởi cả năm nay, nhưng tất cả đều “bặt vô âm tín”:
“Mong muốn của gia đình là yêu cầu làm sao cho Nguyễn Thúy Hạnh về nhà chữa bệnh trong sự giám sát của gia đình, cũng như sự giám sát của các cơ quan. Khi nào Hạnh hết bệnh, nếu cần tiếp tục điều tra thì ra điều tra tiếp.
Còn nếu như không được như vậy thì điều kiện sinh hoạt, nhất là mùa nóng này trong phòng khắc nghiệt thì phải tăng cường quạt để cho Hạnh dễ chịu hơn thì bệnh mới thuyên giảm được.
Bị giam giữ trong điều kiện giữa những người điên và điều kiện khắc nghiệt như vậy thì không thể nào thuyên giảm bệnh và như vậy thì không biết người ta sẽ giữ Hạn ở trong đó đến bao giờ.”
Bà Nguyễn Thuý Hạnh là một người hoạt động nhân quyền ở Hà Nội. Bà là người sáng lập và điều hành “Quỹ 50K”. Quỹ này được lập ra để giúp đỡ thân nhân của các tù nhân lương tâm. Ngoài ra, bà còn kêu gọi quyên góp tiền phúng điếu cho cụ Lê Đình Kình trong vụ Đồng Tâm với số tiền lên đến hơn nửa tỷ đồng.
Bà bị bắt và ngày 7/4/2022 vì tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Cho đến nay, vụ án này vẫn đang tạm ngưng điều tra để chuyển bà Hạnh sang điều trị tâm thần bắt buộc.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh và ông Lê Anh Hùng là hai trong số bốn tù nhân lương tâm bị cưỡng chế đưa vào viện tâm thần. Hai người còn lại là nhà văn Phạm Thành - chủ blog Bà Đầm Xoè, và ông Trịnh Bá Phương.
Cười ra nước mắt!
Đoàn Bảo Châu
13/7/2023
Nhìn lũ hút máu lúc dân đang cạn kiệt sức sống, đúng lúc cần sự giúp đỡ đùm bọc nhất trong vụ Việt Á và Chuyến Bay Giải Cứu, các bạn nghĩ gì, cảm thấy gì?
Người trong hệ thống có thể sẽ uốn éo câu chữ mà cho rằng ở đâu mà chẳng có tham nhũng. Nhưng đợt dịch cả thế giới phải chịu vừa qua, có quốc gia nào mà cán bộ trong chính quyền lại tranh thủ hút máu, ăn thịt cơ thể Dân vốn đang ốm yếu một cách tàn nhẫn, bất nhân, đầy lưu manh, man rợ, cạn tình người như vậy không?
Trong bài này, tôi sẽ không viết bằng văn phong ưa thích là châm biếm, chế giễu lũ cán bộ mặc áo sọc nữa, bởi nhiều dư luận viên (DLV) sẽ tranh thủ bảo tôi là “thế lực thù địch”.
Tôi muốn nhìn sâu và bản chất vấn đề.
Lý do tại sao các cán bộ áo sọc, hay sẽ mặc áo sọc ấy khốn nạn và đốn mạt đến vậy là bởi mặt bằng đạo đức của các cán bộ trong bộ máy quá thấp.
Đa phần họ không có lý tưởng phục vụ đất nước, họ chỉ ăn học và vươn lên để kiếm lợi cho bản thân. Chính vì vậy mà khi cả núi tiền chồng chồng lớp lớp xuất hiện trước mặt, máu tham của họ nổi lên và họ quên mất điều cơ bản của văn hoá Việt Nam là “lá lành đùm lá rách”, “một con ngựa đau, cả tàu bỏ máng”.
Với tư cách là một người dân, tôi thấy hiện thực cán bộ thật vô vọng, thật cay đắng và vô cùng đáng lo ngại. Lũ cán bộ áo sọc đứng trước toà kia chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Tưởng tượng xem, với lòng tham như thế, với sự táng tận lương tâm như thế vào trong những hoàn cảnh thuận lợi cho sự ăn đớp kín đáo thì bao nhiêu người dân sẽ bị “ăn thịt” và “hút máu”?
Hôm nay tôi thấy Huệ Như đưa clip một gia đình ở Hà Nội đang kêu gào vì bị mất nhà bởi một số kẻ giả mạo số liệu. Những đứa trẻ cầm biểu ngữ kêu oan, tố cáo sự việc. Tôi không bàn tới đúng sai của sự việc nhưng tôi tin họ có cơ sở và cũng bởi tôi không tin ở đạo đức cán bộ thời nay.
Với tình trạng đạo đức cán bộ như vậy thì liệu bao dân oan mất đất ở các tỉnh có đáng được chúng ta quan tâm, cảm thông và xót xa thay cho họ không?
Ta là dân, ta thích thú gì với lũ cán bộ áo sọc phải đứng trước vành móng ngựa kia cơ chứ? Bởi một điều rằng, chúng chẳng qua là những đồng chí không may bị lộ mà thôi. Vậy các “đồng chí chưa lộ, mãi không bị lộ” thì sẽ còn gây bao tội ác nữa? Bao dân oan sẽ rơi vào cảnh khốn cùng nữa?
Đừng chụp mũ tôi là phản động với thế lực thù địch, tôi chỉ nêu ra một lo lắng có cơ sở mà thôi. Chính các vị, những người nằm trong hệ thống mới cần xấu hổ và suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này.
Chúng ta tạo ra một xã hội quá xấu xí cho con cháu của mình. Rồi đây chúng sẽ phải ngụp lặn trong bầu không khí ô nhiễm, bẩn thỉu, một xã hội mà lương tâm con người bị rẻ rúng, tiếng nói trung thực bị vùi dập, quyền lực áp chế, đè bẹp công lý, tâm hồn con người sẽ bị tha hoá, bị nơm nớp lo sợ khi phải sống đúng thực là con người.
Tiền bạc là phù du, đến rồi đi, cuộc đời cũng vậy nhưng nhân phẩm của các vị nếu có mới có thể ngẩng mặt dạy con cái mình được.
Tôi sợ rằng cả khu rừng tưởng là xanh kia, thực ra toàn là củi dự bị, cây xanh tưởng là xanh nhưng gỗ mục ruỗng, năm trước còn phơi phới đứng trên sân khấu nhận bằng khen, huân chương lao động, năm sau hưởng cảnh cơm tù áo số, rồi ngậm ngùi vì kiểu “tự diễn biến” quái gở của mình.
Cáo trạng của VKS có nói tội các đồng chí ấy nặng, khiến các thế lực thù địch nói xấu chính quyền. Xin thưa, chẳng có thế lực thù địch nào tô vẽ xấu xa thêm cái gì cả đâu. Phản ánh đúng, nói đúng sự việc thì câu chữ đã đủ ngập ngụa bẩn thỉu, đang ghê tởm rồi.
Các vị hãy ngẫm đi, khẩu hiệu do dân, vì dân làm được đến đâu. Bao nhiêu người chết oan trong vụ dịch? Ở đây tôi không phủ định sạch trơn, tôi biết ơn bao cán bộ y tế đã vô cùng vất vả chống dịch nhưng tôi cũng tức giận bởi cái phương cách chống dịch phản khoa học, thô bạo, duy ý chí và lợi dụng để kiếm lợi.
Một xã hội có trở nên tốt đẹp hay không, cũng giống như một cơ thể có khoẻ mạnh được hay không là nhờ ở việc nhìn thẳng vào yếu kém, nhìn được vi trùng là loại gì, dùng thuốc gì.
Đừng đổ tội cho thế lực nào nói xấu, bôi nhọ các vị. Sự việc thật sự đáng kinh tởm và đáng lo ngại. Những tiếng nói trung thực, thẳng thắn thực ra là đóng góp rất tốt cho xã hội. Nếu thiếu những tiếng nói ấy, cả xã hội sẽ chìm đắm trong một mớ bùng nhùng nhơn nhớt của giả dối và bất lương.
Người dân có thể cười nhưng nước mắt của họ đắng ngắt và âm thầm chảy bên trong đấy.
Vụ án chuyến bay giải cứu : Cựu thư ký Thứ trưởng Y tế dùng 42,6 tỷ đồng nhận hối lộ vào việc gì?
Bị cáo Phạm Trung Kiên bị cáo buộc là người nhận hối lộ nhiều nhất ở vụ án chuyến bay giải cứu, với tổng số 253 lần, hơn 42 tỷ đồng. (Ảnh: vov.vn)
Bị cáo Phạm Trung Kiên bị cáo buộc là người nhận hối lộ nhiều nhất ở vụ án chuyến bay giải cứu, tổng 253 lần, với 42,6 tỷ đồng.
Chiều 12/7, trong phiên tòa xét xử đại án “chuyến bay giải cứu”, HĐXX thẩm vấn đối với bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế.
Ông Kiên bị cáo buộc là người nhận hối lộ nhiều nhất ở vụ án này, tổng 253 lần, với số tiền 42,6 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, ông Kiên khẳng định bản thân không yêu cầu các doanh nghiệp đưa tiền từ 150 – 200 triệu đồng/chuyến bay, mà là đều do “các doanh nghiệp chủ động đề xuất”.
Ông này cũng khẳng định là không ép chi tiền “bôi trơn”, quát tháo các doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp đều là người chủ động gọi điện, xin đến gặp và nhờ giúp đỡ. Họ đến gặp bị cáo sau khi Bộ Y tế đồng ý cấp phép bình thường mà không gặp trở ngại nào”, ông Kiên khai.
Nói về số tiền hơn 42 tỷ đồng nhận hối lộ, bị cáo Kiên nói đã cho một số người vay và đầu tư vào bất động sản.
Cụ thể, bị cáo cho một người chú ở tỉnh Thái Bình vay, rồi đầu tư mua đất ở các huyện Ba Vì, Hoài Đức (Hà Nội) và Mũi Né (Bình Thuận).
“Sau khi nhận tiền, bị cáo có đưa cho ai không?”, chủ tọa hỏi. Bị cáo Kiên nói: “Không”.
“Có ai tác động bị cáo khai như vậy hay không?”, chủ tọa chốt vấn đề. Ông Kiên khẳng định: “Không ạ”.
Hiện bị cáo Kiên đã trả lại cho các doanh nghiệp 12 tỷ đồng và cùng gia đình đóng thêm 15 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Bị cáo Phạm Trung Kiên được bổ nhiệm làm thư ký thứ trưởng Bộ Y tế từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2022. Giai đoạn tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước, ông Kiên được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ từ Cục Y tế dự phòng để trình thứ trưởng ký duyệt.
Minh Long
Không có nhận xét nào