Quê Hương tổng hợp
Việt Nam lạc quan về quan hệ với Vatican
26/7/2023
Giáo hoàng Francis gặp Chủ tịch VN Trần Đại Quang tại Vatican hôm 23/11/2016 (minh họa)
AFP
Quan hệ giữa Việt Nam và Vatican sẽ có những triển vọng mới qua chuyến thăm của Chủ tịch Võ Văn Thưởng đến quốc gia nhỏ bé nhưng có hàng tỷ tín đồ công giáo La Mã trên khắp thế giới.
Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Hà Nội, bà Lê Thị Thu Hằng, về mối quan hệ được cho có tiến triển trong thời gian qua và sẽ tích cực hơn trong thời gian tới sau chuyến thăm Vatican của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào ngày 27/7. Đây là hoạt động tiếp xúc đầu tiên cấp cao nhất giữa hai phía trong vòng bảy năm qua, và là sự kiện quan trọng để trao đổi về thúc đẩy mối quan hệ cũng như hoạt động của giáo hội Công giáo tại Việt Nam.
Vào ngày 31/3 vừa qua, bà Lê Thị Thu Hằng dẫn đầu phái đoàn phía Việt Nam tham gia cuộc họp Vòng X Nhóm Công tác Hỗn hợp giữa hai phía diễn ra ở Vatican.
Reuters vào ngày 16/7 vừa qua dẫn nguồn từ một chức sắc cấp cao Vatican và một nhà ngoại giao ở Hà Nội thạo tin liên quan về việc Việt Nam sẽ cho phép Tòa Thánh cử một vị đại diện thường trú cho Giáo hoàng La Mã tại Việt Nam.
Thỏa thuận này được cho biết có thể được công bố nhân chuyến thăm của ông Võ Văn Thưởng đến Vatican lần này. Đây là cuộc gặp đầu tiên kể từ năm 2016 giữa vị giáo chủ Công giáo La Mã và Chủ tịch nước Việt Nam; lúc đó Giáo hoàng Phanxicô tiếp kiến ông Chủ tịch Việt Nam tại Vatican.
Việc cho phép một đại diện thường trú của Giáo hoàng La Mã tại Việt Nam có thể đưa đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa hai phía.
Sau cuộc chiến Việt Nam hồi năm 1975, Hà Nội cắt đứt quan hệ với Vatican. Lúc đó, Đảng và Chính phủ cộng sản cho rằng Giáo hội Công giáo Việt Nam có mối quan hệ lịch sử gắn bó với thực dân Pháp.
Đến năm 2009, hai phía đồng ý thành lập Nhóm Công tác Hỗn hợp Việt Nam- Vatican để gặp gỡ bàn về vấn đề liên quan giáo hội Công giáo tại Việt Nam và mối quan hệ song phương hai phía.
Thống kê cho thấy có gần bảy triệu tín đồ Công giáo La Mã tại Việt Nam; con số này chỉ chừng 6,6% dân số trong nước.
Báo cáo của Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền (HRMI) vẫn còn nương tay với Việt Nam
RFA
26/7/2023
Một cuộc biểu tình bị đàn áp ở Việt Nam
Fb Lê Nguyễn Hương Trà
Trong báo cáo thường niên công bố hôm 26/7, tổ chức Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền (Human Rights Measure Initiative- HRMI) có trụ sở tại New Zealand nói tình trạng nhân quyền của Việt Nam trong năm 2022 suy giảm tới mức tệ hại sau khi có cải thiện chút ít trong năm trước đó.
Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của HRMI, Việt Nam có điểm số 4,9 ở mục An toàn trước Nhà nước và 2,7 ở mục Trao quyền trên thang điểm 10 trong năm 2022, so với mức điểm tương ứng 5.3 và 3,0 của năm 2021.
Điểm An toàn trước Nhà nước đang ở mức dưới trung bình, cho thấy nhiều người Việt không an toàn trước một hoặc nhiều điều như: bắt giữ tuỳ tiện, tra tấn và bị ngược đãi, cưỡng bức mất tích, hành quyết mà không thông qua tòa án.
“Đối với các quyền dân sự và chính trị, chúng tôi không có đủ dữ liệu cho các quốc gia trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương để đối chiếu theo khu vực. Tuy nhiên, so với 43 quốc gia khác được chúng tôi khảo sát, Việt Nam đang thực hiện tệ hơn mức trung bình về quyền được an toàn trước nhà nước,” HRMI nói trong báo cáo.
Nhận xét về đánh giá của HRMI cho mục An toàn trước Nhà nước, luật sư Nguyễn Văn Đài, người theo dõi sát sao hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trong nhiều năm qua, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 26/7:
“Tôi đánh giá trang điểm mà tổ chức nhân quyền này đưa ra như vậy vẫn còn cao hơn so với thực tế. Tình trạng thực tế nó tệ hơn rất là nhiều, ở các mục như bắt giữ tùy tiện hay là tra tấn đối xử hay là vấn đề kết án tử hình thì ba cái đó là cái điểm ở mức rất tệ. Như vậy cái thang điểm ấy chỉ khoảng từ 1,5 đến 2 điểm thôi. Và khi tổng hợp lại họ cho 4,9 thì rất là cao.”
Trong báo cáo, HRMI chấm điểm Trao quyền ở mức 2,7 cho thấy nhiều người không được hưởng các quyền tự do dân sự và tự do chính trị như tự do ngôn luận, hội họp và lập hội, và các quyền dân chủ.
Chi tiết hơn, Việt Nam được chấm 3,0 cho hai tiêu chí Tự do hội họp và hiệp hội, và Tự do quan điểm và biểu đạt. Tiêu chí Tham gia chính phủ được chấm điểm 2,5 còn mục Tôn giáo và tín ngưỡng được cho 3,1.
“Đối với các quyền dân sự và chính trị, chúng tôi không có đủ dữ liệu cho các quốc gia trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương để đối chiếu theo khu vực. Tuy nhiên, so với 41 quốc gia khác được chúng tôi khảo sát, Việt Nam đang thực hiện tệ hơn mức trung bình về các quyền về trao quyền,” báo cáo đánh giá.
Nhận xét về điểm số mà HRMI chấm cho Việt Nam, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài cho rằng tổ chức này vẫn còn “ưu ái” cho Hà Nội, vì trên thực tế nhà nước độc đảng đàn áp mọi tổ chức dân sự độc lập và nhiều lãnh đạo dân sự có đăng ký với nhà nước cũng bị giam cầm; nhà nước bỏ tù, phạt hành chính hoặc sách nhiễu những người dám thực hiện quyền biểu đạt. Ông nói:
“Bốn cái tiêu chí của Trao quyền thì ba tiêu chí đầu tôi đánh giá bằng Không (0) hết, chỉ có tiêu chí tự do tôn giáo và tín ngưỡng có khá hơn một chút. Do vậy, tổng điểm 2,7/10 vẫn là cao, nó chỉ đạt 1 điểm thôi.”
Trong mục Chất lượng cuộc sống, HRMI nói về Việt Nam như sau:
“So với các quốc gia khác ở Đông Á, Việt Nam đang thực thi tốt hơn mức trung bình khi chúng tôi đối chiếu các quyền dựa trên dữ liệu mà chúng tôi có.”
Tổ chức này xếp tiêu chí Có thực phẩm ở mức tệ, còn ba tiêu chí còn lại là Được chăm sóc y tế, Có nơi ở, và Có công ăn việc làm ở mức khá.
Một nhà hoạt động ở Hà Nội, nói với RFA trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:
“Chất lượng cuộc sống ở Việt Nam được HRMI đánh giá có vẻ quá cao so với thực tế. Có lẽ họ đánh giá theo tiêu chuẩn tối thiểu. Đặc biệt, HRMI cho điểm khá cho tiêu chí Có công ăn việc làm cho dù thực tế tỷ lệ thất nghiệp cao của người trong độ tuổi lao động.”
Nhận xét tổng thể về báo cáo của HRMI về nhân quyền Việt Nam trong năm 2022, luật sư Nguyễn Văn Đài, người bị buộc sống lưu vong ở Đức từ năm 2019, nói:
“Tổng hợp lại thì cái bản báo cáo này về khía cạnh chất lượng cuộc sống thì nó tạm được, còn tất cả về vấn đề an toàn nhà nước hay là vấn đề trao quyền cho người dân thì họ đánh giá cao hơn cái thực tế, nó tệ hơn nhiều so với những gì mà báo cáo nhân quyền này đưa ra.”
Phóng viên có gửi email tới Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị bình luận về báo cáo của HRMI nhưng không nhận được ngay phản hồi.
HRMI là một sáng kiến khởi xướng từ năm 2016 bởi một nhóm chuyên gia kinh tế, nghiên cứu chính sách công và nhân quyền. Tổ chức này bắt đầu tiến hành khảo sát ở 13 nước vào năm 2017, 19 nước vào năm 2019, 33 nước vào năm 2020, 39 quốc gia năm 2021, và 44 quốc gia trong năm 2022.
Tổ chức này hướng đến việc đo lường có hệ thống tất cả các quyền trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế ở mọi quốc gia trên thế giới.
Thông qua việc đánh giá nhân quyền, tổ chức đang làm sáng tỏ những gì đang thực sự diễn ra, và đưa ra cho các chính phủ một sự đánh giá để khích lệ việc đối xử với mọi người dân tốt hơn.
Mỗi năm, dữ liệu nhân quyền về chính trị và dân sự của tổ chức này lại được tập hợp bằng khảo sát đa ngôn ngữ được soạn thảo cẩn thận, với người tham gia là những chuyên gia địa phương trong lĩnh vực này.
Vụ án Hồ Duy Hải: Chứng cứ vô tội đã có ở trong hồ sơ?
Luật sư Ngô Ngọc Trai
Gửi tới BBC từ Hà Nội
26/7/2023
Nguồn hình ảnh, Nguyen Thi Loan
Chụp lại hình ảnh,
Hồ Duy Hải trong một phiên tòa
Trại tạm giam công an tỉnh Long An được đặt ở xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, cách không xa sông Vàm Cỏ Tây, quanh năm uốn lượn ôm ấp vỗ về.
Tháng tư vừa rồi tôi đã đến đây với mong muốn được vào gặp tử tù Hồ Duy Hải. Sau khi liên hệ thủ tục ở cổng trại và xuất trình giấy tờ, nhân viên trực ban gọi điện thoại đi đâu đó rồi quay ra trả lời từ chối luật sư.
Mặc dù đã dự liệu về việc bị từ chối nhưng tôi không khỏi ngậm ngùi xót xa khi nghĩ về người tử tội đang bị giam cầm nơi này. Không có việc gì khác để làm tôi đứng ngồi loanh quanh một lúc rồi ra về.
Chứng cứ bỏ sót
Khi nhận lời bà Nguyễn Thị Loan nhờ kêu oan, bản thân tôi nhiều lần đã tự hỏi liệu mình có thể làm được gì khi mà vụ án đã được đông đảo dư luận xã hội biết đến.
Vụ án đã quá nổi tiếng với những tình tiết chứng cứ trong hồ sơ đều đã được các luật sư, nhà báo, và những người am hiểu trên mạng xã hội, đưa ra phân tích công khai với những nhận định đánh giá rất có sức thuyết phục.
Bối cảnh của vụ án là như vậy khi mà cũng đã xảy ra được 15 năm, bản thân tôi nghĩ rằng mình sẽ khó thể tìm ra được chứng cứ nào mới, điều có thể làm là đưa ra những nhận định phân tích từ góc độ kinh nghiệm kiến thức bản thân, để làm rõ thêm bản chất của vụ án.
Sau quá trình nghiên cứu về vụ án tới thời điểm này tôi cho rằng cơ sở chứng cứ chứng minh Hồ Duy Hải bị oan đã có ngay trong hồ sơ vụ án. Nhưng để mọi người hiểu ra được vấn đề thì trước tiên xin dẫn lại câu chuyện về một vụ án xảy ra ở nước Anh.
Tôi biết đến vụ án này qua một bộ phim có tựa đề Nhân danh Cha (In the Name of the Father), nội dung phim dựa theo một vụ án oan có thật ở nước Anh, một số người bị bắt với cáo buộc đã tiến hành một vụ đánh bom một quán rượu ở Luân Đôn khiến nhiều người chết.
Trong số những người bị bắt có hai người đàn ông là cha con, dù đã bị kết án có tội họ vẫn không ngừng kêu oan. Sau nhiều năm sự vụ của họ được một nữ luật sư chú ý đến, bà đã nhận lời theo đuổi vụ việc của họ.
Nữ luật sư đã đi tìm kiếm lại những manh mối chứng cứ, cô tìm đến nơi lưu trữ hồ sơ vụ án, đó là một khu lưu giữ tài liệu rộng lớn được quản lý chặt chẽ, sau khi làm thủ tục theo quy định, nhân viên cơ sở lưu giữ đưa cho cô tập tài liệu vụ án.
Một lần khi xem nữ luật sư đã phát hiện ra một tập tài liệu đã không được trưng ra trước tòa tại những phiên xét xử trước đó, trong đó có lời khai nhân chứng có thể cho thấy sự ngoại phạm của các bị cáo.
Từ cơ sở này, nữ luật sư đã đấu tranh để yêu cầu tòa án xét xử lại vụ án, vì những chứng cứ mới chưa được thẩm tra khi xét xử trước đó. Với cơ sở bằng chứng hợp lý mới, cộng với việc bất lâu bị cáo kêu oan, tòa án Anh đã cho rằng cảnh sát trước đó đã cố tình giấu đi những thông tin có lợi cho nghi phạm, làm sai lệch sự thật khiến cho bồi thẩm đoàn khi ấy kết tội oan.
Bởi vậy phán quyết mới được đưa ra bởi một bồi thẩm đoàn mới, tuyên án tha bổng cho nhóm người bị kết án, nhưng lúc này người cha đã chết vì bạo bệnh trong chốn lao tù.
Vụ Hàn Đức Long
Việc cảnh sát điều tra bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án những chứng cứ có lợi cho bị cáo là điều đã từng xảy ra ở Việt Nam, cụ thể là trong vụ án của tử tù Hàn Đức Long tôi đã minh oan trước kia.
Mặc cho bị cáo kêu oan đến khi ra tòa xét xử, cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm, tòa án vẫn tuyên là có tội với án tử hình. Sau đó Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao đã ra quyết định giám đốc thẩm hủy bỏ các bản án để điều tra lại từ đầu.
Quá trình điều tra lại xảy ra sự việc là một điều tra viên thụ lý chính của vụ án bị chết, khi mở tủ hồ sơ của người này thì phát hiện ra một số tài liệu liên quan đến vụ án Hàn Đức Long nhưng bị bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án, khi ấy liên ngành tư pháp đã ngồi họp lại với nhau và thống nhất đưa lại các tài liệu này vào hồ sơ khi đó đang được giải quyết .
Trong tập tài liệu được đánh số từ 1 đến 49 này có một số tài liệu cho thấy giữa ông Hàn Đức Long và hai mẹ con bà cụ hàng xóm là những người đã tố cáo ông Long hiếp dâm đã xảy ra mâu thuẫn đánh nhau.
Do tranh chấp lối đi chung liền kề giữa hai nhà, ông Long đã có hành vi bạo lực tấn công hai mẹ con bà cụ, vụ việc đã được công an xã giải quyết buộc ông Long phải bồi thường cho mẹ con nhà kia.
Thời điểm khi ấy vụ án giết người hiếp dâm cháu bé 5 tuổi mới xảy ra trước đó chừng đôi ba tháng, cảnh sát đang truy tìm thủ phạm, sau thời điểm xảy ra mâu thuẫn đánh nhau chừng một tháng thì hai mẹ con bà cụ có đơn gửi cơ quan điều tra tố cáo từng bị ông Long hiếp dâm.
Từ lời tố cáo ấy ông Long bị triệu tập điều tra bắt giam đã khai nhận hành vi hiếp dâm hai mẹ con bà cụ, ngoài ra còn thừa nhận là thủ phạm giết hại cháu bé 5 tuổi.
Những tài liệu này đã được thu thập ngay từ quá trình điều tra ban đầu nhưng lại không được đưa vào hồ sơ phục vụ quá trình xét xử sơ thẩm và phúc thẩm trước đó.
Dựa trên cơ sở bằng chứng mới khi ấy tôi đã trình bày ý kiến bào chữa cho rằng việc tố cáo hiếp dâm do mâu thuẫn hằn thù gia đình là không đáng tin cậy, nhưng phiên tòa xét xử lại vụ án vẫn bỏ qua, vẫn tuyên bị cáo có tội với án tử.
Sau đấy việc kêu oan vẫn tiếp tục cho tới khi Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao có quyết định giám đốc thẩm lần thứ hai tuyên bố hủy bỏ các bản án để điều tra lại từ đầu.
Quá trình sau đó tôi vẫn kiên trì ý kiến kêu oan cho rằng với chứng cứ mới được đưa lại vào hồ sơ cho thấy lời tố cáo không đáng tin, cộng với việc bị cáo kêu oan trong khi căn cứ buộc tội không có được nhân chứng vật chứng rõ ràng nào ngoài những lời khai báo nhận tội.
Cuối cùng các cơ quan tư pháp đã có nhận định đánh giá lại, cho rằng không đủ cơ sở căn cứ kết tội nên đã đình chỉ điều tra, trả tự do và minh oan cho tử tù.
Lời khai đầu tiên của Hồ Duy Hải
Nguồn hình ảnh, Thang The Le
Chụp lại hình ảnh,
Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, không được vào dự phiên Giám đốc thẩm hôm 6/5. Bà đã đi đòi công lý cho con 12 năm qua
Trở lại với vụ án Bưu điện Cầu Voi, hồ sơ vụ án khi đưa ra xét xử thể hiện lời khai đầu tiên của Hồ Duy Hải là vào 21 tháng 3 năm 2008, biên bản ghi lời khai đó và các lời khai về sau đều có nội dung bị cáo khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Chỉ cho đến khi có Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nội dung kháng nghị mới giúp nhiều người biết được là lời khai đầu tiên của Hải là vào ngày 20 tháng 3 năm 2008.
Tại bản khai này Hồ Duy Hải đã khai về diễn biến việc làm vào tối hôm xảy ra vụ án Bưu điện Cầu Voi, Hải khai tối ngày 13 tháng 1 năm 2008 đã đến đám tang nhà ông Tư Lan gần nhà, trong lời khai đã nhắc đến gần chục người đã tiếp xúc tại đám tang để có thể xác nhận về sự có mặt của Hải.
Lý giải về chứng cứ này, Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao đã lý giải cho biết, lời khai đầu tiên của Hồ Duy Hải trình bày về việc sử dụng thời gian tối hôm xảy ra vụ án, kết quả xác minh Hải khai không đúng sự thật nên cơ quan điều tra không đưa vào hồ sơ xét xử vụ án nhưng được lưu trong hồ sơ nghiệp vụ của cơ quan công an.
Như thế là suốt mười mấy năm kêu oan nhưng gia đình và luật sư đã không biết tới bản khai ban đầu này, rất nhiều người, trong đó bao gồm cả các cán bộ tư pháp đã tham gia công tác xét xử sơ thẩm, phúc thẩm trước đó, đều đã lầm tưởng rằng mọi lời khai của Hải từ đầu đến cuối chỉ là khai nhận tội.
Về sau mới biết lời khai đầu tiên của Hải không những không nhận tội mà còn khai ra những nội dung mà nếu làm rõ có thể chứng minh được sự ngoại phạm của Hải.
Quyết định giám đốc thẩm cho biết cơ quan điều tra đã thẩm tra xác minh cho kết quả Hải khai không đúng sự thật nhưng không cho biết là cơ quan điều tra đã thẩm tra xác minh như thế nào.
Sau khi có quyết định giám đốc thẩm, khi thông tin về lời khai đầu tiên được nêu ra, luật sư Trần Hồng Phong là người giúp kêu oan cho tử tù khi ấy đã tìm về địa phương, tìm gặp và lấy lời khai của những người mà Hải đã nhắc tên trong lời khai đầu tiên.
Mọi người đã xác nhận rằng đúng là Hải đã có mặt tại đám tang nhà ông Tư Lan trong buổi tối hôm xảy ra vụ án.
Nhưng nội dung xác nhận của các nhân chứng này chỉ có được sau khi quyết định giám đốc thẩm đã ban hành và giá trị pháp lý chưa rõ liệu sẽ được đánh giá ra sao.
Đến bây giờ sau khi nghiên cứu về vụ án, tôi cho rằng chứng cứ biên bản lời khai đầu tiên không nhận tội đã giúp củng cố niềm tin nhận định về việc oan sai.
Cộng với việc bằng chứng dấu vân tay của Hải không trùng khớp với dấu vân tay của nghi phạm thu giữ được ở hiện trường vụ án, tổng hợp lại chính là những bằng chứng cho thấy Hồ Duy Hải vô tội.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-66298057
Chuyên gia Mỹ gốc Việt đứng đầu nghiên cứu về 8 yếu tố giúp sống thọ thêm 24 năm
An Tôn - VOA
26/7/2023
Binh sĩ Mỹ huấn luyện thể chất tại căn cứ Ft. Bragg, bang North Caroline, tháng 1/2023 (AP Photo/Chris Carlson)
Một nghiên cứu mới, do chuyên gia Mỹ gốc Việt Xuan-Mai T. Nguyen đứng đầu và được công bố hôm 24/7 tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ ở Boston, cho thấy áp dụng 8 thói quen lành mạnh khi đến tuổi trung niên có thể giúp sống thọ thêm tới 24 năm.
Cuộc nghiên cứu thu thập dữ liệu từ hơn 719.000 cựu chiến binh trong giai đoạn 2011-2019 chỉ ra 8 thói quen tốt là tích cực vận động thể chất, không nghiện chất ma túy giảm đau (opiod), không hút thuốc, quản lý tâm trạng căng thẳng (stress), chế độ ăn uống tốt, không uống rượu bia kéo dài, ngủ đủ giấc và có những mối quan hệ xã hội tích cực.
Theo kết quả nghiên cứu, đàn ông có đủ 8 thói quen ở tuổi 40 được dự báo sẽ sống thọ thêm 24 tuổi so với đàn ông hoàn toàn không có thói quen nào như vậy. Phụ nữ có toàn bộ 8 thói quen ở tuổi trung niên được dự báo tăng tuổi thọ thêm 21 năm so với phụ nữ không hề có các thói quen đó.
Bà Xuan-Mai T. Nguyen, chuyên gia khoa học sức khỏe thuộc Bộ Cựu chiến binh Mỹ, cho VOA biết qua email rằng đội ngũ nghiên cứu do bà đứng đầu đã chọn thực hiện đề tài này vì “chúng tôi muốn cung cấp cho các cựu chiến binh thêm thông tin để cải thiện sức khỏe của họ hơn nữa ngoài việc ‘ăn uống lành mạnh và tập thể dục’”.
Nữ chuyên gia 39 tuổi sinh ra ở Mỹ nói thêm với VOA: “Chúng tôi muốn lượng hóa những lợi ích tiềm tàng đối với các cựu chiến binh/bệnh nhân để hiểu rõ sự thay đổi lối sống lành mạnh có gắn bó thế nào với sức khỏe của họ. Vì vậy, chúng tôi nhắm đến xem xét kết quả là tuổi thọ và vòng đời vì mọi người thường muốn sống lâu hơn”.
Bà Xuan-Mai T. Nguyen, chuyên gia khoa học sức khỏe thuộc Bộ Cựu chiến binh Mỹ
Bà Mai, người có bằng tiến sĩ của Đại học Cornell và dự kiến sẽ nhận bằng bác sĩ vào tháng 4/2024 của trường y Carle Illinois College of Medicine, nhấn mạnh rằng “sự thay đổi về lối sống không đòi hỏi phải dùng thuốc men hay can thiệp của bác sĩ, hoàn toàn nằm trong tay của bệnh nhân/cựu chiến binh”.
Kết quả cuộc nghiên cứu được nhiều báo, đài ở Mỹ đưa tin, bao gồm cả CNN, CBS…, theo quan sát của VOA. Bà Mai nói với VOA rằng bà hy vọng việc các báo, đài đưa tin “sẽ giúp tạo động lực và trao thêm sức mạnh cho mọi người tạo ra sự thay đổi”.
Nói trong một thông cáo báo chí về cuộc nghiên cứu, được các đài, báo Mỹ đăng lại, bà Mai cho hay: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy là áp dụng lối sống lành mạnh thật quan trọng đối với sức khỏe của công chúng lẫn của cá nhân. Càng áp dụng sớm càng tốt, nhưng ngay cả khi ta có một thay đổi nhỏ ở tuổi 40, 50 hay 60, điều đó vẫn có ích lợi”.
Nhà khoa học nữ người Mỹ gốc Việt cho VOA biết rằng các bước tiếp theo là bà cùng đội ngũ của mình sẽ tìm hiểu 8 yếu tố kể trên có mối quan hệ thế nào với các nhóm bệnh nhân mắc bệnh mãn tính khác nhau, chẳng hạn như những người bị bệnh tim mạch hay tiểu đường, v.v… “Chúng tôi cũng hy vọng tiếp tục thu thập các đo lường về 8 yếu tố đó để nghiên cứu về những thay đổi theo thời gian”, bà nói.
Bà Mai sinh ra ở Sacramento, California, với cha mẹ - ông Canh Minh Nguyen và bà Ngoc-Nhung Viec - đều là người Việt chạy tị nạn khỏi Việt Nam do chiến tranh năm 1975. Bố mẹ bà Mai gặp nhau và kết hôn ở Mỹ, bà cho biết.
https://www.voatiengviet.com/a/chuyen-gia-my-goc-viet-dung-dau-nghien-cuu-ve-8-yeu-to-giup-song-tho-them-24-nam/7198878.html
Không có nhận xét nào